Mùa Xuân Ở Căn Nhà Cũ

Chương 11: Không phải ‘rau’ của tôi



Vì sự xuất hiện của Tông Lãng mà Trình Nặc đột nhiên nhớ ra, mình còn chưa trả tiền đồ ăn cho anh, thế là nhẩm tính tiền hái rau củ cùng với đồ mua được trên trấn, sau đó gửi tin nhắn riêng rồi gửi thêm bao lì xì hai trăm đồng cho Tông Lãng, ghi rõ là tiền mua đồ ăn. Sau khi gửi đi, thấy Tông Lãng nhanh chóng nhận tiền.

Trình Nặc nghĩ, không biết có phải anh cố xuất hiện trong group, nhắc nhở cô trả tiền không nữa.

Thoát Wechat, ngủ. Ngày mai còn phải dậy sớm trồng rau đây.

Một đêm ngủ ngon, ngày hôm sau, lại một ngày nắng đẹp.

Đất hoang không đủ độ màu mỡ, cô nhổ cỏ chất thành đống đốt đi. Đốt xong còn dư lại tro, đó là phân bón tự nhiên tốt nhất.

Trong thời gian đợi cỏ cháy hết, cô chuyển ghế tre ra, ngồi trong sân trước, lột vỏ từng tép tỏi mình đã mua.

Nắng mùa thu thật chan hòa, cẩn thận lắng nghe, xa xa lại có tiếng ve sầu râm ran. Những bông hồng trên tường theo gió khẽ rơi xuống mấy cánh hoa, nhẹ nhàng rơi xuống gạch phủ đầy rêu xanh.

Lại trồng thêm vài cây ăn quả, chỉ cần là đất màu nơi này thì có thể trồng được. Nghĩ đến cây ăn quả, cô lại nhớ đến mấy bụi thạch lựu kia, sai nhiều trái vậy mà không ăn hết, lãng phí quá. Hái vào ngâm thành rượu lựu cũng được đấy nhỉ.

Vừa nổi hứng, cô lập tức rút điện thoại ra search baidu xem cách ủ rượu lựu. Tính toán cần mua dụng cụ gì, ghi nhớ lại, lần sau lên trấn mua về.

Đợi đốt sạch cỏ thì lại đi trồng tỏi, nhưng lúc này mới nhớ dụng cụ mượn hôm qua đã trả lại hết rồi. Cô đành phải đi mượn tiếp, người khác cô không quen nên chỉ biết đi tìm ba người trong đội thi công cao tuổi.

Nhà chú La gần đây, nhưng Trình Nặc thấy chú ấy luôn sầm mặt nên thôi, đến nhà chú Lưu.

Trong nhà chú Lưu chỉ có mỗi chú cùng vợ già, con cái đều đã chuyển đi.

Lúc Trình Nặc đến, vừa hay chú Lưu có mặt ở nhà, nhiệt tình chào đón cô.

Trình Nặc nói rõ ý đồ, chú Lưu vội lấy dụng cụ nông nghiệp nhà họ ra, “Muốn gì thì cứ chọn đi!”

Trình Nặc bảo chỉ cần cuốc là được, có điều mượn rồi cũng không thể đi ngay, cô nán lại nói chuyện với chú Lưu mấy câu.

“Bác gái đâu ạ, sao không thấy đâu?”

Chú Lưu nói đang đi làm ở lều lớn, “Bà ấy không thích ở yên, ngày nào cũng qua đó làm việc.”

Trình Nặc hỏi chú: “Là lều lớn chỗ Tông Lãng ấy ạ?”

Chú Lưu: “Đúng thế, người trên cù lao này đa phần đều đến lều cậu ta làm việc. Đã lớn tuổi cả rồi, đi nơi khác cũng không tìm được việc làm. Mà lều của cậu ta cách đây cũng gần, không cần phải qua sông. Tiền công cũng không thấp, một ngày sáu mươi đồng, buổi trưa còn bao cơm.”

Trình Nặc ồ một tiếng, bụng nghĩ thì ra Tông Lãng còn giải quyết cả vấn đề công việc của người trên cù lao.

“Vốn dĩ chú cũng làm ở đó đấy, có điều Tông Lãng đến tìm chú nhờ, sửa nhà cho cháu đấy, nên mấy ngày nay mới không đi.”

Trình Nặc nghe ra ý của chú ấy có mấy phần không bỏ được lều lớn, cười nói: “Chú Lưu cứ yên tâm, cháu cũng bao bữa trưa luôn!”

Chú Lưu nghe thế thì cười to, “Hóa ra lại tốt thế cơ à, bữa cơm tối qua cháu làm ngon lắm, làm con sâu ham ăn trong chú chui ra rồi này, còn ngon hơn tiệm cơm trên trấn nhiều!”

Trình Nặc lại trò chuyện đôi câu, vừa định về thì thấy dưới chân tường trong sân nhà chú Lưu có mấy hũ sành cũ. Cô mặt dày xin chú Lưu một cái.

Chú Lưu nói: “Cháu thích cái này hả? Mấy thứ này bọn chú muốn vất mà cũng không biết vất đâu, cháu lấy thì tốt quá, cứ cầm đi.”

Trình Nặc vui vẻ, liên tục nói cám ơn, rồi chia mấy chuyến chuyển đống hũ sành kia về.

Sau khi về, cô gieo tỏi trước. Rồi lại bất chợt linh cảm dâng trào, cô chuyển ghế ra, dùng đồ cố định điện thoại, camera nhắm thẳng vườn rau, quay một đoạn video trồng tỏi.

Cô muốn làm một bản ghi chép, ghi lại tất cả mọi thứ ở căn nhà cũ này.

Trồng tỏi xong, cô chuẩn bị rải hạt giống cải trắng, nhưng lại phát hiện ra mình quên mua tấm màng nhựa. Mùa này nếu không có màng đậy thì hạt giống sẽ khó mà nảy mầm được. Vậy là đành bỏ đi, định chiều ghé lên trấn mua rồi về trồng sau.

Thời gian rảnh còn lại, cô chuyển mấy hũ sành đến bên giếng, múc nước, nghiêm túc cọ rửa. Có đến bảy tám hũ sành, có cái bị sứt mẻ, có cái vẫn nguyên vẹn.

Có lẽ trước đây chúng được dùng để muối rau, để ở bên ngoài lâu nên dính không ít bùn bẩn. Trình Nặc cẩn thận rửa sạch từng hũ một, chọn một hũ thân cao dáng nhỏ, múc đầy nước, rồi lại ra ngoài tường trong sân ngắt mấy bông hồng cắm vào. Sau đó cô chuyển bàn vuông ở phòng bếp về sân trước, đặt hũ sành lên trên, trông lại càng hợp.

Trình Nặc xúc động, lại rút điện thoại ra chụp mấy tấm. Đột nhiên có âm thanh thông báo của Wechat, mở ra nhìn, là tin nhắn group Tiểu Phân Đội, Bạch Nguyên nhắn vào, nói hôm nay mình không thể tới trồng rau giúp cô được.

Trình Nặc trả lời không sao, rồi lại gửi video và ảnh vừa chụp ban nãy qua cho cậu xem.

Bạch Nguyên gửi lại một biểu tượng khen ngợi, lại nói: Có điều chị yên tâm, nhất định bắt đầu từ mai em sẽ tới!

Trình Nặc cười trả lời được, rồi hỏi: Cậu có biết ở đâu bán công cụ làm nông không, cứ mượn người ta hoài cũng không hay lắm.

Mãi vẫn không thấy Bạch Nguyên trả lời, Trình Nặc đoán chắc cậu ta đang bận, thế là đặt điện thoại xuống, tiếp tục thu dọn mấy cái hũ kia. Rửa xong thì đặt ở sân trước cho ráo.

Trong bãi đất hoang ở ngoài sân mọc đầy cúc hoang. Cô hái một bó to về, chia nhau ra cắm trong hai chiếc hũ. Hũ sành kiểu cổ phối thêm cúc hoang xanh vàng, nhìn vào rất có phong tình.

Tâm trạng Trình Nặc rất tốt, lại tách tách chụp thêm mấy tấm.

Lại mở Wechat ra, Bạch Nguyên vẫn chưa trả lời, nhưng hơn mười phút trước Tông Lãng đã nhắn: Tôi biết.

Không hiểu sao, theo bản năng Trình Nặc không muốn tiếp xúc với Tông Lãng. Nhưng tránh đâu có khỏi, anh ta còn sửa nhà hộ cô mà.

Trình Nặc nghĩ, ngoài sửa nhà ra, không nên có tiếp xúc gì khác với anh ta nữa cả. Hàng xóm bình thường thôi, không nên qua lại thân thiết quá.

Cô không trả lời, chuẩn bị đặt điện thoại xuống.

Nhưng thế sự mà, sẽ luôn khiến người ta phải giật mình.

Cô vừa đặt điện thoại xuống thì nghe thấy bên ngoài sân có tiếng xe ba bánh nổ brum brum. Một giây tiếp theo, Tông Lãng đã đứng ở ngoài gọi cô.

“Trình Nặc!”

Trình Nặc sợ hết hồn, suýt nữa đã thả điện thoại xuống đất. Hốt hoảng chạy vào phòng, lại chạy vào nhà, sau nghĩ lại thấy không ổn, chắc anh ta đã thấy mình rồi, thế là phải chạy ra lại, lúng túng cười với Tông Lãng ở ngoài.

“Sao anh lại tới đây?”

Trình Nặc đừng ở chỗ nứt ở đầu tường, trên mặt lại đeo kính râm, nhếch miệng cười, có thể nhận ra anh ta đang rất vui.

“Vừa hay tôi phải đến trấn trên, có thể thuận tiện chở cô đi mua đồ làm nông.”

Trình Nặc vội nói: “A, không cần đâu, tôi định… mai mới đi mua.”

Anh nhướn mày, “Không phải mai bắt đầu làm việc rồi à, cô có rảnh hả?”

Trình Nặc ồ một tiếng, hình như là không.

“Đi thôi.” Anh nói, “Nếu trễ là không kịp chuyến phà giờ này đâu.”

Trình Nặc thấy mình như con vịt bị lùa đi, nếu không đồng ý thì có vẻ không hợp lẽ lắm, dẫu sao người ta cũng có lòng tốt đến giúp cô.

“Vậy cũng được, đợi tôi đi lấy túi.”

Cô vào nhà lấy túi, đóng cửa trước cửa sau lại, rì rì đi đến bên xe ba bánh, lúc này mới nhìn thấy, phía sau xe lại chất đầy rau củ.

Tông Lãng không lên tiếng, dịch mông qua một bên, để dư chỗ trống cho cô.

Trình Nặc ngồi lên, không hiểu sao mà cô rất không tự nhiên, cả người như cứ sắp rơi ra ngoài xe đến nơi. Đường hôm nay lại còn rất xóc nảy, cô nghĩ lại thật, lúc trước ngồi xe này cũng đâu có chòng chành đến thế.

“Ngồi cho vững đi, ngã là tôi không chịu tiền thuốc thang đâu đấy.”

Trình Nặc siết chặt tay vịn ở bên cạnh, căng thẳng suốt đường đi, mãi đến khi lên phà, Tông Lãng xuống xe thì cô mới thả lỏng.

Tông Lãng gặp người quen nên đi nói chuyện. Trình Nặc mơ hồ nghe thấy người kia hỏi Tông Lãng cô là ai. Tông Lãng quay đầu nhìn cô rồi mới đáp: “Mới chuyển đến.”

Người kia nói tiếp: “Còn có người chuyển đến hả? Có điều trông đẹp đấy, kết hôn chưa?”

Tông Lãng nói gì đó, nhưng bị gió biển cuốn đi rồi.

Người kia cười với vẻ mờ ám, “Ở lầu gần nước đấy nha*…”

(*Nguyên câu là 近水楼台先得月 – ở lầu gần nước thì nhìn thấy ánh trăng đầu tiên: ý chỉ người đầu tiên được hưởng lợi khi ở gần cái lợi.)

Tông Lãng không lên tiếng, một lúc sau, Trình Nặc mới nghe thấy câu nói do gió biến đưa đến.

“Không phải ‘rau’ của tôi*.”

(*Có thể hiểu là không phải tuýp người của tôi.)

Chỉ năm chữ nhẹ nhàng, Trình Nặc nghe được lại cảm thấy rất tốt. Nhưng trong lòng vẫn khó chịu, cô rút điện thoại ra soi, tóc ngắn ngang vai, mặt trái xoan, ngũ quan bình thường, nhưng cũng được xem là thanh tú. Cô nghĩ, với dáng người của mình, lại còn có người chê sao?

Bỗng nhớ đến Lâm Dĩ An, có lẽ là có người chê thật, nếu không sao anh ta lại…

Những ngày qua, cô cố gắng không để bản thân phải nghĩ đến Lâm Dĩ An, không nghĩ đến Đinh Gia, vì hễ nghĩ đến là trái tim lại quặn đau. Mà tim đau đớn, thì cô sẽ khóc.

Cô không thích khóc, lớn thế rồi, số lần cô khóc có thể đếm được trên đầu ngón tay. Cô không muốn phải khóc vì hai kẻ đã làm tổn thương mình.

Nên chỉ có thể đừng nghĩ đến, không thèm nghĩ tới thì sẽ không khóc. Nhưng vào lúc này, tâm trạng cô lại bị một câu nói của Tông Lãng làm xáo trộn, hốc mắt cay xè.

Tiếng còi vang lên, phà sắp cập bến rồi. Tông Lãng quay về, lơ đãng trống thấy mắt cô đỏ ửng.

“Sao vậy?” Anh hơi bất ngờ.

Trình Nặc dụi mắt, “À, cát bay vào mắt.”

Tông Lãng ngạc nhiên nhìn bốn phía, đang ở trên mặt sông, lấy đâu ra cát?

Lúc lên bờ, Tông Lãng nói phải đưa rau củ trên xe đến tiệm cơm trước đã, sau đó sẽ dẫn cô đi mua công cụ.

Trình Nặc nói được, rồi hỏi: “Rau anh trồng đều bán cho tiệm cơm hết à?”

Tông Lãng nói không phải, “Số lượng ở tiệm cơm quá ít, đa số đều kéo ra chợ bán sỉ.”

Trình Nặc ồ một tiếng, không hiểu rõ lắm, nếu không phải thế thì sao còn đưa đến tiệm làm gì. Nhưng cô cũng không tiện hỏi lại.

Không chỉ đưa rau cho một tiệm nên Trình Nặc đi theo, cuối cùng mới phát hiện, có một phần rau củ là đưa cho ông chủ mập ở quầy thịt nướng ngoài bến kia.

Ông chủ mập đang bận rộn, lúc thấy hai người họ ngồi trên xe ba bánh xuất hiện thì ngạc nhiên tới nỗi cằm rớt xuống đất.

“Sao, sao hai người lại đi với nhau?!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.