Mùa Xuân Ở Căn Nhà Cũ

Chương 24: Xem kịch



Không thể tay không đến nhà Bạch Nguyên được, Trình Nặc bèn vào siêu thị mua ít đồ. Tông Lãng đi theo cô, xách đồ giúp.

Lúc mua nhà Trình Nặc có đến nhà Bạch Nguyên rồi, song cũng chỉ một lần mà thôi, hôm nay vòng tới vòng lui mãi mà vẫn chưa tìm ra.

Cô bực bội, đứng ở ven đường không đi nữa.

“Sao thế?” Tông Lãng hỏi cô.

Trình Nặc nhìn hòn đá trên mặt đất, nói: “Đi mệt rồi, nghỉ ngơi một lúc.”

Tông Lãng cười, chỉ vào ngôi nhà nhỏ hai tầng ở sau lưng cô, “Đã đến nơi rồi, chẳng bằng vào nghỉ?”

Trình Nặc ngoái đầu nhìn, mới phát hiện đã đến nhà Bạch Nguyên từ bao giờ. Ở đây toàn là nhà lầu xây giống nhau, nên ban nãy cô mới không nhận ra.

Cổng sân để mở, hai người Trình Nặc mới vào cổng thì Bạch Nguyên đã chạy ra đón.

“Chị Trình Nặc, cuối cùng chị cũng đến rồi! Bà cụ nói nãy giờ đấy, nói nhất định là chị lạc đường rồi, cứ khăng khăng bảo em đi đón.” Thấy Tông Lãng lại hỏi: “Anh chị đi với nhau à, hay là gặp trên đường?”

Tông Lãng nói: “Đi cùng.” Vừa nói vừa đưa đồ trong tay cho Bạch Nguyên.

Bạch Nguyên nhận lấy, cười nói: “Mang đồ làm gì chứ, đây đâu phải phong cách của anh chứ anh Lãng.”

“Đúng là không phải phong cách của anh, Trình Nặc mua đấy.”

“Em biết ngay mà, chị tốn kém quá rồi.”

Trình Nặc: “Cũng không biết bà cụ thích ăn gì nên chọn nhiều đồ hợp khẩu vị người già.”

Bạch Nguyên mời họ vào nhà, bà lão đã chờ sẵn rồi. Thấy Trình Nặc tới thì ngoắc tay với cô: “Lại đây lại đây, để cụ xem có lên cân không nào.”

Trình Nặc ngồi xuổng xuống bên cạnh bà lão, cười hỏi: “Bà ơi, bà thấy cháu tăng cân ạ?”

Bà lão lắc đầu, “Gầy! Phải ăn nhiều vào, phụ nữ mập chút mới phải chứ, sau này dễ đẻ!”

Nụ cười trên mặt Trình Nặc đông cứng đi trong thoáng chốc, “Được ạ, nhất định sau này cháu sẽ ăn nhiều.”

Nhà họ Bạch là đại gia đình, Bạch Nguyên còn có một người chị đang làm việc ở bên ngoài. Bố mẹ làm buôn bán lẻ ở trấn trên, theo lời Bạch Nguyên, cậu có ba người bác trai và hai người cô, đời ông nội có đến tám anh chị em, mỗi người khai chi tán điệp, tính ra cũng gần trăm người. Vì bà cụ vẫn còn sống nên liên lạc rất thường xuyên, không hề lạnh nhạt. Cứ tới các ngày lễ tết là trong nhà lại đông như trẩy hội, người này ăn xong đi ra là lại có người khác ngồi xuống bắt đầu ăn, vô cùng sôi nổi.

Trình Nặc cũng đã gặp bố mẹ của Bạch Nguyên rồi, là một đôi vợ chồng rất nhiệt tình, buổi tối ăn cơm cứ liên tục gắp đồ vào bát Trình Nặc, chất thành một đống, Trình Nặc ăn không hết mà cũng không tiện để dư, chỉ đành cố nhét hết vào bụng. Ăn xong bữa cơm mà có cảm giác cạp quần chật cứng.

Cơm nước xong xuôi thì cũng vừa vặn đến giờ khai mạc sân khấu. Cách không xa, ở ngay quảng trường trước mặt nhà Bạch Nguyên.

Bạch Nguyên vác chiếc ghế lớn đi trước chiếm chỗ đẹp, sau đó mới về đỡ bà lão sang. Vì ngày mai phải dậy sớm nên bố mẹ Bạch Nguyên không đi cùng.

Trình Nặc cũng cầm theo chiếc ghế nhỏ chậm rãi đi theo sau, vì ăn quá nhiều nên không dám đi nhanh. Tông Lãng lại còn chậm hơn cả cô, đi theo sau cô gọi điện thoại. Trình Nặc nghe thấy anh nhắc tới xe, lập tức nghĩ đến chuyện ngày mai phải đến trấn trên lấy cửa sổ.

Tông Lãng cúp máy rồi chạy lên, nhận lấy chiếc ghế trong tay cô.

“Đã liên lạc xong xe rồi, tám giờ sáng mai, lên đường thẳng từ trấn.”

“Cám ơn anh.” Cô đáp. Câu cám ơn này là xuất phát từ nội tâm, nếu không phải có anh sắp xếp cho, thì một người không quen biết ai ở trấn trên này như cô cũng chẳng biết phải đi đâu mà tìm xe.

“Cám ơn thì không cần.” Tông Lãng cười nhìn cô, “Cho lợi ích thiết thực nào khác đi.”

Trình Nặc thấy kỳ lạ, không phải anh ta không thích cô hở một tí là nói trả tiền à, có điều ngoài miệng vẫn đáp: “À, được, ngày mai tính tiền công, tiền xe tôi cũng trả, anh yên tâm.”

Tông Lãng đi lên trước cản đường cô, cúi đầu mặt đối mặt với cô, “Ngoài trả tiền ra, cô không nghĩ ra được cách cám ơn nào khác à?”

Trình Nặc không ngờ anh lại đột nhiên cản đường, suýt nữa thì va phải anh, sau khi đứng vững lại lùi về sau hai bước, “Thế anh muốn cám ơn thế nào?”

“Mời tôi ăn cơm.”

Trình Nặc ngẩn người, “Được, anh muốn ăn gì, trưa mai tôi làm.”

Tông Lãng nói không được, “Cơm trưa vốn phải có, cô phải mời tôi cơm tối.” Thấy Trình Nặc có vẻ không muốn lắm, anh lại nói: “Cô không biết đấy thôi, tôi chỉ có một mình nên buổi tối rất lười nấu cơm, đều chỉ ăn uống qua loa. Nếu cô muốn cám ơn thật, coi như làm phước cho tôi, mời tôi ăn cơm tối đi.”

Trình Nặc nghĩ chỉ là một bữa ăn thôi mà, cũng không có gì nên gật đầu đồng ý.

Tông Lãng lấy được câu trả lời khẳng định mới tránh đường, khóe miệng cong lên thầm vui vẻ.

Đến quảng trường nhỏ nơi dựng sân khấu thì thấy đã có rất nhiều người. Vị trí Bạch Nguyên giữ chỗ cho bà lão nằm ngay trước sân khấu. Nơi đó gần như đã bị chiếm hết. Trình Nặc và Tông Lãng chỉ đành phải ngồi xuống ở hàng cuối. Người rất đông, gần như đều là người già và trẻ nhỏ.

Người già là đến nghe kịch, còn tụi nhóc là tới ham vui. Còn người trẻ tuổi như mấy người Trình Nặc thì hầu như không có.

Trình Nặc ngồi trên ghế nhỏ, nghe trên đài ê a hát hí văn không hiểu mô tê gì, nhớ lại thời còn bé. Mỗi lần đi nghe kịch với bà nội, bà nội đều mua cho cô một bì hạt dưa nhỏ để cô giết thời gian. Đôi khi vào mùa hè có nhiều muỗi, bà nội sẽ cầm quạt lá, vừa nghe kịch vừa đuổi muỗi cho cô. Tới khi kịch tan thì cùng mọi người trong thôn bật đèn pin đi về, đêm tối là vậy, nhưng dù không có đèn đường cũng không thấy sợ.

“Ăn hạt dưa không?” Tông Lãng bất chợt hỏi cô, trong tay cầm một chiếc túi, bên trong có mấy loại hạt dưa, cũng không biết là mua lúc nào nữa.

Trình Nặc bất ngờ, chọn bì không vị, “Cám ơn.”

Tông Lãng nói đừng cám ơn, “Đến những nơi thế này thì phải cắn hạt dưa, dù sao nghe cũng không hiểu, tới góp vui thôi.” Anh dừng lại rồi nói tiếp: “Lúc bé tôi cũng thường đến nghe kịch với ông nội, lần nào ông cũng mua hạt dưa cho tôi.”

Mắt Trình Nặc sáng lên, “Thế hả, hồi bé tôi cũng vậy, hay đi xem kịch với bà, lần nào bà cũng mua hạt dưa cho tôi cả!”

“Kịch còn chưa diễn tới nửa thì đã ăn hết hạt dưa rồi, sau đó ngồi cạnh gật gà gật gù.”

“Tôi cũng thế, ngồi ở nơi đó cũng ngủ được, trên sân khấu hát mà cứ như thôi miên à.”

“Lần nào về tôi cũng nói lần sau sẽ không đi theo xem nữa, nhưng đến lần sau lại vẫn chạy theo sau mông.”

“Ha ha, tôi cũng vậy. Lần nào về cũng nói với bà nội, lần sau cháu không đi với bà nữa. Nhưng chỉ cần nghe bà nội bảo có nơi lại dựng sân khấu là trong lòng ngứa ngáy rồi.”

“Bởi vậy lần này tôi nghe nói có sân khấu nên muốn tới xem, ôn lại chuyện thời tấm bé.”

Trình Nặc lại định nói tôi cũng thế, thì đột nhiên phát giác anh đang nhìn mình, ánh mắt cháy rực. Tim lại đập trật một nhịp, cô vội chuyển tầm mắt lên sân khấu, cắn hạt dưa ăn, che giấu sự bất an của mình.

Tông Lãng không nói gì thêm, cũng cắn bì hạt dưa như cô. Có điều anh không ăn mà đổ toàn bộ vào trong túi tiện lợi, sau đó cúi đầu nghiêm túc bóc vỏ, gạt toàn bộ phần nhân vào trong bì.

Kịch hát đến hơn mười giờ thì Bạch Nguyên chạy tới, nói bà cụ mệt rồi, cậu phải đưa bà về nghỉ trước.

Trình Nặc đứng lên muốn đi cùng Bạch Nguyên. Góp vui rồi, vẫn không xem hiểu kịch, không cần phải ở lại nữa. Hơn nữa, cô không dám ở một mình với Tông Lãng, cứ luôn cảm thấy thiếu không khí, ngay đến hô hấp cũng khó khăn.

Cô muốn đi, dĩ nhiên Tông Lãng cũng không ở lại nữa, xách ghế đi theo sau. Trình Nặc đỡ bà cụ chầm chậm đi về, Bạch Nguyên vác ghế lớn về trước mở cửa.

Bà lão quen ngủ sớm nên giờ đã thấm mệt, “Lần sau không đến góp vui nữa, lớn tuổi rồi không chịu nổi.”

Trình Nặc cười không ngừng, “Bà ơi, xem chừng bà còn khỏe ơn thanh niên tụi cháu đấy chứ.”

Bà lão cũng cười, “Lúc bà còn trẻ còn biết hát hai đoạn, bây giờ không được rồi.”

Về đến nhà, mẹ Bạch Nguyên dậy, chăm sóc cho bà lão lên giường ngủ. Bạch Nguyên dẫn Trình Nặc lên tầng hai xem phòng, “Đây là phòng của chị em, chiều nay mẹ em mới thay drap, cũng vệ sinh quét dọn rồi, chị Trình Nặc cứ ở đây đi.”

Trình Nặc nói: “Làm phiền mẹ cậu quá.”

Bạch Nguyên đáp không sao, “Mẹ em thích con gái không thích con trai, chị em lại lâu ngày không về, bà muốn dọn dẹp căn phòng này cũng không có cơ hội, giờ có chị đến nên mới được dịp dọn dẹp đấy.”

Tông Lãng và Bạch Nguyên ở cùng một phòng, sát ngay cạnh căn phòng của Trình Nặc.

Nhà vệ sinh ở tầng dưới, Trình Nặc đi rửa mặt trước, lúc về thì thấy Tông Lãng đứng trước cửa phòng cô, hình như là đang đợi cô.

Cô dừng chân, “Có chuyện gì à?”

Tông Lãng đưa bì hạt dưa cho cô, “Quên đưa cho cô.”

Trình Nặc toan nói không ăn thì anh đã nhét vào trog tay cô. Miệng bì để mở, cô cúi đầu nhìn, bên trong là nửa bì nhân hạt dưa.

Lúc xem kịch, anh chỉ mải mê bóc vỏ hạt dưa, cô còn tưởng anh thích bóc ra để ăn một lúc, không ngờ lại là cho cô.

“Cám ơn.”

Tông Lãng cười, “Đừng khách khí, đừng quên tối mai mời tôi ăn cơm là được.”

Nói rồi cũng không đi mà đứng chôn chân ở đó. Vừa vặn chặn ngay cánh cửa, Trình Nặc cũng không vào được, cô hỏi: “Còn việc gì à?”

Anh lắc đầu.

Không có việc gì thì còn không đi đi, đứng đây làm gì? Nhưng cô không tiện hỏi thẳng mà chỉ uyển chuyển nói: “Mai còn phải dậy sớm, đi nghỉ sớm thôi.”

Anh ừ một tiếng, song vẫn cứ nán lại.

Cô nhìn anh với ánh mắt nghi vấn: Sao anh chưa đi đi? Sao vẫn chưa đi.

Anh cười, “Không muốn ngủ thì phải làm sao đây, chỉ muốn nhìn cô thôi.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.