Quan Siêu ra Bắc tham gia đợt chiêu sinh sớm bậc cao đẳng của học viện thuộc cùng cơ cấu với xí nghiệp Hàng Thiên. Do có tố chất vận động quá tốt, thế nên cậu chàng may mắn vớt được vé chót vào trường.
Trường theo chế độ quân sự, khai giảng sớm 2 tuần.
Tôi cất công từ nhà bà chạy đến ga tàu đưa tiễn, Diệc Phi không xuất hiện.
Ba của Quan Siêu khòm người xách hành lý. Mấy ngày nữa chú ấy cũng sẽ lên đường đi Châu Phi. Chú khẩn nài rất dữ để được khởi hành trễ hơn vài ngày mới có thể ra tiễn Quan Siêu, nhưng cũng không thể đưa cậu ấy đến tận trường.
Quan Siêu trước khi lên tàu có chần chừ một thoáng, nhưng rốt cuộc vẫn không quay lại ôm chú ấy. Lúc đoàn tàu bắt đầu rùng rùng nổ máy, San San gục vào vai tôi khóc nức nở.
Quan Siêu nhìn chúng tôi, trên miệng treo nụ cười bơ phờ, tay vẫy vẫy. Cậu ấy nói không phát ra tiếng: "Khoẻ mạnh cả nhé."
Năm ấy, lúc lên đường rời nhà, thật ra Quan Siêu có rất nhiều lời muốn nói mà đã không nói với ba cậu ấy.
Cậu ấy mở miệng mấy lần, nhưng rốt cuộc vẫn không thốt ra được.
Hai người quá ít trò chuyện, những chuyện họ làm vì nhau, những tổn thương họ gây cho nhau đều thật khó có thể hé răng nói thành lời. Nhưng, Quan Siêu rất muốn nói với ông ấy: Những gì ba làm, con đều biết.
Cậu ấy muốn nói: con biết, lúc thi cấp 2, trường con em cán bộ Hàng Thiên quy mô nhỏ, số học sinh ít, vốn không có suất ưu tiên gì cho học sinh có năng khiếu thể dục. Năm đó, là ba bỏ xuống chút thể diện cuối cùng, đi nài xin phó giám đốc xí nghiệp bấy giờ đang lo mảng sinh hoạt. Đó là người bạn học ba đã không nói chuyện mười mấy năm. Ba ép đến ông ấy hết cách, phải vào thành phố cố gắng kéo cho xí nghiệp thêm một suất tuyển năng khiếu thể dục. Nên con mới có thể vào Trung học số 9.
Cậu ấy cũng muốn nói: Con lên cấp ba, ba cai rượu, trở lại đội xe, ba năm đưa rước con đi học chưa từng có hôm nào vắng, con đều biết. Trước đây ba là một ông bố tồi, nhưng từ lúc ấy ba thật lòng muốn làm lại. Con biết.
Cậu ấy còn muốn nói: Con biết, nếu như có thể được, ba cũng muốn làm một người bố tốt, một phụ huynh tốt. Có lẽ chỉ là lúc ấy ba không có khả năng đó, cũng có lẽ lúc ấy ba còn chưa hiểu lẽ. Nhưng cũng đã qua rồi, trong mối quan hệ ba con mình, ba có chuyện làm sai, làm đúng, ba tổn thương, rồi ba nâng đỡ cho con, mọi việc đều đã qua. Trước đây ba đánh con, ba đã nói xin lỗi, hôm nay con tha lỗi cho ba.
Còn có, còn có...
Ba thương yêu con, con cũng biết cả.
Nhưng con có yêu ba không, phải một thời gian nữa con mới có thể nói cho ba. Bây giờ con còn quá nhỏ, những tổn thương từng phải chịu hãy còn nhức nhối, vào lúc này đây, con chưa thể nói được.
Lúc chưa xa nhau, mình nghĩ mỗi ngày giáp mặt là một chuyện rất đương nhiên. Thế mà ngờ đâu lúc nói lời hẹn gặp lại, có khi rất lâu sau mới có thể gặp lại.
Năm năm, năm năm cơ đấy.
Đợi lúc ba về, thì ba đã già thật rồi.
Nhưng chả sao đâu, đợi lúc ba về, thì con cũng đã đủ lớn.
Lần đi này của Quan Siêu, cậu ấy đi một mạch ba năm, lễ tết cũng không về.
Cái tên này từ hồi lọt lòng đến giờ lần đầu tiên chịu học hành cho tử tế, mấy lần hay hú tôi nhất đều là kêu tôi in giúp cậu ấy những tư liệu liên quan đến ngành đang học từ thư viện ở Bắc Kinh.
Ngoài ra thì ngày lễ sẽ có nhắn tin, thi thoảng cũng gọi điện thoại, ấy vậy mà quà cáp sinh nhật hắn lại hơi bị đầy đủ, chẳng khất tôi năm nào.
Mùa hè năm ba đại học, tôi cùng thầy hướng dẫn nhận PR cho một khu du lịch, có dịp đến thành phố nơi Quan Siêu học đại học. Chỗ ấy dù là trưa hè nắng nóng gay gắt vẫn có sông băng chảy quanh, Quan Siêu lái xe chở theo cô bạn gái người Triều Tiên lại đón tôi.
Vai lưng của cậu ấy ưỡn thẳng, bận chiếc áo thun đen đơn giản, quần rằn ri ôm lấy chân, nom có rắn chắc hơn thời cấp ba, nhưng những cái khác thì vẫn giống như đúc.
Cô bạn gái bên cạnh có cặp mắt cười cười cong cong như vầng trăng non, ngón tay thon trắng như ngó hành, làn da mịn màng như tuyết đầu mùa.
Lúc chúng tôi ngồi trong tiệm thịt nướng, đang lấy lá tía tô bao lấy kim chi và thịt ba chỉ ăn đến quên lối về, thì Quan Siêu bỗng hểnh mũi lên bảo: "Bọn tớ ra trường là cưới."
Tôi suýt cắn cả vào tay mình.
"Chọn ngày rồi, tháng tư năm sau." Cô bạn gái gật đầu phụ hoạ. "Lúc ấy hai cậu còn chưa ra trường cơ mà!"
"Ban đầu cũng định hoãn hoãn ra tí, ít ra đợi ba tớ về đã. Nhưng mà mẹ của cô ấy từ hồi xưa đã coi mệnh cho con gái, đại tiên nói là cô ấy mà quá 22 tuổi thì ba năm sau đó không được lấy chồng, năm sau cô ấy 21, đợi đủ tuổi thành hôn theo pháp luật là bọn tớ cưới. Ba tớ cũng muốn bọn tớ cưới nhanh, thà sớm còn hơn muộn." Quan Siêu cười haha móc họng tôi: "Sao cậu lớn bằng này mà chẳng thấy khá hơn trước tí ti nào, nước miếng đừng có rớt vào canh biết không? Cô ấy sẽ về khu xí nghiệp với tớ, tớ có hỏi cô Kim rồi, trường đang cần tuyển giáo viên dạy nhạc, cô ấy qua phỏng vấn trót lọt."
Trong phút chốc, tôi không nói nên lời.
"Hồi Tết tớ có về nhờ Quách Tĩnh giúp tìm người sửa sang lại nhà cũ, hai năm nữa ba tớ cũng về. Tới lúc đó mọi việc đều đủ hết, không cần ông phải lo."
Mắt tôi hơi hơi đỏ lên.
Quan Siêu cười bảo tôi: "Doanh Tử, thế là tớ sắp về nhà."
Quan Siêu là người duy nhất trong số bọn tôi bước ra khỏi thành phố Hàng Thiên rồi sau đó lại quay về lại. Là người duy nhất.
Những người khác, hết thảy bọn tôi, vào cái giây phút tốt nghiệp thời cấp ba đã bắt đầu con đường dài lưu lạc muôn phương trời.
Lần này, không chỉ là không gặp nhau ba ngày, năm ngày, có những người nói tạm biệt rồi không biết khi nào gặp lại. Chẳng thể như đợt phân lớp đầu cấp ba, có đôi tay dịu hiền níu chúng tôi lại với nhau như cũ.
Lần này, dù Minh Vũ có làm nũng nài xin, dù mẹ Minh Vũ có mềm lòng không nỡ, dù chúng tôi có thật nhiều không muốn đi nữa, thì buổi chia ly vẫn sẽ đến chẳng ai có thể cản ngăn.
Sự chở che ba mẹ trao cho chúng tôi đã đến giới hạn.
Chúng tôi đều đã lớn, phải biết bình tĩnh chấp nhận chia ly, dù chúng tôi có không muốn, không bằng lòng, thì cũng chỉ đành chấp nhận.
May là ba năm cấp ba đã qua cũng không uổng.
Minh Vũ đã có thể gỡ được gút mắc, Tưởng Dực cũng coi nhẹ thắng thua hơn, Niệm Từ biết mở lòng cho tình yêu, Quách Tĩnh không còn chấp nhất được đáp lại, Khâu Hàng mơ một giấc mơ lớn, Quan Siêu học được thứ tha...
Bài học cuối cùng của việc lớn lên tên là, chia ly.
Đây là bài học cho Hoàng Doanh Tử.
Tất cả chúng ta đều sẽ phải học, nhưng Hoàng Doanh Tử là người gian nan nhất.
Dẫu khóc lóc không muốn đến đâu, lúc ấy tôi biết rất rõ, bản thân cuối cùng cũng sẽ phải một mình lên đường, tách khỏi thành phố Hàng Thiên yêu dấu, khỏi khu nhà thân quen, khỏi những người bạn chưa từng lìa xa từ thuở lọt lòng, khỏi hết thảy những ấm áp ngọt ngào đẹp đẽ đã luôn bao bọc suốt từ bấy đến nay.
Tôi có biết bao nhiêu không nỡ, còn có một chút chút e sợ. Thế nhưng trẻ con rồi cũng phải trở thành người lớn.
Sau khi chia biệt nhau, chúng tôi nhận ra, có lẽ chính những chuyện không cách nào thay đổi ấy mới thường hay gặp trong đời.
Mẹ Minh Vũ lúc tiễn bọn tôi đi đã nói: "Còn muốn họp mặt lại, sau này phải xem các con thôi." Nhưng có lúc, người đã đi xa rồi, chẳng cách nào ngoảnh lại.
Ba năm sau khi chúng tôi tốt nghiệp Đại học, wechat dần thịnh hành, chúng tôi cũng có một nhóm chat chung cho nhóm bạn học trường con em cán bộ. Cũng không rõ là ai mời Diệc Phi vào nhóm, thế nhưng cậu ấy không kết bạn với bất kỳ ai trong số bọn tôi, có người chủ động gửi yêu cầu kết bạn cũng không được thông qua.
Ba năm cấp ba rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, khiến Diệc Phi quyết định rời xa chúng tôi, nhiều năm rồi tôi vẫn chẳng hay.
Lần cuối cùng gặp mặt Diệc Phi, là học kì sau của năm thứ nhất, Trang Viễn làm sinh viên trong chương trình trao đổi nhân dịp lễ từ Mỹ trở về trường làm thủ tục. Chúng tôi đến đón cậu ấy, sau đó làm một bữa lẩu thịt cừu tại Đông Tam Hoàn.