Mười Hai Năm Kịch Cố Nhân

Chương 46



Mọi người đều muốn khuyên cô nhưng không tìm được lời. Ánh mắt khách khứa ở bàn bên cạnh và nhân viên phục vụ đều đổ dồn vào họ.

Người tới nhà hàng Tây đều là nhân vật nổi tiếng trong xã hội, có thân phận, có học thức, dù trong lòng đau buồn cỡ nào, nhưng hai mắt cũng chỉ hoe đỏ, nước mắt chực trào chứ không rơi xuống.

Ở những nơi thế này rất hiếm gặp ai khóc như Thẩm Hề.

"Nghĩa Nhân..." Cô lấy tay gạt nước mắt, nhìn Cố Nghĩa Nhân.

Cố Nghĩa Nhân toang mở miệng thì một người đàn ông trung niên đi giày da mặc đồ Tây bước tới, hình như đang tìm bạn mình, bỗng nhiên ông ta ấn vai Cố Nghĩa Nhân xuống bằng tay phải. Họng súng đen sì chĩa thẳng vào gáy anh ta.

Gần như cùng lúc ấy, hai người đàn ông trẻ tuổi bàn bên cạnh nhận ra tình hình thay đổi, định lấy vũ khí ra thì bị sáu người gần đó lắc khẩu súng trong tay, ra hiệu cho bọn họ ngồi xuống. Dẫu sao cũng là những thanh niên mang đầy nhiệt huyết, tính cảnh giác hay tâm lý hoàn toàn không thể bằng những người đi theo Phó Đồng Văn nhiều năm, bọn họ bị khống chế, mặt biến sắc từ tái nhợt chuyển thành xám như tro tàn.

"Cậu ba." Người đàn ông đứng đầu thấp giọng gọi anh, cảm kích nhìn Thẩm Hề.

Phó Đồng Văn khẽ gật đầu.

Có người bắt đầu lục soát ba thanh niên nọ.

Có người gọi ông chủ cửa hàng tới, sau khi được kiểm tra toàn thân, khách khứa trong sảnh bị mời ra ngoài.

Hai khẩu súng, một con dao được đặt lên chiếc bàn dài, bầu không khí xung quanh như đóng băng.

Cố Nghĩa Nhân, kẻ tới muộn mang ý đồ bất chính, phá hỏng bầu không khí, buộc Thẩm Hề phải nhắc tới tin đính hôn, dùng nước mắt để tháo gỡ hiểu lầm của anh ta và Phó Đồng Văn, mọi người vốn tưởng mọi chuyện sẽ tốt lên, nhưng nào ngờ, Cố Nghĩa Nhân còn đưa người và vũ khí theo...

Cố Nghĩa Nhân không nói được gì, nhìn Thẩm Hề trân trân.

Từ đầu đến cuối anh ta đều để ý từng hành động cử chỉ của Phó Đồng Văn, chỉ nghĩ Thẩm Hề bỗng nhiên thông báo tin tức đính hôn là để xoa dịu sự lạnh lùng của mình với Phó Đồng Văn. Anh ta vốn tưởng mỗi câu nói của Thẩm Hề đều xuất phát từ tận đáy lòng, là bạn bề nhắc lại chuyện cũ, là tố cáo anh ta quên ơn phụ nghĩa, là muốn cứu vãn tình cảm ngày xưa, muốn dùng chân tình, dùng lý lẽ để lay động anh ta.

Thậm chí vừa rồi anh ta còn có chút dao động.

Nhưng ngay cả cách cô gọi tên anh ta, nhìn anh ta lần cuối cùng chỉ là để ra hiệu cho người của Phó Đồng Văn.

Đáy mắt Thẩm Hề đỏ au, nước mắt vẫn còn đọng lại, trong lòng khó chịu không sao tả xiết.

Bạn thân ngày xưa, hôm nay chĩa súng vào nhau...

Phó Đồng Văn lấy khăn tay ở túi bên trong áo vest ra, giúp cô lau nước mắt, khe khẽ pha trò: "Không phải chuyện lớn gì mà khóc ra nông nỗi này, người ta nhìn vào cười cho đấy."

Chiếc khăn được nhét vào tay cô.

"Cất súng đi." Anh lên tiếng.

Đám người hạ súng xuống, nhưng vẫn cảnh giác bao vây ba người kia

Phó Đồng Văn ngồi thẳng người, nhìn Cố Nghĩa Nhân: "Cậu và tôi nhiều năm không gặp, không ngờ lại mở đầu bằng màn này."

"Hôm nay tôi ăn cháo đá bát, cậu ba muốn giết thì cứ giết." Cố Nghĩa Nhân nhìn trả, "Nhưng Nghĩa Nhân không cam lòng, chỉ có hai câu hỏi, mong cậu ba dạy bảo."

Phó Đồng Văn gật đầu, để anh ta hỏi.

"Hồi trước cậu ba dạy tôi phải cứu nước, nhưng bây giờ chính mắt anh nhìn thấy quân phiệt nội chiến mà ủng hộ quân phiệt, ủng hộ tuyên chiến với Đức... cậu ba, rốt cuộc là tại sao?"

Phó Đồng Văn không trả lời.

Anh vẫy tay với ông chủ nhà hàng đang nhìn từ phía xa, chỉ vào chiếc bàn.

Ông chủ lập tức kêu phục vụ tới đưa cà phê và bánh ngọt họ vừa gọi. Phó Đồng Văn kiên nhẫn chờ phục vụ đặt đồ xuống rồi mới tự tay để một tách cà phê ra trước mặt Cố Nghĩa Nhân. Anh trả lời: "Từ sau Cách mạng Tân Hợi, tôi đã không còn quan tâm đến chính trị. Không liên quan đến ủng hộ ai hay không ủng hộ ai, chẳng qua chỉ là làm ăn mà thôi, thương nghiệp mà thôi."

Đây là những lời Phó Đồng Văn hay nói với người ngoài, năm đó anh cũng nói vậy với em trai mình, hôm nay lặp lại câu này với Cố Nghĩa Nhân.

Không phải anh em kề vai sát cánh cùng sống chết, nói nhiều cũng vô dụng.

Chưa dứt lời, Phó Đồng Văn lại nói tiếp: "Nhưng hôm nay hành động của cậu đã quá giới hạn, là người từng trải, cậu ba không thể không nhắc cậu một câu: Không cùng chí hướng thì không thể chung đường1, nhưng không cùng chí hướng không phải là tội chết." Anh tiếc nuối, "Ngày xưa Tống tiên sinh bị ám sát, cậu từng viết cho một phong thư, đau thương buồn bã. Nhưng hôm nay cậu lại làm một việc chẳng khác gì, cậu ba cũng muốn hỏi cậu, Nghĩa Nhân, cậu đã từng rời xa lý tưởng ban đầu chưa?"

1Hán Việt: "Đạo bất đồng bất tương vi mưu", một câu được trích trong Luận Ngữ.

Cố Nghĩa Nhân như chết đứng bỏi câu hỏi.

Cố Nghĩa Nhân lên tiếng: "Ngày ấy cậu ba đưa tôi đi du học, trong mười bốn người đi cùng có ba người mất hết người nhà trong biển pháp Mậu Tuất. Cậu ba, Nghĩa Nhân rất muốn biết, cái chết của người nhà chúng tôi rốt cuộc có liên quan đến nhà họ Phó hay không? Anh không ngại gian khổ đi tìm chúng tôi, giúp chúng tôi ra nước ngoài du học, phải chăng là vì nguyên nhân này?"

Nhà họ Phó... Thẩm Hề liếc nhìn anh đang ngồi cạnh.

Anh không phủ nhận ngay lập tức, lẽ nào là sự thật?

Cố Nghĩa Nhân đang đợi anh, Thẩm Hề cũng đang đợi, còn có cả Uyển Phong và tất cả mọi người ngồi đấy.

Phó Đồng Văn uống từng hớp cà phê, cho đến khi cạn đáy hiện ra màu trắng ban đầu của tách sứ, cuối cùng anh đặt tách cà phê về trong đĩa: "Có liên quan đến nhà họ Phó."

Đây là câu trả lời của anh.

Trái tim Thẩm Hề nhói đau.

Anh chỉ nói "nhà họ Phó", nhưng không chỉ rõ bất cứ ai, anh muốn một mình gánh vác hết ư? Hay anh cho rằng đã là nhà mình làm thì anh cũng không thoát khỏi tội? Gông xiềng nhà họ Phó trong lòng anh, trên người anh, chẳng lẽ cả đời này không cởi được?

"Cố Nghĩa Nhân, ngay từ đầu cậu đã biết nhà họ Phó là gia tộc thế nào rồi." Uyển Phong vốn thẳng tính nên buột miệng, "Không thể vì cậu ba mang họ Phó mà cậu trút hết thù oán lên anh ấy được."

"Phân chia rạch ròi được sao?" Anh ta hỏi ngược lại.

"Đương nhiên phân chia rạch ròi, oan có đầu..."

"Bởi vì cô chỉ là người đứng ngoài." Cố Nghĩa Nhân chẳng buồn chất vấn, "Người bị dao đâm không phải là cô, người bị chảy máu cũng không phải là cô. Cô ngồi đây uống cà phê, ăn bánh ngọt, nói mấy câu sáo rỗng, đương nhiên là thoải mái."

"Nghĩa Nhân." Uyển Phong phản bác lại, "Cha tôi cũng bị người ta vu oan, chết trên đường đi lưu đày."

"Nhưng người hại cha cô đã chết rồi, nếu nhà họ Phó cũng tống cha cô đi lưu đày, cô có còn nói thế không?"

Phó Đồng Văn đưa tay lên, ngăn lời Uyển Phong định nói tiếp.

Một cuộc tranh luận không có kết quả, người trong cuộc nếu nghĩ thông thì thoải mái, nếu nghĩ không thông là chuyện thường tình.

Kẻ ngoài cuộc... như Cố Nghĩa Nhân nói, người bị dao đâm không phải là cô, người bị chảy máu không phải là cô, người chết càng không phải là người thân của cô, chỉ giỏi nói mấy câu sáo rỗng vô thường vô phạt, khoe khoang lý trí của mình.

Phó Đồng Văn nhìn Cố Nghĩa Nhân chằm chằm, cậu thanh niên từng đi du học New York, sau khi say rượu đã thề thốt với anh rằng: "Suốt đời này Nghĩa Nhân phải đền đáp Tổ quốc."

Anh chậm rãi lấy chiếc ví da bên trong áo vest ra, móc mấy tờ tiền giấy đăt lên bàn: "Tôi là người làm ăn tuân thủ pháp luật, ba người các cậu sẽ được giao cho phòng tuần bộ của Tô giới Pháp xử lý nghiêm minh."

Đồng nghĩa với việc anh tuyên án tử hình, phòng tuần bộ là nơi đen tối nhất của thế lực xã hội đen.

Từ lâu Cố Nghĩa Nhân đã biết, phần lớn việc làm ăn của Phó Đồng Văn ở Thượng Hải đều đưa cổ phần cho xã hội đen. Sau khi đến Thượng Hải, anh cũng đã lần lượt gặp mặt ăn cơm với ba ông chủ lớn. Anh muốn giao người của anh ta cho phòng tuần bộ ư? Lẽ nào muốn âm thầm xử lý?

Từ khi biết Phó Đồng Văn tới Thượng Hải, anh ta ngày đêm bất an, nhớ đến ơn nghĩa trước kia, lòng lại nóng như lửa đốt, mà khi nghĩ đến con đường cách mạng, ngay cả cha con cũng có thể trở mặt thành thù, trường hợp của anh ta có thấm tháp vào đâu. Ân tình và lý tưởng là hai con dao đang đục khoét da thịt anh ta, nhưng nếu muốn bắt được Phó Đồng Văn, anh ta phải ra mặt mới có cơ hội. Trên đường đi, anh ta từng dao động, từng hy vọng bên cạnh Phó Đồng Văn sẽ có vệ sĩ bao quanh, nhưng không hề, phần thắng trong tay lớn hơn mà sao anh ta không cảm thấy vui vẻ.

Giả dụ Phó Đồng Văn không đứng trong phe cánh thù địch, anh ta nghĩ đến sự giúp đỡ của cậu ba, đứng trước nghĩa lớn và ân tình rốt cuộc phải lựa chọn bên nào? Như bây giờ lại hay, lấy mạng trả ơn, thanh toán sạch sẽ.

Ánh mắt Cố Nghĩa Nhân tối đi, anh ta chầm chậm nhắm mắt, tựa lưng vào chiếc ghế dài.

Phó Đồng Văn rời khỏi bàn, vắt áo khoác của Thẩm Hề lên tay: "Các bạn, hôm nay còn bận chuyện khác, không ở lại lâu được."

Anh chào tạm biệt mọi người, kết thúc cuộc gặp mặt bạn cũ khiến người ta sót xa.

Anh để lại bốn người trong bảy người đi theo, trông chừng ba thanh niên nọ.

Thẩm Hề và Phó Đồng Văn bước ra khỏi cửa xoay, ra đến bên ngoài, anh thầm dặn dò người dưới chuyển lời đến người của phòng tuần bộ, đừng tử hình ba người trẻ tuổi ấy, nhưng yêu cầu xã hội đen ra lệnh giết, buộc họ phải rời Thượng Hải về miền Nam.

Mưa vẫn chưa tạnh, ngớt hơn so với ban nãy.

Tim Thẩm Hề nặng trĩu, nhưng vẫn quan tâm tâm trạng của anh nhiều hơn, cô giả bộ vui cười, đưa tay đón hạt mưa: "Em thấy chừng mười phút nữa là tạnh rồi." Phó Đồng Văn đứng bên cạnh cô, cũng đang nhìn màn mưa.

"Vừa rồi, em rất thông minh." Anh mở miệng.

Thẩm Hề khẽ lắc đầu. Cô thật sự rất muốn khóc, chẳng qua khi nước mắt trào lên, vừa hay vận may tới con người thông minh lên ít nhiều nên không cần kiềm chế thêm nữa. Cô chỉ cảm thấy, người bên cạnh Phó Đồng Văn đã đi theo anh nhiều năm, chắc chắn tính cảnh giác cao, thấy cô bỗng dưng khóc ở nơi công cộng ít nhiều sẽ nghi ngờ. Nhưng nếu chẳng may không như cô nghĩ, cô ắt sẽ như bác sĩ Đàm, bảo vệ anh bằng cả mạng sống của mình.

"Lời em nói..." Cô muốn giải thích.

"Đều là sự thật." Anh đáp. Hà tất cần giải thích?

Phó Đồng Văn vuốt nhẹ gương mặt cô.

Có lẽ hôm nay người bảo vệ tôi là em, sau này...

Người đứng phía sau họ bung ô ra.

"Che cho cô Thẩm đi." Anh cặn dặn, rồi nói với cô ấy: "Em đi thong thả, đừng để bị ướt."

Nhắc nhở Thẩm Hề xong, anh bước trong làn mưa.

Trong lòng anh không hề vui vẻ, không biết phải trút vào đâu, dầm mưa ngược lại sẽ thấy thoải mái hơn.

Con đường được cơn mưa giội rửa, nơi nơi đều là những vũng nước bùn nông có sâu có. Hôm nay Phó Đồng Văn mặc bộ vest màu trắng gạo, đi chưa được mười mét quần đã ướt sũng. Một cậu ấm nhà giàu không còn quan tâm đến hình tượng lịch lãm, cô gái đuổi theo anh với đôi mắt đỏ ửng, váy dài giày da lấm lem nước bùn đen thui.

Về đến nhà, Đàm Khánh Hạng đang dạy Virtue cách dùng đũa. Anh ta nhìn thấy họ nhếch nhác vào nhà như bị chậu nước lã giội vào đầu.

Phó Đồng Văn vứt giày và tất ở tầng một, áo khoác ngoài cũng ném ở cửa bếp, để chân trần lên tầng. Thẩm Hề đứng ngẩn người ở tầng dưới, không biết có nên đuổi theo hay không. Đàm Khánh Hạng bình thường thích trêu đùa rộn rã, nhưng mấy năm đi theo Phó Đồng Văn nên hiểu rõ tính cách anh, nhìn sắc mặt xem ra anh tức giận rồi.

"Không phải hai người chỉ đi lấy quần áo thôi sao? Lại xảy ra chuyện, tôi cũng sắp bị bệnh tim mất." Đàm Khánh Hạng trách móc.

"Anh đừng nói gì hết." Cô nói rất nhỏ, "Mau đi đun nước đi, tôi khuyên anh ấy tắm rửa."

Đây là chuyện quan trọng nhất, Phó Đồng Văn không thể đổ bệnh.

Đàm Khánh Hạng gọi Vạn An đi đun nước nóng, Virtue thò đầu ra nhìn, xoa nhẹ mái tóc Thẩm Hề, lo lắng nhìn cô không rời. Thẩm Hề vỗ về cô bé, muốn cười, nhưng không còn hơi sức. Cô cũng cởi giày tất, bước chân trần lên tầng.

Phó Đồng Văn để lại những dấu chân đọng nước ướt nhẹp trên sàn nhà.

Cô tránh đi, như sợ giẫm phải chân anh.

Trong phòng, quần dài và áo ghi lê nằm bữa bãi dưới đất, còn anh để trần hai chân, áo sơ mi mở tung, đang dùng khăn bông lau người. Thấy Thẩm Hề vào, anh vẫy tay với cô.

Thẩm Hề đi tới, anh lấy khăn bông trùm lên mặt cô, sau đó là tóc.

"Tự lau đi." Anh nói.

Thẩm Hề đón lấy chiếc khăn, anh bắt đầu cởi áo len và váy dài ra cho cô: "Anh dặn người đun nước nóng cho em."

"Vạn An làm rồi." Cô kéo cổ tay anh, "...Nếu trong lòng anh không vui vẻ, hãy nói nhiều hơn với em."

Phó Đồng Văn chợt bật cười, khẽ lắc đầu.

"Em không nên để họ đứng ngoài cửa." Cô nhắc tới chuyện ở nhà hàng.

Lúc này nhớ lại, anh quá cẩn thận, ngay cả chỗ ngồi cũng chọn cạnh cửa sổ, quay mặt về phía cửa xoay, tầm mắt không bị cản trở.

"Chuyện đã qua rồi thì để nó qua đi, đừng nghĩ lại nữa. Nhưng hôm nay cũng làm anh cảnh giác." Anh nói, "Trên đường anh đã suy nghĩ kỹ càng, vốn định tổ chức tiệc đính hôn ở Từ Viên, nhưng bây giờ không đi nữa."

Anh lo cô hiểu lầm, bèn giải thích: "Em phải đến bệnh viện làm việc, không giống những cô chủ phu nhân khác chỉ ra vào mấy chốn vui chơi cố định. Chúng ta chọn ngày, cùng ăn bữa cơm với người nhà, để Khánh Hạng làm chứng, tổ chức lễ đính hôn là được rồi."

Thật ra làm như anh nói mới là an toàn nhất.

Cô cũng sợ mình trở thành mối đe dọa của anh.

"Sao không nói gì?" Anh cố ý hỏi, "Chê sơ sài quá à?"

Cô buồn bực: "...Rõ rành rành anh biết là không phải."

Anh cười: "Biết em không chê, nhưng vẫn cảm thấy thiệt thòi cho em."

Ngẫm đi ngẫm lại, anh bổ sung: "Thật ra em nghĩ mà xem, anh ba cũng là người đáng thương. Chờ nửa đời người, hủy hôn mấy bận, cũng sắp cưới hỏi đàng hoàng nhưng vẫn phải giấu giấu giếm giếm." Anh thở dài, "Anh lo vận cưới gả của mình gặp hạn, chắc phải tìm thấy bỏi xem thử một quẻ."

Trong xót xa pha lẫn dí dỏm, lúc nào cũng chứa đựng ý cười.

"Anh phong lưu tột bậc, còn sợ không lấy được vợ à?" Cô cười nhạo anh.

"Câu này hồi trước người khác tặng anh, anh không muốn nhận nhé." Anh cười, "Hôm nay Ương Ương nói, lại khác hẳn."

"..."

Anh cúi đầu, nhìn chiếc áo lót nhỏ đơn giản may theo kiểu cũ che trọn ngực cô, hàng cúc xinh xẻo nằm ở phía trước, đêm hôm qua đã làm khó anh rất lâu. Lúc còn ở nhà họ Phó, Thẩm Hề rất thích mặc áo ngực kiểu phương Tây, lần trước bằng vải mỏng, lần này thì là kiểu này.

Anh nghịch chiếc cúc áo đó: "Đêm qua, cởi món này thôi mà tiêu hao kha khá tinh thần. Thường ngày Ương Ương mặc không thấy phiền phức sao?"

Thẩm Hề gạt tay anh ra, không để ý đến anh nữa.

"Bằng lụa mỏng vẫn hơn, như ôm tỳ bà che nửa mặt1." Anh đang ám chỉ chất liệu nửa trong suốt.

1Hán Việt: "Do bão tỳ bà bán già diện." một câu trích trong bài thơ Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị.

...

"Cậu ba." Vạn An gọi.

Phó Đồng Văn bất đắc dĩ, thở dài thườn thượt:"Cậu ba nhà cậu ngủ rồi."

Vạn An không đoán được ý anh, yên lặng mấy giây, giọng nói nhỏ xuống gần nửa: "Thế... cô Thẩm đã ngủ chưa ạ?"

Thẩm Hề bật cười thành tiếng, thừa dịp lấy áo sơ mi sạch của anh trong tủ quần áo, trả lời: "Cậu xuống tầng trước đi, lát nữa vần thay nước thì gọi cậu sau."

"Vâng ạ." Vạn An đáp lời.

Thẩm Hề giục Phó Đồng Văn đi tắm trước, rồi gọi Van An thay nước nóng trong bồn.

Chân cô vừa chạm vào nước, trong căn phòng bắt đầu vang lên tiếng kịch, là Tứ Lang thăm mẹ đêm qua đã nghe, như xa như gần, nhưng có thể nghe thấy tiếng ngâm khẽ của anh, không giống ban ngày, tiếng ngâm của anh lúc đó rất nhỏ, không làm cô thức giấc.

Thẩm Hề ngồi vào trong làn nước, nhúng ướt chiếc khăn trắng, nhẹ nhàng vẩy nước lên gột rửa bờ vai.

Qua hai cánh cửa, anh đang khẽ ngâm: "Con như chim trong lồng khó sải cánh bay, con như con rồng nước cạn bị mắc kệt trên bãi cát, con như con nhạn bị bắt bay tan tác lìa đàn, con như con hổ rời núi sa chân xuống đồng bằng..."

Trong uể oải có mệt mỏi, trong mệt mỏi có đau thương.

Trong làn khói mờ ảo, dường như cô nhìn thấy trước cánh cửa lớn sơn son có tiếng xe kéo lộc cộc, tiếng vó ngựa tiêu điều, chàng thiếu niên thất thần ngồi đó, phía sau cánh cửa, trà rượu lãng đãng, sân khấu cao cao, nhưng đằng trước chất đầy xương cốt lê dân, lửa ngập non sông.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.