Muốn Dùng Đúng Cách Để Yêu Anh

Chương 5-3: Liên kiều (3)



Hôm sau lại là một ngày cát bụi mù mịt. Minh Tịnh bước từ trên xe buýt xuống, tí nữa bị gió thổi bay. May là cô đã chuẩn bị đầy đủ cả rồi. Chiếc khẩu trang của cô che kín tận hai phần ba khuôn mặt, vành mũ cói cũng được kéo xuống thấp nhất có thể, chỉ còn lộ ra mỗi đôi mắt to tròn. Khi đến Tòa án Nhân dân Tối cao đăng ký, một đồng chí cảnh sát cầm chứng minh thư của cô quan sát. Cũng không biết do bầu không khí quá nghiêm trang hay là ảnh hưởng tâm lý, Minh Tịnh hít thở rất nhẹ, đi đường cũng chỉ chăm chăm nhìn thẳng phía trước, không dám ngó nghía lung tung.

“Em cứ thả lỏng đi, có phải ra hầu tòa đâu. Ngoài việc khi đi làm thủ tục có hơi khắt khe một chút, nơi này không khác gì những cơ quan bình thường cả.” Trông thấy bộ dạng ngoan như thỏ đó của cô, Nghiêm Hạo rất muốn bật cười.

Nhưng Minh Tịnh thực sự không thể nào thả lỏng được. Cô cảm thấy mỗi bậc thang nơi đây đều cao hơn ở chỗ khác, tầng lầu cũng rộng rãi hơn. Không biết có phải do mặc đồng phục hay không, ngay cả người ở đây trông cũng cao lớn lạ thường.

“Em muốn đi vệ sinh.” Cô tóm chặt lấy tay áo Nghiêm Hạo.

Nhà vệ sinh nằm trong góc, cô phải rẽ qua mấy hành lang mới đến. Minh Tịnh cẩn thận nhớ kỹ đường đi, sau khi ra ngoài rồi cũng không còn căng thẳng như trước nữa. Nghiêm Hạo hiển nhiên là khách quen của Tòa án Tối cao, cứ đi vài bước là lại dừng chân chào hỏi một lần, gặp ai cũng có vẻ thân quen cả.

Anh dẫn cô đến một gian phòng nhỏ cho khách, để cô ngồi đó đọc sách, còn mình thì qua phòng hồ sơ mượn ghi chép để xem.

Trong ba lô Minh Tịnh vẫn là cuốn “Truyện cổ Grimm” ấy, cô đã xem qua một lượt, bây giờ đọc lần thứ hai. Cô vừa nhìn sách vừa ghi chú một số từ vựng phức tạp cùng những câu diễn đạt hay. Lượng từ vựng của cô không quá phong phú, nhưng mà đã đủ để viết được một vài đoạn văn ngắn.   

Tiếng còi xe cảnh sát bất chợt vang lên réo rắt. Minh Tịnh chạy tới cửa sổ, trông thấy vài chiếc xe liên tiếp từ ngoài cổng tiến vào trong. Cửa xe bật mở, mấy cảnh sát tay cầm súng đầu đội mũ sắt nhảy xuống. Chiếc xe cuối cùng chở một ông già tóc bạc trắng tay mang còng cùng hai cảnh sát áp giải phía sau, hình như sợ bị người ta trông thấy mặt nên đầu vẫn luôn cúi gằm.

“Là ông ta à!” Nghiêm Hạo cầm một xấp hồ sơ vào trong, nhìn ra bên ngoài cửa sổ, khẽ nhíu mày.

“Học trưởng biết ông ấy ạ?” Minh Tịnh hỏi.

“Ừ, vụ án của kẻ này khá lớn, phải điều tra hai năm mới lấy được đầy đủ bằng chứng, mở được phiên tòa cũng chẳng dễ dàng gì.” 

Đoàn người đi vào bên trong, không gian nhanh chóng yên tĩnh trở lại. Minh Tịnh quyến luyến thu hồi tầm mắt, tay chống cằm, ghé lên mặt bàn Nghiêm Hạo: “Học trưởng hôm nay có xem phiên tòa xét xử không?”

“Hôm nay nhiều việc lắm, không có thời gian,” Nhan Hạo vừa lấy sổ tay ra vừa đáp. Nhìn Minh Tịnh dẩu môi, anh biết là cô muốn xem, liền cười nói: “Thẩm vấn tại tòa không giống mấy vở kịch luật sư em từng xem đâu, chẳng thú vị chút nào hết.”

Minh Tịnh ngồi lại chiếc ghế của mình, nhìn qua chồng hồ sơ dày, cảm thấy bất bình thay anh: “Học trưởng, ngày nào anh cũng bận tối tăm mặt mũi, còn Nhan Hạo lại chỉ biết trêu hoa ghẹo bướm khắp nơi, hai người thực sự là bạn học à?”

“Đối với luật sư mà nói, chưa chắc càng dành nhiều thời gian thì năng lực nghiệp vụ càng cao. Có những người trời sinh đã am hiểu kiện tụng, Nhan Hạo chính là một trong số đó.” Nghiêm Hạo không cho rằng Nhan Hạo là kẻ gió trăng ong bướm, chẳng qua cậu ta chỉ chưa gặp được người khiến mình bình tâm mà thôi.

Minh Tịnh bĩu môi: “Em chẳng thấy anh ta có gì là lợi hại cả, em thấy học trưởng giỏi giang hơn anh ta nhiều.”

“Đấy là do em có thành kiến với cậu ấy,” Nghiêm Hạo dịu dàng vỗ vỗ đầu cô. “Nếu buồn chán quá thì ra ngoài đi dạo đi, bên ngoài có cảnh sát tư pháp, không sợ bị lạc đường đâu. Anh làm việc cái đã nhé.”

Nghiêm Hạo liếc nhìn đồng hồ, thấy đã tầm ba giờ chiều. Phải đến khoảng bốn giờ rưỡi anh mới ngẩng đầu khỏi chồng sổ sách kia, trông thấy ba lô Minh Tịnh vẫn còn trên ghế, nhưng người thì đã bốc hơi tự lúc nào rồi. Anh đứng dậy rồi đi về phía cửa sổ, nhìn thấy Minh Tịnh đang hứng khởi chơi nhảy lò cò chỗ mấy viên gạch ngoài bãi đỗ xe, áo đã xắn tới khuỷu tay, chiếc quần jean màu xanh nhạt khiến đôi chân cô trông càng có vẻ thon dài. Minh Tịnh nhảy được một lúc, người đã mướt mát mồ hôi. Cô ngẩng đầu nhìn lên quốc huy uy nghiêm của Tòa án Nhân dân Tối cao, sau đó khom lưng, tỉ mỉ buộc lại dây giày.

“Ồ, cô bé nhà ai chạy đến nơi này chơi thế?” Một vị thẩm phán mái tóc hoa râm bước vào căn phòng, trông theo tầm mắt Nghiêm Hạo.

“Là một học muội đi cùng cháu ạ, chắc là chán quá ấy mà.” Đôi mắt Nghiêm Hạo tràn đầy ý cười.

“Thế là liền tự mình ra ngoài kiếm trò vui để làm à? Ha ha, hay đấy.” Thẩm phán kia nhìn Nghiêm Hạo rồi lại nhìn sang Minh Tịnh, nét mặt thoáng vẻ trêu đùa. “Nghiêm Hạo này, không phải là bác nói cháu, nhưng đưa con gái nhà người ta đi chơi thì phải đến rạp chiếu phim, đi dạo công viên hoặc loanh quanh bảo tàng gì đấy, sao lại mang tới đây hả? Cái Tòa án Nhân dân này cảnh đã không đẹp, đồ ăn lại chẳng ngon, rẽ tới góc nào cũng thấy mấy cảnh sát cầm súng. Cháu dọa người ta sợ rồi, lần sau người ta không thèm đi cùng cháu nữa đâu.”

“Ai bảo ăn không ngon ạ? Cô ấy vẫn luôn thèm thuồng đồ ăn trong nhà ăn của Tòa án Tối cao đó.”

Bác thẩm phán lại nhịn không được mà liếc mắt ra bên ngoài một chút: “Thế à, vậy thì dễ rồi, sau này cứ tới Tòa án của chúng ta làm là có thể tha hồ mà ăn. Cô nhóc cũng học luật chứ hả?”

“Không ạ, cô ấy học tiếng Đức.”

Bác thẩm phán quay đầu lại, hai mắt nheo nheo: “Tòa án chúng ta trước mắt chưa xử được án của Đức, chắc là tạm thời chưa dùng đến phiên dịch tiếng Đức rồi. Nếu như cô bé không tới được, hay là cháu tới làm đi!” Ông có vẻ đang bông đùa, nhưng những ai hiểu rõ con người ông thì đều biết câu “cháu tới làm đi” là hoàn toàn nghiêm túc.

Nghiêm Hạo cười cười, xoay người tới chỗ máy lọc nước rót một cốc nước, sau đó kính cẩn đưa sang cho ông.

“Bài luận cháu mới viết về hệ thống Hiến pháp của Trung Hoa Dân Quốc bác đọc qua rồi, có một số luận điểm bác cũng rất tán thành. Dân Quốc là một thời kỳ đặc thù, tuy mang danh hào “chế độ cộng hòa” song lại hỗn loạn quân phiệt, phần tử trí thức địa vị quá cao, Hiến pháp thay đổi hết lần này đến lần khác, rất khó chấp hành triệt để.”

Nghiêm Hạo khiêm tốn nói: “Vấn đề của Hiến pháp thời Dân Quốc không thể dùng phương pháp tư duy trừu tượng thuần tuý bằng khái niệm để luận giải được. Trong thời đại quân phiệt, người giác ngộ tới mức cực đoan hoặc suy nghĩ lệch lạc không phải là quá nhiều, những kẻ cầm quyền đã mất lý trí cũng không phải là bất khả xâm phạm.”

Nét mặt bác thẩm phán lộ vẻ ngợi khen: “Cháu nói đúng trọng tâm lắm. Nói thật là bác cũng không ngờ cháu lại có hứng thú đối với Hiến pháp thời kỳ Dân Quốc, bác cứ tưởng cháu sẽ muốn tập trung vào việc nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp hiện hành hơn cơ. Lần cuối sửa đổi Hiến pháp là từ tận năm 2004, thời đại biến đổi quá nhanh, luôn luôn nảy sinh những vấn đề mới chúng ta chưa từng gặp phải. Tất nhiên mỗi lần sửa đổi đều là để Hiến pháp nước ta càng hoàn thiện hơn, nhưng mà sửa đổi Hiến pháp chẳng phải là chuyện một sớm một chiều mà phải nghiên cứu thật sâu, trưng cầu dân ý rộng rãi, tra cứu vô số những tài liệu liên quan nữa.”

Nghiêm Hạo nói: “Còn cả học hỏi kinh nghiệm các nước phương Tây nữa ạ.”

Sắc mặt bác thẩm phán tức thì trở nên nghiêm nghị.

Nghiêm Hạo lại tiếp tục nói: “Bởi vì tình hình mỗi nước mỗi khác nên các nước phương Tây chưa bao giờ tham khảo cách làm nước ta, nhìn qua thì có vẻ như là vết thương của ai người nấy tự mình xử lý, nhưng trên thực tế bọn họ rất có hứng thú với hệ thống pháp luật Trung Quốc, thậm chí còn thành lập những cơ quan chuyên môn nghiên cứu. Hiện tại chúng ta cũng có thể nghiên cứu ngược lại bọn họ đôi chút mà. Lịch sử chính là người thầy của ta, chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi từ những cải cách luật pháp của họ.”

“Chẳng nhẽ cháu muốn đi…”

Nghiêm Hạo nói: “Bây giờ cháu vẫn còn chưa quyết định ạ. Cháu muốn được vừa nghiên cứu vừa thực hành. Nếu như không có trải nghiệm thực tiễn mà chỉ đóng cửa nghiên cứu, mọi lý luận đều lấy từ chỗ người khác thì sẽ không tránh khỏi thoát ly hiện thực. Kết luận đúc rút được từ thực tế mới có thể coi là kiến thức chuẩn xác được.”

Vị thẩm phán trước giờ vẫn khắt khe với người khác nay cũng đã phải cảm động. Con trai của ông lớn hơn Nghiêm Hạo mấy tuổi, là một thanh niên vô cùng ưu tú, bạn bè của ông luôn khen ngợi là “con nhà người ta”. Nhưng mà so với Nghiêm Hạo, “con nhà người ta” thật sự phải là chàng trai này mới đúng.

Có lẽ một phần cũng bởi cách giáo dục con cái của gia đình Nghiêm Hạo nên tầm nhìn của thằng bé sâu rộng hơn những đứa trẻ cùng tuổi khác, cũng nghiêm khắc với bản thân mình hơn. Nhưng sự nỗ lực, sự khổ cực của cậu ta thì có mấy ai hay chứ?

Nghiêm Hạo gọi ông một tiếng “bác”, thực ra cũng là lễ nghĩa. Ông và bố của Nghiêm Hạo chỉ tạm coi là quen biết sơ sơ, không hề có giao tình gì.

Lần đầu Nghiêm Hạo tới Tòa án Tối cao là đến để nghe xử án. Phiên tòa đó kéo dài khoảng bốn tiếng, Nghiêm Hạo luôn nghiêm chỉnh ngồi phía dưới, vừa nghe vừa ghi chép, ngoại trừ lúc đi vệ sinh ra thì không hề rời khỏi chỗ. Buổi trưa đến nhà ăn ăn cơm, anh bưng khay đồ ăn, quy củ xếp hàng, thấy ai cũng lễ phép chào một tiếng. Mọi người mở họp trong phòng hội nghị, nếu Nghiêm Hạo có ở đấy thì người pha trà rót nước chắc chắn là anh. Vị thẩm phán này cũng đã từng thấy anh đứng ngoài đường tuyên truyền, phát tờ rơi, cố vấn luật pháp một cách cực kỳ nghiêm túc. Lúc đầu mọi người đều giữ khoảng cách với anh, nhưng rồi dần dà ai cũng trở nên quý mến, nguyên nhân không chỉ là bởi thái độ mà còn cả vì những lý luận phong phú sâu sắc của anh. Thậm chí còn có mấy vị chánh án tự giễu mà nói: “Thảo luận các vụ án với Nghiêm Hạo thì phải chuẩn bị bài tập ở nhà thật tốt trước đã, nếu không chắc chắn sẽ bị hỏi đến câm nín luôn.”

Vị thẩm phán này không có thói quen ca ngợi người khác. Ông chỉ có thể nói rằng ông rất vinh hạnh được hướng dẫn anh khi anh vẫn còn trẻ tuổi.

Hai người hàn huyên đôi lát về cách thức xét xử một số vụ án điển hình, chẳng mấy chốc đã qua một tiếng đồng hồ. Bác thẩm phán nhắm mắt, nhéo nhéo sống mũi. Năm tháng đúng là chẳng buông tha ai, bây giờ chỉ cần tập trung nhìn lâu một chút là cả hai mắt đã nhức mỏi rồi.

“Chẳng mấy khi cháu đưa bạn tới đây, để buổi tối bác dẫn hai đứa đi ăn thịt nướng.”

Nghiêm Hạo trả lời, có phần vội vã: “Cảm ơn bác ạ, để hôm khác làm phiền bác sau. Cháu đi trước đã.”

Không đợi bác thẩm phán trả lời, anh đã cầm lấy ba lô Minh Tịnh rồi vội vội vàng vàng đi mất. Bác thẩm phán mở mắt ra, nhìn về phía cửa chính, rồi lại trông ra ngoài cửa sổ. Gió đã ngừng thổi từ lâu, mặt trời không biết từ chỗ nào mà ló mình ra một chút, biếng nhác rải nắng xuống bãi đỗ xe phía dưới. Chỉ là, cô gái nhỏ mới nãy còn nhảy nhót ở đây không biết đã đi đâu rồi?

Minh Tịnh đúng là số đỏ, vừa mới ra đến cổng Tòa án Tối cao đã được thực hành cố vấn pháp luật. Đối tượng là một phụ nữ trung niên mập mạp trắng trẻo, ăn vận phú quý, hình như do lâu rồi không được ngủ ngon nên hai mắt đều thâm đen. Chính bà ta cũng không biết mình đã lang thang trước cổng Tòa án bao lâu, chỉ biết khi người cảnh vệ canh cổng liếc nhìn bà ta, bà ta liền rùng mình sợ hãi. Bà ta đi tới đi lui, bất chợt trông thấy Minh Tịnh, mà cũng vừa lúc Minh Tịnh nhìn về hướng ấy. Bà ta cảm thấy đã là người trong Tòa án Nhân dân Tối cao thì nhất định không phải hạng đầu đường xó chợ, lập tức mỉm cười rạng rỡ, vẫy vẫy tay gọi cô tới. Minh Tịnh nghi hoặc đi ra, bà ta liền túm chặt lấy tay cô như thể tóm được cọng rơm cứu mạng: “Cô bé, cháu nhất định phải giúp cô.”

Vẫn là một câu chuyện chẳng lấy gì làm mới mẻ. Hai vợ chồng gây dựng nghiệp từ đôi bàn tay trắng, sau hai mươi năm đã có được gia nghiệp hiển hách. Sau đó, người chồng bỗng nhiên không hài lòng với tình trạng hiện tại, cảm thấy dù là sự nghiệp hay là tình cảm thì cũng đều cần phải thay máu một lượt.

Bà cô kia khóc lóc thảm thiết không ngừng: “Bất kể ông ấy có chơi bời thế nào thì cô vẫn chỉ đinh ninh là xã giao trong công việc thôi nên vẫn mắt nhắm mắt mở cho qua, chỉ cần ông ấy về nhà là được.”

“Thế giờ ông ấy không về nhà nữa ạ?” Minh Tịnh định rút cho bà ta một tờ ấy ăn. Người phụ nữ này có vẻ vẫn rất chú trọng ngoại hình cho nên trước khi ra cửa còn trang điểm khá chỉn chu, bây giờ nước mắt tèm lem, phấn son nhòe nhoẹt, quả thực khiến cho người ta không nỡ nhìn thẳng. Cô sờ sờ sau lưng mình, mới sực nhớ ra ba lô vẫn còn để trong phòng khách.

“Về cái nhà nào? Nhà của ông ấy nhiều lắm, giữa bọn cô không phải chỉ có tiểu tam thôi đâu, còn cả tiểu tứ tiểu ngũ các kiểu nữa.”

Lại còn mạnh mẽ thế cơ!

“Vậy là cô muốn ly hôn với ông ấy ạ?”

Bà cô nọ khóc đến quặn thắt ruột gan: “Công ty là bọn cô đồng sở hữu, nếu ly hôn thì mất sạch, cô không thể nào cực khổ suốt bao nhiêu năm rồi lại ra đi tay trắng được. Cô tuyệt đối không ly hôn, nhưng mà vẫn muốn dạy dỗ ông ta một chút.”

Minh Tịnh cảm thấy cạn lời: “Thế thì cô đến nhầm chỗ rồi. Cô đáng ra phải bỏ chút tiền kiếm người giang hồ, buổi tối chặn đường chụp bao tải tẩn cho ông ấy mấy gậy. Tốt nhất là đánh đến tàn phế ấy, như thế ông ấy sẽ chẳng thể đi đâu nổi nữa. Hoặc là cô tìm một thám tử tư, khi nào ông ấy đi tìm tiểu tam, tiểu tứ, tiểu ngũ thì chụp hình bọn họ ở trên giường rồi gửi cho từng người một, nếu như họ không nghe cô thì cô sẽ tung ảnh lên mạng…”

Bởi vì chạy vội nên Nghiêm Hạo có hơi thở dốc, bàn tay bịt miệng Minh Tịnh cũng dùng nhỡ dùng lực quá mạnh, khiến cô xuýt chút ngạt thở.

“Cô à, những chuyện như thế này tốt nhất là cô nên đi tìm một luật sư đáng tin cậy để xin cố vấn. Bọn họ có nhiều kinh nghiệm, có thể cân nhắc tới rất nhiều tình huống mỗi khi xử lý vấn đề. Cô không thể nào chỉ vì xả giận mà để bản thân bị liên lụy được!” Nghiêm Hạo sợ Minh Tịnh nói chen vào nên chỉ thả lỏng ngón tay chứ không bỏ tay xuống khỏi miệng cô.

Người phụ nữ kia cảm thấy Nghiêm Hạo nói rất có lý, đúng là cẩn thận vẫn hơn. “Cháu này, thế cháu có thể giới thiệu luật sư cho cô không?”

“Cháu nghĩ cô chắc hẳn cũng có vài người bạn hay đi đánh bài hoặc dạo phố cùng, bọn họ nhất định sẽ cho cô lời khuyên đúng đắn.”

Bà cô nọ kinh hãi nhìn Nghiêm Hạo. Sao anh lại biết bà ta có kiểu bạn bè như vậy, lại còn biết cả chuyện bọn họ cũng từng gặp phải phiền não tương tự chứ?

“Thế… thế chẳng phải là sẽ khiến bọn họ chê cười à!” Bà ta gượng cười. “Việc xấu trong nhà, sao có thể khoe ra được!”

“Vậy cô cứ suy nghĩ kỹ càng đi, rốt cuộc là thể diện quan trọng hơn hay lợi ích quan trọng hơn.” Nghiêm Hạo buông Minh Tịnh ra, kéo cô về phía trạm xe buýt.

Minh Tịnh đang muốn khen tặng Nghiêm Hạo vài câu, nói anh ban nãy rất có khí thế, cực kỳ giống với một vị thẩm phán trên tòa. Thế nhưng cô còn chưa kịp mở miệng thì đã bị một câu nói lạnh băng của anh chặn họng: “Em có biết em vừa làm cái gì không? Em đã xúi giục người khác phạm pháp đấy.” Anh nghe được mấy câu cô nói, chỉ cảm thấy vừa bực mình vừa buồn cười.

Minh Tịnh tức khắc phân bua: “Bà ta lớn tuổi vậy rồi, chẳng nhẽ không có năng lực tự phân biệt đúng sai ư? Em đâu có xúi giục gì, em chỉ châm chọc vài câu thôi mà.”

“Em cũng đề cao người ta quá rồi. Nếu như bà ấy hiểu thì sao có thể chạy đến Tòa án Tối cao tìm người cố vấn?” Xã hội này luôn có những người như vậy, vừa đáng thương vừa đáng ghét.

Minh Tịnh không biết phải phản bác anh thế nào, chỉ đành cưỡng từ đoạt lý mà nói: “Dù sao thì chồng bà ấy cũng chả phải người tốt lành gì.”

“Đó chỉ là một phần thôi, phần còn lại là do bà ấy dung túng. Bà ấy cho rằng đàn ông có bản lĩnh, có thể kiếm được tiền thì dù làm sai chuyện gì cũng có thể tha thứ được, nhượng bộ được. Loại nhận thức như vậy bản thân nó đã quá sai lệch rồi. Trong hôn nhân, nghĩa vụ và trách nhiệm của hai bên đều là bình đẳng như nhau, không có chuyện ai hơn ai kém.”

Nghiêm Hạo lúc này lời lẽ sắc bén, vẻ mặt cũng có phần nghiêm trang, không hiểu sao Minh Tịnh lại cảm thấy trông anh quả thực anh tuấn đến không chịu nổi, khiến trái tim cô thình thịch nảy trong lồng ngực, ngay cả miệng lưỡi cũng bắt đầu khô khốc. Cô bất giác liếm liếm môi: “Nói nhiều quá, khát khô cả cổ họng rồi. Em đi mua chai nước đã.”

“Để anh đi cho!”

“Em đi được rồi.” Minh Tịnh khăng khăng mở ba lô trong tay Nghiêm Hạo để lấy ví tiền ra, thuận tiện móc thêm hai viên kẹo hạnh nhân. Chỗ kẹo này là Nghiêm Hạo trả lại cho cô trên đường tới Tòa án.

Ở cạnh trạm xe có một sạp báo cũng bán đủ loại đồ uống, nhưng Minh Tịnh lại bỏ gần tìm xa, chạy sang tận siêu thị nhỏ bên kia đường để mua hai chai nước khoáng. Khi đứng chờ đèn xanh, cô bỗng nhìn thấy một người đẹp tóc dài không biết đang nói gì cùng Nghiêm Hạo. Vẻ mặt anh vẫn lãnh đạm đến mức khiến cho người ta chỉ muốn cách xa ngàn dặm, thế nhưng người đẹp tóc dài lại chẳng để bụng tẹo nào, vẫn cứ cười cười nói nói.

Trông thấy Minh Tịnh, Nghiêm Hạo liền hỏi: “Em có tiền xu ở đấy không?”

Vừa nãy mua nước được người ta thối lại hai đồng tiền xu, Minh Tịnh lập tức đưa qua. Nghiêm Hạo nói với người đẹp: “Trước cửa siêu thị có bốt điện thoại công cộng, hai xu này chắc đủ để cô liên lạc với bạn mình rồi.”

Viên kẹo hạnh nhân đảo hai vòng trong miệng Minh Tịnh. Thì ra là học trưởng đang bị người ta tiếp cận bằng một chiêu trò cũ rích, muốn giả vờ mượn điện thoại để lấy số của đối phương. Minh Tịnh xoa xoa chóp mũi. Đáng tiếc, tìm lầm người rồi.

Người đẹp không nhận tiền xu, cười tươi rói nhìn Nghiêm Hạo: “Soái ca có bạn gái rồi à?” Nếu không phải vậy thì sao anh có thể ngó lơ nhan sắc của cô được chứ?

“Ừ!”

“Anh theo đuổi cô ấy hay cô ấy theo đuổi anh?” Người đẹp hoàn toàn không để ý đến việc ý đồ của mình bị người ta phá đám, vẫn còn thản nhiên buôn chuyện.

“Là cô ấy chủ động đề nghị hẹn hò với tôi.”

Tay của Minh Tịnh run lên, hai đồng tiền xu loảng xoảng rơi trên mặt đất, xoay đúng hai vòng rồi dừng lại dưới chân Nghiêm Hạo.

Anh cúi xuống nhặt chúng lên, dùng giấy ăn lau qua rồi nói với Minh Tịnh đang nghẹn họng nhìn mình trân trối: “Nếu như người ta không cần thì để anh cầm vậy!”

Người đẹp phóng khoáng chào tạm biệt họ rồi đi, trong khi Minh Tịnh vẫn chưa tiêu hóa nổi nỗi khiếp sợ này: “Học trưởng, anh…”

Minh Tịnh đang nói dở thì tầm mắt đột ngột tối sầm. Ngay sau đó, một đôi môi hơi lạnh kề sát khóe miệng của cô, đầu lưỡi mềm mại ấm áp không chút lưu tình mà quét một vòng bên trong, cuốn đi viên kẹo hạnh nhân cô vẫn còn đang ngậm.

“Sau này mỗi ngày chỉ được ăn một viên kẹo hạnh nhân thôi,” Nghiêm Hạo nghiêm túc nói.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.