Mưu Trí Thời Tần Hán

Quyển 4 - Chương 65: Linh hoạt cơ động, dùng vật này vào việc khác




Thầy giáo hỏi: "cốc trà dùng để làm gì?".
Học sinh đáp: "Uống nước".
Thầy giáo cầm cốc trà lên, nhấp một hớp rồi nói: "Đúng mà cũng không đúng".

Học sinh không hiểu gì cả.
Thầy giáo tiếp tục giải thích: "Trong những trường hợp thông thường, cốc trà dùng để uống trà, vì thế ta mới nói "Đúng". Một trận gió nổi lên, cuốn bay tập giáo án trên bàn, thầy giáo liền cầm cốc trà chặn lên tờ giấy đang bay đó. Sau đó nói: "Trong những tình huống đặc biệt, các trò xem cốc trà còn có thể làm hòn chặn giấy. Cốc trà còn có thể làm đồ thủ công mỹ nghệ để thưởng thức, thậm chí còn có thể làm vũ khí để giết đối thủ..."
Học sinh đã hiểu được mưu kế mà thầy giáo muốn nói: "Linh hoạt cơ động, vật này dùng vào việc khác".
Năm Đại Lịch thứ 14 (năm 779 sau Công nguyên) Đường Đại Tông chết, Đường Đức Tông Lý Thích lên ngôi. Lúc đó trong triều đình đang lo thù trong giặc ngoài, cục thế hỗn loạn. Đường Đức Tông muốn cải cách, xóa bỏ các tệ nạn chính trị, vì thế đã chỉnh đốn bộ máy quan lại, bỏ chức hoạn quan, thu xếp tài chính, cải cách thuế quan, tiến hành hai luật thuế, làm cho ngân khố nhà Đường tăng lên đáng kể. Ông cũng cải thiện lại mối quan hệ với Thổ Phồn, Hồi Ca, dự định nhân cơ hội đó xóa bỏ tình trạng cát cứ, cha truyền con nối để tăng cường chế độ tập quyền trung ương, phục hưng Đường thất. Nhưng Đường Đức Tông lại là người bướng bỉnh, hành động thiếu suy nghĩ, sự nghi kỵ với các công thần tướng soái thậm chí còn hơn cả Túc Tông, Đại Tông. Vì thế tuy là có ý định tốt nhưng kết quả là càng làm cho tình trạng cát cứ càng ngày càng nghiêm trọng, không ít phiên trấn đã liên kết với nhau chống lại nhà Đường, tự xưng đế vương.
Năm Kiến Trung Đường Đức Tông thứ 4 (năm 783 sau Công nguyên), Hoài Tây Tiết độ sứ Lý Hi Liệt cùng với một loạt các Tiết độ sứ khác liên kết với nhau cắt đứt đường lương thực của nhà Đường từ Đông Nam, dẫn phiến quân tấn công Tương Thành (Tương Thành, Hà Nam), uy hiếp Lạc Dương. Đến tháng 10, tình hình Tương Thành rất nguy ngập, Đức Tông đành phải lệnh cho các đạo quân ở Kinh (phía bắc Kinh Châu, Cam Túc ngày nay) và Nguyên (Cổ Nguyên, Cam Túc ngày nay) cứu viện cho Tương Thành. Kinh Nguyên Tiết độ sứ Đào Lệnh Ngôn dẫn hơn 5000 quân đi qua kinh thành, trời mưa rét mà không được khao thưởng nên lòng quân tức giận, thế là quân sĩ bất ngờ làm phản, tấn công kinh thành, xông vào hoàng cung. Đường Đức Tông dẫn theo hậu phi và hoạn quan vội vàng bỏ chạy về phía Thiên (huyện Càn, Thiểm Tây ngày nay).
Lúc đó Chu Tỉ là một người có tiếng tăm, từng làm Kinh Nguyên Tiết độ sứ vì vào triều dâng tấu mà bị Đường Đức Tông giam giữ ở Trường An. Phiến quân Kinh Nguyên lập tức tôn Chu Tỉ làm chủ. Các đạo quân cứu viện Tương Thành vẫn chưa ra hết khỏi Đồng Quan nghe tin Trường An có binh biến cũng đều quay lại Trường An, đầu hàng chịu theo Chu Tỉ. Chu Tỉ vì thế tự xưng là "Đại Tấn hoàng đế" cải nguyên "Ứng Thiên".

Để thu phục lòng người, Chu Tỉ hi vọng tìm thấy mấy vị đại thần của nhà Đường mời đến làm thuộc hạ của ông ta. Ông ta sai người mời Đoàn Tú Thực. Đoàn Tú Thực lúc đó chỉ mới giữ chức đứng đầu tư nông, Chu Tỉ cho rằng Tú Thực là người tài mà không được trọng dụng thì nhất định sẽ theo ông ta. Vậy mà lúc Đoàn Tú Thực gặp mặt lại khuyên Chu nên làm một trung thần, đón hoàng đế về. Khi thấy Chu Tỉ đã quyết làm hoàng đế thì bề ngoài chịu ở bên cạnh nhưng vẫn ngầm để ý đến chiều hướng phát triển, sợ Chu Tỉ thừa thế truy kích Đường Đức Tông.
Quả đúng như dự liệu, việc đầu tiên sau khi Chu Tỉ nhận dược sự giúp đỡ của phiến quân là lệnh binh mã sứ Hàn Mân dẫn hơn 3000 kỵ binh tinh nhuệ, tấn công Ưng Thiên để đặt Đường Đức Tông vào đường chết. Đoàn Tú Thực biết sự tình cấp bách nên lệnh cho Linh Nhạc nghĩ cách lấy trộm binh phù của Đào Lệnh Ngôn để lừa Hàn Mân đang truy kích hoàng đế quay về, để Ứng Thiên có đủ thời gian chuẩn bị phòng ngự. Trong lúc cấp thiết như thế thì sao có thể trôi chảy được. Linh Nhạc đi mất nửa ngày mà vẫn về tay không và báo rằng việc phòng bị rất nghiêm ngặt nên không có cách nào ra tay.
Đoàn Tú Thực trong lúc khẩn cấp bỗng nghĩ được kế hay, lấy giấy bút ra viết ký hiệu lên, sau đó khắc dấu của mình, giao cho thuộc hạ cấp tốc đuổi theo Hàn Mân.
Hàn Mân đã đến Lạc Cổ Dịch (Tây Nam Chu Trí, Thiểm tây ngày nay) thì thuộc hạ của Đoàn Tú Thực đuổi kịp. Hàn Mân nhìn thấy binh phù được đóng dấu của bộ nông khanh, chẳng hiểu ra sao vội vàng trở về Trường An. Thế là Đường Đức Tông tránh được một tai họa bị tấn công sát hại lớn.
Con dấu của bộ nông khanh vốn là để chỉ đạo việc nông nghiệp, Đoàn Tú Thực đã linh hoạt cơ động, trong tình thế khẩn cấp lại dùng để chỉ huy quân sự. Chính vì kế vật này dùng vào việc khác Đoàn Tú Thực nghĩ ra lúc cấp bách mà Đường Đức Tông đã bảo toàn được tính mạng.
Có thể nói rằng trên đời này bất cứ vật gì cũng đều có nhiều công năng. Nhưng khi tác dụng thông dụng của một vật nào đó đã ăn sâu vào trong nhận thức mọi người thì những tác dụng khác bị gạt bỏ ra ngoài. Nếu "linh hoạt cơ động, dùng vật này vào việc kia" thì có thể định ra biện pháp thích hợp cho từng nơi, sử dụng được hết các công năng của vật. Trong những trường hợp khẩn cấp nó là diệu kế có thể chuyển nguy thành an, hóa dữ thành lành. Trong kinh doanh thương mại, việc vận dụng kế này còn có thể đem lại những cục diện thần kỳ không ngờ tới.

Hamuwei là chủ một cửa hàng nhỏ chuyên buôn bán các loại bánh ngọt ở Ai Cập. Năm 1904, ở bang Louisiana (Mỹ) tổ chức một triển lãm quốc tế. Trong thời gian diễn ra triển lãm, ông bị sắp xếp bán bánh quế ở phía ngoài. Bên cạnh gian hàng bánh quế của ông là một tiểu thương bán kem. Triển lãm diễn ra đúng vào dịp hè, tiết trời oi bức nên kem bán rất chạy. Vì có quá nhiều người chen nhau mua kem nên đĩa đựng kem không đủ, có những khách hàng phải đợi người khác ăn xong trả lại đĩa thì mới tới lượt mình mua.
Ngược lại, bánh quế của Hamuwei thì lại phải chịu sự lạnh nhạt của mọi người. Ông nhìn thấy cảnh kem bán chạy như vậy thì đã nhạy cảm nghĩ ngay đến việc cuộn cái bánh quế lại thành hình nón, lật ngược "nón" lại thì chẳng phải có thể đựng kem sao?
Khách hàng thấy ăn kem đựng trong những cái bánh quế cuộn lại có vẻ ngon hơn là chỉ ăn không lại đỡ phải đợi, phải trả lại đĩa. Bánh quế đựng kem nhận được sự hưởng ứng ngoài sức tưởng tượng, lập tức trở nên thịnh hành ngay và còn được nói đùa là "minh tinh thật sự" của lần triển lãm này.
Kem ốc quế mà mọi người thích ăn đã ra đời như vậy. Bản quyền phát minh ra nó thuộc về Hamuwei, một người "linh hoạt cơ động dùng vật này vào việc khác".



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.