An Yên thức dậy trong nước mắt đầm đìa. Con bé phát hiện con thỏ bông đã biến mất.
Con thỏ bông đặc biệt này luôn ở bên An Yên từ nhỏ. Nhi đã tự tay may nó
cho An Yên khi mới chính thức nhận con bé làm con nuôi, xem như là một
món quà chào đón thành viên mới của gia đình. Nó không phải là một con
thỏ bông được may khéo léo tỉ mỉ được bày bán ở ngoài tiệm. Nó chỉ là
một con thỏ bông màu xám từ tai đến chân với hai con mắt màu đen và phần má hồng được Nhi tô điểm bằng chỉ. Ở trên tai thỏ, Nhi thêu lên hai chữ "An Yên". An Yên lúc ấy chưa hiểu được ý nghĩa của món quà này, nhưng
con bé lúc nào cũng giữ con thỏ bông bên mình. Trừ những khi đi học thì
phải tạm để thỏ bông ở nhà, còn những lúc khác thì con thỏ bông là vật
bất ly thân.
Thế mà bây giờ lại không thấy thỏ bông ở đâu.
Nhi tìm thấy con bé ngồi thút thít trên giường. Con bé thấy Nhi, miệng liền mếu máo. “Thỏ của An Yên biến mất rồi.”
Nhi biết là con thỏ đang ở bên Tú vì tối qua Nhi đã nhận được tin nhắn. Nhi nghĩ tạm thời An Yên không có thỏ cũng được, đến lúc nào gặp mặt thì
lấy lại, nhưng không ngờ An Yên lại phản ứng như thế này.
“Thôi thôi nín đi con. Đêm qua em thỏ ngủ ở nhà cô bác sĩ rồi. Để mẹ gọi nói với cô nhé.”
“Mẹ...mẹ cho An Yên nói với.” Con bé lấy tay lau nước mắt.
“Được rồi. Mẹ gọi ngay đây.” Nhi đưa tay vào túi quần để lấy điện thoại ra và gọi cho Tú. Chuông đổ khá lâu nhưng bên kia không ai bắt máy. An Yên
thì nước mắt vẫn cứ chảy dài làm Nhi khá sốt ruột. Tiếng đổ chuông cuối
cùng làm Nhi định tắt máy nhưng đã kịp nghe tiếng trả lời từ phía bên
kia.
“A lô...?” Giọng Tú thều thào. Nhi nhìn lên đồng hồ, quên
mất là giờ này Tú có thể vẫn còn ngủ. Nhi chuyển điện thoại qua An Yên.
“Cô ơi...” Con bé lại khóc. “Thỏ của con mất tiêu rồi.”
“An Yên hả con?” Tú bất ngờ khi nghe được giọng của An Yên.
“Dạ vâng... Cô ơi, thỏ...” Con bé khóc nấc lên như muốn mách với Tú về sự việc này.
“Không sao, không sao. Thỏ của con đang ở đây. Đừng khóc nữa.”
Con bé thút thít. “Thật hả cô?”
“Ừ ở đây này. Không có bị mất.” Tú trấn an.
Nhi bắt đầu dẫn An Yên vào nhà tắm để vệ sinh cá nhân cho kịp giờ học. Tay An Yên vẫn cầm điện thoại nói chuyện với Tú.
“Cô giữ thỏ hộ An Yên. Lát nữa cô nhớ cho thỏ ăn sáng.” An Yên dặn dò vì
sáng nào con bé cũng mang con thỏ bông xuống ăn sáng với mình.
“Thỏ thích ăn gì nào?” Tú hỏi.
“Thỏ á? Thỏ thích uống sữa để lớn giống An Yên.” Con bé lấy tay diễn tả khi
nói đến chữ lớn. Nhi lấy khăn nhúng nước rồi lau mặt con bé cho sạch.
“Rồi, sẽ cho thỏ của An Yên uống sữa nhé.” Tú hứa.
“Đưa điện thoại cho mẹ. Con đánh răng đi.” Nhi nói. An Yên ngoan ngoãn trả điện thoại. Nhi bước ra ngoài để tiếp chuyện với Tú.
“Xin lỗi Tú nhé, mới sáng sớm đã phiền Tú quá.”
“Không có gì. Vậy chừng nào Nhi muốn lấy lại con thỏ?”
Nhi ngẫm nghĩ, nếu mà chiều nay sau khi An Yên đi học về mà có thỏ thì sẽ
là một bất ngờ với con bé. Có thể hẹn gặp Tú trước khi con bé tan học để lấy lại thỏ bông.
“Chiều nay có được không Tú? Nếu được thì mình qua chỗ làm của Tú lấy nhé. Con bé tan học mà thấy chắc rất vui.” Nhi hỏi.
“Không vấn đề gì. Chiều nay bệnh viện cũng thoáng, Nhi cứ đến. Tú sẽ nhắn địa chỉ qua cho Nhi.”
“Thế thì cảm ơn Tú nhiều nhé. Con bé sẽ vui lắm đây. Từ nhỏ đến lớn chỉ thích ôm con thỏ bông đó suốt ngày.”
Tú cười vào điện thoại. “Nhiều khi đối với trẻ con, đó chính là gia tài.”
Nghe tiếng mở cửa đằng sau lưng, Nhi quay lại thấy An Yên đã vệ sinh xong.
Nhi vội nói lời cảm ơn và tạm biệt với Tú để chuẩn bị cho An Yên ăn sáng rồi đưa đến trường. Trước khi cúp máy, An Yên cũng không quên dặn dò Tú lần cuối rằng, “Thỏ của An Yên thích uống sữa vào buổi sáng.”
***
Tú bước ra khỏi phòng đi tìm con thỏ bông của An Yên. Đêm qua về Tú đã để
nó ở trên bàn bếp. Tú cầm nó lên nhìn qua nhìn lại. Con thỏ màu xám to
bằng hai gang tay nhìn thì không có gì bắt mắt hay đặc biệt, đường chỉ
may cũng không được khéo lắm. Tú đoán chắc đây là sản phẩm được làm tại
nhà. Rồi bỗng nhiên Tú chợt cười. Nếu như con thỏ này là của Nhi làm,
thì Nhi không khéo tay như Tú hình dung.
Tú để nó lên bàn ăn rồi
lại mở tủ lạnh tìm nước uống. Thấy có hộp sữa tươi, Tú nhớ liền đến lời
nói của An Yên rằng thỏ bông thích uống sữa. Với mở tủ trên cao để lấy
cái ly, Tú rót một ít sữa vào đó và mang ra cho thỏ bông.
“Nè, uống đi.”
Con thỏ vẫn bất động. Tú đột nhiên thấy mình có phần ngốc nghếch vì đi nói chuyện với một con thú bông.
Rồi Tú lấy điện thoại ra và chụp một tấm hình của con thỏ với ly sữa. Tú muốn gửi nó qua cho Nhi để An Yên có thể thấy.
Bấm gửi rồi Tú uống hết ly sữa đó. Cảm thấy có vị chua chua, Tú chạy lại
kiểm tra hạn sử dụng. Quả là đã hết hạn được một thời gian. Tú nhăn mặt, cầu trời cho không bị đau bụng.
Điện thoại Tú rung, báo hiệu có một tin nhắn vừa gửi đến. Mở hộp thư ra, Tú thấy Nhi đã hồi âm.
An Yên nói rằng uống sữa xong thì phải hôn em thỏ một cái để thưởng.
Tú liếc nhìn con thỏ, nó đâu phải là người vừa uống xong ly sữa quá hạn đâu mà phải thưởng.
Một tin nhắn nữa.
Xin lỗi Tú. Con bé nói muốn xem hình...
Tú kéo ghế ngồi xuống cạnh con thỏ bông. “Này nhé thỏ, tao biết là tao nói chuyện với mày như thế này thì kì khôi lắm, nhưng tao làm vì An Yên
thôi đó.”
Nói ra cho đỡ cảm thấy ngốc nghếch, Tú giơ điện thoại
lên và chụp một tấm hình mình đang hôn vào tai con thỏ. Chụp xong Tú bấm gửi qua cho người muốn xem, rồi để điện thoại trên bàn và vào phòng
thay quần áo, chuẩn bị cho một ngày mới ở bệnh viện.
***
Các cô giáo đang phát phần ăn cho từng bé tại lớp học của An Yên. Các bé
xếp hàng ngoan ngoãn, đợi đến lượt của mình. Món ăn trưa hôm nay là gà
rô ti và canh bí đao thịt bằm, kèm theo một trái táo ăn tráng miệng. An
Yên không phải là đứa trẻ ăn giỏi và ăn nhanh, nhất là với những món ăn
có xương phải gỡ. Ở nhà, với món gà, Nhi vẫn phải xé thịt cho con bé. Vì con bé ăn được món gì thì Nhi rất mừng, nên việc ăn uống Nhi không
nghiêm khắc cho mấy.
Hôm nay lấy phần ăn về bàn, An Yên mất hơn nửa tiếng vẫn chưa ăn xong. Phần gà vì cần gỡ xương nên con bé vẫn chưa đụng đến.
“An Yên à, các bạn ăn sắp xong rồi kìa.” Cô giáo nhắc nhở, rồi cầm tô cơm lên đút cho An Yên ăn một muỗng. “Con ăn gà vô.”
Thấy cô giáo nhìn, An Yên dùng tay cầm cái đùi gà lên. Con bé sợ dơ nên chỉ
cầm với hai ngón tay, cắn một miếng gà nhỏ xíu rồi lại để xuống.
“Con không ăn ngoan, cô sẽ gọi về báo với ba mẹ đó. Cuối tuần cũng không được bông hoa hồng vào sổ.”
An Yên chau mày, miệng cố gắng nhai. Cô giáo bỏ đi xem những bạn khác. Lúc này, bé gái ngồi cạnh An Yên mới lên tiếng.
“Tớ nhớ cậu đâu có ba.”
An Yên vẫn ráng nuốt đồ ăn trong miệng. Bé gái lắc đầu, húp hết phần canh
của mình. “Ba tớ nói nếu tớ không ngoan ba sẽ cho tớ đi và không nuôi
nữa. Có phải cậu không ngoan không?”
“Minh Châu, con để bạn ăn
cơm. Con ăn xong đi dọn dẹp và đánh răng đi nào.” Cô giáo lại nhắc nhở.
An Yên thấy cô quay lại liền hối hả ăn, cho cơm và gà vào miệng liên
tục, đến lúc con bé không nhai kịp thì bị sặc cơm, phun hết ra ngoài.
“Ôi thôi.” Cô giáo lại vỗ lưng An Yên. “Thôi nhai từ từ. Con no chưa?”
An Yên ho thêm vài lần. “Con... Con no rồi ạ.”
“Vậy thôi, không ăn nữa. Con dọn khay rồi đi đánh răng đi.”
An Yên dạ vâng rồi mang khay cơm ăn còn dang dở của mình để vào rổ. Đi
đánh răng xong, cả lớp được ra sân trường chơi khoảng nửa tiếng rồi vào
ngủ trưa. An Yên hôm nay chọn nằm cạnh Minh Châu. Những lời nói của Minh Châu lúc nãy, An Yên vẫn còn nhớ trong đầu.
“Có thật là vì tớ không ngoan nên mới không có bố không?” An Yên thì thầm hỏi người bạn của mình khi cả lớp đang nằm ngủ trưa.
“Ba tớ nói vậy đó. Cậu gặp ba bao giờ chưa?”
“Chưa. Tớ chỉ gặp mẹ. Nhưng tớ có đến hai mẹ lận. Một mẹ sinh tớ ra từ bụng và một mẹ sinh tớ ra từ trái tim.”
Bạn của An Yên mở mắt tròn xoe. “Thế á. Thích thế. Tớ cũng muốn có hai mẹ.”
An Yên cười. “Nhưng một mẹ của tớ ở trên thiên đường mất rồi. Mẹ Nhi nói với tớ là phải lâu lắm tớ mới có thể gặp lại mẹ Hạ.”
Bạn của An Yên không nói gì thêm nữa, nhìn An Yên một hồi lâu rồi nhắm mắt
ngủ. Những điều An Yên nói không hẳn là dễ hiểu cho một đứa bé năm tuổi. Nhưng với An Yên, con bé hoàn toàn hiểu được tại sao lại có mẹ Hạ, rồi
mẹ Nhi. Đúng như câu con người sẽ tự thích nghi với hoàn cảnh của mình.
An Yên chỉ có năm tuổi, nhưng với tình trạng của mình thì con bé bắt
buộc phải hiểu chuyện hơn các bạn đồng trang lứa. Cuộc sống ngay từ đầu
đã không cho con bé sự lựa chọn nào khác. Xoay mặt vào bức tường, An Yên cũng nhắm mắt ngủ, để rồi mở mắt dậy là sẽ được về gặp mẹ.
***
Nhi sốt ruột nhìn vào đồng hồ đeo tay. Còn chưa đầy một tiếng nữa là đến
giờ đón An Yên mà giờ này vẫn chưa bàn công việc xong với vị khách ngồi
trước mặt. Đường từ công ty của Nhi chạy đến bệnh viện của Tú cũng xa
trong khi An Yên lại sắp tan học. Làm sao kịp đi lấy con thỏ cho con bé
đây?
Đúng ngay lúc đó, Tú gọi đến. Thật đúng lúc, có điều trong
lúc gặp khách hàng thì Nhi không thể nghe điện thoại từ ai, trừ khi
người đó là mẹ hay cô giáo của An Yên.
Vị khách nữ Nhi đang tiếp
chuyện muốn tự mình tổ chức buổi gặp mặt lần thứ ba với người đó. Bàn
tới bàn lui, bạn này vẫn không hài lòng về địa điểm tổ chức cũng như
thực đơn món ăn. Cố gắng chiều lòng khách hàng, Nhi đưa ra rất nhiều gợi ý hy vọng rằng vị khách này sẽ hài lòng với một địa điểm nào đó, nhưng
cuối cùng cũng không đâu vào đâu. Đến khi chỉ còn 20 phút nữa là An Yên
tan trường, Nhi phải xin phép chấm dứt cuộc gặp mặt và hẹn vị khách vào
ngày mai. Dù sao, An Yên vẫn quan trọng nhất.
Khi vị khách ấy ra
về, Nhi vội chạy xuống tầng hầm để lấy xe, giao công ty cho hai chị đóng cửa. Trong lúc đang ở thang máy, Nhi kịp nhắn cho Tú một tin nhắn, nói
rằng Nhi không thể đến lấy vì bây giờ phải chạy qua đón An Yên, hẹn Tú
lần sau gặp sẽ lấy thỏ bông.
Cũng phải gần nửa tiếng sau Nhi mới
đến được trường An Yên bởi giờ tan tầm lúc nào cũng đông xe. Chạy vào
sân trường, Nhi thấy con bé hôm nay không chơi cùng bạn nữa, mà ngồi một góc trên bậc thềm của lớp. Mắt con bé nhìn xuống đất, cứ thế mà ngồi
bất động.
“An Yên à, mẹ đến rồi.” Nhi nói khi đi lại bên con bé. Nhưng con bé không nhìn lên.
“An Yên sao thế?”
Con bé lắc đầu.
“Nhìn mẹ nào.”
Nghe lời, con bé nhìn lên. Mắt không đỏ, chứng tỏ là không có khóc. Vậy thì có chuyện gì?
Nhi ngồi xuống cạnh, lấy tay xoa lưng An Yên, việc mà Nhi thường làm khi
con bé cảm thấy khó chịu. Nhi dịu dàng xoa, giữ im lặng để cho con bé
thoải mái. Một hồi sau, con bé thả lỏng người và lên tiếng.
“Có phải vì An Yên không ngoan nên An Yên mới không có bố không mẹ?”
Nhi giật mình với câu hỏi ấy từ An Yên. Từ nhỏ đến giờ, con bé chưa một lần tự hỏi Nhi về bố của mình. Con bé chỉ biết rằng mình không sống với bố.
“Ai nói thế. An Yên của mẹ ngoan lắm.” Nhi trấn an, tay vẫn tiếp tục xoa.
“Bạn Minh Châu nói rằng nếu không ngoan, bố sẽ bỏ không nuôi nữa.”
“An Yên.” Nhi nhìn vào đôi mắt của con bé. “Con ngoan lắm. Bố của con không phải vì con không ngoan mà không hiện diện.” Nhi cố gắng tìm trong đầu
những từ thích hợp để giải thích. “Bố của con chẳng qua...chẳng qua là
không đủ tư cách để đi vào cuộc sống của con.”
Con bé nhìn Nhi,
nét mặt không hiểu lắm những gì Nhi vừa nói. Tư cách là gì? Dĩ nhiên là
con bé không hiểu. Nhưng thật sự Nhi không biết tìm lời nào để giải
thích với An Yên. Nhi không nghĩ An Yên lại quan tâm về vấn đề này sớm
đến thế.
“Thôi, mình đi về nào con. Bà đang đợi ở nhà đấy.” Nhi
đứng dậy, nắm tay An Yên kéo con bé lên. Con bé mặt còn phụng phịu nhưng cũng đứng lên theo Nhi và hai mẹ con dắt tay nhau đi lại nơi Nhi đã đậu xe. Nhi đưa áo khoác cho An Yên mặc, rồi đưa khẩu trang. Đang trong lúc Nhi leo lên xe để chuẩn bị về thì nghe tiếng gọi.
“Đợi chút!”
Nhìn qua, Nhi thấy Tú đang chạy lại. Tú có mặt tại trường học của An Yên làm Nhi rất bất ngờ, đã vậy tay Tú còn đang cầm con thỏ bông.
An Yên có vẻ đã thấy con thỏ của mình vì con bé vội lao xuống xe và chạy lại
bên Tú. Nhi nhanh chóng dựng xe rồi cũng chạy theo sau con bé. Sao vừa
nãy còn ủ rũ mà giờ con bé lại chạy nhanh đến thế.
“Thỏ!” An Yên
gọi to, như chưa được gặp người bạn của mình trong thời gian rất lâu. Tú đưa liền con thỏ cho An Yên khi con bé chạy đến. Con bé cầm lấy con thỏ bông và nhảy dựng lên làm Tú cười, cảm thấy quyết định đi đến trường
trả lại con thú bông này cho An Yên của mình là đúng đắn. Từ xa Nhi cũng chạy lại. Thấy An Yên mải mê mừng thỏ bông mà không chào hỏi ai, Nhi
trách nhẹ.
“An Yên, sao con không chào cô.”
Vừa được nhắc, An Yên lập tức khoanh tay và cúi đầu chào.
“Thật tình là ngại quá.” Nhi nói với Tú. “Để Tú phải chạy qua đưa. Nhưng làm sao mà Tú biết được trường học của con bé vậy?”
“Lần trước trường của An Yên đến bệnh viện của Tú mà. Sau khi nhận được tin
nhắn của Nhi, thấy không có khách hẹn nên Tú lên mạng tìm địa chỉ rồi
chạy ngay đến đây.”
“An Yên, con cảm ơn cô chưa?” Nhi hỏi. Con bé mải mân mê con thỏ bông nên cũng quên hẳn việc nói lời cảm ơn.
“Không sao đâu. Thấy bé vui như vậy Tú cũng vui.”
Có một khoảng lặng giữa hai người. Tú biết nhiệm vụ của mình đã xong, và cũng không còn gì để nói nữa.
“Thôi Tú về đây. Nhi với bé cũng về đi, trên đường đi cẩn thận.” Nói rồi Tú cúi người xuống để nhìn An Yên. “Tạm biệt con nhé.”
An Yên nhón chân lên và đặt lên má Tú một nụ hôn. “Cảm ơn cô ạ.”
Với hành động đó của An Yên, Tú có hơi bất ngờ nhưng rồi cũng tự nhiên thấy ấm lòng đến lạ. Tú có thể thấy An Yên là một đứa bé sống tình cảm.
Còn Nhi, Nhi cũng ngạc nhiên với An Yên. Con bé không hẳn cởi mở với người
lạ nếu có mẹ ở cạnh. Tú thì An Yên chỉ mới gặp có vài lần thôi, nhưng có lẽ lần gặp mặt đầu tiên con bé đã có ấn tượng tốt với Tú. Điều đó cũng
dễ hiểu khi Tú là một bác sĩ thú y, còn con bé thì mê mệt với chó mèo.
Chào tạm biệt Tú, Nhi và An Yên đi về nhà. Con bé ôm chặt con thỏ bông trong tay như sợ lạc mất lần nữa. Về đến nhà, An Yên thưa bà rồi chạy ngay
lên phòng để đặt thỏ bông lên đầu giường. Đó là nơi an toàn nhất của
thỏ. Ở trên giường, cạnh An Yên.
Tối hôm đó, khi An Yên đã ngủ
say, Nhi có tí thời gian dọn dẹp nhà cửa. Xả cái khăn và vắt hết nước,
Nhi nhẹ bước lại chiếc piano được đặt ở một góc nhà để lau chùi. Bụi bặm bám trên chiếc piano do Nhi lâu ngày đã không đụng đến nó khiến cái
khăn chỉ mới lau qua hai lớp đã sạm màu đi vì những mảng đen bụi bẩn. Xả nước thêm lần nữa, Nhi giở nắp đàn lên để lau chùi các phím. Rồi cứ như thói quen, Nhi chơi vài nốt nhạc. Tiếng đàn âm vang xoá bỏ sự tĩnh lặng của màn đêm. Thấy bỗng dưng có chút hứng thú, Nhi để chiếc khăn lên nóc đàn rồi ngồi xuống ghế, hai tay để lên các phím. Nhắm mắt lại, Nhi đánh theo trí nhớ. Bản River Flows in You cứ thế mà vang lên khắp ngôi nhà
nhỏ. Đây là bản nhạc mà Hạ vẫn luôn yêu thích. Trong lúc Hạ mang bầu An
Yên, đây là bản nhạc mà Nhi luôn đàn cho Hạ và An Yên cùng nghe.
Đã lâu lắm rồi Nhi mới đụng vào những phím đàn. Bản nhạc này mang về thật
nhiều kỷ niệm. Đang chơi mà nước mắt chảy lúc nào không hay. Nhi đánh
đến những nốt cuối cùng, rồi ngồi thẫn thờ ở đó với hàng tá suy nghĩ
trong đầu. Nhi cũng không phát hiện được mẹ đang đứng lắng nghe ở phía
sau, cho đến khi mẹ lên tiếng hỏi.
“Con lại buồn nữa sao?”
Vội lau đi giọt nước mắt còn sót lại, Nhi lắc đầu. “Không ạ. Lâu rồi con không chơi đàn nên có hơi xúc động.”
Mẹ đi lại ngồi xuống cạnh Nhi. “Con nghĩ mẹ là ai chứ. Lúc nãy giờ cơm mẹ
nhìn qua thì biết ngay có chuyện đang làm con bận tâm. Có kể mẹ nghe
được không?”
Nhi thở một hơi dài rồi thú nhận nỗi lòng của mình. “Là An Yên mẹ ạ.”
“Con bé lại thế nào nữa?”
“Hôm nay An Yên nhắc đến bố nó rồi. Bạn của con bé ở trường đã hỏi đến vấn đề này.”
Nét mặt của mẹ bỗng sầu theo Nhi. “Con biết mình cũng không thể trốn tránh
chuyện này mãi mà. Khi An Yên càng lớn, trong đầu sẽ càng có nhiều câu
hỏi về cội nguồn của mình.”
“Nhưng con không ngờ lại mau đến thế. Con chưa chuẩn bị. Con chưa sẵn sàng. Con chỉ muốn con bé mãi ngây thơ. Con đã tìm những lời tốt nhất để giải thích với con bé về việc của Hạ.
Còn việc bố của con bé thì phải giải thích như thế nào đây? Con không
muốn nói dối con bé, nhưng cũng không muốn con bé nghĩ mình là vật bỏ
đi.”
“Nếu bây giờ con chưa sẵn sàng, thì con sẽ mãi không sẵn
sàng.” Mẹ nắm lấy tay Nhi. “Bây giờ con là điểm tựa, là người An Yên tin tưởng nhất. Nếu con bé có hỏi, con cứ trả lời đúng như sự thật. Chẳng
có gì phải che dấu cả.”
“Mẹ có nghĩ rằng vì An Yên không có bố nên con bé thiệt thòi hơn nhiều bạn bè cùng tuổi không?” Nhi hỏi.
“An Yên có con cơ mà. Con đã làm tốt vai trò của cả hai rồi còn gì. Còn nếu con cảm thấy con bé cần có bố, thì mau đi tìm một người về làm bố cho
con bé đi. Tháo cái sẹo này ra nữa.” Mẹ chỉ vào má, nơi mà Nhi dán cái
sẹo giả. “Con gái của mẹ xinh hơn thiên nga, thế mà suốt ngày lại đi hoá trang cho mình xấu đi là như thế nào?”
“Chưa đến lúc mẹ ạ.” Nhi
sờ lên má của mình, từng ngón tay chạm vào vết sẹo có hơi sần sùi ấy.
Cũng làm quen với nó đã một thời gian. Mới đầu còn ái ngại ánh mắt người ta nhìn mình, nhưng dần rồi lại quen. Có nó Nhi cũng thử lòng được
nhiều người lắm. Những người chỉ biết thích vẻ bề ngoài, Nhi thấy không
nên phí thời gian của mình với họ. Một cái sẹo đã không chịu được, vậy
thì sau nay có bệnh tật, già nua thì sẽ ra sao?
“Con lại thế
nữa.” Mẹ đứng lên, bỏ cuộc với cuộc trò chuyện này. “Mẹ chưa bao giờ hối thúc con điều gì, nhưng mẹ cũng xót con của mẹ lắm. Con còn trẻ, lại
mang bên mình một đứa con. Con nghĩ xem, có ai đủ can đảm để yêu cả con
và con bé? Con người bây giờ họ không thích những đồ cũ đâu con.”
Câu nói của mẹ thật là đau, nhưng nó cũng thật là đúng. Bởi chính vì lý do
đó mà Nhi rất sợ yêu, sợ mở lòng mình chỉ để nhận lại những nỗi đau. An
Yên cũng đã quá tội nghiệp rồi, con bé không cần chịu thêm nhiều mất mát nữa.
Sau khi mẹ trở vào phòng, Nhi cũng đóng nắp đàn lại, dọn
cái khăn rồi lên phòng của mình. Lấy cái máy tính xách tay trong túi ra, Nhi mở xem lại những hình ảnh của An Yên lúc nhỏ. Từ lúc còn nằm gọn
trong vòng tay của Nhi, đến lúc tập bước những bước chập chững, rồi đến
ngày đầu tiên đi học. Nhi ngẫm nghĩ, không biết sau này có ai đó để Nhi
chia sẻ những cột mốc, những khoảnh khắc này của An Yên hay không. Có
phải tình yêu sẽ luôn vượt qua tất cả? Người mà có thể mở lòng với Nhi
và cả An Yên, ắt hẳn là có trái tim nhân từ lắm.
Nhưng Nhi à, Nhi tự nói với bản thân. Tình yêu không phải là sự thương hại. Tình yêu
không phải là để xem trái tim ai lớn hay nhỏ. Tình yêu là những gì mình
cảm nhận được. Tình yêu sẽ cho mình thêm động lực và dũng khí. Yêu một
người không phải là độc chiếm, không phải là ích kỷ giành lấy. Khi mình
yêu một ai đó, cái tình cảm đó mình sẽ dành luôn cho cả những người mà
người đó yêu thương. Khi tình yêu đã đạt đến ngưỡng đó, tức là mình đã
biết trân trọng và biết yêu không mù quáng.
Có những thứ mình
càng muốn tìm, thì trong quá trình mình lại càng cảm thấy bực bội. Thôi
cứ cái gì muốn đến sẽ đến. Nhi sẽ không đi tìm, vì không phải nói tìm là thấy. Càng không thể nào ép duyên phận. Có thể với Nhi, số phận đã định rằng phải mười năm nữa mới có người thương. Lúc đó An Yên cũng đã
khoảng mười lăm tuổi, sẽ đỡ lo hơn rất nhiều.
Năm nay Nhi hai mươi lăm tuổi, tương lai vẫn còn nhiều cơ hội mà phải không?