Sau tám năm, đêm đầu tiên trở về thành phố C, Tần Mạc mơ thấy Lolita.
Cô bé mặc chiếc váy dài màu đỏ, mái tóc búi cao, thần thái hưng phấn, đứng sau tấm rèm cửa sổ màu trắng, mỉm cười nhìn anh.
Anh biết đó là giấc mơ, anh nhớ cô bé mà anh luôn lưu giữ trong ký ức ấy đã ra đi từ rất lâu rồi, nhưng nụ cười của cô ấy đẹp như vậy, anh không
cầm lòng được mà đưa tay ra. Gió biển lồng lộng thổi tới, thổi tung mái
tóc của anh, tiếng cười khúc khích của cô ấy dường như vang lên trong
tiếng sóng biển vỗ bờ, rồi lại bị sóng biển cuốn ra xa, anh túm chặt tấm rèm cửa, hình bóng của cô đã tan biến, tiếng cười lảnh lót như tiếng
chuông vang vọng trong bầu không khí ẩm ướt bỗng nhiên ngừng bặt. Ngón
tay anh chạm phải cánh cửa sổ đang khép chặt, nhìn thấy đường bờ biển
cong cong sau lớp cửa kính, kéo dài tới tận chân trời. Trong tiếng sóng
biển rì rầm, dường như còn nghe thấy giọng hát của cô khe khẽ vang lên
bên tai: “Khi nhớ anh, không kìm nén được một tiếng thở dài… chỉ là
tiếng thở dài… chỉ là tiếng thở dài…”.
Tần Mạc bừng tỉnh dậy.
Căn phòng tối om, anh bật ngọn đèn ở đầu giường, đốt một điếu thuốc,
trong đốm lửa chập chờn, chuyện cũ lại ùa về. Lolita, cái tên giống với
tên của nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết của Nabokov, anh nhớ lại,
cô đã từng rất buồn rầu vì cái tên này, ầm ĩ đòi thay đổi nó, lý do là
bởi vì cô linh cảm thấy vì cái tên này mà cô phải chịu lời nguyền rủa,
sau khi trưởng thành sẽ bị gả cho một ông chú hoặc một ông già, còn có
khả năng sẽ bất ngờ ra đi khi còn trẻ. Anh nghe được những phát ngôn tỏ ý phẫn nộ này thì cảm thấy rất buồn cười, không ngờ chưa đầy một năm sau
thì mỗi một linh cảm đều trở thành sự thật, anh đã yêu cô, còn cô lại ra đi khi mới mười tám tuổi.
Lần đầu tiên gặp Lolita, đó là mùa hè năm Tần Mạc hai mươi ba tuổi, năm cuối cùng của khóa học Thạc sĩ, anh
nghỉ học cùng mẹ về nước dưỡng bệnh. Thành phố S bên bờ biển, đầu mùa hạ với cảnh sắc tuyệt đẹp vào sáng sớm, khó khăn lắm anh mới dậy sớm được, sau khi đọc báo xong, cầm giá vẽ đi về phía bờ biển gần nhà để vẽ cảnh
mặt trời mọc. Cách đó không xa, hàng dừa xanh biếc, bờ biển phủ một lớp
cát trắng mềm mịn, giẫm chân xuống mang theo cảm giác ấm nóng ẩm ướt.
Anh chọn góc độ phù hợp rồi dựng giá vẽ, nhìn thấy một cô bé đang ngồi
xổm trên cát dùng nước và cát để xây lâu đài ở phía trước, mặt trời từ
từ nhô lên, phía tận cùng của biển cả, đất và trời cùng sáng bừng sắc
vàng.
Ban đầu, anh thực ra cũng không chú ý nhiều tới cô bé đang nghịch cát kia. Nhưng ba, bốn tiếng đồng hồ trôi qua, anh thu dọn giá
vẽ lại, liếc mắt nhìn về phía đó, mới phát hiện ra cô bé vẫn ngồi ở chỗ
cũ, lưng cúi sát xuống, ngay cả tư thế cũng không thay đổi. Anh không
vội ra về, để giá vẽ trên cát, chậm rãi tiến lại gần xem cô bé đang làm
gì. Anh đứng bên cạnh nhìn ngắm khoảng nửa giờ đồng hồ, cô bé vẫn mải mê trong công việc của mình, căn bản không phát hiện ra sự tồn tại của
anh, luôn cau mày nghiên cứu xem phải trộn nước với cát tỉ lệ bao nhiêu
mới có thể xây lâu đài một cách thuận lợi được. Anh được coi là một
người rất tập trung khi làm việc, nhưng cũng chưa tập trung tới mức như
cô gái này, không chỉ tập trung, mà còn kiên trì, thử lần nào lần đó
thất bại, thất bại lại thử tiếp, trong nửa giờ anh đứng nhìn ngay bên
cạnh, cô đã liên tục thất bại tới bốn lần, không biết trước đó tất cả đã thất bại bao nhiêu lần nữa. Có một người từ xa chạy tới, anh quay lại
thu dọn giá vẽ đi về nhà, quay đầu nhìn, cô bé đã được một chàng trai
kéo đứng lên, bấy giờ mới phát hiện ra dáng người cô bé rất cao, không
nhỏ bé như ấn tượng ban đầu.
Ăn cơm trưa xong, anh cùng mẹ dạo
bộ, lại nhìn thấy cô bé đó, vẫn ngồi xổm ở vị trí sáng nay, bên cạnh là
một chiếc xẻng và xô nước, trên đầu còn đội thêm chiếc mũ nan nhỏ. Anh
bật cười thành tiếng. Mẹ hỏi anh cười vì điều gì. Anh lắc đầu: “Không có gì đâu ạ”. Khi đã đi rất xa rồi, mới nói với vẻ nghiêm túc: “Nhìn thấy
Ngu Công đắp núi[1] thời hiện đại”.
[1] Thực ra phải là “Ngu
Công dời núi”, nhưng đã được Tần Mạc sửa lại. “Ngu Công dời núi” là một
điển cố của Trung Quốc, chuyện kể rằng, trước nhà Ngu Công có hai ngọn
núi lớn, mỗi lần đi lại đều rất bất tiện, thế nên Ngu Công bèn tập hợp
con cháu lại, cả nhà hợp sức di chuyển hai ngọn núi này đi. Bất kể mùa
hè nóng nực, hay là mùa đông giá lạnh, hằng ngày đi sớm về tối, họ không ngừng đào núi. Việc làm của họ cuối cùng đã làm cảm động Thượng Đế.
Thượng Đế đã cử hai vị thần tiên xuống trần gian, dọn hai ngọn núi này
giúp họ. (BT)
Mấy ngày sau, trong một buổi tối, mẹ hỏi anh: “Còn nhớ chuyện hồi nhỏ cùng mẹ tới cô nhi viện không?”. Anh đang chăm chú
đọc một cuốn tiểu thuyết trinh thám, ngẩng đầu lên hững hờ nói: “Gì ạ?”.
Mẹ cười nói: “Không nhớ ư? Hồi đó còn mới bảy tuổi nhỉ, chú Lạc và cô Lê
muốn nhận nuôi một đứa trẻ, mẹ đưa con cùng họ tới cô nhi viện, ngay lập tức con thích một bé gái đang nằm trong nôi mút ngón tay, chạy lại vừa
bế bồng vừa hôn hít, nhất định không chịu buông ra…”.
Anh ngạc
nhiên hỏi: “Thật ạ? Một chuyện đặc biệt như vậy sao con lại chẳng có
chút ấn tượng gì thế?”, ngạc nhiên xong lại tiếp tục đọc sách: “Sao mẹ
không nhận cô bé về để làm vợ của con?”.
Mẹ anh thở dài: “Tất cả đều tại cô Lê của con đã nhanh tay hơn”, thở dài xong lại mỉm cười nói: “Tuy nhiên không sao cả, ngày mai vợ tương lai của con sẽ tới nhà mình
thăm con đấy”.
Anh mỉm cười một tiếng chẳng nói gì cả, tiếp tục cuối đầu xuống đọc sách.
Ngày hôm sau, cô bé theo lời mẹ kể đã xuất hiện rất đúng hẹn, đi theo sau mẹ của cô ấy. Anh vô tình nhìn thấy qua cửa sổ phòng mình, không ngờ cô bé đó lại chính là Ngu Công mà anh tình cờ gặp ngoài bãi biển mấy ngày
trước.
Biện Chi Lâm[2] đã nói, bạn đứng trên cầu ngắm phong
cảnh, người ngắm phong cảnh đứng ở trên lầu nhìn bạn. Ngu Công ngồi trên một chiếc ghế đôn nhỏ, ngắm nghía rất kỹ chiếc đồng hồ để bàn cổ kính
của nhà anh, biểu hiện chân thành, nghiêm túc, giống như mấy hôm trước,
khi cô bé ngồi trên bãi cát nghiên cứu tỉ lệ pha trộn giữa cát và nước
vậy. Anh đứng trên cầu thang nhìn ngắm cô gái này, phát hiện ra cô có
hàng mi cong cong, đôi mắt hai mí to tròn, sống mũi thẳng tắp, đôi môi
ửng đỏ, khuôn mặt rất xinh xắn. Nhưng cô gái xinh xắn này dường như lại
có ý thù địch với anh. Mẹ nói tên tiếng Anh của anh là Stephen, cô ấy
cúi nhìn xuống tỏ ý miệt thị: “Có phải Stephen mà em biết không nhỉ,
Stephen Hawking? Stephen Lee? Stephen Spielberg hay Stephen Jackson, anh là Stephen nào?”. Mẹ cười với anh: “Stephen, có phải con cảm thấy cách
nói chuyện này rất quen không, Lạc Lạc giống hệt con hồi nhỏ đấy”. Anh
khẽ cười: “Hồi nhỏ khi nói chuyện, con lại không có nhiều giọng mũi như
vậy”. Một câu nói đã khiến cô bé nổi giận. Điệu bộ khi giận dữ của cô bé rất thú vị, quá trình dỗ dành cô bé càng thú vị hơn. Mẹ nói với cô Lê:
“Cô con gái này của cậu quả đúng là một báu vật”. Anh hơi dựa vào sofa,
nhìn khuôn mặt ửng đỏ, nghĩ, cũng không hẳn là một báu vật.
[2]
Biện Chi Lâm (1910 – 2000), quê ở tỉnh Giang Tô, là nhà thơ, dịch giả
của Trung Quốc. Phong cách thơ của ông gần với phái Tượng trưng, chú ý
đến âm tiết hoàn chỉnh, ngôn ngữ lạ và khéo. (BT)
Cô bé muốn thi vào Học viện Mỹ thuật S, nhờ anh dạy vẽ, nhưng cô là một cô bé khó đối
phó như vậy, lúc ban đầu còn có ý thù địch với anh nữa. Sau khi nhận
công việc này, anh lập tức gọi điện thoại cho một người bạn đang làm
công việc tư vấn tâm lý cho đối tượng nhi đồng: “Cậu có biết dỗ dành trẻ con thì phải làm như thế nào không?”. Người bạn đưa ra ý kiến chuyên
nghiệp: “Trẻ con cần được khích lệ, khích lệ là động lực và cũng là điều kiện đảm bảo để trẻ con trưởng thành một cách lành mạnh. Nếu bọn trẻ
làm tốt, cậu phải khen thưởng cho chúng, ví dụ như một bông hoa, một
thanh kẹo sô cô la, cậu phải khiến chúng cảm thấy chúng đã được khẳng
định”. Đưa ra ý kiến xong, người bạn của anh bật cười lớn: “Nghe nói một nửa sinh viên trong trường cậu đang dò đoán xem Hội trưởng Hội sinh
viên tài hoa của họ sau khi nghỉ học sẽ làm gì, có người nói cậu tiếp
quản sự nghiệp của gia đình, có người nói cậu đi Nam Cực thám hiểm, có
người còn viễn vông hơn, nói rằng cậu tới châu Phi để đi săn, sao có thể ngờ rằng sự thật là cậu về Trung Quốc để dạy trẻ con vẽ tranh chứ, đúng rồi, đứa trẻ mà cậu dạy bao nhiêu tuổi rồi? Nếu vượt quá mười hai tuổi, mưu kế kia của tớ là không khả thi đâu”. Anh nhớ lại điệu bộ khi giận
dỗi của cô, nhớ lại khuôn mặt ửng đỏ khi nhận quà ra mắt rồi lại gọi anh là anh hai, nói qua quýt: “Đại khái là vậy, cách thức cậu nói có vẻ khả thi đấy”.
Ngày hôm sau, anh lái xe tới cửa hàng, mua một túi sô cô la lớn. Thực ra khi về nhà, anh cũng từng nghĩ, liệu có phải đã định vị độ tuổi tâm lý của cô bé quá thấp hay không. Nhưng, điều không may
là, qua vài lần thực tiễn, phát hiện ra độ tuổi tâm lý của cô bé lại
thấp như vậy, cách thức này quả nhiên rất khả thi.
Cô gái mang
tên Lolita này theo anh học vẽ tranh, gọi anh là anh hai, anh là thầy
giáo của cô. Anh coi cô như một đứa trẻ, gọi cô là Lạc Lạc giống như bố
mẹ của cô, đó là thời kỳ đầu tiên.
Anh chưa bao giờ nghĩ rằng
bản thân sẽ thích một cô gái kém mình tới sáu tuổi, có độ tuổi tâm lý
chưa biết còn kém mình tới bao nhiêu nữa. Thực ra cô ấy sắp tròn mười
tám tuổi, không còn là cô bé nữa rồi, chỉ là ngay từ ban đầu, anh đã
nghĩ như vậy, sau này cho dù thế nào cũng khó có thể thay đổi được.
Anh phát hiện ra tình cảm khác thường này vào một buổi chiều thứ Bảy, hôm
đó ngoài trời mưa lớn, khiến bầu trời giữa hè trở nên mát mẻ. Trời đất
ảm đạm, ánh đèn điện thắp sáng cả phòng vẽ, trên tấm thảm cạnh cửa sổ
rộng tới sát nền nhà, anh lật giở đọc nốt mấy tờ báo được đưa tới ban
sáng, cô đang ôm giá vẽ ngồi bên cạnh vẽ tĩnh vật. Trong không gian yên
tĩnh bỗng vang lên tiếng chuông điện thoại di động chói tai, anh ngẩng
đầu lên, cô quẳng chiếc điện thoại xuống lao ra ngoài, trên giá vẽ là
bức tượng thạch cao của Voltaire mới vẽ được một nửa, bút vẽ vứt bừa bãi trên đất. Anh nghe thấy tiếng chân của cô chạy xuống lầu, nghe thấy cô
mở cổng rầm một tiếng, dường như còn nghe thấy cả tiếng mưa xối xả ở bên ngoài, rồi không còn nghe thấy âm thanh gì khác nữa. Anh ngồi quỳ gối
xuống nền nhà, chống cằm nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy cách đó không xa,
dưới cơn mưa, một chàng trai cao lớn cầm ô đưa cho cô gái mặc váy trắng
đang chạy như bay về phía mình, không biết đã nói câu gì, cô gái bước
tới, ôm chầm lấy chàng trai, chàng trai đẩy cô ra, giơ một tay lên trước trán che mưa rồi chạy mất. Một chiếc ô tô tải phóng qua trên đường đèn
xe chiếu rõ khuôn mặt khôi ngô của chàng trai. Hai phút sau, cô gái toàn thân ướt nhèm hớn hở xuất hiện trước cửa phòng vẽ, chiếc váy trắng dính chặt vào những đường cong mềm mại trên cơ thể, có thể nhìn thấy cả
chiếc quần lót in hình chuột Mickey. Anh lặng lẽ nhìn ngắm cô một lượt,
nhận ra cô đã lớn rồi, cũng có thể. Cô hớn hở vẫy vẫy hai tấm vé trên
tay: “Anh hai, có muốn cùng đi xem buổi biểu diễn của A Triết không?”.
Anh ngẩng đầu lên nhìn cô: “Người ban nãy là…”.
Cô sững lại một chút, bỗng đưa tay lên lau mặt, biểu hiện được che giấu
trong đôi bàn tay, lúc buông tay ra, đã thay vào đó bằng một nụ cười:
“Đó là bạn trai của em. Anh không biết em có bạn trai ư?”.
Tay anh khẽ run lên, tờ báo rơi xuống đất.
Anh nghĩ, phản ứng của mình không bình thường. Cảm giác trống rỗng đột
nhiên kéo tới một cách bất thường, tâm trạng buồn phiền vô cớ cũng không bình thường, lồng ngực có cảm giác nhói đau một cách khó hiểu… cũng
không bình thường.
Có lẽ bản thân mình đã thích cô ấy, cô bé
ngây thơ xinh xắn này, cô ấy ngoan cố, lương thiện, thi thoảng cũng
bướng bỉnh, thi thoảng cũng giả bộ làm nũng với anh. Anh nghĩ, chắc chắn là anh đã thích cô ấy rồi. Nhưng cô bé mới mười bảy tuổi, vẫn còn nhỏ
như vậy. Anh phải chiều chuộng cô giống như một người anh lớn, đợi cô
dần dần trưởng thành.
Suy nghĩ đó tốt đẹp như vậy, chỉ là hồi đó không ai ngờ rằng, kế hoạch chờ đợi dài hạn ấy lại biến thành một cái
chết ly biệt suốt cả cuộc đời.
Màn đêm của thành phố C bị nhấn
chìm trong làn sương mù mờ mịt, Tần Mạc kéo rèm cửa sổ, khi mơ màng chìm vào giấc ngủ, dường như lại nghe thấy bài hát đó, giọng hát dịu dàng
của cô cứ lởn vởn bên tai anh: “Những chiếc lọ thở than kia giống như
con sóng dập dềnh của đại dương, sự lãng quên khi lướt qua anh, là con
sóng cả dữ dội trong suốt cuộc đời em…”