Năm Tháng Tĩnh Lặng, Kiếp Này Bình Yên

Chương 9: Lệ Giang phong tình



Tôi không biết, Lệ Giang mà tôi đã tương ngộ trăm ngàn lần trong mộng, đến nay mới thấy rõ dung nhan thì nên coi là lần đầu gặp gỡ hay là trùng phùng. Non nước tao nhã, phong tục nồng đượm, còn mang một vẻ đẹp trước đây chưa từng thấy, dần dần thắm sắc rực rỡ trong sinh mạng. Đi trên những cây cầu nhỏ và những con phố đan xen nối liền, bạn sẽ cảm thấy bụi bặm của Lệ Giang đều là phong tình ý vị cả.

Cho dù bạn mang một cõi lòng bình tĩnh phẳng lặng thế nào, cũng sẽ bị cảm nhiễm bởi sự phong tình tràn ngập trong không khí, hương thơm chưng cất từ phong tục ngàn năm có thể thanh tẩy bạn thành “phong tư vạn chủng”. Khi tôi mang theo hành lý, một mình đặt chân tới Lệ Giang, tôi đã biết, suốt chặng đường sẽ có biết bao tình cảm quyến luyến với tôi như thế.

Có người nói, thời gian ở Lệ Giang là êm dịu nhất, nó có thể khiến thế tục cứng nhắc biến thành uyển chuyển nhẹ nhàng. Có người nói câu chuyện ở Lệ Giang là phong tình nhất, nó có thể khiến cuộc sống phẳng lặng thành rực rỡ tươi sáng. Thậm chí, có người nói non nước Lệ Giang có thể trị thương, nó có thể chữa lành vết sẹo của quá khứ, khiến trái tim bạn thấu triệt sáng rõ. Lệ Giang đúng là một nơi độc đáo đặc biệt của thiên nhiên, nằm trên cao nguyên Vân Quý xa xôi, coi sự dâu bể của Trà Mã cổ đại là nội dung chi tiết, lại lấy sự thanh khiết của Ngọc Long Tuyết Sơn làm bối cảnh, vừa chất phác lại vừa ý vị, phong tình mà không diễm lệ.

Năm tháng ở nơi này, chẳng qua chỉ như nước chảy, không một chút đổi thay. Vẻ đẹp rơi rớt lại nơi này từ trăm nghìn năm trước, trăm nghìn năm sau vẫn có thể tìm được. Dạo chơi giữa phong cảnh thiên nhiên của Lệ Giang, bất cứ một giây phút vô tình nào cũng sẽ khiến bạn lạc vào ký ức xa xôi, chìm đắm trong những chuyện cũ xa xưa và những tình cảm hoài niệm. Đây chính là Lệ Giang, khắc ghi trong trái tim mỗi người bằng phong thái thần kỳ và ý vị đặc biệt của mình, để những người đánh mất ngày hôm qua tìm được ngày hôm nay, lại khiến những người có được ngày hôm nay hướng về ngày mai.

Thành cổ giống như một câu chuyện chưa từng được mở ra, âm thầm đóng kín ở Lệ Giang bằng một gam màu và phong cách riêng. Trên tầng tầng lớp lớp ngói xanh lưu cữu bụi bặm của bao triều đại khác nhau, trong sự sâu lắng mang theo sự thuần túy, trong sự thuần túy lại hàm chứa sự nguyên thủy. Nơi đây chưa từng bị những tâm sự không tên xâm lấn, cũng chưa từng bị những tình cảm vô cớ lấn quấn, chỉ là giữa phong cảnh thuần phác vẫn giữ được một sự tùy ý mà tự nhiên, khoáng đạt mà cố chấp.

Đối với Lệ Giang, tôi cũng giống như tất cả mọi người, vừa lạ lẫm vừa quen thuộc tiến vào, đi tìm sự trầm tĩnh an nhiên giữa năm tháng phù hoa, theo đuổi sự thanh tao thoát tục giữa tục thế xô bồ. Trong những ngày đơn sơ nhàn nhã ở Lệ Giang, đến nỗi buồn rầu cũng trong sáng, bạn có thể xuyên qua sự mênh mông của thời gian để tìm lại bản thân chân thực của mình. Nơi đây sẽ khiến bạn quên đi những dĩ vãng mệt mỏi đó, cũng không cần lo lắng ngày tháng sẽ lặng lẽ trôi đi, bởi vì Lệ Giang bình lặng vĩnh hằng, cho dù mười năm nữa trôi qua, bạn vẫn có thể có được sự thuần túy và tươi đẹp của nó.

Phong cảnh sinh ra vì hiểu lòng người, nhưng phong cảnh của đường Tứ Phương lại sinh ra vì mỗi người khách qua đường bình thường. Cho dù bạn có thực sự hiểu được không, hay không hề biết gì, đều không quan trọng, nó sẽ dùng một tình ý giống nhau để lọt vào mắt bạn, mang lại cho bạn sự dịu dàng của ánh dương. Những con đường lát đá ngũ sắc bị năm tháng mài giũa trở nên sáng bóng, cho là ngày nắng hay là ngày mưa, đều mang lại cho người đi được một cảm giác mát rượi, yên bình. Những cửa tiệm tạp hóa hai bên đường bày đủ các sản vật của dân tộc Nạp Tây, cho dù là gỗ khắc hay vải nhuộm, chuông lạc đà hay trang sức bạc, đều mang lại cho bạn muôn vàn bất ngờ, vui sướng.

Mỗi một đồ vật đều níu giữ một tình cảm khó nói thành lời, dù bạn có dần dần đi xa, nhưng cũng đã từng có một cuộc tương phùng dịu dàng, gặp gỡ ở phía nam của mây màu, gặp gỡ ở Lệ Giang của thành cổ. Cắt một khoảng phong cảnh Nạp Tây đưa vào ký ức tuổi trẻ, hoặc hái vài đóa mây màu của Lệ Giang nhét vào hành lý của khách qua đường, nhiều năm về sau, bạn sẽ nhiều lần nhớ lại khoảnh khắc đẹp nhất cuộc đời đã từng có ở nơi đây. Khoảnh khắc này sẽ nhốt bạn trong chiếc gương của thời gian, nhìn thấy tất cả mọi vật bên ngoài thời gian, nhưng không thể bước ra ngoài.

Đi xuyên qua ngõ đá, bạn không cần đoán xem con đường nào sẽ dẫn đến phong cảnh tuyệt mỹ hơn, bởi vì bất cứ nơi nào cũng đều lưu giữ phong vận xưa cũ của Lệ Giang. Chỉ cần nhè nhẹ bước vào, là sẽ phải bất ngờ, ngạc nhiên. Mà cổ nhạc Nạp Tây chính là khúc tiên nhạc giữa chốn nhân gian, nó lạc trong giấc mộng của thành cổ, làm run rẩy sợi dây đàn trong trái tim mềm yếu của người qua đường. Văn hóa Nạp Tây đã khắc sâu phong cách cổ xưa mộc mạc vào từng mái ngói, khung cửa sổ của Lệ Giang, và từng ngõ ngách, cây cầu nơi đây.

Những bức bích họa thuần phác đơn sơ, đậm phong vận độc đáo và chữ viết Đông Ba[20], mang chút gì đó hoặc hào phóng, hoặc uyển chuyển, bộc lộ tính tình tự nhiên, ôn hòa của người Nạp Tây, cũng phô bày nền văn hóa nghệ thuật đa dạng phong phú, muôn hình vạn trạng của dân tộc này. Những chữ viết hình tượng nhìn tưởng chừng đơn giản tầm thường nhưng lại phức tạp hàm súc đó, khiến cho bạn nảy sinh một ảo tưởng vô hạn đối với phong tình tập quán của Nạp Tây. Mỗi một ký tự đều cần sự trầm tĩnh của tâm hồn, múa may theo những tư thế lả lướt của chúng, quay về với thời gian cổ xưa lúc ban đầu, vẫy gọi những tình tiết nồng đậm tận đáy sâu của lịch sử. Mỗi một hình ảnh đều giải thích cho những ý nghĩa sinh mệnh khác nhau, nếu bạn không thể tìm hiểu sâu, thì hãy coi nó là phong cảnh của Giang Nam, còn bạn chính là người ngắm cảnh đến từ phương xa đó. Quay người rời đi trong phút chốc, biết bao tình cảm quyến luyến mà bạn để lại, sẽ mang theo một đoạn ký ức không lời.

[20] Chữ viết Đông Ba: Một loại chữ viết tượng hình cổ, chủ yếu được sử dụng trong giáo phái Đông Ba, dùng để viết kinh văn, vì thế còn được gọi là Đông Ba văn. Sở dĩ có đoạn miêu tẻ, so sánh chữ Đông Ba với những điệu múa lả lướt ở phía sau là do tự dạng chữ Đông Ba không phải khối vuông, nhiều các nét tròn, cong, uốn lượn.

Mộng như chuông lạc đà kinh động trăng sáng, tâm như lá thu nhuộm đỏ núi xanh. Trong con ngõ cổ đang ngả bóng về chiều đó, loáng thoáng nghe thấy tiếng chuông ngựa tinh tang như gần như xa vẳng tới, đánh thức lòng ngưỡng mộ trăm mối chằng chịt đối với con đường cổ Trà Mã[21] của tôi. Đó là một con đường cổ – nơi ngưng tụ của văn minh Trà và Ngựa, những bầy ngựa lớn bôn ba trên cao nguyên đầy tuyết, tìm một con đường sinh tồn và con đường nhân sinh bằng tinh thần cương nghị quả cảm của chúng. Chúng đã từng vô số lần dừng chân ở tòa thành cổ Lệ Giang này, mang theo bụi trần xa lắc, lại lưu những dấu ấn của cuộc trường chinh.

[21] Đường cổ Trà Mã: Chỉ con đường lưu thông thương mại quốc tế dân gian, nằm ở khu vực Tây Nam Trung Quốc, dùng bầy ngựa làm phương tiện giao thông chủ yếu, là hành lang giao lưu văn hóa kinh tế dân tộc Tây Nam Trung Quốc.

Đứng trên ngã rẽ của ngõ cổ, nhìn về làn khói xanh mơ hồ phía xa xa, sàn đá trơn bóng đó không biết đã bị bao nhiêu dấu chân mài nhẵn mịn. Nơi đây như một con ngõ luân hồi, đi xuyên qua nó có thể tìm thấy kiếp trước, mà đi ra khỏi, lại có thể tìm về kiếp này. Đời này kiếp trước của Lệ Giang được rất nhiều người tìm kiếm không biết mệt mỏi, họ mang những câu chuyện buồn vui của bản thân đến đây, thanh thản rũ bỏ quá khứ, chỉ giữ lại một đoạn thời gian lặng lẽ này. Cho dù tương lai là dừng lại hay là cách xa, đều không còn quan trọng, chỉ vì ta đã từng có điều này.

Rêu phong của năm tháng vẫn xanh thẫm như thuở ban đầu, Lệ Giang đêm nay có thể vẫn còn mộng ước. Tiếng tiêu hồ lô nhẹ nhàng bay bổng thổi đi thổi lại khúc “Trúc Quan Âm dưới ánh trăng[22]”, cùng ánh đèn dịu dàng trong sắc đêm hòa quyện, quấn quýt suy tư của bạn, làm si mê ý niệm của bạn, mê hoặc tình cảm của bạn. Cho dù vẫn còn những tâm sự khó có thể gác sang bên, nhưng ngắm dòng suối mát lành trong trẻo đã khiến bạn bình tĩnh trở lại.

[22] “Trúc Quan Âm dưới ánh trăng”: Một nhạc khúc của dân tộc Thái, tiêu hồ lô cũng là một nhạc cụ của dân tộc này.

Từng chiếc đèn hoa sen trong nước trôi dập dềnh giữa năm tháng tươi đẹp, kể lại từng câu chuyện cũ của thành Nam năm nào. Cây cầu nhỏ cổ kính, dòng nước cổ kính, phường trà cổ kính, đến quán bar cũng cổ kính, biết bao thứ cổ kính ấy xâu chuỗi với nhau, tạo thành một phong cảnh giữa màn đêm, thêu dệt nên những giấc mộng khác nhau trong lòng những người khác nhau. Chính những chiếc bóng của thời gian nhìn tưởng chừng đơn giản cổ lỗ này, lại mang đến sự phong tình thú vị vô tận cho những người tìm mộng. Tôi không biết kiếp trước mình đã đến đây hay chưa, mà sao hết thảy đều quen thuộc đến thế, quen thuộc đến mức giống như một cố nhân lâu ngày không gặp, không cần nói gì đã hiểu hết thảy chuyện cũ ngày qua của nàng, hiểu cả dung nhan ngày nay của nàng, và cũng hiểu cả hồi ức ngày mai của nàng.

Chắc chắn ở Lệ Giang còn có phong cảnh mà tôi chưa từng đến, nhưng thể nào vẫn có biết bao ánh mắt lưu luyến khiến tôi đau lòng, thể nào vẫn có những nụ cười mỉm ngọt ngào khiến tôi cảm động. Ở Lệ Giang, tôi không phải là người lần đầu mới tới, cũng không phải là người cuối cùng đặt chân đến. Rất nhiều năm về trước, có rất nhiều người trèo đèo lội suối kiếm tìm nó, và càng có nhiều người hơn nữa luôn nâng niu cất giữ nó bằng một thứ tình cảm sâu nặng.

Tôi từng nghĩ rằng sẽ dùng cuộc đời để khắc ghi, từ đây quên lãng giang hồ, già đi ở Lệ Giang. Nhưng hồng trần muôn vàn vẻ đẹp, rốt cuộc vẫn không có cách gì từ bỏ, đành lựa chọn ra đi như thế, ra đi trong bụi trần lơ lửng giữa ánh dương. Loáng thoáng nhớ rằng, Lệ Giang đã cầm một chén sương trong trong đóa sơn trà man mác tiễn biệt tôi lúc phân ly. Thế nhưng, đợi đến lúc tháng năm già đi, tôi nên lấy điều gì để nhớ về Lệ Giang của ngày hôm qua? Khung cảnh Nạp Tây đó, đóa mây trắng Lệ Giang đó, hoặc là những thứ khác, hay là điều gì cũng không phải?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.