Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm

Chương 24: Bụi hồng còn nhớ ngày đông tuyết - Thạch động buồn chăng buổi tiễn hành



Nguyên Huân trở lại Yên Kinh vào một ngày cuối hạ. Hơn một năm xa cách Hoài Nam, lòng nôn nao mong nhớ, chàng khát khao được gặp lại nàng. Từ lúc rời khỏi Tuyệt Tình đàm, chàng đã đổi đến bốn lần ngựa, ngày đêm không nghỉ, để sớm được nhìn thấy và được chìm đi vào đôi mắt thăm thẳm mong chờ... Hoàng thành, và nhất là Quang Minh vương phủ được canh gác vô cùng cẩn mật. Trên gương mặt những người lính canh, chàng nhìn thấy những nét lo âu và mệt mỏi.

Nguyên Huân trở lại Thiên Dung tửu lầu. Một tháng trời trên lưng ngựa, chẳng cần được nghỉ ngơi. A Thực, gã tửu bảo nhận ra chàng, y mừng rỡ :

- Trời đất! Tiểu nhân cứ nghĩ là công tử không bao giờ trở lại nữa, nhưng mà đồ đạc của công tử, tiểu nhân còn giũ nguyên vẹn!

Nguyên Huân hài lòng :

- Đồ đạc có gì đáng kể đâu, ta cho ngươi đấy!

Tửu bảo rối tít cảm ơn chàng, y săn đón :

- Công tử nghỉ lại đây chứ! Căn phòng cũ vẫn trống đấy!

- Ta đang đói, ngươi dọn cho ta vài món. Lần này ta chỉ ớ lại chừng đôi ngày thôi, phòng nào cũng được. À này, A Thực, kinh thành có chuyện gì không mà ta thấy không khí có vẻ căng thẳng thế?

A Thực lấm lét nói :

- Quang Minh vương phủ lúc này bị quấy nhiễu luôn, nên tăng cường canh phòng và xét hỏi kỷ lắm. Đánh nhau hoài, chết chóc vô số!

- Ai đánh nhau với ai?

- Tiểu nhân làm sao biết được. Canh phòng cẩn mật như thế mà bọn gian tế, thích khách vào ra như chỗ không người, toàn là bọn võ lâm cao thủ cả; dân chúng lại càng khổ sở hơn, vì bọn áo màu trong Vương phủ nghênh ngang quấy nhiễu, chẳng coi Vương pháp ra gì!

- Bọn áo màu là bọn nào?

- Ối chà, bọn Hắc y, Xích y, Hoàng y, Thanh y, Bạch y, Tử y, đủ thứ y có mặt trong Vương phủ...

- Chúng có bịt mặt không?

- Không! Mặt mũi đứa nào cũng hung dữ như quỷ. Bản quán bị chúng nó ăn quịt hoài, có mặt chúng khách khứa chẳng ai dám đến ăn uống, kẹt lắm công tử ơi!

- Thôi được ta sẽ chu tất cho ngươi chút ít, rồi mọi chuyện cũng sẽ qua đi!

Nguyên Huân đưa mắt nhìn quanh, ánh mắt chàng dừng vào một lão nhân ngồi cách chàng hai dãy bàn, đôi mắt đang nhìn chàng đăm đăm. Chàng nhận ra Trưởng lão Cái bang Quan Thiên Sách. Chàng tiến sang, cúi đầu chào :

- Quan lão tiền bối có nhận ra vãn bối không?

Quan Thiên Sách vui mừng đáp :

- Trần thiếu hiệp, lão phu nhận ra thiếu hiệp ngay từ lúc mới bước vào!

- Lão tiền bối đến Yên Kinh lâu chưa?

- Lão phu mới đến đây độ vài ngày, hiện ngụ tại nhà một người quen. Hôm nay vì có hẹn nên mới đến đây, tình cờ gặp lại thiếu hiệp!

- Không biết sự có mặt của vãn bối có làm trở ngại cho cuộc gặp gỡ của lão tiền bối chăng?

- Không sao, chỗ quen biết cả. Nhưng đã quá giờ hẹn mà không thấy y đến, chắc có gì trắc trở! Từ hơn năm nay, thiếu hiệp ở đâu, làm gì?

Nguyên Huân kể cho Quan Thiên Sách nghe, từ ngày chàng đến Ứng Thiên phủ, rồi trên đường về Yên Kinh, và bị trọng thương khi giao đấu với Dương Tiêu, được Trường Cung thần y cứu chữa như thế nào, nhất nhất kể lại. Quan Thiên Sách nói :

- Lão phu mừng cho thiếu hiệp đã tìm lại được Bảo kiếp của Tổ tiên, nhưng trong thời gian hơn năm bế quan luyện công, chắc thiếu hiệp không hay biết gì về tình hình Trung Nguyên, có phải vậy không?

Nguyên Huân đáp :

- Vãn bối quả thật không hay biết gì hết, xin Lão tiền bối cho nghe được chăng!

Quan Thiên Sách trầm ngâm như sắp xếp lại toàn bộ rồi chậm rãi kể lại :

- Đường Trại Nhi và Đặng Mậu Thất đã khởi nghĩa ở Sơn Đông và Phúc Kiến, gây rất nhiều khó khăn cho binh triều, quan quân dẹp mãi không được; hiện nay ảnh hưởng lan sang cả Triết Giang. Họ Đường có nói với lão phu cách đây hai năm: Nhờ có thiếu hiệp chặn lại được những tin tức của Ứng Thiên phân đoàn báo cáo lên, nhờ thế mới giữ được bí mật tận đến giờ khởi nghĩa!

Nguyên Huân hỏi :

- Vì đâu Đường Trại gia lại biết được?

- Thành Sử Nghiệp là người của Kiến Nghiệp đại sư nên y đến báo cho Đường trang chủ. Hơn một năm nay Kiến Nghiệp đại sư hoạt động tích cực lắm, đã gây lại được thanh thế, tổ chức lại được nội tình Minh giáo!

Hiện nay tình hình võ lâm rối loạn. Một số môn phái nhỏ bị Dương Tiêu hủy diệt dễ dàng bởi không thần phục y, một số môn phái khác thì chia rẽ, chém giết lẫn nhau như phái Bạch Hạc, phái Long Môn, cả Điểm Thương lẫn Thanh Thành. Tháng vừa qua, Đại hội võ lâm Bạch đạo đã họp tại chùa Thiếu Lâm để tìm cách đối phó. Đại hội thống nhất bầu Viên Nhẫn đại sư, Phương trượng chùa Thiếu Lâm làm Minh chủ. Phía bên Minh giáo cũng đã gửi thiếp mời quần hào đến dự Đại hội Kình Dương vào trung tuần tháng chín tới đây Để đối phó lại, Dương Tiêu dùng tiền bạc, lợi danh lôi kéo về với y hầu như toàn bộ bọn cao thủ của phe Hắc đạo và một số cao thủ của Bạch đạo, vì sợ hãi hoặc vì danh lợi cũng đi theo y!

Trong số bọn cao thủ Hắc đạo, có mấy tên đại ma đầu, võ công cực kỳ cao siêu, đã lâu ẩn tích, bỗng dưng xuất hiện Âm Dương song hung, cặp vợ chồng này một thời nổi tiếng ác nhân, với Âm Dương Nghịch Đảo kiếm pháp, hết sức quái dị, tàn độc. Tên sư huynh của Thiên Ái nương nương là Tâm Xà Lang Quân Mã Cốt Ngạc, Tây Vực thần tăng Mộ Khuyết, Miêu tộc Tiêu Dao giáo chủ là Bành Dục nương nương. Trong số này, đáng sợ nhất là Bành Dục, vì mụ ta chuyên sử dụng độc, không biết thế nào mà lường. Tất cả những tên ma đầu ấy, võ công đều ngang bằng hoặc cao hơn các vị Chưởng môn nhân của các đại phái.

Hiện Dương Tiêu đã quy tụ về Quang Minh vương phủ trên dưới năm trăm tên cao thủ, phần lớn là bọn Thất Sát đoàn được đưa về đây. Có ai ngờ được, trong số hai mươi tên cao thủ của Ứng Thiên phủ, mà lại có đến sáu, bảy tên là người của Thất Sát đoàn!

- Sao lão tiền bối biết được?

- Chúng được triệu tập về Vương phủ không cần che giấu hình tích nữa, như bọn Thôi Sơn Thái, Bảo An Hóa Long, Nhất Kiếm Trấn Tứ Di Lý Ngọc Hưng, Thiết Đạn Tử Hạ Hầu Thành, Thiết Chưởng Lôi Chấn Hoa, đệ tử của Thiết Chưởng bang chủ Phùng Tất Hoạt mới chết.

Ngay thực trạng của Cái bang cũng bị phân rẽ: Hoài trưởng lão, Trần trưởng lão, ngay cả Chấp Pháp trưởng lão là Vương Hạc Thu cũng kéo một số đệ tử của Cái bang theo về với Dương Tiêu. Riêng Võ Đang sơn thì Dư nhị hiệp đã già, không còn đi lại giang hồ nữa, Hân lục hiệp với Dương Tiêu có cái tình Nhạc phụ và Tế tử, cũng vì thế mà đứng giữa; chỉ cử Võ Đang thất kiếm do Thanh Phong cầm đầu đến tham dự Thiếu Lâm đại hội mà thôi.

Thực lực bên Danh môn, Chính phái, cao thủ Bạch đạo, có chiều yếu kém hơn. Nếu Kình Dương đại hội của Minh giáo kết hợp với võ lâm chính phái thì may ra có thể lập được thế cân bằng; chưa kể hiện nay, các cao thủ của danh môn chính phái cứ bị tỉa dần. Kiến Nghiệp đại sư lo âu lắm, có dặn lão phu là nếu gặp được Trần thiếu hiệp, thì nhớ nhắc thiếu hiệp lời cam kết giữa thiếu hiệp với Đại sư và một người khác nữa. Trần thiếu hiệp còn nhớ không?!

Lần này, Kình Dương đại hội được tổ chức tại lăng Hoa Cương, thuộc địa phận tỉnh Hà Nam, vào ngày rằm tháng chín, thiếu hiệp nhớ đến dự.

Nguyên Huân đáp :

- Lời dặn của Lão tiền bối, vãn bối xin nhớ kỹ!

Quan Thiên Sách thở dài :

- Thành Tổ đã dẹp yên phương Bắc, nghe đâu trên đường ban sư từ Tuy Viễn về, bốn mươi vạn quân và hai nghìn mãnh tướng, là một lực lượng đáng sợ cho cuộc khởi nghĩa của Đường, Đặng! Thành Tổ là người dũng liệt, lại hết sức khắc nghiệt, nếu y mà chết đi, Thái tử là Duệ lên ngôi thì mới có nhiều cơ hội tốt được, vì Duệ là người không ham chinh chiến, ghét động binh đao. Nhưng nếu Thái tử út là Khánh lên ngôi, thì thật là tai hại!

- Vãn bối nghe nói ít lâu nay, Hoàng thành và Quang Minh vương phủ canh phòng cẩn mật lắm, có biến động gì vậy?

- À, chuyện này, lão phu nghe nói có một nhóm cao thủ không biết thuộc môn phái nào, đột nhập vào Vương phủ toan hành thích Dương Tiêu và toàn gia y!

Nguyên Huân giật mình, biến sắc, hỏi :

- Họ có làm nên công chuyện gì không?

- Hai lần, một lần tám người, một lần bảy người, đều bị giết chết cả, chưa kịp làm nên công tích gì!

Nguyên Huân thở ra :

- Vãn bối nghe nói, Vương phi và Quận chúa là hai người hết sức hiền đức, họ cũng định hành thích sao?

- Đã liều mạng vào Vương phủ, tất có mối huyết thù với Dương Tiêu, nào họ có phân biệt tốt xấu. Hiện nay nghe nói Hân phu nhân và công tử, tiểu thư còn ở lại trong Vương phủ, chưa về Võ Đang sơn!

Nguyên Huân ngồi im lắng nghe, không hỏi gì nữa, trong lòng chàng xáo trộn bao ý nghĩ, và mối lo âu đầy ắp. Đêm nay, bằng mọi giá, chàng phải gặp Thúc mẫu, phải gặp Hoài Nam; dẫu có nguy hiểm thế nào mặc lòng.

Hoài Nam thức giấc hơi trễ so với thường lệ, nàng vẫn nằm im trên giường. Trong phòng sực nức hương dạ lan còn vương lại trong đêm. Bao nhiêu ngày, bao nhiêu đêm đã trôi qua, kể từ khi Nguyên Huân rời xa nàng, rời xa căn thạch động bây giờ đã lạnh lẽo. Nàng ôm trong lòng nỗi phiền muộn, nhớ nhung...

Kể từ ngày biết tường tận những uẩn khúc của đời nàng, những u uẩn đớn đau của Mẫu thân bao năm trời đăng đẳng, niềm vui hồn nhiên trong cuộc sống, trong con người nàng đã biến mất. Chỉ còn lại những buồn phiền. Nàng trở nên âm thầm như chiếc bóng, biếng nói, biếng cười. Vương phi hiểu được những tình cảm của Hoài Nam, bà chỉ biết nhìn con thương xót. Nỗi niềm cô đơn và đau đớn đang dằng xé lòng nàng, phụ tử tình thâm bỗng chốc trở thành là hai kẻ tử thù, trời chung không thể đội. Thế mà nàng vẫn phải thản nhiên đối mặt, phải cố giấu đi ánh mắt căm hờn, phải nói, phải cười, với tiếng gọi “Vương phụ” đắng chát trên môi. Hai mẹ con nàng phải kéo dài tình thế u uất này cho đến bao giờ? Và Nguyên Huân, liệu chàng có cơ may giữ được tính mạng và phục hồi công lực? Chàng ra đi biệt vô âm tín, và nàng âm thầm thương nhớ ngày đêm...

Riêng Bảo Thư, với linh cảm của một người phụ nữ, nàng biết Hoài Nam cũng yêu Nguyên Huân, nhưng mối tình ấy sẽ đưa Hoài Nam đến đâu? Nàng biết rằng giữa Nguyên Huân và Ngoại tổ nàng, thân phụ của Hoài Nam, đã nặng một mối thù bất cộng đái thiên, và như thế, mối tình của Hoài Nam cũng chỉ là tuyệt vọng? Chính nàng, Bảo Thư cũng không biết sẽ phải thế nào, khi ngày mai đây, một người trong hai kẻ tử thù kia sẽ chết dưới tay nhau, bất cứ ai trong hai người nàng đều không muốn!

Nguyên Huân có cái danh chính của chàng, chẳng thể ngăn cản không cho chàng trả mối gia thù, nhưng nàng cũng không muốn Ngoại tổ nàng vì thế mà phải chết, mặc dù tội lỗi ông gây ra cho thiên hạ quả thật quá lớn...

Bảo Thư cảm thông với Hoài Nam, nên càng thương xót A di của mình; nhưng cớ sao nàng chỉ gặp được ở Hoài Nam sự im lặng mỗi khi nàng lựa lời gần xa để an ủi? Bảo Thư nghĩ rằng, Hoài Nam buồn chỉ bởi tuyệt vọng cho một tình yêu trớ trêu không lối thoát, nàng lại càng thấy thương Hoài Nam hơn. “Ta thương xót ta, hay thương xót Hoài Nam?”

Bảo Thư tự hỏi, và những giọt nước mắt đêm đêm chan hòa trên gối, thay cho câu trả lời kia.

Nhưng dẫu sao, Hoài Nam được chàng yêu lại, nàng tin thế, còn ta, ta ôm mối ẩn tình này; đến ngày nào chàng mới biết cho! “Chàng có biết, dường bằng chẳng biết, lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi”. Dẫu sao, xin chàng hãy biết được lòng ta, nhưng đừng thương xót ta, “Nguyên Huân ơi, chị chỉ xin em cho chị một giọt lệ, giọt lệ duy nhất, cũng đủ để chị sống hết một kiếp lẻ loi này”.

Hoài Nam càng héo muộn, nàng sống trong nỗi nhớ nhung thơ dại, cùng trăm ngàn nỗi đau vò xé lòng nàng. Nguyên Huân phải trả mối thù cho gia đình chàng, cho quê hương và đồng bào Đại Việt, cho chính sự tan tác của gia đình nàng nữa. Nhưng Dương Tiêu, kể từ khi nàng có đủ trí khôn để nhớ, ông ta đã đối đãi với mẹ con nàng cực kỳ thương yêu và trân trọng; có công dưỡng dục nàng từ thuở chào đời, và nàng đã thương yêu ông không kém. Người mà bấy lâu nàng tướng là cha mình, bây giờ là kẻ thù bỗng chốc. Nỗi đau ấy hành hạ nàng gấp bao nhiêu nỗi buồn câm của Bảo Thư! Nàng không muốn lòng mình vấy đục bởi bất cứ mối oán thù, bất cứ sự căm giận nào, “Yêu thương làm cho ta lớn lên, làm cho ta thanh khiết, và cho ta nguồn vui. Hận thù chỉ là vực sâu của đày đọa”, nàng không muốn nuôi lòng thù hận. Ngay từ khi còn nhỏ, trái tim nàng đã nồng nàn yêu thương. Bây giờ, mẹ con nàng sống giữa bạo lực, giữa hận oán, và chém giết, Hoài Nam đau buồn vô kể, nàng biết làm sao đây! Ngổn ngang trăm mối dày vò...

Nàng chỉ ước mẹ con nàng tìm đến một nơi thanh khiết, u tĩnh, dẫu có đói nghèo, dẫu vất vả và lam lũ, miễn là được sống một đời trong chan hòa của yêu thương, của bình yên; đó chính là hạnh phúc. Còn Nguyên Huân, chàng có trách nhiệm của chàng với gia đình và Tổ quốc... Giờ này chàng nơi nào? Sự sống, chết, sức khỏe và buồn vui, nàng khao khát được chia sẻ cùng chàng biết mấy! Nhưng Hoài Nam biết mình chỉ là một cô gái yếu đuối, nhỏ bé và hiu quạnh, nàng chẳng thể giúp gì được cho chàng.

Trời đã sáng từ lâu, nàng không thể nằm thêm được nữa, Hoài Nam sang Bích Thảo cung thăm mẹ. Mẫu thân nàng không được khỏe kể từ ngày Nguyên Huân xuất hiện, kể từ ngày chàng rời nơi này ra đi biền biệt. Hoài Nam giật thót người khi thấy trên mặt bàn ngủ của nàng, một mũi phi tiêu nhỏ, có tua ngũ sắc, cột theo một mãnh giấy. Nàng run rẩy tháo tờ giấy nhỏ, bốn câu thơ được viết bằng nét chữ như kiếm sắc, mãnh liệt như giao long, dịu dàng như phượng múa :

Mây nhớ trời Nam, lá nhớ cành

Hạ nồng còn nhớ buổi xuân xanh

Bụi hồng có nhớ ngày đông tuyết

Thạch động buồn chăng buổi tiễn hành?

Bài thơ này đúng là gửi cho nàng, đúng là của chàng gửi cho nàng! Hoài Nam run rẩy toàn thân, chàng đã trở lại vào lúc nàng không ngờ nhất... “Thạch động buồn chăng buổi tiễn hành?”, Hoài Nam không ngờ Nguyên Huân cả văn lẫn võ đều tuyệt vời đến vậy. Bài thơ bao hàm cả ý lẫn từ làm cho nàng xúc động “Trời ơi! Chàng đã trở về, chàng đã đến đây trong đêm và để thơ lại... Chàng đã vượt qua hàng rào quân canh, đã qua mặt bọn cao thủ đông như kiến trong Vương phủ”.

Vương phủ bây giờ không còn yên tĩnh như xưa nữa. Dương vương đã cho canh phòng nghiêm ngặt để bảo vệ cho những người thân của ông. Nàng và Mẫu thân không còn được tự do đi lại như trước, mỗi bước đi, đều có bọn cao thủ đi theo hộ vệ. Nguyên Huân đã vào được Vương phủ, cớ sao không gặp nàng? Một ý nghĩ lóe lên trong đầu “Phải rồi, chàng hẹn cùng ta ở thạch động...” “Thạch động buồn chăng buổi tiễn hành...” Hoài Nam giấu bài thơ vào túi áo, nàng vội vã rửa mặt, trang điểm qua loa rồi sang Bích Thảo cung. Đến trước hòn giả sơn, Hoài Nam nửa muốn vào báo tin cho mẹ, nửa muốn vào thạch động cùng chàng. Cuối cùng, nàng quyết định gặp Nguyên Huân trước. Hoài Nam không gặp trở ngại bởi bọn cao thủ được lệnh không được lai vãng vào nơi chốn cư ngụ riêng biệt của Vương phi.

Nguyên Huân, quả đúng là chàng, chàng đã đứng đón nàng ngay sát cửa động. Nét mặt Nguyên Huân rạng rỡ niềm vui Hoài Nam xúc động, nàng muốn ôm lấy chàng, muốn gục đầu vào vai chàng cho vơi nỗi nhớ nhung mà vì ngượng ngùng, nàng không dám. Hoài Nam chỉ kêu lên được một tiếng: “Huân ca...” rồi đứng sững nhìn chàng với đôi mắt đỏ hoe... Nguyên Huân cũng không hơn gì, chàng luống cuống :

- Hoài Nam...!

Cả hai cứ thế, đứng nhìn nhau không nói; nhưng trong đôi mắt của nhau là cả vạn lời thương nhớ khôn nguôi. Một lúc lâu Nguyên Huân lên tiếng :

- Nam muội, Thúc mẫu bình an chứ?

- Mẫu thân không được khỏe lắm, Huân ca!

- Vương phủ canh phòng cẩn mật, ta không thể gặp Nam muội ở Vân Trang cung, đành hẹn đến đây, hiền muội có giận ta không?

Hoài Nam nhìn Nguyên Huân, đôi mắt nàng thăm thẳm :

- Không, Huân ca! Sao tiểu muội lại có thể giận Huân ca được chứ!

- Nam muội, huynh muốn gặp Thúc mẫu ngay bây giờ, có điều muốn nói, hiền muội giúp ta nhé!

Một lúc sau, Vương phi đến. Bà vô cùng xúc động khi Nguyên Huân bất ngờ trổ lại nơi này. Nhìn Nguyên Huân rắn rỏi, khỏe mạnh, bà ôm lấy cánh tay rắn như thép của chàng, ứa lệ :

- Huân nhi, con đã hoàn toàn hồi phục rồi phải không, ta mừng lắm...

Nguyên Huân nhìn bà thương yêu :

- Vâng, con đã hoàn toàn khỏe mạnh, hơn nữa, con đã không phụ lòng Tổ phụ và Gia gia con, bảo kíp của Tổ tiên con đã luyện thành. Con vội trở về đây, vì con muốn bàn với Thúc mẫu một chuyện...

- Chuyện gì vậy con?

Nguyên Huân nhìn sâu vào đôi mắt bà :

- Thúc mẫu có nghĩ đến việc trở về quê hương không?

Vương phi ứa nước mắt đáp :

- Cáo chết trăm năm quay đầu về núi, huống chi là con người. Nhưng biết làm sao?!

Bà quay sang Hoài Nam :

- Ý con thế nào?

Hoài Nam nhìn mẹ :

- Mẹ, sao mẹ lại hỏi con như thế! Con mong điều ấy từng ngày mẹ biết không. Mẹ con ta phải rời khỏi chốn này, dù đường sá có xa xôi nghìn dặm. Nhưng... nhưng làm sao Dương vương cho mẹ con mình...

Nguyên Huân chen lời, hỏi :

- Thúc mẫu, con có nghe nói Hân phu nhân sửa soạn trở về Võ Đang sơn có phải không?

Vương phi gật đầu :

- Bất Hối, Vân Hạc và Bảo Thư, ngày mốt sẽ lên đường.

- Thúc mẫu, con có ý kiến này, nhân dịp Vương phủ bất an, Thúc mẫu trình ý với Dương vương, xin được cùng Hân phu nhân về thăm Võ Đang sơn; con chắc thế nào hắn cũng bằng lòng! Thúc mẫu sẽ cùng với Hân phu nhân xuôi bằng đường biển, ra cửa Lữ Thuận, theo hướng Nam đến Triết Giang, theo Trường giang mà về Hán khẩu. Thúc mẫu ghé lại Nam Kinh, và chờ con ở đó! Mọi việc, Thúc mẫu khi đến Nam Kinh rồi, hãy tỏ thật với Bảo Thư. Con nghĩ, Hân phu nhân, Vân Hạc và Bảo Thư sẽ cảm thông cùng Thúc mẫu!

Vương phi suy nghĩ một lúc rồi đáp :

- Việc này có thể được, nhưng ta chờ con ở đâu?

- Con có một chỗ quen biết, ở cách phía Nam thành Nam Kinh chừng bốn, năm dặm. Đó là Bảo gia trang. Thúc mẫu cứ đưa thư của con cho Bảo trang chủ, Thúc mẫu sẽ được đón tiếp trân trọng. Nơi này rất đáng tin cậy, Thúc mẫu nghĩ sao?

- Vậy thì được. Nhưng còn con, bao giờ con đến?

- Từ đây, theo thuyền về đến Ứng Thiên phủ cũng phải mất ba, bốn tháng; dĩ nhiên thế nào Dương vương cũng cho người tâm phúc theo hộ tống. Đến Nam Kinh, Thúc mẫu giả bệnh để lại chữa trị, Hân phu nhân chắc sẽ về Võ Đang sơn trước. Từ nay, đến ngày con gặp Thúc mẫu, lâu nhất có thể là sáu tháng!

Chàng tiếp :

- Con có nhiều việc chưa làm xong, nhưng nhất định con sẽ đến Nam Kinh kịp thời gian đã định, Thúc mẫu và Nam muội hãy an tâm!

- Ta tin ở con, dẫu có hiểm nguy, vất vả đến thế nào, ta cũng chẳng ngại!

Trong đôi mắt đẹp của Lý Phi Yến long lanh hình ảnh của quê hương Đại Việt thân yêu và một trời quá khứ đọng đầy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.