Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm

Chương 9: Tâm Hư sư thái uy danh vỡ mật bọn gian tà - Chu Hoán Sở Vương đem lòng kính yêu Đoàn Thiên Chính



Trần Nguyên Huân đuổi theo bóng người đang tung mình ra khỏi phủ Ứng Thiên, phút chốc đã ra khỏi phạm vi của phủ. Lúc này đã là giờ Ngọ. Nguyên Huân thầm nghĩ, giữa ban ngày mà dám lọt vào Vương phủ, không ai phát giác được thì bản lãnh của người này quả là đáng sợ, Người chạy trước hình như biết Nguyên Huân vẫn đuổi theo nên cố ý chạy chậm lại, đến gần bờ sông, bóng người chạy trước không còn thấy đâu nữa. Chàng đưa mắt nhìn quanh tìm kiếm, bỗng nghe tiếng niệm Phật hiệu :

- Nam Mô A Di Đà Phật! Trần thí chủ mạnh khỏe chứ?

Nguyên Huân giật mình quay lại, chàng đã nhận ra vị Sư thái, Nguyên Huân mừng rỡ reo lên :

- Sư thái! Sư thái!

Tâm Hư sư thái mỉm cười :

- Mới có mấy năm không gặp mà công lực của Trần thí chủ tăng tiến vượt mức đấy!

Trần Nguyên Huân cúi đầu thi lễ, cung kính nói :

- Bạch Sư thái quá khen! Sư thái có chuyện gì mà đến đất Kim Lăng này thế?

Tâm Hư đáp :

- “Bần ni nhân có việc qua đây, sáng nay bần ni gặp Kiến Nghiệp đại sư, người cho biết về thí chủ. Một công đôi việc nên bần ni mới vào Ứng Thiên phủ, chứng kiến được thí chủ biểu diễn công phu áp đảo bọn cường đồ trong Vương phủ, và mới ra tay giết chết Phùng Diệm Sơn!

Cách đây mấy năm y là một tên cường tặc hết sức tàn bạo, tung hoành trên Hoàng Hà. Nhân một lần y làm chuyện gian ác, bần ni đã đánh cho trọng thương, toan giết đi để trừ hại cho bá tánh, bởi y lạy van xin được cải tà qui chánh nên đã tha cho. Không ngờ y trốn xuống phương Nam tiếp tục làm nhiều điều càn rỡ. Cách đây vài bữa, y đã hãm hiếp và giết chết hai chị em con nhà thường dân, chưa kể trước đó y đã làm oan thác tám mạng người khác, bần ni nhân đi qua, khám phá ra chính y là thủ phạm!

Tại phủ Ứng Thiên này đã xảy ra bảy, tám vụ án như vậy, mà quan binh không điều tra được, hoặc làm lơ không thèm ngó tới. Bần ni vào Ứng Thiên phủ giữa ban ngày, hạ sát y để trừ họa cho dân chúng, đồng thời gây cho bọn chúng sự lo sợ, bất ổn, khiến hạn chế bớt những thảm sát, bức hiếp trong dân lành. Nay thí chủ xâm nhập làm tai mắt cho Đại nghĩa, cũng nên khéo léo chặn bớt hành động của chúng!”

Nguyên Huân hỏi :

- Từ ngày ấy, Sư thái có gặp Tiêu nghĩa phụ của vãn bối lần nào nữa không?

- Bần ni có gặp Tiêu đại hiệp một lần nữa, ông ta có kể về thiếu hiệp, và có nhờ bần ni truy lùng tung tích của Hoạt Phật đại sư, đồng thời có nói thêm rằng, ông sẽ đi Thiểm Tây, Thanh Hải. Việc đó cách đây đã trên hai năm!

- Lần này Sư thái định vân du nơi nào?

- Bần ni có công việc phải lên Yên Kinh, mong có ngày gặp lại. Thôi thí chủ hãy trở về kẻo chúng nghi, có hại cho công việc, sẽ có ngày tái kiến!

Nói xong, Sư thái tung người nhảy xuống chiếc thuyền neo gần đó. Nguyên Huân vòng tay bái biệt, rồi quay trở về. Đến cổng Vương phủ, chàng gặp Chu Ngoạn Thanh dẫn một bọn thuộc hạ đi ra, Ngoạn Thanh vồn vã hỏi :

- Thiếu hiệp có bắt kịp y không?

Nguyên Huân đáp :

- Đó là một vị Sư thái, võ công bà ta cực kỳ cao siêu và quái dị, sử dụng cây mi hết sức âm độc. Tại hạ giao thủ với bà ta được hơn một trăm chiêu, đang bất phân thì lừa thế nhảy xuống thuyền xuôi Trường giang, tại hạ không có phương tiện đuổi theo!

Thiết Chưởng Lôi Chấn Hoa hỏi :

- Vị Sư thái ấy có phải khoảng trên năm mươi, nước da trắng, võ công như quỷ mị không?

- Bà ấy xưng là Tâm Hư...

- Ái chà!

Y toan nói thêm điều gì nhưng bỏ lửng! Hạ Hầu Thành nói :

- Bà ta nguyên là Chưởng môn của phái Nga Mi, võ công đứng vào hàng bậc nhất trên thiên hạ, không biết sao mà lại gây hấn với Vương phủ, mệt thật!

Nguyên Huân nói :

- Tại hạ có quát hỏi là một nhà tu hành, sao Sư thái vô cớ giết người, ra tay tàn độc như vậy, bà ta nói Độc Long Thần Phùng Diệm Sơn trước là bại thủ của bà ta ở Hoàng Hà vì việc gian dâm tàn ác gì đó đã xin dung mạng, hứa cải tà quy chánh, không ngờ, bữa trước y lại gây ra bảy, tám án mạng chết chóc trong dân thường nên mới vào Vương phủ giết y.

Bọn quần tà đưa mắt nhìn nhau. Nguyên Huân nhìn thấy những tia mắt lo âu, sợ sệt. Chàng quay hỏi Chu Ngoạn Thanh :

- Tình trạng Phùng Diệm Sơn thế nào?

Ngoạn Thanh âu lo nói :

- Y bị đánh vỡ tim mà chết, đang cho khâm liệm. Đoàn thiếu hiệp, thiếu hiệp giao thủ với mụ thắng bại thế nào?

Nguyên Huân biết ý, nói :

- Tại hạ cố gắng thì cũng có thể cầm cự được...

Đôi mắt Chu Ngoạn Thanh sáng lên :

- Thôi, chúng ta quay vào!

Thiên Quang Thượng Nhân oang oang nói :

- Tâm Hư là đứa nào mà các vị lại có vẻ nể trọng như vậy, Phùng Diệm Sơn sỡ dĩ bị hại là trong lúc bất phòng mà thôi!

Một tên trong bọn lên tiếng hỏi :

- Thượng nhân, tại hạ xin hỏi, theo ý của Thượng nhân thì võ công của Quang Minh Dương vương thế nào?

Thiên Quang giật mình đánh thót, ấp úng :

- Cái này, cái này dĩ nhiên võ công của Pháp vương sánh ngang thần thánh rồi, chúng ta làm sao dám bình phẩm...

Người hỏi là một trung niên đại hán, khoảng gần năm mươi, có hỗn danh Miêu Nhãn bởi đôi mắt y xanh biếc như mắt mèo, mái tóc đỏ, thân thể cao lớn, da trắng như tuyết, mũi cao, y rất ít nói, nhưng khi mở miệng thì khiến cho người ta khốn khó :

- Khô Nỗ Viết, ông hỏi như vậy để làm gì chứ? - Thiết Đạn Tử Hạ Hầu Thành hỏi.

Miêu Nhãn Khô Nỗ Viết, không ai biết tường tận võ công của y như thế nào vì chẳng bao giờ thấy y biểu diễn hay giao đấu với ai, tuy nhiên y là người thông hiểu mọi lẽ, mọi chuyện của võ lâm Trung Nguyên, không chuyện gì y không biết. Trong số giang hồ cao thủ trong Vương phủ, y không ganh đua, lấn lướt với ai, và cũng chẳng ai bắt nạt y được, y âm thầm một mình, tung tích rất kỳ quái, chỉ biết y không phải là người Trung thổ, y đến Trung Nguyên từ đời thân phụ y từ một xứ sở ở phía mặt trời lặn. Khô Nỗ Viết chớp chớp đôi mắt xanh biếc, nói :

- Có một người võ công còn cao hơn Pháp vương nữa, Thượng nhân có biết không?

- Ta chưa nghe nói đến bao giờ. Ta từ Tây Vực tới, làm sao biết được. Và đó là chuyện không thể xảy ra được, không thể có được!

Miêu Nhãn cười nói :

- Vậy mà có đó, hơn ba mươi năm trước, người có võ công ghê gớm này đã bị vị Sư thái vừa rồi đâm trúng một kiếm suýt chết. Việc này võ lâm Trung thổ không ai không biết. Thượng nhân cứ gặp người Sư thái họ Chu ấy khắc biết!

Cả bọn nghe Khô Nỗ Viết nói đều xanh mặt, Chu Ngoạn Thanh quay hỏi Trần Nguyên Huân :

- Đoàn thiếu hiệp giao đấu với bà ta. Võ công của bà ta ra sao.

- Võ công bà ta thật quái dị, có kình lực thực khủng khiếp. Chỉ trong khoảnh khắc bà ta đã tấn công tại hạ gần một trăm chiêu thức âm nhu, kịch độc.

Khô Nỗ Viết nói :

- Cửu Âm chân kinh đấy. Một là bà ta không muốn sát hại thiếu hiệp, hai là thiếu hiệp võ công trác tuyệt!

Nguyên Huân cướp lời :

- Võ công của tại hạ thuộc hàng hậu sinh, làm sao dám nhận lời các hạ nói. Bà ta có nói với tại hạ: “Thí chủ là người của Triều đình, điều ấy bần tăng không lý đến, nhưng đừng ỷ quyền, ỷ thế tàn hại dân lành là được; mà dù võ công tài nghệ có cao đến đâu thì cũng không thoát khỏi lưới trời lồng lộng, ta mong rằng không phải mất công tìm kiếm thí chủ nữa!”

Mọi người vào đến khách sảnh, bữa tiệc dở dang được dọn lại nhưng không khí không còn náo nhiệt nữa. Sự xuất hiện của Tâm Hư sư thái và cái chết của Độc Long Thần, một cao thủ hạng nhất của Vương phủ đã làm hào khí của bọn chúng tan đi như bọt nước.

Chu Ngoạn Thanh sau bữa tiệc, mời Nguyên Huân và đồng bọn của y vào Võ phòng. Sau khi phân ngôi chủ khách, y dành chiếc ghế đặc biệt đối diện vối y, đưa tay mời Nguyên Huân cùng ngồi. Y suy nghĩ rồi lựa lời, nói :

- Ta biết Đoàn thiếu hiệp có cốt cách và khí phách hơn người, lại là dòng dõi Vương gia, ta rất quý mến và kính trọng. Bản thân ta vốn ưa kết giao với các bậc anh hùng thiên hạ, nay được cùng nhau tri ngộ, thực chẳng dám đem lòng rẻ rúng, mà xem như huynh đệ, ta tha thiết mời thiếu hiệp ở lại đây cùng ta ít lâu. Vương phụ ta cũng rất khát khao được trân trọng đón tiếp. Đoàn hiền đệ, thứ lỗi cho ta vì ta quí mến hiền đệ như anh em!

Nguyên Huân đáp :

- Tại hạ thân gió bụi, rất cảm kích tấm lòng của Vương tử Thực ra, tại hạ tài đức kém cỏi, đâu xứng đáng được Vương tử xem như chỗ tay chân. Có điều tính nết phong trần cát bụi đã quen, e khó dừng chân một chỗ, nhưng chẳng nhẽ phụ lời vàng đá được sao! Chỉ e rằng sau này không thể nào đền đáp được ơn tri ngộ, quả là áy náy không yên!

Chu Ngoạn Thanh mừng rỡ nói :

- Hiền đệ, hiền đệ đã chẳng có ơn cứu tử ta là gì!

Y quay sang bọn quần hùng :

- Từ nay ta mong chư vị cũng như ta, coi Đoàn hiền đệ là chỗ anh em. Ta chẳng có ý có mới nới cũ, chúng ta thêm bạn bớt thù chẳng phải là điều hơn sao!

Nguyên Huân đứng dậy, hướng về bọn thuộc hạ của họ Chu, cung tay khiêm tốn :

- Vãn bối tuổi còn nhỏ, kinh nghiệm giang hồ còn nông cạn, sở học chẳng là bao, mong được có dịp các vị rộng dung mà điểm hóa cho!

Bọn quần tà nghe Nguyên Huân nói những lời khiêm nhường văn vẻ đều tươi hẳn nét mặt, đồng thanh thay nhau lên tiếng :

- Đoàn thiếu hiệp quả là con rồng trong đời nay, tấm lòng quảng đại, nhún nhường đến thế, mai sau công nghiệp chẳng nhỏ!

Nguyên Huân khiêm cung nhưng vẫn giữ được cái hùng khí chàng vui vẻ đến chào hỏi từng người, tỏ lòng quí trọng, khiến ai cũng thấy mình hể hả. Chu Ngoạn Thanh nghĩ thầm: “Con người này quả thật không phải tầm thường, có thể giúp ta nên việc lớn”.

Từ đấy, chàng ở lại Vương phủ. Chu Ngoạn Thanh hết dạ ân cần, cắt người hầu hạ chu đáo, lại đề nghị đưa tặng mỹ nhân, Nguyên Huân lấy cớ đang luyện Cửu Dương công nên xin được từ chối. Dẫu thế nào, chàng vẫn biết mình đang bị dò xét, theo dõi, nên ngoài thời gian luyện công phu võ thuật kiếm pháp, Nguyên Huân nhàn nhã ngắm hoa, đọc sách mà chàng mượn ở Thư khố, không để mắt vào bất cứ việc gì. Thỉnh thoảng Ngoạn Thanh hay bọn quần hào ghé thăm, bày tiệc rượu, chàng vui vẻ thù tiếp. Phong cách chàng cao quý, văn học uyên thâm, chữ viết như rồng phượng càng làm cho Chu Ngoạn Thanh và cả bọn kính trọng.

Một hôm Ngoạn Thanh đến chơi, thấy một bài thơ chàng vừa viết trên tờ hoa tiên, treo trên vách, nét chữ tuyệt đẹp, y tấm tắc khen mãi. Nguyên Huân gở xuống đưa tặng, nói :

- Tự trung hữu kiếm. Thư trung hữu nữ. Xin kính biếu Vương tử món quà nhỏ mọn này!

Ngoạn Thanh hỏi :

- Thư trung hữu nữ nhan như ngọc đã đành rồi, còn trong chữ có kiếm ta chưa nghe đến bao giờ!

Nguyên Huân cười nói :

- Nét chữ mạnh hơn đường kiếm. Thuận dòng mà băng băng như lưu thủy hành vân; phổ kiếm vào nét chữ, điều nay người xưa đã làm gọi là Tự kiếm vậy!

Ngoạn Thanh nói :

- Hiền đệ thật là văn võ toàn tài?

Y nói xong nhìn bài thơ, ứng giọng đọc:

Phong trần thế lộ không tao phát

Yên chưởng lâm nan chỉ đoạn hồn

Mạn hữu thốn hoài lao cảnh cảnh

Dạ y Ngưu, Đẩu vọng Trung Nguyên [1]

Đọc xong, tấm tắc khen :

- Lời thơ u uẩn mà thật là tuyệt. Tài năng đáng kể Trạng Nguyên!

Sau đó ít lâu, Sở Vương nhận thấy bài thơ và nhìn nét chữ, mới hỏi ai viết, Chu Ngoạn Thanh kể rõ. Sở Vương vuốt râu cười :

- Ngươi từ xưa chỉ kết giao với bọn võ biền, nay lại kết giao được với danh sĩ, đáng mừng thay!

Chu Ngoạn Thanh nói :

- Người này võ công tuyệt cao, chữ viết lại không kém gì Lan Đình thiếp. Sở học uyên thâm, đáng mặt nhân tài!

Sở Vương muốn gặp, triệu mời tương kiến. Từ đấy ngày càng yêu mến kính trọng. Được ban thưởng bạc vàng, Nguyên Huân đều chia hết cho bọn quần hào. Sở Vương biết được, trong lòng càng quí trọng hơn. Một hôm nói :

- Người này đầy bụng kinh luân, tài năng như thế, dùng không được thì phải trừ đi, không nên để lọt vào tay người khác được!

Từ đó, thường triệu Nguyên Huân đến đàm đạo, dò la ý tứ. Chàng khôn khéo ứng đáp nên dần dần lấy được niềm tin của Sở Vương.

Có một lần, Sở Vương hỏi chàng :

- Thời Tam Quốc, Tôn Kiên chỉ là một gã võ biền, nhưng nhờ vào địa thế Trường Giang mà chia ba thiên hạ, lập nên đế nghiệp. Khi khởi sự, binh chưa đầy năm ngàn, so với ta ngày nay, tiên sinh thấy thế nào?

Nguyên Huân hiểu bụng dạ Sở Vương, tuy địa vị đã cực cao, quyền uy, giàu có nhưng vẫn có ý ngấp nghé ngôi Thiên tử Chàng cố ý như không biết dạ Sở Vương, trả lời :

- Thời Hậu Hán, bốn phương loạn lạc, trăm họ điêu linh đồ thán, trong triều thì bọn ngoại thích và hoạn quan chuyên quyền, gây ra loạn rợ Khương, Đảng Cố, Hoàng Cân nổi lên tung hoành ở các châu Thanh, Từ, U, Ký, Kinh, Dương, Duyên, Dư. Nhân dân ở các nơi như Giang Tô, An Huy, Chiết Giang, Giang Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam, Sơn Đông v.v.. điêu linh khốn đốn. Triều đình thì rối ren, mưu hại, chém giết lẫn nhau; anh hùng cát cứ bốn phương kình chống nhau, dân tình cúi đầu chịu đựng cuộc tranh giành, không còn biết ai chính ai tà, phải thuận chiều mà sống. Tôn Kiên ở cái thế dễ mà khó, khó mà dễ. Ngày nay, thiên hạ đại định, mọi giềng mối, uy quyền trong tay nhà vua. Chúa công ngồi đây, tuy lớn mà nhỏ, tuy nhỏ mà lớn, bởi vậy, giữa Chúa công và Ngô vương không thể nào so sánh được!

Sở Vương nói :

- Ta chỉ muốn hỏi Tiên sinh về cái thế khởi đầu!

Nguyên Huân đáp :

- Tôn Kiên chết, con là Sách thế Ngọc tỷ để mượn binh đánh Kinh Châu trả thù, khởi đầu tuy với năm ngàn binh, nhưng đối thủ của Sách lúc đầu chỉ là Lưu Biểu, mà lực lượng của Lưu Biểu chỉ có một Kinh Châu. Đến đời Ngô Quyền, hùng cứ tại Kiến Nghiệp (Nam Kinh ngày nay) lấy hiểm địa Trường Giang tọa thủ, chia ba thiên hạ, nhưng suốt đời không vượt Trường Giang để mở được trận đánh nào ra hồn, mà còn bị Tào Tháo, Lưu Bị gây nghiêng ngửa, trận Xích Bích, trận Hào Đình. Ngày ấy, tám mươi mốt châu huyện đều thuộc sự kiểm soát của Quyền cả, tuy có tiền họa, nhưng phía sau lưng thì vững vàng. Nay Chúa công tuy ở ngôi cao, nhưng mọi việc đều bị Triều đình nhòm ngó, cái họa của Tần Vương công chả nhẻ Chúa công không nhớ? Bởi vậy, khi chưa thuận thời thì co mình mà thủ, khi gặp thời, múa vuốt nhe nanh vùng vẩy trời xanh ai làm gì được!

Sở Vương hỏi :

- Thời là thế nào?

Nguyên Huân đáp :

- “Bẩm Chúa công, nếu muốn làm nên nghiệp lớn, thiếu một trong ba điều: Thiên, Địa, Nhân thì không thể thành công được. Một là thiên thời, bây giờ bốn biển thái bình, nhưng hết thái tất nhiên là bỉ. Thành Tổ cai trị dân hết sức hà khắc, trao quyền cho anh em con cháu mà chẳng tin, dân tình đồ thán tất sinh biến; bọn Thát Đát đang hưng cường trở lại Chính vì thế mà Thành Tổ chọn Yên Kinh là Kinh đô để phòng cái họa Thát Mông. Phía Tây, bọn Ngọa Thích đang muốn dấy lên, phía Nam, Đại Việt đang quật khởi, đấy là cái thời sẽ chuyển!

Hai là địa lợi, Chúa công có Trường Giang, nhưng miệt Vân Nam, Quý Châu chẳng phải thuộc quyền; miệt Quảng Đông, Quảng Tây không là tâm phúc.

Ba là nhân hòa thì Chúa công lấy “Tĩnh Nạn” làm chính nghĩa. Nhưng người dân quá cơ cực, bị đối xử khắc nghiệt, lòng oán hận chưa nguôi, Chúa công lấy gì làm nanh làm vuốt. Tiểu sinh nói ít, Chúa công lấy lời thực bụng mà suy ra, mà chuyển sửa cái khắc thành cái thuận”.

Sở Vương ngồi im, một lúc nói :

- Tiên sinh nói rất phải, trời cho ta tiên sinh làm tim óc của ta, ta cởi tấm lòng này, mong tiên sinh chớ phụ!

Từ đó, Nguyên Huân vạch đường, chỉ lối cho Sở Vương, nhân dân Nam Kinh và các nơi thuộc quyền của Sở Vương, vì thế mà đỡ bị quấy nhiễu, bóc lột.

Thời gian đã hai tháng trôi qua, kể từ ngày chia tay cùng Đường Trại Nhi, nhớ đến ngày hẹn, chàng lấy cớ ra dạo phố, tìm người bán kiếm. Khoảng đầu giờ Tỵ, Nguyên Huân rủ thêm hai người trong bọn quần hào là Lôi Chấn Hoa và Song Long Kiếm Thạch Hiển, hai người này tính tình bộc trực, nóng nảy, vô tâm, chưa nhúng tay nhiều vào tội ác. Trước đây, vì bị quan lại ức chế nên chiếm cứ một ngọn núi, tụ tập lâu la, đón đường đánh cướp bọn thương nhân giàu có, sau bị triều đình thảo phạt đánh tan, chạy về được Chu Ngoạn Thanh chiêu dụ. Gàn đây, được Nguyên Huân ngày đêm chuyện trò khuyến dụ, chỉ dạy thêm võ công, chàng lấy lòng chân thật mà đối với hai người, nên cả hai đều kính trọng, quý mến, coi chàng như người trên, không còn buông tuồng phóng túng nữa.

Tất cả bọn hảo hán trong Vương phủ có cùng thái độ quí trọng chàng. Tuy chúng chưa bỏ hẳn được cái thói sách nhiễu lương dân, nhưng cũng đã bớt đi phần nào. Trong số người này, Thiên Quang Thượng Nhân không giao thiệp với ai, y là kẻ cao ngạo và hung ác, tuy không ra mặt kình chống Nguyên Huân nhưng vẫn ngấm ngầm chống đối, nhất là giờ đây thấy rõ cương vị của chàng đối với cha con Sở Vương, hắn càng khó chịu.

Riêng Miêu Nhãn Khô Nỗ Viết là người duy nhất chàng không thể hiểu biết được điều gì về y, hắn rất ít nói, không ra ngoài bao giờ, không tranh giành hơn thua, cũng không giao kết bạn bè với ai trong Vương phủ. Tuy không thấy y biểu diễn võ công, nhưng chàng biết y không phải tầm thường trong số hào khách của Chu Ngoạn Thanh. Theo ý chàng, hoặc y là người có hành tung kỳ bí, hoặc giả tính tình y đơn độc âm thầm đã quen. Có điều rõ ràng rằng, Khô Nỗ Viết không phải đến Vương phủ làm tôi mọi, làm thuộc hạ, vậy sự hiện diện của y ở nơi đây là gì?!

Ngoài ra, bọn quần tà còn lại chỉ là bọn tham tàn, vô lại mà thôi, đối với chúng, võ công, trí tuệ chàng như Thái Sơn, lại được sở vương xem vào hàng thượng khách, được chàng ban cho vàng bạc một cách hào phóng, nên tỏ ra xu phụ; chàng chỉ mong chúng giảm bớt tật bạo tàn, thói cướp bóc là đủ chứ chẳng thể nào giáo hóa được. Riêng hai người họ Lôi, họ Thạch là trân trọng, yêu mến chàng, nghe theo mọi điều khuyên bảo. Hai người muốn dùng lễ thầy trò mà đối với chàng, Nguyên Huân nói:

- Nhị vị đừng làm điều ấy, chỉ cần hành xử tốt với bá tánh, thế là đã yêu quí tại hạ nhiều lắm rồi!

Từ đấy cả hai bỏ hết tà khí, cố gắng luyện thân, tâm, xa dần nếp cũ. Nguyên Huân và Thạch, Lôi hai người ngồi trong một tửu quán không xa Vương phủ, kêu đồ nhắm mà uống rượu. Một lão già cụt một tay xuất hiện, đội nón lá rách, áo xám nhạt, vác trên vai một bó kiếm, đi qua lại, nghêu ngao trước cửa quán :

- Thần kiếm tặng anh hùng

Hồng phấn biếu mỹ nhân

Mại vô.. mời, mời..

Nguyên Huân gọi giật :

- Ngươi bán gì vậy?

Lão già nhìn ba người, rồi chậm rải bước vào quán :

- Chẳng lẽ thiếu gia không thấy lão hủ bán bảo kiếm sao?

- Bảo kiếm à! Có Thái A kiếm không đấy?

- Thái A kiếm? Làm sao có được kiếm báu như thế?

Nói xong liếc nhìn hai người ngồi cạnh Nguyên Huân.

Nguyên Huân nói :

- Ta muốn mua một thanh kiếm báu. Ta biết lão trượng bán kiếm nhưng chắc chẳng phải của mình, nói với chủ nhân của lão, ta muốn mua một thanh kiếm cực quý. Thế nào?

- Giá đắc lắm đấy!

- Vậy bảo với chủ nhân của lão, mang nó đến đây, bao nhiêu ta cũng mua, dẫu là vạn quan!

Lão già như hiểu ý, gật đầu bỏ đi. Chờ người này đi một quảng ngắn, Nguyên Huân đuổi theo gọi lớn :

- Này lão trượng, ta dặn thêm, chỉ có ba loại này ta mới mua, có thì mang đến, còn không thì thôi!

Chàng bước đến gần, nói mau :

- Đúng mười ngày nữa, giờ này, ta tới gặp Đường lão gia ở nơi cũ, có việc hệ trọng!

Lão già nói lớn :

- Ba loại kiếm Thái A, Mạc Tà, Thanh Hồng làm sao mà có được!

Nói xong bỏ đi, Nguyên Huân quay trở lại nói với Thạch, Lôi :

- Bao nhiêu năm nay, ta có ý tìm mua một thanh bảo kiếm mà không gặp!

Song Long Kiếm Thạch Hiển nói :

- Thần kiếm lựa người mà đến, nếu không có duyên cơ, chẳng khi nào tìm được!

Lôi Chấn Hoa tiếp lời :

- Với bản lãnh của Đoàn đại hiệp, thì mộc kiếm cũng thành bảo kiếm, cần gì phải khổ công như thế!

Nguyên Huân cười nói :

- Lão huynh không biết đấy thôi, kiếm dù sao cũng chỉ là một thứ vũ khí giết người, dẫu có quí đến mấy cũng chẳng đáng kể. Tại hạ chỉ muốn mua cái tâm kiếm mà thôi!

Thạch Hiển, vốn ngày thường chậm hiểu, nhưng hôm nay không biết vì sao y linh ứng, hiểu ngay, nói :

- Tiên sinh, tại hạ hiểu điều tiên sinh điểm hóa rồi!

Một đêm, Nguyên Huân đang ngồi tọa công. Trời đã khuya, ngoài hoa viên đầy tiếng gió. Trong cái tĩnh mịch, nghe rõ tiếng lá khua xào xạc, tiếng lá rụng trên sân, chàng chợt nghe tiếng bước chân rất nhẹ giẫm trên lá khô, tiếng chéo áo lật phật xé không khí, một tiếng động nhẹ trên mái ngói, và rồi, chàng nghe được hơi thở, hơi thở dài và chậm, chàng biết người khách dạ hành này nội công rất cao. Thỉnh thoảng, nhiều đêm, Nguyên Huân cũng đã phát giác ra có người theo dõi chàng, đúng như chàng đã dự đoán trước, nhưng những lần ấy, chỉ là bọn do thám tầm thường. Duy đêm nay, người này có hơi thở rất đặc biệt, rất dài, chậm và sâu Nguyên Huân tự nhủ: “Người này đã luyện được Quy Tức công, hẳn chẳng phải tâm thường”, chàng cố kềm chế và chờ đợi.

Một lúc sau, có tiếng chân nhảy từ trên mái ngói xuống, và tiếng gõ cửa rất nhẹ. Nguyên Huân lên tiếng :

- Cửa không cài then, xin mời vào!

Cánh cửa mở ra, và Khô Nỗ Viết xuất hiện. Nguyên Huân đứng lên đón. Trong phòng chàng lúc nào cũng thắp một ngọn đèn lồng, ánh sáng không sáng lắm nhưng cũng đủ thấy Khô Nỗ Viết bận một bộ dạ hành. Chàng nói :

- Quy Tức công của Khô tiền bối thâm hậu lắm!

Khô Nỗ Viết cười nhẹ, nói rất nhỏ :

- Tại hạ biết không qua được mắt của thiếu hiệp. Đêm nay có việc cần nói, nhưng ở đây không tiện, xin theo tại hạ!

Nguyên Huân thổi tắt ngọn đèn, cùng Khô Nỗ Viết phóng mình lên từng ngọn cây chuyển ra khỏi Vương phủ. Nguyên Huân thầm phục khinh công của Miêu Nhãn. Cả hai nhẹ nhàng lướt trên những mái nhà như hai chiếc bóng, chàng theo sau Khô Nỗ Viết một quảng. Đến bờ sông, y tung người nhảy xuống một con thuyền nhỏ, đậu cách bờ một con sào. Con thuyền nhỏ dập dềnh trên sông nước Trường Giang. Đêm yên tĩnh, chỉ có gió nhẹ thổi, tiếng sóng dạt dào vỗ vào be thuyền, nghe rõ tiếng cá đớp trăng. Ánh trăng hạ tuần đã lên cao, chiếu ánh sáng đục mờ, cũng đủ làm mặt sông sáng lấp lánh như gương. Theo Khô Nỗ Viết vào trong thuyền, Nguyên Huân kín đáo vận toàn bộ công lực đề phòng, nhưng Khô Nỗ Viết dường như đoán được, vội nói :

- Xin thiếu hiệp yên lòng, tất cả đều là thành ý cả!

Ngọn đền nhỏ được thắp lên, khoang thuyền trống, không một bóng người, Khô Nỗ Viết mở lời :

- Đoàn thiếu hiệp, chắc chắn thiếu hiệp ngạc nhiên về sự thăm viếng đột ngột này. Sở dĩ có đêm nay, bởi vì lão Khô này rất quý mến thiếu hiệp!

- Có việc gì hệ trọng mà Khô anh hùng cho gọi vãn bối đến đây vậy?

- Phải làm phiền thiếu hiệp rời gót tới đây cũng là điều vạn bất đắc dĩ. Tai vách mạch rừng, không cẩn thận không thể bảo toàn được!

- Xin được nghe tiền bối chỉ rõ!..

- Đã nhiều đêm nay, thiếu hiệp bị theo dõi, thời gian trước đây thì do Vương tử, nhưng những đêm sau này thì không phải là người của Vương tử nữa!

Nguyên Huân ngắt lời :

- Việc này tại hạ biết. Nhưng kẻ thứ hai theo dõi tại hạ nhằm mục đích gì, và là ai vậy?

- Tại hạ đến đây cũng là tình cờ do lời mời của Vương tử, nếu có điều gì nghi ngờ, tại hạ bỏ đi là xong!

Khô Nỗ Viết cười nhẹ, đôi mắt xanh biếc ánh lên trong đêm tối :

- Trong thâm tâm, thiếu hiệp chắc đang tự hỏi sao tại hạ biết được những điều ấy?

- Tuy không cụ thể lắm nhưng vãn bối cũng có thể mơ hồ nhận thấy được!

Dường như đoán được ý nghĩa trong câu nói của Nguyên Huân, Khô Nỗ Viết dịu giọng :

- Không phải Khô mỗ làm những việc như thiếu hiệp nghĩ đâu, và việc mỗ làm chẳng có quan hệ gì đến người của Vương phủ cả?

- Sao tiền bối lại thố lộ những bí mật của riêng mình thế?

Sắc mặt trầm tư, Miêu Nhãn từ tốn nói :

- “Thứ nhất, Khô Nỗ Viết này phải tỏ lòng thành trước để thiếu hiệp có thể tin ở Khô mỗ. Theo nhân chủng học, một môn khoa học nơi xứ sở tại hạ, thì Đoàn thiếu hiệp nhất định không phải là giống dân của dân tộc Đại Lý, từ đó, tại hạ thắc mắc về nguồn gốc mà thiếu hiệp tự nhận! Thiếu hiệp là người có phong cách, võ công lại siêu tuyệt; và qua những bài thơ mà tại hạ hân hạnh được xem, tại hạ nhận biết được thiếu hiệp dường cũng cùng mang một tâm trạng như Khô mỗ này vậy, bởi thế mới lưu tâm và đêm nay, xin được thố lộ nỗi ưu tư cùng thiếu hiệp!

Tổ quốc của Khô mỗ nằm xa lắc ở phương trời Tây. Cách đây gần hai thế kỷ, bọn người Mông Cổ như một bầy quỷ dữ tràn vào đốt phá chém giết không nương tay, chiếm toàn bộ và đặt nền cai trị tàn bạo lên xứ sở Nga La Tư lập thành Kim Tướng Hãn. Dòng giống người con đầu của Thành Cát Tư Hãn là Truật Xích nối tiếp nhau cai trị xứ sở này. Dân Nga La Tư không vùng lên được, sống hết sức đau khổ dưới bàn tay thống trị cũng giống như dân Hán tộc dưới bàn tay của con cháu Đà Lôi, con út của Đại Hãn. Duy nhất, chỉ có giống Lạc Hồng của Đại Việt là ba lần đánh tan đạo quân Mông, một đạo quân hùng mạnh bách thắng mà không một dân tộc nào trên thế giới có thể ngăn chặn được.

Tổ phụ của tại hạ vốn dòng dõi của Vương tử Mỹ Tị Láp Hạ Lí, suốt bao nhiêu đời hao tâm khổ trí để vùng lên đánh đuổi bọn chúng, lập lại giang sơn, nhưng tâm hao trí mỏi mà đại sự vẫn không thành. Đến đời phụ thân của Khô mỗ, nhân được tin bọn Nguyên triều đã bị nhân dân Hán tộc quét khỏi Trung Nguyên, quyết chí tìm sang đất nước này, mưu cầu học hỏi kinh nghiệm để tìm phương kế phục quốc, nhưng địa thế thiên nhiên và lòng người không giống nhau nên tâm nguyện cũng bạc theo mầu tóc.

Thời gian này, tại hạ được sinh ra, và khi phụ thân lìa đời, đã tự hứa sẽ nối tiếp bước đường phục hưng xứ sở của dòng tộc. Suốt ba mươi năm trời, tại hạ đi khắp Trung Nguyên, học tập võ công, tìm hiểu mọi điều để có thể kết tụ được một sách lược khả dĩ giải phóng cho dân tộc, nhưng cho đến nay xem ra...”

Khô Nỗ Viết ngừng một lát cho giọng bớt cảm thán, rồi nhìn thẳng Nguyên Huân, nói tiếp :

- Trong khi đó, Khô mỗ được biết, dân Hồng Lạc từ bao đời nằm kề bên một đế quốc khổng lồ và đầy tham vọng, vẫn giữ được nền độc lập và tự chủ. Đã có lần, sau cả ngàn năm Bắc thuộc, vẫn không bị đồng hóa và đã vùng lên như ngọn sóng thần. Từ đó lòng vô cùng khâm phục! Lần này, Minh Thành Tổ sai bọn Trương, Hoàng đặt ách đô hộ lên Đại Việt một lần nữa, vậy mà chưa đầy mười năm, nhân dân Đại Việt lại cương cường quật khởi, bởi đó ngày đêm âm thầm theo dõi mọi diễn biến các cuộc khởi nghĩa đang diễn ra, để học lấy kinh nghiệm; lòng vẫn muốn sang tận nơi để chính mắt được nhìn, chính tai được nghe, nhưng hiềm vì màu da, ánh mắt dị biệt, e người Đại Việt xa lánh. Trong bấy lâu nay Khô mỗ đoán chắc thiếu hiệp là người của cái đất nước dũng liệt ấy, đến Trung Nguyên để thi hành một trách nhiệm nào đó phù trợ cho nghĩa quân, Khô nầy vô cùng kính phục, nên không ngại mà thổ lộ can tràng, mong có ngày theo thiếu hiệp sang tận Đại Việt để học được, sở đắc được những kinh nghiệm cần thiết cho dân tộc, cho đất nước mình!

Nguyên Huân nhìn Khô Nỗ Viết, cảm động trước tấm lòng của người Nga La Tư, nên cầm tay chân thành nói :

- Khô nghĩa sĩ, tấm lòng của nghĩa sĩ như Ngưu Đẩu, vãn sinh không thể không thực lòng. Vãn sinh thực họ Trần, tên Nguyên Huân, hậu duệ đời thứ năm của Tiết chế Thượng phụ Thượng Quốc công Đại nguyên súy Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, người đã bao phen cầm quân đánh tan từng đợt xâm lược của những danh tướng con cháu Đà Lôi, và việc Khô nghĩa sĩ đoán về vãn bối quả có như lời!

ánh mắt như có vạn niềm vui, Khô Nỗ Viết kêu lên :

- Thật là Hoàng thiên không phụ lòng Khô mà cho gặp Trần thiếu hiệp nơi đây. Sở dĩ Khô mỗ vào Vương phủ làm chân tay cũng chỉ là để dễ theo dõi diễn biến cuộc khởi nghĩa bên Đại Việt, do bọn Lý, Trần, Mã báo về Ứng Thiên phủ, nhưng làm sao chính xác được. Nay Khô mỗ muốn tự mình đứng trong hàng ngũ của nhân dân Đại Việt, Trần thiếu hiệp có giúp cho được không?

Nguyên Huân cho Khô Nỗ Viết biết thêm về lai lịch và hoàn cảnh của mình, chàng nói :

- Nếu Khô anh hùng không quản ngại đường xa, vãn sinh có thể gửi thư về cho Đoàn lục thúc, từ đó tiến cử Khô anh hùng với nghĩa quân Đại Việt!

Miêu Nhãn hai mắt ướt lệ :

- Ơn thiếu hiệp như trời bể!

- Xin Khô anh hùng đừng quá ư tiểu tiết như thế, chúng ta tuy là hai dân tộc, nhưng cảnh khổ nào có gì khác nhau, liên kết với nhau chính là bổn phận!

Khô Nỗ Viết nói :

- Điều thứ hai, Khô mỗ muốn thiếu hiệp cùng rõ, Thiên Quang Thượng Nhân chính là nhân vật của Dương Minh vương gài vào Vương phủ để giám sát và theo dõi động tĩnh của Sở Vương và tình hình chung. Mỗi tháng, y đều đặn cho thuộc hạ báo cáo về cho Dương Minh vương tình hình trong phủ Ứng Thiên và mọi biến cuộc của võ lâm. Tại hạ đã theo dõi hành tung y từ lâu, nhưng xét thấy đó là việc nội bộ của Minh triều nên không xen vào làm gì!

Nguyên Huân nghĩ “Thiên Quang là người của Dương Tiêu thì việc chàng xuất hiện ở Ứng Thiên phủ chắc chắn đã được báo cáo, và việc này có ảnh hướng không nhỏ đối với Sở Vương”. Chàng hỏi :

- Khô tiền bối có biết được tổ chức của Thiên Quang tại đây như thế nào không?

- Thiên Quang chỉ coi việc xảy ra trong phạm vi Nam Kinh, dưới quyền y có một màng lưới do thám. Y thường nhận tin vào đầu và giữa tháng, tại một ngôi miếu cổ cách năm dặm về hướng Bắc của Ứng Thiên phủ!

Nguyên Huân chợt hỏi :

- Dòng sông này có phải là một phụ lưu của Trường Giang?

- Đúng vậy!

Cảm ơn Khô tiền bối đã cho biết mọi sự. Vãn sinh sẽ viết thư riêng cho Đoàn lục thúc biết việc tiền bối sang Đại Việt còn vãn sinh có lẽ sẽ rời Vương phủ trong thời gian ngắn, không thể lưu lại được nữa!

Chàng dặn dò, hướng dẫn Khô Nỗ Viết đường sang Đại Việt và chi tiết nơi cần đến. Nguyên Huân cũng đề phòng trường hợp Đoàn lục thúc không còn ở chốn cũ, nên dặn cách tìm kiếm, và tốt hơn hết là giả thành một nhà sư, dân Đại Việt vốn sùng kính đạo Phật, nên không úy kỵ vẻ dị chủng của Khô Nỗ Viết.

Hai người, một trước một sau, trở về Vương phủ. Trời đã gần sáng. Nguyên Huân phát giác ra có người lẻn vào phòng chàng lục soát; như vậy, sự vắng mặt đêm qua tất đã bị phát hiện. Đợi đến giữa giờ Thìn, Nguyên Huân sang yết kiến Chu Ngoạn Thanh, và yêu cầu cùng Ngoạn Thanh bái yết Sở Vương, chàng nói :

- Tại hạ có chuyện cơ mật phải trình báo Vương gia và Vương tử!

Sở Vương tiếp chàng ân cần, hỏi :

- Chuyện cơ mật gì mà tiên sinh gặp ta sớm thế!

Nguyên Huân đưa mắt nhìn quanh, Sở Vương biết ý, đứng dậy nói :

- Tiên sinh theo ta!

Mật thất là một căn phòng rộng phải qua nhiều lớp cửa.

Nguyên Huân lên tiếng :

- Kính trình Vương gia, tin mật này quan hệ đến Vương gia. Tại hạ đã theo dõi và phát hiện đêm hôm qua!

Sở Vương sốt sắng hỏi :

- Tin tức gì thế?

Nguyên Huân hỏi lại :

- Bẩm Vương gia thứ lỗi, tại hạ muốn hỏi, Thiên Quang Thượng Nhân là người thế nào?

Chu Ngoạn Thanh đáp :

- Ta gặp y ở một ngôi chùa phía Bắc thành khoảng năm dặm. Hiền đệ cũng biết tính ta thích kết giao với các nhân vật trong võ lâm, huống chi, y lại là người có võ công tuyệt cao nên ta mời y về Vương phủ, cùng Phùng Diệm Sơn đứng đầu nhóm Ứng Thiên quần long.

Nguyên Huân nói :

- Tại hạ biết chắc Thiên Quang Thượng Nhân là người của Dương Minh vương, y chỉ huy một toán do thám ở Nam Kinh, báo cáo tất cả động tĩnh toàn vùng, nghĩa là không trừ Vương phủ, về cho Dương vương. Nhưng y chỉ là một nhân vật trung gian, trên y còn có người do Dương vương trực tiếp phái tới. Vương gia và Vương tử có để lộ điều gì có hại không?

Sở Vương Chu Tần Hoán lắc đầu :

- Không, bởi riêng ta thì chưa gặp y trực diện lần nào. Thanh nhi, ngươi có để lộ ra điều gì không?

- Hài tử không bao giờ bàn chuyện quan hệ đến Vương phủ với bọn chúng, dù lớn nhỏ!

- Như vậy tạm yên lòng!

Nguyên Huân nói :

- Hiện thời Vương gia và Vương tử đừng tỏ ý gì khác, bây giờ tìm cách diệt chúng chẳng ích gì mà còn gây ra nhiều điều phức tạp. Riêng việc tại hạ tá túc ở đây xem ra không còn có ích cho Vương gia mà còn gây nghi ngờ thêm, bởi vậy nên đi khỏi đây là hơn. Tại hạ không lúc nào quên tấm lòng yêu mến và sự biệt đãi trong thời gian qua, những mong có ngày gặp được thiên thời, tại hạ sẽ về đặt mình dưới trướng của Chúa công. Tại hạ rời khỏi Vương phủ cũng là muốn truy tầm đường dây của Pháp vương Dương Minh, hòng sau này đối phó hữu hiệu, có lợi cho đại sự của Chúa công, không để cho y trùm cái lưới lên đầu lên cổ ta được!

Sở Vương gật đầu :

- Ta rất tin ở Tiên sinh, đừng phụ lòng ta nhé!

Sở Vương tặng cho chàng một số vàng bạc, biết rằng lần đi này rất tốn phí nên Nguyên Huân không khách khí. Trước khi ra đi, chàng dặn dò Sở Vương mọi điều nhằm đối phó khi hữu sự. Với Lôi Chấn Hoa và Thạch Hiển, Nguyên Huân dành hẳn một đêm với những lời tâm sự chí tình. Mờ sáng chàng lên đường.

Nguyên Huân đến dinh cơ, nơi lần đầu diện khiến với Đường Trại Nhi, ở phía Nam thành. Ngày hôm sau, Đường Trại Nhi đến cùng họ Đặng, một người thanh niên có nét mặt rắn rỏi, thân thể cường tráng, đôi mắt tinh anh dưới vầng trán rộng, một con người biểu lộ sự thông minh và can trường. Chàng mang toàn bộ sự việc thuật lại với Đường Trại Nhi những chi tiết nhỏ nhặt nhất, sau cùng chàng nói thêm :

- Hiện nay tại Vương phủ, tại hạ đã có hai người bạn sẵn lòng hợp tác cùng với Đường đại gia trong bất cứ trường hợp nào. Tại hạ đã dò la, và biết rằng đại sự chưa hề bị tiết lộ, Sở Vương không nghi ngờ điều gì tuy y là người lanh lợi và xảo quyệt lại hạ hoàn toàn gây được lòng tin ở nơi y. Tôn giá hãy cùng các chư vị bàn luận xem việc trợ thủ giúp Sở Vương làm phản có ý nghĩa chung cục gì không. Riêng việc Sở Vương đứng dậy, có chính nghĩa về vụ “Tĩnh Nạn”, trừng phạt Thành Tổ về việc cướp ngôi. Khi thế đã mạnh, gạt bỏ y ra cũng chẳng là việc khó. Điều này tại hạ chỉ gợi ý chú không dám lạm bàn.

Đường Trại Nhi trầm ngâm, mãi sau mới lên tiếng :

- Việc này thật hệ trọng, không thể tự quyết được, đúng là phải bàn luận, xem xét kỹ lưỡng!

- Việc quan trọng trước mắt là bọn do thám của Dương Minh vương đang có mặt khắp nơi, hiện ở Nam Kinh này thì dưới quyền điều động của Thiên Quang Thượng Nhân như tại hạ đã nói, nhưng khu vực toàn bộ phía Nam sông Trường Giang do một chức sắc cao cấp hơn Thiên Quang đảm nhận, người này là ai, tôn giá phải phăng ra đường dây này và phá vỡ nó mới mong giữ được bí mật toàn cuộc. Việc này tại hạ cũng sẽ góp sức vào.

Đường Trại Nhi hỏi :

- Trần thiếu hiệp sau đây định đi đâu?

- Tại hạ có nhiều công việc hiện thời chưa thể nói trước được nhưng dù ở đâu cũng cố gắng liên lạc với đại gia. Đường đại gia, Bang chúng Cái bang có xử dụng được không?

- Vấn đề này chưa ngã ngũ, Cái bang vẫn chưa có Bang chủ, tất cả quyền hành đều nằm trong tay của tám vị Trưởng lão ý kiến chưa thống nhất, nhất là Chấp Pháp trưởng lão Hoàng Thừa Trung nhất quyết không muốn để cho Cái bang dây dưa vào việc này, chỉ có năm vị Trưởng lão và khoảng bảy phần mười Bang chúng đồng ý thuận theo.

Nguyên Huân phân vân :

- Việc bầu Bang chủ Cái bang cách đây ba năm đã nhóm họp để lựa chọn rồi cơ mà?!

- Đúng vậy. Nhưng Đả Cẩu bổng, cây gậy truyền ngôi mất tích chưa tìm lại được, đồng thời, Đả Cẩu bổng pháp của Cái bang chỉ còn lại có mười hai thế, nghĩa là ba mươi sáu thế thời Hồng Bắc Cái đã thất truyền mất hai mươi bốn thế quan trọng nhất. Do đó thực lực Cái bang suy sụp rất nhiều!

Nguyên Huân thở dài :

- Việc Đả Cẩu bổng và Đả Cẩu bổng pháp quan trọng thật, nhưng đâu phải vì đó mà mất đi truyền thống của một đại bang, mỗi thời mỗi việc khác nhau chứ!

Đường Trại Nhi đứng lên :

- Thiếu hiệp, mọi việc đang tiến triển tốt đẹp. Dù ở đâu thiếu hiệp cũng cố gắng liên lạc với Đường mỗ nhé!

Đêm hôm đó, chàng cùng Đường Trại Nhi và người họ Đặng là Đặng Thành Long uống trà đàm đạo suốt đêm, đến gần sáng hai người từ giã chàng ra đi trước. Đêm kế tiếp là đêm đầu tháng, đợi trời tối, Nguyên Huân nhắm hướng Bắc Ứng Thiên phủ ra đi.

---------------------------------------------------------------------------

[1] Thơ Nguyễn Trãi:

Phong trần dầu dãi mái tóc bơ phơ

Rừng núi thâm u nỗi buồn khắc khoải

Tấc dạ như tơ vò, mòn mỏi mãi

Đêm nương Ngưu, Đẩu ngóng Trung Nguyên.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.