Này Chiến Trận, Này Cuồng Si

Chương 8: Trong tửu quán



Vậy là trong khi những mệnh lệnh của Guidobaldo về việc chuẩn bị cho hôn lễ của Valentina được tiến hành hối hả khẩn trương - trong khi các họa công, thợ chạm, thợ kim hoàn, thợ bạc vội vã hoàn tất công việc của mình; trong khi sứ giả gấp rút lên đường đi Venice mua vàng lá và các đồ trang sức cho rương của hồi môn của cô dâu, trong khi chiếc giường cưới đã được đưa tới từ Rome và cỗ xe ngựa dùng cho lễ rước dâu từ Ferrara cũng đã đến; trong khi đủ thứ sơn hào hải vị đắt tiền đang được sưu tầm, và trang phục dành cho đám cưới được hối hả tạo kiểu, cắt may - thì về phía mình, anh chàng Romeo Gonzaga hào hoa phong nhã cũng ra sức cố gắng biến tất cả sự chuẩn bị trên thành công dã tràng.

Vào một buổi chiều, ba ngày sau khi âm mưu bỏ trốn bắt đầu hình thành, anh chàng ngồi trong căn phòng riêng tại cung điện Urbino, hoàn chỉnh nốt kế hoạch của mình. Và Gonzaga có vẻ cực kì hài lòng với bản thân, vì một nụ cười mãn nguyện nở trên môi khi gã ngồi bên cửa sổ.

Gonzaga lơ đãng nhìn xuống sườn dốc lỏm chỏm đá phía dưới, rồi xa hơn đến sông Metauro uốn lượn ngoằn ngoèo chảy ra biển qua những cánh đồng bằng phẳng phì nhiêu, dòng nước lóng lánh chỗ như ánh bạc, chỗ như được dát vàng dưới ánh sáng của buổi chiều tà. Nếu cuộc phiêu lưu họ đang chuẩn bị dấn thân vào thực sự hiểm nguy như đã mô tả với Valentina, hẳn gã đã khó có được nụ cười thản nhiên đến thế. Gã không thiếu trí khôn, lại cũng chẳng non nớt gì trong việc xét đoán lòng người, và gã tự lập luận rằng một khi công nương Valentina đã cố thủ trong lâu đài Roccaleone và gửi thông điệp tới ông chú rằng nàng từ chối kết hôn với Gian Maria, đồng thời từ chối trở về Urbino chừng nào ngài chưa lấy danh dự của một Công tước ra hứa rằng nàng sẽ không bị bó buộc vào cuộc hôn nhân đó nữa, không nghi ngờ gì Công tước sẽ là người phải giương cờ trắng trước.

Gã thừa nhận rằng viễn cảnh đó không thể xảy ra một sớm một chiều – mà cũng chẳng hề mong vậy; các vị sứ giả cứ việc đi đi lại lại, còn Guidobaldo cứ việc dỗ ngon dỗ ngọt cô cháu gái để thuyết phục nàng trở về. Đương nhiên là cô gái sẽ bỏ tất cả ngoài tai, cuối cùng, ông chú sẽ phải nhận ra sự việc không thể đảo ngược được, đành chấp nhận mọi điều kiện của nàng cho yên chuyện. Làm sao gã tin nổi có thể xảy ra chuyện động binh, hay chuyện Guidobaldo ra tay vây hãm Roccaleone để tự biến mình thành trò hề trong mắt các nước láng giềng kia chứ? Mà đặt vào tình huống xấu nhất, cho dù lâu đài có bị vây hãm thật, thì chẳng qua cũng sẽ chỉ là vây lấy lệ; sẽ chẳng đời nào có chuyện pháo kích hay hãm thành; đó sẽ chỉ là cuộc phong tỏa chặn đường tiếp tế để buộc lâu đài phải đầu hàng vì đói – vì họ sẽ không thể ngời đến kho lương thực đầy đủ mà Gonzaga đã chuẩn bị chu đáo.

Cứ như thế Gonzaga tự lí luận với mình, và nụ cười trên vành môi ẻo lả trở nên mơ màng. Tối đó gã đã mơ một giấc huy hoàng; đã tưởng tượng ra một tương lai vương giả đầy quyền lực giàu sang mà cuộc hôn nhân gã đang khôn khéo chuẩn bị sẽ đem lại – một gã ngốc ngự trong tòa lâu đài cát, với bạn đồng hành duy nhất là sự điên rồ viển vông của chính mình.

Nhưng để biến giấc mơ ngọt ngào ấy thành hiện thực, gã cũng đã lường đến những việc phải làm. Trước hết cần lập kế hoạch và chuẩn bị phương tiện cho cuộc bỏ trốn đến Roccaleone. Rồi còn bao nhiêu thứ phải dự trù; phải ước lượng số lương thực, vũ khí, nhân lực cần thiết; xong lại đến chuyện xoay sở kiếm cho đủ những gì đã tính toán. Lương thực gã đã chuẩn bị xong, còn về vũ khí gã thấy không cần thiết phải lo nghĩ; Roccaleone hẳn có kho vũ khí rồi. Nhưng chuyện mộ người thì quả là rắc rối. Gã đã quyết định mộ khoảng hai chục tên lính đánh thuê, số lượng tối thiểu khi cần gã cũng có thể diễu võ giương oai được nếu có bị bao vây. Con số này quả thực chẳng đáng là bao, nhưng gã biết kiếm đâu ra hai chục tên liều mạng chán sống đến mức sẵn sàng tham dự vào cuộc phiêu lưu này - cho dù có bị thuyết phục bởi món thù lao hậu hĩnh - để rồi sau đó chịu trận lôi đình của Guidobaldo?

Lần đầu tiên trong cuộc đời công tử chuyên làm dáng Gonzaga khoác lên người một bộ đồ trông có vẻ chững chạc phong trần, rồi đợi đến khi màn đêm buông xuống, gã rời khỏi cung điện đi tới một quán rượu kiêm nhà trọ nằm trong một khu phố tồi tàn, hi vọng đâu đó, quanh các be rượu, gã có thể tìm được người gã cần.

Gã đã gặp may khi tình cờ gặp ở đó một tay đại úy hết thời, từng là tay chỉ huy lính đánh thuê loại xoàng, nhưng sau đó bị vận đen và rượu rởm làm cho khánh kiệt.

Quán rượu nọ là một nơi bẩn thỉu, tụ tập đủ hạng lưu manh đâm thuê chém mướn, và quý ngài Gonzaga kiêu kì không khi sởn da gà, vừa viện tên đủ các vị thánh trên thiên đàng ra tay hộ vệ vừa làm dấu thánh lia lịa trước khi bước qua ngưỡng cửa. Mấy tảng thịt dê lớn đang được ninh trong chiếc nồi to đặt trên bếp lửa lớn ở góc trong cùng của quán. Cạnh bếp, lão Luciano - chủ quán - đang ngồi xổm ra sức quạt lấy quạt để làm một đám bụi tro bốc lên và tản rộng ra khắp gian quán bẩn thỉu cùng mùi khói khét lẹt. Một ngọn đèn bằng đồng thau treo toòng teng trên trần nhà chiếu sáng căn phòng qua làn khói bằng một thứ ánh sáng từa tựa như ánh trăng vào một đêm đầy mây. Cảnh tượng trong quán làm Gonzaga ngán ngẩm đến mức lúc đầu gã đã định tháo lui. Chỉ duy nhất cái ý nghĩ rằng tại Urbino, ngoài cái quán trời đánh này ra, không còn nơi nào mang lại cho gã nhiều cơ hội tìm thấy cái gã đang tìm hơn mới bắt buộc được tay công tử ăn chơi vượt qua được cảm giác lợm giọng để cố ở lại. Gã bị trượt chân vì giẫm phải đúng chỗ sàn nhà trơn nhẫy mỡ và may lắm mới không bị nếm mùi phải đo chiều cao dưới sàn nhà bẩn thỉu, cảnh tượng này khiến một gã hộ pháp ăn mặc lôi thôi đang chú ý đến dáng đi rón rén của anh chàng bật cười khùng khục chế nhạo.

Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đầu óc căng như dây đàn, quý ngài Gonzaga lách người đi tới một cái bàn kê sát tường, ngồi xuống băng ghế gỗ thô kệch đặt cạnh bàn, thầm cầu nguyện được yên thân một mình.

Trên bức tường đối diện có treo một cây thánh giá ám khói đen sì và một bát nhỏ vốn để đựng nước thánh nhưng không biết đã khô khốc từ đời nào, giờ trở thành chỗ hứng bụi và lá khô rơi từ bụi dây leo phía trên. Ngồi ngay phía dưới - cùng với hai gã ăn mặc lôi thôi không kém - là tay hộ pháp đã cười chê nhạo khi Gonzaga suýt ngã, và vừa kịp ngồi xuống thì Gonzaga đã nghe thấy cái giọng nhừa nhựa sặc mùi rượu của tay hộ pháp kia cất lên.

“Rượu đâu, Luciano? Thề có dòng máu của Đức Mẹ đồng trinh! Mang lại đây ngay trước khi ta đập chết lão bây giờ, đồ con lợn!”

Gonzaga rùng mình và suýt nữa đã làm dấu thánh để tìm kiếm sự che chở chống lại con quỷ sứ hiện hình này nếu đôi mắt đỏ vằn máu của tay du côn không nhìn chòng chọc vào gã.

“Tôi đến ngay đây, thưa ngài hiệp sĩ, tôi đến ngay đây,” ông chủ quán sợ sệt lên tiếng, đứng dậy rời khỏi món thịt dê để mang thêm vang cho tay hộ pháp uống rượu như nước lã.

Cách ông chủ quán gọi tay hộ pháp làm Gonzaga chú ý, gã bèn quay lại đưa mắt nhìn khuôn mặt của lão.

Gã nhận ra một khuôn mặt đỏ nhừ, chi chít tàn nhang, đầy vẻ bất lương; mái tóc phủ lòa xòa quanh cái sọ tròn xoay, trên hai cánh mũi kì quặc rủ lòng thòng xuống như mũi lạc đà là đôi mắt gườm gườm dữ tợn. Nói tóm lại vẻ ngoài của tay hộ pháp chẳng có dấu vết nào xứng đáng với danh hiệu hiệp sĩ được ông chủ quán hào phóng gán cho. Đúng là lão cũng có mang vũ khí thật; một con dao găm và một thanh kiếm ở thắt lưng, còn chiếc mũ sắt sứt sẹo đặt trên bàn ngay cạnh lão. Nhưng những binh khí này chỉ giúp lão có được diện mạo của một tên cướp đường hay một gã giết thuê. Ngừng chiêm ngưỡng Gonzaga, lão quay sang hai tay bạn rượu, và rót vào đôi tai chăm chú của gã câu chuyện huênh hoang khoác lác về trận cướp phá ở Sicily mười năm về trước. Gonzaga mở cờ trong bụng. Cuối cùng thì đây có vẻ đúng là kẻ hữu dụng cho gã. Gã vờ chăm chú nhâm nhi cốc rượu Luciano vừa mang tới, vừa căng tai ra nuốt lấy từng lời câu chuyện đầu rơi máu chảy, mà cứ từ đó suy ra thì tay hộ pháp có bản mặt đạo tặc này cũng đã có thời cầm quân ra trận. Gonzaga lắng nghe chăm chú, đồng thời tự hỏi không biết những kẻ mà tay hộ pháp huênh hoang khẳng định đã từng cùng lão vào sinh ra tử liệu có còn theo nghề cũ và có thể chiêu mộ được không.

Chừng nửa tiếng đồng hồ sau, hai tay bạn rượu của lão hộ pháp hũ chìm đứng dậy cáo từ ông bạn vẫn còn chưa nguôi cơn khát. Hai gã liếc nhanh về phía Gonzaga rồi rời khỏi quán.

Gonzaga chần chừ một lát. Xem ra tay lưu manh đã uống đến mức chút tỉnh táo cuối cùng có lẽ cũng đã theo rượu vang trôi đi mất, hoặc giả lão đang ngủ mở mắt. Thu hết can đảm, chàng công tử hào hoa đỏm dáng cuối cùng cũng quyết định đứng dậy đi ngang qua gian quán. Hoàn toàn lạ lẫm với cảnh tượng xô bồ nhốn nháo của những quán rượu bình dân, Gonzaga hào hoa, chuẩn mực của sự lịch thiệp phong nhã tại triều đình, trong những đêm vũ hội cũng như nơi phòng khách của các bà cô quyền quý, cảm thấy cực kì lúng túng bất an.

Cuối cùng, khi đã trấn tĩnh lại, gã lên tiếng.

“Thưa quý ngài,” gã ấp úng, “liệu ngài có thể cho phép tôi được hân hạnh mời ngài một cốc chăng?”

Đôi mắt của lão lưu manh, chỉ một thoáng trước còn lơ mơ ủ dột, bỗng vụt tỉnh như sao. Lão giương đôi mắt đỏ ngầu lên gườm gườm trả lời cái nhìn rụt rè của Gonzaga. Môi lão trề ra, lưng thẳng lên, lão ngẩng đầu cho đến khi cằm lão vênh lên ngang ngạnh khiến Gonzaga lo thầm lời cầu thân của gã sẽ bị nhạo báng chối từ.

“Có muốn một cốc không?” Gã hộ pháp phều phào với giọng than thở như thể một kẻ tội lỗi và hoàn toàn ý thức được tội lỗi của mình đang muốn tự hỏi: “Liệu ta có được lên thiên đàng không?” “Liệu ta có... liệu ta có...?” Lão dừng lại, bĩu môi. Đôi mí mắt lão hấp háy ma mãnh ngắm nghía tay công tử bột đẹp mã không dưng lại hạ mình đi mời chào một tay giang hồ hạ lưu như lão. Lão chỉ băn khoăn không hiểu tay công tử bột này muốn gì để đổi lấy be rượu hắn hào phóng đãi lão, thế rồi - bằng đầu óc ranh ma của một kẻ liều lĩnh - lão chợt nghĩ giả sử be rượu mua chuộc này là để đổi lấy một công việc không thích hợp với lão, nếu từ chối ngay lão sẽ mất đứt be rượu không mất tiền mua này; trong khi chỉ cần lão giữ mồm giữ miệng đến khi be rượu đã yên vị trong bụng, lúc đó vẫn còn chán thì giờ xem xét đến công việc người ta muốn lão làm.

Lập tức lão cố hết sức méo mồm nhếch miệng nặn một nụ cười ra vẻ hiền lành.

“Cậu trẻ tốt bụng quá,” lão thì thầm, “đẹp trai, hào hoa, lại tao nhã lịch sự, lão thật vinh hạnh được cạn cốc với một công tử quyền quý như cậu.”

“Vậy ngài cho phép tôi mời ngài một cốc?” Gonzaga dò hỏi, hoàn toàn chẳng hiểu lão vừa lầm bẩm điều gì.

“Thề có Tửu thần! Đương nhiên rồi. Tôi sẽ hầu rượu quý công tử, cho đến khi túi công tử lép kẹp hoặc thế giới này khô cạn.” Nói rồi lão cười hềnh hệch nửa thỏa mãn nửa giễu cợt.

Gonzaga, vẫn chưa hoàn toàn trấn tĩnh, gọi chủ quán mang tới một bình rượu ngon nhất. Trong khi Luciano mải chạy đi lấy rượu, hai gã mới làm quen gượng gạo bắt đầu câu chuyện.

“Tối nay trời lạnh ghê,” vừa ngồi xuống trước mặt tay lính đánh thuê, Gonzaga liền nhận xét.

“Công tử trẻ tuổi ơi, đầu óc ngài để đi đâu thế. Rõ ràng tối nay ấm đấy chứ.

“Tôi nói là tối nay trời lạnh,” Gonzaga cấm cẳn, không quen với chuyện những kẻ gã coi là thấp kém hơn dám lên mặt dạy đời trước mặt gã.

“Vậy thì ngài nói láo,” lão hộ pháp vặc lại, liếc mắt đểu cáng, “vì ta nói rồi, tối nay trời ấm. Thề có Đức Chúa lòng lành! Ta không thích người khác cãi lời ta đâu đấy, cậu công tử bảnh trai ạ, và nếu ta nói tối nay ấm thì có nghĩa là ấm, cho dù tuyết có phủ đầy ngọn Vesuvius thì cũng vậy.”

Anh chàng tay chơi đỏ bừng mặt, nếu đúng lúc đó chủ quán không mang rượu đến chắc gã đã nổi khùng. Vừa nhìn thấy thứ nước cay màu đỏ hấp dẫn, lão du côn liền đổi giọng.

“Vì một cuộc đời dài, một cơn khát dài, một túi tiền đầy và một trí nhớ ngắn!” lão hô lên trước khi cạn cốc, và Gonzaga cũng không tìm cách hỏi lại cái câu khó hiểu ấy. Khi đã uống sạch cốc vang, vừa đưa tay áo lên quẹt cái miệng râu ria xồm xoàm, gã hộ pháp vừa hỏi, “Tôi có thể biết đang được hân hạnh hưởng sự hào phóng của ai chăng?”

“Ngài đã từng nghe nói đến Romeo Gonzaga chưa?”

“Về gia đình Gonzaga thì có đấy; nhưng Romeo Gonzaga thì chưa. Có phải chính là ngài chăng?”

Gonzaga gật đầu xác nhận.

“Gia đình ngài quả là danh giá,” lão du côn trả lời với giọng như thể ngụ ý lão cũng xuất thân quyền quý chẳng kém gì. “Xin phép tự giới thiệu. Tôi tên là Ercole Fortemani,” lão nói với vẻ kiêu hãnh của một kẻ đang tự xưng mình là hoàng đế.

“Một cái họ có vẻ đáng kính trọng,” Gonzaga đáp với vẻ hơi ngạc nhiên, “thậm chí quý phái nữa.”

Lão hộ pháp bất ngờ quay lại nhìn gã giận dữ.

“Tại sao ngài lại có vẻ ngạc nhiên như vậy?” lão hầm hè. “Ta đã nói với ngài ta là một nhà quý tộc và một người lính có danh vọng rồi mà, rồi ngài sẽ thấy ta đáng nể và cao quý như thế nào. Quỷ tha ma bắt! Ngài không tin chứ gì?”

“Tôi có nói thế đâu?” Gonzaga chối.

“Nếu làm thế thì ngài đã trở thành một cái xác không hồn rồi, thưa quý ngài Gonzaga. Nhưng trong đầu ngài đã nghĩ như vậy, đã thế tôi phải mạn phép cho ngài biết một gã dám nghĩ thế và cho rằng sẽ không bị trừng phạt cần phải to gan đến thế nào.”

Đỏ mặt tía tai như một con gà chọi, lòng kiêu hãnh và hơn thế là tính sĩ diện phù phiếm bị chạm nọc, Ercole hối hả khai sáng cho Gonzaga về thân thế của lão.

“Thưa ngài, hãy biết rằng,” lão hùng hồn, “tôi là đại uý Ercole Fortemani. Tôi đã được phong hàm khi phục vụ trong quân đội của Giáo hoàng. Tôi đã vinh dự phụng sự và lập nhiều chiến tích hiển hách dưới cờ hiệu Pisa và đức ông cao quý Baglioni xứ Perugia. Tôi đã chỉ huy một trăm tay giáo trong đội quân đánh thuê lừng danh của Gianinoni. Tôi từng chiến đấu trong hàng ngũ của người Pháp chống lại người Tây Ban Nha, và trong hàng ngũ của người Tây Ban Nha để chống lại người Pháp, cũng như phụng sự Borgia chiến đấu chống lại cả hai nước. Tôi cũng từng cầm giáo xung trận dưới cờ của hoàng đế, và một lần nữa được phong đại úy trong quân đội của vua Naples. Bây giờ, quý ông trẻ tuổi, ngài đã biết đôi chút về tôi rồi đấy, và nếu tên tuổi của tôi không vang lừng trên toàn cõi Italia, thì - thề có Chúa - chỉ bởi vì những kẻ trả tiền thuê tôi đã lấy hết phần vinh quang của những chiến thắng tôi giành được.”

“Quả là một sự nghiệp hiển hách,” Gonzaga đáp, đầu óc vẫn còn choáng ngợp trước bản anh hùng ca bịa đặt, “một sự nghiệp rất là hiển hách.”

“Không phải thế”, người đối thoại của gã phản bác, lão luôn có thói quen tự mâu thuẫn như thế. “Nếu ngài cần lính đánh thuê thì tôi có một bản lí lịch ấn tượng để tự giới thiệu. Nhưng quý ngài không thể gọi cái nghề đánh thuê này là hiển hách được.”

“Về chuyện này chúng ta sẽ không tranh cãi thêm làm gì,” Gonzaga nhỏ nhẹ. Lão hộ pháp lúc nào cũng sẵn sàng nổi cơn khùng này quả là đáng ngán.

“Ai bảo là không được nào?” lão hộ pháp vặc lại. “Tôi mà có hứng tranh cãi về chuyện đó thì ai dám cản? Trả lời xem!” nói rồi lão giận dữ chồm lên khỏi ghế, bị cơn khùng làm mất hết kiềm chế. “Nhưng kiên nhẫn một chút nào!” lão kêu lên, bất ngờ dịu xuống. “Nếu tôi không nhầm thì chẳng phải để chiêm ngưỡng đôi mắt quyến rũ hay bộ cánh hào hoa phong nhã của tôi”- vừa nói lão vừa đưa tay kéo một góc cái áo khoác rách như xơ mướp lên, “cũng chẳng phải vì muốn đọ sức với tôi mà ngài tìm cách làm quen và mời rượu tôi. Quý ngài cần tôi làm gì đó, đúng không nào?”

“Ngài đã đoán ra rồi đấy.”

“Tôi đoán như thần mà, thề có Chúa!” Lão đáp với giọng tuồng như mệt mỏi nhưng đầy châm biếm. Khuôn mặt lão hộ pháp đanh lại, sau đó lão hạ giọng xuống cho đến khi nó chỉ còn là những tiếng thì thầm gần như gầm gừ. “Nghe đây, thưa quý ngài Gonzaga. Nếu như ngài muốn thuê tôi cắt cổ ai đó hay làm việc bẩn thỉu gì tương tự, mà ngài cho rằng hoàn cảnh khốn khó sẽ buộc tôi phải chấp nhận, thì hãy cho phép tôi khuyên ngài, nếu ngài còn yêu quý bộ da của mình, đừng hở ra tiếng nào về ‘công việc’ đó và cuốn xéo khỏi đây lập tức.”

Hoảng hồn, Gonzaga rối rít xua tay thanh minh. “Thưa... thưa ngài... tôi... tôi đâu dám nghĩ như thế về ngài,” gã lắp bắp, nhưng trong lòng mừng thầm rằng tay du đãng này ít nhất vẫn còn giữ được chút danh dự của con nhà lính bất chấp cuộc sống phóng đãng buông thả. Một gã lưu manh không ghê tay trước bất kì việc làm đê tiện nào khó có thể phù hợp với kế hoạch của Gonzaga. “Tôi cần sự giúp đỡ, nhưng không phải để làm chuyện gì ám muội. Đó là một chuyện rất quan trọng và tôi cho rằng, để thành công, tôi không thể không cần đến những người như ngài.”

“Tôi cần biết rõ ràng hơn”, Ercole kênh kiệu đáp.

“Trước hết tôi muốn ngài thề danh dự rằng nếu chuyện tôi cần ngài làm không thích hợp hay vượt quá khả năng của ngài, ngài sẽ không làm lộ chuyện của tôi.”

“Tôi mà hé răng thì quỷ sứ bắt tôi đi! Ngài không kiếm nổi cái xác chết nào kín mồm kín miệng hơn tôi đâu.”

“Tuyệt lắm! Vậy ngài có thể tìm giúp tôi hai mươi tay can đảm để cố thủ trong một lâu đài, những người sẵn sàng chấp nhận một số nguy hiểm, kể cả việc phải đối đầu với người của Công tước, để đổi lại nơi ăn chốn ở tốt - có lẽ trong khoảng vài tuần - và mức đãi ngộ gấp bốn lần mức thông thường vẫn được trả cho lính đánh thuê?”

Ercole phùng má lên đến độ Gonzaga e là má lão sắp nổ tung.

“Như thế là phạm pháp!” lão gầm lên khi đã định thần lại được. “Phạm pháp, họa có là thằng ngốc tôi mới không nhận ra.”

“Thì đúng vậy”, Gonzaga thừa nhận. “Ở mức độ nào đó chuyện tôi muốn ngài giúp quả có hơi phạm pháp thật. Nhưng nguy cơ cũng không lớn lắm.”

“Ngài có thể nói rõ hơn không?”

“Tôi không dám.”

Ercole dốc một hơi cạn be rượu rồi hắt cặn xuống sàn. Đặt be rượu đã cạn sạch xuống bàn, gã ngồi thừ ra nghĩ ngợi hồi lâu. Sốt ruột, Gonzaga bật hỏi, “Vậy ngài có giúp tôi hay không? Ngài có thể tìm người được không?”

“Nếu ngài cho tôi biết tường tận hơn về nhiệm vụ ngài yêu cầu, tôi có thể tìm được một trăm người chẳng khó khăn gì.”

“Như tôi đã nói - tôi chỉ cần hai mươi người thôi.”

Ercole trở nên nghiêm nghị hẳn, lão trầm tư đưa tay lên vuốt dọc cái mũi dài thòng.

“Có khi được đấy,” lão lên tiếng sau khi đã trầm ngâm một hồi. “Nhưng chúng ta bắt buộc phải tìm những tay bạt tử chẳng còn gì để mất; những gã sống ngoài vòng pháp luật, những kẻ này có phạm pháp thêm lần nữa thì khi sa vào tay nhà chức trách bản án cũng chẳng có gì thay đổi. Thế lúc nào quý ngài cần đến đám giang hồ này?”

“Tối mai.”

“Xem nào...” Ercole lẩm bẩm. Lão xòe ngón tay ra đếm, rồi sau đó có vẻ như chuyển sang tính nhẩm trong đầu. “Tôi có thể kiếm được mười hay mười hai đứa trong vài giờ. Nhưng hai chục thì...” Một lần nữa lão dừng lại, nghĩ ngợi tiếp một hồi. Cuối cùng, với giọng dứt khoát hơn, lão bất ngờ hỏi: “Hãy cho tôi biết ngài định trả tôi ra sao, trong khi tôi phải mù quáng xông vào chuyện phiêu lưu của ngài với tư cách chỉ huy đám lính ngài muốn mộ?”

Gonzaga cúi gằm mặt xuống. Sau đó gã ngẩng phắt lên, đầy vẻ cao ngạo.

“Tôi sẽ tự mình chỉ huy đám lính đó,” gã kênh kiệu trả lời lão hộ pháp.

“Chúa ơi!” Ercole thở hắt ra, trong đầu thầm mường tượng đến cảnh đám đao búa lão tập hợp lại được tay công tử bột sặc mùi nước hoa này chỉ huy. Sau khi đã bình tĩnh trở lại, lão nói: “Thế thì quý ngài cứ việc tự mình đi mộ người vậy. Chúc may mắn!” Đoạn lão vẫy tay ra dấu tạm biệt gã công tử bột.

Giờ đến lượt Gonzaga phải căng óc ra nghĩ ngợi. Làm sao gã có thể tự mình làm được một việc như thế? Chuyện mộ lính này quả thực quá sức gã. Ít nhất gã cũng phải tự thú nhận điều này.

“Bây giờ hãy nghe tôi nói đây, thưa quý ngài,” Ercole trả lời. “Tình thế hiện nay là thế này: nếu tôi đi nói với các bạn tôi rằng có một công việc khá hời được đề nghị, chi tiết cụ thể thì tôi không được phép nói ra, nhưng chính tôi sẽ chỉ huy họ, cùng họ gánh chịu mọi rủi ro có thể xảy đến, tôi không tin rằng đến giờ này ngày mai tôi lại không thể kiếm đủ được cho ngài hai chục người – vì các bạn tôi tin vào Ercole Fortemani. Nhưng nếu tôi nói với họ về một công việc hoàn toàn bí mật, với một người chỉ huy họ chẳng biết là ai, thì tôi e việc kiếm ra từng ấy người cũng khó nhằn đấy.”

Lí lẽ của lão lính đánh thuê khiến Gonzaga cảm thấy khó mà bắt bẻ được. Sau một hồi suy tính hơn thiệt, gã đưa cho Ercole năm mươi đồng vàng như một khoản đặt cọc cùng lời hứa về khoản lương sau này, hai mươi đồng vàng một tháng, chừng nào sự phục vụ của lão còn cần thiết, thế là Ercole, kẻ chưa từng kiếm được một phần mười chừng đó trong suốt cả cuộc đời đánh thuê bán mạng kiếm cơm, liền ôm chầm lấy cổ quý ông khóc nức nở vì sung sướng và cảm kích.

Ngã giá xong xuôi, Gonzaga giơ lên một chiếc túi nặng, làm vọng tới đôi tai của Fortemani tiếng kim loại kêu rổn rảng thật vui tai, rồi ném chiếc túi xuống bàn nghe loảng xoảng.

“Trong này có một trăm đồng vàng dùng để trang bị cho đám quân của ngài. Tôi không muốn chiêu mộ một đám khố rách áo ôm đâu đấy.” Đôi mắt gã lướt nhìn một cách khó chịu lên bộ đồ của Ercole. “Hãy đảm bảo là họ được ăn mặc tươm tất.”

“Sẽ như ý ngài, thưa đức ông,” Ercole trả lời với giọng điệu kính cẩn, lần đầu tiên kể từ đầu cuộc gặp. “Thế còn vũ khí thì sao?”

“Hãy trang bị giáo và súng hỏa mai cho họ, nhưng chỉ vậy thôi. Lâu đài nơi chúng ta đồn trú đã có sẵn một kho áo giáp rồi - mặc dù thứ này chưa chắc chúng ta đã cần tới.”

“Chưa chắc đã cần tới?” lão lính già lặp lại, mỗi lúc một kinh ngạc. Chẳng lẽ họ được trả công vương giả như thế, được ăn mặc, trang bị tươm tất như thế để tham gia vào một chuyện chẳng dính dáng gì đến việc động dao động kiếm sao? Hiển nhiên chưa bao giờ lão được thuê làm một chuyện nhàn hạ đầy hứa hẹn đến thế, và đêm hôm ấy trong giấc ngủ lão mơ thấy mình trở thành tổng quản cho một nhà quý tộc, với cả một đàn kẻ hầu người hạ mang gia huy sáng chói dưới quyền. Đến sáng hôm sau khi thức dậy lão hoàn toàn tin rằng, cuối cùng thì vận may cũng mỉm cười với lão, và từ nay về sau sẽ chấm dứt cuộc đời nhọc nhằn nguy hiểm của một tên lính đánh thuê.

Một cách cẩn trọng, lão bắt tay vào việc mộ lính cho đội quân của mình, vì xét về bản chất, tay Ercole Fortemani này vốn là một kẻ chu đáo cẩn trọng - cho dù lão cũng là một kẻ ham vui và luộm thuộm; một tên du thủ du thực sống ngày nào hay ngày đó; máu mê cờ bạc và sẵn sàng ném vào chiếu bạc cả hầu bao cho dù đang khánh kiệt - bất chấp tất cả thói xấu đó lão vẫn là kẻ xuất thân quý tộc và cũng từng có được địa vị không xoàng; nát rượu sau những năm dài đánh bạn cùng be hũ, sẵn sàng gây sự đánh nhau vì bất cứ cớ nào, bất chấp tất cả tính cách xấu xa đó, cho dù lão có thể bất lương và xảo quyệt trong mọi chuyện, song với người thuê mướn sự phục vụ của mình, lão luôn cố gắng trung thành - nếu không phải lúc nào cũng thành công, thì ít nhất, cũng luôn thành thực.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.