Nếu Như Yêu

Chương 1-1



Đúng vậy, tôi có thể tỏ vẻ như không để ý, không quan tâm, nhưng thực tế bề ngoài tôi lại thiếu cái vẻ thản nhiên ấy. Tận sâu trong lòng, tôi đã sớm biết rõ câu chuyện mà hàng xóm đang bàn tán hoang đường đến thế nào. Tốn bao nhiêu sức lực, lừa gạt bản thân bao lâu, thì ra đều vô ích.

Hà Từ Hàng

1

Lần đầu tiên gặp Hứa Khả, tôi cảm thấy chị ấy là một cô gái ngốc nghếch mang gương mặt khả ái. Bạn đừng trách tôi võ đoán, nếu nghe được cuộc đối thoại giữa chúng tôi, chắc chắn bạn sẽ thấy đầu óc chị ấy có vấn đề.

Đó là buổi chiều của một ngày trung tuần tháng Giêng, ánh nắng ấm áp lạ thường, dù nhiệt độ không cao lắm. Tôi ngồi trong vườn tắm nắng và đọc sách, còn chú chó Lai Phúc nhà tôi đang nằm ngủ bên cạnh. Cuốn sách tôi đang đọc hết sức vô vị, cố gắng lắm mới đọc hết một nửa, cuối cùng tôi không thể nào đọc tiếp được nữa liền vứt sang một bên, thẫn thờ ngắm nhìn bầu trời trong xanh. Cánh cổng bỗng bị đẩy ra, một cô gái trẻ vóc dáng cao gầy bước vào.

“Chào em!”

Lai Phúc nghe thấy tiếng động, nó mở mắt ra, dõng dạc sủa lên hai tiếng, sau đó đổi tư thế và tiếp tục ngủ. Con chó lười biếng này, tôi đã sớm biết rằng muốn nó trông nhà chỉ là hy vọng hão huyền thôi.

“Chào chị.”

“Có thể cho chị xin ngụm nước được không?” Cô gái xa lạ nói với giọng điệu vô cùng hào hứng. “Chị khát quá!”

Chỗ rẽ của khu phố này chính là siêu thị nhỏ nhà ông Vương, ở đó bày bán đủ loại nước ngọt, nước khoáng, vì thế một người con gái trang điểm xinh đẹp, ăn mặc thời trang đến nhà người lạ xin nước thì quả là chuyện hiếm có. Có điều, tôi vẫn phải đứng dậy bước vào nhà rót một cốc nước mang ra cho cô gái lạ. Cô gái ngồi xuống, hai tay bưng lấy cốc nước, hỏi tôi: ”Con chó của em tên là gì?”

“Lai Phúc.”

Lai Phúc là loại chó nhà, có bộ lông màu vàng đất, trên lưng có mấy vết sẹo do bị các con chó khác tấn công, đôi mắt vô hồn, dáng vẻ của nó không có điểm nào dễ thương cả, nên tôi thực sự kinh ngạc khi chị ấy thấy thích thú với con chó này. Chị ấy cười và nói: “Cái tên hay quá, còn nhớ lúc nhỏ chị rất thích đọc truyện tranh “Nàng tiên hoa”, cô công chúa Tiểu Bội có một chú chó tên là Lai Phúc và một chú mèo tên là Mimi rất đáng yêu.”

“Em chưa đọc truyện đó, nhưng ở vùng này họ nói rằng: mèo đến thì khó, chó đến thì sang. Cho nên khi nhặt được nó, em chỉ thuận miệng đặt cho nó cái tên này thôi.”

“Cây lạp mai của nhà em nở hoa thơm quá, chị đứng tận ngoài cổng mà vẫn ngửi thấy.”

Ở góc tường nhà tôi đúng là có trồng hai cây lạp mai, mấy hôm nay liên tục nở hoa, mùi hương thơm nồng. “Mùa đông năm nay không lạnh lắm, nếu không thì hoa còn thơm hơn nữa cơ.” Tôi đáp.

“Bên cạnh là cây gì vậy?”

“Cây dâu.”

“Là loại cây trồng để hái lá nuôi tằm phải không?”

Tôi gật đầu.

“Ngày còn bé, chị thích nuôi tằm lắm, nhưng đi kiếm lá dâu rất khó. Nhà em trồng cây dâu thế này, không còn phải lo chuyện kiếm lá dâu cho tằm ăn nữa rồi.”

Tôi ghét tất cả bọn côn trùng sâu bọ ngọ nguậy béo múp míp, nhà tôi cũng chẳng bao giờ nuôi tằm, nhưng nghe chị ấy nói thế, tôi chỉ biết lắc đầu.

“Ngày còn bé, chị sống ở miền Bắc, nhà chị cũng có một cái sân, trước sân trồng một cây ngân hạnh rất to, đến mùa thu, lá cây rụng xuống, lúc đó cảm nhận được sự giao mùa thật rõ rệt.”

Tôi luôn ghét tiết giao mùa giữa thu và đông, lúc ấy sân nhà tôi rụng đầy lá dâu, quét không hết. Hơn nữa, thời tiết cũng chuyển dần sang lạnh, không mấy dễ chịu. Nhưng vì tôi không muốn làm cho chị ấy mất hứng nên chẳng nói thêm câu nào. Chị ấy lại nhìn bụi hoa trồng dưới mái hiên nhà, thốt lên: “Những chậu hoa trà kia được cắt tỉa đẹp quá!”

Tôi chỉ cười không nói gì, chị ấy nhìn đông nhìn tây, có chút ngại ngùng, cầm cốc nước uống từng ngụm nhỏ, sau đó hỏi tôi: “Em ở nhà một mình à?”

Nếu như không phải vì chị ấy xinh đẹp, trên tay lại đang xách chiếc túi da màu đen mà tôi chỉ có thể nhìn thấy trên tạp chí thời trang, khoác một chiếc áo choàng ngắn bằng lông cừu, quần bò dài với một đôi bốt màu nâu, cả người toát lên dáng vẻ sang trọng, cao quý, thì chắc chắn tôi sẽ nghĩ rằng chị ấy là một kẻ buôn người, đang muốn mồi chài bắt cóc tôi. Tôi cười híp mắt, đáp: “Đúng vậy.”

“Thế…em…người nhà em đi đâu rồi?”

Tôi trả lời thật thà: “Bố em đang đi công tác, hai ngày nữa mới về, còn ông đang ngủ trưa.”

“Năm nay em bao nhiêu tuổi?”

“Mười tám.”

“Giờ này đáng lẽ em đang ở trường chứ, sao lại ở nhà thế này?”

“Em trốn học.”

Chị ấy ngớ người trước câu nói của tôi. Tôi cười, lắc đầu, nói: “Em trêu chị đấy, mặc dù em hay trốn học thật nhưng bây giờ đang là kỳ nghỉ đông, em vừa mới về nhà hôm kia.”

“Ồ.”

Tôi đợi xem chị ấy sẽ làm gì tiếp theo, không ngờ chị ấy nói tiếp: “Chị tên là Hứa Khả, còn em?”

“Hà Từ Hàng.”

“Từ Hàng, cái tên rất đẹp, nghe vừa đáng yêu, vừa mạnh mẽ.”

Tôi cười. “Cái tên này thật châm biếm thì có, giống như kiểu “biển khổ vô biên lấy đâu ra từ hàng phổ độ”(1)”

Nghe thấy tôi nói thế, chị ấy lại một lần nữa ngẩn người.

“Chị uống có một cốc nước nhà em, không cần phải khen hết cây nhà em đến tên của em thế đâu. Chị còn khát nữa không?”

Chị ấy lắc đầu, đặt cốc nước xuống rồi nói: “Chị muốn thuê một phòng ở nhà em.”

“Chị là khách du lịch à? Đi về phía Bắc khoảng bảy kilomet là đến khu du lịch của dòng họ Chu, bây giờ không phải mùa du lịch, giá thuê nhà nghỉ ở đó rất phải chăng.”

“Chị đã xem bài báo viết về dòng họ Chu rồi, dân làng ở đó vẫn giữ được phong tục tập quán truyền thống, có thời gian chị sẽ đi xem. Có điều, chị muốn thuê phòng ở đây, tại nhà em.”

“Tại sao? Đừng có nói là chị đẩy cổng bươc vào, nhìn thấy cây dâu khiến chị nhớ lại kí ức tuổi thơ; cây lạp mai đang đúng thời điểm nở hoa khiến chị muốn cao hứng làm thơ; cốc nước em rót đã cứu mạng chị, hay con người em nhìn vô cùng thân thiện nên chị bỗng cảm thấy gần gũi như được trở về nhà mình đấy nhé. Nói cho chị biết, em không dễ bị lừa thế đâu.”

Nghe tôi nói thế, chị ấy có vẻ rất ngạc nhiên, sau đó bình tĩnh lại, lấy từ chiếc túi da màu đen một xấp tiền, đưa cho tôi rồi nói: “Ba nghìn tệ, một mình chị ở trong một tháng, bảo đảm không gây rắc rối cho em, có được không?”

Tôi nhìn chị ấy như sinh vật ngoài hành tinh, chị ấy nhìn tôi, rồi lại mở túi. “Nếu không đủ, chị gửi thêm hai nghìn tệ nữa.”

“Đủ rồi, đủ rồi, không cần lấy thêm nữa.”

Con Lai Phúc hình như đã ngủ đẫy giấc, nó nhổm dậy, lắc lắc thân mình, rồi thờ ơ bước đi như không có chuyện gì liên quan đến nó.

Ở cái thị trấn nhỏ không có bất cứ nguồn tài nguyên du lịch nào này, nếu có cho thuê hai phòng trên gác nhà tôi, mỗi tháng cũng chẳng được đến một nghìn tệ, thế nên căn nhà nhỏ bé này chỉ cần mỗi ngày thu về ít nhất hai mươi tệ là tốt lắm rồi. Tôi chẳng thể nào nhẫn tâm tiếp tục tăng giá, sau khi nhận tiền, tôi bắt đầu quan sát chị ấy. Sắp đến Tết rồi, chị ấy còn không mang theo hành lý, thế mà lại muốn ở lại trong cái thị trấn bé nhỏ, nhàm chán này hẳn một tháng.

Tôi chắc chắn dây thần kinh nào đó của chị ấy có vấn đề, như thế thì thật lấy làm tiếc cho cái vóc dáng xinh đẹp của chị.

(1) Đây là cách nói chơi chữ của nhân vật. “Hà” vốn có nghĩa là họ Hà, nhưng cũng đồng nghĩa với từ “từ đâu tới”, còn “Từ” là “từ bi”, “Hàng” là “con thuyền”. “Phổ độ” là chờ mọi người qua sông. Ý của câu nói đó là: “Biển khổ vô biên, lấy đâu ra con thuyền từ bi, yêu thương chờ tất cả mọi người sang sông?”. “Từ hàng phổ độ” cũng là cách nói của nhà Phật.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.