Tôi yếu ớt lùi lại phía sau rồi dựa người vào tường. Ngoài cửa sổ, một loạt tiếng sấm rền vang như muốn xé toang bầu trời. Tuy nhiên, tôi chẳng có phản ứng nào với âm thanh ầm ầm đó, sự rung động từ sâu bên trong cơ thể khiến tôi run rẩy, một cảm giác lạ lẫm cứ lan ra, từng chút từng chút bao bọc lấy toàn thân. Đó là cảm giác gì vậy? Tôi hoàn toàn không biết.
Hà Từ Hàng
***
Tận mắt nhìn thấy Dư Tịnh Văn từ trên lầu cao rơi xuống, tôi khiếp sợ đến đờ đẫn.
Tôi và cảnh sát cùng lúc lao ra ban công và ngó nhìn xuống, chị ta rơi lên tấm đệm khí, bộ váy đỏ như bó sát vào cơ thể. Cảnh sát và nhân viên phòng cháy chữa cháy lần lượt cùng với các đồng nghiệp ở dưới lầu gọi điện thông báo tình hình. Tôi nhìn đăm đăm vào cơ thể đó dưới cái nắng gắt, không dám tin vào mắt mình.
Sắc mặt chị Hứa Khả trắng bệch, rồi ngất đi, tôi bối rối không biết làm thế nào.
Trong lúc hoảng loạn, tôi đã gọi điện cho Tử Đông, lắp bắp kể lại tình hình. Anh rất bình tĩnh, vừa điều động xe cứu thương vừa giữ máy với tôi, dặn tôi đặt chị Hứa Khả nằm thẳng ra, đóng cửa sổ lại, mở điều hòa nhưng không được để nhiệt độ quá thấp, càng không để gió điều hòa thổi thẳng vào người chị, rồi sau đó cởi cúc áo của chị ra, dùng nước ấm lau người cho chị… Tôi luống cuống làm theo từng bước anh chỉ dẫn, cuối cùng thì anh cũng đến. Dù trong điện thoại tôi đã kể lại đại khái tình hình xảy ra cho anh nghe, nhưng khi nhìn thấy khắp phòng đầy vết máu, anh vẫn hoảng hốt, kinh ngạc. “Hai người có bị thương không?”
Tôi lắc đầu, sau khi nghe nhịp tim của chị Hứa Khả xong, anh bảo nhân viên cứu hộ đưa chị ấy lên xe cứu thương. Trên đường đi, anh lại hỏi tôi: “Em chắc chắn không bị thương ở đâu chứ?”
Tôi cúi nhìn xuống người, trước ngực áo dính đầy máu, chắc là dính lúc chạy đến chỗ ban công, cộng thêm mồ hôi ướt đầm áo nên trông nhếch nhác đến thảm hại. Điều quan trọng là, tim tôi đập rất nhanh, tay chân đều lạnh toát, không thể xua tan được nỗi hãi hùng, khiếp sợ.
“Vậy… chị ta có chết không?”
“Anh không biết, không lạc quan lắm, có thể cô ta đã được đưa đến bệnh viện của bọn anh, dù sao bệnh viện cũng cách đây không xa lắm. Anh sẽ đi hỏi thăm xem thế nào.”
Chúng tôi không nói gì thêm nữa.
Sau khi sắp xếp ổn thỏa cho chị Hứa Khả, Tử Đông đưa tôi đến phòng nghỉ của bác sĩ, tìm một chiếc áo phông đưa cho tôi. “Đây là áo của anh, sạch đấy, em thay tạm đi.”
Tôi thay xong áo bước ra ngồi xuống ghế ngoài hành lang, muốn để cho tâm trạng của mình được bình tĩnh lại. Một cốc kem sô cô la Sundae giơ ra trước mặt, tôi ngẩng đầu nhìn lên, là Hứa Tử Đông.
“Ăn xong có lẽ sẽ không thấy khó chịu nữa.”
“Sô cô la trị được bách bệnh không?”
Anh cười, không hiểu vì sao, nhìn thấy nụ cười của anh, tôi bỗng cảm thấy thế giới này không tồi tệ đến mức không thể chấp nhận được. Tôi cầm cốc kem Sundae nhưng chẳng có tâm trạng nào để ăn, chỉ cắn hai miếng rồi thôi.
“Chọn ngành y sẽ phải chứng kiến rất nhiều điều mà người bình thường khó có thể chấp nhận. Hơn nữa bọn anh phải coi đó là chuyện bình thường, và dần dần cũng có thái độ chuyên nghiệp, nhưng anh hiểu em cảm thấy sợ hãi thế nào.”
“Thực ra hiện trường lúc đó không kinh sợ như cảnh người chết em từng gặp.”
Anh ngạc nhiên nhìn tôi.
“Anh quên bố em làm nghề gì rồi à? Ấn tượng sâu sắc nhất của em là hồi em năm tuổi, có lần người ta mời bố đến tổ chức tang lễ, ông Trương lúc đó cũng có việc nên không ở nhà, bố không yên tâm để em ở nhà một mình nên dẫn em theo…”
Lúc đến nhà đó, ông cụ đang trong tình trạng hấp hối. Bố để tôi ở ngoài sân, dặn tôi không được chạy lung tung. Tôi chẳng thể ngôi yên nên lén đi vào trong nhà. Tôi thấy một cụ già nằm trên giường, phát ra âm thanh ngắt quãng, nói chính xác là tiếng rên đau đớn, cộng thêm tiếng thở khò khè. Giống như một con cá mắc cạn, khuôn mặt cụ nhăn nhó, hai mắt mở to, nhìn lên nóc nhà với cái nhìn vô hồn, trống rỗng, chân tay không ngừng co giật. Người nhà của cụ vây xung quanh, lặng lẽ chờ đợi cụ tạ thế. Nhưng ông cụ vẫn như thế không biết bao lâu, rồi mới trút hơi thở cuối cùng. Cảnh tượng đó đáng sợ đến nỗi dường như đã vượt qua sức chịu đựng của con người. Tôi cứng đờ người, cho đến khi bố chạy đến ôm tôi, tôi mới òa lên khóc, thảm thiết hơn cả những người thân họ hàng của ông cụ.
“Người đến viếng đám ma đó đều nói rằng ông cụ coi như phúc thọ song toàn, sống thọ và mất tại nhà. Anh thấy không, cuộc đời có sống có chết, cái chết thực ra cũng là một chuyện bình thường, chỉ cần sống đủ thọ, cho dù chết có đau đớn thế nào vẫn được coi là cái chết yên lành. Bố em từng nói bố không thích tang lễ làm cho những người chết trẻ, bây giờ em đã hiểu, điều đó thực sự khiến người ta hãi hùng, đau buồn.”
Anh cầm cốc kem Sundae đặt ở bên cạnh, nắm lấy bàn tay đầy mồ hôi lạnh của tôi. “Cô ấy đang được cấp cứu, có lẽ vẫn còn hi vọng.”
Tôi hơi xấu hổ, lẩm bẩm: “Bình thường em không đa sầu đa cảm như vậy đâu.”
“Phản ứng đó là bình thường mà. Có điều đối với anh, chị và em không sao là điều quan trọng nhất.”
Tôi bất giác không động đậy, ánh mắt nhìn xuống bàn tay anh, tim đập nhanh hơn. Đúng lúc đó, có người khẽ ho một tiếng: “Tử Đông.”
Tôi vội vàng ngẩng đầu lên, cách đó không xa là một người đàn ông hơi béo khoảng năm mươi tuổi nhìn chúng tôi với ánh mắt nghi hoặc. Hứa Tử Đông vội buông tay tôi ra. “Bố, bố đến rồi ạ.”
Bác ấy “ừ” một tiếng, nhìn tôi từ đầu đến chân nhưng lại nói với Tử Đông, ngữ điệu nghiêm khắc: “Con không ở bên cạnh trông chị, ở đây làm gì đấy?”
Tôi vội đứng bật dậy. “Em về đây ạ.”
Tôi chạy một mạch ra khỏi bệnh viện không cả quay đầu lại, cho đến khi lên xe buýt, ngồi vào chỗ mới thở ra một hơi. Tuy vậy, tim tôi vẫn đập rộn rã, lòng bàn tay ra đầy mồ hôi, đầu óc rối bời, cả quãng đường đi tâm trí hỗn loạn.
Nghỉ hè, kí túc xá trường tôi đóng cửa, anh Triệu Thủ Khác được phân đến ở ký túc xá dành cho nghiên cứu sinh, tôi liền thuê trọ ở căn phòng cũ của anh. Phòng trọ không có điều hòa, chỉ có một chiếc quạt treo tường thổi ra gió nóng nhưng dù sao cũng làm không khí lưu thông một chút.
Bước vào phòng, tôi liền nằm nhoài ra giường, lưng túa đầy mồ hôi, nhưng tôi chẳng muốn động đậy nữa. Nghe tiếng gõ cửa bên ngoài, tôi mặc kệ, tuy nhiên người ngoài đó cứ gõ mãi, lúc nhẹ lúc mạnh, tôi nghe mà lòng càng thêm rối bời, đành phải dậy mở cửa ngó ra, thì ra là Chu Nhuệ.
“Tại sao không mở cửa?”
“Đang ngủ, ồn chết đi được.”
“Sao lại tắt điện thoại?”
“Hết pin rồi.”
“Nóng thế này làm sao mà ngủ được, ở lì trong này không sợ bị cảm nóng à? Đi theo tôi ra ngoài.”
“Mệt lắm, không muốn đi đâu cả.”
Cậu ta nhìn tôi từ đầu đến chân. “Cậu mặc áo của ai vậy?”
Tôi cúi đầu nhìn cái áo, thực ra là liếc mắt nhìn, cái áo phông in chữ kỷ niệm hoạt động hiến máu nhân đạo của Bệnh viện Trung tâm thành phố. Tôi chẳng buồn trả lời cậu ta, vào giường nằm tiếp.
“Bác sĩ Hứa Tử Đông đó, có phải đã nói gì với cậu không?”
Tôi có tật giật mình, bật ngay dậy. “Nói gì cơ?”
“Một lần tôi gặp anh ta ở quán bar.”
“Ờ, nói rồi, là chuyện cậu và cô bạn Tiểu Ngải gì đó đi uống rượu à?”
“Bọn tôi chia tay rồi.”
Thế có gì đáng ngạc nhiên đâu, ngay cả tiếng “ờ” tôi cũng lười không đáp lại.
Cậu ta bực bội vò đầu, đi đi lại lại trong phòng. Tôi thấy thế đau hết cả đầu. “Cậu đến đâu để tìm tôi chỉ vì việc đó à? Dùng đầuu gối nghĩ cũng biết, bọn cậu chia ta không phải là chuyện sớm muộn sao?”
“Có phải cậu đang giận tôi không?”
“Cậu làm ơn chín chắn một chút đi, Chu Nhuệ, đừng có dùng miệng lưỡi của học sinh cấp hai nói chuyện với tôi nữa, được không? Trời nóng thế này, tôi chụp ảnh mẫu cũng đã mệt gần chết rồi, buổi chiều lại còn… một đống chuyện, làm gì có thời gian rảnh mà giận cậu. Cậu có tiền, có thời gian, có thể chơi các trò chơi, tôi mừng cho cái số phận tốt đẹp của cậu, có điều tôi không thể chơi đùa cùng cậu được.”
Cậu ta nhìn tôi chằm chằm, hồi lâu không nói câu nào, tôi bị cậu ra nhìn đến sởn gia ốc. “Làm sao à?”
Cậu ta chẳng nói năng gì, quay người bỏ đi, còn đạp cửa đánh rầm một cái. Tôi ủ rũ nằm ra giường nghĩ, khẩu khí của mình vừa rồi giống hệt anh Triệu Thủ Khác hay dạy dỗ mình. Tôi lúc nào cũng chán ngán cái kiểu từ trên cao nhìn xuống và cách nói nghiêm túc của anh ấy, vậy mà không ngờ bây giờ tôi lại nói y như thế với Chu Nhuệ, chẳng trách cậu ta giận là phải.
Cánh cửa lại một lần nữa bị gõ, tôi vội vàng bò dậy ra mở cửa, tuôn một tràng: “Cong người cậu bây giờ dễ trở mặt thế… Ơ, bố, sao bố lại đến đây?”
Bố đứng ngoài cửa nhìn tôi, tôi lại bị nhìn đến nỗi sởn gai ốc, cảm thấy có gì không ổn, cười hì hì. “Bố, bố vào đi ạ.”
Bố bước vào, thấy nóng quá liền nhăn mặt, mở chiếc cặp màu đen bố hay mang theo khi đi tổ chức tang lễ, đưa cho tôi giấy chứng nhận nhà ở và giấy chứng nhận đất đai tôi mới làm xong cách đây không lâu, rồi nói: “Đem trả lại cho người ta.”
Tôi bặm môi không nói lời nào.
“Tiểu Hàng, bố hoàn toàn không ngờ con lại gạt bố, thậm chí còn làm giả hợp đồng. Sao con lại làm vậy hả?”
Tôi hít một hơi thật sâu. “Được rồi, nếu bố muốn biết, con sẽ nói lý do của con. Hôm đó sau khi cùng bố chuyển nhà, gửi hòm đựng sách của bố sang nhà dì Mai, trong lúc đóng gói, có một tờ giấy rơi ra từ cuốn Sông Đông êm đềm, trên đó viết ngày sinh của con. Chiếc chăn nhỏ và mảnh giấy này là toàn bộ những gì người sinh ra con để lại, chẳng trách bố không muốn đưa tờ giấy đó cho con xem. Bọn họ bỏ rơi con mà không hề nói nguyên nhân bỏ con, thậm chí không viết thêm một câu nhờ ai nhặt được thì hãy chăm sóc con. Bố đã nuôi nấng con bao nhiêu năm, cho con một mái nhà nên con cũng muốn vì bố làm một việc gì đó.”
“Tiểu Hàng, bố không cần con phải làm việc này vì bố, con…”
Tôi nắm lấy hai tờ giấy chứng nhận, ném mạnh xuống đất. “Không cần thì thôi, muốn trả lại thì tự bố đi mà trả.”