Nếu Như Yêu

Chương 7-1



Hứa Khả và Hứa Tử Đông, họ đều biết nghĩ cho người khác, làm việc cũng hợp lý hợp tình, tính cách khoan dung, nhẹ nhàng, còn tôi lại ương bướng, luôn cho mình là đúng. Trừ phi tính cách của tôi là do di truyền mà tôi hoàn toàn không hề biết căn nguyên.

Nghĩ đến đây, tôi cảm thấy vô cùng buồn tủi.

Hà Từ Hàng

Hứa Tử Đông được các y tá hết sức yêu mến, điểm này rất dễ dàng nhận thấy, không cần phải đặc biệt quan sát cũng có thể phát hiện ra. Sau khi được anh ta chào hỏi, mấy y tá khoa ngoại chăm sóc cho ông Trương rất tận tâm, ngay cả tôi và bố cũng được đối xử hòa nhã. Hơn nữa, họ nói chuyện với Hứa Tử Đông bằng giọng nhẹ nhàng, dịu dàng, từ ánh mắt đến cử chỉ đều bộc lộ tình cảm quý mến. Đáng tiếc, cái khí chất lạnh như núi băng của Hứa Tử Đông chằng phải chỉ đối với một mình tôi mà với ai, anh ta cũng giữ thái độ lạnh nhạt nhã nhặn kiểu như thế, hay nói cách khác là lịch sự một cách lạnh lùng. Với tôi, hai điểm này không giống nhau, nhưng cụ thể khác nhau như thế nào, tôi lại không thể nói rõ được.

Y tá hỏi tôi với anh ta có quan hệ thế nào, tôi chỉ ậm ờ nói là "bạn bè" - xin Trời Phật tha cho con tội nói dối. Thật ra, tôi với anh ta ngay cả là thân quen cũng không phải, chứ đừng nói đến từ bạn bè. Có điều tôi không muốn đánh mất sự tử tế của y tá dành cho ông Trương.

Lần nói chuyện duy nhất giữa tôi và anh ta là vào ngày hôm sau, sau cuộc phẫu thuật của ông Trương.

Bố tôi ra ngoài ăn cơm, ông Trương vẫn phải truyền dịch. Tôi chẳng biết làm gì, chán nản nhìn chăm chăm vào từng giọt nước truyền, nó như có tác dụng thôi miên, tôi dần dần ngủ gà ngủ gật cạnh giường. Khi bị đánh thức đột ngột, tôi hoảng hốt nhìn vào chai nước, vẫn còn một phần ba nữa, lúc đó mới thở phào nhẹ nhõm. Nhìn thêm một lần nữa, tôi nhận ra có một bộ quần áo trắng đang đứng cạnh tôi từ lúc nào không biết, trông ngọc thụ lâm phong* nhưng lại nhìn tôi với vẻ khó xử, tôi cũng băn khoăn nhìn lại anh ta. Anh ta do dự hồi lâu, rồi giơ tay ra hiệu cho tôi lau khóe miệng. Tôi sờ vào, thấy có nước dãi chảy ra, không nhịn được bật cười, vừa lau miệng vừa nói: "Anh không cần cảm thấy khó xử thay tôi đâu!"

(*) Ý nói trông rất đẹp trai, uy nghiêm ví như cây ngọc đón gió

Anh ta đành phải giả vờ không để ý đến lời trêu đùa của tôi, nói: "Tôi có chuyện muốn hỏi cô, có tiện ra ngoài một chút không?"

Tôi chỉ vào chai truyền dịch, anh ta vẫy tay gọi một y tá đến, dặn dò nhờ cô ta trông giúp, cô gái gật đầu vui vẻ.

Tôi đi theo đến tận cuối hành lang, anh ta nói: "Hy vọng cô không cảm thấy tôi làm thế này là đường đột, tôi không hề muốn thăm dò chuyện riêng của mấy người..."

Tôi thở dài, ngắt lời anh ta: "Bác sĩ Hứa, anh rào trước đón sau như thế, không phải là muốn hỏi bố tôi có đủ tiền nộp viện phí hay không à? Bố không nói cho tôi biết chuyện tiền nong, nhưng tôi đoán chắc chắn là không đủ tiền, tốc độ tiêu tiền ở trong bệnh viện lớn quả là khủng khiếp."

"Chị tôi bảo tôi chuyển lời rằng chị ấy muốn trả tiền viện phí."

"Anh hãy cám ơn ý tốt của chị Hứa giúp tôi, nhưng tôi không thể tự quyết định được."

"Có lẽ cô có thể khuyên bố cô?"

"Bố tôi thường ngày là một người rất phóng khoáng hòa nhã, nhưng ông cũng có lòng tự tôn và kiên trì, tôi không thể chạm vào được."

Anh gật đầu. "Xem ra cô không thấy lo lắng lắm.”

"Lo lắng thì có tác dụng gì chứ? Người tính không bằng trời tính, thế nào chẳng có cách."

Anh ta hiển nhiên tỏ vẻ không tán thành sự lạc quan không giới hạn của tôi, nhưng không tiện trực tiếp phê phán. Tôi nhìn bộ dạng anh ta mà muốn phá lên cười. "Bác sĩ Hứa, đến lượt tôi hỏi anh một câu, được không? Bệnh của ông Trương có thể chữa khỏi không?"

Anh ta lập tức trở về với vẻ mặt của một bác sĩ, từng câu từng chữ nói rất điềm tĩnh, rõ ràng: "Theo tôi hiểu, cuộc phẫu thuật cắt bỏ chân của ông ấy đã thành công. Còn về bệnh nhiễm ceton acid tiểu dường thì cần phải điều trị từng bước, như vậy mới có thể phòng tránh được tình trạng viêm loét mới."

“Nếu nói một cách dân dã thì ý anh muốn nói là bệnh này không thể chữa khỏi, không tiếp tục bị biến chứng nặng hơn là chúng tôi đã nên thắp hương cảm tạ Trời Phật rồi, đúng không?"

Gương mặt anh ta lại lộ vẻ khó xử, tôi lắc đầu. "Ồ thôi được rồi, tôi cũng đoán ra rồi."

"Xin lỗi."

“Không sao, bác sĩ chỉ Phụ trách chữa bệnh, không phụ trách công việc lật ngược tình thế như khoa học viễn tưởng.”

“Tất cả người thân của bệnh nhân cũng giống như cô thì tốt biết mấy."

"Không phải tôi là người khoan dung rộng lượng thế đâu, chỉ có điều tôi biết không phải bất cứ chuyện gì cũng nên ôm hy vọng mù quáng. À, đúng rồi, chị Hứa Khả có khỏe không?"

"Chị ấy vẫn ổn, chỉ là dạo này không tiện đến bệnh viện."

"Nói như vậy có nghĩa là chị ấy quyết định giữ lại đứa bé?"

Anh ta hơi ngạc nhiên, chắc chắn không hiểu tại sao chị anh ta lại nói cho tôi biết chuyện này, nhưng vẫn gật đầu. Bình thường thì tôi không thích quản chuyện của người khác, nhưng không hiểu vì sao, tôi cảm thấy có chút không yên tâm về chị Hứa Khả. Tôi do dự một hồi mới nói: "Anh nên chú ý một chút đến tình cảm của chị ấy."

Anh ta vô cùng nhạy bén, nhìn thẳng vào tôi rồi hỏi: "Chị ấy còn nói gì với cô nữa?"

"Không có, chỉ là..." Tôi quyết định nói ra. "Tôi đã nhìn thấy chồng chị ấy ở bên một người con gái khác, trông họ rất thân mật."

"Cô không nói với chị ấy đấy chứ?"

"Bác sĩ Hứa, chị gái anh là người rất tinh tế, tuyệt đối không thể nào không cảm thấy gì trước tình trạng hôn nhân của mình, thế nên chị ấy cũng không cần tôi phải thông báo tình hình mới biết. Tôi chỉ muốn nhắc anh, hãy chú ý quan tâm chị ấy một chút."

Anh ta im lặng, tôi cũng không định nói gì thêm nữa mà quay trở về phòng bệnh.

Sau khi tình trạng của ông Trương ổn định, ông liền được chuyển đến phòng bệnh khoa nội để tiếp tục điều trị.

Hôm đó, Chu Nhuệ cùng tôi đi từ trường đến bệnh viện, thấy bố đang đứng đăm chiêu trước cửa sổ, tôi liền an ủi: "Ông chỉ bị cưa một bàn chân thôi, chắc cũng sẽ phải đi khập khiễng, nhưng dù sao ông đâu phải tham gia cuộc thi chạy nào."

Bố tôi cười méo xẹo, vẻ mặt chẳng có chút nhẹ nhõm nào. Tôi mạnh dạn hỏi dò: "Có phải tiền không đủ phải không ạ?"

Bố lắc đầu, tôi liền "xì" một tiếng. "Không cần phải giấu con, bố có bao nhiêu vốn liếng, con còn không biết sao? Cho con đóng học phí đã tốn bao nhiêu tiền rồi, bố lại ở bệnh viện chăm ông thế này lấy đâu ra thu nhập."

"Chuyện này không cần con phải lo."

"Con lo cũng vô ích, cùng lắm chỉ có thể tiết kiệm tiền ăn sáng đưa cho bố thôi."

Bố lại cười khổ lần nữa. "Không cho phép con nhịn ăn sáng đâu đấy!"

Tôi không thể không nghĩ đến tình hình thực tế. "Con nghe một cô ở giường 23 nói rằng, không nộp tiền là họ ngừng cấp thuốc, thế thì làm thế nào?"

Chu Nhuệ nói xen vào: "Hay là tôi giả vờ bị bệnh, xem có thể lấy một ít tiền từ chỗ bố tôi không nhé!"

Bố tôi trừng mắt nhìn cậu ta. "Cậu im lặng đi, đừng có nghĩ đến trò mất mặt như vậy nữa."

Chu Nhuệ đánh cúi đầu im miệng. Tôi cười. "Nếu bố cậu ta không đưa ông Trương vào miếu, ông cũng không đến nỗi bệnh nặng thế này, bố cậu ta chi một chút tiền cũng là việc nên làm mà."

Bố tôi sa sầm nét mặt. "Đừng nói lung tung nữa, cấm hai đứa gây thêm rắc rối cho bố. Bố sẽ nghĩ ra cách."

"Bố có cách gì chứ?"

Bố đứng dậy, lấy áo khoác. "Đi mượn tiền."

Tôi hoài nghi. "Sắp sáu giờ tối rồi, xe khách đường dài chắc cũng nghỉ rồi chứ?"

"Bố mượn tiển trong thành phố này thôi."

"Ở thanh phố này bố còn quen ai à?"

Bố không trả lời tôi, chỉ nói: "Bố đi một lát rồi về, con ở lại đây với ông, xem chai truyền dịch gần hết thì gọi y tá."

Tôi hỏi Chu Nhuệ: "Cậu có thấy hôm nay bố tôi trông rất lạ không?"

Chu Nhuệ vẫn thản nhiên như không. "Lúc thiếu tiền thì vẻ mặt của ai mà chẳng không bình thường." Cậu ta đứng dậy móc tất cả túi trên người, được bao nhiêu tiền đều rải ra giường, chỉ cầm lại một tờ năm mươi đồng. "Số còn lại cậu cầm hết đi."

"Để làm gì? Tôi chưa đến lúc đòi tiền cơm của cậu đâu, đừng sốt ruột."

"Tôi biết cậu có thể làm được cái việc nhịn ăn sáng."

"Thế cậu thì sao?"

"Với ngoại hình của cậu, chắc chắn không có người nào mua cơm miễn phí cho ăn đâu. Nhưng tôi lại khác, luôn có người vì thương hoa tiếc ngọc, không nhẫn tâm nhìn tôi chết đói mà tranh nhau chạy đến thanh toán tiền ăn cho tôi."

Tôi tức đến bật cười nhưng cũng ít nhiều cảm động, thở dài, nói: "Tôi có thể lạc quan như cậu thì tốt biết bao."

"Cái đó không khó, chỉ cần cậu đừng nghĩ ngợi lung tung là được."

Chuyện gì đến tay Chu Nhuệ cũng được xử lý vô cùng đơn giản, tôi không thể không ngưỡng mộ cậu ta.

Cậu ta vốn định kéo tôi đến chỗ lũ bạn chơi đùa để tôi khuây khỏa, nhưng đợi đến tám giờ tối mà bố tôi vẫn chưa về, bạn của cậu ta không ngừng gọi điện đến giục, tôi sợ phiền phức liền thúc cậu ta đi, cũng không thể ở bệnh viện được nữa nên cậu ta đành đi trước.

Đợi thêm một tiếng nữa, bố vẫn chưa về, tôi bắt đầu lo lắng, gọi vào di động của ông nhưng máy đã tắt. Trong lòng thấp thỏm lo lắng, tôi không thể ngồi yên được, đi đi lại lại ngoài hành lang, sau đó dứt khoát đi thang máy xuống sảnh, đứng ở cửa ra vào bệnh viện ngóng ra ngoài, rồi lại lên phòng bệnh, lấy nước ấm lau rửa cho ông Trương. Đột nhiên, ông hỏi tôi: "Nguyên Bình đâu rồi?”

Bây giờ ông càng lẫn cẫn hơn cả trước kia, đa số thời gian ông chỉ nhìn mọi thứ với vẻ đờ đẫn, vậy mà hôm nay ông vẫn nhớ bố tôi chưa quay về, tôi đành nói qua quýt: "Bố con sắp về rồi, đợi thêm một chút nữa thôi ạ."

Tôi giúp ông nằm xuống, đợi ông ngủ, tôi lại đến chỗ thang máy đứng đợi.

Đến khoảng mười giờ không còn người thân hoặc người bệnh nào ra vào nữa, tôi càng trở nên lo lắng, cố gắng trấn tĩnh, tôi móc ra ba đồng xu trong túi, quỳ xuống, hai tay chập vào giữ đồng xu bên trong, lắc đểu rồi cho rơi xuống đất, sau đó nhặt lên rồi làm lại, bỗng nghe thấy một giọng nói từ trên đỉnh đầu vọng xuống: “Cô đang làm gì vậy?"

Tôi ngẩng đầu lên, là Hứa Tử Đông.

"Xem bói."

Anh ta nhìn tôi chằm chằm rồi nói: "Cho dù không kỳ vọng vào bác sĩ thì cũng không cần phải bói toán thế đâu!"

Tôi không buồn để ý đến anh ta, cố gắng nhớ lại một vài cách bói mà trước đây ông Trương từng dạy, nhưng phát hiện mình chỉ nhớ một cách mơ hồ liền ủ rũ thở dài. Tôi muốn đứng dậy, nhưng vì quỳ quá lâu nên chân tê dại, người lảo đảo suýt ngã, may có Hứa Tử Đông đỡ kịp.

Anh ta đợi tôi đứng vững mới buông tay, hỏi: "Có bói ra được cái gì không?"

"Bố tôi sắp về rồi."

Anh ta bị tôi làm cho cười chảy nước mắt. "Thế mà cũng gọi là bói à? Nghe chị tôi nói chị ấy vừa đến nhà cô, ông Trương liền xem tướng cho chị ấy, xem ra cô đúng là đệ tử của ông ấy rồi."

“Anh thì biết cái gì? Bố tôi nói ra ngoài mượn tiền, năm giờ hơn đi mà bây giờ vẫn chưa về, điện thoại cũng tắt. Ở thành phố này ông ấy có quen ai đâu, tôi lo sắp chết đây này."

Anh ta thu lại nụ cười nói: "Xin lỗi." Một lát sau, anh ta hỏi tôi: “Ở làng cô có ai biết ông ấy có bạn ở đây không?"

"Tôi gọi điện hỏi một lượt rồi, không ai biết cả. Tôi còn hỏi ông Trương, ông nói lung tung bát nháo, chẳng hiểu cái gì." Nói đến đây, tôi không kìm nén được cảm xúc của mình nữa. Đương nhiên tôi không muốn khóc trước mặt người lạ, thế nên vội vàng kìm lại, chạy nhanh về phòng bệnh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.