Mẹ nói từ lúc sinh ra ta đã như con cún con, thích ngửi tới ngửi lui khắp chốn.
Ta nói vì ta có thể ngửi được mùi hương trên thân mỗi người, mà mỗi người lại có một mùi hương khác nhau.
Mùi của mẹ là hương rượu hoa quế, mùi của tỷ tỷ là hương hoa lan, mùi của ca ca là hương nhựa thông, mùi trên người cha là mùi nhang thắp hương trong Phật đường, ta không thích mùi này.
Mẹ quở ta ăn nói linh tinh, nhà ta không có ai xông hương hết, mùi hương ở đâu ra được.
Về sau, khi bạn thân của tỷ tỷ là Trần Ngọc Như tới nhà ta, ta ngửi thấy trên người Trần Ngọc Như và cả bánh táo nàng ta mang cho tỷ tỷ có mùi ôi thiu nhàn nhạt.
Ta nhân lúc không ai chú ý, cầm bánh ngọt cho Đại Hắc trong viện của ta ăn, tỷ tỷ thơm ngào ngạt của ta sao phải ăn cái thứ đồ thúi như vậy chứ.
Nhưng Trần Ngọc Như vừa đi, Đại Hắc đã rũ đuôi tiêu chảy đầy viện, Lê Thanh cảm thấy chuyện này không đơn giản bèn vội vàng đi tìm mẹ ta.
Mẹ ta nhìn Đại Hắc héo rũ, mẹ cho đại phu trong phủ kiểm tra bánh táo cẩn thận, xong xuôi, mẹ giận dữ vô cùng: “Trần Ngọc Như mới bao tuổi mà lòng dạ đã độc ác như này, rõ là không muốn tỷ tỷ con tham gia hội thi thơ ngày mai đây mà!”
Ta nhíu mũi, lúc mẹ tức giận, trên người mẹ có mùi như pháo hoa á.
Mẹ ôm ta vào lòng, vỗ vỗ lưng ta: “Sao A Tuế lại biết trong bánh táo có thuốc?”
“Trên người tỷ ta có mùi thiu, bánh táo tỷ ta mang tới cũng có mùi thiu, con không thích.”
Mẹ trầm ngâm một lát, sau đó hỏi ta bằng giọng nói ấm áp: “A Niêm, mẹ có mùi gì nào?”
“Mẹ có mùi rượu hoa quế, vừa thơm vừa ngọt, còn cay cay nữa.” Ta rúc vào lòng mẹ, vẻ mặt thành thật: “Nhưng vừa rồi trên người mẹ có mùi pháo hoa.”
“A Tuế, sau này nếu ngửi được mùi không hay trên người người khác, con chỉ nói với mẹ thôi nhé, được không nào?” Mẹ vén tóc rối của ta ra sau tai rồi nói tiếp: “Sau này cũng không được nói cho bất kỳ ai chuyện con ngửi được mùi trên người người khác trừ mùi xông hương nhé.”
2.
Ta nhớ kỹ lời mẹ dặn nên từ đó về sau ta không nói với bất kỳ ai chuyện này nữa.
Nhưng gần đây trong nhà cứ có người tới tìm ca ca của ta nên trong sân cũng thường có mùi hương mới mẻ.
Mẹ nói Lâm gia định ngỏ ý xin cưới tỷ tỷ ta, thanh niên áo xanh gần đây hay tới chính là con cả Lâm gia muốn cưới tỷ tỷ.
“Vậy ca ca áo trắng thì sao ạ?”
Mẹ thoáng ngắt lời rồi cười nói: “Đấy là cậu út Quý gia, lớn hơn con mấy tuổi, tính theo vai vế, con phải gọi thằng bé là tiểu thúc*, sao A Tuế lại hỏi tới tiểu thúc?”
*Tiểu thúc (小叔): em trai nhỏ nhất của cha.
“Trên người huynh ấy có mùi bánh bao, thơm lắm.”
Mẹ vừa cười vừa chọt khẽ vào trán ta: “Thế trên người ca ca Lâm gia có mùi gì nào?”
“Mùi rượu mạnh, loại cay ơi là cay ý ạ.”
Mẹ bảo má Trần phái người bỏ thật nhiều tiền để dò la xem cậu con cả Lâm gia kia trong nhà thế nào. Người thưa chuyện báo rằng, Lâm Húc bề ngoài thì tỏ ra ấm áp, lương thiện nhưng bản chất là kẻ nóng tính, hở tí là đánh chửi người trong viện của hắn.
Sau đó cha cũng biết chuyện, cha rút bánh ngọt trong tay ta đi, cọ qua cọ lại gốc râu trên cằm vào mặt ta, giận dỗi: “Bảo sao ngày nào con nhìn thấy cha cũng chạy biến, hóa ra là vì không thích mùi trên người cha.”
Lúc ta bị cha cọ tới mức cười khanh khách, ngoài cửa có tiếng Trần thúc thưa chuyện rằng cậu út Quý gia tới thăm hỏi cha mẹ ta.
Ta tuột ra khỏi lòng cha, ngồi ngoan ngoãn bên cạnh mẹ mình, sau khi nhìn Quý Tri Tiết lễ nghi đầy đủ với cha mẹ, ta trộm ngửi ngửi mấy cái.
Mắt ta sáng lấp lánh nhìn Quý Tri Tiết, mùi quả bắc sơn tra!
Sau khi Quý Tri Tiết đi khỏi, ta leo từ trường kỷ xuống, chạy bước nhỏ đuổi theo Quý Tri Tiết, ngẩng đầu nhìn chàng ta: “Huynh muốn cưới tỷ tỷ của ta à?”
Quý Tri Tiết lấy hai xâu mứt hoa quả trong lòng ra, đưa cho ta: “Muội muốn ta cưới tỷ tỷ của muội.”
Ta nhận lấy mứt hoa quả, nghiêm túc gật đầu: “Huynh thơm thơm, tỷ tỷ của ta cũng thơm thơm, ta muốn huynh cưới tỷ tỷ.”
3.
Tỷ tỷ không gả cho Quý Tri Tiết, mẹ nói tỷ tỷ rất có chính kiến, chọn con cả nhà Vệ tướng quân, Vệ Hành.
Ta nghe xong liền nhíu mày, mùi nhang thắp hương trên người Vệ Hành còn nồng hơn cả trên người cha luôn á.
Mẹ lại nói, như thế rất tốt, so ra còn chững chạc hơn cha ta đôi chút.
Ngày tỷ tỷ xuất giá, ta khóc nghẹn đi, không biết Quý Tri Tiết từ đâu chui ra, đưa cho ta một nắm nhỏ hạt thông.
Ta lại hít hà một hơi, hôm nay Quý Tri Tiết có mùi hạt thông.
Cha mẹ đang loay hoay bận rộn bù đầu, Quý Tri Tiết vỗ vỗ gáy ta: “Tỷ tỷ và tỷ phu muội mua nhà ở con phố phía đông nhà muội, sau này ngày nào muội cũng được nhìn thấy tỷ tỷ, đi nào, khóc mệt rồi đúng không, đi ăn cơm thôi.”
Ta cầm hạt thông theo sau Quý Tri Tiết, cảm thấy chuyện này nó cứ thế nào ấy.
Tới khi ta tay trái cầm đồ chơi làm bằng đường, tay phải cầm kẹo mè Quý Tri Tiết mua cho về nhà, ca ca đang dựa ở cổng nhà chờ ta, huynh ấy liếc ta một cái rồi hỏi: “Ăn cơm xong là không tìm thấy người, muội chạy đi đâu thế hả?”
“Tri Tiết ca ca dẫn muội đi mua kẹo đường ý.”
“Gọi tiểu thúc.”
Ta tỏ vẻ khó hiểu, run run cất tiếng: “Tiểu thúc, Tri Tiết ca ca dẫn muội đi mua kẹo đường ạ.”
Ca ca thở dài, bất lực bóp mặt đứa nắn mãi không nên thân là ta: “Sầm Tuệ Tuế, huynh bảo muội gọi Quý Tri Tiết là tiểu thúc.”
Ta: “A a a a a a.”
4.
Hình như ca ca ta ghét Quý Tri Tiết lắm, vì mỗi lần Quý Tri Tiết tới, ca ca đều ngoác miệng gọi: “Tiểu thúc.”
Còn thò tay đẩy ta, ta thành tâm hiểu ý, cũng gọi theo ca ca: “Tiểu thúc.”
Thấy mấy tiếng “tiểu thúc” liên tiếp khiến sắc mặt Quý Tri Tiết đen sì, ca ca mới xách cổ ta quay về hậu viện.
Ta ngửa đầu nhìn ca ca, hỏi huynh ấy vì sao lại muốn ta gọi “tiểu thúc” theo huynh ấy.
Ca ca liếc ta một cái đầy vẻ lõi đời, nói gì mà để phòng trước rắc rối có thể xảy ra, khiến Quý Tri Tiết sinh ra bóng ma tâm lý.
Nhưng ta không dám nói với ca ca rằng hình như Quý Tri Tiết không sinh ra bóng ma tâm lý gì hết, mỗi lần hắn tìm gặp ca ca thuận tay mang đồ ăn vặt cho ta, ta có gọi ca ca hay gọi tiểu thúc, hắn đều không thèm để ý.
Nhưng có lẽ Quý Tri Tiết đã nắm được quy luật rồi, nếu đồ ăn vặt mang tới hợp khẩu vị ta, ta sẽ gọi ca ca, nếu không phải loại ta thích, ta sẽ gọi tiểu thúc. Thế là, Quý Tri Tiết bèn đi nghe ngóng, biết được ta hảo ngọt, món yêu thích nhất chính là bánh cuộn đậu đỏ.
Quý Tri Tiết cầm bánh cuộn đậu đỏ trong tay ta đi, dịu dàng nói với ta: “Hôm nay ăn nhiều rồi, ăn nữa sẽ đầy bụng mất.”
Không đợi ta mở miệng kháng nghị, cổ ta tự nhiên ngứa ran, ta giơ tay gãi gãi cần cổ lại bị một cái quạt gõ nhẹ vào tay.
Bỗng, Quý Tri Tiết xích lại gần cúi đầu nhìn cần cổ ta, hương đậu đỏ thơm ngọt phả vào mặt.
Người ta đờ ra, giọng nói cũng run run: “Huynh, huynh đừng sán lại gần thế.”
“Cổ muội bị mẩn đỏ rồi, trưa nay muội ăn gì?”
Lê Thanh chợt nhớ ra, vội la lên: “Trưa tay tiểu thư ăn dê nướng cùng canh thịt dê.”
“Lỗi ta, đậu đỏ và thịt dê tương khắc.” Quy Tri Tiết cầm bình thuốc từ trong tay áo ra, lấy hai viên bón cho ta.
Mắt ta sáng bừng: “Vị sơn tra?”
“Sơ Mẫn hoàn, thêm chút sơn tra cho dễ uống.” Quý Tri Tiết gật gật đầu: “Muội cả ngày thấy gì cũng muốn ăn nên ta chuẩn bị trước loại thuốc này.”
Ta nhìn gương mặt ấm áp của Quý Tri Tiết, không nhịn được hỏi: “Tiểu thúc, sau mỗi ngày huynh lại có một mùi khác nhau vậy.”
Vẻ mặt Quý Tri Tiết hoang mang vô cùng: “Ta chưa xông hương bao giờ mà, mùi A Tuế nói là mùi gì?”
“Hôm qua huynh có mùi hoa đào, hôm nay là mùi đậu đỏ.” Trông ta hoang mang vô cùng, hình như cái người này cứ mang đồ ăn vặt gì tới là trên người sẽ có mùi của món đó vậy, thần kỳ ghê!
“Vậy ca ca muội có mùi gì?”
“Trước kia ca ca có mùi thông, bây giờ là mùi mực.
5.
Sau lần dị ứng đó ca ca bắt đầu làm người gác cổng sống chết đề phòng tiểu thúc, không cho Quý Tri Tiết vào nhà lần nào nữa.
“Hảo hán cũng có lúc thua tiểu nhân.” Ca ca giận dữ vô cùng, nói Quy Tri Tiết hễ rảnh rỗi là qua nhà ta nhất định ôm lòng bất lương.
Ta không nhịn được cãi lại: “Ca ca, thật ra tiểu thúc rất tốt mà.
Ca ca nhéo tai ta, giận đùng đùng, mắng: “Một cô nương như muội rõ là bị bản mặt cáo già của hắn mê hoặc rồi, hắn thì có chỗ nào tốt?”
Lửa giận của ta cũng cháy bùng bùng: “Huynh ấy tốt lắm lắm, người đẹp, lớn tuổi biết thương người, còn cả mỗi ngày một mùi khác nhau nữa.”
Ca ca đần ra, tỏ vẻ hoảng sợ vô cùng: “Gì? Hắn lại còn có mùi người già?”
Mẹ đánh ca ca một cái đau điếng, bảo huynh ấy nếu rảnh rỗi quá chẳng thà đi trông em bé cho tỷ tỷ ta đi.
Dù ca ca không cho Quý Tri Tiết tới nhà nhưng Quý Tri Tiết cũng đã mấy ngày không tới. Mẹ bảo Hoàng Hậu nương nương muốn tổ chức Xuân Nhật yến thật lớn, có lẽ vì thế nên Quý Tri Tiết cũng đang bận.
Mẹ nói ta cũng phải tới Xuân Nhật yến, tới đó rồi ta sẽ được thấy Quý Tri Tiết.
Trên Xuân Nhật yến, ta ngồi cạnh mẹ, lặng lẽ thò tay vẫy vẫy với Quý Tri Tiết.
Quý Tri Tiết vừa nhướng mày nhìn ta thì thái giám trong cung đã cao giọng thông báo: “Bệ hạ, Hoàng Hậu vào!”
Tất cả cùng đứng dậy hành lễ, hành lễ xong ta ngoan ngoãn làm con chim cút núp bên cạnh mẹ.
Hoàng Hậu nương nương nhìn xung quanh một lượt, dịu dàng mở lời: “Con gái út Sầm gia bước ra đây, cho bổn cung gặp mặt xem nào.”
Mẹ chọc chọc ta, ta chỉnh tà váy, bước từng bước nhỏ tiến lên, hành lễ xong xuôi: “Thần nữ Sầm Tuệ Tuế tham kiến Hoàng Hậu nương nương, Hoàng Hậu nương nương thiên tuế.”
Hoàng Hậu cười dịu dàng, bảo ta đứng dậy rồi nghiêng đầu nói với Thái Tử: “Đây là bé gái ngày nhỏ con bảo giống bánh trôi nước đó, bây giờ đã lớn ngần này rồi.”
Ta quay người hành lễ với Thái Tử: “Thần nữ tham kiến Thái Tử điện hạ.”
Cười nói đôi câu, lúc ta quay về chỗ ngồi, Thái Tử lệnh cho thị nữ đưa hai phần bánh ngọt qua, ta chăm chú nhấm nháp bánh ngọt, không chú ý thấy sự lo lắng trong mắt mẹ.
Sau khi tàn tiệc, chúng ta vừa về tới cửa phủ đã nhìn thấy xe ngựa của Quý gia, xe ngựa của Quý Tri Tiết đi nhanh hơn xe ngựa nhà ta.
Quý Tri Tiết nói có việc muốn tìm ca ca ta thương lượng.
Mẹ ta mệt rồi nên để ta dẫn đường cho Quý Tri Tiết nhưng Quý Tri Tiết biết ca ca ta ở đâu mà, cần ta dẫn đường làm chi.
Quý Tri Tiết nhét hộp đựng thức ăn trong tay cho ta: “Bánh hoa sen.”
À, đường này* thì ta dẫn được.
*Chỉ đường trong bánh ngọt.
Quý Tri Tiết mở hộp ra, đưa cho ta một miếng bánh hoa sen rồi như hỏi vu vơ: “Thái Tử có mùi gì?”
“Mùi hạt vừng.”
Gương mặt Quý Tri Tiết ngập trong dịu dàng, khóe mắt cũng ánh lên nét cười: “Ý muội là tâm tư hắn đen tối?”
Ta lắc đầu nguầy nguậy: “Không phải không phải, Thái Tử ca ca có mùi ngọt như nhân bánh vừng cơ.”
Quý Tri Tiết đen mặt, rút bánh hoa sen trong tay ta rồi quay đầu đi thẳng, nói gì mà ta cả ngày gặp ai cũng gọi ca ca.
Ta nhìn vụn bánh hoa sen trên đầu ngón tay, không nhịn được lẩm bẩm: “Đâu phải gặp ai cũng gọi ca ca đâu, ta gọi huynh là thúc thúc mà.”
Quý Tri Tiết cầm bánh hoa sen đi nhanh hơn.
6.
Mẹ bảo bệ hạ muốn lấy vợ cho Thái Tử, tỷ tỷ ôm em bé rầu tới mức đi đi lại lại trong phòng, cha cũng lạnh mặt uống trà.
Ca ca xách ta ra ngoài cửa, do dự hỏi ta: “Tuệ Tuế, muội nói cho ca ca nghe, muội rất thích Quý Tri Tiết hửm?”
Ta gật gật đầu, nghiêm túc nói: “Tiểu thúc lúc nào cũng rất thơm, ta thích huynh ấy.”
“Thái Tử có thúi không?”
Ta lắc đầu: “Thái tử cũng thơm thơm.”
Ca ca không hiểu ta đang nói gì, huynh ấy suy nghĩ một lát rồi lại hỏi: “Vậy Quý Tri Tiết và Thái Tử ai thơm hơn?”
“Tiểu thúc thơm hơn vì mỗi ngày tiểu thúc lại có một mùi thơm khác nhau.”
Ca ca ôm đầu ta lắc lắc: “Trong đầu muội cả ngày chỉ toàn ăn ăn ăn thôi, muội có thể nhét cái gì hữu dụng hơn vào đây không hả!”
Ngày hôm sau, Quý Tri Tiết ôm mấy vò rượu hoa đào ngon nhất tới, rằng ca ca ta bảo hắn tới.
Ca ca liếc Quý Tri Tiết một cái rồi thuận tay xách ta lên: “Xách rượu hoa đào của huynh, theo ta vào nội viện.”
Trong nội viện của ca ca một cái đình nghỉ mát để luyện chữ, gió phất phơ, hương rượu hoa đào quấn lấy hương hoa đào trên người Quý Tri Tiết thấm đẫm không khí.
Ngửi chút thôi đã khiến người ta say ngất ngây, ta mới uống được nửa chén rượu hoa đào con con, ca ca đã cướp chén rượu đi mất.
Ta nằm nhoài trên bàn trà, mơ mơ màng màng, cằm tì lên một đoạn tay áo của Quý Tri Tiết, chóp mũi vấn vít mùi hương ta chưa ngửi thấy trên người Quý Tri Tiết bao giờ.
Thơm mát như ánh mặt trời bàng bạc đẫm cái lạnh thấu xương khi vào đông vậy.
Ta cọ cọ ống tay áo Quý Tri Tiết, trong lúc mơ màng hình như ta loáng thoáng nghe thấy tiếng ca ca khóc.
Ta nhích lại gần ca ca, quẹt đại mấy đường lau nước mắt cho huynh ấy rồi quay đầu giận dữ nhìn Quý Tri Tiết: “Tiểu thúc, không được bắt nạt ca ca ta.”
Đôi mắt Quý Tri Tiết sóng sánh ánh nước nhìn ta: “Được, ta không bắt nạt ca ca của muội.”
7.
Mặc dù trong nhà ta trông bề ngoài không khí vẫn rất hài hòa nhưng người cha vốn luôn trầm ổn, bình chân như vại cũng bắt đầu lắc đầu thở dài khi rảnh rỗi.
Ca ca cũng không còn bảo người gác cổng chặn không cho Quý Tri Tiết ghé chơi nữa, mẹ còn cho Quý Tri Tiết dắt ta ra ngoài chơi.
Trời xanh trong vắt, ta ngồi trên thuyền hoa của Quý Tri Tiết, rung rinh ăn chè trôi nước ướp lạnh Quý Tri Tiết chuẩn bị.
Ta xích lại gần Quý Tri Tiết ngửi ngửi, hương vừng thơm ngọt như có như không trôi vào khoang mũi.
Ta thắc mắc: “Tiểu thúc, sao mùi trên người thúc lại đổi thành mùi vừng rồi?”
Quý Tri Tiết liếc xéo ta: “Sao? Mùi vừng trên người ta không thơm bằng trên người Thái Tử ca ca của muội à?”
Ta còn chưa kịp khen mùi của Quý Tri Tiết thơm hơn thì đã có mùi khác xộc thẳng vào mũi, ta vội vàng bỏ thìa trong tay ra bịt mũi lại.
Trời ơi cứu với, thúi quá, thúi tới mức ta sắp mất nhận thức luôn rồi.
Ta quạt quạt tay: “Mùi tôm thối rữa nặng quá.”
Quý Tri Tiết sững người, mở cửa sổ thuyền hoa nhìn ra bên ngoài: “Là thuyền hoa của Thái Tử.”
“Nhưng ta chỉ sai người bôi ít nước chao* dưới thuyền hoa của hắn thôi mà, đâu có bôi thứ gì thối rữa đâu.” Quý Tri Tiết ngây ra, lúc sau sai người lái thuyền hoa lại gần đấy, còn mình thì đưa khăn tay xông đẫm mùi vừng cho ta: “A Tuế, muội chịu khó chút nhé, chúng ta qua xem chút rồi đi.”
*Nước đậu phụ lên men, khá nặng mùi.
Thuyền hoa mất tầm một tuần trà mới lái gần thuyền Thái Tử, chợt Quý Tri Tiết rời khỏi buồng thuyền, ra đầu thuyền đứng hỏi: “Đằng trước là thuyền Thái Tử điện hạ chăng?”
Giọng Thái Tử từ trong thuyền hoa vang ra: “Thật trùng hợp, quý huynh đi du hồ cùng bạn, vừa hay cô cũng hẹn bạn tới đây.”
“Ta làm phiền rồi, Thái Tử xin cứ tự nhiên.”
Quý Tri Tiết sai người cho thuyền hoa tấp vào bờ, sau đó hắn thì thầm bên tai ta: “Trong thuyền hoa của Thái Tử còn có người khác nhưng không lộ mặt, không biết là ai.”
Ta đứng bên bờ hít một hơi thật sâu, thần đẫm không khí trong lành: “Hẳn là tỷ tỷ Triệu gia, ta từng ngửi thấy mùi của nàng ta ở Xuân Nhật yến, mùi trên người nàng ta chua lắm.”
Sắc mặt Quý Tri Tiết bỗng nghiêm lại, do dự một lát rồi hỏi: “Thu này bệ hạ muốn tuyển tú chọn phi cho các Hoàng Tử, nhà muội cũng nằm trong danh sách, muội có muốn đi không?”
Ta siết chặt khăn lụa trong tay: “Nếu ta không muốn, liệu thanh thượng có gây khó dễ cho Sầm gia không?”
“A Tuế, muội không cần suy nghĩ tới người khác, muội chỉ cần nói cho ta biết, muội có muốn hay không?”
Ta ngửa đầu nhìn Quý Tri Tiết, hỏi từng chữ: “Tiểu thúc có muốn ta đi không?”
8.
Chẳng biết vì sao gần đây cha và ca ca ta rất bận, Quý Tri Tiết cũng vậy.
Liên tục hơn nửa tháng trời không gặp Quý Tri Tiết nhưng ngày nào hắn cũng phái người đưa chút đồ ăn vặt và khăn tay có mùi hương tương tự.
Tỷ tỷ nhìn thấy khăn lụa, tỷ ấy chê lắm, rùng mình luôn, còn nói thẳng Quý Tri Tiết như mẹ già vậy, chẳng trách lớn đầu rồi mãi vẫn không kiếm nổi một nàng dâu.
Ta chơi với em bé trong lòng tỷ tỷ, chưa kịp nói đỡ cho Quý Tri Tiết, thúc thúc gác cổng đã báo con gái cả Triệu gia, Triệu Lịch ghé chơi với ta.
Tỷ tỷ ngơ ngác hỏi ta: “Nhà ta và phủ tướng quân ngày thường đâu có qua lại, nàng tới đây làm gì?”
“Người tới nhà là khách, còn nói muốn gặp còn, con cứ đi xem xem.” Mẹ đưa tay chỉnh lại vạt áo cho ta: “Nếu nàng bắt nạt con...”
Ta cản mẹ lại: “Con biết rồi, ca ca đã dạy con rồi, phải quay đầu chạy, vắt chân lên cổ mà chạy ạ.”
Lê Thanh nói Triệu Lịch đang chờ ta ở tiền sảnh, ta còn chưa đi tới tiền sảnh đã ngửi thấy mùi dấm nồng nặc, chua loét.
Sau khi thi lễ chào hỏi, ta vội vàng sai người mang trà bánh lên, nhẹ nhàng cười hỏi: “Hôm nay Triệu tỷ tỷ tới tìm ta có chuyện gì vậy?”
Triệu Lịch cầm một miếng bánh đậu xanh lên cười nói: “Ngày du hồ đó ta nghe Thái Tử biểu ca nói muội muội Sầm gia là người rất thần kỳ nên hôm nay ta tới xem thử là thần kỳ thế nào.”
Ta như thể không nghe thấy gì, chỉ chuyên tâm gặm bánh ngọt.
“Muội muội cũng đang chuẩn bị tham gia kỳ tuyển tú mùa thu?”
Ta gật đầu: “Bệ hạ vốn trọng văn, cha ta lại là Thái Phó, Hoàng Hậu nương nương còn điểm tên ta lên gặp mặt Thái Tử ngay trong Xuân Nhật yến, ta hẳn phải đi, không chừng...”
Ta bỏ ngỏ vế sau, Triệu Lịch mất kiên nhẫn ném miếng bánh đậu xanh về lại đ ĩa: “Ngươi hẳn cũng biết ta và Thái Tử biểu ca đã có tình cảm từ nhỏ.”
“Ta không biết.” Ta lắc đầu: “Nhưng giờ thì biết rồi, vậy tới ngày tuyển tú, có gì mong tỷ tỷ giúp đỡ.”
Triệu Lịch nói ta như nước đổ đầu vịt, sớm muộn gì cũng cho ta đẹp mặt rồi nhấc chân đi về.
Ta tiếc hùi hụi nhìn miếng bánh đậu xanh, bánh ngọt đang ngon lại bị heo sờ vào. Ta còn chưa kịp cảm thán xong, ca ca đã hùng hùng hổ hổ chạy tới chỗ ta, sau khi xác nhận ta vẫn ổn mới hỏi: “Con gái Triệu gia tới tìm muội? Nàng ta nói gì?”
“Nàng nói nàng và Thái Tử là thanh mai trúc mã, nói bóng nói gió rằng ta nên biết điều.” Ta gãi gãi đầu: “Ta cũng nói với nàng, tuyển tú thu này phải dựa vào bản lĩnh.”
Ca ca bối rối lắm, còn nhỏ giọng quở ta: “Muội nói thế với nàng ta làm gì? Nhà mình nhất định sẽ nghĩ ra cách để muội không phải tiến cung.”
Ta học theo dáng vẻ của Quý Tri Tiết ngày đi du hồ, bình tĩnh trả lời ca ca: “Tiểu thúc dạy muội, gì mà trước khi bắt cá phải quấy đục nước lên.”
Ca ca chau mày, trên mặt là biểu cảm không còn gì để nói.
Chưa tới mấy ngày sau, tin Thái Tử rớt đài đã xôn xao khắp chốn, rằng chuyện Thái Tử đạo đức lệch lạc cấu kết với Triệu gia tham ô quân lương bị bệ hạ biết được, bệ hạ vốn đã không thích Thái Tử bèn mượn chuyện này chèn ép cả nhà ngoại của Hoàng Hậu lẫn Triệu gia, đồng thời thu hồi binh quyền.
Ngoài ra, vì con gái Triệu gia đã tình nguyện bỏ qua mọi lễ nghi để ăn nằm với Thái Tử nên được đưa trực tiếp tới viện của phế Thái Tử làm chính thê, hầu hạ sinh hoạt hàng ngày của phế Thái Tử.
Ca ca thở dài, nói sau này lại phải bảo thúc thúc gác cổng không cho Quý Tri Tiết vào cửa tiếp thôi.
Ta thật sự rất tò mò, hỏi vì sao ca ca lại ác cảm với Quý Tri Tiết như vậy.
Cha ta nhìn ca ca rồi lắc đầu, cha kể lúc ta hai tuổi bị Quý Tri Tiết trộm về nhà hắn, ca ca òa khóc tìm ta cả buổi trời ta mới được Quý phu nhân đưa trả về nhà. Từ đó về sau ca ca không bao giờ cho Quý Tri Tiết sắc mặt tốt nữa.