Ngoảnh Lại Hóa Tro Tàn

Chương 13: Bóng tối và ánh sáng



Phương Học Nông dạo một vòng, đoạn xách theo nửa bình rượu ngon chưa nỡ uống đến một quán cơm nhỏ trên đảo, đánh một bữa no nê bước ra, rồi nghênh ngang cái đầu phà khói thuốc lá. Lão chẳng đi đến đám tang nhà họ Đổng nào cả, mà cứ men theo bãi biển rìa hòn đảo đi về phía Đông.

Mé Tây đảo Qua Âm địa thế bằng phẳng, mật độ dân số dày hơn, các loại nhà ở và kiến trúc thương nghiệp cũng tập trung tại đây. Phía Đông bị bãi biển và mấy sườn dốc chiếm đa số diện tích, trước đây từng có một cảng nhỏ chuyên lưu chuyển hàng hóa, do bến tàu được xây dựng, nên khoảng mười năm nay cảng này nửa như đã hoang phế. Phương Đăng không thông thuộc địa thế nơi này bằng cha, lại thêm đường sá quanh co nhỏ hẹp và những bóng cây xanh rậm rạp khuất lấp, nó không dám theo quá sát.

Vào mùa đông trời tối sớm, nếu gặp thời tiết mưa nhỏ âm u, hòn đảo nhỏ rất nhanh bị cảnh chiều hôm xây xẩm bao trùm. Phương Đăng có lúc nghi ngờ mình đi lạc, phía trước chẳng thấy bóng dáng cha đâu nữa. Qua khỏi công trường xây dựng quán rượu mới, người đi lại thưa dần, đừng nói là dân đảo, ngay cả khách du lịch hiếu kì cũng hiếm khi dạo bước tới tận đây.

Trên triền dốc rải rác mấy tòa kiến trúc đổ nát, phần lớn là nhà gỗ dựng tạm của dân ngoại lai. Rất lâu về trước, khi hòn đảo được quy hoạch lại, các hộ gia đình này phải dọn đi nơi khác, nhưng các khu nhà không được dỡ bỏ, giờ đây chúng thấp thoáng ẩn hiện qua các lùm cây lưng chừng dốc như những bóng ma. A Chiếu từng nói, phía đông đảo có nhà xác của một bệnh viện cổ, lại có một trường tập bắn súng, mỗi khi chiến tranh nổ ra hoặc các sự kiện khác, trên đảo lỡ có người chết bất đắc kỳ tử, sẽ được chôn ngay cạnh trường bắn này. Chẳng biết A Chiếu nghe được từ đâu ra, trước đây Phương Đăng chỉ nửa tin nửa ngờ, thế nhưng… Cơn gió biển thấu buốt hòa lẫn trong trận mưa lạnh rả rích ngấm qua vầng trán nó, gặm nhấm từng ngóc ngách ấm áp sót lại trong cơ thể. Các lùm cây ven dốc vang lên những tiếng kêu gào thảm thiết. Tất cả làm Phương Đăng dần tin lời A Chiếu là thật. Nhưng nó không thể quay lại. Nơi đây không phải nơi người bình thường nên đến, nhưng lại nắm giữ bí mật mà nó muốn khai phá.

Phương Đăng men theo con đường nhỏ lát đá bị che lấp quá nửa bởi cỏ dại, tiến vào nơi sâu nhất của con dốc. Không bao lâu, trước mắt nó hiện ra một tòa nhà nhỏ ba tầng, cửa vào lẫn cửa sổ đều rách nát, dưới màu sắc tranh tối tranh sáng lúc này trông như một con quái thú có vô số cái miệng ngoác ra. Nơi vốn là cửa chính treo một tấm biển xiêu xiêu vẹo vẹo, nó nheo mắt nhìn kỹ, dường như là mấy chữ “Trạm y tế đảo Qua Âm” màu đen, xem ra đây chính là bệnh viện cổ mà A Chiếu nhắc đến. Trong khóm cỏ bên đường có một mẩu thuốc lá hút dở, Phương Đăng nhặt lên, chính là loại thuốc tự làm cha nó thường hút. Ít nhất thì nó không đi lạc. Đáng lẽ phải thở phào nhẹ nhõm, nhưng thực tế, tim nó đập càng nhanh hơn. Đúng lúc đó, có tiếng người loáng thoáng vọng lại.

Tiếng nói chuyện thấp thoáng lúc gần lúc xa theo cơn gió. Nó dừng lại lắng tai nghe kĩ một lúc lâu, dường như âm thanh phát ra từ phía sau trạm y tế. Nghe kĩ hơn một chút, láng máng như là tiếng vài người đàn ông đang thì thầm bàn chuyện, trong đó có một giọng nói nó thấy rất quen. Tiếc rằng không thể nào nghe rõ họ đang nói gì.

Phương Đăng không dám liều xông vào, cũng không muốn bỏ cuộc ở đây, đành cúi người nấp trong đám cỏ lúc rậm rạp ven đường. Tiếng xì xầm kéo dài thêm một lúc thì dừng, không bao lâu lại vang lên, lần này rõ ràng có người tỏ ra tức giận, cuộc nói chuyện trở thành trận tranh cãi nhưng kiềm chế ở một mức nhất định. Nó cuộn mình trong đám cỏ vừa ướt vừa lạnh, trời đã tối sụp, đèn đuốc mé tây đảo sáng trưng, cứ như một thế giới khác. Đỉnh dốc và bầu trời nặng trĩu dường như nối liền một dải, nó cảm giác cơ thể lẫn bùn lầy trong đám cỏ hoang bị đông cứng thành một khối.

Cuộc tranh cãi ngày một dữ dội, có người dận dữ đập vỡ thứ gì đó. Phương Đăng chưa kịp quyết định bản thân có nên lại gần thêm tí nữa để nghe cho rõ cuộc đối thoại hay không, thì những tiếng nói kia bỗng tiến lại gần, kèm theo bước chân nặng nề. Đám người lạ có vẻ như đang đi về phía nó.

Phương Đăng hoảng hồn, vội vàng chạy vào trong trạm y tế, núp mình tại một góc tường xa cửa sổ, ngay trước khi đám người kia lộ mặt. Nó không chắc đối phương có nghe thấy tiếng đọng phát ra khi nó tìm chỗ núp hay không, tim đập như muốn vọt ra khỏi lồng ngực, không dám thở mạnh, càng không dám cử động đôi chân tê rần bởi phải ngồi một tư thế quá lâu.

Tiếng bước chân càng lúc càng gần, đám người kia đã ra phía trước tòa nhà.

“… Tao đã bảo không thể tin lời thằng bỏ đi ấy được mà, cứ tưởng khoắng được một mẻ, ai dè làm ăn lỗ vốn kiểu này, đen con nhà bà đủi, hừ!” Có người khạc ra một bãi đờm ra đất.

Một giọng nói hơi khàn tiếp lời: “Biết thế chó nào được, lúc đầu nó ba hoa chích chòe ai chả sướng, nào thì là thằng ranh con này béo lắm… Bố mày cứ tưởng nó thật thà, nghĩ mà xem, thằng ranh sống ở…”

May ra đám người lạ mải cáu gắt, không để ý có người đang núp cách đó chỉ vài bước chân. Tiếng nói và bước chân của họ xa dần, có lẽ men theo con đường Phương Đăng đi lúc nãy để trở ra.

Từ những gì nghe được, Phương Đăng đoán hai người ban nãy đi qua là đàn ông trung niên, khẩu âm nghe rất lạ tai, chắc chắn là từ ngoài đảo tới. Người nó muốn tìm không có trong đó. Nó ngồi co quắp trong góc tối thêm chừng mười phút, khi chắc chắn hai người nọ đã đi xa, không có vẻ gì sẽ quay trở lại, mới dám cử động thử tay chân. Tay chân nó tê đến nỗi như không còn thuộc về cơ thể. Nó chầm chậm đứng lên.

Lúc này Phương Đăng mới cảm nhận thấy bên trong tòa kiến trúc hoang tàn này tối và lạnh hơn khóm cỏ hoang ngoài kia rất nhiều. Không khí ở đây dậy mùi ẩm mốc lâu năm. Bốn bề bỗng trở nên yên lặng như tờ, đến những tiếng rả rích của côn trùng cũng biến mất. Nó bị cảm giác sợ hãi tột độ bóp nghẹt. Dù thế, con bé không thể chờ đợi thêm, bởi trong một góc tối tăm cách đó không xa, có một thứ khiến nó đau đớn lấn át nỗi khiếp sợ.

Phía sau trạm y tế cũ hơn mười mét có một cái nhà gạch nho nhỏ, diện tích chỉ lớn hơn nhà xí ở bến tàu một chút, nhưng xây lên tận hai tầng. Nơi đây quay lưng vào núi, hai mặt cách nhau một con đường nhỏ, cỏ và cây dại mọc như rừng, chưa nói đến đêm, kể cả giữa thanh thiên bạch nhật có người đi qua, nếu không nhìn kỹ cũng khó phát hiện ra ở đây còn có một căn nhà.

Người đàn ông ngồi bất động trên chiếc ghế cũ ký phía cuối con đường, lưng dựa lên cánh cửa ra vào đóng chặt, vẻ sầu não ảm đạm. Lão vừa dốc nốt giọt rượu cuối cùng trong bình vào miệng. Rượu ngon, tiếc là không đủ khiến lão say. Lão cảm thấy đầu nặng trinh trịch, như thể có người đang chọc máy khoan vào đó. Mỗi mũi khoan giáng xuống, lại như một kẻ thì thầm khích bác “Mấy con đàn bà ấy chẳng coi mày ra gì”. Lão muốn hét thật to, nhưng cái im lặng kéo dài gần hai mươi năm đã khiến lão đánh mất đi cái bản năng phát tiết. Hận lắm, giận lắm, nhưng không thành hình thành tiếng được. Mối căm thù của lão rạp dưới đất, như con rắn ẩn mình giữa đồng cỏ.

Từ chỗ lão ngồi có thể quan sát rõ động tĩnh trước mặt, là vị trí canh gác lý tưởng. Đáng lẽ lão nên tập trung cao độ mới phải, đây suy cho cùng là chuyện lớn gan nhất mà cả đời lão từng làm. Nhưng có ai tới đâu nào? Tên cầm đầu chê cười lão, anh em thì coi lão như phân chó. Lão phải tự đào cái hố to mà rúc vào: có lẽ cả đời này lão vẫn luôn ở dưới đáy hố sâu, chưa bao giờ dám bò lên.

Đ ột nhiên, lão nghe thấy tiếng chân ai đó lướt trên thảm cỏ. Chúng nó đổi ý rồi ư? Không có đèn, lão bèn bật đèn pin lia qua lia lại hai lượt. Trong quầng sáng nhỏ hẹp, hiện ra một gương mặt mà lão có nằm mơ cũng không ngờ lại xuất hiện ở nơi này.

Dưới ánh đèn trắng ởn, gương mặt đó trông càng nhợt nhạt chẳng có chút huyết sắc. Kẻ lạ lấy tay che mặt vẻ kinh sợ, nhưng không chạy trốn.

“Mày! Sao mày lại đến đây?” Thình lình lão bật dậy, nhưng rượu vào, bước chân loạng choạng, cả thân người lão lắc lư, ánh sáng phát ra từ đèn pin tán ra loạn xạ.

Con bé dường như cũng đang gắng hết sức nhìn cho rõ. Nó bước từng bước lại gần, cuối cùng dừng lại ngay cuối con đường ngắn ngủn.

“Anh ấy còn sống không?” giọng nói của nó khô khốc, như thể bị treo bên bờ vực tuyệt vọng. Lạ quá, cái câu nói này sao mà giống ngày xưa. Ngày ấy, một người phụ nữ khác, cũng bằng giọng điệu kia, cũng sự tuyệt vọng kia, đã hỏi lão một câu y hệt. Lão lú lẫn mất rồi.

“Mày bảo ai? Tao đang hỏi mày đến đây làm gì?” Lão gầm giọng quát, chợt nhận ra giọng nói của mình đang run rẩy y như cột sáng đèn pin, “Mày theo dõi tao đấy à?”

Không nhận được câu trả lời mình cần, nó bắt đầu chầm chậm đi vào nhà.

“Bố nói trước đi, anh ấy còn sống không?” Nó hỏi lại lần nữa, cứ như xung quanh chẳng còn gì quan trọng, nó chỉ quan tâm duy nhất điều đó thôi.

Phương Học Nông điên tiết, “Nó là cái thá gì, đứa con hoang chết yểu ấy quan trọng đến thế? Biết thế ông đã đồng ý khử mẹ cho rồi. Nó chết, chuyện nào chuyện nấy đều gọn gàng sạch sẽ.”

Vẻ mặt Phương Đăng giãn ra như trút được gánh nặng. Ít nhất cậu còn sống, mọi chuyện còn có cơ xoay chuyển.

Nó hỏi cha: “Sao bố lại làm thế? Bố có biết bố đang làm gì không?”

“Mày đừng qua đây.” Phương Học Nông rảo hai bước quanh chiếu nghỉ, trông lão dữ tợn như một con thú cùng đường, “Biết vậy tao đã xọc một nhát cho xong, họ Phó rặt là tai họa. Chúng nó không xứng được sống sung sướng. Muốn giữ mạng thì nộp hết gia sản ra, tao sẽ lấy cái gì tao đáng được hưởng chứ.”

“Trước con tưởng bố chỉ là đồ hèn nhát, ai ngờ giờ bố lại điên cuồng thế này.”

“Mày đứng im, bước tới bước nữa tao đâm nó chết tươi.”

Phương Đăng đứng lại trên hai bậc cuối cùng của cầu thang, chỉ cách phạm vi ra tay của Phương Học Nông đúng một bước chân. Nó ngẩng lên nhìn cha, nói bằng giọng cầu xin.

“Bố, bố thả anh ấy ra đi. Nếu vẫn không tìm thấy cậu chủ, già Thôi thể nào cũng báo cảnh sát, đến lúc đó bố hối hận đã muộn.”

“Thằng già dám! Con rùa già sắp chết ấy mà dám báo cảnh sát, tao sẽ liều cái mạng này, nó cứ tha hồ mà chờ hốt xác chủ. Tao đã bảo không được cử động cơ mà!” Phương Học Nông cứng họng quát, nhưng rõ ràng bên trong lão đang run sợ. Hoặc có lẽ tiếng “bố” của Phương Đăng khiến lão rúng động. Lão trỏ về phía trước nói: “Mày về ngay, chuyện này không liên quan gì đến mày.”

“Sao lại không liên quan? Con xông vào, bố cứ giả vờ làm lơ đi để con cứu người ra ngoài, anh ấy sẽ nể tình mà đồng ý không làm to chuyện, như thế bố còn có đường thoát.”

“Tao cần nó mở đường cho tao thoát á? Bây giờ nó mới là người phải quỳ xuống xin tha! Nhóc con, nghe lời bố, đừng để bị nó hớp hồn, rồi lại giống cô mày thôi, cả lò nhà chugns nó chẳng tốt lành gì đâu….”

“Bố thì tốt lành chắc? Bố xem bố đang làm gì thế này, cô Chu Nhan mà biết chắc chắn sẽ hận bố đến chết thì thôi!” Phương Đăng rơm rớm nước mắt.

Cột sáng phát ra từ đèn pin hoa lên dữ dội: “Chúng mày thì biết cái gì? Tao làm thế này vì chúng mày cả đấy. Còn cái đời tao có hy vọng gì nữa đâu? Ừ tao nhu nhược, chúng mày khinh tao. Nhưng tao sống vì ai? Tao cố khoắng món này để dành mua quan tài chắc? Hồi con Nhan còn sống tao không để nó được đầy đủ thì đành thôi. Chuyến này trót lọt, mày sẽ có một món phòng thân, sẽ được sống đàng hoàng ra người ra ngợm, đỡ phải trách móc bố mẹ chưa làm gì được cho mày!”

Thứ lý lẽ hoang đường kia khiến Phương Đăng tức điên, nó vừa khóc vừa gào lên, “Con thèm vào thứ tiền này! Cô Chu Nhan đi rồi, xương cốt ra tro cả rồi. Bố còn bảo làm thế này vì cô à? Thế hồi cô còn sống bố làm gì thế? Trong kia đang nhốt ai bố biết không? Anh ấy là con của cô, là cháu ruột của bố đấy!”

“Tào lao, nó không phải!” Phương Học Nông mắt long lên, thở dốc: “Tao đã bảo bó là đồ con hoang, là đồ nghiệt chủng!”

“Bố có ghét bỏ, thì anh ta cũng là con của em gái bố. Mở cửa ra, thả anh ấy ra.”

Phương Học Nông há miệng ra lại ngậm vào, cuối cùng nghiến răng nói: “Đứa trẻ cô mày đẻ ra chết ngay lúc mới sinh rồi. Còn thằng ranh trong kia chẳng qua là đồ con hoang, bị vứt trước cửa cô nhi viện. Nếu không phải sợ cô mày lúc ấy không chịu nổi, tao còn lâu mới nhặt nó về! Đó là chuyện tao hối hận nhất. Nếu biết có con rồi thằng súc sinh Phó Duy Nhẫn vẫn đuổi con Nhan đi, thì tao đã để thằng nghiệt chủng kia chết cóng ngay đêm ấy, bây giờ chúng bây đỡ thành oan gia!”

Phương Đăng bị câu chuyện khủng khiếp kia làm cho sợ cứng người, lưng dựa vào cánh cửa bất động. Nhất thời nó quên mất phải tìm cách mở cửa ra.

“Bố điên thật rồi.” Nó không tin vào tai mình.

“Tao tỉnh hơn mấy con đàn bà chúng bây. Cô mày ngu, mày cũng ngu. Cứ tưởng trên người các anh công tử dát đầy vàng. Phó Duy Nhẫn còn có chút dòng dõi quý tộc, cái thứ trong kia thì chả liên quan. Chỉ là cục thịt bị vứt ở đầu đường xó chợ thôi! Tao đã hứa với cô mày suốt đời không bao giờ nhắc đến chuyện này nữa. Cho nên nó mới được ở nhà cao cửa rộng, cứ tưởng mình dòng dõi thế gia, khiến mày như con mất hồn. Nhưng bây giờ thì hết rồi, mấy vị thân thích hờ lắm tiền chắc đã tỏ tường gốc gác mờ ám của nó. Nếu không sao biết nó bị bắt cóc, mà chúng chẳng chịu xì ra một xu, mặc nó ở đây chết cũng được sống cũng được!”

“Bố nói dối, nói dối…” Cả người Phương Đăng mềm nhũn, giọng nói trở nên mảnh mai như sợi tơ. Chẳng nhẽ đây chính là lý do hai người đàn ông kia giữa chừng bỏ đi?

“Không tin à. Để tao nói cho mà nghe, con trai của cô mày năm đó do tao chính tay chôn dưới cây đa phía sau trường tập bắn. Trước khi chết con Nhan xin tao đem tro cốt mình rải ra đấy. Nhưng tao không nghe, nó ngu lắm, cái thằng họ Phó đã hủy hoại cả đời nó. Nó chết tao phải đem nó tránh khỏi lũ ấy càng xa càng tốt… Mày cũng tránh cho xa ra, nếu không kết cuộc sẽ giống cô mày thôi.”

“Con không cần biết, bố thả anh ấy ra!” Phương Đăng sực tỉnh, lao đến lần khắp người cha tìm chìa khóa, bị lão gạt phăng, lưng đập mạnh vào cửa.

“Chìa khóa đâu? … Bố tha cho người ta đi. Cho dù anh ấy không phải con ruột của cô, thì cũng là một con người đang sống sờ sờ ra đó. Anh ấy đã làm chuyện gì hại đến bố đâu.” Nó không bỏ cuộc, túm lấy tay Phương Học Nông không chịu buông.

“Thả thế nào được? Tao tưởng hốt được một món hời, ít nhiều xứng công ngày xưa tao bế nó vào cho cô mày, cho nó được ăn sung mặc sướng mười mấy năm liền. Ai ngờ cái thằng con hoang này chẳng đáng xu nào, để lại cho ông mày một mớ bòng bong. Đám người sống trong cái nhà quái quỷ ấy chẳng ra sao, nó chẳng máu mủ gì với chúng, mà lòng dạ thì tối tăm y hệt. Thả nó ra, tao cũng hết đường sống. Đã thế cá chết lưới rách, mày cũng thoát được dây oan”, Phương Học Nông nghiến răng kèn kẹt, muốn vùng ra.

“Không được, con nói rồi, bố phải cùng con cứu…”

“Cứ nó? Mày chẳng bảo tao nhu nhược còn gì. Cuộc đời tao đặt cược cả vào ván này. Tao chẳng cứu đứa nào hết, không có tiền thì thôi, cùng lắm ôm nhau chết chung! Bỏ tay ra! Không tao đánh chết mày bây giờ?” Phương Đăng cũng là đứa khỏe, lão Phương Học Nông phải hơi rượu, nhất thời không thoát ra nổi. Cái đèn pin rơi xuống đất, lão gào như điên: “Mày mà không cút đi là tao vào giết nó ngay đây!”

“Được thôi, muốn chết thì tất cả cùng chết chung!” Phương Đăng tuyệt vọng giơ bình rượu không ban nãy bị Phương Học Nông ném ra đất lên dứ dứ, “Con nhắc lại lần nữa, thả anh ấy ra!”

“Nó là cái gì của mày?” Chiếc đèn pin lăn lông lốc trên đất phản chiếu lên, khiến hai gương mặt méo mó như ma quỷ. Phương Học Nông thò tay ra nắm lấy tay con gái, chỉ thẳng vào mặt nó quát: “Còn tao là gì của mày, hả? Mày đê tiện từ trong trứng nước rồi, mày đánh đi! Ông mày không muốn sống nữa từ lâu rồi!”

“Mở cửa ra!” Phương Đăng không lùi lại được, nó thét lên, âm thanh chói tai đến độ chính nó cũng không nhận ra.

Phương Học Nông vằn mắt lên, lão tiến thêm một bước, hơi rượu nóng hừng hực từ miệng lão phả thẳng vào mặt Phương Đăng, “Mày dám? Mày làm đi, bây giờ mày không giết tao thì tao giết mày, cái loại mặt trơ trán….”

Phương Đăng giơ tay lên, cái bình rượu rỗng không vỡ vụn trên đầu lão ma men, chỉ nghe “xoảng” một tiếng nặng trĩu. Phương Học Nông ngây ra một lúc, đưa tay sờ lên đỉnh đầu, cứ như vẫn chưa thể tin được. Ngón tay lão chạm phải một thứ chất lỏng đặc sánh, dấp dính. Lão như phát điên, rống lên một tiếng, lao vào Phương Đăng. Nó dùng hết sức bình sinh đẩy lão ra. Lảo đảo rồi hụt chân, lão ngã ra cầu thang, may chưa lăn một mạch xuống tầng trệt. Lão nằm bệt ra bậc thềm lưng chừng cầu thang, lưng tựa vào tường thở hồng hộc ra từng hơi nặng nhọc, trong chốc lát không thể nhúc nhích được nữa.

Phương Đăng sững người, chai rượu vỡ một nửa đánh rơi xuống đất. Nó nhặt cây đèn pin lên, vừa bần thần vừa hoảng hốt định chạy đến xem vết thương cho cha, Phương Học Nông nhấc cánh tay mềm nhũn ngăn lại. Lão chửi rủa nó bằng những lời lẽ khó nghe nhất, định bò dậy nhưng không cách nào nhấc nổi người. Phương Đăng lục được chùm chìa khóa móc bên thắt lưng cha, nhân lúc lão nửa tỉnh nửa mê, bèn tháo lấy, lập cập tra từng chiếc vào ổ.

Tạ ơn trời đất, chùm chìa khóa của Phương Học Nông chỉ có vài cái, trừ ra hai chiếc dùng ở nhà thì chỉ còn mấy chiếc nữa. Tim Phương Đăng đập thình thịch như sấm nổi, nghe rõ một tiếng “cạch” vang lên, bèn vội vã vặn cửa bước vào, dùng đèn pin quét quanh phòng.

Đó là một căn phòng chật hẹp chưa đến mười lăm mét vuông, không rõ trước đây được dùng làm gì, lúc này bốn bề trống không. Ngoại trừ một bó rơm dưới đất, mấy hộp cơm vứt chỏng chơ, còn có một người bị trói vào ghế ngồi trong góc tường.

Vừa nhìn thấy Phó Kính Thù, nước mắt Phương Đăng chảy ra ròng ròng, nó không buồn lau, cứ thế dò dẫm lao đến trong làn nước mắt. Xé vội miếng băng dính trên miệng hắn, nó ngồi xuống loay hoay tháo tiếp sợi dây trói tay.

Đôi tay Phó Kính Thù bị trói gô ra sau bằng một cuộn dây thừng thô ráp, cổ tay bị cứa bê bết máu. Phương Đăng dùng hết sức bình sinh, nhưng sợi dây trói thắt nút chặt lạ thường, nó lại không mang theo vật gì sắc bén. Vừa nghiến răng cởi dây, nó vừa thi thoảng soi đèn ra cửa canh chừng. Cuối cùng sau một phút, sợi dây thừng đã lỏng ra. Đúng lúc đó, ánh sáng chiếc đèn pin rọi ra phía cửa bỗng nhiên bị vật gì che lấp. Phương Học Nông ôm đầu, loạng choạng bước vào.

Những tiếng lẩm bẩm từ miệng lão vang lên liên miên bất tuyệt, hết “Thằng nghiệt chủng” lại tới “con đĩ con”. Phương Đăng dốc hết sức kéo sợi dây một cái, Phó Kính Thù cũng thuận thế vùng ra, nửa thân trên coi như thoát khỏi bị trói. Phương Học Nông thấy thế, vội vã lao vào, trên tay khư khư chia rượu vỡ một nửa.

Hai chân Phó Kính Thù bị trói chặt vào chân ghế, cậu nghiêng mình tránh, cả người lẫn ghế đổ sập xuống đất. Phương Đăng tức thời từ đằng sau lao tới ôm eo, giữ chặt lấy cha mình.

“Bố, đừng thế nữa, người làm bố bị thương là con, bố tha người ta đi.”

Không biết Phương Học Nông lấy đâu ra sức lực lớn đến thế. Vết máu thấm đẫm nửa mặt lão đang dần quánh lại. Cổ họng lão toàn đờm, phát ra thứ âm thanh khàn đục, trong lúc hỗn loạn Phương Đăng chỉ nghe thấy: “… Nó một lòng một dạ yêu mày, cứ tưởng đứa con sẽ giữ được mày lại… Mày lại dám bảo nó vụng trộm… Đến chết nó vẫn hỏi tao, cuộc đời nó sao lại đến nông nỗi… Ai trả lời giúp tao xem…. Mày xuống dưới ấy phải làm trâu làm ngựa cho nó mới đáng tội…”

Trông lão có vẻ không phân biệt được người trước mặt rốt cuộc là ai nữa. Phương Đăng sức yếu, bị lão kéo lê về phía Phó Kính Thù.

“Bố tỉnh lại đi, đó không phải Phó Duy Nhẫn. Con đưa bố đi bệnh viện, bố tha cho anh ấy đi được không?”

Phương Học Nông như thể bị ma nhập, không mảy may phản ứng nào.

Phó Kính Thù nằm trên đất, cong người gắng sức thoát khỏi sợi dây trói chân. Trước khi Phương Học Nông kịp giáng cái bình vỡ xuống, Phương Đăng lách tới chắn giữa hai người. định đẩy Phương Học Nông ra.

Phương Học Nông bỗng nhìn đăm đăm vào mặt nó.

“Chuyện gì làm được anh đều làm cho em cả, anh không lừa em đâu. Đứa bé chết đi, anh không muốn em đau lòng, mới tìm một đứa khác mang đến. Anh biết em muốn nó ở lại bên em và đứa nhỏ… Em bảo anh đưa em rời khỏi đảo Qua Âm, bảo anh không bao giờ nói ra đứa trẻ kia không phải máu mủ nhà họ Phó… Anh đều tận tâm tận lực làm vì em. Anh là đồ vô dụng, phế vật, anh chỉ làm được đến thế…. Em nghĩ cho người ta, có ai nghĩ cho em?”

“Em biết mà, em biết mà”, Phương Đăng không dám làm căng, hy vọng có thể cầm cự cho người phía sau thêm chút thời gian.

“Chu Nhan, giờ em còn coi thường anh không?”, Phương Học Nông thở mạnh, vẫn chỉ chú ý vào Phương Đăng.

Phó Kính Thù gần gỡ được dây trói dưới chân, gắng ngồi gượng dậy. Trước đó cậu đã bị trói trên ghế gần một ngày một đêm, chẳng được giọt nước nào vào miệng, cả người không thể cử động, giờ đây chân tay tê cứng như chân tay người khác. Phương Học Nông nghe động, liền đẩy Phương Đăng ra.

“Phó Thất, chạy mau.”

Phương Đăng định cản cha lại, liền bị Phương Học Nông nắm cổ gí lên tường, đưa cái chai vỡ sắc nhọn kề vào cổ.

“Mày không phải Chu Nhan! Con đĩ con ăn cây táo rào cây sung, tưởng ông không dám làm gì mày à.” Vẻ mặt Phương Học Nông dữ tợn, bàn tay cầm chai siết thật chặt.

Phó Kính Thù không thể bỏ mặc Phương Đăng mà chạy, quơ lấy cái ghế mục đập thẳng vào lưng Phương Học Nông, muốn lão phải dừng tay.

“Ông nói láo!” Phó Kính Thù thét lên, “Đồ bịp bợm, ăn nói lung tung!”

Dù vừa thoát thân, đứng còn chưa vững, nhưng sức lực Phó Kính Thù giáng xuống không hề nhỏ. Phương Học Nông rên lên một tiếng, tay vẫn không chịu buông. Phương Đăng thấy Phó Kính Thù giơ cái ghế lên lần nữa, liền thét lên van xin: “Ông ấy điên rồi! Anh mau đi đi, còn đồng bọn của ông ấy nữa!”

Phó Kính Thù do dự một lát, quăng cái ghế sang một bên, định tay không lôi Phương Học Nông ra. Phương Học Nông đánh chết cũng không chịu buông, Phương Đăng cảm thấy cổ đau nhói, trong lòng biết cái bình vỡ sắc như dao kia có thể cứa đứt cổ họng mình như chơi. Mũi nó xộc lên toàn mùi máu tanh, không rõ của cha hay của mình. Cái đầu trống rỗng của nó có một giây lóe lên suy nghĩ hoang đường rằng, người đàn ông này có lẽ là cha ruột của nó thật, nếu không sao mùi máu lại giống nhau đến thế.

Không rõ vì sao, vào khoảnh khắc máu trên cổ Phương Đăng nhỉ ra, lỗ miệng lởm chởm nhọn hoắt của mình rượu vỡ bỗng buông lỏng. Phương Đăng thừa cơ đẩy mạnh một cái, Phó Kính Thù phía trước đồng thời nắm lấy cánh tay Phương Học Nông lôi ra. Trong lúc hỗn loạn, Phương Học Nông té nhào ra đất, xác thịt ngồn ngộn va chạm với mặt đất sũng bùn, gây ra một tiếng “bịch” nặng nề. Không thấy lão động đậy gì nữa.

“Em có sao không?” Phó Kính Thù nhặt đèn pin soi vào vết thương trên cổ Phương Đăng.

Phương Đăng giữ rịt chỗ đau, máu ra không nhiều như nó tưởng, có lẽ không chạm tới động mạch.

“Chưa chết được đâu.” Nó thất thần đáp, gỡ tay Phó Kính Thù ra, không rõ kinh ngạc hay hoảng hốt, bước tới chỗ Phương Học Nông.

Phó Kính Thù kéo Phương Đăng ra, cảnh giác tự mình cúi xuống, chậm chạp kéo bả vai Phương Học Nông lật người lão lại. Phương Đăng bỗng bịt miệng thét lên một tiếng. Phó Kính Thù bất giác thở ra. Cái bình rượu vỡ đã cắm vào cổ Phương Học Nông tự lúc nào. MẶt đất lênh láng máu, Phương Học Nông co giật vài cái, rồi dần bất động.

Hai con người trẻ tuổi hoàn toàn bị cảnh tượng trước mắt làm cho kinh ngạc đến đờ người. Cả hai sững sờ đứng đó, quên cả chạy trốn, cũng không cất tiếng kêu cứu. Lúc này tất cả đều vô dụng. Những giọt nước mắt trên mặt Phương Đăng đã bị không khí lạnh lẽo thổi khô từ lâu. Nó cứ như quên hết mọi thứ xung quanh, chỉ cảm giác được duy nhất bàn tay lạnh lẽo của lão, bàn tay vẫn nắm chặt lấy nó. Như thể người này là chỗ dựa duy nhất cho người kia, như thể từ trước đến giờ hai người họ chỉ có đối phương mà thôi.

“Đi mau.” Phó Kính Thù sực tỉnh, nhận ra nơi này không thể ở lâu, chưa biết chừng đồng bọn của Phương Học Nông sắp sửa quay lại.

Phương Đăng bị lôi ra khỏi ngôi nhà nhỏ. Mọi chuyện vừa xảy ra cứ như cơn ác mộng. Hai đứa men theo con đường nhỏ vượt dốc, lại chạy như điên qua vịnh nước hoang vu. Đảo Qua Âm của đêm, tĩnh lặng và an lành, đang chờ chúng ở phía trước.

Khi Phương Đăng và Phó Kính Thù chạy đến ngọn đèn sáng đầu tiên gặp được bên đường, chúng phát hiện tối nay đảo Qua Âm chăng đèn kết hoa, con đường cái trung tâm đảo người người đi lại như mắc cửi. Đèn đuốc sáng trưng như ban ngày, nụ cười trên mặt mọi người và những lồng đèn đỏ treo trên các mái hiên vẽ ra một không khí náo nhiệt và hân hoan. Hai đứa quên bẵng đi, hôm nay là Tết, một năm mới đã bắt đầu.

Những hàng bán rong đêm đầu năm ném về phía hai đứa cái nhìn sửng sốt. Chúng không hẹn mà cùng ngoái đầu nhìn về nơi mình vừa liều mạng xông ra, mới phát hiện bóng tối ở cõi địa ngục trần gian đó so với khung cảnh náo nhiệt ấm áp tràn trề sức sống trước mắt không xa xôi như chúng tưởng. Phóng tầm mắt ra khỏi đám đèn đuốc nhỏ nhoi này, chúng thấy biển, biển đêm tối đen như mực vô bờ vô bến.

Chúng thoát rồi ư? Hay chỉ vừa đặt chân lên một con đường xa lạ dài đằng đẵng?

Chúng đã sống. Vậy thứ vĩnh viễn vùi chôn sau lưng kia là gì?

Chúng từ đâu đến, và sẽ đi về đâu?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.