Khi nguyên chai nước rơi tọt vào bụng, cô hít hà trong cơn “phê” của ớt. Thầm hối hận vì lúc nãy đã trót bỏ hai muỗng ớt, thế là nguyên cả nồi mì tôm đành cho vào thùng rác.
“AAAAAAAAAAAAAA”. Tiếng hét quen thuộc đột nhiên vang lên thất thanh phía dưới nhà.
Bạch Quỳnh giật mình chạy nhanh xuống, đã bảy giờ tối rồi còn khách khứa nào nữa đâu mà Diễm Trinh kia hét toáng thế kia. Thường thì con mụ kia hay hét lên khi thấy mấy anh to con bặm trợn, nhưng giờ đâu còn lịch hẹn nữa. Bạch Quỳnh nghe theo tiếng hét mà chạy vào phòng của tên nhân viên mới vào làm.
Vừa bước vào phòng tắm, khói bốc nghi ngút. Bạch Quỳnh nhìn thấy Diễm Trinh đang nằm dưới sàn nhà, ánh mắt ngạc nhiên nhìn vào cái con người đang thả mình trong buồng nước đầy và… khỏa thân, nhưng may làm sao, bọt xà phòng đã che được những chỗ cần che.
“Chảo… Chảo…”. Con mụ run run nhìn cô, ngón tay chỉ về “cái thứ” đang nghiễm nhiên… chà đất trên bắp tay, miệng còn lẩm bẩm hát như không hề có chuyện gì.
“À, chào bạn, mình đây tên Vũ Thịnh, con trai của ông Me bà Ớt, rất vui gặp bạn”. Vũ Thịnh đưa bàn tay đầy bọt xà phòng ra tươi cười nhìn Diễm Trinh.
Diễm Trinh ngớ người, hai tay bịt mắt lại.
“Tại sao cậu ta dùng phòng này sao không nói cho tao chứ”. Diễm Trinh xấu hổ trách móc Bạch Quỳnh. Cô gãi đầu.
“Ơ… tao chưa kịp nói đấy chứ”.
Nói đoạn Bạch Quỳnh như nhớ ra, liếc xéo con mụ.
“Mày lại uống bia phải không?”.
“Tao… không có”. Diễm Trinh chối phắt.
“Mày đừng có cãi, chỉ có lúc uống bia mày mới chẳng dám lên dùng phòng vệ sinh trên đấy thôi, đừng có mà làm con sâu bia đấy, tao chúa ghét”. Bạch Quỳnh có chút tức giận.
“Thì biết mày ghét nên tao mới ở đây để cho hết mùi ấy chứ vậy mà thằng…”.
Diễm Trinh chưa dứt lời, Vũ Thịnh đột nhiên nhớ ra, la làng như cháy nhà.
“Tại sao các người lại ở đây cãi nhau trong lúc tôi đây đang tắm chứ… không chịu đâu”. Vũ Thịnh õng ẹo vẻ con gái. “Hay là… muốn tắm cùng mình”. Cậu ta gian manh nhìn hai cô gái.
“DẸP”. Bạch Quỳnh và Diễm Trinh đồng thanh nói, hai cô nghoảnh đít bước ra khỏi phòng tắm mặc tên con trai kia vẫn còn chưa hết chưng hửng.
Rồi cậu ta tiến đến bếp nhỏ, lấy cái bát và ra ngồi ăn cùng như thể hai cô gái đang ngồi ở kia vô hình.
“Oa, mì… ngon… quá”. Cậu ta vừa nhai vừa nói.
“Ai cho ăn đấy”. Diễm Trinh liếc xéo Vũ Thịnh, cậu ta vẫn nghiễm nhiên ăn, nhe răng cười để lộ cái răng khểnh không hề vô duyên ra.
“Hì, tớ đây ăn chung có tổn thất bao nhiêu đâu”.
“Lương trừ vào mỗi tháng hai trăm tiền mì”. Bạch Quỳnh nãy giờ im lặng, nhưng một khi đã lên tiếng thì kẻ vô duyên kia tắt ngay nụ cười.
“Cái gì mà hai trăm chứ, lương đã thấp nay còn…”. Vũ Thịnh lẩm bẩm trong uất ức.
“Tính thêm tiền…”. Bạch Quỳnh đưa ngón tay lên định cố tìm cớ trừ tiền thằng điên trước mắt cho bỏ ghét, nhưng nghe đến đây, cậu ta giẩy nẩy.
“Được rồi, hai trăm thì hai trăm”. Mặc dù rất ức nhưng cố gắng nuốt cục tức vào bụng, Vũ Thịnh tiếp tục ăn mì khi Diễm Trinh cười khú khích bên cạnh.
Ngày này của vạn năm trước, của vài chục thập kỉ trước, của… à mà thôi. Nói trắng bà nó ra là lúc Bạch Quỳnh còn một tuổi rưỡi, mà cái tuổi rưỡi này không phải tầm thường à nha. Lúc này mẹ Nhàn đang chiên tôm bọc bột trong bếp thì bé con ta đang chơi đồ hàng ngoài thềm nhà. Đang hăng máu khí thế “bán” bánh kẹp cho khách là hai em búp bê đang ngồi chễm chệ đằng kia, Bạch Quỳnh ta đột nhiên giật mình khi thằng cu nào đó lồm lồm bò vào. Dù chỉ mới biết bò mà thằng cu kia vẻ hùng hổ lắm, thấy con bé chơi vui muốn chơi cùng. Mà Bạch Quỳnh lại chúa ghét con nguời “phàm trần”. Theo như lời mẹ Nhàn dặn rằng “con mà chơi với “con người” thì con sẽ gây họa cho họ”. Cũng bởi lẽ từ lúc sinh ra, Bạch Quỳnh đã có trong mình dòng máu “phi thường”.
Ấy vậy mà thằng cu kia không chịu hiểu, cứ vồ vào mà cầm mấy cái bánh kẹp giả bằng nhựa. Bực mình vì không muốn làm hại “con người” như mẹ đã dặn, cô đấy ngã thằng kia, với một lực nhẹ như xua con ruồi đi. Vậy mà nó ngã chỏng gọng. Vậy là thằng cu tức lắm, bò về nhà mà cầm theo cái chảo từ đâu của mẹ nó.
“BANG”. Thằng cu hách dịch phang nguyên cái chảo vào đầu Bạch Quỳnh. Nó ngã ngửa cười lớn, vẻ thõa mãn lắm. Nhưng đợi mãi mà con bé không khóc, nó nhìn lại cái chảo. Cái chảo đã… móp một bên. Thằng cu sợ hãi ré lên khóc, còn Bạch Quỳnh ta chỉ lặng lẽ giật lại cái chảo móp rồi lặng lẽ bò vào nhà. Để mọi chuyện mà lộ ra thì toi.
Thế là cứ mỗi lần gặp con bé, thằng cu kia mặc dù chỉ mới nói lắp bắp, nhưng nếu nhìn thấy cái đầu của Bạch Quỳnh, nó hoảng sợ nói thành chữ.
“Chảo… chảo…”.
Mẹ thằng cu kia nghe vậy mừng lắm, khen.
“Ôi, con mẹ giỏi quá, còn biết đặt tên cho bạn nữa kia, chị Nhàn ơi, sao thằng Tôm nhà tôi nó cứ gọi con bé Quỳnh là Chảo không à, hay mình lấy tên đó làm tên riêng cho nó luôn nhé”.
Vậy là, từ đó cái tên Chảo ra đời. Lớn thêm chút nữa, thằng cu Tôm mấy lần bị Chảo ta đánh cho bầm dập vì tội hay chủi nó là đồ… cái chảo. Nhưng không ngờ nó vẫn không sợ, còn tiếp tục đi nói cho “giới giang hồ” trẻ con hồi ấy rằng Chảo đáng sợ lắm, ghê gớm lắm.
Cơ mà nhờ vậy, suốt mấy mươi năm sống ở đất phàm, cô lại trở thành một tên đáng gờm, “Chảo”, nghe đến ai cũng khiếp sợ.
Sự thật thì dài dòng vậy, cơ mà con mụ Diễm Trinh kia không hề dám nói sự thật.
“Này nhé, nó có tên Chảo vì từ lúc nhỏ, nó hay bê cái chảo của mẹ nó đi phang mấy đứa hàng xóm đấy, ghê chưa”. Diễm Trinh kể.