Ngược Về Thời Minh

Chương 139-2: Trường Can Hành(tt)



Về phần Lý Quý, sau khi hay tin Mạc Thanh Hà đã chết, mất đi chỗ dựa cuối cùng hắn đành ngoan ngoãn cung khai tất cả, có điều khẩu cung của hắn đã không còn quan trọng nữa. Có những bằng chứng rõ ràng như Mạc Thanh Hà mưu sát khâm sai nên đã bị giết tại chỗ, phát hiện hàng đống xương trắng trong Phật đường, … đã đủ để trừ tận gốc thế lực Mạc Thanh Hà, không lưu lại một chút hậu họa nào.

Thấy cục diện Giang Nam đã ổn định, lúc này Dương Lăng mới hoàn toàn yên tâm. Hiện giờ người y phái về kinh dò thám động tĩnh trong triều đình vẫn chưa truyền tin về, y bèn ghi tỉ mỉ những chuyện xảy ra ở Giang Nam sai người đưa tin về kinh thành lần nữa, thưa rõ với hoàng đế Chính Đức rằng mình sẽ đi Kim Lăng trước, chọn bổ sung hai thuế giám xong rồi sẽ lập tức về kinh. Đồng thời y căn dặn người đưa tin sau khi về kinh nếu có bất kỳ động tĩnh gì cũng đều phải bẩm báo lại ngay.

Thu xếp mọi thứ xong xuôi, lúc Dương Lăng đang chuẩn bị lên đường đến Kim Lăng thì vị phu nhân Tiểu Lâu nhiều ngày không xuất hiện nọ bỗng lại lộ diện, xin cầu kiến khâm sai đại nhân. Dương Lăng sắp rời Mạc phủ nên cũng đang định gặp qua Mạc phu nhân, nghe nói nàng ta đến bèn vội nghênh đón vào phòng.

Tiểu Lâu lả lướt bước vào, cúi người thi lễ Dương Lăng. Hôm nay nàng ta mặc một bộ đồ bằng lụa gấm màu đen, mái tóc mượt mà đen nhánh chỉ cài một chiếc trâm bạch ngọc càng làm tôn thêm khuôn mặt tươi sáng và làn da như tuyết, nõn nà như vải tươi.

Bước chân nàng ta vốn nhẹ nhàng uyển chuyển, dáng đi như phiêu du trên sóng, như lăng ba vi bộ không nhiễm bụi trần. Nhớ đến hình ảnh nàng ta đạp cỏ trong mưa, duyên dáng ngó quanh lúc y mới đến Mạc phủ lần đầu, Dương Lăng không khỏi cảm thấy hơi ảo nảo: tuy rằng Mạc Thành Hà đáng tội chết nhưng hết thảy cũng đều do mình đến đây nên mới thành ra cớ sự như ngày hôm nay. Khi đó đón mình vào trong phủ, nhất định là Mạc Thanh Hà hoàn toàn không ngờ đến sẽ có ngày hôm nay. Nếu không nói đến công đạo thị phi, thiện ác đáo đầu thì mình thật sự có phần giống sao Quả Tạ (*).

(nguyên văn “tảo bả tinh”: sao chổi, ý mang điềm xấu)

Thấy Tiểu Lâu làm lễ với mình, Dương Lăng bèn đỡ hờ dậy, cười điềm đạm:

- Mời phu nhân ngồi. Vài hôm nữa bản quan sẽ phải lên đường, đi qua Kim Lăng để trở về kinh sư nên đang định đến chào từ biệt phu nhân.

Y vừa nói vừa vung tay về phía cửa gọi:

- Người đâu, dâng trà!

Lúc này Cao Văn Tâm đang thu thập dược liệu ở sau nhà nên không ở cạnh Dương Lăng. Đúng vậy, nàng đang thu thập dược liệu. Khâm sai đại nhân bị thương, thế thì quan viên, thân sĩ, danh sĩ địa phương đều phải bày tỏ thành ý một chút, phải không? Thế là các loại dược liệu ùn ùn không ngừng được đưa tới đủ để mở cả một hiệu thuốc, có điều chỉ có thể là một hiệu thuốc đặc biệt kỳ quặc thôi.

Những danh sĩ phú hào đó có ai biết về y thuật? Trong nhà cứ có dược liệu cổ quái nào tương đối hiếm thấy và có giá cao mà có thể mang ra biểu thị thành ý đều được sử dụng. Bọn họ chả quan tâm Dương Lăng bị thương chỗ nào, vướng phải bịnh gì, cho nên thuốc trị thương, thuốc bổ, thậm chí còn có cả xuân dược đều được mấy tay tài chủ địa phương dốt học mang đến tặng. Nói chung là muôn màu muôn vẻ, đa dạng đủ kiểu.

Trong mớ đó không thiếu những dược liệu trân quý hiếm thấy, dưới con mắt của thần y diệu thủ chân chính như Cao Văn Tâm, quả thực là có vô số "món vũ khí sắc bén" cầu được ước thấy. Nàng sao cam lòng để đám nha sai không thông thạo thu xếp loạn xạ cho được, thế là đành tự mình thu dọn.

Trong phòng khách chỉ có hai người, ngồi cách nhau bởi một chiếc bàn tròn. Hai người khẽ nghiêng mặt nhìn đối phương, ánh mắt vừa chạm nhau liền lập tức dời đi, vẻ mặt có phần lúng túng.

Hôm nay một mình trong phòng cùng với Tiểu Lâu, Dương Lăng chợt nhớ đến tình huống nàng lõa thân cám dỗ mình ngày ấy nên trong lòng không được thoải mái lắm. Tiểu Lâu cũng không hề giả vờ. Nếu đối diện với nàng là loại đàn ông dâm đãng vô sỉ thì nàng cũng sẽ không có gì phải cảm thấy lúng túng, nhưng hiện tại đối mặt với Dương Lăng, phàm là người còn có một chút liêm sỉ thì sao có thể thản nhiên như không được chứ?

Dương Lăng hai tay ôm gối, mắt dán về phía trước nói:

- Bản quan... ngày mai sẽ phải lên đường... Phủ đệ này là của cải bất nghĩa của Mạc Thanh Hà, cho nên... Một khi bản quan đi rồi, phủ Hàng Châu sẽ tịch biên luôn. Ờm... phu nhân đã có công tố giác với bản quan, cho bản quan biết được âm mưu hãm hại bản quan của Mạc Thanh Hà. Về tình về lý bản quan đều nên thu xếp chu đáo cho phu nhân rồi mới có thể đi. Không biết phu nhân có tính toán gì không?

Tiểu Lâu khẽ quay đầu sang, áo đen như màu tóc, cần cổ trắng mềm, trắng đến chói mắt. Nàng cười một tiếng hời hợt, khẽ đáp:

- Tiện thiếp còn phải đa tạ đại nhân quan tâm. Nhờ có lệnh của đại nhân, châu báu nữ trang và đồ trang điểm riêng tư của tiện thiếp mới không bị quan phủ tịch thu. Của cải tích góp... quả thật cũng được một con số không ít. Sau này... ha ha, nói chung không phải lo cơm ăn áo mặc là tốt rồi.

Lúc này có một nha sai đi vào, cũng không thèm dùng khay mà hai tay gã cầm hai chén trà đặt đại lên bàn, thưa:

- Mời xưởng đốc đại nhân dùng trà!

Nói xong, gã quay người đi ra luôn.

Thực ra không phải là gã bất kính với xưởng đốc, mà do những ông lính mù chữ này đều được điều từ bên Thần Cơ doanh qua, uống trà thì là uống trà, chứ có biết kiểu cách bên trong nó như thế nào đâu?

Dương Lăng thấy vậy thì dở mếu dở cười. Vừa mới nâng chén trà định làm động tác mời Tiểu Lâu thì chợt thấy dáng trang điểm nhạt, vẻ thanh cao của nàng, y liền nghĩ thầm: "Cô ta sẽ chịu chạm môi vào cái chén trà đã bị tên lính cầm ư?"

Ánh mắt Tiểu Lâu chợt loé lên. Nhìn thấy thần sắc của Dương Lăng, nàng không khỏi nhoẻn miệng cười, nhón lấy chén trà nhấp nhẹ một ngụm rồi bảo:

- Ha ha! Đại nhân đừng cho rằng tiện thiếp luôn ăn ngon mặc đẹp. Tiện thiếp đã từng ăn cơm thừa canh cặn của đám tửu khách ở lầu Xuân Vũ mười năm, thật sự không có nhiều quy củ như vậy đâu.

Dương Lăng thấy nàng không hề ngại ngùng nhắc lại những việc từng trải qua khi còn ở lầu xanh, tuy hình như là kể về những trải nghiệm thời thơ ấu chứ không phải là chuyện phong lưu ướt át một thời oanh liệt của nàng, nhưng y cũng không tiện bàn tiếp bèn "ờ" một tiếng rồi mượn cớ uống trà lảng tránh đề tài này.

Tiểu Lâu trộm liếc y. Hôm nay Dương Lăng mặc áo dài bằng lụa màu xanh thẫm, vạt áo và cổ thêu hình cây tùng, mái tóc đen mượt búi cao được thắt lại bằng dây lụa; mày đen mắt sáng, mày như tô mực. Dù là nàng là người lịch duyệt cũng hiếm khi gặp được nhân vật phong lưu như vậy, nàng không khỏi thầm khẽ thở dài: "Nếu như mình có thể trẻ thêm chục tuổi, lúc mới xuất đạo liền gặp được thiếu niên đắc chí, công tử văn nhã nhân phẩm xuất chúng như vậy, chắc hẳn đã tốt hơn nhiều nhỉ? Giờ thì...

Mình lớn hơn y sáu bảy tuổi, xuất thân thanh lâu đã đành, lại còn gả cho thái giám. Ngày đó mình dùng mỹ sắc dụ y nhưng y không mảy may rung động, tuy cũng vì do y kiêng kị Mạc Thanh Hà nhưng qua đó cũng có thể thấy được tầm mắt của y. Với thân phận của y, mình với tới được sao?”

Dương Lăng nhấp một ngụm trà, thấy nàng vẫn cầm chén trầm tư dường như có điều tâm sự bèn hỏi:

- Phu nhân đã tìm được chỗ ở chưa? Hôm nay cổng phủ có nha môn tri phủ trông coi, một khi bản quan đi rồi sợ rằng sẽ không thuận tiện ra vào nữa. Nếu như đã có chỗ ở mới, bản quan có thể sai người giúp phu nhân dọn đến.

Lúc này Tiểu Lâu mới sực nhớ mục đích đến đây của mình lần này, bèn vội đặt chén trà xuống cất giọng u uẩn:

- Tiện thiếp đến lần này chính là vì... chính vì việc này. Phủ Hàng Châu... tiện thiếp đã không thể yên ổn ở lại được nữa. Sau khi chuyện Mạc Thanh Hà ăn óc người lan truyền ra khắp nơi, dân chúng phố phường càng lúc càng ngoa truyền, giờ đây họ nói cứ như Mạc phủ là âm tào địa phủ không bằng.

Than ôi, trẻ Mạc Thanh Hà đem về đây đều là cô nhi, ngỗ tác nghiệm thi rõ ràng chỉ có ba mươi lăm bộ hài cốt, nhưng có mấy nhà mất con hiện nay đều một mực khẳng định là do Mạc phủ gây ra. Nếu không phải có quan phủ canh gác thì sớm đã có người xông vào phủ gây chuyện rồi.

Dương Lăng giật mình đánh thót. Loại hành vi như ác ma đó cũng đã khiến y căm ghét đến tận xương tủy. Nếu như Mạc Thanh Hà cả tin vào tà thuật, lầm nghĩ rằng ăn óc người có thể mọc lại dương cụ, vậy có phải Tiểu Lâu đã sớm biết chuyện này rồi không? Mạc Thanh Hà gây ra chuyện khiến cả người và trời đều căm phẫn như vậy, nhất định hết sức tin tưởng thứ tà thuật này. Vậy hắn sẽ giấu mà không đem khoe khoang với Tiểu Lâu sao?

Không hề đổi sắc mặt, Dương Lăng ung dung hớp một ngụm trà rồi khẽ thở dài:

- Đồng loại tương tàn, người ăn thịt người, thật sự là mới nghe lần đầu, đúng là khiến người và thần đều phẫn nộ à. Lúc bản quan nghe nói cũng sởn cả da gà. Trái lại phu nhân hiểu sâu biết rộng, thật sự đã điềm tĩnh hơn bản quan hơn nhiều.

Tiểu Lâu bật cười "phì" một tiếng, nói:

- Đại nhân đúng thật là văn nhân chỉ biết đọc sách thánh hiền, đương nhiên không thèm để ý đến những chuyện ghê rợn này rồi.

Tự cổ chí kim những chuyện này đâu phải là ít? Tạm khoan nói đến chuyện ăn thịt người để sinh tồn, Tề Hoàn công thời Xuân Thu là vua một nước, chỉ vì chán các món sơn hào hải vị mà ăn thịt trẻ con, lý do cũng chỉ để thoả mãn cho cái ham muốn của cái miệng mình. Người và thần đều căm phẫn ư? Thế mà ngay cả Khổng thánh nhân cũng khen ngợi Hoàn công là kẻ xứng đáng xưng bá chư hầu, khiến cho thiên hạ từ loạn đổi sang trị đấy.

Rồi nàng buông tiếng thở dài, nói tiếp:

- Thời mạt Tùy, Gia Cát Ngang và Cao Toản thi giàu, một kẻ thì giết đồng tử song sinh, một người thì giết chết mỹ thiếp hầu hạ của mình để ăn thịt. Vũ Ninh tiết độ sứ Trường Tòng Giản thời mạt Đường và hoàng thân Vương Kế Huân nhà Tống không kẻ nào ăn thịt dưới trăm người. Về phần bản triều...

Những chuyện ăn thịt người đầy tai tiếng có liên can đến hoàng thất bản triều mặc dù ai nấy đều biết nhưng dù sao thì trước mặt khâm sai triều đình Tiểu Lâu vẫn phải uý kị vài phần, lời định nói ra bèn lại nuốt trở vào, miệng khẽ nhếch một nụ cười nhạt. Nàng tiếp:

- Còn như từ xưa đến nay những kẻ quang minh chính đại "ăn thịt người" mà không ăn thịt người thì càng đếm không xuể(*). Tiện thiếp xuất thân vi hàn, chuyện kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu đã gặp quá nhiều rồi.

(*: ý là cướp bóc, bóc lột tàn tệ đồng loại, đưa đồng loại vào chỗ chết)

Trông thấy khuôn mặt vốn xinh đẹp cao ngạo như tiên của nàng chợt hiện lên một nỗi căm hận, Dương Lăng không khỏi cả kinh. Phát tiết sự căm phẫn xong, Tiểu Lâu mới giật mình phát hiện mình có phần thất thố liền vội vén tóc nhoẻn miệng cười, trông mỹ lệ vô ngần, nói tiếp:

- Những kiến thức này của tiện thiếp đều tích góp được từ trong cuộc sống bị người ta đọa đày ức hiếp mà ra. Sau khi nghe xong lời của đại nhân, nhất thời trong lòng có phần xúc động nên thật sự đã thất lễ.

Dương Lăng thấy nàng che giấu vẻ hỉ nộ của mình nhanh như trở bàn tay, một khi đã kiềm chế tâm tình thì nội tâm lại kín như bưng, tuy biết rằng đó là tay nghề nàng rèn luyện được khi còn ở thanh lâu song trong lòng vẫn thấy sợ. Y gượng cười đáp:

- Ờ... những người đó hoặc vì hư vinh hoặc vì hiếu kỳ, hoặc vì thèm muốn, đích thực càng đáng giận hơn so với mục đích của Mạc Thanh Hà. Chao ôi... chuyện vô lý như vậy mà cũng...

Y liếc nhìn Tiểu Lâu, không biết làm sao để mở miệng thảo luận về đề tài ông chồng thái giám của nàng có thể "đâm chồi" lại được hay không nên bèn đổi đề tài:

- Nếu như có dân chúng trút giận lây sang phu nhân, thật sự không thích hợp để ở lại bản xứ nữa hẳn là phu nhân muốn dời đi xứ khác?

Tiểu Lâu gật đầu đáp:

- Dạ! Tiện thiếp là giới nữ lưu lại không có thân nhân để nương nhờ, chỉ có thể rời khỏi chốn thị phi này lánh về nơi tha hương. Nay... tiện thiếp cũng không thể nuôi được nhiều nô bộc như cũ, nhưng nếu chỉ mang theo mấy tỳ nữ bên mình thì thuyền xe mệt mỏi cũng không sợ, e rằng chỉ sợ trên đường lại gặp phải kẻ xấu...

Vừa nói nàng vừa liếc ánh mắt long lanh về phía Dương Lăng. "Nếu như nàng ấy lúc nào cũng có biểu tình như vậy với người khác thì quả thật có không muốn gặp phải kẻ xấu cũng khó." Dương Lăng nhìn thấy mà hơi nổi da gà, trong lòng lờ mờ cảm thấy có điểm không ổn.

Y chưa kịp mở lời, Tiểu Lâu đã tranh nói trước:

- Kim Lăng là vùng đất phồn hoa, cường đạo trộm cướp cũng ít, nơi ấy lại không ai biết tiện thiếp. Tiện thiếp muốn dời đến Kim Lăng, cho nên… nếu có thể mượn quan uy của đại nhân, theo đội thuyền của đại nhân một chuyến thì mới có thể giảm bớt đi nhiều gian khổ.

Nói xong, Tiểu Lâu nhìn chằm chằm vào mắt của Dương Lăng, căng thẳng chờ đợi câu trả lời của y.

Tuy Tiểu Lâu chỉ nói là đi Kim Lăng song thật ra mục đích thật sự của nàng lại là đi kinh sư, nhưng chỉ sợ một khi nói thực mục đích của mình thì y sẽ cự tuyệt. Nàng đã suy tính kỹ mấy ngày nay: "Thân phận của mình hôm nay đã không như xưa, cho dù chỉ muốn làm thiếp của quan to đi chăng nữa cũng sợ rằng người ta vẫn sẽ rất uý kị, tìm mọi cách chối từ.

Mặt khác, khi Mạc Thanh Hà còn sống đã đắc tội với không ít quan viên. Lúc hắn còn sống thì những kẻ đó chẳng dám làm gì, thế nhưng nay hắn đã chết rồi, nếu như mình rơi vào tay những kẻ đó thì bọn chúng sẽ chà đạp mình ra sao?

Càng huống hồ vì lôi kéo Lý Phú, mình đã ước định dùng sắc đẹp để bồi đáp, hứa hẹn rằng chỉ cần diệt trừ được Mạc Thanh Hà thì mình sẽ cùng giường chung gối mà hầu tiếp hắn. Nay Mạc Thanh Hà vừa mới chết, khắp Đông viện vẫn đầy người của Nội xưởng, thế mà cái thứ không biết sống chết đó lại đòi mình lập tức "thực hiện lời hứa", hoàn toàn không sợ sẽ bị lộ ra sơ hở. Khước từ lấy lệ mấy lần, không ngờ hắn lại bắt đầu uy hiếp mình."

Tiểu Lâu là người tâm cao khí ngạo. Tuy Mạc Thanh Hà là thái giám, nhưng đã làm vợ của hắn thì nàng cảm thấy mình cũng được coi như là phu nhân chính thống, không còn là kỹ nữ thấp hèn nữa. Mỗi lần bị hắn ép đi "lấy lòng" đám quan to nàng đều cảm thấy rất là nhục nhã, bây giờ làm sao mà nàng chịu chiều theo tâm ý của Lý Phú chứ?

Huống chi kẻ này lại đần như vậy, sớm muộn cũng sẽ làm hư chuyện. Lý Quý bị lật đổ nên Lý Phú không còn thân nhân nào nữa, nàng đành mượn cơ hội lên Bắc để âm thầm tránh né cái mầm họa này. Đến nơi đất khách quê người nàng sẽ không khiến cho người khác chú ý, cũng không sợ "khổ chủ" xuất hiện đòi nợ.

Ngoài những dự tính này ra thì hy vọng lớn nhất của Tiểu Lâu chính là lúc đi cùng với Dương Lăng lên bắc, nàng sẽ có thể lấy lòng được vị tổng đốc nội xưởng nhân phẩm tuấn nhã, địa vị cao trọng này. Cho dù là hữu danh vô thực, không được thân phận gì đi chăng nữa thì so với những năm tháng phong trần mua vui đón cười như một con rối trước đây cũng đã khác nhau một trời một vực rồi.

Còn nếu như không thành công, thì với món nhân tình mà Dương Lăng đã nợ nàng, chỉ cần nàng bám theo cạnh y thì y sẽ không thể bỏ mặc làm ngơ. Có y chiếu cố mình sẽ có thể bình yên dời đến phương bắc. Về phần sau đó thế nào thì chỉ có thể từ từ rồi tính.

Dương Lăng nghe xong thì chần chừ một lát rồi bảo:

- Ừm... phu nhân muốn dời đến Kim Lăng à? Việc này... thuyền của bản quan nếu chở thêm phu nhân e rằng rất bất tiện. Hiện nay Nội xưởng đã thành lập cửa hàng thuyền và xe ở Tô Châu, bản quan có thể viết một mẩu giấy, phu nhân cầm lấy rồi đến tìm bọn họ, bọn họ nhất định sẽ có thể hộ tống phu nhân đến Kim Lăng an toàn.

Tiểu Lâu nghe y né tránh như vậy, trong lòng không khỏi có phần thất vọng nhưng vẫn cố cầu may, gượng cười nói:

- Từ đây đến Kim Lăng nhiều lắm chỉ mất hai ngày thuyền. Lúc này tiện thiếp chỉ muốn mai danh ẩn tích sống nơi tha hương, thật sự không muốn xuất đầu lộ diện. Hơn nữa... tiện thiếp cũng sẽ không ngồi thuyền của đại nhân mà chỉ thuê một chiếc thuyền khác theo sau đội thuyền của đại nhân. Đến Kim Lăng rồi... đến Kim Lăng rồi tiện thiếp sẽ không dám làm phiền đại nhân nữa. Như vậy có được không?

Dương Lăng thoáng do dự một chút, rồi gật mạnh đầu:

- Thôi được, Dương mỗ sẽ hộ tống phu nhân đi Kim Lăng! Phu nhân muốn thuê một chiếc thuyền phải không?

Tiểu Lâu thấy y đồng ý, mặt lập tức lộ vẻ mừng rỡ lộ ra một hàm răng đều tăm tắp, cười nói:

- Thưa phải! Đa tạ đại nhân thành toàn, vậy bây giờ tiện thiếp sẽ về sửa soạn hành trang.

Nàng hớn hở vái một lễ, bước được mấy bước chợt quay đầu lại cười nói:

- Đúng rồi, tiện thiếp vốn không tên không họ, lần này lên phương bắc cũng không thể dùng nghệ danh Tiểu Lâu được nữa. Tiện thiếp đã chọn cho mình một cái tên, gọi là Thành Khởi Vận, xin báo cho đại nhân được hay!

Lúc nàng quay đầu lại cười như có ánh nắng lướt qua, như khói hoa trong chớp mắt, sự rực rỡ trong chốc lát ấy làm cho người ta phải hoa mắt.

Dương Lăng thoáng cụp mắt, chắp tay, lúc ngẩng đầu lên thì nàng ấy đã đi xa rồi.

Khoé miệng Dương Lăng thoáng mím xuống, y lẩm bẩm: "Thành Khởi Vận... Thành... Khởi Vận. Thi thành khởi vận tam thiên thủ, linh lung tâm sự đãi thiên thành(1). Chỉ mong bài thơ này của cô không phải là loại thơ hư cỏ độc. Bằng không tôi sẽ không tiếc ra tay tàn độc diệt hoa đâu!" (tạm dịch: Ba ngàn bài thơ nên ý đẹp, long lanh tâm sự tùy ơn trời)

***

Thuyền vẫn đang rẽ sóng trên sông nhưng ban đêm con thuyền đi chậm hơn rất nhiều. Phía trước là một chiếc thuyền lớn mở đường, con thuyền của Dương Lăng nằm ở giữa, phía sau là một chiếc thuyền chở hàng nho nhỏ; mỗi đầu và đuôi thuyền đều treo hai dãy đèn đỏ để dò sông nước trong đêm.

Đứng bên mạn thuyền, Dương Lăng lặng lẽ nhìn lên bầu trời đêm, dịu dàng sờ chiếc đai ngọc y đang đeo trên người.

Chiếc đai ngọc đó là do Ngọc Đường Xuân tự tay may cho y trước ngày y xuống Giang Nam. Buộc dưới miếng ngọc bội vuông vức màu xanh da trời xinh đẹp đeo trước bụng là ba lọn tóc đen.

Đó là vật mà Hàn Ấu Nương mang đến căn dặn Ngọc Đường Xuân nhất định phải buộc vào ngọc bội. Ngọc Đường Xuân chỉ tưởng đó là tình ý mà Ấu Nương tỷ tỷ xưa nay luôn thẹn thùng e lệ biểu đạt với phu quân sắp đi xa của mình. Nhưng nội tình trong đó thì chỉ có Dương Lăng và Ấu Nương mới hiểu được.

Lúc này, một vầng trăng sáng treo trên không trung, mặt nước trông im lìm và tĩnh mịch, ánh đèn trên mấy con thuyền đánh cá lập loè hắt bóng bên bờ.

Gió mát thổi lướt qua mặt, dưới thuyền sóng vỗ rì rào, Dương Lăng dường như lại nhìn thấy chiếc áo tơi màu xanh thẫm bay phần phật trong gió, một thớt ngựa đỏ từ đằng xa dần dần phóng lại như ráng mây chiều, bên tai dường như vẫn còn văng vẳng tiếng ngân của mũi tên rung...

Dương Lăng hít thật sâu, rồi thở dài một hơi dằng dặc: "Đến Tô-Hàng mà không đi gặp nàng thì còn có thể miễn cưỡng giải thích được. Nhưng nếu đến Kim Lăng mà còn không đi thăm nàng ấy, Liên Nhi nàng ấy... có sẽ đuổi đánh đến tận nhà không đây?"

Dương Lăng khổ não vỗ nhẹ lên mạn thuyền lẩm bẩm: "Sợ là không thể không đi được rồi. Chậc! Xóm Trường Can ơi xóm Trường Can..."

Phía sau chợt có một tiếng cười khẽ:

- “Khi tóc vừa buông trán, hái hoa trước cổng chơi, chàng cưỡi ngựa tre đến, quanh giường tung trái mai. Trường Can cùng chung xóm, cả hai đều thơ ngây...” Lão gia là người phương Bắc, chưa từng bao giờ đến Kim Lăng, xóm Trường Can có thanh mai trúc mã(*) nào mà đợi người! Hẳn là lão gia đang nhớ... nhớ tới Ấu Nương muội muội, hay là bọn Ngọc Nhi và Tuyết Nhi vậy?

(*: chỉ đôi trai gái quen biết nhau từ thuở ấu thơ; cụm từ này xuất phát từ bài thơ Trường Can hành của Lý Bạch)

Dương Lăng quay đầu lại nhìn. Dưới bầu trời đầy sao sáng trong bóng tối mênh mang, Cao Văn Tâm đang cầm một chiếc đèn lồng yêu kiều khoan thai bước đến...

(1) "Trường Can hành" (khúc Trường Can) là tên một trong hai bài thơ tình nổi tiếng của Lý Bạch.

Thiếp phát sơ phúc ngạch

Chiết hoa môn tiền kịch

Lang kỵ trúc mã lai

Nhiễu sàng lộng thanh mai

Đồng cư Trường Can lý

Lưỡng tiểu vô hiềm sai

Thập tứ vi quân phụ

Tu nhan vị thương khai

Đê đầu hướng ám bích

Thiên hoán bất nhất hồi

Thập ngũ thủy triển mi

Nguyện đồng trần dữ hôi

Trường tồn bão trụ tín

Khởi thượng vọng phu đài

Thập lục quân viễn hành

Cù Đường, Diệm Dự đôi

Ngũ nguyệt bất khả xúc

Viên thanh thiên thượng ai

Môn tiền cựu hành tích

Nhất nhất sinh dục đài

Đài thâm bất khả tảo

Lạc diệp thu phong tảo

Bát nguyệt hồ điệp hoàng

Song phi tây viên thảo

Cảm thử thương thiếp tâm

Tọa sầu hồng nhan lão

Tảo vãn há Tam Ba

Dự tương thư báo gia

Tương nghênh bất đạo viễn

Trực đáo Trường Phong Sa

Khi tóc vừa buông trán

Hái hoa trước cổng chơi

Chàng cưỡi ngựa tre đến

Quanh giường tung trái mai

Trường Can cùng chung xóm

Cả hai đều thơ ngây

Mười bốn, về làm vợ

Thiếp còn e lệ hoài

Cúi đầu vào vách tối,

Gọi mãi, chẳng buồn quay

Mười lăm, mới hết thẹn

Thề cát bụi không rời

Bền vững lòng son sắt

Há lên Vọng phu đài

Mười sáu, chàng đi xa

Cù Đường, Diễm Dự đôi

Tháng năm không đến được

Vượn buồn kêu trên trời

Trước cổng vết chân cũ

Rêu xanh mọc um đầy

Rêu nhiều không quét hết

Gió thổi, lá vàng rơi

Tháng tám bươm bướm vàng

Trên cỏ vườn bay đôi

Cảnh ấy đau lòng thiếp

Má hồn buồn phôi pha

Khi chàng xuống Tam Ba

Nhớ gởi thư về nhà

Thiếp sẽ mau đi đón

Đến thẳng Trường Phong Sa

Hiện nay, chữ “sàng’ trong “Nhiễu sàng lộng thanh mai” được giải thích là một loại ghế dài. Trúc Khê có bản dịch như sau:

Tóc em mới kín trán

Trước cửa bẻ hoa đùa

Chàng cưỡi ngựa trúc lại

Quanh ghế tung mơ chua

Cùng ở xóm Trường Can

Đôi trẻ vui tha hồ

Mười bốn làm vợ chàng

Thơ ngây em hổ thẹn

Bên vách cúi gầm đầu

Mặc dầu chàng gọi đến

Mười lăm mới bạo dạn

Quấn nhau không muốn rời

Ôm cột nguyền giữ ước

Vọng phu chẳng lên đài

Mười sáu chàng đi xa

Tháp Cồ, hòn Diệm Dự

Nước lớn đang tháng năm

Vượn kêu buồn lắm nữa

Vết giày in trước cửa

Xanh xanh rêu mọc đầy

Rêu nhiều không thể quét

Lá rụng gió thu bay

Tháng tám bươm bướm vàng

Bay đôi trên áng cỏ

Xúc cảm em đau lòng

Héo già thương má đỏ

Chàng sớm rời Tam Ba

Báo thư trước về nhà

Đón chàng em há quản

Đến tận Trường Phong Sa

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.