Ngược Về Thời Minh

Chương 165: Hồi phong ba của bè lũ gian thần



Dương Lăng vội vã trở vào phủ, mấy người Hàn Ấu Nương nối gót theo sau. Tuy Ấu Nương có thai nhưng động tác vẫn còn rất nhanh nhẹn, bước chân thoăn thoắt trong khi Thành Khởi Vận chân bó gót sen, bước nhanh một chút là tóc tai tán loạn, má đào đỏ bừng phải nhờ Hàn Ấu Nương và Cao Văn Tâm dìu đỡ một bên.

Dương Lăng vòng qua bức tường chữ "Phúc" vẽ hình cá chép vượt long môn, nhìn thấy trong phòng khách đèn đóm sáng trưng thì biết Ngô Kiệt nhất định đã đến liền xoay người dặn dò Ấu Nương:

- Ấu Nương, nàng cùng Thành cô nương và Cao Văn Tâm xuống hậu đường nghỉ ngơi trước đi, ta đi gặp Ngô đại đáng đầu một chút.

Biết sự tình khẩn cấp, theo như thời tiết hiện tại thì Hàn Ấu Nương đoán có lẽ Thát Đát lại xâm lược biên cương, không biết bao nhiêu bá tánh sẽ gặp nạn binh đao. Nàng hơi nhíu mày nói khẽ:

- Tướng công đi đi, việc công quan trọng, Ấu Nương sẽ cùng hai vị tỷ tỷ đến hậu đường đợi chàng.

Dương Lăng gật đầu rồi liếc Thành Khởi Vận một cái đoạn xoay người bước vào phòng. Hàn Ấu Nương cùng Cao Văn Tâm và Thành Khởi Vận đứng đó một lúc rồi vòng theo hành lang bên đi về phía hậu đường.

Ngô Kiệt mặc áo dài xanh ngoài khoác áo da, tay chắp sau lưng đi lòng vòng trong phòng. Vừa thấy Dương Lăng bước vào, lão liền vội ôm quyền thi lễ:

- Ty chức ra mắt đại nhân.

Dương Lăng cũng không khách sáo vội kéo lão bước vào trong thư phòng, chưa đợi ổn định chỗ ngồi thì đã hỏi ngay:

- Đã xảy ra chuyện gì vậy? Giặc Thát lại kéo sang cướp bóc hay sao?

Ngô Kiệt gật đầu, nghiêm túc đáp:

- Dạ, năm ngoái tiểu vương tử Bá Diên Khả Hãn tập hợp năm vạn binh mã chia nhau tập kích cửu biên. Kết quả tuy thắng lợi trở về nhưng lại tổn thất thảm trọng, thậm chí con hắn cũng táng thân nơi chiến trường. Năm nay giặc Thát trở lại, tiểu vương tử liên thủ cùng Hoả Sư rồi tập hợp đại quân lên đến bảy vạn, trọng binh khí thế ào ào đã tiến đến Đại Đồng. Tổng binh Tuyên phủ là Trương Tuấn bại trận rút lui, tham tướng Trương Hùng và Mục Vinh đều chiến tử sa trường. Trước khi chiến báo của chúng ta kịp theo ngựa báo về thì giặc Thát đã công chiếm được Trấn Di sở, chỉ huy sứ Lưu Kinh chết trận, Hoa Mã Trì cũng bị công chiếm, Long Đức, Tĩnh Ninh, Hội Ninh đều bị xâm phạm. Sóc châu, Mã ấp giáp mặt với nguy hiểm trùng trùng.

Dương Lăng nghe vậy thì rùng mình lo ngại, y chắp tay đi loanh quanh trong thư phòng. Cây nến mờ mờ tỏ tỏ khiến khuôn mặt y trở nên âm u không rõ. Một lát lâu sau y mới dừng lại, hỏi:

- Quân trấn thủ Đại Đồng hiện còn bao nhiêu người?

Ngô Kiệt liền đáp:

- Trú quân bốn vạn, khách quân một vạn, chia ra trú thủ tại các thành ấp, lần này Thát Đát tấn công nhanh mà mãnh liệt, lại không chia quân tập kích các lộ như trước đây mà tập trung quân đội về một ngả trong khi chỉ chia một vạn quân công hướng Hoài An. Cánh quân thiết kỵ này tiến lui như gió khiến thủ quân các nơi đều kiêng dè không dám chủ động xuất binh chi viện, do vậy thế giặc hơn hẳn chúng ta.

Dương Lăng trở lại bên bàn, lôi dưới bàn ra mấy tấm bản đồ, rồi trải tấm bản đồ Thuyên phủ ra nói:

- Thám mã chúng ta phái đi tìm hiểu tình hình quan ngoại đã trở về. Lần trước chỉ nghe đại đáng đầu nhắc sơ qua, bây giờ ông trình bày kỹ càng tình hình cho ta, ngoài ra hãy nói rõ thêm phân bố binh lực và hướng tấn công của quân giặc cho ta...

Dưới ánh nến trong phòng, hai người trò chuyện suốt đêm khuya. Mãi tận lúc trời tờ mờ sáng Dương Lăng mới co duỗi cơ thể mệt mỏi của mình một chút rồi khẽ thở dài nói:

- Trời còn chưa sáng, cổng cung chưa mở, mặc dù giặc Thát đã mau chóng cắt đứt mấy yếu điểm nhưng tin tức từ phong hoả đài lúc này chắc đã truyền vào cung rồi.

Ánh mắt Ngô Kiệt loé lên, một chốc sau mới từ từ nói:

- Có phải đại nhân định dâng tấu lên Hoàng thượng?

Dương Lăng quay đầu lại hỏi:

- Ngô lão có kiến nghị gì?

Ngô Kiệt hơi cụp mắt, khẽ thở dài một tiếng và nói:

- Tình hình mà chúng ta nắm được chắc chắn sẽ chi tiết và đầy đủ hơn do thám của Cẩm y vệ, đại nhân có thể giải thích rõ ràng cho Hoàng thượng và bộ Binh, có điều đại nhân không nên can dự quá sâu vào việc tiến cử người xuất binh. Thế giặc quá mạnh, nếu lại chiến bại thì đại nhân sẽ khó tránh bị liên luỵ.

Dương Lăng lẳng lặng nhìn lão, khuôn mặt lấm lét của Ngô Kiệt đã có phần lúng túng và sợ hãi. Dương Lăng thấy mái đầu lão đã lấm tấm hoa râm thì nghĩ lão cũng chỉ muốn tốt cho mình, thế là thu lời trách mắng về, chỉ chậm rãi lắc đầu rồi lại gật đầu, lẩm bẩm:

- Ta biết, Nội xưởng chỉ là tai mắt của Hoàng thượng, không nên can thiệp quá nhiều vào chiến sự. Ôi! Người nào trong triều có thể dẫn quân xuất chinh đây...?

*****

Bầu trời đã toả ra ánh sáng nhưng mặt đất vẫn là một mảng xám tro, lúc này tuyết lớn bay lả tả, tuyết dày đọng lại khiến cho mặt đất lầy lội khó đi.

Lúc Dương Lăng dẫn hai mươi tay thị vệ cưỡi ngựa chạy đến dưới cổng thành thì mồ hôi đã đầy đầu, ngựa thở ra như khói. Trông thấy cổng thành vẫn đóng chặt y không khỏi cảm thấy lạ kỳ. Thủ hạ thị vệ khum tay hướng về phía đầu thành gọi lớn:

- Thủ vệ trên thành mau mau mở cổng.

Gọi mấy tiếng mà trên đầu thành vẫn không nghe, một tay thị vệ bèn rút cung ra, quay vòng ngựa lui về sau hơn hai mươi trượng rút tên ngắm bắn, một mũi tên rít lên âm thanh xé gió bay vào trong thành, "cốp" một tiếng, mũi tên đã cắm ngay giữa cánh cổng phòng vệ trên đầu thành.

Trong phút chốc, hai tay binh sĩ ló đầu ra khỏi đầu thành nhìn xuống quát to:

- Hôm nay cấm thành, kẻ nào gọi cổng?

Thị vệ kêu lớn:

- Tổng đốc Nội xưởng Dương Lăng muốn vào thành, ai đang giữ thành? Hãy mau mở cổng.

Sau khi liên tục xưng tên mấy lần, tên thủ vệ trên thành rốt cuộc đã nghe rõ nên hoảng sợ kêu lên một tiếng rồi rụt đầu vào. Đợi một lúc thì cổng thành được mở ra, một vị tướng lĩnh thủ thành khôi giáp chỉnh tề vội vàng chạy xuống nghênh đón, bước đến trước mặt Dương Lăng làm quân lễ:

- Ty chức là thiên hộ thủ thành Kiều Giới An tham kiến Dương đại nhân.

Dương Lăng chống tay lên đầu ngựa, lạnh lùng quát:

- Ai cho phép ngươi phong toả các cửa thành vậy? Đã xảy ra chuyện lớn gì?

Kiều Giới An là thủ lĩnh Kinh doanh và bộ hạ của Trương Vĩnh, hắn biết rằng Trương Vĩnh cũng rất kính sợ vị Dương đại nhân này, thấy mặt y nghiêm khắc thì không khỏi khiếp hãi đáp:

- Hồi bẩm đại nhân, hôm qua sau khi tan triều, Lưu công công của ty Lễ Giám đã ban một đạo chỉ liệt kê tên năm mươi sáu người gồm cả Lưu Kiện và Tạ Thiên, họ bị quy tội là gian đảng. Bá quan trong triều bất chấp gió tuyết đã tề tụ ở Ngọ môn suốt đêm để kháng nghị. Lưu công công sợ có người thừa cơ làm loạn kinh động thánh giá nên đã lệnh cho Trương công công phong tỏa cửa thành và Cốc công công điều động phiên tử Đông xưởng giám sát ngoài cổng cung.

Dương Lăng vừa nghe vậy liền cả kinh. Thảo nào cả ngày hôm qua không có người nào đến nhà, mà người của mình cũng không đưa được tin tức gì từ trong kinh đến, thì ra là Lưu Cẩn đã phong bế cửa thành, trừ mình ra thì người tầm thường đương nhiên sẽ không qua cửa được.

Theo tin tức từ hai ngày nay nhận được thì quả nhiên cải cách chính trị của Lưu Cẩn đã bị bá quan phản đối, ngay cả Lý Đông Dương và Dương Đình Hoà trước giờ vẫn luôn giữ miệng ra sức phối hợp cùng Lưu Cẩn thì hiện tại cũng đồng loạt dâng sớ can dừng, bảo rằng các hạng mục cải cách chính trị này hoặc không phù hợp với thực tế, hoặc quá vội vàng hấp tấp, thỉnh cầu Hoàng thượng hạ chiếu khoan làm.

Dương Lăng nhận thấy có Lưu Cẩn thu hút sự chú ý của bá quan thì sẽ rất có lợi cho chính sách mà mình chuẩn bị chấp hành, hơn nữa hai ngày nay y bận rộn với việc ươm giống và nghiên cứu chế tạo vũ khí mới nên cũng không để ý lắm, ai ngờ sự tình lại chuyển biến bất ngờ như vậy. Sao Lưu Cẩn đột nhiên lại trả đũa lại những quan viên đã bãi quan hồi hương vậy? Là vì muốn giết gà doạ khỉ hay vì giận chó đánh mèo?

Năm mươi sáu người? Dương Tâm máy động trong lòng, chợt hiểu ra đại khái, bởi vì những quan viên có liên quan đến vụ án của Lưu Kiện và Tạ Thiên không nhiều như vậy. Lưu Cẩn tuyên bố năm mươi sáu người là bè đảng gian thần ắt hẳn là muốn mượn danh nghĩa đả kích Lưu Tạ mà gom một số quan viên dám phản đối cải cách của lão vào, lấy đó để lập oai, đe dọa bá quan.

Ý của tuý ông (1), văn võ trong triều ai mà nhìn không ra chứ? Một khi mở ra tiền lệ này thì tranh đấu chính trị có thể tuỳ ý co giãn, sự trói buộc liên đới có thể thu hẹp mà cũng có thể mở rộng, về sau còn kẻ nào phản đối Lưu Cẩn nữa thì chỉ cần hơi phóng đại sự liên đới này, lão sẽ có thể đẩy bọn họ vào "gian đảng". Bá quan biết rõ sự lợi hại trong đó cho nên đương nhiên sẽ phản kích cật lực.

Dương Lăng vừa giận vừa sốt ruột, y khoát tay nói:

- Biết rồi, tránh nhanh ra một chút, bản quan vào thành!

Kiều thiên hộ vâng vâng dạ dạ, cung kính tránh sang một bên, Dương Lăng quất roi dẫn thị vệ phi thẳng tới Ngọ môn.

Tuyết rơi im lìm, ngự đạo rộng lớn mờ mịt không một dấu chân người. Sáng sớm vì tuyết lớn và cửa thành bị phong tỏa nên tất cả người đi đường đều đã trở về nhà, không ai dám đi lại lung tung trên đường vì sợ bị xưởng vệ bắt đi.

Đền điện đình đài của các gia đình hào phú và quán rượu lầu gác trong các con phố đều được phủ lên một lớp tuyết trắng thê lương, chỉ có tiếng chuông chùa thi thoảng vang lên, hùng hồn và du dương, báo cho người ta biết rằng trong toà thành này vẫn còn sự sống.

Dương Lăng còn chưa chạy đến Phụng Thiên môn thì từ hai bên đường đã có phiên tử Đông xưởng cầm đao cầm thương chạy tới chặn đường. Đến lúc thấy rõ là người của Nội xưởng, dẫn đầu còn là tổng đốc Dương Lăng của Nội xưởng, đám phiên tử lần trước bị Nội xưởng chém giết cho sợ đến vỡ mật này liền vội cuống quít bò dạt ra hai bên, trơ mắt nhìn bọn họ phóng ngựa phi qua.

Đến Ngọ môn, Dương Lăng ghì cương ngựa, tuấn mã hí vang một tiếng dài phá tan bầu không khí tĩnh mịch của buổi ban mai.

Tuyết rơi lả tả trên mặt đất mịt mờ, Dương Lăng ngạc nhiên nhìn quảng trường rộng mênh mông trước Ngọ môn, tim đập thình thịch, hai mươi thớt khoái mã đuổi theo cũng dừng lại sau lưng y, đám thị vệ nín thở đưa mắt nhìn.

Trên quảng trường là một mảng tuyết trắng mênh mông, chung quanh lại có mấy trăm tay phiên tử đang lặng lẽ đi lại, thấy đám người Dương Lăng đi tới bọn chúng liền đều lần lượt dừng chân nhìn sang.

Tại trung tâm quảng trường, ngay trước Ngọ môn, mấy trăm “bức tượng” đang im lìm đắm mình trong tuyết, mỗi bức tượng là hình nhân bằng tuyết đang quỳ trên mặt đất. Chỉ khi tuyết bám rơi khỏi thân hình lảo đảo sắp ngã để lộ quan bào màu lam và đỏ bên trong thì mới nhận ra được đó đều là những quan viên đang kiên trì quỳ gối.

Dương Lăng ghìm chặt cương, quay ngựa một vòng tại chỗ rồi chợt nhún người nhảy xuống và chạy qua bên đó, hai mươi tay thị vệ liền vội theo sát ngay sau. Đến gần y mới phát hiện trong tuyết đã có rất nhiều người ngã xuống, do tuyết rơi dày, tất cả đều tuyền một màu trắng xóa cho nên khi nãy ở đằng xa y mới không thấy rõ.

Dương Lăng lật đật phủi tuyết trên thân thể của một người. Người nọ tuổi tác khá trẻ, thoạt trông chỉ tầm mười tám mười chín tuổi, lúc này mặt đã tái mét, thân thể cứng đờ, chân mày mép tóc đều đã đóng một lớp băng mỏng.

Người này không phải là quan viên, nhìn phục sức của hắn thì hẳn là học sinh thái học (2) của Quốc Tử giám. Dương Lăng vội cởi chiếc áo khoác trên người mình xuống bọc người hắn lại rồi cố sức bế hắn lên. Hai tên thị vệ liền vội chạy lại đỡ lấy người nọ từ trong tay y.

Có mấy quan viên quỳ quanh đó vì hành động của y mà lặng lẽ xoay người lại, trên tấm thân bị phủ lớp tuyết dày chỉ lộ một khuôn mặt bị cóng đến trắng nhợt đang nhìn y một cách vô hồn.

Dương Lăng lại phủi lớp tuyết đọng trên thân thể một người đã bị cóng đến ngất xỉu. Đây là một quan văn ngũ phẩm, dưới cằm có ba chòm râu ngắn, hai mắt nhắm nghiền đã bất tỉnh nhân sự. Dương Lăng nắm chặt lấy hai bàn tay lạnh ngắt của ông ta rồi ngẩng đầu nhìn quanh. Từ xa, một tên đáng đầu được vây quanh bởi mấy chục tên phiên tử cầm đao hùng hổ đi tới, còn cách mấy trượng thì đã lớn giọng quát:

- Bản quan phụng mệnh Xưởng đốc đại nhân giám sát nơi này, kẻ nào dám tự ý can dự vào chính sự?

Lửa giận bùng lên, Dương Lăng ngẩng đầu quát trả:

- Chính sự cái rắm! Văn võ bá quan chính là nhân tài trị nước, là gốc rễ của xã tắc giang sơn! Ai ra mệnh lệnh cho ngươi mà dám ngược đãi đại quan triều đình hả?

Dương Lăng vừa thốt ra câu này thì đám quan viên thần chí đã hôn mê một nửa chung quanh không khỏi lần lượt quay đầu lại, kích động và kinh ngạc nhìn y. Tên đáng đầu nọ bước tới gần trông thấy rõ diện mạo Dương Lăng thì không khỏi giật nảy mình, hai gối mềm nhũn liền quỳ xuống vái lạy, lo sợ đáp:

- Ty chức không biết đại nhân giá đáo, thật thất lễ, mong đại nhân thứ tội.

Lúc này Dương Lăng cũng nhìn rõ người này. Tên này nguyên là lục đáng đầu của Đông xưởng, tên là Chu Khởi Phượng. Trước khi Cốc Đại Dụng tiếp nhận Đông xưởng thì Phạm Đình và mấy nhân vật chủ chốt như nhị đáng đầu và tam đáng đầu đều đã bị đám người Bành Kế Tổ âm thầm tiêu diệt vịn cớ ngoan cố chống cự. Chu Khởi Phượng sợ đến mất mật bèn đem hết toàn bộ bí mật mà mình biết được bẩm rõ với Nội xưởng, nhờ vậy mà giữ được tính mạng, về sau lại đến nương dựa vào Cốc Đại Dụng, lại được phục hồi nguyên chức.

Thấy người tới là Xưởng đốc Nội xưởng Dương Lăng, hắn liền vội dập đầu hành lễ, đám phiên tử theo sau chuẩn bị bắt người vừa trông thấy cũng liền vội quỳ theo. Dương Lăng tím mặt mắng to:

- Mau gọi người giúp đưa các vị đại nhân vào nhà dân quanh vùng sơ cứu, kêu người nấu một ít canh nóng... đợi đã, trước khi cứu tỉnh người thì hãy lấy tuyết chà khắp người, đừng đặt ngay lên giường sưởi.

Y thấy Chu Khởi Phượng còn hơi do dự thì liền trừng mắt quát:

- Lập tức đi làm ngay, về phía Cốc công công sẽ có bản quan nói thay cho ngươi!

Chu Khởi Phượng liền vội luôn mồm vâng dạ:

- Dạ dạ, ty chức lập tức làm theo, lập tức làm ngay. Người đâu, mau đỡ các vị đại nhân dậy.

Một giọng nói yếu ớt già nua bỗng cất lên:

- Dương đại nhân, bọn ta chết không đáng tiếc, song cái gốc của hoạ này là Lưu Cẩn loạn chính, thi hành luật ác nay lại gán tội cho người, buộc tội Lưu đại học sĩ, Tạ đại học sĩ đã bãi quan hồi hương và những người bất đồng chính kiến trong triều là gian đảng, Hoàng bảng (3) mà không được niêm phong trả lại, tội danh của năm mươi sáu đồng liêu không được xá bỏ thì bọn ta thà chết cóng tại đây, học theo tuyết kia giữ lòng thanh khiết!

Dương Lăng thấy người đó râu tóc bạc trắng, thân thể run rẩy, tuy mặt mày đã cóng đến độ tái ngắt song y vẫn nhận ra được vị đó là người từng đối đầu với mình nay được thăng lên làm thị lang bộ Lai, Vương Ngao.

Sau khi Dương Lăng “trọng thương” hồi kinh cùng với tin tức cái chết của Vương Quỳnh là do Phạm Đình của Đông xưởng 'giá họa' được truyền ra, lão phu tử này không còn căm ghét Dương Lăng nữa. Hôm nay nghe thấy lời của y thì cảm thấy có mấy phần hảo cảm với hành động của y, vì vậy lão mới xuất ngôn biểu đạt ý nguyện của bá quan đang quỳ gối tỏ lòng can gián.

Quan viên và đám học sinh thái học quỳ gối chung quanh đồng thanh hô to:

- Đúng, hoàng bảng mà không gỡ bỏ, trung thần không được xá tội thì chúng ta thà nguyện chết cóng tại đây, học theo tuyết kia giữ lòng thanh khiết!

Dương Lăng thở hắt ra một hơi, giao vị quan văn đã bị hôn mê trong tay cho thủ hạ rồi chậm rãi bước tới phía trước, bước chân dẫm lên lớp tuyết dày phát thành tiếng "rộp rộp". Dương Lăng đi đến chỗ trên cùng gần sát với cổng cung, có hơn nửa số quan viên Lục Bộ Cửu Khanh đang quỳ tại đây, trên cùng là hai quan văn, người già nua hơn là Lý Đông Dương, người còn lại tuổi trạc hơn bốn mươi đang quỳ cạnh dìu đỡ ông ấy là Dương Đình Hoà.

Trên người Lý Đông Dương được khoác thêm vài chiếc quan bào, cũng không biết là những quan viên nào đã cởi áo mình khoác lên cho ông ấy. Trong tay ông ôm một cuộn giấy vàng, hiển nhiên đó là hoàng bảng dán ở cổng cung nhằm tuyên cáo tên của năm mươi sáu thành viên 'gian đảng'.

Dương Lăng vội bước tới, dìu đỡ Lý Đông Dương dậy, khẽ nói:

- Đại học sĩ, ông... sao ông lại dẫn đầu quỳ gối can gián trước cổng cung vậy chứ. Nếu như hai vị đại học sĩ có ý kiến gì thì có thể vào cung bẩm rõ với Hoàng thượng mà. Làm vậy... làm như vậy sẽ tổn hại đến thân thể...

Lý Đông Dương lảo đảo đứng dậy, trông thấy là y, mắt lão không khỏi hiện lên sự vui mừng Nghe được ngữ khí mang chút trách móc của y, Lý Đông Dương cười khổ sở đáp:

- Dương đại nhân, hôm nay Hoàng thượng vịn cớ mang bệnh mà hủy tảo triều, đại học sĩ như ta lúc này cũng không có cách nào để yết kiến thánh thượng. Nếu như hoàng bảng được ban bố thiên hạ thì sẽ không thể rút lại nữa, bất đắc dĩ ta mới dùng đến hạ sách này. Ai ngờ... bá quan quỳ gối can gián vậy mà Lưu Cẩn vẫn còn lẫn tránh như vậy.

Dương Lăng giậm chân thầm nghĩ bá quan và Lưu Cẩn có giằng co thì y mới có thể thu lợi từ trong đó, còn nếu để Lưu Cẩn lật đổ được toàn bộ văn võ, cả triều đình bị ngưng trệ vậy há chẳng rất nguy sao?

Y đoạt lấy hoàng bảng trong tay Lý Đông Dương rồi khẽ giọng nói:

- Nếu như hai vị đại học sĩ tin tưởng hạ quan vậy hãy giao chuyện này cho hạ quan xử lý. Hai vị đại học sĩ hãy khuyên nhủ bá quan mau chóng về nhà điều dưỡng, vạn lần đừng để lỡ quốc sự. Chẳng lẽ... hai vị đại học sĩ còn chưa biết Hoả Sư và tiểu vương tử dẫn bảy vạn đại quân công thành cướp đất, những quan ải biên cương đã tràn ngập trong khói lửa chiến tranh rồi sao?

Lý Đông Dương giật mình thất kinh, hỏi ngay:

- Lại có chuyện này sao? Hàng năm gặp thời tiết này Thát Đát cũng đều dấy binh tập kích biên giới, trong kinh đã nhận được phong hoả truyền tin, chỉ là hiện tại vẫn chưa nhận được quân báo chi tiết. Năm nay tình hình lại nghiêm trọng vậy sao?

Dương Lăng thầm nghĩ: "Khoái dịch truyền tin ở biên quan vị tất đã nhanh bằng bên tôi. Huống hồ mấy người đều chạy đến đây quỳ gối can gián, bên ngoài lại bị Đông xưởng và quân đoàn Kinh doanh phong toả, cho dù có tin tức mang đến chỉ sợ cũng không thể mang vào."

Dương Lăng vội đáp:

- Đúng vậy! Quốc sự làm trọng, kính xin hai vị đại học sĩ dẫn các quan viên trở về trước. Hiện tại cần phải chữa trị ngay các quan viên bị cóng rét, những người có thể trở về nha môn làm việc cũng không thể lại làm việc theo cảm tính. Hạ quan sẽ lập tức vào cung, vụ án 'gian đảng' này hãy giao phó cho hạ quan vậy.

Lý Đông Dương cũng biết lúc này tuyệt đối không phải là thời khắc nội đình và ngoại đình tiếp tục tranh chấp, biên quan cấp báo việc ngoại xâm, hết thảy phải lấy đại cuộc làm trọng. Lão lập tức gật đầu:

- Được! Nếu quả như Lưu Cẩn khơi mào chuyện đả kích những người bất đồng chính kiến là 'gian đảng' thì nhất định từ đây về sau bè cánh sẽ không ngừng tranh đấu, ngày một thêm nghiêm trọng. Việc này đành phải xin nhờ tới đại nhân rồi, văn võ bá quan thì hãy giao cho ta và Giới Phu khuyên nhủ vậy.

Dương Lăng gật đầu, tay cầm hoàng bảng, cao giọng nói to:

- Các vị đại nhân, Dương mỗ nguyện gánh vác việc gỡ bỏ hoàng bảng và giải trừ vu cáo 'gian đảng', nhưng triều đình không thể một ngày không có bá quan, bá quan không thể một ngày không đoái hoài đến chính sự. Giờ đây biên thùy báo nguy, bảy vạn đại quân hùng hậu của Thát Đát đã áp sát biên giới, công thành cướp đất, thành trì rơi vào tay giặc, bá tánh gặp tai ương. Xin các vị đại nhân hãy tạm thời rời khỏi Ngọ môn, bảo trì thân thể, lấy giang sơn xã tắc làm trọng, lấy lê dân bá tánh làm trọng!

Lưu Đại Hạ có thân thể khoẻ mạnh, chớ thấy lão là ông già bảy mươi mà xem thường. Trải qua suốt đêm cực khổ ở đây nhưng tinh thần vẫn quắc thước, nghe vậy lão liền lập tức đứng bật dậy, thất kinh hỏi dồn:

- Cái gì? Biên cảnh đã nguy cấp đến vậy rồi sao? Bộ Binh vẫn chưa nhận được công văn, ngươi... tin tức của ngươi có đáng tin không?

Dương Lăng gật mạnh đầu, đáp:

- Tuyệt không giả dối, xin đại nhân mau chóng trở về bộ Binh. Sợ rằng một khi Hoàng thượng nhận được tin tức sẽ lập tức triệu kiến ngài đó.

Lý Đông Dương được Dương Đình Hoà dìu đỡ xoay người lại, lấy hơi nói to:

- Các vị đồng liêu, Dương đại nhân sẽ lập tức vào kinh kiến giá, đã nhận lời hứa sẽ bẩm rõ với thánh thượng cho bá quan chúng ta. Giờ đây biên quan nguy cấp, quốc sự làm trọng, mọi người... hãy tạm thời hồi phủ, cố sớm quay về nha môn làm việc.

Có được câu nói này của Lý Đông Dương, bá quan bắt đầu xao động, từng người lảo đảo đứng dậy rồi đi dìu đỡ đồng liêu đã bị hôn mê. Tuyết dày rét cóng, (lúc tuyết rơi thì trời mới hơi ấm lên một chút), hơn nữa đây là trận tuyết lớn đầu tiên đầu mùa đông, vừa đói vừa mệt cộng với lạnh giá đã khiến một ít quan viên thể chất yếu nhược ngất xỉu, may mà chưa có ai chết cóng.

Đám phiên tử Đông xưởng có lòng muốn đến dìu đỡ, những quan viên đó tuy đứng còn không vững nhưng lại khăng khăng không chịu để bọn chúng giúp đỡ, tuy nhiên Dương Lăng đã hạ lệnh, phiên tử Đông xưởng đặt tại các cửa khẩu đều đã lần lượt rút về, ngựa xe và gia bộc của các vị đại nhân bị chặn lại ở ngoài đầu phố lần lượt kéo vào đón các vị đại nhân của mình lên kiệu rồi nhanh chóng kéo đi.

*****

Đưa tiễn kiệu của Lý Đông Dương và Dương Đình Hoà xong, Dương Lăng mới trở lại trước cổng cung, gõ tấn khẩu (4) bên hông, trình thẻ bài ra. Bên trong tra xét xong, thấy rõ là Dương Lăng thì lúc này cổng cung mới được mở ra.

Dương Lăng thấy cấm vệ đại nội đứng gác trong cung cũng mâu giáp uy nghiêm thì càng không khỏi chau mày, lòng thầm cảnh giác.

Lần này y có ý muốn giao cho Lưu Cẩn đi làm loạn cả kinh thành, vả lại trên danh nghĩa Đông xưởng và Tây xưởng đều bị Lưu Cẩn quản hạt. Lưu Cẩn thân là thủ lĩnh ty Lễ Giám, hạ lệnh phong tỏa kinh thành, đám người Cốc Đại Dụng, Trương Vĩnh và Miêu Quỳ tất sẽ không dám ngang nhiên kháng lệnh, không ngờ bởi vì chuyện xảy ra đột ngột như vậy mà ngay chính mình cũng bị giấu kín, không nhận được tin tức gì.

Dẫu rằng Hoàng đế Chính Đức vẫn tin cậy mình hơn Lưu Cẩn nhưng lão ta lại chiếm được một ưu thế, chính là hàng ngày hầu hạ bên cạnh Hoàng thượng. Xem ra ngoài con đường truyền tin thông thường trong kinh mình cũng nên âm thầm bố trí thêm liên lạc ngầm, bằng không đôi lúc khó tránh sẽ bị che mắt. Giả như Lưu Cẩn có ác ý gì với mình...

Dương Lăng vừa nghĩ thầm vừa chạy thẳng về phía gác Tây Noãn trong cung Càn Thanh. Hoàng đế Chính Đức thích nhất là ở trong toà cung điện mà năm xưa vua Hoằng Trị thường ở này, từ lúc lãnh đạm với hậu cung đến nay thì hắn càng không chịu đến nơi khác ở.

Dương Lăng thong thả tiến vào gác Tây Noãn. Ngoài điện trống trơn, hai tiểu hoàng môn thấy y tới vừa mới khom người hành lễ thì y đã vội khoát tay ngăn lại. Rẽ trái đi vào chính là trung điện, là nơi Chính Đức thường xử lý chính vụ. Dương Lăng vừa định đưa tay vén bức rèm gấm thêu hình rồng vàng thì chợt nghe bên trong có tiếng người vọng ra, ngón tay mới vừa vén ra một chút liền dừng lại đó.

Y nghe thấy tiếng Miêu Quỳ cất lên:

- Lưu công công, lần này có phải đã gây ra chuyện lớn rồi hay không? Ta đã sai người đi xem thử, bá quan đã quỳ trước cổng cung một đêm rồi, nếu bị cóng chết mấy người khiến cho bọn họ nổi giận thì chúng ta càng sẽ chịu phải công kích của người ta đó.

Liền đó giọng nói của Trương Vĩnh họa theo:

- Phải đó, theo ta thấy, có nên thông báo cho Dương đại nhân một tiếng, mời y đến cùng nhau bàn tính một chút hay không?

Lúc này y lại nghe Mã Vĩnh Thành "hừ" một tiếng rồi nói:

- Còn kịp à? Lúc này đã cưỡi trên lưng cọp rồi, thánh chỉ mới vừa xin ngày hôm qua, nói hay như vậy với Hoàng thượng, nói là bá quan trong triều khi phụ quân chủ nhỏ tuổi, chúng ta chỉ phạt thanh danh đám người Lưu Kiện mà không dùng hình cụ, lấy đó để cảnh cáo bá quan khiến chúng kính sợ. Muốn quay lui thì sẽ giải thích sao với Hoàng thượng bây giờ đây? Dương đại nhân à... làm ra đến mức này rồi, người ta sẽ chịu dọn dẹp giúp cho chúng ta ư?

Dương Lăng ghé mắt vào khe hở rèm cửa nhìn vào bên trong, thấy một dãy ghế dựa mũ quan bằng gỗ lim, Lưu Cẩn thân vận mãng bào, tay cầm bình tử sa miệng bồ câu (*) đưa lên miệng hớp ngụm trà, căm hận nói:

- Cho dù bọn chúng không sợ chết, ta không tin đám thư sinh được cưng chiều từ bé đó sẽ chịu được cái lạnh, chống nổi cái đói. Mấy người sợ cái gì chứ? Chờ đến giữa ngọ mà xem. Hừ, đến lúc đó cho người rút hết phiên tử, cho phép gia bộc bọn chúng vào, bảo đảm bọn chúng sẽ lăn ngay về nhà giả chết như mấy con lừa cho xem.

(*) bình trà làm bằng đất sét nâu.

Lúc này một chiếc mãng bào lại tiến vào trong tầm mắt, xoay người lại ngồi cạnh Lưu Cẩn, đó là Xưởng công Cốc Đại Dụng của Đông xưởng. Lão cười gượng nói:

- Nói đúng lắm, bây giờ cũng chỉ có thể đi bước nào xem bước nấy thôi. Bây giờ đọ sức cùng ngoại đình, kẻ nào lui trước là thua, đừng tìm Dương đại nhân đến mà khiến y chê cười. Chúng ta cứ chờ thôi.

Lão suy nghĩ một chút rồi nói:

- Lưu công công, ông thấy có nên gỡ phong toả cửa thành trước không? Tuy rằng trời lạnh tuyết to ít người ra vào nhưng người đi nam về bắc cũng có không ít, phong toả kinh thành dân gian khó tránh sẽ đồn đoán linh tinh. Hơn nữa việc này vốn cũng không cần phải che tai mắt người ta.

Lưu Cẩn nghĩ ngợi một chút rồi nói:

- Ừ, Trương công công, phiền ông thông tri mở cửa thành vậy. Có điều... Cốc công công, Đông xưởng vẫn phải chú ý mấy con đường quan trọng đến Ngọ môn một chút, đừng để những kẻ tạp nham nhàn rỗi chạy đến xem náo nhiệt. Loạn như vậy là đủ rồi.

Hai người vâng dạ đáp lời. Thấy Cốc Đại Dụng đứng dậy định đi ra ngoài, Dương Lăng vội vén rèm, ho khan một tiếng rồi thong thả bước vào.

Trương Vĩnh vừa quay người lại, liếc mắt trông thấy Dương Lăng liền không khỏi kinh ngạc kêu lên:

- Dương đại nhân? Sao hôm nay lại vào kinh vậy?

Dương Lăng quét mắt nhìn lướt mọi người, thấy ngoài kinh ngạc phần lớn còn lộ ra sự mừng rỡ. Những vẻ mặt vốn dĩ có phần lo lắng bất an đã tiêu tan không ít, như thể cảm thấy đã tìm được trợ thủ mạnh mẽ, ngay cả Lưu Cẩn dẫu rằng mặt không đổi sắc nhưng trong mắt cũng không giấu được vẻ vui mừng.

Dương Lăng thầm nghĩ: "Xem ra lần này bọn họ giấu giếm mình cũng không phải cố ý muốn gạt mình sang một bên mà là tự cho rằng có thể chi phối văn võ cả triều, nhưng không ngờ càng làm càng rối."

Y giơ hoàng bảng trong tay lên, ra vẻ hoảng hốt nói:

- Đây là chủ ý của ai vậy? Thật hồ đồ quá rồi. Lưu công công thi hành tân chính đang cần đến sự ủng hộ đắc lực của bá quan. Lưu, Tạ nhiều lắm chỉ là những kẻ bị bãi quan, không bao lâu nữa sẽ bị người ta quên đi, ảnh hưởng và uy đức trên quan trường cũng sẽ dần dần phai nhạt. Giờ lại chỉ trích bọn họ là gian đảng vậy khác nào lại nâng bọn họ lên thành lãnh tụ của bá quan, làm vậy không phải là tự tạo thêm cường địch ư?

Đám người Cốc Đại Dụng nghe vậy thì ngơ ngác nhìn nhau, không hẹn mà cùng lặng lẽ hướng mắt về phía Lưu Cẩn, khuôn mặt già nua của Lưu Cẩn thoáng đỏ lên. Lão nghe nói bá quan đã quỳ một đêm, trong lòng cũng đã thấp thỏm bất an, cảm thấy biện pháp của vị quân sư tú tài mà mình rước về có hơi quá đáng nhưng lại không thể cúi đầu khuất phục bá quan, thành ra vẫn cố đấm ăn xôi. Giờ nghe Dương Lăng nói vậy, lão cũng không biết mình đã phạm phải sai lầm lớn gì, không khỏi ngượng ngập hỏi:

- Ừm..., Dương đại nhân cảm thấy biện pháp này không tốt ư?

Đoạn lão đứng dậy nói:

- Nghe nói năm Huy Tông thời Bắc Tống, trong triều đả kích bè lũ gian thần đã dựng lên bia đá gọi là "Gian Đảng"(5). Kết quả bè lũ gian thần đã bị hốt gọn, về sau cũng không còn ai dám chỉ trích triều chính bậy bạ nữa. Vậy sao... sao...?

"Năm Huy Tông? Đó là triều đại có nhiều bè lũ gian thần nhất của Đại Tống." Thật ra Dương Lăng nhớ được rất nhiều sự kiện của triều đại này nhờ từng xem truyện trào phúng, cũng biết chuyện dựng bia đá “Gian Đảng”, y thở dài nói:

- Lưu công công, đây là ý tưởng của vị tú tài nào vậy? Hắn muốn đẩy chủ mình vào chỗ bất nghĩa hay sao? Lưu công công ngài thử nghĩ đi, cầm quyền vào triều đại đó đều là những kẻ nào? Là đám lục tặc hại nước Thái Kinh và Đồng Quán đó!

Đoạn y nhìn một vòng rồi cười nhạt nói:

- Hay lắm, khéo lắm. Năm vị công công Lưu, Mã, Trương, Cốc, Miêu cộng thêm Dương Lăng ta, bảng gian đảng này một khi được dán lên thì Đại Minh sẽ xuất hiện lục tặc hại nước mới đây.

Đám người Lưu Cẩn nghe vậy muốn cười song lại nín nhịn, nhất thời cũng không hỏi xem tại sao một khi dán bảng “gian đảng” lại có nhiều tác hại như vậy, trong lòng chỉ cảm thấy học vấn của Dương Lăng hơn xa bọn họ, y nói như vậy tất có lý lẽ của mình. Về phần gian tặc hại nước hả, ai mà thèm làm, bọn họ còn nghĩ mình là mấy đại trung thần đó.

Lưu Cẩn ngắc ngứ nói:

- Ta thi hành tân chính, bá quan nhất loạt đều phản đối. Đám mọt sách này vốn luôn xem thường nội đình chúng ta, chỉ cần là những gì chúng ta đề xuất hoặc nói ra bọn chúng đều sẽ nhắm mắt phản đối luôn, ngay cả lý do cũng lười nói cho đại nhân biết. Cái bản mặt khinh thường người khác đó thật sự khiến cho người ta tức chết đi được. Ta vốn chỉ định đánh vào cái dáng vẻ kiêu ngạo của bá quan một chút nhưng không ngờ bọn chúng lại kiên quyết như vậy, quỳ gối cả đêm trong tuyết, may mắn là sáng nay Hoàng thượng bãi bỏ tảo triều bằng không chúng ta thật sự sẽ rất bận rộn. Nhưng mà Dương đại nhân lại lấy hoàng bảng về rồi, nếu như lấy về thì mặt mũi mấy người bọn ta để đâu? Biết phải giải thích sao với Hoàng thượng đây?

Mấy người Cốc Đại Dụng mới vừa thăng chức, việc mà bọn họ quan tâm nhất chính là điều này, nghe vậy liền gật đầu lia lịa. Dương Lăng nói:

- Cho dù không có chuyện này thì chẳng lẽ ngoại thần sẽ coi trọng chúng ta ư? Hơn nữa... trọng binh Thát Đát đã áp sát biên cương, lúc này biên quan cấp báo, cần nội thần và ngoại thần đồng tâm hợp lực chống giặc ngoại xâm. Lý do này đã đủ hay chưa? Các vị hãy dùng lý do này mà dâng tấu lên cho Hoàng thượng, xin Hoàng thượng thu hồi thánh chỉ. Hoàng thượng tất sẽ khen ngợi các vị công công biết phân nặng nhẹ, coi trọng triều đình, trung quân yêu dân đó.

Lý do này quả thật vừa có thể tiếp nhận, lại có thể lấy lòng Hoàng thượng, đám người Lưu Cẩn đương nhiên gật đầu, đồng thời cũng có chút kinh hãi. Miêu Quỳ nhịn không được bèn hỏi:

- Dương đại nhân, giặc Thát lại tập kích biên giới sao?

Sắc mặt Dương Lăng trở nên nghiêm trọng, y gật đầu đáp:

- Ừm, lần này Bá Diên Khả Hãn và Hoả Sư dẫn theo bảy vạn thiết kỵ một đường tập kích Tuyên phủ Đại Đồng ta, hiện tại đã có rất nhiều thành trì rơi vào tay giặc. Cần phải lập tức bẩm rõ với Hoàng thượng, lập tức triệu tập đại quan trong triều cùng thương nghị kế sách khởi binh chống giặc. Hoàng thượng đâu rồi? Sao chỉ thấy các vị ở đây?

Mã Vĩnh Thành nhỏ giọng cười gượng nói:

- Ninh Vương vừa tiến cống cho Hoàng thượng một gánh xiếc, trong đó có hai vị cô nương xinh đẹp dị thường lại biết ca hát và làm xiếc. Hoàng thượng rất thích bọn họ, hôm qua đã triệu vời bọn họ thị tẩm, có lẽ thân thể mệt mỏi nên sáng sớm truyền khẩu dụ rằng hôm nay huỷ bỏ tảo triều. Ta cũng không dám vào quấy rầy...

Hoàng thượng muốn triệu vời phi tần thị tẩm trong hậu cung thì phải có kim ấn của Hoàng hậu thì Kính Sự phòng mới có thể tiến ngự, vả lại còn hạn chế thời gian, đến giờ sẽ phải đưa phi tử về cung, không thể chung giường cùng gối yên ngủ suốt đêm với Hoàng thượng.

Với tính khí của tiểu Chính Đức, chịu phải ước thúc như vậy hắn sẽ ghét không tới hậu cung nữa. Không ngờ hắn lại tự tìm phụ nữ cho mình. Chỉ có điều... Ninh vương à? Ninh vương!

Dương Lăng cả kinh, định co cẳng chạy vào tẩm cung của hoàng đế. Vừa dợm chân, y chợt định thần lại. "Ninh vương sẽ tạo phản, việc này chỉ một mình biết, nói ra cũng sẽ không ai tin. Song nếu hai người con gái này đã được Ninh vương ngang nhiên cống tặng vậy trong cấm cung đã ghi vào sổ sách, quyết hắn sẽ không dùng bọn họ để ám sát Hoàng đế. Quả như bọn họ chỉ là những con hát bình thường vậy sẽ là công cụ Ninh vương dùng để lấy lòng hoặc mê hoặc Chính Đức. Một khi bọn họ là tâm phúc của Ninh vương liền trở thành tai mắt của hắn bên cạnh Hoàng đế vậy mình gấp gáp như thế làm gì?"

Y cười tự giễu mình, chợt thấy mấy vị công công đang kinh ngạc nhìn mình liền nói:

- Chuyện hôm nay không nên xé ra to. Biên cảnh đang có hoạ, nếu như nội đình vẫn cứ dán bảng công bố xử phạt triều thần, ắt sẽ dẫn đến công kích của thiên hạ. Như vậy đi, Trương công công, Cốc công công, hai vị hãy mau chóng gỡ bỏ cấm thành và rút phiên tử về. Mã công công, xin công công hãy sai người cấp tốc giục Hoàng thượng thức dậy, chúng ta xin người hạ chỉ thu hồi lệnh phạt gian đảng trước để yên lòng bá quan, sau đó xin Hoàng thượng điều binh khiển tướng bắc phạt Thát Đát là hơn.

Miêu Quỳ tuy là thái giám song luôn muốn dẫn binh đánh trận, kiến lập công huân, vừa nghe lời này liền xoa tay hăm hở:

- Được, ta và đại nhân sẽ cùng đi gặp Hoàng thượng. Giặc Thát quá ngông cuồng, nhất định chúng ta phải phái trọng binh đánh cho chúng biết mặt mới được!

*****

Hai người thiếu nữ trong gánh xiếc đó dung mạo xinh đẹp, thân thể mềm mại lại rất thức thời, hiểu chuyện gió trăng cộng thêm từ nhỏ nhờ luyện tập tạp kỹ nên cơ thịt khắp người linh hoạt dẻo dai, so với tiểu thư con nhà phú quý bình thường thì vẻ phong tao nóng bỏng, khêu gợi và bạo dạn trong khuê phòng đó thật khiến cho Hoàng đế Chính Đức vốn thích phóng đãng, không chịu câu thúc này mừng rỡ như điên.

Một đêm phong lưu ấy, hai người con gái dân gian quả thật đã đánh bại hoàn toàn ba vị phi tần chỉ biết đọc thi thư, trên giường cũng rụt rè nho nhã, khiến Chính Đức yêu thích đến không rời tay. Quấn quít nguyên đêm, sung sướng lên tiên, mãi đến rạng đông hắn mới chìm vào mộng đẹp, đến nỗi tảng sáng mà mệt dậy không nổi.

Lúc Mã Vĩnh Thành phái tên tiểu hoàng môn lấy hết can đảm đi vào hô hoán, Chính Đức và hai thiếu nữ mới vừa thức dậy. Chính Đức mỉm cười ngắm nhìn hai mỹ nhân trang điểm trước gương, ôm lấy eo bọn họ, hôn trộm một cái, rồi luồn tay chụp lấy bộ ngực của họ, cười ha hả trông thích thú vô cùng.

Nghe nói Dương Lăng và đám người thân cận của mình là Lưu Cẩn đang chờ yết kiến, Chính Đức hứng chí nắm tay dẫn hai thiếu nữ ra ngoài. Đám người Dương Lăng vừa thấy Hoàng thượng mặc thường phục đi ra liền vội nhất tề quỳ xuống hành lễ:

- Tham kiến Hoàng thượng.

Hai thiếu nữ đó thấy có người quỳ xuống thì không muốn gánh phải tội nhận sằng lễ tiết liền vội tránh sang hai bên. Dương Lăng thấy hai đôi hài cong trắng như tuyết tránh sang hai bên, bước chân hết sức nhẹ nhàng, tuy không nhìn ra bọn họ có biết võ nghệ hay không song cảm thấy một người con gái trong gánh xiếc dân gian lại hiểu biết lễ nghi như vậy thì không khỏi sinh lòng ngờ vực.

Chính Đức cười hì hì bảo:

- Đứng lên đi, đứng lên đi, cũng đâu phải là người ngoài. Dương thị độc, trẫm đã thu nạp được hai người con gái hợp lòng, khanh xem có đẹp hay không?

Dương Lăng thầm cười khổ trong lòng: "Tuy rằng hai người con gái này xuất thân ti tiện nhưng đã thị tẩm cho Hoàng đế thì thân phận đã không thể so với người bình thường, sao mình dám to gan mà bình phẩm đánh giá chứ? Vị Hoàng thượng này thật là..."

Đám người Dương Lăng lập tức đứng dậy. Dương Lăng liếc nhìn, thấy hai người thiếu nữ đó đều có khuôn mặt trái xoan trắng như tuyết, mắt hạnh má đào, thanh nhã phong lưu.

Một người mặc áo đỏ, người mặc áo xanh, đều dùng áo cân vạt quần bó ống, eo buộc một sợi dây lưng bằng lụa trắng, giày cong nhỏ nhắn nhẹ nhàng như én, tuy vẫn là bộ đồ đoản đả (*) như lên đài biểu diễn song trông càng thêm khả ái yêu kiều.

(*)võ phục ngắn, quần áo chẽn, diễn viên võ mặc khi biểu diễn.

Tuy bọn họ chỉ có tám phần xinh đẹp nhưng lại có mười hai phần phong thái, cử chỉ và dáng điệu dịu dàng chân thành, mặc dù chỉ là áo vải trơn màu nhưng lại khiến mắt người ta như chìm trong ngũ sắc, không giống như con gái tầm thường.

Dương Lăng thầm nghĩ bụng: "Dung nhan thật xinh đẹp, phong thái thật đặc biệt, Ninh vương thật chịu đầu tư."

Dương Lăng điềm nhiên cười nói:

- Hoàng thượng thân là thiên tử, tầm mắt ấy đương nhiên là số một rồi, hai vị cô nương có thể nói là tuyệt sắc trên đời.

Hai vị cô nương nghe vậy mới cẩn thận quan sát y. Dương Lăng đưa mắt lên thì thấy hai vị cô nương này một người xinh đẹp lạnh lùng, một người ngọt ngào vui vẻ.

Người con gái xinh đẹp có vẻ lạnh lùng vốn không hề nở nụ cười nhưng khi thấy Dương Lăng lại là một công tử phong lưu anh tuấn đang ngắm mình thì chợt nhoẻn miệng cười với y, để lộ hai hàm răng trắng đều như bắp, đôi môi hồng đào hơi vểnh lên như môi mèo. Nụ cười của nàng ta vốn đã xinh tươi, thêm vào vẻ đẹp lạnh lùng càng khiến người ta cảm nhận một cách mãnh liệt.

Chính Đức nghe thấy Dương Lăng khen ngợi thì mừng rỡ nói:

- Đúng đó, trẫm cũng cảm thấy so với phi tần ở hậu cung thì các nàng hiểu biết và thức thời hơn nhiều, tên của bọn họ là Giải Ngữ và Tu Hoa. Giải Ngữ, Tu Hoa, vị này là ái khanh của trẫm, Dương Lăng.

Hai người con gái thoáng lộ vẻ kinh ngạc liếc nhìn Dương Lăng, sau đó hai người dịu dàng nhún chào, yêu kiều nói:

- Dân nữ ra mắt Dương đại nhân, ngưỡng mộ thanh danh đại nhân đã lâu.

Chính Đức ngạc nhiên hỏi:

- Hai người từng nghe nói về Dương ái khanh à?

Tiểu cô nương hay cười nọ mặc một bộ áo chẽn sát thân màu đỏ, bộ ngực cao ngất ép thành một khe sâu mê người, ở giữa đeo một bức tượng phật bạch ngọc thoạt trông không rõ bao nhiêu tiền, nàng ta mân mê bức tượng phật bằng ngọc hơi gật đầu rồi hé miệng cười đáp:

- Những câu truyện truyền kỳ về Dương đại nhân cửu thành tầm y, đế lăng hàm oan, Giang Nam chống Oa rất nhiều, dân nữ là khách giang hồ nên đã nghe đến chai cả tai.

Chính Đức ôm lấy chiếc eo thon của nàng ta rồi hôn dưới mái tóc mai và nói:

- Giải Ngữ, đó là vì trẫm không có cơ hội thôi, sau này có thời gian rảnh trẫm sẽ cùng nàng đi khắp giang hồ, truyện truyền kỳ nhất định sẽ còn nhiều hơn.

Người con gái tên là Giải Ngữ bị Hoàng đế ôm eo ngay trước mặt mọi người, khuôn mặt hơi đỏ lên, hai má ửng ráng mây hồng, sóng mắt đong đưa càng toát lên vẻ xuân sắc điên đảo tâm hồn. Nàng ta khẽ mím môi, bờ mi cong dài chớp chớp không ngừng, vẻ nửa thẹn nửa sợ ấy khiến ngay cả đám người Lưu Cẩn cũng không nhịn được mà nhìn thêm mấy lần.

Ánh mắt của Dương Lăng lại tập trung giữa cặp tuyết lê cao vút: đó là một bức tượng phật Di Lặc há miệng tươi cười. Những người thờ phật trên thế gian bất luận là nam hay nữ thì rất ít người đeo tượng phật Di Lặc. Tín đồ nữ đa số thường hay đeo tượng Quan Âm Bồ Tát hơn.

Dương Lăng vì lỡ gạt Ấu Nương cho nên luôn đeo cây thánh giá trên người nên khi thấy tượng phật của nàng ta thì hơi ngạc nhiên và tò mò, không khỏi nhìn kỹ hơn nhưng thật ra trong lòng lại không có ý gì khác.

Thấy vậy, người con gái tên là Tu Hoa đứng bên cạnh lộ ra vẻ căng thẳng rồi mau chóng bước vòng ra trước mặt, giả vờ giúp tỷ muội sửa lại vạt áo để che chắn ánh mắt của Dương Lăng rồi nhân lúc Chính Đức không để ý mà nghiêm khắc trừng mắt với nàng ta một cái. Lúc này Giải Ngữ mới sực tỉnh ngộ, khuôn mặt xinh xắn thoáng trắng bệch rồi vội vã nhét bức tượng phật đó vào trong người.

Chú thích:

(1) trích "Tuý Ông chi ý bất tại rượu", lời của Tuý Ông không phải ở rượu; nghĩa bóng chỉ trong lời nói có dụng ý khác.

(2) cấp học cao cấp nhất thời phong kiến

(3) bảng yết thị của vua

(4) cửa phụ, có khe nhỏ để đưa thư từ

(5) Sau khi lên làm thừa tướng, để triệt hạ hoàn toàn phe phái cũ, Sái Kinh (Thái Kinh) kiến nghị Huy Tông liệt kê tên tuổi những người thuộc phe này gồm 109 người từng theo Tư Mã Quang, khắc tên lên bia đá gọi là “danh sách gian đảng” bêu danh xấu trước cửa Đoan Lễ tại điện Văn Đức để noi gương cho đời sau.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.