Ngược Về Thời Minh

Chương 375-2: Thập diện mai phục (2)



Nhưng những kẻ tấn công quá quả quyết, quá thần tốc, nên khi lính do thám nhìn thấy bóng người của họ, giục ngựa quay về báo tin, cũng chỉ nhanh hơn họ một tuyến đường nhỏ. Có người chỉ vào nơi như bị cả bầy sói thảo nguyên hung dữ nhào vô và hét lớn:

- Chính là chỗ đó, chính là chỗ đó!

Gia Tư Bố cưỡi ngựa nhìn về phía xa xa, chỉ thấy vạn con ngựa phi nhanh, phóng nhanh mà tới, khí thế như mũi tên sắc nhọn lao nhanh về đích.

Gia Tư Bố vừa kinh ngạc vừa thấy kỳ lạ: Đây là quân của ai? Thanh Hải là nơi giao nhau của hai động mạch chủ: con đường tơ lụa và Đường Phiên cổ đạo, cho nên ở đây có rất nhiều nhân chủng, người Ả Rập, người Ba Tư, người Salir, người Hồi, còn có người Tây Tạng, người Duy Nhĩ Ngô, người Thổ Phiên. Nhưng vì bộ lạc của họ quá phân tán, không hề có một tổ chức thống nhất, không thể tập hợp thành một đội thiết kỵ phối hợp nhịp nhàng, khí thế như hổ thế này được.

Các chiến sĩ trong các lều Mông Cổ đều đã leo lên lưng ngựa, vội vã phi đến lều lớn trung tâm của y. Chỉ một lúc sau, sau lưng y đã tập kết được hơn sáu ngàn chiến sĩ, gần xa còn có chiến mã không ngừng chạy tới.

Gia Tư Bố cười một cách hài lòng. Chiến sĩ hợp chuẩn dưới trướng y ít nhất cũng có một vạn người, sau khi tới Thanh Hải, lại thu nạp thêm một số bộ lạc nhỏ tản cư như Thát Đát, Ngõa Lạc, thậm chí còn thu nhận một số dũng sĩ Thổ Phiên.

Từ khi có được Hoàng hậu Mãn Đô Hải một cách kỳ tích, Gia Tư Bố như hổ thêm cánh, lợi dụng uy vọng của nàng không ngừng sai người đi du thuyết những quý tộc phụ thuộc bộ lạc của Bá Nhan Khả Hán, truyền nhiều tin đồn bất lợi đối với Bá Nhan. Cho nên, lại lần lượt có một số bộ lạc lặng lẽ đầu quân cho y. Chiến sĩ của y bây giờ ít nhất cũng một vạn năm ngàn người, là lực lượng mạnh nhất Thanh Hải.

- Các dũng sĩ, xông lên, cho bọn xâm lược đó không còn đường về, dùng thân xác của họ bón cho thảo nguyên của chúng ta thêm phì nhiêu. Giết!

Gia Tư Bố cưỡi một con ngựa Thanh Hải cao to cường tráng, rút loan đao ra ra lệnh tác chiến.

Gia Tư Bố cao to anh vũ, khuôn mặt đen, hình dáng mặt sắc nét như dao cạo, cưỡi trên con Phiên Mã cao hơn những con ngựa Mông Cổ khác một cái đầu, vung đao chỉ về phía trước, khí thế hơn người. Hai ngàn thiên phu trưởng đã cầm đao thúc ngựa, tiếng “vâng” vang ngút trời, họ dẫn binh mã của mình reo hò đuổi theo hai cây tiễn Lang Nha Kình mà Gia Tư Bố bắn ra.

Binh mã phía sau cũng xung phong theo, binh mã của đối phương trông như một lưỡi dao, còn đại quân của Gia Tư Bố thì trông như vạn tiễn tề phát, phi nhanh về trước. Khí thế của chúng đủ để nuốt gọn đối phương vào bụng. Chính lúc này, nụ cười nhẹ nhõm trên mặt Gia Tư Bố đột nhiên khựng lại.

Đội quân xông đến từ xa, đang dần hiện rõ trước mắt chúng. Ánh sáng đầu tiên của buổi bình minh chiếu lên đầu của họ. Đầu tiên là một cái cờ lớn, trên đó là hình một cái đầu sói dữ tợn, tung bay trong gió, như muối nuột sống người. Gia Tư Bố đột nhiên cảm thấy tay chân lạnh ngắt: đó là vương kỳ của Đại Hãn Mông Cổ, biểu tượng của gia tộc Hoàng Kim. Người đến là Bá Nhan Khả Hãn.

Bá Nhan Mãnh Khả thân mặc giáp da, đầu đội trụ sắt, râu ria đầy mặt, xông lên trước đội hình. Vương kỳ của y ở ngay sau lưng y. Tin tức tối qua truyền về còn nói Bá Nhan Mãnh Khả đang cướp đoạt ở biên giới Đại Minh. Y… sao y lại ở đây?

Đại quân của Bá Nhan Mãnh Khả nhiệt huyết sôi người, trong mắt chỉ có sát ý lạnh lùng vô cùng. Rõ ràng nhân mã của đối phương nhiều hơn họ, nhưng họ không có tránh tiến công trực diện, sử dụng tấn công bên hông. Đối mặt với địch quân ồ ạt kéo đến, Bá Nhan Mãnh Khả ra lệnh, cây đao sáng bóng loáng vung lên, phản chiếu lại ánh sáng mặt trời.

Tiếng reo hò như sấm rền vang lên:

- Đại hãn chinh phạt kẻ phản nghịch, kẻ đầu hàng tha mạng! Giết!

Đại quân của Gia Tư Bố đều ngây người ra hết, chiến mã vẫn còn đang xông pha, nhanh cánh tay nắm dây cương lại bất giác thắng lại. Gang đao vẫn còn vung lên trong không trung, nhưng đã không còn khí thế ngút trời như ban nãy.

Bọn họ phản bội Bá Nhan Mãnh Khả chưa được bao lâu, tâm lý phục tùng vẫn còn ăn sâu trong tâm trí, tư tưởng gia tộc Hoàng Kim là không thể xâm phục vẫn còn ăn sâu trong đầu họ. Đột nhiên phát hiện, đối tượng tác chiến của họ chính là Đại Hãn mà ngày xưa họ thề nguyện phục tùng. Bọn họ nhất thời cảm thấy mơ màng, không biết nên làm như thế nào.

Nếu sớm biết tin Bá Nhan Khả Hãn tiến quân, nếu như Gia Tư Bố và những tướng lĩnh trung thành với y có thời gian tiến hành tổng động viên, những binh sĩ có thời gian suy nghĩ kĩ càng về tiền đồ của bản thân và gia đình, xem thủ lĩnh mà trước đó họ tôn kính nhất là thù địch. Nhưng bây giờ Đại Hãn đột nhiên xuất hiện, phản ứng đầu tiên trong đầu họ chỉ có phục tùng và tránh né.

Cuộc tiến công hơn vạn người như những cơn sóng lớn động trời biến thành từng đợt thủy triều vỗ nhẹ trên bờ cát của Hồ Thanh Hải. Bá Nhan Mãnh Khả một người một ngựa, tay cầm bảo đao, hét một tiếng, tay vung đao, tiếng “giết” của y như sấm rền. Kỵ binh của y giống như một cây kéo rạch rách một miếng vải đang căng ra, xông thẳng vào trung tâm của các sĩ tốt. Mục tiêu: Gia Tư Bố.

Thiết Kỵ nhanh như chớp, các tướng lĩnh thề chết trung thành với Gia Tư Bố cùng với tộc người thân tín thấy tình hình không ổn, lập tức rút đao thúc ngựa, hò hét xông lên. Loan đao cùng với trường mâu sáng bong chạm vào nhau trong nháy mắt, nhanh như sóng biển phủ lên đá ngầm vậy.

Kỵ binh của song phương tấn công nhau, đều sử dụng chiến thuật đâm xuyên chuyên dụng của kỵ binh Mông Cổ, giống như cây búa cây rìu đục thẳng vào trung tâm trận địa vậy. Các chiến sĩ lão luyện của song phương đều biết cách phối hợp nhau, hỗ trợ nhau. Dũng mãnh như nhau, thiện chiến như nhau, nhưng sĩ khí của binh lính bên Gia Tư Bố, thế nào đi nữa cũng không thể sánh ngang với sáu ngàn tử sĩ này.

Tiếng hí của chiến mã, dòng người lưu động, đao giáo vung lên, mục tiêu của người truy kích chính là cột cờ to hình đầu sói đó, mục tiêu của người xung trận cũng là cây cờ đó. Nó chỉ đi đâu, người xung phong và truy kích đi theo hướng đó. Dưới sự dẫn đường của nó, đâu đâu cũng là những cây kiếm cây giáo đang dốc sức chiến đấu. Không ngừng có người hét lên vả ngã ngựa, cho dù có bị thương hay không, ngã ngựa đồng nghĩa với chết.

- Giết!

Hò hét một cách phẫn nộ, Bá Nhan Mãnh Khả đỏ cả mắt, ánh mắt hung dữ của y nhìn thẳng người thuộc hạ đắc lực cũ. Y thúc ngựa phi nhanh, đao vung nhanh như chớp, chiến sĩ chết dưới tay y nhiều không kể xiết. Gia Tư Bố cũng đích thân tham chiến, cầm đao thúc ngựa, tung hoành trong mớ người hỗn loạn. Ánh mắt của cả hai người chạm vào nhau, nhưng vì người ngựa dày đặc cản trở, nhất thời không thể xông vào nhau.

Trước mắt, không ngừng có ánh đao và giáo vụt qua, không ngừng có cờ và chiến mã lướt qua, không ngừng có bóng người đang chiến đấu cản ánh nhìn của hai bên lại. Nhưng ánh mắt của hai người chưa từng bị những điều này cản trở, họ luôn có thể tìm thấy hình bong của đối phương trong thời gian ngắn nhất.

Bá Nhan Mãnh Khả vung bảo đảo, đá quý xanh đỏ khảm trên thanh đao lóe lên ánh sáng mập mờ, một kỵ sĩ xông thẳng vào y bị chém đôi. Ngay sau đó, y đạp lên ngựa, dồn sức nhảy lên cao, mượn thế ngựa đang phi nhanh, đương đầu chém một nhát mãnh liệt xuống, bổ đôi đầu con ngựa. Máu văng tung tóe, y to tiếng cười, thách:

- Gia Tư Bố, ra đây đấu với ta một trận.

Gia Tư Bố cũng đỏ cả mắt, nghe lời khiêu chiến, nghĩ cũng không nghĩ, rống một tiếng thật to như sét đánh, quay đầu ngựa, cầm chắc gang đao xông về phía Bá Nhan Mãnh Khả. Những chiến sĩ đang chém giết nhau quanh đó bất giác ngừng tay hết. Dưới cột cờ hình đầu sói đó, chỉ thấy ánh đao như chớp, chớp giật sấm rền, thúc ngựa như rồng, hình bong giao nhau qua lại đó, chỉ có đôi kiêu hùng ấy…

*********

Ánh mặt trời sáng như lửa, bên ngoài thành Thái An, tiếng “giết” rung trời.

Khí thế công thành của Dương Hổ đang hừng hực bùng cháy, nhưng thế nào y cũng không ngờ trận chiến lúc bình minh dưới thành Thái An, không phải với quân thủ thành, mà là với các đạo viện quân đột nhiên xuất hiện.

Y tung hoành Sơn Đông, rất hiếm khi gặp đối thủ như thế. Khi y tập kết binh lính công thành, do hành động thần tốc, mà các quan binh nếu muốn điều động thì phải có sự đồng ý của Đô Chỉ huy sứ Ti. Đợi khi Đô Chỉ huy sứ Ti nhận được tin tức, y sớm đã đạt được mục tiêu chạy đi nơi khác. Tốc độ vây đánh của quan binh chưa từng nhanh hơn tốc độ hành quân của y, nên y luôn không gặp một đối thủ xứng tầm.

Lần này vây đánh thành Thái An, đánh hết nửa tháng trời, y cũng từng nghĩ qua triều đình có điều viện quân tới tấn công hay không, nên trên những con đường chính ngoài thành Thái An bốn mươi dặm đều có quân do thám. Một khi có tin tức gì thì ngay lập tức quay về báo tin. Với thực lực và tốc độ điều quân của y bây giờ, bất luận là chiến đấu hay bỏ chạy, đều dễ như trở bàn tay.

Nhưng khả năng này rất nhỏ. Bởi vì binh lính bản địa Sơn Đông bây giờ đều trấn giữ trong các thành trì. Nếu không điều quân từ tỉnh khác, mà điều những nhân mã này đến tấn công y, chính là đang mạo cái hiểm y thoát khỏi vòng vây, phản công những thành trì trống không đó. Y bại trận, cũng chỉ là chết một số binh mã. Triều đình bại trận, mất thành trì, chủ soái tám chín phần mười sẽ vào ngục. Y không tin có ai điên cuồng như vậy.

Nhưng một thằng điên như thế địch thực xuất hiện. Không ngờ Dương Lăng lại điều binh ở tận Thanh Châu đến. Phần lớn quân triều đình đều là bộ binh, theo lẽ thường, đợi khi nhân mã của họ tới, y sớm đã chỉnh đốn xong quân ngũ, mọi người ăn no cơm, hát vào điệu nhỏ, nhàn nhã tự tại rời khỏi. Nhưng điên hơn nữa là, Dương Lăng điều động kỵ binh của các đạo quân đánh đầu trận. Còn đại đội bộ binh ngay cả bóng còn chẳng thấy.

Chi nên khi Dương Hổ nghe được tin này vừa kinh vừa mắc cười. Y thật sự không tưởng tượng nổi, kỵ binh trấn giữ trong các thành trì thường không quá ba ngàn người. Một đội kỵ binh nhỏ như thế thoát li khỏi đại đội, rốt cuộc là đánh trận hay đi tìm cái chết đây?

Nhưng rất nhanh thì y hết cười nổi. Bởi vì binh lính mà Dương Lăng điều tới toàn là kỵ binh, tốc độ không hề chậm hơn quân do thám của y. Khi người của y chạy về báo tin, kỵ binh các lộ quân cũng đồng thời tới nơi.

Nhân mã của họ hầu như đến đích cùng lúc. Họ đến từ những nơi khác nhau, trên những con đường khác nhau, nhưng lại cùng nhau xuất hiện ở cùng một địa điểm. Thậm chí một số nơi ở xa hơn, chẳng hạn như binh mã đến từ Thanh Châu, trên đường không ngừng sử dụng quân lệnh của Tổng đốc Khâm sai, triệu kỵ binh của các thành trì dọc đường nhập ngũ, khi đến thành Thái An thì đã hình thành một toán quân khoảng hai vạn tám ngàn người. Đội quân này lợi dụng địa thế núi cao gần đó, đủ để chống cự ít nhất năm lượt tấn công của Bạch Y Quân.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.