Chính Đức Hoàng Đế lấy tiếng là nam chinh, thật ra là nam tuần, Dương Lăng không trông cậy y sẽ có tác dụng gì trên chiến trường, mà chỉ kỳ vọng các lộ binh mã Giang Nam bao vây tiến công Giang Tây, cho nên đại quân của Hoàng đế còn chưa xuất phát, Binh Bộ liền phụng chỉ ban ra chỉ lệnh, truyền đạt lại chỉ thị tác chiến tỉ mỉ với quan Tổng binh của bốn lộ đại quân Bạch Trọng Tán, Lý Sâm, Hà Bính Văn, Hứa Thái.
Ngày đầu tiên Hoàng đế xuất phát, phải đến tế Thái Miếu, cáo biệt Thái hậu, Hoàng hậu và bá quan trong kinh phải đưa tiễn ra khỏi thành, một loạt nghi thức quá rườm rà, cho nên đại quân đi về phía nam không được bao lâu, vừa đến Trác Châu thì trời đã tối rồi, chỉ đành dựng trại đóng quân ở đây. Trác Châu cách Kinh sư chỉ có sáu mươi dặm, cũng là một tòa thành cổ ngàn năm, Hán Chiêu Liệt đế Lưu Bị, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn, Thiền Tông Lục Tổ Huệ Năng, một trong tứ kiệt thời Sơ Đường Lư Chiếu Lân, thi nhân thời cổ Giả Đảo vân vân đều sinh ra ở đây, có thể nói là nơi địa linh nhân kiệt.
Có điều tuy nơi này cách Kinh thành khá gần, Chính Đức và Dương Lăng ai cũng chưa từng đi qua, bây giờ coi như đã đến đây một lần, nhưng sắc trời đã tối muộn, hơn nữa thân mang quân vụ, có rất nhiều việc cần phải xử lý, cho nên không có tâm tình đi dạo. Trên thực tế Chính Đức phải theo đường thủy đến Giang Nam, nhưng do thuyền rồng của y quá to lớn, lại cần triệu tập rất nhiều chiến thuyền, cho nên trước tiên ngồi xe ngựa đi từ Kinh sư, đến Đức Châu lại chuyển sang ngồi thuyền.
Cho nên Dương Lăng thu xếp ổn thỏa cho xa giá trú đóng, trước hết sai người thông báo tin tức đến Lâm Thanh, Đức Châu, để địa phương sớm chuẩn bị, đồng thời phái người về kinh, nghênh tiếp ba vị công chúa và Đường Nhất Tiên, bởi vì hoàng thất, hoàng thân, quý tộc, quan viên đưa tiễn trong ngày đầu tiên rất nhiều, sợ rằng các nàng không tiện ẩn nấp, Dương Lăng để lại ba ngàn tinh binh, chờ khi đại đội nhân mã trú quân rồi mới nhân đêm tới đón các nàng hội hợp.
Chính Đức Hoàng đế vừa mới ở lại liền nhận được một tấu chương quân tình mới nhất, Dương Lăng và Chính Đức lắng nghe báo cáo từ miệng của người đưa tin, lại xem xét tấu chương mà Hứa Thái và Ngũ Văn Định tự tay viết, đối với trước mắtách, nên nói là có hiểu biết thêm một chút về tình thế chiến trường mấy ngày trước.
Sau khi Ninh Vương khởi binh, thế như chẻ tre tiến công Nam Khang, vây hãm Cửu Giang, tướng canh giữ ở địa phương đều bỏ trốn toàn bộ, ngay cả các loại thuyền cũng bị phản quân lấy được toàn bộ. Thanh thế của Ninh Vương cực thịnh, khí thế hùng hổ lao thẳng đến An Khánh, ngờ đâu lại đụng phải một cây đinh rắn chắc ở đây.
Tri phủ Ngũ Văn Định giỏi văn giỏi võ, trị chính cầm quân đều rất tài giỏi, vừa nghe tin cảnh báo thì ông ta lập tức gia cố tường thành, củng cố thủ thành, chiêu mộ người nghĩa dũng, hiệu triệu thân sĩ xuất tiền xuất lực. Lúc Ngũ Hán Siêu ở An Khánh có tạm thời nhậm chức Thủ Bị Đoàn luyện, tạm thay việc huấn luyện binh Đoàn luyện, khi đó đã chiêu mộ huấn luyện được năm ngàn dân tráng, thế là cũng kéo nhau vào thành toàn bộ, gia nhập vào đội ngũ quan binh thủ thành.
Ninh Vương đến dưới thành An Khánh rồi, lúc mới bắt đầu cũng muốn dùng thượng sách, không đánh mà khuất phục được người ta. Ông ta nghe nói Tri phủ An Khánh Ngũ Văn Định là Tiến sĩ năm thứ mười hai Hoằng Trị, vừa hay trong số những hàng quan dưới tay ông ta cũng có một Thông phán Vương Linh Hạc cũng là Tiến sĩ cùng khoa với Ngũ Văn Định. Tuy nói hai người không quen thân với nhau, nhưng dù sao cũng có quan hệ cùng năm, hơn nữa người này rất có tài ăn nói, Ninh Vương liền phái hàng quan này vào thành dùng tiền nhiều lợi nhiều, tiền tài mỹ nữ để chiêu hàng Ngũ Văn Định.
Vương Linh Hạc đã lên thuyền giặc, lúc này dù sao cũng không còn tiền đồ gì đáng nói nữa rồi, hơn nữa thê tử nhi nữ đều làm con tin ở Nam Xương, cũng chỉ phải tuyệt vọng mà bán mạng cho người ta, vào thành khuyên bảo Tiến sĩ cùng khoa Ngũ Văn Định. Ngũ đồng học rất khách sáo, dâng trà đãi khách cực kỳ nhiệt tình, không ngờ vừa hỏi rõ được ý đồ đến đây liền lập tức trở mặt, chỉ thẳng vào mũi mà mắng ông ta đến cẩu huyết lâm đầu.
Vương Linh Hạc cũng là người đọc sách thánh hiền nhiều năm, tự biết đuối lý, chỉ đành nhẫn nhịn không nói để mặc ông ấy mắng, nhưng khi ông ta muốn đứng dậy quay về giao phó thì Ngũ Văn Định lại không thả ông ta đi, hét to một tiếng liền gọi người trói ông ta lại. Vương Linh Hạc không ngừng kêu khổ, chỉ đành nhắc đến quy củ "hai nước giao tranh không chém sứ" ra để mong tìm đường sống, nhưng lần này lại trở thành tự tìm đường chết.
Ngũ Văn Định vốn muốn quăng ông ta vào trong ngục trước, vừa nghe đến "hai nước" thì không khỏi giận tím mặt, thiên hạ chỉ có một Đại Minh, chỉ có một Hoàng đế, lấy đâu ra mà hai nước? Kẻ nhắm mắt bán mạng cho phản tặc như vậy thì giữ lại để lãng phí lương thực sao?
Ông ta ra lệnh một tiếng, gọi người chém đầu Vương Thông phán, sau đó mặc giáp trụ chỉnh tề, cùng đi lên thành lâu với nhi tử Kiêu Kỵ Úy tướng Ngũ Hán Siêu, An Khánh Thủ Bị Âu Dương Hải, ném đầu của Vương Thông phán xuống dưới thành, sau đó chỉ tay mắng to.
Ninh Vương Chu Thần Hào hai mắt trông mong đang chờ đợi khí thế bá vương của mình được chấn hưng, Ngũ Văn Định cầm ấn mở cửa thành đầu hàng, làm một tấm gương tốt cho chúng quan viên Nam Trực Lệ, không ngờ rằng lại chỉ đợi được một cái đầu người và một trận mắng chửi lên án. Ninh Vương không khỏi tức giận đến mức chết đi sống lại.
Ninh Vương thấy Ngũ Văn Định không uống rượu mời, lập tức hạ lệnh công thành. Đầu thành lập tức hành động đáp lại, chào hỏi bằng lợi tiễn hỏa súng, khúc gỗ tảng đá. Ngũ Văn Định sức lớn vô cùng, có thể sử dụng bốn chiếc cung đá, ông ta lấy chiến cung của chính mình ra, giương cung bắn về phía Ninh Vương. Một tiễn này ngờ đâu lại nằm ngoài dự liệu của quân địch mà bay xa vào trong trận, nếu không phải Đại pháp sư Lý Tự Nhiên khi đó ở bên cạnh Ninh Vương kịp thời giơ kiếm ngăn cản, thì một tiễn này đã lấy đi tính mạng Ninh Vương, dọa cho Ninh Vương sợ tới mức thúc ngựa bỏ đi.
Bây giờ đã qua mấy ngày, thành An Khánh vẫn đang phòng thủ kiên cố. Ninh Vương dùng Phụ dung binh, tinh binh Tam Vệ của mình, còn có quân lưu manh của Tam Sơn Ngũ Nhạc thay phiên nhau tới công thành, hơn nữa đích thân mình mặc giáp cầm khiên, tay vung bảo kiếm đứng đốc chiến ở xa xa, lệnh cho binh lính lấp chiến hào, dựng thẳng thang, chờ đợi tất thắng, nhưng trước sau vẫn không thể công phá được một tấc nào, không thể không thay đổi phương án hay khác.
Hai phụ tá Lưu Dưỡng Chính, Lý Sĩ Thực của ông ta đề nghị ông ta bỏ qua An Khánh, đi đường vòng tấn công Nam Kinh, chỉ cần đánh hạ Nam Kinh, cử hành đại lễ đăng cơ trên điện Kim Loan của Thái Tổ Hoàng đế thì có thể chiếm được ưu thế lớn hơn nữa trên danh nghĩa, đủ để trấn áp được rất nhiều quan lại các nơi Giang Tây, cũng khuất phục càng nhiều quan lại hơn nữa.
Nhưng làm như vậy cũng có mạo hiểm. An Khánh là cửa lớn phía nam của Nam Trực Lệ, bây giờ Nam Kinh đã có chuẩn bị, một khi tiến công Nam Kinh không được, lại bị triều đình lấy An Khánh làm cứ điểm, chặt đứt đường lui sau này vậy thì nguy hiểm.
Mặt khác, nếu khi bọn họ tấn công Nam Kinh, An Khánh lại phát binh đột kích, vậy sẽ lâm vào mối nguy hai mặt đối địch. Tinh thần chủ nghĩa mạo hiểm anh hùng và tinh thần cách mạng chủ nghĩa lãng mạn của Ninh Vương rõ ràng kém xa hai vị tú tài này, cho nên không đợi cho đám võ tướng phản đối thì ông ta đã dứt khoát cự tuyệt.
Đám đạo tặc Vương Tăng Vũ, Dương Tử Kiều đề nghị ông ta chia hai đường, đường bộ thì tiếp tục tấn công An Khánh, đường thủy thì đi theo dòng sông mà đến thẳng Nam Kinh, cách này thực ra rất khả thi, bởi vì đại quân của ông ta trên thực tế gần mười vạn, mà bất luận là ở An Khánh hay là Nam Kinh thì lúc này đều không có nhiều binh mã như vậy.
Tướng lĩnh của các phủ đạo khác mặc dù biết Ninh Vương mưu phản, nhưng khổ là không có hoàng mệnh cũng không dám tự ý rời khỏi khu vực phòng thủ, tự mình chủ trương truy đuổi diệt phỉ. Cứ như vậy, khi hơn mười vạn đại quân công thành thì hoàn toàn không thể sắp xếp lên chiến trường toàn bộ được, người nhàn rỗi không làm gì chỉ có thể ăn cơm, còn không bằng phái người ra ngoài do thám. Dụng binh hai mặt như vậy, cho dù là đội quân nào công phá thành thì đều có thể kịp thời chi viện giúp đỡ cho đội quân còn lại.