Người Tình Trí Mạng

Chương 234: Chết đi, vĩnh viễn ôm sầu tương tư (4075 chữ)



Không phải cô đã chôn mẹ mình… ngay trong phủ Thân vương này đấy chứ?

“Mười năm cách biệt muôn trùng, dù không cố nhớ nhưng lòng chẳng quên…”*

*Trích từ bài từ “Giang thành tử – Ất Mão chính nguyệt nhị thập nhật dạ ký mộng” của Tô Thức.

Ai ai cũng nói đào hát đa tình, nhưng cũng có người nói đào hát vô tình. Ngô Trùng trong những năm trẻ trung tuấn tú, trước khi gặp Nguyễn Anh chỉ biết rằng kịch là đạo lý cao nhất cuộc đời mình. Sau khi gặp Nguyễn Anh, ông cảm thấy tất cả mọi điều tốt đẹp trên thế gian này đều giấu cả trong đôi mắt sáng của bà. Một nụ cười, một cái nhíu mày, một bước đi, một chút dừng lại cũng đều là phong cảnh. Nhất là khi Nguyễn Anh mặc một bộ quần áo dài, khẽ giơ vạt áo lên che đi chóp mũi, đôi mắt đó đã hút hết tất cả những ảo ảnh phù hoa.

Một người là diễn viên, một người là đào hát trong Lê Viên.

Cả hai đều nhập vai để thể hiện cuộc đời của người khác. Thế nhưng vào giây phút gặp gỡ tại phủ Thân vương, quỹ đạo cuộc đời của cả hai người cũng đã được xác định.

Là si mê, là bầu bạn.

Đồng thời, cũng là một kiếp nạn tai bay vạ gió.

“Ngô Trùng là bố tôi.”

Đây là câu đầu tiên Nguyễn Kỳ nói sau khi tiếp nhận buổi thẩm vấn của cảnh sát.

Không lãng phí quá nhiều nước bọt, thậm chí là thẳng thừng, trực tiếp.

Mà sau này tất cả đầu đuôi sự việc Hạ Trú biết được đều qua lời khai của Nguyễn Kỳ để lại tại Cục cảnh sát. Còn nữa, sau khi Nguyễn Kỳ ra khỏi Cục cảnh sát, rốt cuộc cũng đã nói cho cô biết một số việc mà cô muốn.

Nguyễn Kỳ không né tránh cảnh sát, điều này khiến Hạ Trú phải nhìn cô ta bằng con mắt khác. Dẫu sao cô ta cũng đã giả ma giả quỷ trong phủ Thân vương, làm dấy lên dư luận chỉ là chuyện nhỏ, có âm mưu giết hại Thai Quốc Cường mới là chuyện lớn.

Cô ta kể lần lượt tất cả mọi chuyện xảy ra năm xưa tại Cục cảnh sát, nhữn chuyện quá khứ ấy đã khiến đội trưởng Hứa, người phụ trách vụ án này, phải kinh ngạc và dừng bút.

“Bố tôi bị bán đứng, buộc phải quay trở lại đoàn phim. Ông đi chưa được bao lâu thì mẹ tôi phát hiện ra mình mang thai.” Nguyễn Kỳ khi kể về chuyện cũ, ánh mắt rất lạnh nhạt, nhắc đến nhà họ Thai thì sắc mặt càng thâm trầm hơn. Chỉ khi nhắc đến mẹ, ánh mắt cô ta mới lộ ra sự bi thương.

Ở một thời đại như thế, khi một người phụ nữ ly biệt quê hương, bơ vơ không nơi nương tựa, tất cả mọi hy vọng đều được gửi gắm vào sinh mệnh bé nhỏ sắp chào đời. Đến mức sau này khi Ngô Trùng chết rồi, Nguyễn Anh vẫn quyết tâm cả đời không tái giá, cắn răng một mình nuôi Nguyễn Kỳ khôn lớn.

Cô ta mang họ Nguyễn, vì Nguyễn Anh không muốn để Nguyễn Kỳ biết quá nhiều chuyện quá khứ. Về những tình cảm hay nghiệt ngã năm xưa, Nguyễn Kỳ đều được biết qua những bức thư tình của Nguyễn Anh. Những bức thư tình viết cho Ngô Trùng, nhưng chưa bức nào được gửi đi.

“Con trai của nhà họ Thai đó chính là Thai Quốc Cường, kẻ đã hãm hại bố mẹ tôi âm dương cách biệt.” Nguyễn Kỳ nói với cảnh sát: “Ông ta tham lam hư vinh, đã giàu có và phát đạt bằng cách giẫm lên máu của bố tôi.”

Muốn điều tra chuyện năm xưa, đối với Nguyễn Kỳ mà nói không phải việc quá khó khăn, dẫu sao thì lần theo nhà họ Thai kiểu gì cũng tìm ra được chút manh mối. Con trai nhà họ Thai bán đứng bạn bè để được leo lên hàng quyền quý, chẳng qua là nhắm vào cô con gái của nhà đầu tư. Mà sao trùng hợp đến vậy, chồng của người phụ nữ kia cũng họ Thai?

“Phủ Thân vương là nơi định tình của bố mẹ, có ý nghĩa rất lớn với mẹ tôi. Tôi náu mình trong vương phủ chẳng qua chỉ vì nhung nhớ bố mẹ. Ai ngờ vợ chồng Thai Quốc Cường năm lần bảy lượt tới quấy nhiễu, còn bị sợ đến hết hồn, người thì hôn mê, kẻ thì nhập viện. Đây chẳng phải là biểu hiện của việc có tật giật mình ư?

Hôm sau, khi Nhiêu Tôn đưa Nguyễn Kỳ ra khỏi Cục cảnh sát, Hạ Trú đã đứng ngoài đợi nhiều tiếng đồng hồ rồi. Chiếc xe đỗ dưới một cây ngô đồng đã nhiều năm tuổi. Lục Đông Thâm đích thân lái xe, Hạ Trú ngồi bên ghế lái phụ. Thấy họ bước ra, cô bèn hạ cửa xe xuống quá nửa.

Khuôn mặt Nguyễn Kỳ rất thuần khiết, mộc mạc, sắc mặt vẫn nhợt nhạt như mọi khi, trên trán có nét ưu phiền. Cô ta không nhìn sang phía đối diện. Ngược lại Nhiêu Tôn vừa đó đã liếc thấy xe của Lục Đông Thâm, nhưng lại vờ như không thấy, giữ chặt cổ tay Nguyễn Kỳ lại.

Đầu tiên Nguyễn Kỳ giật nảy mình, sau đó bắt đầu giãy giụa, ai dè không giằng ra được khỏi tay Nhiêu Tôn, thế là cô ta thẳng thừng cúi đầu xuống cắn.

Có thể nhận ra cô ta cắn rất mạnh, nhưng Nhiêu Tôn vẫn để mặc, vừa lôi vừa kéo đẩy cô ta vào trong xe.

Cảnh này lọt vào mắt Lục Đông Thâm, anh chỉ coi như xem kịch, cười nói: “Không hổ danh là Tôn thiếu, mới đó đã vớt được người ra ngoài rồi.”

Về bản lĩnh của Nhiêu Tôn, dĩ nhiên Hạ Trú biết rất rõ. Thành phố Bắc Kinh tuy rộng lớn, nhưng có ai biết Tôn thiếu mà không nể mặt anh ấy vài phần, thế nên cô nhìn nhiều cũng thấy quen. Thấy Nhiêu Tôn đã khởi động xe, cô vội vàng vỗ cánh tay Lục Đông Thâm: “Mau bám theo.”

Xe của Nhiêu Tôn đi thẳng, dĩ nhiên sẽ biết Lục Đông Thâm theo sát phía sau, nhưng anh ấy không tức giận cũng không cố tình cắt đuôi, mà vẫn giữ nguyên tốc độ đi xuyên qua biển xe.

Cho tới khi rẽ vào một con ngõ, Hạ Trú mới bừng tỉnh ngộ: “Nhiêu Tôn định tới phủ Thân vương?”

Lục Đông Thâm không quá bất ngờ. Anh vững vàng điều khiển vô lăng: “Lời khai của Nguyễn Kỳ nghe có vẻ không có kẽ hở. Nhưng khi tỉ mỉ cân nhắc lại, có vẻ mới hợp lý chứ chưa hợp tình. Nguyễn Kỳ ra vào Cục cảnh sát đều có Nhiêu Tôn đi theo, cậu ta sinh nghi cũng là việc bình thường.”

Quả thật, chiếc xe đã tới phủ Thân vương.

Xung quanh vẫn là trạng thái tạm dừng thi công. Trước cửa vương phủ đào một con kênh dài để tiện cho việc thông đường nước, đang đào một nửa cũng để đó, thế nên khi xe tìm chỗ đỗ cũng khá mất công. Nhưng Nhiêu Tôn rất ngạo mạn, đánh vô lăng thẳng thừng lăn bánh lên luống hoa lùn thấp rồi dừng lại, đầu xe lao thẳng tới trước cửa phủ Thân vương.

Lục Đông Thâm bảo Hạ Trú xuống xe trước, sau đó cho xe đỗ vững vàng bên lề đường, cách kênh đào chỉ khoảng vài phân.

Bên kia, Nhiêu Tôn cũng đã xuống xe, sau đó lại lôi Nguyễn Kỳ ra như xách một con gà con, đến Hạ Trú còn chẳng buồn nhìn, đã lôi Nguyễn Kỳ vào trong vương phủ. Hạ Trú thấy vậy bèn bám riết theo sau.

Hai cánh cửa lớn sơn đỏ đã ngăn cách mọi tiếng ồn ào bên ngoài. Cánh cửa rộng mở là phàm trần, cánh cửa khép lại trở thành chốn bồng lai. Nhiêu Tôn kéo thẳng Nguyễn Kỳ tới dưới chân sân khấu kịch, thái độ thẳng thắn: “Nói đi.”

Hạ Trú và Lục Đông Thâm trước sau cũng tới nơi, không can dự vào mà đứng cách đó vài bước.

Nguyễn Kỳ đánh mắt về phía Hạ Trú ngay gần đó, rồi lại nhìn thẳng vào mặt Nhiêu Tôn, dùng sức giãy giụa mới thoát được khỏi gọng kìm của anh ấy, xoa xoa cổ tay: “Anh muốn tôi nói gì?”

“Những gì cô chưa nói với cảnh sát.”

“Những gì cần nói tôi đã nói cả rồi.” Nguyễn Kỳ rất không hợp tác.

Nhiêu Tôn tiến lên một bước, cố nén cơn đau nơi bả vai, giữ chặt cằm cô ta: “Đừng trách tôi không cho cô cơ hội, tôi có thể vợt cô ra ngoài thì tôi cũng có thể đẩy cô vào trong đó!”

Lần này Nguyễn Kỳ không chống cự nữa. Cô ta để mặc anh ấy giữ mạnh cằm mình đến đỏ bừng, ánh mắt rất nhạt nhòa, giọng nói cũng nhạt nhòa: “Vậy thì anh cho tôi vào đó đi.”

Nhiêu Tôn tức giận đến tím tái mặt mũi, nghiến răng: “Tôi giết chết cô luôn cho rồi.”

“Anh tưởng tôi sợ chết à?” Nguyễn Kỳ cười khẩy: “Chỉ sợ Tôn thiếu không có gan.”

“Cô…”

“Mục đích chưa đạt được sao cô nỡ chết?” Hạ Trú chậm rãi lên tiếng: “Nhưng Nguyễn Kỳ, mục đích của cô sau khi bị Hà Tư Nghi giày vò cũng chưa chắc đã thuận buồm xuôi gió.”

Nguyễn Kỳ quay đầu nhìn Hạ Trú chằm chằm. Lát sau, cô ta đi tới trước mặt Hạ Trú. Hạ Trú cũng nhìn lại cô ta, từ tốn nói tiếp: “Mấy hôm nay tôi vẫn đang nghĩ rốt cuộc cô muốn nhờ cậy tôi chuyện gì. Chắc chắn là có liên quan đến mùi hương. Có thể là mùi hương gì? Về sau biết được cô là con gái của Nguyễn Anh và Ngô Trùng thì tôi hiểu rồi. Phải đến tám, chín phần cô đang cần một loại mùi có liên quan đến bố mình, sau đó chôn cùng với mẹ, để bà ra đi được yên lòng.”

Nguyễn Kỳ hơi nheo mắt lại.

Hạ Trú lại tiếp tục nói: “Cô được mẹ một mình nuôi lớn. Mẹ cô cả đời dành cho tương tư, quanh năm buồn bã cô đơn. Cô thừa hưởng được chất giọng và diện mạo xinh đẹp của mẹ nhưng lại không theo ngành hí khúc. Để chăm sóc sức khỏe cho mẹ, cô thường xuyên làm quen với cây cỏ. Trên đời này, một người không nghiên cứu về mùi hương lại rất quen thuộc các loại mùi thì chỉ có thể là người nghiên cứu về cây cỏ. Cô thường xuyên ra vào núi sâu hoang dã, dĩ nhiên có thể tìm đợc rất nhiều loại cây cỏ hiếm lạ, thế nên đây cũng là cách để cô kiếm sống. Các loại thực vật quý giá người khác không tìm được, cô lại luôn sẵn có trong túi. Cô xuất hiện ở núi Kỳ Thần cũng là để tìm kiếm các loại cây thuốc quý đúng không.”

“Ngoài việc này ra, cả đám Tương tư tử trên núi Kỳ Thần có lẽ cũng là mục tiêu của cô. Nhưng cô gặp phải một vấn đề khó nhằn. Cô biết rõ về các loại mùi nhưng việc phải chiết tách rồi xây dựng lại các mùi cô lại không giỏi. Quan trọng hơn là, các điều chế hương với khả năng bình thường cũng không pha chế ra được loại mùi mà cô cần. Ở Thương Lăng, chuyện tôi trừ tà cho Thai Quốc Cường đã lan truyền khắp nơi. Thế nên lúc đó cô đã biết được bản lĩnh của tôi. Tới Bắc Kinh, cô chần chừ không dám đối diện với tôi nguyên nhân là vì tôi liên tiếp trị bệnh cho Thai Quốc Cường nhiều lần, cô đang nghi ngờ phải chăng quan hệ giữa tôi và ông ta rất thân thiết.”

Nguyễn Kỳ nhìn Hạ Trú, cười mà như không cười: “Tôi thật sự càng lúc càng thích cô rồi đấy.”

“Cô rốt cuộc cần thứ mùi gì?” Hạ Trú hỏi thẳng.

Ánh mắt Nguyễn Kỳ từ từ tối đi, giống như chút hoàng hôn ở cuối chân trời, chầm chậm chìm vào màn đêm. Cô ta đi tới bên cạnh một cây cổ thụ cao ngút trời bên cạnh sân khấu, giơ tay vuốt ve dấu vết được khắc trên thân cây.

Đã là một dấu tích nhiều năm tuổi, nhưng nhìn kỹ vẫn có thể đọc được, là một đôi khóa đồng tâm. Trước kia tới phủ Thân vương, Hạ Trú cũng từng liếc thấy. Không phải không nhìn ra mà lúc đó cô không coi trọng. Phủ Thân vương là một căn nhà ma, những người thích thám hiểm trong thành phố cũng thi thoảng ra vào, chưa biết chừng chỉ là ai đó khắc lên.

Nhưng nhìn dáng vẻ này của Nguyễn Kỳ, Hạ Trú đã hiểu ra.

Đôi đồng tâm đó chắc chắn là do Ngô Trùng và Nguyễn Anh khắc lên, giống như Nguyễn Kỳ nói, nơi đây là nơi định tình của bố mẹ.

Bóng tối dần dần nuốt chửng vương phủ.

Nguyễn Kỳ có thể đấu võ mồm với Nhiêu Tôn, nhưng chưa chắc đã muốn giấu Hạ Trú. Rất lâu sau, cô ta lên tiếng: “Thở dài đau đớn nắm tay – Biệt sinh bởi nỗi, lệ cay vô ngần – Gắng luôn đẹp mãi hoa xuân – Chớ quên vui thuở ta gần bên nhau – Sống còn trở lại gặp nhau – Chết đi vĩnh viễn ôm sầu tương tư…”

Bầu không khí xung quanh có phần nặng nề. Cảm giấc ấy như từ bốn phương tám hướng tụ lại, rồi tất cả ngưng đọng trên người Nguyễn Kỳ. Bóng lưng cô ta trông vừa mảnh mai vừa cô độc.

“Bài viết nặc danh kể lại câu chuyện của Ngô Trùng và Nguyễn Anh là do tôi đăng lên. Ngô Trùng bị bán đứng buộc phải trở về đoàn phim, đại ca xã hội đen vì con gái mình đã cố tình bắt cóc Nguyễn Anh. Nguyễn Anh chạy thoát nhưng không may bị tai nạn qua đời. Ngô Trùng nghe tin cũng đau thương tột cùng, sau đó nhảy xuống sân khấu kịch.”

Cô ta lẩm bẩm: “Chuyện này không phải bịa. Năm xưa đám người đó đúng là đã bắt cóc mẹ tôi. Mẹ tôi bỏ chạy rồi bị xe đụng. Đám người đó cứ tưởng rằng mẹ tôi đã chết nên vội vàng quay về báo tin. Mẹ tôi phúc lớn mạng lớn, lúc đó chỉ ngất xỉu. Sau khi được người ta cứu sống mới biết mình đã mang thai.”

Nói tới đây, Nguyễn Kỳ giơ tay ấn lên tim mình, đây là nỗi đau dành cho sự đau thương của mẹ.

“Mẹ tôi lại trở về thôn trang đó, chọn một mảnh đất yên tĩnh gần núi. Bà không dám đi đâu, chỉ sợ đi mất sẽ cắt đứt liên lạc với bố. Bà ngày đêm mong ngóng, không ngờ lại nhận được tin tử mạng của bố. Mẹ tôi không tin, tìm trăm đường ngàn đường, cuối cùng cũng tìm được nhân viên đoàn phim chịu nói về tình hình của bố. Người đó nói, sau khi bố tưởng mẹ chết, bao nhung nhớ hóa thành tro bụi. Sau khi đọc xong câu Sống còn trở lại gặp nhau – Chết đi vĩnh viễn ôm sầu tương tư, bố đã nhảy khỏi sân khấu tự sát. Mẹ tôi lúc đó cũng đã nghĩ tới chuyện chết quách đi cho xong, nhưng lại có tôi…”

Nguyễn Kỳ nghẹn ngào, run rẩy chạm tay lên thân cây, bả vai mong mảnh cứ run lên từn cơn.

“Bước vào cửa tương tư, mới biết tương tư khổ…” Đây là câu thơ Ngô Trùng đọc sau lần đầu tiên ly biệt rồi gặp lại Nguyễn Anh. Lúc đó Ngô Trùng đi tới nơi khác quay ngoại cảnh, đi suốt hơn mười ngày, lần đầu tiên nếm trải mùi vị tương tư.

Ngô Trùng nho nhã, cuộc đời lại lãng mạn. Nguyễn Anh trân trọng mỗi một bài thơ, câu thơ mà ông đọc. Mỗi câu thơ đều liên quan đến tương tư.

Ông nói: Bước vào cửa tương tư, mới biết tương tư khổ.

Ông nói: Tương tư mãi, tương tư hoài, tương tư khôn xiết vẫn hoài tương tư.

Ông nói: Chốn đây có mỹ nhân này – Sau khi gặp gỡ lòng này chẳng quên – Một ngày không thấy bóng nàng – Nội tâm lại nhớ xuyến xao đêm dài.

Ông nói: Một đêm nhung nhớ sao đo đạc – Góc biển chân trời cũng chẳng xa…

Cuối cùng, khi ông không còn lưu luyến trần thế này nữa đã nói câu: Sống còn trở lại gặp nhau, chết đi vĩnh viễn ôm sầu tương tư…

Mà câu nói này, vượt qua không gian, vượt qua ngàn vạn dặm trường cũng đã khiến Nguyễn Anh ôm theo nỗi đau khổ, tương tư sống cả đời.

“Cuối cùng mẹ buồn bã ra đi. Trước khi mất, bà nói với tôi, bà rất nhớ bố, nhớ đến đau nhói lòng, đau cả đời cuối cùng bây giờ cũng không phải đau nữa. Bà nói, nếu có thể, thật mong kiếp sau lại được gặp bố tôi.” Nguyễn Kỳ quay người lại, tựa vào thân cây ngồi bệt xuống.

Hoàng hồn hắt lên đôi mắt cô đơn ấy, không có ánh sáng, chỉ như bị vô số bụi trần che khuất.

“Cô nói không sai, đúng là tôi thường xuyên tiếp xúc với cây cỏ, thế nên tôi biết khá nhiều loại mùi tương sinh tương khắc. Nhưng nếu bắt tôi chiết xuất rồi xây dựng lại mùi hương tôi không làm được.” Cô ta nhìn về phía Hạ Trú: “Khi còn sống, bố từng tặng mẹ một chiếc túi thơm. Nó được mẹ đeo trên người ngày đêm. Mẹ nói, trong túi thơm có đậu tương tư mà bố bỏ vào. Chỉ có điều đeo mãi nó cũng mất dần mùi hương. Mẹ nói, mùi hương không còn, nỗi nhớ cũng đứt. Bà sợ bố xuống suối vàng sẽ uống canh Mạnh Bà rồi quên mất bà. Thế nên, bà cũng ra đi.”

Hạ Trú khẽ nhíu mày.

Đậu tương tư (còn gọi là trạch quạch) không có mùi gì đặc biệt, dù có mùi cũng không giữ được lâu như vậy, trong túi hương kia nhất định đã bỏ vào thứ gì khác.

“Lúc cô nhìn thấy tôi trên núi Kỳ Thần, tôi đang tìm loại mùi này. Ai cũng nói trên núi Kỳ Thần có cả một vườn đậu tương tư. Tôi đã sống ở đó rất lâu mà vẫn không tìm ra.” Nguyễn Kỳ thở dài: “Cũng coi như vô tình có duyên. Khách sạn Thương Lăng ầm ĩ vụ có ma, người trúng tà lại chính là Thai Quốc Cường. Khi trước ông ta ở nước ngoài, tôi đành bó tay. Bây giờ ông ta về nước, chẳng phải là tự sa đầu vào lưới ư? Chỉ có điều không ngờ cô lại trị bệnh cho ông ta. Thế nên ban đầu tôi đích thực không biết cô là chính hay tà. Ai ai cũng nói Thương Lăng có bác sỹ phù thủy. Khi cô thoát được khỏi trận địa Quỷ bát tử là tôi biết, cô không phải bác sỹ phù thủy, cô là một cao thủ am hiểu mùi hương.”

Hạ Trú chìm vào suy tư.

Nhưng đúng lúc này, Lục Đông Thâm im lặng nãy giờ lên tiếng hỏi: “Cô chôn mẹ mình ở đâu?”

Câu hỏi này như bắt trúng mạch, chí ít thì cũng bắt trúng mạch của Nhiêu Tôn. Sau khi Lục Đông Thâm hỏi xong, ánh mắt Nguyễn Kỳ run lên. Nhiêu Tôn đột nhiên như bừng tỉnh, chỉ vào cô ta: “Không phải cô đã chôn mẹ mình… ngay trong phủ Thân vương này đấy chứ?”

Vì đột ngột dùng sức chạm tới vết thương, anh ấy đau đớn kêu lên một tiếng.

Nguyễn Kỳ không buồn để ý tới Nhiêu Tôn. Cô ta nhìn thẳng vào Lục Đông Thâm: “Phủ Thân vương này là nơi định tình của bố mẹ tôi, dù đường có xa xôi cách trở, tôi cũng phải mang tro cốt của mẹ về đây.” Nói rồi, cô ta vỗ vỗ thân cây bên cạnh, gằn mạnh từng chữ: “Ngay dưới cái cây này…”

~Hết chương 234~

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.