*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Editor: Gracie- Quả dứa có gai
Lúc này sắc trời đã tối đen như mực, trăng vẫn chưa ló dạng, chỉ có vài ngôi sao lấp lánh. Thường ngày ở đầu ngõ đã sớm thắp đèn lồng, nhưng hôm nay đều tối om, chỉ có sân khấu múa rối bóng là sáng lên, ánh sáng mờ ảo trắng xóa.
Chậm rãi đi bộ qua đó, đằng trước bày một loạt ghế cho mấy đứa trẻ con ngồi, tránh để bọn chúng nhìn không thấy. Người lớn thì tùy ý, có ghế thì ngồi ghế, không có ghế thì đứng, dựa vào tường hay ngồi xổm ở phía trước đều được.
Mấy người A Hạ ngồi ở hàng cuối cùng, khoảng cách hơi xa nhưng vẫn có thể nhìn rõ. Tuy nhiên, nàng nhận thấy sân khấu hôm nay có chút kỳ lạ, phía trước đặt một chiếc bàn gỗ vuông rất cao, thế nhưng trên đó lại không có thứ gì.
Đương lúc nàng còn đang thắc mắc thì Trương a gia cầm theo đồ đạc bước ra, dù ông ấy năm nay đã nhiều tuổi, lông mày đều đã hoa râm, nhưng giọng nói vẫn rất to và vang dội: "Hôm nay gia đình tổ chức sinh nhật mời ta đến, nói là để ông già này biểu diễn múa rối bóng, vở 'Bát tiên chúc thọ' ta đã diễn không biết bao nhiêu lần rồi, thật sự là không còn thú vị nữa. Vừa hay có một người bạn cũ từ trấn bên đến chơi, rất giỏi về múa rối, hôm nay liền mời hắn diễn một vở cho mọi người xem, có được không nào?"
"Được!"
Mọi người bên dưới đồng thanh đáp lại, trong lời nói còn pha lẫn chút phấn khích. Múa rối, ở trấn Lũng Thủy không ai biết diễn, thậm chí nghe cũng chưa từng nghe qua. Song bọn họ rất dễ tiếp nhận những điều mới mẻ, tụi trẻ con lại càng nhấp nhỏm, không chịu ngồi yên trên ghế, chúng cứ chen nhau đến gần sân khấu, muốn xem thử múa rối rốt cuộc là như thế nào.
Cuối cùng tụi nhỏ bị cha mẹ nhà mình nhẫn tâm ôm trở lại ngồi trên ghế tre, một trận ầm ĩ qua đi, tiếng chiêng trống bắt đầu vang lên. Những đứa trẻ vừa rồi còn ồn ào giờ lại từng đứa từng đứa ngoan ngoãn ngồi xuống, miệng ngậm chặt, chỉ mở to đôi mắt, chúng biết rằng nếu lúc này mà còn làm ồn thì sẽ bị lôi ra ngoài đánh đòn.
Người bước ra là một ông lão mặc áo màu xanh, tự xưng Dương lão tam, ông ta cũng không nói quá nhiều. Lấy từ sau bàn ra một con rối gỗ, con rối kia trông rất vui nhộn, mặt tròn má hồng, bận chiếc yếm đỏ, trên đầu có hai cái bánh bao nhỏ. Khi kéo dây, nó liền lắc lư đi vài bước, lại kéo lần nữa, nó đột ngột lao về phía trước, lộn một vòng lớn.
Rối gỗ lên tiếng: "Ồ, nhà ai mời ta tới chúc mừng sinh nhật vậy?"
Nó nghĩ không ra, một đường lảo đảo đi về phía trước, gặp núi thì trèo núi, gặp sông thì lội sông, gặp đất bằng thì liên tiếp lộn mấy vòng lớn.
Khi thấy lụa đỏ, thấy chữ 'thọ', con rối nhỏ nghiêng đầu, chắp tay lại, cúi đầu xuống đất, hô to, "Ôi gia chủ, ta chúc mừng sinh nhật ngài, chúc ngài thọ tỷ thiên tề..."
(Thọ tỷ thiên tề: sống thọ ngang trời.)Nó nói một hơi mấy chục lời chúc mừng rồi mới dừng lại.
Chưa từng thấy qua con rối gỗ nào có thể linh hoạt như vậy, mọi người đều trầm trồ khen ngợi, trên mặt hiện rõ sự ngạc nhiên, đặc biệt là bà cụ cũng mừng thọ 60 tuổi vào hôm nay lại càng vui vẻ ra mặt.
Mấy đứa trẻ con ra sức vỗ tay, khuôn mặt nhỏ nhắn đều đỏ ửng lên, nói muốn xem thêm một lần nữa. Nghe được lời này, Dương lão tam lại nhấc con rối ra, từ trên sân khấu đi xuống, con rối vung vẩy rồi dừng lại trước người bà cụ mừng chỉnh thọ 60 tuổi nọ, bới móc một hồi, dưới ánh nhìn của hàng chục đôi mắt, nó lôi từ trong túi vải ra một trái đào mừng thọ, tròn vo, chóp nhọn màu hồng phấn, nom rất đẹp mắt.
Bà cụ không ngờ còn có màn này, vội đưa hai tay ra đón lấy, miệng liên tục nói: "Tốt, tốt", lũ trẻ reo hò ầm ĩ, có đứa còn hỏi: "Cái tiểu rối gỗ tặng chính là đào tiên sao? Chúng ta có thể ăn không?"
Lời này chọc cho mọi người cười không ngớt, làm gì có trái đào tiên nào, rõ ràng là bánh đào mừng thọ đặt người ta làm sẵn. Dương lão tam tuy không nói gì, song ông ta điều khiển con rối gỗ lần lượt tặng cho mỗi người trong đám đông một trái đào mừng thọ.
Khi A Hạ nhận được đào mừng thọ còn thử sờ sờ lên tay của con rối gỗ, cảm giác rất trơn bóng, nàng bật cười, đôi mắt cong cong.
Bởi vì một trái đào mừng thọ nho nhỏ, mà cơn gió thổi qua đầu ngõ cũng mang theo tiếng cười vui vẻ của mọi người, một lúc sau, tiếng cười dần lắng xuống, ai nấy đều bận rộn thưởng thức đào mừng thọ của mình.
Đào mừng thọ này không nên để dành, phải ăn sớm, nếu không qua sinh nhật rồi thì ăn cũng không còn may mắn nữa. Loại bánh này cũng không phải làm từ sơn hào hải vị gì, mà là dùng bột mì trộn với đường rồi tạo thành hình, sau khi hấp chín thì phết bột màu lên, vừa dẻo vừa ngọt, có điều ngày thường nếu không phải dịp mừng thọ thì chẳng ai làm bánh này cả.
A Hạ càng thích những trái đào mừng thọ do mẹ nàng làm hơn, chúng không chỉ dẻo dai mà bên trong còn có nhân đường, cắn một miếng, nhân đường chảy ra ngọt ngào như mật.
Ăn xong đào mừng thọ, mọi người vẫn không chịu rời đi, nhất quyết đòi Dương lão tam diễn thêm mấy màn nữa, thậm chí còn móc tiền ra thưởng, thực sự là vì loại hình này quá hiếm lạ. Lão Dương cũng có hứng, trực tiếp đổi sang một con rối khác, lại diễn thêm vài tiết mục.
Chờ khi sắp tan cuộc, Sơn Đào liền hỏi: "Xem xong liền về à?"
A Hạ tối nay bị màn múa rối chọc cho tinh thần hăng hái, chứ bình thường vào giờ này nàng đã sớm mơ màng buồn ngủ rồi. Nghe hỏi vậy, nàng vừa nhìn lên sân khấu vừa nói: "Ta sao cũng được, tùy các ngươi có muốn ra ngoài chơi hay không thôi?"
"Chỗ nào chơi vui nhỉ?" Hiểu Xuân nghĩ mãi mà vẫn không nghĩ ra được.
Tiểu A Thất vắt chân, hứng thú bừng bừng nói: "Tìm một chiếc thuyền hoa để du hồ đi."
A Hạ liếc mắt nhìn hắn, "Cái hồ này, ngươi tự chèo thuyền không được à?"
"Vậy thì tự chèo thuyền," Sơn Nam nói với vẻ vui sướng và hài lòng: "Ta biết có một nhà thuyền làm đồ ăn rất ngon, nếu chèo mệt thì có thể ghé vào đó ăn một bữa."
Tiểu A Thất vỗ bả vai Sơn Nam, trêu ghẹo: "Ngươi đi chỉ vì đồ ăn trên thuyền thôi đúng không, tối nay còn chưa ăn no à?"
"Ta mau đói, không được sao?"
"Được, được." Tiểu A Thất nói xong, vài tiếng chiêng trống báo hiệu tan cuộc cũng vang lên, mọi người lần lượt đứng dậy ra về, bọn họ cũng lục tục đi tìm cha mẹ mình để xin phép một tiếng.
A Hạ không tốn chút sức nào đã tìm thấy mẹ mình đang đứng dưới gốc cây, mẹ Phương cho rằng con gái muốn về nhà cùng mình nên liền mở miệng nói: "Trở về thôi, đã muộn rồi."
Nàng lắc đầu, khoác cánh tay mẹ Phương, "A nương, tối nay con muốn ra ngoài chơi với đám Hiểu Xuân một lát."
"Đã đến giờ đi ngủ rồi, còn đi chơi đâu nữa," mẹ Phương lập tức tỏ vẻ không đồng ý, nhưng lại không chống cự nổi sự mè nheo của nàng, "Hừ, cái con bé này, nghịch như khỉ ấy. Được rồi, được rồi, gọi ca con đi cùng đi, với lại phải về sớm cho ta đấy."
"Vâng ạ."
A Hạ lập tức cười toe toét, kéo Phương Giác đang đứng bên cạnh đi về phía cây cầu ở hẻm Thiên Hà.
Phương Giác hoàn toàn không có ý kiến, yên lặng đi theo bước chân nàng.
Đến nơi hẹn, mấy người bạn nhỏ của nàng liền vội vàng chào hỏi Phương Giác, gọi đại ca một cách thân thiết. A Hạ cười nói: "Lát nữa ngồi thuyền nhà ta đi, để đại ca ta cầm lái, đúng lúc huynh ấy cũng chẳng có việc gì làm."
Vừa dứt lời, đỉnh đầu nàng liền ăn một cái cốc từ Phương Giác, hắn dùng lực rất nhẹ, sau đó rút tay lại và nói: "Ngày mai ta nghỉ tắm gội, tối nay chơi đến muộn một chút cũng được."
Mọi người vừa rồi còn hơi ủ rũ, giờ nghe thế liền ngay lập tức trở nên sôi nổi hẳn, từng người bước lên thuyền, miệng vẫn không ngừng nói chuyện.
Tiểu A Thất và Sơn Nam cũng không thể thật sự để Phương Giác chèo thuyền một mình được, hai người họ tìm một mái chèo khác rồi cùng ra hỗ trợ. Ba người cùng chèo, thuyền di chuyển rất nhanh, chim cò bay thấp còn chưa kịp đậu trên đầu thuyền, con thuyền đã lướt qua vòm cầu.
Sông Minh Nguyệt lúc đêm khuya thực yên tĩnh, chỉ có tiếng mái chèo khuấy động mặt nước, ánh trăng sáng tỏ, phủ lên mặt sông một tầng lấp lánh. Hai bên bờ, hầu hết nhà dân đều đã tắt đèn, chỉ còn lại vài ngọn đèn le lói.
A Hạ rất thích làn gió đêm trên mặt sông vào lúc này, trong hơi lạnh mang theo chút ẩm ướt. Nàng chống khuỷu tay lên cửa sổ, nâng hai má và thò đầu ra ngoài. Qua khỏi khu dân cư là có thể nhìn thấy tòa tháp cao nhất của trấn Lũng Thủy, ánh đèn nơi đó chiếu sáng rực rỡ.
Hiểu Xuân chỉ vào tòa tháp kia, nhỏ giọng nói: "Chùa Thiên Quang quả thật không phụ danh tiếng, cả tòa tháp đều sáng rực."
"Chùa Thiên Quang còn cực kỳ linh," Sơn Đào đáp lời, sau đó chợt nghĩ ra, "Có phải sắp tới hội chùa rồi không?"
"Hai ngày nữa, nương ta từng nhắc qua, bảo là muốn đến đó bày quán." A Hạ vốn rất có hứng thú với hội chùa nên nhớ rất rõ, thốt ra ngay lập tức.
"Đến lúc đó chúng ta có thể cùng nhau đi dạo."
Hội chùa chùa Thiên Quang không diễn ra thường xuyên, mà cứ hai tháng một lần. Mỗi khi khai hội, người dân từ mười dặm tám thôn, thậm chí cả những người ở các trấn khác cũng đến tham gia náo nhiệt, không chỉ để mua bán, mà càng là để leo lên trên tháp ngắm nhìn phong cảnh trấn Lũng Thủy.
Ngày thường, người dân chỉ được phép lên đến tầng thứ ba của tòa tháp, nhưng vào thời điểm hội chùa, toàn bộ tháp đều mở cửa cho du khách tham quan, các sạp hàng cũng có thể được mở trên đấy, chỉ cần đóng một ít tiền nhang đèn là được.
Ba cô gái lại tiếp tục trò chuyện về hội chùa lần trước, bỗng nghe thấy Sơn Nam xốc mành lên, ở ngoài cửa gọi: "Có ăn đồ ăn của nhà thuyền kia không?"
"Ăn!"
Không ai do dự, ra ngoài chơi còn không phải là để ăn uống chơi bời hay sao.
"Vậy được, để ta nói với nhà đò một tiếng."
Sơn Nam buông mành, đi đến đầu thuyền dặn nhà đò ở đối diện, "A thúc, cho hai niêu đầu bụng cá nấu giấm và bảy chén cơm."
"Được, chờ chút nhé."
Giọng nhà đò đầy ý cười, vốn dĩ đã chuẩn bị chèo thuyền quay về, lại không ngờ muộn thế này vẫn còn khách đến ăn đồ ăn của thuyền mình.
A Hạ thò đầu ra, con thuyền kia đang neo bên bờ, thuyền của bọn họ đậu sát ngay cạnh, vậy nên chỉ cần hơi liếc mắt là có thể nhìn thấy rõ động tác của nhà đò nọ.
So với thuyền ô bồng, con thuyền đánh cá này vẫn có chút khác biệt, phần đầu thuyền có mái che và một cây sào trúc dài treo đèn lồng, phần giữa lõm xuống, hai cái bếp lò đất đặt ở đó nhô lên, phần đuôi thuyền thì bằng phẳng.
Nhà đò kia hẳn là một tay lão luyện trong việc chế biến đồ ăn trên thuyền, hắn ta lấy từ trong chậu ra hai con cá mè hoa còn tươi sống, nhanh nhẹn đập cho chúng choáng, rồi cạo vảy, chẳng mấy chốc hai con cá đã được hắn ta xử lý gọn gàng, sạch sẽ.
Hắn ta không dùng nồi đất để chế biến món đầu bụng cá nấu giấm mà sử dụng một cái chảo sắt lớn, miệng rộng lòng sâu. Đầu và bụng cá đã cắt khúc được đặt trên đĩa, còn phải chuẩn bị thêm củ cải trắng theo mùa, tươi ngon mọng nước.
Dầu nóng vừa đổ vào, liền vang lên tiếng xèo xèo, ngọn lửa bên dưới bùng bùng bốc khói. Khi những miếng cá được thả vào, dầu bắn tung tóe lên cao, tiếng động lớn đến mức có thể đánh thức cả lũ cá trong sông.
Rưới rượu, nhỏ nước tương, rắc đường, thêm nước và không quên thả cả củ cải vào, đợi đến khi nước kho sôi ùng ục, nồi cá tỏa ra hương thơm nức mũi. Nấu tiếp đến khi gần chín thì đổ hỗn hợp bột bắp pha loãng và giấm gạo vào để làm sánh nước sốt, cuối cùng rắc lên một ít hành lá trước khi ra nồi.
Nhà đò không đựng thức ăn bằng đĩa, mà dùng loại niêu đất có miệng rộng bụng to, ban đêm gió lạnh thổi vào, đồ ăn cũng sẽ không nhanh bị nguội. Về phần cơm, hắn ta có một cái chõ hấp cơm chuyên biệt, khi nhấc nắp ra, cơm vẫn còn nóng hôi hổi.
Sơn Nam và Tiểu A Thất tiếp nhận niêu đất, ba người A Hạ hỗ trợ lấy cơm, cuối cùng chính là Phương Giác trả tiền, hắn tự nhận mình là người lớn nhất trong đám, nên đương nhiên phải có trách nhiệm thanh toán.
Trong khoang thuyền không có đèn lồng, may thay vẫn còn một chiếc đèn dầu, dùng hỏa chiết tử* thắp lên, ánh sáng mờ ảo không rõ ràng, những cái bóng đổ chồng lên nhau. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc ăn uống của bọn họ.
(*bật lửa thời cổ đại)Có ghế thì ngồi ghế, không có thì như Tiểu A Thất, vén vạt áo ngồi thẳng xuống sàn thuyền. Khoang thuyền nho nhỏ bị sáu người chen chúc đến chật kín, hai cái niêu đất, ba người Phương Giác một niêu, ba người A Hạ một niêu.
Mọi người không chờ nổi mà muốn thưởng thức món cá, không ai nói lời nào, nhất loạt vươn đôi đũa vào trong niêu. A Hạ gắp ra một miếng bụng cá bóng mỡ, sợ nước sốt bị rơi vãi nên vội dùng chén hứng lấy.
Thổi qua loa vài cái rồi dùng răng cắn một miếng, nước sốt chảy vào trong miệng, chua chua ngọt ngọt, cá vừa mới giết nên rất tươi và mềm, đặc biệt là phần thịt ẩn trong đầu cá, đào một ít ra lăn qua nước sốt rồi cho vào miệng, cảm giác ngon đến nỗi phải nheo mắt lại để tận hưởng dư vị.
Trong khoang thuyền thỉnh thoảng vang lên vài câu chuyện trò, còn lại toàn là tiếng va chạm của chén đũa. Đến cuối cùng khi cả thảy hai niêu đầu bụng cá nấu giấm đều hết sạch, mới có người chép miệng nói: "Ngon quá!"
Ăn xong, đêm đã rất khuya, là thời điểm nhà nhà chìm vào giấc ngủ, cả nhóm cũng bắt đầu thấy hơi buồn ngủ, bọn họ trả lại niêu đất và chén đũa cho nhà đò, cũng bảo hắn ta về nghỉ ngơi sớm một chút.
Thuyền chậm rãi quay đầu trở về, lúc này, vầng trăng đã khuất sau rặng mây, chỉ lộ ra một nửa, ngay cả chiếc thuyền hoa trên sông cũng không còn hát những làn điệu dân ca nữa, mà thay vào đó là các bài đồng dao.
"Ánh trăng sáng, vòng qua tường, chiếu lên giường, a niếp a lang, trong mộng mơ thấy hồ sen lớn rộng..."
Giai điệu nhẹ nhàng vang lên, len lỏi khắp ngoặt sông, ru người ta vào giấc ngủ ngon.
Chú thích:i, Đầu bụng cá nấu giấm (头肚醋鱼):