Thấy bốn người đang đánh quyết liệt với mình đều dừng tay, anh em của Nhạc Phi cũng tạm ngưng chiến.
- Chúng em sắp thắng đối thủ, tại sao đại huynh lại không cho chúng em ra tay nữa ? Bốn người hỏi.
Người ấy không trả lời mà chỉ Nhạc Phi nói:
- Người này chính là Nhạc Phi đã đâm chết Tiểu Lương Vương tại giáo trường đó.
Bốn người nghe nói vội xuống ngựa thi lễ với Nhạc Phi. Nhạc Phi cũng gọi bốn người em lại làm lễ ra mắt nhau, rồi hỏi:
- Chẳng hay quý vị hảo hán tên họ là chi?
Người cầm kích lễ phép đáp:
- Tôi họ Thi tên Toàn, người cầm dao là Triệu Vân, người cầm thương là
Châu Thanh, người cầm xoa là Lương Hưng, người cầm lang bổng là Khiết
Thanh, năm anh em tôi đều kết nghĩa với nhau quyết ra đoạt chức Võ
trạng, chẳng dè bị đại huynh đâm chết Lương Vương, làm tan rã võ trường, nên bọn tôi tính trở về nhà, ngặt vì trong túi không còn một xu lấy làm hổ thẹn. Chúng tôi lại nghĩ ở nhà cũng không có vợ con chi, chi bằng đi tìm đại huynh để kết nghĩa anh em mà nương dựa.
Khi đi ngang qua
núi này chúng tôi lại gặp một lũ ăn cướp đón đường, tôi giết hết mấy tên đầu đảng, bọn lâu la tung hô anh em tôi làm chức Đại Vương. Chỉ vì túng quá, chúng tôi tạm ở đây ít ngày kiếm ít vàng bạc để khi tìm gặp được
đại huynh dùng làm lễ tấn kiến. Ngờ đâu gặp đại huynh lại không biết nên xúc phạm, xin đại huynh miễn chấp.
Nhạc Phi mừng rỡ tỏ thái độ
hoan hỉ, Thi Toàn vội mời hết mấy anh em lên núi, dọn bàn hương án kết
nghĩa anh em rồi thâu góp đồ hành lý theo Nhạc Phi về Thang Âm huyện
cùng ở chung luyện tập văn võ hàng ngày. Anh em khăng khít nhau như ruột thịt.
Bây giờ xin nói về phương Bắc, vua nước Đại Kim là Ô Cốt Đạt có năm người con. Thái từ là Hồ Hàn, bốn hoàng tử là Lạc Hàn, Đáp Võ,
Ngột Truật và Trạch Lợi, lại có thừa tướng là Hấp Lý Cường, quân sư là
Hấp Mê Xi, Nốt Mê Tây; đại nguyên soái là Khô Kịch Hốt, nhị nguyên soái
là Giảo Ma Hốt, tam nguyên soái là Kỳ Ôn Xoa Trực Chơn, tứ nguyên soái
là Ô Ly Đố, ngũ nguyên soái là Ngoa Ly Ba. Ô Cốt Đạt cai quản cả lục
quốc tam xuyên, đất đai quá rộng mà lại còn vọng tưởng Trung Nguyên,
quyết thâu đoạt giang sơn nhà Tống.
Một hôm vua Kim đang ngự triều, bỗng có quan trị điện vào báo:
- Quân sư đã về.
Kim Vương cho triệu vào. Hấp Mê Xi vào triều bái tung hô rồi tâu:
Hạ thần qua Trung Nguyên thăm dò tin tức, được nghe lão Nam Man hoàng đế
(chỉ Huy Tông) đã nhường ngôi cho con là Khâm Tông. Vị tiểu hoàng đế này lên ngôi, chỉ ham mê tửu sắc không ngó ngàng đến việc tiều chính cho
nên bọn gian thần lộng hành, mưu hại kẻ trung lương. Vì thế hiện nay các ải đều không có tướng tài trấn giữ. Thừa lúc này Thánh thượng tung binh hùng, tướng mạnh qua đó thì chắc chắn chiếm cứ đất Trung Nguyên và lật
đổ triều Tống dễ như trở bàn tay.
Ô Cốt Đạt nghe tâu mừng rỡ chọn ngày lành tháng tốt ra chốn giáo trường tuyển lựa một vị Đoạt Tống đại nguyên soái.
Để tuyển chọn một vị nguyên soái có thể thảo phạt cả miền Nam, đoạt cả
triều Tống. Kim Vương treo bảng khắp cả trong ngoài kêu gọi kẻ có tài
đến giáo trường tỉ võ. Bọn võ sĩ đổ xô đến giáo trường đông không biết
bao nhiêu mà kể.
Kim Vương ngự ra giáo trường, ngồi chễm trệ trên
đài cao, các quan văn võ triều kiến xong bước ra sắp hàng đứng hai bên
trông rất nghiêm chỉnh.
Kim Vương giơ tay chỉ con thiết long để giữa giáo trường phán:
- Con thiết long này của tiên vương ta để lại, nó nặng hơn ngàn cân, hễ ai cử nổi thì được phong chức Xương Bình Vương Tảo Nam đại nguyên soái.
Lệnh vua vừa ban ra mọi người đổ xô vào lần lượt kẻ trước người
sau quyết tranh cho kỳ được chức ấy. Nhưng ai nấy đã ráng hết hơi mà con thiết long vẫn không thấy nhúc nhích , chẳng khác nào thằn lằn xô cột
đá.
Kim Vương thấy vậy nói:
- Xưa Hạng Võ bạt núi, Tử Tư cử đình. Nay nội nước ta chẳng có người nào cử nổi cái vật ngàn cân này sao?
Đang khi thất vọng bỗng thấy một người bước ra xin được cử. Người này mặt
như than lửa, tóc tựa mây đen, mày rậm râu dài, miệng rộng mắt lồi, mình cao một trượng, lưng lớn ba vầng. Chẳng phải ai xa lạ mà chính là hoàng tử thứ tư của Kim Vương tên là Ngột Truật (cũng chính là Xích Tù Long ở thượng giới xuống phàm đầu thai vào vương gia Ô Cốt Đạt để nhiễu hại
giang sơn nhà Tống)
Ngột Truật tâu lớn:
- Con có thể cử nổi con thiết long kia.
Kim Vương nghe tâu vùng nạt lớn:
- Quân đao phủ đâu? Hãy bắt nó đem chém đi cho ta.
Đao phủ tả hữu hai bên lập tức vâng lệnh bắt trói Ngột Truật lại.
Kim Vương đang cần tuyển kẻ tài ba mà con mình đứng ra xin cử nổi con thiết long đã không mừng lại còn truyền đem chém đi là tại làm sao? Ấy chì vì Ngột Truật là con vua Phiên mà hằng ngày cứ mơ tưởng bên Trung Nguyên,
thậm chí khi vào trong cung cũng mặc y phục của người Trung Nguyên nên
Kim Vương ghét cay ghét đắng, đang tức giận vì không thấy ai cử nổi
thiết long lại thấy Ngột Truật ló mặt ra làm cho Kim Vương càng giận
thêm nên mới truyền chém đi cho khuất mắt.
Quân sư Hấp Mê Xi thấy thế vội quỳ tâu:
- Hôm nay là ngày chọn tướng mà hoàng tử Ngột Truật đã xin được cử, sao chúa thượng không để cho hoàng tử trổ tài lại muốn chém đi là sao? Mong chúa thượng hãy nghĩ lại kẻo oan cho hoàng tử lắm.
Kim Vương dịu giọng nói:
- Quân sư chưa rõ chứ nội trong triều có bao nhiêu võ tướng cùng anh
hùng khắp nơi mà không ai cử nổi, huống chi sức lựa của nó bao nhiêu mà
dám cả gan đứng ra huênh hoang. Quân láo xược như vậy không chém đi để
làm gì?
Hấp Mê Xi lại tâu:
- Phàm dùng người chớ nên xem
tướng, chúa thượng cứ để cho hoàng tử cử thử xem. Như quả cử nổi thì
phong làm Tảo Nam đại nguyên soái, sai đi chinh phạt Trung Nguyên. Nếu
thu phục được nhà Tống thì phúc lớn của chúa thượng, bằng cử không nổi
thì sẽ xử trảm cũng chẳng muộn.
Kim Vương gật đầu phán:
- Được rồi, trẫm sẽ vì khanh mà tạm tha cho nó nhưng nếu cử không nổi thì phải chém tức khắc để trị tội cuồng vọng ấy.
Phán rồi truyền quân mở trói cho Ngột Truật, sai đi cử thiết long.
Ngột Truật bước ra tạ ơn rồi ngước mặt lên trời vái thầm:
- “Nếu xét ra tôi không vào được Trung Nguyên và đoạt được giang sơn
nhà Tống thì đừng cho tôi cử nổi thiết long và để cho tôi chịu chết
chém”.
Vái rồi tay phải vén cao, tay trái nắm cẳng con thiết long giơ lên nói lớn:
- Phụ vương, con giơ nổi thiết long đây này.
Kim Vương xem thấy cả mừng, các quan văn võ đều vỗ tay reo lên:
- Đệ tứ hoàng tử quả là thiên thần.
Ngột Truật nâng lên hạ xuống ba bốn lần rồi để con thiết long lại chỗ cũ, bước lên điện đợi lệnh.
Kim Vương liền phong Ngột Truật làm Xương Bình Vương Tảo Nam đại nguyên
soái. Sau đó chọn thêm mấy phó nguyên soái để yểm trợ cho Ngột Truật rồi chọn ngày lành tháng tốt phát năm mươi vạn quân, làm lễ tế cờ, rầm rộ
kéo xuống Trung Nguyên.
Đoàn quân Ngột Truật kéo đi, cờ xí đỏ rực trời, trống chiêng vang dậy đất. Đi bộ một tháng trời mới đến bờ cõi Trung Nguyên.
Ải thứ nhất của Trung Nguyên là Lộ An Châu, tướng giữ ải này là Lộ An Châu Tiết Đạt Sứ Lục Đăng, tự là Tử Kiến, biệt hiệu là Tiểu Gia Cát, phu
nhận là Tạ Thị mới sinh được một con lên ba tuổi, binh sĩ trong thành
ước hơn năm ngàn.
Lục Đăng là danh tướng của nhà Tống. Hôm ấy đang ngồi trong công đường bỗng có quân thám tử vào báo:
- Nay Đại Kim Quốc sai hoàng tử thứ tư là Hoàn Nhan Ngột Truật đem năm
mươi vạn quân đến xâm phạm Lộ An Châu ta. Chúng còn cách thành chừng
trăm dặm.
Lục Đăng nghe báo giật nẩy người lập tức thưởng cho tên
thám tử một tấm ngân bài, sai hắn tiếp tục đi thám thính rồi sai quan kỳ bài ra ngoài thành truyền rao cho bá tánh phải lập tức đem hết gia
quyến vào thành mà ở, còn nhà cửa thì phá sạch, hứa khi thái bình sẽ
xuất tiền cất lại cho.
Lục Đăng tập trung hết các tướng sĩ leo lên
bờ thành kiên trì cố thủ. Lại sai mua một ngàn cái chảo lớn và một ngàn
cái thùng chứa đầy phân người, đoạn xây lò xung quanh bờ thành để nấu
sôi nước phân ấy chờ cho quân địch đến dưới thành thì đổ phân sôi ấy
xuống cho quân giặc tuột da mà chết.
Lục Đăng còn sai chặt hơn một
nghìn cây tre để làm bẫy phòng khi địch có hãm thành ban đêm sẽ bị mắc
bẫy. Ngoài ra Lục Đăng còn đem lưới có buộc vô số mắc câu thả xuống nước để đề phòng quân địch dùng đường thủy xông vào thành.
Sắp đặt đâu đó xong xuôi Lục Đăng thảo một đạo bổn chương, sai người mang về triều đình xin cầu cứu.
Khi người mang bổn chương đi rồi Lục Đăng lại nghĩ thầm:
- “Theo địa thế Lộ An Châu này quả là chỗ yết hầu, nếu viện binh đến trễ
để cho thất thủ thì chắc chắn Biện Lương cũng khó giữ nổi”.
Lục
Đăng suy tới nghĩ lui ngồi đứng chẳng yên, bèn viết hai bức văn thư sai
người mang một bức qua trao cho quan tổng binh là Hàn Thế Trung và một
bức trao cho thái thú hà giang phủ là Trương Thúc Dạ để yêu cầu hai
người này phát binh đến giúp. Rồi Lục Đăng thống lãnh quân đội ngày đêm
canh phòng nghiêm ngặt.
Nói về ngột Truật dẫn binh kéo đến cuồn
cuộn như sóng trào. Khi còn cách thành Lộ An Châu chừng năm chục dặm,
truyền quân an dinh hạ trại.
Lục Đăng đứng trên thành xem thấy quân Phiên trùng trùng điệp điệp cờ xí ngợp trời, gươm giáo sáng lòa, tướng
mạo đứa nào đứa nấy mặt mũi dữ dằn trông dễ khiếp. Thật quả là đoàn quân vô cùng lợi hại.
Các tướng đứng trên thành thấy thế cũng lấy làm lo ngại bèn đề nghị với chủ tướng:
- Quân Phiên vừa mới đến chưa kịp đề phòng, ta thừa dịp đánh phủ đầu một trận may ra phá được.
Lục Đăng lắc đầu bảo:
- Không được đâu giờ phút này quân Phiên đang rất mạnh lại rất hiếu chiến, chúng ta cần phải cố thủ chờ viện binh đến sẽ hay.
Tướng sĩ tuân lệnh lo cố thủ thành trì chờ quân cứu viện.
Ngột Truật an dinh hạ trại xong bèn gọi quân sư hỏi:
- Chẳng hay thành Lộ An Châu này do tướng nào trấn thủ?
Hấp Mê Xi đáp:
- Ải này do quan tiết đạt sứ Lục Đăng trấn giữ. Người này có biệt hiệu là tiểu Gia Cát, có tài dụng binh giỏi lắm.
Ngột Truật lại hỏi:
- Người này trung hay nịnh? Quân sư có biết rõ không?
Hấp Mê Xi đáp:
- Người này là tôi trung bậc nhất của nhà Tống.
Suy nghĩ hồi lâu Ngột Truận hỏi:
- Thế thì hay lắm, để ta kéo quân đến hội diện với y một phen xem sao.
Nói rồi kiểm điểm năm ngàn binh mã và dẫn quân ra trận, thổi kèn gióng trống kéo thẳng đến thành.
Lục Đăng xem thấy quân Phiên kéo đến liền dặn dò tướng sĩ gìn giữ thành trì rồi nai nịt chỉnh tề, mang thương lên ngựa phát pháo khai thành, thả
cầu xuống dẫn binh ra trước trận xem xét.
Trông thấy Ngột Truật đầu đội kim khôi sáng ngời, trên đỉnh giắt hai chiếc lông trĩ rã ra hai
bên, mình mặc áo bào cẩm tú, mang giáp long lân khảm vàng cưỡi con ngựa
“Tiết hỏa long cu”, tay cầm cây kim tước phủ, đường đường chẳng khác
khai sơn lực sĩ.
Vừa trông thấy Lục Đăng, Ngột Truật lớn tiếng hỏi:
- Ngươi có phải là Lục Đăng không?
Lục Đăng đáp:
- Phải đấy, ngươi cũng biết ta sao?
Ngột Truật đứng nhìn sững đối phương, thấy Lục Đăng đầu đội đại hồng kiết
đảnh xích hồng khôi, mình mang liên hồng tỏa tử hùng kim giáp, bên trái
mang cung bên phải mang tên. Quả là anh hùng khí trượng, cái thế vô song bèn nghĩ thầm:
- “Nhân vật Trung Nguyên này quả là một trang tuấn kiệt ít ai bì”.
Nghĩ rồi kêu Lục Đăng ôn tồn nói:
- Lục tướng công, nay ta cử năm mươi vạn quân quyết đánh Trung Nguyên
thâu tóm thiên hạ. Lộ An Châu này là chốn tiền đồn của Trung Nguyên. Ta
nghe danh tướng công là một tay hảo hán nên phải đến đây để tỏ đôi lời
hơn thiệt. Nếu như tướng quân thuận qui hàng thì sẽ được phong vương vị, chẳng biết tướng quân nghĩ sao?
Lục Đăng “hứ” một tiếng rồi gằn giọng:
- Ngươi là kẻ nào mà dám nói với ta lời lẽ láo xược ấy?
Ngột Truật đáp:
- Ta là Đại Kim Quốc Tông Lãnh Điện Tiền, Xương Bình Vương Tảo Nam đại nguyên soái tên là Ngột Truật đây.
Lục Đăng quát lớn:
- Đừng nói bậy, từ xưa đến nay Bắc Nam có ranh giới rõ ràng, ai lo giữ bờ cõi nấy. Chúa ta nhân đức rải khắp xa gần, thấy chúng bay là loài mọi
rợ chẳng nỡ ra binh, sao chúng bay không giữ đạo làm tôi lại vô cớ mang
binh đến xâm phạm cõi bờ là nghĩa gì vậy?
Ngột Truật cười khẩy đáp:
- Tướng quân nghĩ như vậy là sai rồi. Đất đai, thiên hạ trên thế gian này không phải của riêng một ai cả, hễ ai có đức thì được. Nay hoàng đế nhà Tống vô đạo ghét bỏ người hiền, tin dùng đứa gian nịnh khiến cho trời
hờn dân oán. Vì vậy Chúa ta dấy binh để cứu bá tánh trong lúc đảo điên
thì quả là làm một điều nhân nghĩa. Tướng quân phải thức thời theo ý
trời, thuận lòng dân mới khỏi mất chức lại được phong hầu, bằng chấp né
không chịu thì cái thành nhỏ này giữ sao cho được? Nếu ta phá rồi thì
vàng đá chẳng phân, lúc ấy ăn năn sao kịp?
Lục Đăng mặt đỏ phừng phừng chỉ vào mặt Ngột Truật nạt lớn:
- Quân mọi rợ kia đừng huênh hoang khoác lác, hãy xem cây thương của ta đây.
Vừa nói vừa vung thương đâm Ngột Truật, Ngột Truật cũng giơ búa ra đỡ , rồi hai người đánh vùi với nhau đến năm sáu hiệp. Lục Đăng ngăn đỡ không
nổi, quay ngựa bỏ chạy vào thành gọi quân lính trên thành lấy súng bắn
xuống. Ngột Truật không dám rượt theo. Trên thành thả cầu xuống đón Lục
Đăng lên thành.
Vào thành Lục Đăng nói với chư tướng:
- Tên Ngột Truật ấy lợi hại thật, các ngươi phải hết lòng gìn giữ, chớ nên thờ ơ mà mang hại.
Ngột Truật vừa thu binh về dinh, Hấp Mê Xi hỏi:
- Lục Đăng thua chạy sao nguyên soái không đuổi theo bắt nó?
Ngột Truật đáp:
- Lục Đăng chạy ắt có mai phục, hơn nữa trên thành súng bắn xuống như mưa thì đuổi theo làm gì?
Quân sư Hấp Mê Xi gật đầu khen là có lý.
Hôm sau Ngột Truật nai nịt chỉnh tề đến bên thành khiêu chiến nhưng trên
thành treo miễn chiến bài. Ngột Truật lớn tiếng nhục mạ vua tôi nhà Tống mà cửa thành vẫn đóng kín mít.
Cứ như thế cầm cự suốt nửa tháng
trời, Ngột Truật trong lòng nóng như lửa đốt bèn sai Ô Quốc Long, Ô Quốc Hổ đốc thúc quân sĩ đóng nhiều thang rồi giao cho đệ tam nguyên soái là Kỳ Ôn Thiết Mộc Chơn dẫn năm ngàn quân tinh nhuệ đi tiên phong, còn
Ngột Truật thì tự lãnh binh đi hậu tập kéo đến bên hào bắc cầu tràn qua, đoạn bắc thang lên vách thành thôi thúc quân sĩ leo lên hãm thành.
Nhưng lạ thay trên thành vẫn lặng im không có một tiếng động. Ngột Truật đoán chắc Lục Đăng đã bỏ thành trốn thoát mất rồi.
Còn đang suy nghĩ bỗng nghe tiếng súng nổ vang, nước phân sôi sùng sục đổ
xuống ào ào. Bao nhiêu quân Phiên ngã lăn ra chết sạch, số thang ấy bị
kéo hết lên thành.
Ngột Truật thấy thế biến sắc mặt hỏi quân sư Hấp Mê Xi:
- Tại sao quân sĩ ta đang rầm rộ leo lên thành lại ngã nhào xuống chết hết như vậy?
Hấp Mê Xi đáp:
- Lục Đăng nó dùng nước phân nấu sôi đổ xuống. Phương pháp này gọi là lạp chấp thiêm, hễ trúng nhằm một giọt cũng đủ chết.
Ngột Truật nghe nói thất kinh, vội đánh chiêng thu quân trở về dinh trại.
Còn Lục Đăng thì sai cắt hết thủ cấp quân Phiên treo xung quanh thành để uy hiếp kẻ địch, đồng thời cho chặt hết thang của địch ra để làm củi
đun nước phân.
Ngột Truật về dinh bàn bạc với quân sư:
- Ta hãm thành ban ngày, chúng dùng nước phân đổ, ta tấn công ban đêm xem hắn làm gì nào?
Đêm hôm ấy quân Ngột Truật lại lặng lẽ kéo đi phá thành. Trời tối như mực,
đoàn quân bắc cầu vượt qua hào rồi bắc thang leo lên thành như trước.
Ngột Truật không thấy trên thành có đèn đuốc chi hết, quân Phiên đẽ leo
tuốt vào thành, Ngột Truật mừng lắm bảo quân sư:
- Phen này chắc lấy được Lộ An Châu rồi.
Vừa nói dứt lời, trên thành bỗng có tiếng súng nổ vang, đèn đuốc sáng trưng như ban ngày. Bao nhiêu quân Phiên tràn vào thành đều bị chém đầu quăng xuống thành.
Ngột Truật thấy vậy kinh hãi hỏi quân sư:
- Nó làm cách nào lại giết hết quân ta như vậy?
Hấp Mê Xi ngơ ngác:
- Thiệt tôi cũng không rõ như thế nào cả.
Nguyên trên thành có nhiều tre gài bẫy vụt, lại có đóng lưới cột đầy móc câu
thành thử quân Phiên vì trời tối không thấy rõ bị tre gạt hết sa vào
lưới nên quân trong thành bắt giết hết.
Ngột Truật nhìn số đầu
người lăn lông lốc liền khóc rống lên đau đớn vô cùng, các tướng phải
khuyên giải hồi lâu Ngột Truật mới trở về dinh.
Ngồi trong dinh trại, Ngột Truật chống cằm suy nghĩ:
- Chỉ có một cái thành nhỏ này mà đánh phá bốn mươi ngày không được, lại
hao binh tổn thương rất nhiều thì biết bao giờ thôn tính được Trung
Nguyên?
Ngột Truật buồn rầu khôn xiết, Hấp Mê Xi thấy vậy khuyên
Ngột Truật đi săn bắn giải buồn. Ngột Truật nghe lời đem một số quân sĩ
vào rừng đuổi hươu nai, bỗng thấy xa xa có một người đang hớt hải chui
vào rừng trốn.
Hấp Mê Xi nói với Ngột Truật:
- Trong rừng này có gian tế.
Ngột Truật vội sai quân đi bắt, chỉ mấy phút sau quân đã bắt đến một người. Ngột Truật quát hỏi:
- Ngươi là gian tế ở đâu hãy khai mau, bằng cố tình giấu giếm ta sẽ giết chết.
Người ấy phủ phục xuống van lạy:
- Tôi quả thiệt là một thương nhân hôm qua ra ngoài thành mua hàng hóa,
lúc về thấy binh của đại vương đóng tại đây nên sợ hãi đem hàng hóa gửi
nơi khác rồi trốn ở ngoại thành. Nay nghe được tin đại vương nghiêm ngặt cấm không cho binh lính động đến của dân một mảy may nên tôi đánh bạo
đi lấy hàng hóa về, qua đây sợ hãi trốn tránh mà không kịp nên bị bắt,
xin đại vương tha tội.