Nhấn Chuông Đi, Đừng Đợi!

Chương 22



24 CÂU HỎI: Hegel quan niệm khuynh hướng phát triển của một khái niệm là phủ định tự thân, phủ định này là kết quả của sự đấu tranh giữa các mặt đối lập nội tại, quan niệm trên là cơ sở cho học thuyết khoa học nào? TRẢ LỜI: Phép biện chứng. *** Tôi để Alice ngồi trong phòng ngủ, nghe đĩa Bản giao hưởng Brandenburg và chấm điểm kệ sách của tôi theo thang điểm mười trong khi mình thì đi pha cà phê. Thật lòng mà nói phòng ngủ đang trong tình trạng không được lý tưởng cho lắm. Tôi chắc chắn là không để cuốn sổ tay sáng tác thơ và quần lót nằm vương vãi trên sàn, nhưng vẫn không thích để nàng ở một mình trong phòng. Ấm nước không biết bao giờ mới sôi, tôi làm mình phân tâm bằng việc lao vào nhà tắm, vỗ nước vào mặt, và đánh răng nhanh để loại bỏ vị buồn nôn. Khi tôi quay lại bếp, Josh đã ở trong đó, tự nhiên lấy nước tôi mới đun sôi. “Hẳn cậu biết là có một cô gái đẹp đang chờ trong phòng ngủ của cậu chứ?” “Alice bạn tớ đấy.” “Ô chàoooooooo, Alice. Phiền không nếu tớ ở đây với hai bạn?” “Thật ra, đại khái là chúng tớ sẽ bàn về công việc...” “Thôi được rồi, Bri, tớ hiểu ý cậu rồi. Chỉ cần đưa cô nàng đến gặp tớ khi ra về, được chứ? Mà cậu có muốn làm gì với cái đấy không?” và cậu ta ra dấu chỉ vào khóe miệng tôi, chỗ đấy có hai vệt nhỏ kem đánh răng hình lưỡi liềm. “Bonne chance, mon ami[1]...” nói rồi cậu ta đi ra cửa - “À mà, có ai gọi cậu ấy - tên là Spencer thì phải? - nhắn cậu gọi lại cho gã.” Tôi đi pha cà phê, lấy cái cốc, chôm hai cái bánh quy của Marcus rồi đi về phòng ngủ. [1] Bonne chance, mon ami (tiếng Pháp): Chúc may mắn, bạn của tôi. Alice đang nằm dài trên giường, vu vơ giở những trang cuốn Tuyên ngôn Cộng sản của tôi, tôi đưa cà phê cho nàng, dọn ly nước đục ngầu cùng mấy cái cốc cũ có hình trang trí bên ngoài đặt cạnh giường, và chụp lại trong trí nhớ hình ảnh mái tóc nàng trên gối tôi. “Brian, sao khung giường của cậu lại nằm sau tủ áo vậy?” “Tớ muốn thử nằm giường futon.” “Phải rồi. Giường futon. Hay.” Thế rồi nàng nhìn thấy những tấm bưu thiếp và ảnh được dán bằng băng dính lên đầu giường. “Bố cậu đây hả?” “Ờ... ừm.” Nàng gỡ tấm ảnh ra khỏi tường, nhìn vào bức ảnh. “Bác đẹp trai thật.” Tôi cởi áo gió ra, treo lên cánh cửa tủ áo. “Phải, ông đẹp trai.” Nàng xem xét kỹ gương mặt ôi, cố gắng nghĩ ra nguyên nhân tại sao vẻ đẹp đó lại nhảy cách quãng một thế hệ như vậy, rồi cười nhăn nhó. “Cậu không muốn thay đồ à?” Tôi nhìn xuống cái áo len ướt đẫm mồ hôi và có những mảng ướt như dầu, sẫm màu bên dưới cánh tay, và bốc mùi chó bị ướt. Dù vậy tôi vẫn do dự, e dè nói, “Không, tớ ổn, thật đấy.” “Coi nào, thay đồ đi. Tớ hứa là sẽ không làm gì khiêu khích khi cậu đang thay đồ đâu.” Và trong bầu không khí được nạp đầy sự khêu gợi, kích thích do câu nói cuối đó tạo ra, tôi quay lưng về phía nàng và cởi áo. “Vậy mấy quả tạ để làm gì thế, anh bạn?” “À, tớ chỉ muốn thử tập thể dục để khỏe hơn...” “Có cơ bắp không đồng nghĩa với khỏe mạnh - cậu bạn trai gần đây nhất của tớ có thân hình tuyệt cú mèo mà còn gần như không đi bộ được hai trăm mét...” “Có phải cái gã có dương v*t vĩ đại không?” “Brian! Ai nói cho cậu biết thế hả?” “Cậu chứ ai?” “Tớ hả? À, đúng rồi, chính cậu ta. Dù sao thì thân hình cậu ta cũng không đến nỗi nào.” “Cậu nghĩ vậy ư?” tôi hỏi, cầm cái áo len dài tay trước ngực, như một nàng dâu e lệ. “Kiểu gầy gầy xương xẩu - dáng vẻ của họa sĩ tài ba Egon-Schiele...” Tôi quay lưng lại, trùm cái áo len mới qua đầu, và quyết định đã đến lúc đổi chủ đề. “Phần còn lại của kỳ nghỉ Giáng sinh của cậu thế nào?” “À, cậu biết đó. Tốt. Này, cảm ơn vì đã ghé chơi nhà tớ.” “Cảm ơn cậu vì đã mời. Cậu đã xử lý phần thịt nguội ổn thỏa chứ?” “Chắc rồi. Minglis và Coltrane gửi lời cảm ơn cậu nhiều.” “Mà bà cậu khỏe không thế?” “Hả? À, phải rồi. Khỏe, bà khỏe.” Nàng ấn tấm ảnh của bố tôi vào tường và, cố không nhìn tôi, nói, “Hơi... kỳ cục, đúng không?” “Ý cậu là tớ kỳ cục ấy hả? Đấy là lần đầu tớ dùng ma túy, chắc thế.” “Nhưng chuyện đâu chỉ có thế, đúng không? Cậu thật... lạ lùng, cứ như cậu muốn chứng tỏ gì ấy.” “Xin lỗi. Tớ hơi căng thẳng. Đặc biệt khi xung quanh là những người...” “Ồ, thôi đi...” nàng ngắt lời. “Sao?” “Brian, thôi đi, đừng bắt đầu bằng chuyện tào lao đó. ‘Tầng lớp trên’ - từ này thật ngớ ngẩn. Mà ‘tầng lớp trên’ có nghĩa là gì chứ? Cái đó toàn ở trong đầu cậu thôi, nó chẳng có nghĩa lý gì hết. Chúa ơi, tớ ghét mấy vụ bị ám ảnh triệt để về từ tầng lớp lắm rồi, đặc biệt ở nơi này, cậu hầu như khó mà nói ‘Xin chào’ với bất kỳ ai trước khi họ nói họ-vô-sản-hơn-cậu, kể cậu nghe rằng bố họ là một người chột mắt làm nghề cạo ống khói, rằng làm sao mà họ vẫn dùng nhà vệ sinh ngoài trời, rằng họ chưa bao giờ đi máy bay hoặc gì đó, tuốt tuột những chuyện tào lao đáng ngờ, phần lớn là nói dối, mà tớ đang nghĩ tại sao cậu lại đi nói với tớ tất cả những điều này nhỉ? Thế tức là tớ phải cảm thấy tội lỗi à? Cậu nghĩ đó là lỗi của tớ hay sao, hay cậu chỉ cảm thấy hài lòng với bản thân vì đã thoát khỏi vai trò xã hội được định sẵn của mình, hay đó là mấy cái chuyện nhảm nhí tự ngợi ca bản thân? Ý tớ là, dù sao thì chuyện đó có thể là gì chứ? Nếu cậu hỏi tớ thì con người là con người, họ lên voi hay xuống chó là do tài năng và phẩm chất của chính họ, cả sức lao động nữa, việc đổ lỗi cho việc họ có một cái trường kỷ thay vì ghế sofa, hoặc dùng trà thay cho bữa tối chỉ là một cái cớ, chỉ là trò rên rỉ tự than thân trách phận và suy nghĩ giả tạo...” Bản giao hưởng của Bach đằng sau xướng lên đúng chỗ cao trào khi nàng nói tới đó, thế là tôi nói, “Nghe như phóng viên tường thuật trực tiếp từ Hội nghị Đảng Bảo thủ năm nay ấy nhỉ!” “Thôi đi, Brian! Không công bằng, chẳng công bằng chút nào. Tớ không phán xét người khác vì thân thế của họ, và tớ mong là người ta cũng đối xử với tớ khách quan như vậy.” Giờ thì nàng bật ngồi dậy trên giường futon, lấy tay chém vào không khí. “Với lại dù sao thì đó có phải tiền của tớ đâu, cũng chả phải do bố mẹ tớ chôm từ tiền trợ cấp thất nghiệp của người khác hay điều hành các xí nghiệp bóc lột sức lao động ở Johannesburg hay gì, họ phải làm việc cực như trâu mới kiếm được đấy, cực như trâu biết không...” “Dù sao thì họ cũng không tự kiếm ra toàn bộ, đúng không?” “Cậu nói thế là ý gì?” nàng ngắt lời. “Nghĩa là họ được thừa hưởng rất nhiều, từ bố mẹ của họ...” “Rồi sao nữa...” “À, đó là... đặc lợi, đúng không?” “Thế thì đã sao, cậu nghĩ người ta nên chôn tiền theo khi họ chết đi à, giống ở Ai Cập cổ đại ấy? Bởi vì tớ nghĩ việc đáng giá duy nhất thật sự cậu có thể làm với tiền bạc là để nó lại giúp gia đình cậu, mua cho họ sự an toàn và tự do...” “Dĩ nhiên là vậy, tớ chỉ nói đó là một đặc lợi thôi mà.” “Dứt khoát đó là một đặc lợi rồi, vì họ đối xử với nó như một đặc lợi, họ đã phải trả một đống thuế rồi cố gắng để lấy lại gì đó. Nhưng nếu cậu hỏi tớ thì không có kẻ trưởng giả học làm sang nào hơn kẻ muốn chứng minh mình không phải là trưởng giả học làm sang, và nếu điều đó không phù hợp với hệ tư tưởng chủ nghĩa xã hội thông thường mà sinh viên tán thành thì tớ xin lỗi, đó là cảm nhận của tớ. Vì tớ đúng là chán đến phát ngấy những kẻ cố ngụy trang cho sự ghen tị cũ rích rõ rành rành thành kiểu đức hạnh!” Rồi nàng bỗng im bặt, mặt đỏ bừng, cầm cốc cà phê lên. “Dĩ nhiên không cứ là tớ đang nói về cậu đâu nhé.” “Tất nhiên là không rồi,” và tôi cũng nhấm nháp cà phê, có vị đắng của kem đánh răng, rồi bầu không khí im lặng bao trùm khi chúng tôi ngồi nghe những bản giao hưởng của Brandenburg. “Đây có phải là nhạc nền trong chương trình truyền hình Antiques Roadshow không nhỉ?” “Chính nó. Tuy là bìa album thì không ghi vậy.” Nàng mỉm cười và ngã phịch xuống giường. “Xin lỗi nhé, chỉ là tớ đang muốn trút bầu tâm sự thôi.” “Không sao. Tớ đại khái là cũng đồng ý với cậu. Ở nhiều điểm,” tôi nói, nhưng tất cả những thứ tôi có thể nghĩ đến là cảnh Mingus và Coltrance đang ăn những bát mì sợi. “Tớ muốn nói, chúng ta là bạn, đúng không? Brian - nhìn tớ này. Chúng ta là bạn, đồng ý chứ?” “Phải, dĩ nhiên là bạn.” “Mặc dù rõ ràng tớ là Nữ Hoàng Sheba còn cậu là anh thợ cạo ống khói tự cao tự đại?” “Chắc chắn rồi.” “Vậy chúng ta hãy quên sạch toàn bộ chuyện này đi nhé? Chỉ việc quên đi mà tiếp tục tiến lên?” “Quên cái gì?” “Những điều chúng ta vừa mới... à tớ hiểu rồi. Thế tức là quên rồi chứ gì?” “Quên hết rồi.” “Tốt.” Nàng nói. “Tốt rồi.” “Thế thì... chiều nay cậu muốn đi xem phim hay làm gì đó không?” “Tớ không đi được - chút nữa tớ có buổi thử vai...” “Thế à. Cho cái gì thế?” “Vở Hedda Gabler của Henrik Ibsen.” “Vai nào?” “Vai chính Hedda.” “Cậu sẽ là một Hedda đẹp tuyệt vời đấy.” “Cảm ơn. Hy vọng thế. Tớ vẫn lo không biết có được nhận vai không. Sinh viên năm ba đều lăm le vai đó. Tớ may mắn lắm chỉ có vai diễn là” - đổi sang giọng Đông Luân Đôn - “Berte, cô hầu gái quỷ quái...” “Nhưng cậu phải đến cuộc họp nhóm vào tối nay chứ?” “Tối nay á?” “Cuộc họp đầu tiên trong học kỳ mới đấy!” “Ôi Chúa ơi, phải làm sao đây?” “Patrick rất nghiêm khắc. Anh ta đặc biệt yêu cầu tớ phải đảm bảo cậu đến họp tối nay, hoặc cậu sẽ phải rời đội, anh ta bảo thế.” Dĩ nhiên là anh ta chưa hề nói điều gì như thế, nhưng chắc chắn sẽ nói vậy. “Được rồi, gặp cậu ở đó nhé, rồi chúng mình sẽ đi nhậu sau cuộc họp.” Nàng đi ngang qua phòng, choàng tay quanh tôi để tôi có thể ngửi thấy mùi nước hoa trên cổ nàng, rồi thì thầm vào tai tôi. “Lại là bạn bè, nhé?” “Chắc rồi. Lại là bạn bè.” *** Nhưng khi tôi còn đang nghiền ngẫm về cuộc nói chuyện với Alice thì Giáo sư Morrison hỏi: “Nói cho thầy biết, Brian, chính xác thì tại sao em lại ở đây?” Câu hỏi làm tôi ngạc nhiên. Tôi ngừng nhìn ra ngoài cửa sổ, và quay sang Giáo sư Morrison, thầy đang ngả người dài trên chiếc ghế, các ngón tay đan chéo đặt lên cái bụng phệ. “Ừm, giờ phụ đạo riêng? Lúc hai giờ mà thầy?” “Không, ý thầy là ở đây, ngay ngôi trường đại học này, em học khoa Văn học Anh đúng không? Vậy tại sao em lại ở dây?” “Dạ, để... học ạ?” “Bởi vì?” “Nó... có giá trị ạ?” “Về tài chính?” “Không phải, thầy biết đó...” “Trau dồi tri thức?” “Dạ phải, em cho là vậy. Trau dồi tri thức. Và dĩ nhiên là em thích điều đó. Em thích giáo dục, học tập, tri thức...” “Thích điều đó?” “Yêu thích. Em yêu sách.” “Nội dung sách, hay chỉ thích sở hữu một đống sách?” “Rõ ràng là nội dung rồi...” “Vậy em nghiêm túc với việc học hành chứ?” “Em thích nghĩ như vậy.” Thầy không nói gì nữa, lại ngả người xuống ghế, cánh tay đưa lên duỗi ra sau, các ngón tay đan vào nhau, và ngáp. “Thầy không cho là em nghiêm túc ư?” “Không chắc được, Brian ạ. Thầy hy vọng em nghiêm túc. Nhưng thầy hỏi vậy là vì bài luận mới đây, ‘Quan điểm về “kiêu hãnh” và “định kiến” trong Othello’, thì, xem nào, dở tệ. Mọi thứ, từ nhan đề trở xuống đều tệ hại, kinh khủng, khủng khiếp...” “Dạ vâng, thật ra em viết bài đấy hơi vội...” “À, thầy cũng biết thế, thầy có thể thấy thế chứ. Nhưng bài đó thật sự dở ẹc, nhạt toẹt, đần độn, làm thầy cứ băn khoăn không biết có phải em viết thật không?” “Dạ, em viết thật đấy, thế, thầy không thích điều gì ạ?” Thầy thở dài, ngồi dậy và luồn ngón tay qua tóc, như kiểu sắp sửa kể với tôi là thầy muốn li dị. “Được thôi, à, phần mở đầu, em nói về Othello như thể em có quen biết người này và thấy ái ngại cho ông ta vậy.” “Dạ, điều đó không đúng hay sao ạ? Đối xử với ông ta như một con người thực sự. Đó không phải là một bằng chứng mạnh mẽ cho trí tưởng tượng sống động của Shakespeare sao?” “Hay cho việc em thiếu khả năng nhìn ra bản chất? Othello là một nhân vật hư cấu, Brian à, ông ta là một ý tưởng, một sự sáng tạo. Ông ta đặc biệt là một sự sáng tạo phong phú và phức tạp trong một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, nhưng tất cả những gì em có thể nói về ông ta là thật đáng hổ thẹn khi ông ta có một thời kỳ khó khăn chỉ bởi ông ta là người da đen. Toàn bộ nhưng gì tôi rút ra từ đó là em nghĩ cố chấp là ‘một điều tồi tệ’. Tại sao em lại nói với tôi điều đó? Em có nghĩ tôi có thể cho cố chấp là một điều tốt hay không? Bài luận kế tiếp của em là gì đây hả Brian? ‘Hamlet - Tại sao lại phiền muộn?’ hay có khi nào là, ‘Tại sao Montagues và Capulets không thể hòa hợp’...” “À, không đâu thầy, bởi vì sự thù địch giữa các chủng tộc là điều em cảm thấy có hứng thú.” “Thầy đồng ý, nhưng thầy phải làm gì để xử lý vấn đề đây nhỉ? Gọi điện cho bố mẹ của Iago, bảo bà ấy nói đứa con thôi đi hả? Mỉa mai thay, trên thực tế, khi thuyết trình về vấn đề chủng tộc, bản thân việc em khắc họa chân dung Othello như một kẻ vô tội dễ bị ám thị gần như đã có thể đánh đồng với việc phân biệt chủng tộc...” “Thầy nghĩ bài luận đó phân biệt chủng tộc ấy ạ?” “Không, nhưng thực lòng thầy nghĩ nó hơi nông cạn, mà cả hai cái đó không phải là không có liên hệ với nhau.” Tôi định nói gì đó, nhưng không thể nghĩ ra, nên chỉ ngồi đó. Tôi cảm thấy nóng đỏ mặt và bối rối, như thể tôi mới sáu tuổi đầu và vừa mới tè dầm. Tôi muốn chuyện này chấm dứt càng sớm càng tốt, thế là tôi bèn nhỏm người dậy, chồm qua bàn cầm lấy bài luận; “Dạ được, có lẽ em nên viết lại...” nhưng thầy vẫn chưa nói hết, và kéo những trang giấy về phía mình. “Thầy nghĩ bài viết này không phải từ một người ‘yêu tri thức’, đây là tác phẩm của một người hoàn toàn thích cái ý tưởng ra vẻ yêu tri thức. Nhận thức, tư duy độc đáo hay nỗ lực trí tuệ, không có mảy may nào trong tác phẩm này, nó thật nông cạn, đạo đức giả, rỗng tuếch, tư duy ấu trĩ, nó nhồi nhét đầy những lối nghĩ đại trà, những mẩu ngồi lê đôi mách và sáo rỗng. “Thầy ngả người về trước, nhón mấy đầu ngón tay cầm bài luận của tôi, như cầm một con mòng biển chết. “Tệ nhất là nó hoàn toàn đáng thất vọng. Thầy thất vọng vì chính em là người đã viết ra nó, và càng thật vọng hơn khi em nghĩ nó xứng đáng với thời gian và công sức tôi bỏ ra để đọc.” Thầy ngừng nói, nhưng tôi không thể nghĩ ra điều cần nói, tôi chỉ nhìn ra ngoài cửa sổ, chờ đợi chuyện này kết thúc. Nhưng sự im lặng kỳ thực rất khó chịu, và cuối cùng khi tôi quay đầu lại, ông đang nhìn tôi bằng ánh mắt “nhân từ của người cha”. “Brian, sáng nay thầy vừa có một buổi phụ đạo riêng về nhà thơ, nhà soạn kịch W. B. Yeats với một sinh viên - một cô gái xinh xắn, chắc chắn sẽ tiến bộ, được giáo dục tại một trường nữ sinh đặc biệt - và trong lúc phụ đạo có lúc thầy phải chạy ra ngoài để lấy Bản đồ Chỉ đường RAC để có thể giải thích cho trò đó Bắc Ai-Len ở đâu.” Tôi định lên tiếng, nhưng ông giơ tay lên. “Brian này. Khi thầy phỏng vấn em tại văn phòng này cách đây một năm, em làm thầy ấn tượng về sự nhiệt tình và say mê đặc biệt của một thanh niên trẻ tuổi. Có lẽ có một chút không tập trung, một chút vụng về - thầy nói là vụng về được chứ? Đánh giá như vậy là công bằng chứ? - nhưng ít ra em cũng không xem nhẹ việc học tập. Nhiều sinh viên, đặc biệt tại trường học này, có xu hướng xem việc học đại loại như một bữa tiệc đàn đúm trai gái rượu chè kéo dài trong ba năm được chính phủ trợ cấp, để cuối cùng có một căn hộ, một chiếc xe hơi và một công việc tốt, nhưng thầy thực sự đã cho rằng em không như vậy...” “Em không...” “Thế thì vấn đề là gì vậy? Có điều gì làm em xao nhãng chăng? Em không vui, chán nản...?” Chúa ơi, tôi không biết nữa. Có đúng như vậy không? Cảm giác đó như thế này sao? Có lẽ vậy. Có lẽ mình nên kể với thầy về Alice. Yêu ai đó có đơn giản là một cái cớ đủ vững chắc cho hành vi thiếu lý trí không? Rõ ràng là nó đúng với Othello, nhưng với tôi thì sao? “Em có điều gì muốn nói với thầy không?” Tôi phải lòng một cô gái xinh đẹp, yêu nàng nhiều hơn tôi từng nghĩ tôi có thể, nhiều đến nỗi không thể nghĩ về điều gì khác, nhưng nàng hoàn toàn không tiếp nhận, mà tốt lắm thì chỉ thấy tôi vui tính, tệ lắm thì thấy tôi đáng ghét, và do đó tôi nghĩ có khi mình sắp sửa hóa điên đến nơi... “Dạ không, em không nghĩ vậy.” “Vậy thì thầy cũng không biết vấn đề là gì, bởi vì hãy nhìn vào điểm số của em từ đầu năm đến giờ - 74%, 64%, 58% và cho bài này, 53% - có lẽ em trở nên kém thông minh đi thật rồi. Lạ thật, đây không phải là những gì mà giáo dục đem đến...”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.