CÂU HỎI: Nếu sự nóng sáng là ánh sáng được phát ra từ một vật nóng, thì thuật ngữ nào dùng để chỉ ánh sáng phát ra từ một vật tương đối lạnh?
TRẢ LỜI: Sự phát quang.
***
“Tớ cứ đinh ninh là cậu không nhận ra tớ khi không có cái cổ áo đứng của cha xứ cơ!”
“Sao? Ồ, không. Ban đầu thì không,” nàng nói.
“Ừm... Alice nhỉ!”.
“Đúng rồi.”
“Như trong Xứ sở thần tiên ấy hả?”
“Ừ... ờ,” nàng nói, nóng lòng nhìn lối ra.
Chúng tôi ngồi ở một cái bàn đá cẩm thạch nhỏ ở Le Paris Match, một tiệm cà phê đang cố gắng một cách chật vật để có phong cách Pháp; ghế gỗ “xịn”, gạt tàn có chữ Ricard, những bản sao tác phẩm của danh họa Toulouse-Lautrec và dòng chữ “croque monsieur” trong thực đơn thay vì “bánh mì nướng kẹp giăm bông pho mát”. Trong tiệm đầy sinh viên mặc áo cổ lọ đen và quần jean Levi’s 501 đang chồm người qua đĩa khoai tây chiên sôi nổi chuyện trò và vung vẩy điếu thuốc lá vào không khí, ước rằng chúng là những điếu thuốc hiệu Gitanes thay vì Silk Cut. Tôi chưa từng đến Pháp, nhưng Pháp giống thế này thật á?
“Vậy cậu được đặt theo tên của Alice trong Alice ở Xứ sở Thần tiên à?”
“Tớ cũng nghe nói thế.” Ngừng. “Thế còn cậu, tại sao bố mẹ lại đặt tên cậu là Gary?”
Tôi suy nghĩ một chốc, thật ra là cố nghĩ ra một giai thoại thú vị và buồn cười để lý giải tại sao tôi tên là Gary, rồi quyết định nên nói thật.
“Thật ra, tên tớ là Brian.”
“Dĩ nhiên rồi. Xin lỗi, ý tớ là Brian.”
“Không chắc nữa. Tớ không nghĩ là cái tên Brian có xuất hiện trong văn chương. Hay thay vào đó là Gary. Ngoại trừ hình như có Gary trong Anh em nhà Karamazov hay sao ấy nhỉ? Gary, Keith và...”
“... và Brian! Brian Karamazov!” nói rồi nàng cưới phá lên, tôi bèn cười theo.
Hôm nay quả thực đã trở thành một ngày rất trọng đại với tôi, bởi vì không chỉ ngồi đây với Alice Harbinson, người đang cười nhạo chính cái tên tôi, tôi còn đang được thưởng thức tách cà phê cappuccino đầu tiên trong đời. Ở Pháp người ta có uống cappuccino không nhỉ? Dù sao, nó cũng được; hơi giống cà phê sữa giá 35 xu ở quán cà phê phục vụ buổi sáng chỗ cầu tàu Southend, ngoại trừ việc loại cà phê này có một lớp váng màu xám thơm mùi xạ quế thay vì chỉ có mấy giọt cà phê đắng loại uống liền không hòa tan ở phía trên. Lỗi của tôi; tôi bỏ hơi quá tay, cứ nghĩ đó là bột sô cô la, nên nó có hơi sữa nồng nồng giống mùi ở nách. Nhưng rồi tôi cho rằng cappuccino có chút giống tình dục ở chỗ tôi có thể hưởng thụ nhiều hơn ở lần thứ hai. Mặc dù vậy khi phải bỏ ra 85 xu, tôi không chắc chắn là còn có lần thứ hai. Điểm này lại có chút giống tình dục.
Bổn cũ soạn lại. Tình dục và Tiền bạc. Hãy ngừng nghĩ về tình dục và tiền bạc. Đặc biệt là tiền bạc, thật khủng khiếp, bạn đang ở đây với cô gái thú vị này, thế mà tất cả những gì bạn nghĩ đến là giá của một tách cà phê sao. Cả tình dục nữa.
“Mình đói rồi,” nàng nói. “Chúng mình đi ăn trưa nhé? Khoai tây chiên hay gì?”
“Nhất trí!” tôi nói, và nhìn vào thực đơn. Những 1 bảng 25 xu cho một bát toàn những lát khoai tây chiên mỏng dính ư? “... Mặc dù tớ không thật sự đói lắm, nhưng cậu cứ gọi vài món cũng được.”
Thế là nàng vẫy tay gọi bồi bàn, một anh chàng gầy như giống chó uypit với lọn tóc vểnh trước trán kiểu Morrissey, vẻ bề ngoài cho thấy anh ta là sinh viên, anh ta bước tới và nói qua đầu tôi, chào nàng bằng câu “Xin chào!” rõ to và thân thiện.
“Chào, hôm nay khỏe không?” nàng hỏi.
“Ồ, khỏe. Trừ việc tớ không nên ở đây. Làm ca đúp!”
“Ôi, trời ạ. Tội cậu quá!” nàng nói, xoa xoa cánh tay anh ta với vẻ thương cảm.
“Ây da, ngại chết đi được,” Alice nói và lấy tay che mặt.
Úi giời ơi.
“Thế tớ lấy cho cậu món gì được nào?” anh ta nói, cuối cùng cũng nhớ ra anh ta ở đây làm cái gì.
“Chúng tớ chỉ gọi một bát khoai tây chiên có được không?”
“Absolument[1]!” anh bồi bàn nói, và hầu như chạy hết tốc lực vào bếp để bắt đầu chuẩn bị những miếng khoai tây mạ vàng quý giá đó.
[1] Tiếng Pháp: nhất định rồi.
“Sao cậu biết anh ta?” tôi hỏi khi anh ta đã đi khỏi.
“Ai? Anh chàng bồi bàn hả? Tớ đâu có quen anh ta.”
“Ồ.”
Và im lặng bao trùm. Tôi nhấm nháp cà phê, và lấy lòng bàn tay lau bột quế dính ở mũi.
“Xem nào! Tớ không chắc cậu nhận ra tớ khi tớ không có cái cổ áo đứng của cha xứ!”
“Cậu nói chuyện đó rồi mà.”
“Tớ nói rồi hả? Thỉnh thoảng tớ lại bị thế, bối rối về những gì đã nói hoặc chưa nói, hoặc cảm thấy mình đang nói to những điều chỉ muốn nói trong đầu, nếu cậu hiểu ý tớ...”
“Tớ biết chính xác ý cậu là gì,” nàng nói, nắm lấy khuỷu tay tôi. “Tớ lúc nào cũng lẫn lộn hết cả, hoặc là buột miệng nói ra cái gì đấy...” Những gì nàng đang làm lúc này thật ngọt ngào làm sao; nàng đang cố gắng tạo điểm chung giữa hai đứa mặc dù tôi chẳng tin nàng lấy một giây. “Tớ thề, đôi khi, tớ còn chẳng biết mình đang làm gì nữa...”
“Tớ cũng vậy. Giống như vụ nhảy nhót tối qua...”
“À, phải rồi...” nàng nói, bĩu môi “... điệu nhảy...”
“... Phải rồi, xin lỗi về điệu nhảy. Nói thật lúc ấy tớ hơi bị say.”
“Ồ, cậu nhảy được mà. Cậu là vũ công giỏi!”
“Không thể nào!” tôi đáp. “Cậu biết không, tớ chỉ ngạc nhiên là không ai thử đặt cây bút chì vào giữa hai hàm răng tớ cả!”
Nàng bối rối nhìn tôi. “Tại sao?”
“À... để ngăn tớ tự cắn lưỡi mình ra chẳng hạn?” Vẫn không có phản ứng. “Cậu biết chứ, như kiểu người bị... động kinh ấy!”
Nhưng nàng chả nói gì, lại nhấm nháp cà phê. Ồ, lạy Chúa - có lẽ tôi đã xúc phạm nàng chăng. Có khi nàng biết một người động kinh cũng nên. Có khi chứng động kinh đã xảy ra trong gia đình nàng! Có khi chính nàng bị động kinh.
“Cậu không thấy nóng khi mặc cái áo gió dày đó à?” nàng hỏi, và anh chàng bồi bàn quay lại với những lát khoai tây đẹp mắt, có khoảng sáu miếng, được bày đầy nghệ thuật trong một cái chén đựng trứng lớn, rồi anh ta quanh quẩn ở đó, nhe răng cười, hài lòng với chính mình, cố gắng bắt chuyện một lần nữa, thấy thế tôi bèn tiếp tục nói.
“Cậu biết không, nếu cuộc đời từng dạy tớ hai điều, thì điều đầu tiên là không nhảy múa khi ta xỉn.”
“Còn điều thứ hai?”
“Đừng thử đổ sữa vào một cái máy pha Soda.”
Nàng bật cười, và khi nhận ra mình bị đánh bại, anh chàng bồi bàn đành rút lui. Tiếp tục nào, cứ thế nhé...
“... tớ không biết mình trông mong điều gì, tớ chỉ nghĩ là mình đã chế ra loại thức uống nhiều sữa sủi bọt đầy kinh ngạc này, nhưng mà có một cái tên cho loại sữa sủi bọt đấy...” (ngừng lại, uống một hớp) “... đó là sữa chua!”
Thỉnh thoảng tôi có thể tự làm mình ói, thật đấy.
Thế là chúng tôi nói chuyện một hồi nữa và nàng ăn khoai tây chiên, nhúng khoai vào cái đĩa Pyrex đựng xốt cà chua, và khung cảnh giống như buổi chiều ở tiệm cà phê trong bài thơ Bản tình ca của J. Afred Prufrock của T. S. Eliot, chỉ có điều món ăn trong đấy đắt tiền hơn. “Tôi có dám ăn một quả đào không ấy à? Không, không phải với cái giá này...” Tôi biết một số chuyện về nàng. Nàng là con một, giống tôi - nàng nghĩ chuyện gì đó đã xảy ra với cái ống của mẹ nhưng không chắc lắm. Nàng không bận tâm đến việc là con một, điều đó chỉ có nghĩa là nàng luôn ham đọc sách và nàng học trường nội trú, nàng biết điều đó không hợp thời về mặt chính trị, nhưng dù sao nàng cũng thích vậy, và là Đàn Chị trong trường đại học. Nàng rất gần gũi với bố mình, ông làm phim tư liệu nghệ thuật cho đài BBC và thường dẫn nàng đến chỗ làm trong những ngày nghỉ để nàng có kinh nghiệm làm việc, và nàng đã gặp Melvyn Bragg nhiều, nhiều lần, và rõ ràng nhà văn này ngoài đời thật sự, thật sự vui tính, và cực kỳ sexy. Nàng cũng yêu mẹ, dĩ nhiên rồi, nhưng họ hay cãi nhau, có lẽ vì quá giống nhau, và mẹ nàng làm việc bán thời gian cho TreeTops, một cơ sở từ thiện xây nhà trên cây cho trẻ em nghèo.
“Chúng sống với bố mẹ có lẽ tốt hơn chăng?” tôi hỏi.
“Gì cơ?”
“À, cậu biết đấy, trẻ con mà sống một mình ở tuốt trên cây - thế thì chắc sẽ rất nguy hiểm, đúng không?”
“Không, không phải vậy, chúng không sống trong mấy căn nhà trên cây, đó chỉ là một hoạt động vào kỳ nghỉ hè thôi.”
“Ồ, thế à. Hiểu rồi...”
“Hầu hết bọn trẻ đó gia đình đều túng quẫn, chỉ có bố hoặc mẹ, và cả đời chúng chưa bao giờ có một kỳ nghỉ cùng gia đình!” Ôi Chúa ơi, nàng đang nói về tôi à! “Việc đó tuyệt lắm. Nếu cậu không có chương trình gì mùa hè này thì cậu có thể tham gia.” Tôi gật đầu hào hứng, dù không hoàn toàn chắc là liệu nàng đang đề nghị tôi phụ một tay hay đang đem đến cho tôi một kỳ nghỉ thật.
Sau đó Alice kể cho tôi về kỳ nghỉ hè của nàng, một vài ngày ở trên ngọn cây với mấy đứa trẻ nghèo, và không nghi ngờ gì nữa, chúng rất khao khát chuyện đó. Thời gian lại được chia ra nghỉ ở những ngôi nhà của họ tại London, Suffolk và Dordogne, sau đó biểu diễn với nhóm kịch của trường nàng ở Festival Edinburgh.
“Các cậu đã diễn vở gì?”
“Vở Hảo phụ Tứ Xuyên của Bertolt Brecht.” Dĩ nhiên, chuyện nàng đóng vai gì trong vở này quá rõ ràng rồi, đúng không? Đây là một cơ hội kinh điển để sử dụng cụm từ “người được đặt tên cho vở kịch.”
“Vậy ai đã đóng vai người được đặt tên cho vở kịch...?”
“Ồ, không tốt cho lắm. Mặc dù tờ The Scotsman có vẻ cũng cho là nó tốt. Cậu biết vở kịch đó đấy chứ?”
“Rất rõ,” tôi bốc phét. “Thật ra bọn tớ đã diễn vở Vòng phấn Cáp-ca-zơ của Bretch ở trường trung học vào học kỳ cuối vừa rồi” - ngừng, nhấp một ngụm cappuccino - “Tớ đóng vai viên phấn.”
Chúa ơi, tôi nghĩ tôi sắp ói rồi.
Nhưng nàng bật cười, và chúng tôi bắt đầu nói về những yêu cầu khi đóng Hảo Phụ, người được lấy tên để đặt cho vở kịch của Bretch, và tôi tranh thủ cơ hội này để được nhìn nàng lần đầu tiên mà không chịu tác động của rượu, và không có mồ hôi trên kính, nàng thật đẹp. Chắc chắn nàng là người con gái xinh đẹp đích thực đầu tiên mà tôi gặp từ trước đến giờ, còn hơn cả trong nghệ thuật Phục hưng hay trên ti vi. Ở trường bọn họ từng nói Liza Chambers xinh đẹp, khi đó ý họ thật sự muốn nói là gợi tình, nhưng Alice thì đẹp thật; làn da mịn màng như thể hoàn toàn không có lỗ chân lông, và tỏa sáng bởi một chất phát quang nào đó dưới da. Hay mình nên nói đó là “chất lân quang”? Hoặc “chất huỳnh quang”? Có gì khác biệt không nhỉ? Phải dò từ điển mới được. Dù sao đi nữa, nàng có vẻ như không trang điểm, hoặc, có khả năng hơn, trang điểm một cách khéo léo nghệ thuật đến nỗi trông như không trang điểm, ngoại trừ vùng quanh mắt, vì chắc chắn trong đời thực không có ai có hàng lông mi như thế, đúng không? Và rồi đôi mắt; nếu nói màu nâu thì không phải là từ đúng, vì như vậy thì nó quá đục và tối, mà tôi thì không thể nghĩ ra từ nào hay hơn, trừ việc đôi mắt đó sáng, tinh anh và to tròn đến nỗi ta có thể thấy nguyên tròng mắt có những đốm nhỏ màu xanh lá cây. Miệng nàng đầy đặn và có màu trái dâu tây, giống Tess Derbyfield[2], nhưng là một Tess hạnh phúc, cân bằng, mãn nguyện, người phát hiện ra rằng, tạ ơn Chúa, rốt cuộc nàng thật sự là người của dòng họ D’Urberville. Trên hết nàng có một cái thẹo nhỏ xíu ở môi dưới, tôi tưởng tượng nàng đã có cái vết đó từ một vài sự cố xương máu khi đi hái dâu thời thơ ấu. Mái tóc nàng màu mật ong và hơi quăn, được kéo ra sau trán, theo kiểu mà tôi tưởng tượng được gọi là “thời kỳ tiền Raphael”. Nàng trông như ở thế kỷ - từ gì trong thơ T. S. Eliot nhỉ? Quattrocento[3]. Hay từ đó là của nhà thơ Yeats nhỉ? Và nó có nghĩa là thế kỷ mười bốn hay thế kỷ mười lăm nhỉ? Tôi cũng phải tra lại khi quay về phòng mới được. Phải tự mình ghi nhớ, tra từ “Quattrocento”, “Damask”, “Nâu xám”, “Phát quang”, “Lân quang” và “Huỳnh quang”.
[2] Tess Derbyfield là tên nhân vật nữ chính trong cuốn tiểu thuyết Tess of the D’Urbervilles của Thomas Hardy.
[3] Quattrocento: thế kỷ mười lăm.
Và bây giờ nàng đang nói về buổi tiệc tối qua, nào là nó khủng khiếp như thế nào, nào là tất cả những gã tệ hại mà nàng đã gặp, hầu hết là những gã chơi bóng bầu dục khó chịu, ăn mặc không hợp thời trang, nhát chết. Nàng ngả người về phía trước cái ghế trong, đôi chân dài quấn quanh chân ghế bên dưới, rồi chạm vào khủy tay tôi để nhấn mạnh ý nào đó, nhìn vào mắt tôi như thể thách tôi nhìn đi chỗ khác, và nàng cũng có cái tật kéo kéo đôi hoa tai mạ bạc trong khi nói chuyện, cử chỉ đó ngụ ý rằng nàng đã bị tôi hấp dẫn từ trong tiềm thức, hoặc đó chỉ là do chỗ xỏ lỗ tai bị nhiễm trùng nhẹ. Về phần tôi, tôi đang thử một vài biểu cảm mới trên khuôn mặt và cả tư thế nữa, một trong số đó là ngả người về phía trước và đặt tay dưới cằm, các ngón tay để hờ hững ngang miệng, thỉnh thoảng xoa xằm ra cái vẻ trải đời. Tư thế này có nhiều mục đích; 1) trông như tôi đang trầm tư mặc tưởng, 2) thế này thật gợi cảm - các ngón tay trên môi, một điệu bộ gợi tình kinh điển - và 3) nó cũng giúp che giấu những cái đốm đỏ xấu xí nổi thành dề ở quanh khóe miệng tôi trông như thể tôi vừa bị bỏng xúp.
Nàng gọi thêm một tách cappuccino. Tôi tự hỏi không biết mình có phải trả tiền cả tách đó không nhỉ? Không thành vấn đề. Cuộn băng Stephane Grappelli/Django Reinhardt đã tới điệp khúc trong tiếng nhạc nền, phát ra tiếng vù vù giống như con ruồi xanh đâm sầm vào cửa sổ, và tôi khá hạnh phúc khi chỉ việc ngồi đó và lắng nghe. Nếu như nàng có khuyết điểm nào đấy, và rõ ràng nó chỉ nhỏ xíu thôi, đó là dường như nàng không đặc biệt tò mò về người khác, về tôi chẳng hạn. Nàng không biết tôi từ đâu đến, nàng không hỏi về mẹ hay bố tôi, nàng không biết họ tôi, tôi chẳng hề bị thuyết phục rằng nàng không còn nghĩ tôi tên Gary. Sự thực là, từ lúc hai đứa ở chỗ này, nàng chỉ hỏi tôi đúng hai câu - “Mặc cái áo gió dày đấy cậu không thấy nóng à?” và “Cậu có biết đó là quế không?”
Thình lình, như thể đọc được suy nghĩ của tôi, nàng nói, “Tớ xin lỗi, hình như tớ cứ nói suốt thì phải. Cậu không phiền chứ?”
“Không hề”.
Và tôi không bận lòng thật, tôi chỉ thích ngồi đây bên nàng, và để người khác thấy tôi bên nàng. Nàng đang nói về gánh xiếc Bungari thú vị mà nàng từng được ở Hội chợ Edinburgh, cũng có nghĩa đây là thời điểm tốt để đánh lạc hướng và tính nhẩm hóa đơn. Ba tách cappuccino giá 85 xu, tổng cộng 2 bảng 55 xu, cộng với khoai tây chiên, à nhầm, pommes frites mới đúng, giá 1 bảng 25 xu, à nhân tiện tính ra được mỗi miếng giá khoảng 18 xu, để xem nào, 25 cộng 55, bằng 80, tức là 3 bảng 80 xu, cộng với tiền boa cho cậu trai đang cười ở đằng kia, 30, không, 40 xu đi, thế là 4 bảng 20 xu, và mình có 5 bảng 18 xu trong túi, nghĩa là rốt cuộc mình sẽ còn 98 xu để cầm cự cho đến khi nhận tấm séc học bổng vào thứ Hai. Chúa ơi, thế nhưng nàng xinh đẹp quá chừng. Nếu nàng đề nghị cưa đôi tiền thì sao? Mình nên chấp nhận không nhỉ? Mình muốn nàng biết là mình tin tưởng mạnh mẽ vào bình đẳng giới, nhưng lại không muốn nàng nghĩ mình nghèo kiết xác hoặc, tệ hơn, keo kiệt. Mà ngay cả khi chia đôi số tiền, mình cũng chỉ còn 3 bảng, và mình phải đòi Josh đưa lại 10 bảng của mẹ cho đến thứ Hai, điều đó có nghĩa là mình sẽ phải làm đầu sai cho cậu ta đến kỳ nghỉ Giáng sinh, tẩy trắng tấm lót crikê hoặc nướng bánh xốp cho cậu ta. Mà gượm đã, nàng đang hỏi gì mình này.
“Cậu có muốn gọi thêm một tách cappucino nữa không?”
KHÔNG!
“Không, tốt hơn là không,” tôi nói. “Thật ra, chúng ta nên quay lại - xem kết quả. Để tớ tính hóa đơn...” và tôi nhìn quanh tìm bồi bàn.
“Tớ có tiền lẻ đây,” nàng nói, ra vẻ với tay lấy ví.
“Không cần đâu, thật đấy, tớ mời...”
“Cậu chắc không?”
“Chắc, chắc rồi,” tôi nói, rồi đếm và để 4 bảng 20 xu trên bàn đá hoa, và cảm thấy mình thật tao nhã.
***
Bên ngoài Le Paris Match tôi nhận ra trời bắt đầu tối; tôi không nhận ra chúng tôi đã nói chuyện hàng giờ. Trong lúc đó, tôi thậm chí quên cả cuộc thi Thách thức. Nhưng giờ thì tôi đã nhớ ra, và rốt cuộc tất cả những gì tôi có thể làm là không chạy ào đi. Mặc dù vậy, Alice là người thích đi dạo mát, nên chúng tôi tản bộ đến Hội sinh viên trong ánh sáng của buổi tối mùa thu, và nàng nói, “Thế ai xúi giục cậu vậy?”
“Gì cơ? Cuộc thi Thách thức hả?”
“Cậu gọi tên cuộc thi là thế à? Thách thức?”
“Không phải mọi người đều gọi như vậy sao? Ồ, tớ chỉ nghĩ là chuyện đó có vẻ vui,” tôi nói dối, tỏ vẻ thờ ơ. “Hơn nữa, nhà tớ chỉ có tớ và mẹ, nên không đủ thành viên để tham gia Ask The Family...” Tôi nghĩ là nàng có thể nắm bắt thông tin đó, nhưng thay vào đó nàng chỉ nói, “Những cô bạn ở cùng dãy hành lang xúi tớ tham gia, như lời thách đố ấy. Và sau hơn một lít bia ở quán bar vào buổi trưa, ý kiến đó bỗng dưng hóa ra không tồi chút nào. Và tớ muốn trở thành một diễn viên, hay một người nào đó có thể xuất hiện trên truyền hình, một người dẫn chương trình hoặc đại loại thế, nên tớ nghĩ xuất hiện trước ống kính sẽ là một thử nghiệm tốt, nhưng giờ tớ không chắc về chuyện đó nữa. Cuộc thi này không phải là một bàn đạp rõ ràng để đáp xuống kinh đô Hollywood đúng không? Thách thức Đại học. Tớ chỉ mong là bây giờ bị loại quách cho rồi, nói chân thành đấy, để tớ có thể quen hết cái việc ngu ngốc này.” Bước đi nhẹ nhàng, nhưng Alice Harbinson, bước chân nàng đang giẫm đạp lên những giấc mơ của tôi.
“Cậu có bao giờ nghĩ sẽ chọn nghề diễn viên không?” nàng hỏi.
“Ai cơ, tớ á? Chúa ơi không đâu, tớ dở lắm...” sau đó, tôi chỉ nói để thử xem thế nào, “với lại, tớ nghĩ ngoại hình tớ không đủ đẹp để trở thành diễn viên.”
“Ồ, không phải đâu! Nhiều diễn viên trông cũng đâu có ưa nhìn gì đâu...”
Nàng chê tôi đây mà, nhưng kể ra thì cũng đúng.
Khi chúng tôi tiến gần đến bảng thông báo bên ngoài phòng họp số 6, tôi cảm thấy như lại đang trải qua cảm giác đi xem kết quả thi O-level; sự tự tin thầm kín, trộn với một lượng phù hợp hồi hộp, sự nhận thức được việc kiểm soát biểu hiện trên khuôn mặt quan trọng như thế nào, không lộ vẻ quá hài lòng với bản thân, quá tự mãn. Chỉ cần mỉm cười, gật đầu vẻ hiểu biết và bước đi.
Đến bảng thông báo, tôi có thể thấy con gấu trúc của Lucy Chang đang ló ra qua vai cô ấy ở bảng kết quả cuộc thi, và có cái gì từ góc độ đầu của cô ấy mách bảo tôi rằng tin đó không tốt lành chút nào cho cô ấy. Cô ấy quay đầu và bước đi, nở nụ cười ngọt ngào pha chút thất vọng. Có vẻ Lucy sẽ không tham gia với chúng tôi trong phòng tập Granada rồi, thật đáng tiếc, vì cô ấy trông có vẻ tử tế. Tôi cười với cô ấy đầy thông cảm khi cô ấy rảo bước, và đi thẳng đến bảng thông báo.
Tôi đọc thông báo.
Tôi chớp mắt, rồi đọc lại.
KẾT QUẢ THI TUYỂN CUỘC THI
THÁCH THỨC ĐẠI HỌC
Kết quả phần thi sơ tuyển đầy hăng say cho cuộc thi Thách thức Đại học năm 1985 như sau:
Lucy Chang - 89%
Colin Pagett - 72%
Alice Harbinson - 53%
Brian Jackson - 51%
Vậy nên đội hình năm nay sẽ như sau: Patrick Watts, Lucy, Alice và Colin. Buổi diễn tập đầu tiên sẽ vào thứ Ba tuần sau. Xin chúc mừng các bạn đã được tham gia!
Patrick Watts.
* (Trường hợp có ai phải cấp cứu hoặc bệnh nặng, đe dọa đến tính mạng, Brian Jackson sẽ là thành viên dự bị ưu tiên thứ nhất.)
“Ôi, Chúa ơi! Không thể tin được, mình ở trong đội!” Alice thét lên, nhảy tưng tưng và siết chặt cánh tay tôi.
“Này, cậu làm tốt lắm!” tôi tìm được một nụ cười ở đâu đó, và đóng khung nó lên mặt mình.
“Này, cậu có nhận ra là nếu cậu không chỉ tớ mấy câu trả lời đó, cậu sẽ ở trong đội thay vì tớ không!” nàng ré lên. Ờ, phải rồi, Alice ạ, tớ đã nhận ra điều đó, thật đấy.
“Bây giờ mình làm gì đây? Đi bar và uống quắc cần câu nhé?” nàng đề nghị. Nhưng tôi cạn tiền rồi, mà tự nhiên cũng cảm thấy chẳng thích thú gì nữa.
Tôi không được vào đội, tôi có 98 xu trong túi, và tôi yêu trong vô vọng.