Nhật Kí Nữ Pháp Y: Để Người Chết Được Nhắm Mắt

Chương 21



Làm cái nghề pháp y này, tiếp xúc với thi thể là việc đều như cơm bữa. Đối với tôi mà nói, thi thể không chỉ chứa đựng sự thần bí, kinh dị, thối nát, mà đó còn là đối tượng nghiên cứu của tôi, lạnh lùng, ít nói, không khác gì những con dao, cánh cửa hay chiếc bể cá. Câu chuyện tôi sắp kể dưới đây, là một câu chuyện có liên quan tới thi thể.

Trong tiết trời se lạnh của mùa thu, thì chiếc áo len cao cổ màu đen là bộ trang phục được tôi lựa chọn hàng ngày. Khoác bên ngoài là chiếc áo vest màu tím than, càng toát lên nét đặc trưng của công việc mà tôi đang làm, chỉ là hơi thiếu đi vẻ dễ thương của một cô gái. Từ trong ra ngoài đều phù hợp với những định kiến mà xã hội này dành cho ngành pháp y.

Ngày hôm đó vừa đến phòng làm việc, tôi đã nhận được nhiệm vụ phải ra hiện trường, ở thôn Gia Bảo cách thành phố Sở Nguyên 150 dặm, thuộc quản lý của xã Lão Ưng, huyện Khánh. Do bộ phận pháp y của công an huyện Khánh đang trong thời gian nghỉ phép, nên lãnh đạo đã phái tôi đi xử lý thay.

Người phát hiện ra thi thể là một phụ nữ hơn 40 tuổi, tên là Lê Thúy Bình. Sau một trận mưa to, bà này lên núi để hái nấm, đang đi thì bước hụt, rơi xuống một cái địa huyệt. Bị tính hiếu kì lôi kéo,bà ta đã mở nắp địa huyệt ra, kết quả phát hiện một cái quan tài đã mục nát một nửa. Len lỏi theo tia sáng yếu ớt nhìn vào bên trong quan tài, là một thi thể vẫn nguyên vẹn như đang còn sống, trần như nhộng, làn da lấp lánh thứ ánh sáng mờ nhạt. Vốn là một người đàn bà gan dạ, nhiều lần chứng kiến người chết trong làng, nên Lê Thúy Bình cũng không quá sợ sệt. Song đối với dân làng, việc dẫm lên địa huyệt của người chết là điều hết sức tối kị, người ta quan niệm rằng đó là lời vẫy gọi của người chết.

Về nhà, Lê Thúy Bình kể cho chồng nghe chuyện cô gặp phải, rồi bảo chồng mua mấy lá bùa về để trừ tà. Chồng Lê Thúy Bình cảm thấy kì quái, bảo rằng gần đây trong làng làm gì có ai chết, hơn nữa việc thổ táng cũng đã lạc hậu rồi, thi thể kia lại không chút mục nát, không chừng là bị ai giết rồi lén lút chôn xuống dưới đấy. Lê Thúy Bình bảo chồng đừng nói bậy, làm gì có ai giết người xong lại đi chuẩn bị hẳn một cỗ quan tài, đó rõ ràng là thi thể được thổ táng.

Ông chồng càng nghĩ càng thấy sự việc có chút khó hiểu, bèn gọi mấy thanh niên gan dạ trong làng cùng lên núi xem thực hư ra sao. Một nửa thi thể nằm lộ ra bên ngoài, hoàn chỉnh không thiếu bất cứ bộ phận nào, chứng tỏ mới chết cách đây không lâu. Mấy tên đàn ông nhìn ngó một hồi, đều thấy ớn lạnh, thống nhất sẽ báo việc này cho cảnh sát.

Cái địa huyệt kia khá sâu, quan tài nằm cách mặt đất khoảng 2 m. Bề mặt quan tài bị phủ toàn bùn đất, chỉ có một phần nhỏ lộ ra bên ngoài được nước mưa gột rửa sạch sẽ. Huyện khánh rất hiếm khi có người báo án, cục trưởng cục công an huyện và đội trưởng đội hình sự đều có mặt tại hiện trường. Cục trưởng Dư Văn Đức có một khuôn mặt to phẳng như cái mâm, cái mũi rỗ, giọng nói rất vang. Sau khi rút thẻ ngành ra, Dư Văn Đức nói: “Nghe danh đã lâu, nhận được thông báo của thành phố, biết cô sẽ đến hỗ trợ công tác điều tra, chúng tôi đã cho giữ nguyên hiện trường.”

Tôi nhìn vùng đất xung quanh địa huyệt đã bị dân làng dẫm đạp lên tan tác, ngán ngẩm với cái gọi là giữ nguyên hiện trường của mấy tay công an huyện. Địa huyệt có vẻ sâu, khuôn mặt của thi thể lộ ra bên ngoài, nhìn không ra nam hay nữ, thế nhưng sắc mặt lại vàng sẫm, có sự óng ánh của da thuộc (một dạng vật liệu bền và dẻo được tạo thành thông qua quá trình thuộc da từ da động vật).”

Tôi cảm giác có gì đó kì lạ, không biết tại sao cái xác lại có bộ dạng như vậy, liền nói với Dư Văn Đức: “Cục trưởng Dư, xin anh hãy lệnh cho lính của mình, bảo họ đào cái xác kia lên.”

Nhìn bộ dạng khó nhọc của mấy cậu hình sự, tôi đoán lớp đất kia khá chắc chắn, có lẫn cả sỏi đá bên trong, không giống như đất bùn mới, điều đó càng khiến tôi thấy kì lạ.

Sau hơn nửa giờ đồng hồ, từ lòng đất được đào lên một cái hố rộng khoảng 2 m, cả quan tài và thi thể đều lộ rõ ra bên ngoài. Tôi men theo gờ cái hố để tiến vào lòng hố, dùng những dụng cụ đem theo bên người để gạt bỏ lớp bùn đất trên quan tài, rồi dỡ bỏ chiếc nắp đã mục nát của nó ra. Dưới ánh nắng mặt trời, một thi thể dài khoảng 150 cm được lộ rõ.

Tóc và lông cái xác đã hóa thành tro, nhìn vào cơ quan sinh dục thì đây là thi thể của phụ nữ. Trên cơ thể không có vết thương, ánh mắt như của người còn sống, giống như mới chết cách đây vài giờ vậy. Toàn thân cái xác hiện ra màu sắc và đặc trưng của da thuộc. Tôi đeo găng tay vào rồi ấn nhẹ vào tay của cái xác, khá cứng, cảm giác như đang ấn vào một con gà sấy khô hay miếng thịt lợn hun khói vậy. Bỗng nhiên, tôi phát hiện ở bên đầu cái xác có một chiếc trâm cài bằng bạc. Tuy chiếc trâm đã bị ngả sang màu đen, nhưng vẫn có thể nhận ra nó được làm bằng bạc trắng. Một ý nghĩ thoáng qua, tôi đứng bật dậy, trèo ra khỏi cái hố, nói với Dư Văn Đức: “Tôi nghi ngờ thi thể này là một cái xác cổ, hơn nữa lại rất có giá trị nghiên cứu lịch sử, hãy mau mời chuyên gia khảo cổ của Tỉnh tới đây.”

Dư Văn Đức ngạc nhiên hỏi: “Xác cổ? Cô không nhầm đấy chứ? Xác cổ chôn ở cái hố bùn bé tẹo này mà vẫn không bị mục nát ư? Rõ ràng đây là một cái xác mới chết cách đây không lâu.”

Tôi nói: “Tôi có thể chắc chắn đến tám phần, anh mau báo lên Tỉnh đi, nếu đúng là xác cổ thì anh lập công rồi.”

Dư Văn Đức bán tín bán nghi, cuối cùng vẫn cho thuộc hạ báo vụ việc này lên Tỉnh.

Chuyên gia khảo cổ của Tỉnh phi như bay tới hiện trường, sau khi kiểm tra một cách tỉ mỉ và thận trọng, quả thực đây đúng là thi thể được chôn cất từ thời vua Khang Hi của nhà Thanh, cách đây hơn 300 năm, điều đáng giá hơn, đây là một xác ướp rất hiếm gặp trong lĩnh vực khảo cổ, có giá trị nghiên cứu khảo cổ học vô cùng lớn.

Vụ án mạng này coi như chưa từng xảy ra, chuyện tưởng xấu ai ngờ lại thành tốt, Dư Văn Đức có lẽ là người cảm thấy vui nhất, nằng nặc đòi mời tôi một bữa cơm. Trong bữa tối, ông ta mặt mày hớn hở, chỉ trỏ lung tung, không màng đến những lời bàn tán xung quanh, hết lời tâng bốc tôi: “Không hổ danh là pháp y do Tỉnh phái xuống, con mắt thật tinh tường, nhìn một cái thôi đã biết đó là xác cổ, nếu không, chắc đã bị chúng tôi quy thành một vụ án giết người, thành trò cười cho thiên hạ mất.”

Tôi đáp: “Cũng không trách được các anh, dù sao cũng không phải chuyên môn của các anh, lúc đó tôi cũng không phải chắc chắn hoàn toàn, một nửa là do tôi suy đoán.”

Dư Văn Đức nói: “Ai mà ngờ được, một cái xác cổ hơn 300 năm tuổi lại được chôn trong một cái quan tài mục nát ấy, chôn cũng không kĩ, hàng trăm năm mà không bị phân hủy, cứ như ma làm vậy.”

Mấy tay hình sự ngồi xung quanh cũng xen vào, bắt tôi giải thích rõ.

Tôi cười mà nói: “Huyện Khánh các anh có một xưởng may áo da rất lớn, vậy có ai biết thuộc da nghĩa là gì không?”

Một vị cảnh sát hình sự tên là Phùng Khả Hân nói: “Tôi có người nhà làm ở xưởng thuộc da, nên cũng có am hiểu đôi chút. Lớp da động vật sau khi bị lột bỏ, hay còn được gọi là da sống thô, loại da này rất dễ bị phân hủy. Sau khi được xử lý hóa học, da động vật sẽ trở thành da thuộc, mềm mại, không dễ biến dạng khi gặp nước, có tính thoáng khí, chống lão hóa, được dùng làm chất liệu để sản xuất đồ dùng bằng da.”

Tôi đáp: “Cái xác phụ nữ kia để có thể hàng trăm năm không bị phân hủy, là do da cô ta đã biến thành da thuộc, có thể chống nước chống ẩm, ức chế vi khuẩn sản sinh. Nói cách khác, thiên nhiên chính là một nghệ nhân thuộc da tài ba, đã biến da cô ta thành da thuộc.”

Dư Văn Đức hỏi: “Đại pháp y, cô nói khiến tôi lạnh cả sống lưng, tại sao da cô ta lại bị biến thành da thuộc? Nghe như thể cô ta được phủ kín toàn thân bằng một lớp áo da vậy?”

Tôi đáp: “Còn kín đáo hơn cả áo da ấy chứ. Thôn Hồ Gia các anh là một vùng đất ẩm thấp, có tính axit cao, cái xác này được chôn dưới vũng bùn có tính axit ở nhiệt độ thấp, không thích hợp cho sự sinh sôi nảy nở của các vi khuẩn gây phân hủy. Trong đất bùn axit có chứa hàm lượng lớn đất mùn, chính nhờ tác dụng của nó, khiến cho da cái xác có màu vàng sẫm, kết cấu da trở nên chắc chắn, giống như da đã được thuộc vậy. Dĩ nhiên, quá trình phản ứng hóa học này vô cùng phức tạp, điều kiện xảy ra phản ứng rất ngặt nghèo, kể cả có một cái xác khác chôn cùng với cái xác nữ này, chưa chắc cũng đã biến thành xác ướp như nó.”

Dư Văn Đức lắc đầu mà rằng: “Thật đáng nể, thật đáng nể.” Không biết là ông ta đang khen tôi hay là đang khen cái xác kia nữa.

Phùng Khả Hân nói: “Không ngờ bên trong thi thể lại chứa đựng nhiều kiến thức đến thế.”

Dư Văn Đức bảo: “Các cậu vẫn còn trẻ người non dạ lắm, phải học hỏi vị đại pháp y đây dài dài.”

Phùng Khả Hân đáp: “Dạ vâng, đúng thế. Mấy tháng trước, vụ tự sát xảy ra ở huyện ta cũng là nhờ thi thể nạn nhân mới tìm ra được bằng chứng. Xem ra để làm tốt vai trò của một cảnh sát hình sự, không sợ xác chết thôi là chưa đủ, còn phải biết nghiên cứu xác chết, làm bạn với những thi thể.”

Tôi thấy có chút hứng thú với câu chuyện vừa rồi, bèn hỏi: “Làm cách nào để tìm được bằng chứng từ thi thể, các anh nói thử tôi nghe coi.”

Dư Văn Đức xua tay: “Hôm nay là ngày vui của chúng ta,đừng nói mấy chuyện không hay làm gì.”

Tôi nói: “Dù sao cũng đang rảnh, cứ nói đi, tôi mắc bệnh nghề nghiệp, cứ nghe thấy cái gì mà liên quan đến vụ án là phải làm sáng tỏ cho bằng được.”

Phùng Khả Hân đáp: “Vụ án đó quả là một thảm kịch luân lí, từng gây rúng động cả cái huyện nhỏ này của chúng tôi. Trường cấp 2 huyện Khánh chúng tôi có một giáo viên thể dục, tên là Lê Bảo Khánh, ngoài 30 tuổi, kết hôn với vợ được hơn chục năm. Số hai người họ cũng khổ, vừa mới kết hôn thì cô vợ bị tai nạn giao thông khiến cho liệt nửa người. Ông chồng cũng may là người nhân nghĩa, nuôi vợ bại liệt hơn chục năm nay, không lúc nào bỏ mặc vợ, đến cả việc đại tiểu tiện cũng do ông chồng một tay dọn dẹp sạch sẽ. Người trong huyện biết đến câu chuyện này đều phải khâm phục Lê Bảo Khánh. Nhưng người đàn ông ngoài 30 tuổi ấy, vất vả mười mấy năm nay, quả thật không dễ dàng gì, nên 2 năm trước có qua lại với một cô diễn viên múa của đoàn văn công. Hai người đó cũng không giấu giếm gì mối quan hệ này, cũng nhiều người thấu hiểu nội tình và thông cảm cho họ, và cũng chẳng mấy ai chỉ trích Lê Bảo Khánh. Chuyện đến tai cô vợ, nhưng cô cũng tỏ thái độ ngầm tác hợp cho hai người. Tháng tư năm nay, không hiểu tại sao cô vợ lại nghĩ quẩn mà tự sát.”

Tôi hỏi: “Thế rốt cục là sao?”

Phùng Khả Hân đáp: “Thi thể của vợ Lê Bảo Khánh được phát hiện tại nhà, tay phải nắm một con dao thái sắc bén, đâm sâu vào tim. Ban đầu chúng tôi có nghi ngờ Lê Bảo Khánh, nhưng sau khi pháp y của huyện vào cuộc điều tra thì đưa ra kết luận là cô vợ tự sát, sau đó chúng tôi gửi lên sở thành phố để lập hồ sơ, họ cũng đồng tình với kết luận này.”

Tôi hỏi: “Gửi lên sở thành phố để lập hồ sơ? Sao tôi chưa nghe qua vụ án này nhỉ?”

Phùng Khả Hân lại nói: “Là gửi lên phòng 7 của sở thành phố, có lẽ họ tin tưởng vào kết luận điều tra, nên đã không thông qua bên cô để xác minh lại.”

Tôi hỏi: “Bằng chứng tự sát là gì?”

Phùng Khả Hân đáp: “Khi thi thể vợ của Lê Bảo Khánh được tìm thấy, tay phải cô ta vẫn đang nắm chặt con dao…”

Tôi buột miệng nói: “Hiện tượng xác chết co giật?”

Phùng Khả Hân giật mình, đứng phắt dậy, giơ ngón cái về phía tôi: “Quả là đại pháp y, nói một câu là đã hiểu, trước đó chúng tôi chưa từng nghe qua thuật ngữ này, nên cảm thấy thật thần kì. Khi vợ ông ta được phát hiện, mắt vẫn thao láo, toàn thân cu0ng cứng, tay phải nắm chặt lấy con dao, sau đó chúng tôi định rút con dao ra, mà không sao gỡ khỏi tay nạn nhân được. Pháp y họ Trần của huyện nói rằng đây là hiện tượng xác chết co giật điển hình, là bằng chứng để phân biệt giữa tự sát hay là bị người khác sát hại.”

Tôi nói: “Đó là kiến thức pháp y, độ chính xác một trăm phần trăm. Nếu vợ Lê Bảo Khánh bị người khác giết rồi ngụy tạo thành hiện trường tự sát, thì xác chết sẽ không thể nắm chặt con dao trong tay như vậy, nếu có nắm thì cũng chỉ là nắm hờ. Bình thường mà nói, thi thể sau khi chết đều sẽ trải qua giai đoạn các cơ bắt đầu bị thả lỏng, sau đó lập tức co cứng lại. Khi xem các bộ phim về chiến tranh, chúng ta hay bắt gặp hình ảnh các chiến sĩ sau khi hi sinh vẫn giữ nguyên tư thế giương cao họng súng, đó đều là do thi thể không trải qua quá trình giãn cơ và co cứng, mà vào giây phút ngay trước khi chết, cơ thể xảy ra hiện tượng co giật, nên mới có thể giữ nguyên tư thế ban đầu.”

Nét mặt Phùng Khả Hân lộ rõ vẻ thích thú: “Sức hấp dẫn của khoa học thật vô cùng, một vụ án vướng mắc như vậy, chuyên gia các cô chỉ trong một phút đã phá thành công. Nếu để chúng tôi điều tra, không biết sẽ tốn bao nhiêu thời gian và tinh lực.”

Tôi nói: “Xác chết co giật rất hiếm gặp, nên đại đa số các vụ án vẫn cần các anh phải hao tâm khổ tứ để điều tra.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.