Nhật Ký Xuyên Thanh

Chương 25: 25: Chương 24




Cả Tam, Tứ, Ngũ a ca đều bị bắt đóng cửa học bài, tức thì trong kinh yên ắng đi hẳn.

Vài bọn tinh mũi cứ sợ trong cung có sự gì phát sinh, hoàng thượng nổi đóa chăng? Bèn hè nhau tìm hiểu sự thể từ chỗ thái tử và Đại a ca.
Thái tử và Đại a ca lại tỏ chung một thái độ: Không việc gì cả.

Thái tử cười ha ha, vui lòng đón khách đến, ân cần tiễn khách đi, chỉ là không hé cho một câu thật nào.

Tính Đại a ca dữ dằn hơn, bị hỏi nhiều đâm phiền quá liền mắng bảo không việc gì là không việc gì, các em của anh đây ngoan ngoãn, hiếu học không được à!
Tuy nhiên phủ của ba vị a ca cũng không phải đóng cửa tuốt không cho ai vào, tên gác cổng thấy có người tới cũng tiếp đãi đàng hoàng, các gia quyến nữ có ghé lại thì nhóm phúc tấn sẽ mời vào uống chén trà.

Chỉ là muốn gặp a ca lại không phải chuyện dễ.

Trong ba người, chỉ mình Tam a ca là ung dung thực sự.

Chẳng phải y học đòi văn vẻ gì, mà y thật lòng thích tiếp xúc với các khoản sách này, tranh nọ.

Ngày ngày bình thơ, luận họa với học sĩ hầu học của mình, khỏi phải nói cuộc sống thích ý xiết bao.

Nhưng khi nghĩ đến hai đứa em, không khỏi thấy hơi âu lo.

Lão Tứ gàn bướng hơn, từ bé tính nết đã vậy.

Bị hoàng a mã phạt chắc chắn sẽ thui thủi một mình trốn đi gặm nhấm cơn bực dọc.

Lão Ngũ thì bài vở tịt mít chả biết cái chi chi, khéo giờ còn đang phát rầu trong phủ nữa đấy.

Y nói với Tam phúc tấn: "Về chuyện lần này, phận làm anh ta phải gánh chịu quá nửa trách nhiệm." Khi ở Từ Ninh cung, câu chuyện do chính y gợi lên; lúc ở bãi thả ngựa, đám gà cũng tại y sai người xách đến.

Các em thương y, không mách tội y với hoàng a mã, y nợ ơn tình chúng, lúc này đâu thể không nghe, không hỏi han gì.

Tam phúc tấn cười nói: "Tam gia, chi bằng thế này, để thiếp đi thăm hai đệ muội, bảo cho hai muội ấy an lòng.

Tứ đệ, Ngũ đệ đều tính hũ nút, bây giờ dám là hai muội ấy hãy chưa biết chuyện gì xảy ra đâu."
Vinh phi thất sủng từ lâu, hiện tại chỉ có một mình Tam a ca bên cạnh.

Tam phúc tấn hiếu thảo hiểu lễ, được lòng Tam a ca, nghiễm nhiên Vinh phi cũng đối xử thân mật hơn với nàng.

Hôm đó sau khi ba chàng a ca bị đuổi cả về, tối ấy Tam a ca liền kể rõ tình đầu cho Tam phúc tấn nghe, dặn nàng thu dọn thư phòng, chuẩn bị phòng ốc cho hai vị học sĩ hầu học.

Ngày hôm sau, Vinh phi cử người đi hỏi thăm sức khỏe tiểu a ca Tam phúc tấn vừa sinh, lại trấn an nàng rằng chuyện này không có gì nghiêm trọng, hoàng thượng sẽ không làm lơ mấy đứa con quá lâu.

Vậy nên, nhìn hai cô em dâu, Tam phúc tấn không khỏi thấy mình có phần vượt trội hơn người.

Lão Tứ còn sẵn lòng giữ thể diện cho phúc tấn, tuy sủng ái cách cách, song không hề để phúc tấn bị lấn lướt.

Lão Ngũ thì thôi không ra cái gì rồi, trong phòng đã lập hẳn trắc phúc tấn, Ngũ phúc tấn bấy giờ lâm cảnh không có đến một chỗ đứng hẳn hoi.

Vợ chồng nào mà chẳng gần thì càng thân, xa mới dễ lạ.


Lần này ba vị a ca bị phạt, Tam gia nhà mình sớm kể cho mình ngọn nguồn đầu đuôi.

Lão Tứ và lão Ngũ lại chưa chắc chịu làm mất mặt này trước phúc tấn, e vẫn chưa hé ra một lời nào.

Thú thực, cùng là đàn bà như nhau, nàng rất lấy làm lạ rằng vì đâu hai cô em dâu lại nên nỗi ấy được? Cứ cho là ban đầu các ông không thích chị, thế chị cũng không biết làm kiểu gì cho thuận lòng các ông hay sao? Cứ xuôi theo ý các ông, chẳng phải rồi cũng làm các ông "xuôi" được đâu vào đấy ư?
Thuở khi nàng mới vào phủ, trong phòng Tam a ca cũng có hai cách cách.

Tam a ca lại đọc sách nhiều, bụng dạ đầy những ái tình gió trăng, đối đãi với nhóm cách cách cũng thực dịu dàng đa tình.

Nhưng giờ thì thế nào? Có thể thấy, lòng người rồi sẽ đổi thay.

Trước kia Tam a ca có thích họ nhường nào, cũng không nghĩa rằng cả cuộc đời này chỉ thích mỗi họ, nay đặt thêm nàng vào trong lòng nữa, đâu khó khăn gì, đúng chưa?
Chỉ cần bén được rễ trong tim đàn ông, để sức nặng tăng dần, thế chẳng quá được rồi hay sao?
Ngay từ lúc đầu Ngũ phúc tấn đã đốt đuốc cầm gậy, hoành hành công khai, nóng vội quá.

Tứ phúc tấn thì lại ương bướng, kiêu hãnh quá.

Tuy hai người đều là phúc tấn của hoàng tử, gả cho nhà người được phận chủ tử, thế nhưng ai bảo đức ông chồng của hai người mới là chủ tử chân chính làm chi đâu? Đến cả điểm này cũng không thấu suốt nổi mà còn đòi áp chế được chồng, thực là ngu dại quá thể.

Hôm sau, khi Tam phúc tấn định đi thăm Tứ, Ngũ phúc tấn, nhũ mẫu của nàng lại nói: "Phúc tấn gượm đã, theo lão nô thấy, phúc tấn không phải đích thân đi đâu.

Tuy Tam gia yêu quý huynh đệ mới nhờ phúc tấn đi chuyến này, nhưng dẫu sao người cũng là tẩu tử; người đi, ai biết sẽ khen người thương yêu tiểu bối, kẻ không hay chuyện lại đưa mồm đi tận đâu đâu?"
Tam phúc tấn đâm lưỡng lự.

Người khác nói ra sao chẳng cũng lọt vào tai cả? Tóm lại nàng biết số người khen nàng chắc chắn không nhiều bằng số người chửi bới nàng.

Nhưng chỉ để đứa hầu đi thì lại có vẻ lạnh nhạt quá.

Cân nhắc một hồi, Tam phúc tấn bèn gửi thiệp, mời hai đệ muội vào phủ ngắm cảnh xuân.

Có câu: Ý tại ngôn ngoại.

Hiện giờ ba vị a ca đều phải ở trong phủ, việc ngắm cảnh xuân này vừa nghe đã biết là nói cho có thế thôi.

Trong phủ Ngũ phúc tấn đương bực bội, nhận được thiệp liền đến ngay.

Tứ phúc tấn lại do dự, lo Tứ a ca sẽ giận nàng chạy ra ngoài chơi, nhưng khước từ Tam phúc tấn ắt càng không ổn.

Suy đi nghĩ lại, vẫn quyết đi, khi đấy xin cáo từ sớm là được.

Khi hai người tới, Tam phúc tấn có ý dẫn ra trước gian phòng nhỏ nằm đằng trước vườn hoa ngồi một lúc, sau đó nhân cơ hội hàn huyên với từng người.

Nhờ thế, Tứ phúc tấn mới biết trong cung có chuyện gì xảy ra, Tứ a ca quả thực đã chọc giận hoàng thượng nên bị phạt.

Biết vậy, nàng càng không sao ngồi yên; Tam phúc tấn nhận ra, không giữ lại lâu, tự tiễn nàng ra cửa lên xe.

Ngũ phúc tấn dĩ nhiên cũng không moi được tin tức gì từ chỗ Ngũ a ca, khi biết rồi lại cũng chẳng lo, còn có tâm trạng ở lại dùng bữa cơm mới ra về.


Có Tam phúc tấn cùng trò chuyện giải sầu, dễ chịu hơn một mình luẩn quẩn trong phủ biết bao nhiêu.

Sau khi tiễn Ngũ phúc tấn đi, Tam phúc tấn phải thở dài một hơi.

Ngũ phúc tấn định "việc đã hỏng thôi đành phó mặc" luôn ư? Ban nãy Ngũ phúc tấn mượn hoa ví người, nói: hoa này tự thân hoa này nở, dưới có đất, trên có trời, tự nó sống an nhàn thanh thản; người ngoài khen nó hay ghét bỏ nó, đều không gây ảnh hưởng gì đến nó cả.

Tam phúc tấn hiểu, nói: hoa có đẹp mấy đi nữa, cũng cần thợ hoa chăm chút tỉ mẩn, tìm một người biết nâng niu hoa chẳng tốt hơn sao? Hoa cũng có linh tính, có người thương hoa, hoa sẽ càng rộ cánh tuyệt trần.

Ngũ phúc tấn nói: "Ai cũng là người biết mến yêu hoa.

Nhưng có người yêu đóa thược dược, kẻ lại thương bông mai vàng.

Người yêu đóa thược dược thì yêu vẻ diễm lệ, sang quý của nó; kẻ thương bông mai vàng thì đem lòng thương mùi thơm ngan ngát đắm say.

Ngợi ca thược dược với kẻ chỉ thương mai vàng, người ấy cũng sẽ chẳng buồn cảm kích."
Tam phúc tấn nghe hiểu ra, biết nàng ta đã mất hết hy vọng, nhưng thấy nàng ta còn trẻ mà lại chặn đứng đường mình đi, không nhịn được nói một câu cuối cùng: "Cả đời không ai chỉ yêu duy nhất một loài hoa, rồi sẽ đến lúc thấy chán ngán, phiền hà.

Người ấy yêu một bông mai vàng cả đời được, vậy đóa thược dược kia không thể biến thành mai vàng được hay sao?" Cũng có phải hoa thật đâu!
Ngũ phúc tấn không nói năng gì nữa, nhưng nhìn nét mặt là biết không để vào tai.

Tam phúc tấn cũng lười lo vào thêm, cô bướng tiếp đi, cứ cố chấp cho đến khi hoa tàn ít bướm, lúc ấy có muốn biến hình cũng chẳng ai thèm liếc mắt đâu.

Trong phủ Tứ a ca, trên đường về phúc tấn nghĩ mãi chuyện phải làm Tứ a ca nguôi ngoai bằng cách nào.

Nhưng hai năm qua nàng đã nhận ra, Tứ a ca không phải kiểu người hễ chuyện gì cũng đổ vào hậu viện.

Dẫu có người chọc tới chàng, chàng cũng sẽ không làm xấu mặt người ta trước thiên hạ, mà là một mình quay về cho cơn giận nguội dần.

Chuyện này từ trước đã khiến phúc tấn thấy rất bối rối, luôn không biết chàng bực chỗ nào, mười ngày nửa tháng liền chẳng đến chính viện.

Trở về chính viện, Phúc ma ma ra đón.

Dạo gần đây bà ta cũng sửa đổi nhiều, không còn cằn nhằn chuyện bốn bà ma ma và Lý cách cách với phúc tấn nữa.

Nhìn thấy bà ta, phúc tấn nở nụ cười, đưa tay cho bà ta dìu.

"Phúc tấn về rồi à?" Phúc ma ma tấp tểnh vội sáp lại dìu nàng, "Sao phúc tấn về sớm thế? Hiếm khi ra ngoài dạo đây đó cho khuây, phúc tấn nên chơi thêm lúc nữa mới đáng."
Phúc tấn nghĩ rồi vẫn không kể lại lời của Tam phúc tấn cho bà ta nghe.

Vào phòng, trút bỏ trâm vòng, thay bộ quần áo.

Phúc tấn nằm nghiêng người trên sạp nhắm mắt trầm tư, Phúc ma ma thấy nàng nhọc bèn đưa mọi người đi ra hết.

Phúc tấn nghĩ đến Lý cách cách.

Lý cách cách luôn luôn được Tứ a ca sủng ái, nhất định nàng ta sẽ bói ra được Tứ a ca sinh cơn giận từ bao giờ.


Lúc này nàng ta làm thế nào?
Nàng gọi Thạch Lựu tới, cho những kẻ khác lui xuống cả, sau đó nhỏ giọng hỏi nàng ta: "Dạo này Lý cách cách sao rồi?"
Từ khi Phúc ma ma được rỗi rãi, nhiệm vụ của bốn đại a đầu đều do bà ta phân phái.

Bồ Đào đi chăm nom Tống cách cách và tiểu cách cách, Thạch Lựu thì theo dõi Lý cách cách.

Bây giờ nàng hỏi, Thạch Lựu thưa: "Lý cách cách dạo này năng gọi bữa hơn nhiều.

Nghe người ở thiện phòng bảo đầu bếp của Lý gia dạo này nấu món gì cũng bỏ thêm rất nhiều ớt.

Nghe đâu Lý cách cách còn dặn đầu bếp kia phải đổ dầu sôi vào bát ớt đỏ cay, để ăn với cơm và bánh bột ngô."
Phúc tấn: "Ồ.

Người chỗ nàng ta có qua lại gì với thư phòng không?"
Câu hỏi làm Thạch Lựu khó xử, nghĩ rồi nói: "Những người hầu hạ ở tiểu viện gần đây đều là người đưa từ trong cung ra.

Trang ma ma cắt thêm bốn người qua đó, nhưng chỉ toàn làm các việc chạy chân lặt vặt bên ngoài, không nghe ngóng được gì cả." Nàng ta chỉ không nói: cách thức dạy dỗ người dưới của Ngọc Bình và Triệu Toàn Bảo phỏng theo y như là trong cung, bốn đứa hầu bé mới vào được họ dạy cực nghiêm, nên đều đóng kín miệng.

Thấy phúc tấn không nói gì, nàng ta ghé sát lại nhỏ giọng bảo: "Nhưng nghe nói, đằng sau tiểu viện của Lý cách cách có một cửa nhỏ, dẫn đến được thư phòng..." Nên người bên đó có sang thư phòng, họ ở đây cũng chẳng hay biết, vì có đi qua cửa chính và bốn cửa hông của nội viện đâu cơ chứ.

Phúc tấn lập tức ngồi dậy: "Sau tiểu viện có cửa ư?" Nàng không hề biết! Người bên tiền viện không nằm trong tầm quản lý của nàng, thậm chí đến danh sách tên nàng cũng không có.

Cửa chính và bốn cửa hông thông giữa nội viện và ngoại viện luôn có người canh gác, kẻ trông ngoài cửa nhỏ kia ắt là người của tiền viện!
Nàng chưa từng được xem bản kiến trúc của phủ đệ này, vậy mà nàng còn không biết ở đó có một chỗ cửa nhỏ!
Thạch Lựu thận trọng quỳ xuống, khẽ nói: "Sau yến tiệc lần trước mới phát hiện ra.

Trước đó Lý cách cách không gọi bữa từ thiện phòng bên nội viện, chúng nô tỳ vốn đã nhận tin muộn.

Vì không thấy Lý cách cách nằm trong đơn cung cấp cho các vị cách cách, nên mới biết được.

Nhưng tuy biết chắc Lý cách cách sẽ không bỏ cơm, chúng nô tỳ vẫn đoán tiểu viện kia có nhà bếp nhỏ riêng, và được nguồn cung cấp từ thư phòng.

Đám cỗ hết có người dạo lung tung, mới phát hiện có cửa nhỏ ấy..."
Nhưng bàn bạc chuyện này xong, bọn họ vẫn không dám báo cho phúc tấn.

Hôm nay phúc tấn hỏi đến, nàng ta mới buộc phải trả lời.

Một thoáng hoảng hốt, phúc tấn nhanh chóng bình tĩnh trở lại.

Nhưng bình tĩnh rồi lại không thấy giận, mà là thấy lo.

Tứ a ca bảo vệ Lý cách cách đến mức ấy, vì cho rằng nàng muốn hãm hại nàng ta ư?
Suy đoán này làm tim phúc tấn tăng nhịp đập điên cuồng.

Bất kể có ra sao, nàng không thể nào gánh mối oan này được! Nàng phải đánh tan ý nghĩ này của Tứ a ca!
Thạch Lựu quỳ hồi lâu, nghe thấy phúc tấn nói: "Về sau không cần theo dõi Lý cách cách nữa."
"Phúc tấn?" Thạch Lựu sửng sốt, nhưng nhìn phúc tấn nghiêm túc không vẻ gì như là nói đùa.

Phúc tấn nghiêm giọng bảo: "Ta biết Phúc ma ma và các ngươi lo cho ta, nhưng ta và Lý cách cách cùng là người hầu hạ Tứ a ca; tuy xuất thân, địa vị khác biệt, song đều là chủ tử của các ngươi cả."
Thạch Lựu vội cúi đầu, tim đầy thịch thịch.

Phúc tấn nói: "Có một số việc, bụng chúng ta biết hết, trong lòng người khác cũng đã tính toán sẵn.

Ta ngồi ở vị trí này, có những lúc không thể đi sai một bước.

Các ngươi có lòng giúp ta là tốt, nhưng phải chú ý chừng mực.


Phía Lý cách cách, ngày sau chỉ cần trông nom kỹ càng, không được làm chuyện gì khác!"
Thạch Lựu run rẩy đáp một tiếng "dạ" rồi lui xuống.

Trong tiểu viện, trước mặt Lý Vi là một bát ớt ngập dầu, ngửi mùi dầu ớt này là nàng thèm, rỗi rỗi lại gắp một cây ớt đỏ sém giòn thả vào miệng, nhai thấy trong vị cay lẫn thêm cái đăng đắng và một chút chua.

Ngọc Bình nhìn nàng ăn say sưa, cũng tự thấy cay thay nàng.

Thấy nàng chỉ một lúc đã ăn bốn, năm cây, mới bưng bát ớt đi, nói: "Cách cách, thứ này không ăn nhiều được, hại dạ dày lắm."
Lý Vi cũng biết, Ngọc Bình đậy ớt lại, cười bảo: "Cách cách thế này, nhất định có tiểu cách cách."
"Ta cũng cảm thấy là con gái đấy." Lý Vi cẩn thận ôm bụng, tuy giờ bụng vẫn chưa nhô ra, nhưng nàng đã hết sức để ý che chở.

Vì chuyển dời sự chú ý của nàng đi, Ngọc Bình bèn ôm vào một đống tơ sợi và những mảnh vải nhỏ, đùa nói với nàng: "Hay là chúng ta làm ít áo quần cho tiểu cách cách?"
Lý Vi lại nói: "Việc này thì cứ tạm để đấy.

Ta thấy hẵng làm vài bộ dành mặc khi bụng ta lớn đã."
Đồ cho bà bầu ấy mà.

Ngọc Bình nghe nàng hỏi thì hơi lơ mơ, nhưng vẫn nói xuôi theo lời nàng: "Cách cách nói phải, nô tỳ quên mất.

Phải làm ít quần áo rộng rãi hơn."
Gọi Ngọc Trản và Ngọc Yên ôm quần áo mùa hè năm ngoái vào, giũ hết ra trải lên trên sạp.

Liễu ma ma cũng đến, nghe Lý Vi muốn làm đồ mặc khi mang thai, nói: "Chuyện này không phải gấp gáp."
Bà ta cầm một bộ kỳ bào mỏng mặc hè màu vàng lá liễu lên, ướm thử người Lý Vi: "Được năm tháng là bụng cách cách sẽ to độ cỡ này, mặc bộ đồ này vào hoàn toàn không chật đâu."
Lý Vi ngó trên nhìn dưới bộ kỳ bào hình ống thẳng đuột, than ôi bộ đồ trông đầy sầu thương!
Liễu ma ma nói: "Vào thu rồi phải làm lại áo kép và áo bông*, nhưng lúc ấy cũng phải cắt vải làm đồ mới, để lúc ấy cắt vẫn kịp."
*Áo kép: áo hai lớp mặc ở trong.
Ngọc Bình nom sắc mặt Lý Vi, thấy nàng có vẻ tiu nghỉu thất vọng, vội nói: "Làm vài bộ cũng được, hai năm nay cơ thể cách cách đương tuổi phát triển, đồ không chật thì cộc đi rồi."
Liễu ma ma cũng nhận ra Lý cách cách muốn tìm chuyện để làm, chủ yếu tại nàng thấy chán, nên thôi không làm nàng cụt hứng nữa, đoạn phát biểu một câu cốt cho nàng vui: "Đã vậy, chi bằng đồ lớn đồ bé làm giống như nhau, đợi khi tiểu cách cách chào đời, mặc quần áo giống ngạch nương thì thú biết là bao." Đến lúc tiểu cách cách sinh ra rồi, sang năm Lý Vi chắc chắn không thể mặc lại quần áo này nữa.

Nhưng hiển nhiên Lý Vi rất thích ý kiến này, mắt sáng rực cả lên.

Mọi người trong phòng không làm hỏng cái hứng của nàng, Ngọc Trản và Ngọc Yên lại đi mở rương lấy bốn xấp vải nguyên, Ngọc Bình lấy cuốn thêu ra, Liễu ma ma và Lý Vi cùng chọn vải màu gì phối với hoa thêu họa tiết gì.

Đương chọn, Lý Vi bỗng nhớ tới chuyện Tứ a ca từng bảo sẽ cho nàng hai người thợ thêu, bèn tìm cuốn tập áo váy con gái nhà Hán ra, chỉ vào vài trang Tứ a ca gấp đánh dấu trong đấy: "Tứ gia còn bảo muốn làm cho ta mấy bộ này."
Người trong tiểu viện đều đã biết chuyện Tứ a ca đóng cửa học bài, chỉ vẫn gạt Lý Vi mà thôi.

Ngọc Bình hiểu vì quá phấn khích khi nghe tin mang thai, nên gần đây Lý Vi không nghĩ đến Tứ a ca nữa, giờ lại hỏi...!
Quả nhiên, Lý Vi ngẩn người, đảo mắt một vòng, cho tất cả lui ra, gọi Ngọc Bình tới cạnh hỏi: "Mấy hôm Tứ a ca không sang rồi?" Nàng gập ngón tay nhẩm đếm, đã có mấy hôm rồi.

Lại xem sắc mặt Ngọc Bình, lấy làm hồ nghi: "Sang chính viện à? Ngươi đừng sợ ta giận.

Ấy là phúc tấn, phúc tấn và Tứ gia có êm đẹp ta mới yên tâm." Một mình độc sủng rất là áp lực đấy được không?
Song trông mặt mũi Ngọc Bình chẳng có vẻ gì khởi sắc hơn.

Tứ a ca đóng cửa học bài, có thêm cả hai học sĩ hầu học kèm cặp.

Tuy họ không biết trong cung có chuyện gì, nhưng đám Triệu Toàn Bảo và Ngọc Bình đều là những người từ trong cung ra đây, vừa nhìn là biết ngay không thể nào Tứ a ca tự dưng dốc lòng học tập, vươn lên làm học sinh giỏi, mà đúng hơn là bị bên trên phạt.

Người có thể phạt chàng học bài lại còn không được phép ra ngoài, đến cả thái hậu trong cung cũng không can thiệp gì nổi, thì ắt chỉ có hoàng thượng thôi.

Tứ a ca bị hoàng thượng phạt rồi.

(còn tiếp).



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.