Lý Nhu Phong nhắm mắt tĩnh tọa trong Phật đường. Nơi đây ngoài một ngọn đèn trước tượng Phật ra thì không còn nguồn sáng nào khác.
Chàng đã ở Phật đường này mười ngày. Những thương tổn trước đó trên thân đã bình phục hẳn, chàng chưa muốn rời khỏi đây ngay, chẳng qua là vì cảm thấy hơi nản lòng.
Ba năm rồi.
Suốt năm đầu tiên chàng vẫn là một thây ma mất sạch ý thức. Tiêu Yên lệnh cho Thông Minh tiên sinh, bất kể là dùng biện pháp gì, nhất định phải giúp chàng trở lại bình thường.
Theo ghi chép trong bản mẫu pháp quyết của Pháp Tuân, thì một khi đã trúng chú tỉnh thi, người cõi âm sẽ biến thành thây ma hung tàn nhất, vĩnh viễn không có khả năng khôi phục lý trí.
Tuy nhiên, có lẽ là do PhápTuân chưa từng mong chờ bất cứ người cõi âm nào trúng chú thuật của mình hồi tỉnh, hơn nữa, lão cũng chẳng có dương bạt. Lão xem người cõi âm trúng chú tỉnh thi như giày rách, dùng xong thì cho hóa cốt luôn, nên làm sao biết liệu họ có khả năng trở về bộ dáng ban đầu được không.
Tóm lại là bằng cách nào đấy, dưới sự giúp đỡ của Thông Minh tiên sinh, sau một năm thì chàng tỉnh dậy.
Vừa có ý thức là chàng bắt đầu bôn ba khắp nơi tìm Trương Thúy Nga, thế mà mãi vẫn chẳng thấy bóng dáng nàng đâu. Chàng nhờ A Xuân làm hộ mình một tượng Phật gỗ, to vừa phải để tiện cõng đi. Tượng Phật do A Xuân làm luôn luôn tốt nhất, sẽ tỏa Phật khí nồng đậm nhất. Chàng cứ cõng tượng Phật gỗ kia là có thể trì hoãn rữa nát mấy tháng liền. Mỗi tội, lỡ đâu bị tổn thương trên thân thì vẫn phải vào chùa chiền có nhiều Phật khí hơn để chữa trị.
Mới đầu Tiêu Yên cố sức ngăn cản chàng. Nhưng Thông Minh tiên sinh nói, nếu Lý Nhu Phong bị chọc giận lại biến thây ma, thì e rằng không hồi phục được nữa. Bởi vậy Tiêu Yên đành phải để mặc chàng đi. Dù sao thì, có tìm cũng chưa chắc sẽ gặp, rồi chàng vẫn quay lại bên y thôi.
Lý Nhu Phong cõng tượng Phật gỗ suốt quãng đường xuôi nam. Chàng ra đảo Đam Nhĩ, đáng tiếc chẳng lần ra bất kỳ dấu vết nào của Trương Thúy Nga. Chàng chưa bỏ cuộc, sau đó lại đi thêm vài lần, cơ hồ đã xới tung mỗi tấc đất ở Đam Nhĩ. Thế mà vẫn không thấy được Trương Thúy Nga, không nghe được bất cứ tin tức gì liên quan tới Trương Thúy Nga hay Bão Kê nương nương. Đã chẳng có kết quả, ngược lại còn bị cướp đường chém đứt đầu cụt tay. Hôm đấy chàng lượm lại đầu làm bọn cướp sợ vãi tè, xong phải vào chùa dưỡng mất ba tháng mới mọc lên như cũ.
Một năm này, Tiêu Yên tiếp tục nam chinh bắc chiến, thu phục dần các tộc thiểu số và chư hầu lớn nhỏ.
Năm thứ ba, Lý Nhu Phong lại cõng tượng Phật gỗ lên phương bắc, theo đúng con đường khi xưa Bão Kê nương nương từng đi qua để xuống nam. Thậm chí chàng còn tìm đến hồ nước nóng Tiêu Long của Đại Ngụy, nhưng vẫn không nghe được tí phong thanh nào liên quan tới Bão Kê nương nương.
Nàng vừa rời khỏi Kiến Khang thì gần như đã hoàn toàn bốc hơi khỏi nhân thế. Chàng biết người của Tiêu Yên và Thông Minh tiên sinh cũng đang âm thầm tìm kiếm, đương nhiên mục đích khác hẳn chàng. Họ chỉ muốn phòng ngừa dương bạt bị chư hầu khác lợi dụng.
Song vẫn là biệt tăm biệt tích.
Lý Nhu Phong bắt đầu nóng ruột nóng gan. Nàng còn sống không? Hay có khi nào lại bị người cõi âm khác bắt nhốt? Rất nhiều chuyện chàng chẳng dám nghĩ sâu, một khi nhớ tới là đau thắt tâm can. Chàng tìm suốt cả ngày, tìm trọn cả đêm, chàng thiếu điều muốn lục tung hết cả hai thế giới. Chàng nghĩ ít nhất nàng sẽ để lại tin cho mình, còn sống hay đã mất, bất kể là dương gian hay âm gian, chàng đều nhất định phải kéo nàng ra được.
…
Ngoài Phật đường có tiếng bước chân của người hầu vội vã chạy tới, dừng lại rồi gõ cửa khẽ gọi: “Công tử? Thưa công tử?”
Chàng nghĩ mình nên đi ra thôi. Có lẽ chàng phải qua chợ quỷ hỏi thăm xem sao, hỏi thợ rèn đạo sĩ, hỏi gã chủ quản, hỏi Dục phu nhân, hỏi mấy hàng đồ cổ, hỏi tất cả những ai trong quá khứ từng tiếp xúc với Bão Kê nương nương. Thế nào rồi cũng sẽ tìm được nàng, chàng nghĩ, chàng có vô tận thời gian.
Người hầu đứng ngoài Phật đường trình: “Thưa công tử, Thôi công tử Thôi Tiên Bính vừa gởi thư, mời ngài qua Nệ Cổ trai một chuyến.”
Lý Nhu Phong khẽ chau mày. Thôi Tiên Bính này là con em sĩ tộc ở Ngô Quận, so với chàng thì anh ta còn cuồng sưu tầm bản dập bia đá hơn gấp mấy lần. Nhờ có cùng sở thích với cổ vật nên trước kia hai người vẫn hay lui tới. Anh ta cũng là một trong số ít những bạn cũ hiện nay biết chàng chẳng phải người bình thường.
Thôi Tiên Bính vẻ người đẹp đẽ, tư tưởng phóng khoáng, cởi mở, còn hơi hơi ranh mãnh. Tính cách anh này rất được, duy có một điều, chính là quá mức háo sắc, quá si mê chuyện nam nữ. Năm ngoái anh ta từng một lần bảo muốn làm cuộc hội ngộ tùy hứng với chàng, vì cầm chắc là chàng không thấy đường nên dẫn ngay vào một thanh lâu mới mở. Anh ta giới thiệu trong đấy đều là các cô tiểu thư con quan ở Đại Ngụy sa cơ lỡ vận, toàn người văn nhã, phong lưu cả, nên nhất định phải chia sẻ với chàng. Chàng đã vất vả lắm mới thoát thân được. Lần đó Tiêu Yên rất bực, bèn tìm bừa vài lý do phạt đánh Thôi Tiên Bính một trận, rồi tống cổ anh ta khỏi Kiến Khang.
Nhớ đến việc này, Lý Nhu Phong toan từ chối, người hầu lại lên tiếng: “Thôi công tử viết, chuyện bữa trước ngài ấy đã biết sai, riêng hôm nay là chuyện nghiêm chỉnh. Ngài ấy vừa qua được đại nạn, dở sống dở chết trở về, cũng mới gom được rất nhiều bản dập chữ khắc trên vách đá. Hầu hết đều là chưa ai từng thấy nên nhất định phải mời công tử sang giúp giám định, xem thử triều đại và xuất xứ thế nào.” Người hầu cầm thư đọc nguyên văn, “Nhất định nhất định nhất định phải đến, huynh dập đầu dập đầu lại dập đầu cảm tạ.”
Lý Nhu Phong ngẫm nghĩ, Thôi Tiên Bính đúng là đã rời Kiến Khang gần một năm, nghe đâu là ngao du đến tận Ba Thục tìm kiếm chữ khắc trên vách đá của tiền triều. Chàng thở dài, đáp: “Thôi cứ đi đi.” Chàng chỉnh lại y phục cho ngay ngắn, rồi giao phó người hầu, “Ngươi cũng đi cùng để ta đỡ bị anh ta trêu cợt.”
Ba năm trước, sau một trận đánh bại Đại Ngụy, Tiêu Yên liền bảo A Xuân dẫn nhóc Đinh Bảo đến các chùa miếu lớn nhỏ trong thành để tạo thêm nhiều tượng Phật mới. Có điều là do thế cục thiên hạ còn bất ổn, họ chưa dám tuyên dương rộng rãi. Hiện giờ Phật khí trong thành đang dần dần dày lên, ở nhà Thôi Tiên Bính cũng xây một Phật đường, bởi vậy Lý Nhu Phong ra ngoài vào ban đêm thì khỏi cần cõng tượng Phật theo.
Thôi Tiên Bính tự mình ra đón, Lý Nhu Phong làm lễ chào anh ta. Đương thời lấy bên trái làm tôn kính, Thôi Tiên Bính là chủ nhà, Lý Nhu Phong bèn đứng bên phải anh ta. Thôi Tiên Bính vươn tay dẫn Lý Nhu Phong vào, đang đi thì chàng tinh ý nhận ra anh ta dùng tay trái.
“Tiên Bính huynh, một năm không gặp, sao huynh đổi thành thuận tay trái rồi?”
Thôi Tiên Bính âu sầu: “Ôi thôi, nói chỉ thêm buồn. Ta còn mạng để về đây đã là may mắn lắm lắm.” Anh ta giơ tay phải ra trước mặt Lý Nhu Phong, “Đệ sờ thử xem.”
Lý Nhu Phong vừa chạm vào đã giật nảy. Bốn ngón tay phải của Thôi Tiên Bính bị chém ngang, cả đầu ngón cái cũng bị vạt mất một mẩu, các ngón bằng nhau thẳng băng.
Thôi Tiên Bính lắc đầu: “Ôi việc này ly kỳ lắm, cũng do ta tự gây nghiệt. Chốc nữa sẽ kể rõ với đệ sau.”
Tiến vào phòng trong, Thôi Tiên Bính trải hết các bản dập chữ khắc trên văn bia, vách đá thu được trong cả năm ra trước mắt Lý Nhu Phong. Tất cả đều được tô lại một lần bằng mực trộn tro cốt để chàng tiện xem xét.
Lý Nhu Phong quan sát tỉ mỉ từng bản, hết sức tán dương: “Những chữ này hình thái mộc mạc, thuần hòa, bút lực cứng cáp, các nét rõ ràng, thực sự đều là bảo vật hiếm gặp.” Chàng tạm dừng, rồi tiếp, “Nghe kể vùng nổi tiếng nhất về vách đá khắc chữ ở Ba Thục có địa thế vô cùng hiểm trở, Tiên Bính huynh dập được chừng này chữ, chắc hẳn là hết sức gian nan.”
Thôi Tiên Bính lập tức kể khổ: “Há lại chỉ có từng đó hết sức gian nan! Quả thực là gian khó trùng trùng, hiểm nguy lớp lớp ấy!” Anh ta rút một bản cho Lý Nhu Phong xem, “Khốn khổ nhất là tấm này đây! Nó ở ngay vách đá cheo leo bên sông Thanh Y, đồ cổ lắm lắm rồi ấy, nên ta không nỡ bỏ qua. Ta và hai tên hầu thả dây đu xuống, kết quả là cả hai đứa kia đều rớt xuống sông chết mất, ta cũng suýt chút bỏ mạng.”
Anh ta quơ quơ bàn tay phải cụt lủn: “Ngón tay bị mất ở đấy đấy.”
Lý Nhu Phong nhìn chữ ở bản dập, nhận ra nội dung trên đó là quốc sử của nước Thanh Y Khương. Tương truyền khi trước bên sông Thanh Y từng có một nước Thanh Y Khương cổ xưa, tồn tại từ thời Vũ vương phạt Trụ, tiếc rằng tới thời Đông Hán thì diệt vong. Chữ khắc đá quý hiếm như thế, thảo nào Thôi Tiên Bính có phải liều mạng cũng muốn dập cho được.
Chàng nghĩ tới vết đao thẳng tắp kia: “Phải chăng Tiên Bính huynh gặp cướp khi treo trên vách đá?”
Thôi Tiên Bính lắc đầu: “Không gặp phải cướp, chỉ có một ân nhân cứu mạng thôi. Nhưng vị ân nhân này...” Anh ta thở dài đánh thượt, “Còn lợi hại hơn cả cướp nữa.”
Thôi Tiên Bính hết sức hâm mộ Lý Nhu Phong, bảo là cho dù chàng có thịt nát xương tan, thì chỉ cần dập đầu một cái trước tượng Phật, qua mười ngày nửa tháng là nguyên vẹn như cũ rồi. Nếu có dương bạt thì còn chẳng cần tới mười ngày nửa tháng, chớp mắt đã mọc xong.
Lý Nhu Phong cười khổ: “Tiên Bính huynh thử vác một tượng Phật to vào đất Thục, băng qua sông Thanh Y xem.”
Thôi Tiên Bính dựng thẳng bàn tay cụt ngủn lên: “Miễn miễn, ta cứ làm người thôi được rồi.” Anh ta chợt tò mò ghé tai Lý Nhu Phong thì thào hỏi, “Hiền đệ, kỳ thực ta cứ thắc mắc mãi. Mọi lần vui vẻ với các cô, phải chăng mỗi lượt xong là đệ phải về ôm tượng Phật một cái, rồi mới có thể bắt đầu lượt mới?”
Lý Nhu Phong chắp tay với anh ta: “Tiên Bính huynh, ta xin cáo từ thôi.”
Thôi Tiên Bính giơ tay trái tự vả ngay vào mặt: “Tệ quá tệ quá, ta cứ không kiểm soát được miệng với tay mình thế đấy. Tay ta đây, cũng bởi vì vô lễ với vị ân nhân cứu mạng kia nên mới bị ân nhân chặt mất.”
Hóa ra, khi ấy Thôi Tiên Bính treo lủng lẳng trên vách đá bên sông Thanh Y cả buổi trời mà vẫn chả thấy nửa bóng người. Chỗ đó vốn là ít ai lui tới, ngoài loại người rảnh quá hóa cuồng như anh ta ra thì khi không ai lại chạy vào nơi nguy hiểm thế? Lúc đã gần như hoàn toàn tuyệt vọng, anh ta bỗng trông thấy một cô nương vận áo xanh đi ngang qua. Anh ta lớn tiếng kêu cứu, khẩn cầu cô nương giúp mình. Cô nương kia đúng là rất tốt, bỏ tận hai canh giờ, dùng rựa bạt ra một lối cứu anh ta xuống.
Lý Nhu Phong nghe thấy chữ “rựa”, trong lòng khe.khẽ nao nao, bèn thở dài. Thôi Tiên Bính hỏi: “Hiền đệ sao thế?”
Lý Nhu Phong lắc đầu: “Không sao đâu, chỉ nhớ tới ít chuyện xưa nên hơi xúc động.”
Thôi Tiên Bính tiếp tục đề tài dang dở: “Chậc, hiền đệ cảm thấy cô nương kia rất thuần khiết, rất thiện tâm chứ gì.”
Lý Nhu Phong gật đầu: “Nếu là cô nương bình thường, sao lại tốn đến hai canh giờ, phí bao nhiêu sức lực để cứu một người xa lạ như vậy?”
Thôi Tiên Bính xác nhận: “Đúng đấy, ta đưa tiền thì nàng ấy từ chối, chỉ hỏi ta vài bản dập chữ từ vách đá. Ta thấy nàng khá thú vị nên mới bắt chuyện, nàng lại chẳng thèm trả lời cho một cái tên.”
Thấy Lý Nhu Phong vẫn chăm chú lắng tai nghe, Thôi Tiên Bính kể thêm: “Hôm đó sau khi nàng cứu ta thì trời đã sẩm tối, đường núi ven sông rất gập ghềnh, khúc khuỷu, chân ta còn bị trật, nên bất đắc dĩ phải kiếm một hang động bên bờ để nhóm lửa ngủ tạm. Cô nương kia ăn mặc như phụ nữ có chồng, tuy chưa thể xem là mỹ nhân khuynh quốc gì, nhưng cũng mặn mà, say lòng lắm. Nhất là khi ngồi bên đống lửa, âu sầu vương đáy mắt, ôi đúng là càng ngắm càng thấy có hương vị đặc biệt. Ta hỏi nàng vì sao sầu lo, nàng đáp sợ người ở nhà đợi mình sốt ruột. Ta lại hỏi phải chăng là phu quân trong nhà? Nàng liền lặng thinh không nói lời nào nữa, chỉ dựa vào tảng đá ngủ mất.”
Anh ta che miệng ho một tiếng: “Hiền đệ cũng biết tính ta rồi đấy, xưa nay ta có ít ham thích với phụ nữ có chồng, nên cả đêm đó làm sao ngủ được. Qua một hồi chẳng thể dằn lòng, bèn thừa lúc nàng ngủ say mà qua vuốt má một cái. Chậc, đất Ba Thục dưỡng người cứ phải gọi là, y như sờ vào đậu hũ ấy. Tươi non nõn nà, ấm ấm mềm mềm sướng tay quá sức. Khụ, ta lại dời xuống dưới chút xíu. ”
Lý Nhu Phong nén giận trách: “Tiên Bính huynh, như thế là quá trớn lắm đấy.”
Thôi Tiên Bính gật đầu: “Đúng đúng, ta cũng biết vậy. Nhưng vẫn không quản nổi bản thân. Ai ngờ nàng tỉnh ngay, cho ta một bạt tai, còn mắng té tát. Cái giọng kia cứ như quạ kêu. Thế mà lúc đó chẳng biết ta lấy đâu ra can đảm, cứ nhào tới ôm nàng. Còn bảo nàng bỏ gã chồng ở nhà đi, hãy theo ta về Kiến Khang, làm phu nhân của ta, cả đời không phải lo chuyện áo cơm, cũng không cần đốn củi ở nơi hoang dã nguy hiểm thế này nữa. Xong chẳng biết nàng làm gì mà ta không thể động đậy. Rồi nàng đặt tay phải ta vừa sờ nàng lên đá, vừa vung rựa vừa quát "ngươi xem cho kỹ đây". Lập tức hạ xuống phát, chặt phăng hết đầu ngón tay ta. Khi đó ta còn tưởng nằm mơ, nghĩ bụng một cô nương bé như hạt tiêu, sao lại to gan dữ.”
Anh ta không để ý giọng Lý Nhu Phong đã hơi run rẩy, chỉ nghe chàng hỏi bốn chữ: “Sau thì thế nào?”
“Sau thì nàng băng bó sơ cho ta, ném hết lương khô đem theo lại, cầm mấy bản dập ta đưa trước đó rồi tự mình đi mất. Phải chờ tới sáng ta mới cử động được, bèn chạy ngay về nhà. Ôi, tí thì toi mạng…”
Anh ta chợt thấy thái độ của Lý Nhu Phong hơi sai sai. Tuy biết chàng là người cõi âm từng giết vạn người, nhưng anh ta không nhìn tận mắt, cho nên cũng chẳng cảm giác được có chỗ nào đáng sợ. Vậy mà lúc này trên thân Lý Nhu Phong tỏa ra âm khí nồng đậm làm bao nhiêu gai ốc của anh ta đều dựng hết lên, trong lòng bỗng dưng khiếp đảm. Anh ta bất giác run rẩy lùi lại mấy bước: “Hiền đệ?”
Lý Nhu Phong bước ngay tới trước, đến gần anh ta, vội hỏi: “Cô nương đó, vóc người nho nhỏ,” Chàng giơ tay ước chừng độ cao, “Bên hông có buộc một dây chuông đồng, một túi vải nhỏ, trên tóc cài một hàng hoa dành dành, đúng chứ?”
Thôi Tiên Bính ngạc nhiên: “Sao đệ biết thế? Cái chuông kia cứ rung mãi, tiếng vang xa lắm.”
Lý Nhu Phong lại ép tới trước một bước, cả người tỏa áp lực, giọng chàng lạnh tanh: “Huynh sờ nàng ở đâu?”
Lúc này Thôi Tiên Bính đã sợ tới mức cứng lưỡi, khí lạnh thấu xương của người cõi âm như con rắn thâm nhập cốt tủy anh ta. Bấy giờ anh ta mới thật sự nhận thức trước mắt đây không phải người sống, mà là một thi thể lạnh băng. Anh ta bị dọa run lập cập, nghe người cõi âm vặn hỏi lại một lần: “Huynh sờ nàng ở đâu?”
Thôi Tiên Bính nhũn hết cả chân, phải chống hai tay lên bàn phía sau, lắp bắp: “Chỗ, chỗ nào mềm, mềm là, sờ, chỗ đó thôi...” Anh ta đã hối hận muốn chết rồi. Trước kia còn nghĩ người cõi âm quý hiếm mới lạ cũng thú vị phết. Cứ thấy Lý Nhu Phong ngoài bị mù ra thì vẫn đối xử với mọi người như gió xuân ấm áp giống khi xưa, rồi còn muốn nhìn thứ gì là phải nhúng vào tro cốt, nom mới hay ho làm sao... Hiện giờ anh ta mới hiểu, vì đâu Tiêu Yên nhất định phải hạ lệnh diệt trừ người cõi âm. Hóa ra, đúng là những người này quá sức khủng khiếp!
Ngón tay buốt giá của người cõi âm chặn ngang cổ họng anh ta, thoắt cái đã siết chặt. Thôi Tiên Bính chỉ thấy trước mắt nhoáng lên thế giới lạnh lẽo âm u không thuộc về nhân gian. Anh ta nghe giọng nói kia rất lạnh lùng:
“ ‘Bỏ gã chồng ở nhà‘. Nàng chặt thế là đúng rồi! Lẽ ra nên chặt luôn cả bàn tay đi! Nếu là ta, thì đầu huynh cũng chẳng còn trên cổ đâu!”
Lý Nhu Phong buông tay, kéo vạt áo xoay người rời đi ngay. Thôi Tiên Bính cứ như lại vừa nằm mơ phát nữa. Anh ta chỉ thấy bóng lưng lẻ loi của Lý Nhu Phong vội vàng khuất sau cánh cổng, giữa những bước chân hấp tấp dường như không kìm được quá đỗi mừng vui.