Những Cây Cầu Ở Quận Madison

Chương 3



Những chiều xưa tiếng nhạc xa vời

"Bây giờ thì sao nhỉ... ". Francesca thầm nghĩ, khi bữa ăn chấm dứt.

Ông đề nghị: "Chúng ta ra ngoài đồng đi dạo một lát nhé... Ngoài đó chắc trời mát hơn". Khi bà đồng ý, ông mở ba lô lấy chiếc máy ảnh ra khoác quai vào vai.

Kincaid đẩy cửa và giữ cho Francesca bước ra rồi theo sau, khép cửa lại nhẹ nhàng. Họ bước xuống bậc thềm loang lổ, quan sân rải đá rồi dẫm lên cỏ, về phía Đông của xưởng để máy móc. Xưởng bốc lên mùi dầu.

Họ tiến đến hàng rào, Francesca đưa một tay kéo dây kẽm gai rồi bước qua, thấy sương ướt đẫm chân qua đôi xăng đan. Ông cũng làm theo, nhẹ nhàng bước qua hàng kẽm gai.

Mặt trăng gần tròn đầy nhô lên phía Đông bầu trời đang chuyển màu xanh thẫm, mặt trời lặn xuống ngang với đường chân trời. Nơi con đường phía dưới họ, một chiếc xe chạy qua, bóp còi chát tai. Cậu con trai Clark ở Winterset, bồ của Judy Leverson.

Từ lâu rồi, bà không hề đi dạo như thế này. Thường sau bữa ăn tối, luôn luôn vào lúc năm giờ chiều, có bản tin trên ti vi rồi chương trình buổi tối mà Richard xem, đôi khi với hai đứa con khi chúng xong bài tập. Francesca thì đọc sách trong nhà bếp - mượn của thư viện hoặc câu lạc bộ bà tham gia - sách lịch sử, thi ca đọc sách dưới hiên. Bà ghét xem ti vi. Có khi Richard từ trong nhà gọi vọng ra: "Frannie, vào xem này, hay lắm! " thì bà mới ra ngồi cạnh chồng một lúc. Elvis bao giờ cũng trình diễn một kiểu ồn ào như nhau. Nhóm Beatles cũng vậy, khi họ xuất hiện lần đầu trên chương trình của Ed Sullivan - Richard nhìn mái tóc dài bù xù của họ, lúc lắc ra vẻ không tán đồng và thiếu tin cậy.

Trong một thoáng những đường đỏ ối của ánh hoàng hôn vạch trên bầu trời. Robert Kincaid vừa đưa tay chỉ vừa bảo: "Tôi thường gọi đó là "phản quang". Phần lớn người ta giơ ngay máy ảnh lên chụp, thường lúc đó màu và ánh sáng rất đẹp, khi mặt trời vừa lặn xuống sau chân trời và ánh sáng còn phản chiếu lên bầu trời".

Francesca không trả lời, bà tự hỏi về con người say sưa với màu sắc của bầu trời, người có làm thơ chút ít và viết tiểu thuyết chút ít. Người chơi đàn ghi ta tài tử, người kiếm sống bằng chụp ảnh và mang dụng cụ nghề nghiệp nơi ba lô đeo lưng, đi khắp các nẻo đường. Người giống như gió. Lung lay như gió. Và có lẽ sẽ trở về với gió.

Ông thọc tay vào túi quần, mắt hướng về bầu trời, máy ảnh lắc lư bên hông trái. "Mặt trăng như những trái táo bạc, mặt trời như những trái táo vàng". Giọng ông trầm, đọc ra những lời trên như một diễn viên chuyên nghiệp.

Francesca nhướng mắt nhìn ông: "W. B. Yeats. Bài ca về Aengus, kẻ lạc loài".

- Đúng. Một thi sĩ tuyệt vời, Yeats ấy. Hiện thực, tiết kiệm nhục cảm, cái đẹp quỷ thuật. Tất cả cái đó nói lên nguồn gốc ái nhĩ lan của tôi".

Ông đã nói lên tất cả, chỉ trong năm từ. Francesca đã từng tốn công vô ích khi đem thơ Yeats cố giải thích cho học trò mình ở Winterset hiểu, nhưng không bao giờ thuyết phục được họ. Bà chọn Yeats cũng vì những lý do mà Robert Kincaid vừa chỉ ra. Học sinh xứ này có thành kiến nặng nề với thi ca và ngay cả Yeats cũng không vượt qua được. Bà còn nhớ khi bà đọc câu thơ "mặt trời như những quả táo vàng" thì cái cậu Mathew Clark đưa mắt liếc qua cậu bạn bên cạnh, đưa tay vạch một đường cong chỉ đôi vú đàn bà. Cả bọn con trai cười ồ còn bọn con gái thì đỏ mặt.

Người ở đáy sống bằng một thái độ thực dụng như vậy. Bà thấy điều đó và bà nản lòng vì cảm thấy mình tổn thương và cô độc, mặc dầu rõ ràng họ biểu lộ một tình bạn rõ rệt với bà. ở đây người ta không ưa thích thi ca. Để chống lại cái mặc cảm tự ti về văn hoá, người dân ở đây thường nói: "Đây là một nơi rất tốt để giáo dục con cái". Những lúc đó bà rất muốn đáp lời họ: "Nhưng đây phải là nơi thích hợp để giáo dục người trưởng thành không... "

Họ đi dọc theo cánh đồng hàng trăm mét mà không hay, rồi đi vòng lững thững hướng về nhà. Bóng tối đã phủ kín đầy khi họ đến hàng rào. Lần này, ông kéo dây kẽm gai cho bà bước qua. Bà chợt nhớ tới chai brandy: "Tôi còn chai rượu.

Hay là ông muốn uống cà phê... "...

"Thế muốn cả hai được không... "

Lời ông thốt ra trong bóng tối. Bà biết ông đang mỉm cười.

Bà trả lời: "Được quá đi chứ", khi họ bước vào vùng ánh sáng từ hiên chiếu xuống bãi cỏ và sân rải đá. Bà nghe thấy trong tiếng nói của chính mình có có một cái gì đó làm bà bồn chồn. đó là âm hưởng của tiếng cười dòn tan trong các quán cà phê ở Napoli thuở nào.

Tìm cho ra hai chiếc tách nguyên lành không phải dễ. Và bà biết rằng cuộc đời của Robert Kincaid gắn liền với ly tách sứt mẻ, nứt rạn, nên bà muốn dịp này phải uống cho đàng hoàng. Bà có hai cái ly để uống rượu brandy, để trên chót tủ, chưa hề dùng đến bao giờ. Bà nhón gót với lấy và thấy đôi dép ướt đẫm dưới chân mình, ống quần jean xiết chặt lấy đùi.

Ông ngồi lại nơi chiếc ghế ngồi nãy giờ và lặng lẽ ngắm bà. Phong cách của tổ tông. Phong cách của tổ tông cũng hiện hình nơi ông. Ông thầm hỏi mình sẽ cảm thấy thế nào khi chạm vào tóc bà, khi vuốt ve cái lưng thon thả của bà, khi thân thể bà nằm duỗi cạnh ông.

Phong cách tổ tông trỗi dậy chống lại tất cả những gì con người được dạy bảo, những điều in sâu vào trí óc qua nhiều thế kỷ văn hoá, nhiều quy luật chặt chẽ dành cho con người văn minh. Ông cố gắng cưỡng lại bừgn cách nghĩ đến điều khác, về các tấm ảnh, về chuyến đi, về chiếc cầu có mái che. Nghĩ đến tất cả ngoại trừ người đàn bà mà ông đang ngắm nhìn. Nhưng không gạt bỏ được, và lại tự hỏi thầm mình sẽ cảm thấy gì khi chạm vào làn da bà, khi áp bụng bà vào bụng mình. Những câu hỏi của muôn đời. Bản năng quỷ quái của tổ tông đàn tìm cách trỗi dậy, đang vùng dậy.

Ông cố đẩy ra xa, gạt bỏ, châm một điếu Camel và thở mạnh.

Bà cảm thấy đôi mắt ông luôn dán vào bà tuy rằng ông nhìn một cách kín đáo, không lộ liễu. Bà cũng biết ông hiểu rằng trước đây bà chưa hề rót chai brandy ra ly. Và bà thấy nơi ông, ngoài cái chất buồn rất ái Nhĩ Lan, còn có một thoáng xúc cảm, không phải thương hại. Loại tình cảm đó không thích hợp với ông. Có lẽ u hoài thì đúng hơn. Bà gần như nghe thấy những từ ông sắp lại thành lời:

Chai rượu đầy,

nhưng ly rỗng,

Nàng với tay lấy những chiếc ly rỗng không.

Đâu đó nơi phía Bắc dòng sông Middle ỏ Iowa

Tôi lặng ngắm nàng bằng cặp mắt

của những người đã từng thấy vùng Amazone của những Jivaros

Và con đường tơ lụa

Bụi của đoàn lữ hành quấn lấy chân tôi

Chạm vào không gian trinh nguyên

nơi bầu trời châu á

Khi lột nhãn ghi dấu Iowa trên nút chai rượu brandy, Francesca nhìn ngón tay mình và ước chi ngón tay mình dài, thon và được chăm sóc tử tế hơn. Cuộc sống nông trại đâu có cho phép bà để móng tay dài. Và thật ra, điều này trước đến tối nay, không có gì quan trọng đối với bà.

Rượu Brandy, hai chiếc ly đặt trên bàn. Trong khi bà pha cà phê, ông mở nút chai và rót một lượng chính xác vào ly. Ông thường có thói quen uống brandy sau bữa ăn tối.

Francesca tự hỏi người đàn ông xa lạ này đã từng sống ở bao nhiêu bếp, bao nhiêu quán ăn, bao nhiêu phòng ăn dưới ánh sáng mờ. Bao nhiêu ngón tay phụ nữ thon dài cầm ly đưa lên trước mặt ông, bao nhiêu cặp mắt xanh biếc hoặc đen láy như hột hồ đào ông đã nhìn từ các buổi dạ tiệc ở các xứ lạ, khi những chiếc tàu đánh cá lắc lư theo sóng biển, khi sóng đập vào bờ đá mốc thiu nơi hải cảng già nua...

ánh sáng ngọn đèn trần quá chói không thích hợp để uống cà phê và brandy. Francesca Johnson, vợ của Richard Johnson, người vừa đi dạo một vòng trên cỏ ướt lúc chạng vạng, người lần giở lại giấc mộng của một thời con gái, vẫn để nguyên ánh đèn. Thắp một cây nến thì lý tưởng đấy, nhưng bà sợ là thế thì đi quá xa, có thể làm ông hiểu lầm. Bà đành bật ngọn đèn trên bệ bếp rồi tắt ngọn đèn trần. Tuy chưa thật hoàn hảo, nhưng thế này cũng đã hơn nhiều.

Ông đưa ly rượu lên trước mặt Francesca, hơi chạm nhẹ vào ly bà: ”Chúc cho những buổi chiều xưa, cho những tiếng nhạc xa vời“, bà chỉ mỉm cười.

Cả hai lặng lẽ hút thuốc, không nói một lời, lặng lẽ nhấp cà phê, nhấp rượu brandy. Tiếng một con chim từ ngoài đồng. Jack, chú chó xù, sủa lên hai lần. Đàn muỗi lùa vào từ cửa sổ và một con bướm đêm đơn độc bằng bản năng chính xác, cũng bay vào dự cuộc chơi dưới làn ánh sáng của ngọn đèn bếp.

Trời vẫn nóng, không một làn gió nhẹ, hơi ẩm ướt nữa. Robert Kincaid nhẹ toát mồ hôi, ông đã mở hết cúc trên áo sơ mi. Ông không quan sát Francesca, nhưng bà vẫn cảm thấy đang ở trong tầm nhìn của ông, kể cả khi ông ngó ra cửa sổ. Bà nhìn thấy ngực ông qua làn áo sơ mi, bà thấy cả những giọt mồ hôi loang lổ trên làn da ông.

Francesca đắm mình trong một cảm giác dễ chịu, những cảm giác của thi ca và âm nhạc. Dẫu vậy, cũng đã đến giờ ông ta phải về rồi, bà tự nhủ. Chín giờ năm hai phút, chiếc đồng hồ treo phía trên tủ lạnh đã nhắc nhở. Faron Young đang hát trong radio. Một bài hát cũ đã nhiều năm, bài ”Di tích của Thánh Cécile“. Đó là người nữ tu thuẫn giáo ở thế kỷ thứ ba, Francesca thầm nhớ. Bà thánh bảo trợ của âm nhạc và kẻ mù loà.

Ly của ông đã cạn. Lúc ông quay nhìn ra cửa sổ, Francesca cầm cổ chai brandy định rót thêm cho ông. Ông lắc đầu ra dấu thôi. ”Chiếc cầu Roseman đang đợi tôi sáng sớm mai. Tôi phải về thôi“.

Bà cảm thấy nhẹ nhõm. Cùng một lúc thất vọng. Bà vẫy vùng trong một mớ tình cảm mâu thuẫn. ừ thì về, nếu ông muốn. Uống thêm ly brandy nữa đi. Hãy ở lại. Mặc cho bà đang bối rối, Faron Young vẫn cứ tiếp tục hát. Con bướm đêm lạc loài cũng không còn đậu nơi chạn rửa bát. Bà không biết chắc Robert Kincaid đang nghĩ gì nữa.

Ông đứng dậy, khoác ba lô lên vai trái, chiếc ba lô thứ hai thì đặt lên trên thùng đá. Bà đi vòng qua bàn. Ông bắt tay bà, bà xiết chặt. ”Cám ơn bà về buổi tối, về bữa ăn, về cuộc đi dạo. Tất cả đều hoàn hảo. Bà là một người tuyệt vời, Francesca. Nên cất chai brandy vào tủ đi. Có lẽ chừng đó là cũng đủ say rồi đó“.

Vậy là, ông ta hiểu. Nhưng bà không thấy tổn thương vì lời nói đó. Ông nói một cách thơ mộng, đầy thiện chí. Vẻ dịu dàng trong giọng nói, cách ông cất lời chứng tỏ điều đó. Điều mà bà không hề biết, chính là ông đang muốn gào lên với bốn bức tường của nhà bếp: ”Trời đất ơi, Richard Johnson, mày ngốc đến thế à... “.

Bà theo ra đứng cạnh ông khi ông thu xếp đồ đạc lên xe. Chú chó xù băng qua sân, chạy đến ngửi ngửi. ”Jack, lại đây“. Bà gọi nhỏ, nhưng giọng cương quyết khiến Jack chạy ngay lại nằm xuống dưới chân, lưỡi thè dài.

”Tạm biệt. Giữ gìn sức khoẻ“. Ông nói, dừng lại một lúc trước chiếc xe, nhìn thẳng vào mắt bà. Rồi ông leo lên xe và đóng cửa. Ông mở khoá cái động cơ già cỗi, đè cần số và nổ máy một cách khó khăn. Ông chồm ra cửa xe cười: ”Xem ra chiếc xe này cần phải tân trang lại mới được“.

Ông chuyển cần số, cho xe lùi vài mét rồi tăng ga chạy qua sân nhà đầy ánh sáng để đi vào bóng tối của ngõ hẹp. Đúng lúc xe ông sắp khuất vào bóng tối, ông đưa bàn tay trái ra khỏi cửa vẫy chào Francesca. Bà vẫy lại, dầu biết chắc là ông không thể thấy bà.

Khi chiếc xe tải bắt đầu đổ xuống lối dốc, bà chạy vụt theo xe một khoảng, rồi, đừng lại trong bóng tối, nhìn theo ánh đèn sau cửa xe nhấp nhô lên xuống trên con đường gồ ghề. Robert Kincaid rẽ trái vào lộ chính hướng về Vinterset, trong khi một ánh chớp đỏ léo lên xé rách bầu trời mùa hạ và chú chó xồm Jack nằm ngủ lại dưới hiên nhà.

Sau khi ông ra về, Francesca vào đứng trước tấm gương nơi phòng giấy, trần truồng. Hông bà hơi lớn một tý vì sinh nở, nhưng ngực bà vẫn luôn luôn đẹp và săn, không lớn lắm mà cũng không quá nhỏ. Bụng bà đầy đặn. Bà không thể thấy cặp chân mình trong gương nhưng bà biết chân mình còn được lắm. Đúng ra phải xoa bóp chân thường xuyên, nhưng xưa nay đâu có lý do gì để lo việc đó. Richard ít khi lưu tâm đến vấn đề tính dục, đôi ba tháng ông mới gần bà một lần. Ông làm tình một cách vội vã, sơ sài, cho xong bổn phận. Ông cũng chẳng hề quan tâm đến mùi hương, đến chân cẳng bà hay những gì đại loại như vậy.

Đối với ông, bà như chỉ là một người cộng sự trong công việc đồng áng. Một phần nơi con người bà cũng chấp nhận điều ấy. Nhưng tận cùng, còn có một con người khác, một con người muốn tắm, muốn xức nước hoa... một con người muốn được yêu, muốn được bồng bế, muốn được xiết chặt bởi một sức mạnh mà bà cảm thấy, dẫu bà không hề nói ra, cả vào những lúc thích hợp nhất.

Francesca mặc quần áo vào và ngồi xuống bàn, lấy bút viết lên một tờ giấy trắng nhỏ. Jack theo bà ra chiếc xe Ford, nhả lên phía sau khi bà mở cửa xe. Nó leo ra hàng ghế trước, chuối đầu ra ngoài cửa xe khi bà de xe ra khỏi nhà xe, vừa lái vừa ngoái đầu lui. Rồi, đăm đăm nhìn qua kính chắn gió, bà cho xe xuống ngõ và rẽ phải về đường lớn. Cây cầu Roseman chìm trong bóng tối. Jack chạy sục sạo đánh hơi trong khi bà lấy ra cây đèn bấm. Bà móc tờ giấy nhắn lên phía trái lối vào cầu rồi lên xe trở về

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.