Những Đứa Con Của Nửa Đêm

Chương 23: Saleem đạt đến sự thuần khiết ra sao



Cái đang chờ được kể: sự tái xuất của tiếng tích tắc. Nhưng giờ thời gian đang đếm ngược đến một cái kết, không phải một sự ra đời, và cũng cần nhắc tới một nỗi uể oải, một cơn mệt mỏi rộng khắp sâu sắc đến độ cái kết, khi nó đến, sẽ là lối thoát duy nhất. Bởi vì con người, cũng như các quốc gia và nhân vật hư cấu, hoàn toàn có thể mất hết động lực, và khi đó chẳng còn gì hơn ngoài việc kết thúc với chúng.

Vầng trăng rụng mất một mảnh còn Saleem đã đạt đến sự thuần khiết ra sao… đồng hồ đang tích tắc, và bởi vì mọi cuộc đếm ngược đều cần số không… Cho phép tôi thông báo: hồi kết đến vào ngày 22 tháng Chín năm 1965, và thời khắc chính xác khi kim-chạy-về-không là, lẽ tất yếu, đúng nửa đêm. Mặc dù chiếc đồng hồ tháp cũ ở nhà bác Alia tôi (vốn chỉ đúng giờ nhưng luôn reo chuông chậm hai phút) không hề có cơ hội đổ chuông.

Bà ngoại tôi Naseem Aziz tới Pakistan vào giữa năm 1964, bỏ lại sau lưng một Ấn Độ nơi cái chết của Nehru đã châm ngòi một cuộc chiến giành quyền lực gay gắt. Moraji Desai, Bộ trưởng Tài chính, và Jagjivan Ram, nhân vật thế lực nhất giới tiện dân, đã đoàn kết nhằm quyết tâm ngăn chặn sự thành lập một vương triều của nhà Nehru[1]; bởi thế Indira Gandhi đã bị khước từ quyền lãnh đạo.

Tân Thủ tướng là Lal Bahdur Shastri, một thành viên khác của thế hệ các chính khách có vẻ như đã được ngâm dung dịch bất tử. Tuy nhiên, trong trường hợp của Shastri, đó chỉ là maya, ảo tưởng. Nehru và Shastri đều đã chứng minh đầy đủ tính tất tử của mình; song vẫn còn đó những kẻ khác, siết chặt Thời gian trong những ngón tay xác ướp và từ chối để nó vận động… tuy nhiên, ở Pakistan, đồng hồ vẫn tiếp tục tích tắc.

[1] Indira Gradhi là con gái duy nhất của Nehru, do đó việc Indira có cơ hội lên nắm quyền Thủ tướng được Rushdie ám chỉ là hình thành một vương triều của nhà Nehru.

Ngoài mặt, Mẹ Bề trên không tán thành sự nghiệp của em tôi, nó có hơi hướng ngôi sao màn bạc quá rõ.

“Gia đình ta, cái-gì-không-biết,” Bà thở dài với Pia mumani, “còn khó kiểm soát hơn cả giá xăng.”

Tuy nhiên, có thể bà lại ngấm ngầm ấn tượng, vì bà vốn kính nể quyển lực và địa vị và Jamila bây giờ đã được coi trọng đến mức được chào đón tại những nhà quyền thế và danh vọng nhất xứ này… bà tôi định cư tại Rawalpindi, tuy nhiên, với một biểu hiện lạ lùng của tinh thần độc lập, bà quyết định không sống ở dinh cơ của Đại tướng Zulfikar. Bà và mợ Pia dọn đến một ngôi bungalow khiêm nhường ở khu phố cũ của Karachi; và chung tiền tiết kiệm lại mua thương quyền của cây xăng hằng-mơ-ước.

Naseem không bao giờ nhắc tới Aadam Aziz, cũng không thấy bà thương nhớ ông, như thể bà thấy nhẹ nhõm khi người ông cắm cảu của tôi, người thời trẻ từng khinh miệt phong trào Pakistan và nhiều khả năng là đổ tội cho Liên đoàn Hồi giáo vì cái chết của Mian Abdullah bạn ông, bằng cách chết đi đã cho phép bà một mình đi đến Xứ sở của những kẻ Thuần khiết. Quay lưng lại với quá khứ, Mẹ Bề trên tập trung vào xăng và dầu. Cây xăng có vị trí đắc địa, ở gần đường cao tốc Rawalpindi-Lahore – nó làm ăn rất khá.

Pia và Naseem thay phiên ngồi trọn ngày trong buồng kính dành cho quản lý trong khi nhân viên đổ xăng cho ô tô và xe tải Quân đội. Họ chứng tỏ là một cặp đôi hoàn hảo. Pia thu hút khách hàng bằng ngọn hải đăng nhất mực từ chối phai mờ của nhan sắc; trong lúc Mẹ Bề trên, bị niềm đau góa bụa biến thành một người đàn bà quan tâm đến đời người khác hơn chính đời mình, bắt đầu mời khách hàng vào buồng kính làm mấy chén hồng trà Kashmir; ban đầu họ nhận lời với đôi chút e dè, nhưng khi nhận ra bà cụ không định làm khổ họ bằng trò kể lể chuyện xưa bất tận, họ thư giãn, lỏng cổ áo và lưỡi, và Mẹ Bề trên có thể đắm mình trong sự vô danh đầy ơn phước của những cuộc đời người khác.

Trạm xăng nhanh chóng nổi tiếng khắp vùng, đám tài xế bắt đầu đi chệch tuyến đường để tạt vào đây - thường là hai ngày liên tiếp, để vừa mãn nhãn với người mợ thần thánh vừa được dốc bầu tâm sự với người bà muôn đời kiên nhẫn của tôi, người đã hình thành đặc tính thấm hút như một miếng bọt biển, và luôn đợi đến khi khách đã hoàn toàn kết thúc mới vắt khỏi môi dăm giọt lời khuyên đơn giản, chắc nịch – trong khi ô tô của họ được nhân viên đổ xăng và đánh bóng, bà tôi sẽ nạp lại và đánh bóng đời họ. Bà tọa trong buồng xưng tội bằng kính của mình và giải quyết những ưu phiền của thế gian; gia đình bà, dù vậy, dường như đã mất sự quan trọng trong mắt bà.

Rậm ria, mẫu quyền, kiêu hãnh: Naseem Aziz đã tìm ra cách riêng để đối diện với thảm kịch, nhưng trong quá trình tìm ra nó bà đã biến thành nạn nhân đầu tiên của cái tinh thần uể oải lạnh nhạt đã biến kết thúc thành lối thoát khả thi duy nhất. (Tích, tắc.)… Tuy nhiên, bề ngoài, bà không thể hiện một chút ý định nào là sẽ theo chồng vào khu vườn long não[2] dành cho người ngay thẳng. Có vẻ bà có nhiều điểm chung hơn với các nhà lãnh đạo Bành tổ của Ấn Độ bị bà từ bỏ. Bà ngày càng to ra, với một tốc độ báo động, đến nỗi bà phải gọi thợ đến nới rộng buồng kính.

“Làm to thật to vào,” Bà chỉ đạo, với một tia hài hước hiếm hoi, “Biết đâu trăm năm nữa ta vẫn ở đây, cái-gì-không-biết, và có Chúa mới biết lúc ấy ta to bằng ngần nào. Ta không muốn cứ mươi mười hai năm lại phải phiền đến các anh.”

[2] Theo Kinh Quran: người lương thiện sẽ được uống trong chiếc cốc ướp trong Suối Long não, nơi những kẻ phụng sự Chúa thanh tẩy bản thân.

Pia Aziz, tuy vậy, không bằng lòng với cuộc đời “xăng dầu xe cộ.” Mợ bắt đầu một chuỗi dan díu với các đại tá vận động viên cricket cầu thủ polo nhà ngoại giao, điều rất dễ giấu diếm một Mẹ Bề trên đã không còn quan tâm đến việc làm của mọi người trừ khách lạ. Nhưng mặt khác lại là đề tài đàm tiếu của cả một thành phố mà nói cho cùng khá nhỏ.

Dì Emerald quở trách Pia, mợ đáp: “Cô muốn tôi suốt đời rền rĩ và bứt tóc? Tôi hãy còn trẻ, người trẻ thì có quyền vui tìm một chút.”

Emerald mím môi: “Nhưng phải đứng đắn một tí… còn danh giá gia đình…”

Pia hất đầu: “Đứng đắn phần cô, em gái,” mợ nói, “còn tôi, tôi sẽ sống.”

Nhưng tôi thấy như có gì đó trống rỗng trong sự lập ngôn của Pia, rằng cả mợ cũng cảm thấy cá tính của mình rút kiệt dần theo năm tháng, rằng những cuộc yêu đương cuồng nhiệt là nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của mợ để hành xử “xứng tầm” – theo cách một phụ nữ như mợ phải làm. Lòng mợ không ở đây, đâu đó bên trong mình, mợ cũng đang chờ đợi một kết thúc… Gia đình tôi luôn dễ tổn thương trước những thứ từ trên trời rơi xuống, kể từ khi Ahmed Sinai ăn cái tát của bàn tay kền-kền-đánh-rơi, và sét đánh giữa trời là chuyện chỉ còn một năm nữa.

Sau tin ông tôi mất và việc Mẹ Bề trên đến Pakistan, tôi bắt đầu liên tục mơ về Kashmir, mặc dù tôi chưa từng đặt chân tới Shalimar-bagh. Tôi làm điều đó về đêm, tôi bồng bềnh trên shikara và leo lên đồi Sankara Acharya như ông tôi từng làm. Tôi thấy củ sen và dãy núi như hàm răng gầm ghè. Điều này cũng có thể xem như biểu hiện của sự cô lập đã tác động tới tất cả chúng tôi (trừ Jamila, người đã có Chúa và đất nước giúp em tiếp bước) - một nhắc nhở về sự tách biệt của gia đình tôi với Ấn Độ lẫn Pakistan.

Tại Rawalpindi, bà tôi uống hồng trà Kashmir, ở Karachi, cháu bà tắm trong một dòng nước hồ gã chưa hề thấy. Chẳng bao lâu nữa giấc mơ Kashmir sẽ ngấm vào đầu óc toàn bộ người dân Pakistan, mối-liên-hệ-với-lịch-sử từ chối bỏ rơi tôi, và tôi thấy giấc mơ của mình. Vào năm 1965, biến thành tài sản chung của cả dân tộc, thành một nhân tố đặc biệt quan trọng của cái kết sắp đến, khi đủ mọi thứ trên trời rơi xuống, và tôi cuối cùng đã được thanh tẩy.

Saleem không thể chìm xuống sâu hơn: tôi có thể ngửi thấy, trên người tôi, xú khí bể-phốt của sự bất chính. Tôi đã tới Xứ sở của những kẻ Thuần khiết, và lại tìm vui với gái điếm – khi đáng lẽ phải khởi đầu một cuộc sống mới, ngay thẳng, thì tôi lại, thay vào đó, cho ra đời một tình yêu không thể nói tới (và không được đáp lại). Bị ám ảnh bởi những dấu hiệu đầu tiên của tư tưởng định mệnh rồi đây sẽ chế ngự tôi. Tôi cưỡi con Lambretta chạy khắp thành phố, Jamila và tôi tránh mặt nhau càng nhiều càng tốt, không thể, lần đầu tiên trong đời, nói với người kia lấy một lời.

Thuần khiết – cái lý tưởng cao cả nhất! – cái phẩm chất thiên thần được lấy làm tên cho Pakistan, và rỏ xuống từ từng nốt nhạc trong những bài hát của em tôi! – có vẻ đã ở rất xa; làm sao tôi biết rằng lịch sử - vốn có thẩm quyền tha thứ cho những kẻ phạm tội - ở thời điểm ấy lại đang đếm ngược đến giây phút nó sẽ, chỉ bằng một chiêu, gột rửa tôi từ đầu đến chân?

Cùng lúc đó, những thế lực khác đều đang phát huy ảnh hưởng, Alia Aziz bắt đầu trút xuống đòn báo thù khủng khiếp của bà cô ế chồng.

Những ngày ở Guru Mandir: mùi trầu, mùi đồ ăn, mùi ngột ngạt từ bóng râm của ngọn tháp, ngón tay dài, đang chỉ của giáo đường. Trong khi niềm căm hận của bác Alia đối với người đàn ông đã bỏ rơi mình và cô em gái đã lấy hắn ta hóa thành một thứ hữu chất, hữu hình. Nó lù lù trên tấm thảm ở phòng khách của bà như một con tắc kè vĩ đại, bốc mùi nôn mửa, nhưng xem ra tôi là người duy nhất ngửi thấy. Vì kỹ năng che giấu cảm xúc của Alia đã phát triển nhanh không kém gì bộ râu trên cằm bà cũng như sự thuần thục của bà trong việc sử dụng thạch cao để, mỗi tối, vặt trụi hàm râu của mình đến tận chân.

Đóng góp của bác Alia tôi vào vận mệnh các quốc gia – thông qua trường tiểu học và trung học của bà – không thể bị coi nhẹ. Cho phép nỗi bi phẫn gái già ngấm vào giáo trình, gạch ngói và cả học trò tại cơ sở giáo dục song sinh của mình, bà đã nuôi dạy nên một bộ lạc những trẻ con và thiếu niên luôn cảm thấy mình bị ám ảnh bởi một lòng thù hận xa xưa, mà không rõ tại sao.

Ôi sự cằn cỗi hiện diện muôn nơi của các trinh nữ già! Nó biến lớp sơn tường nhà bà thành chua chát, bàn ghế nhà bà lồi lên vì bị nhồi nhét quá nhiều cay đắng, nỗi ức chế gái già được khâu vào các nếp rèm. Như rất lâu trước đây từng được khâu vào những món đồ con nít của nỗi cay đắng, thoát ra từ vết nứt của thế gian.

Niềm vui của bác Alia: nấu ăn. Thứ bà đã, qua bao năm tháng thống hận trong cô độc, nâng lên tầm nghệ thuật: kỹ năng tiêm nhiễm cảm xúc vào thức ăn. Đối thủ trên cơ bà về thành tựu trong lĩnh vực này: ayah cũ của tôi, Mary Pereira. Kẻ, ngày nay, đã vượt mặt cả hai đầu bếp kỳ cựu ấy: Saleem Sinai, thợ-cả-ngâm-rau-quả của nhà máy rau quả dầm Braganza… dù gì đi nữa, trong thời gian chúng tôi sống tại tư gia của bà ở Guru Mandir, bà cho chúng tôi ăn biriani bất hòa và nargisi kofta xích mích; và dần dà từng chút một, đến cả sự hòa hợp của tình yêu tuổi xế chiều ở cha mẹ tôi cũng bắt đầu lạc nhịp.

Nhưng cũng phải kể đến những ưu điểm của bác tôi. Về chính trị, bà phản đối gay gắt thứ nhà-nước-quân-đội-bảo-sao-làm-vậy. Giá thử bà không có một viên Đại tướng làm em rể, hai ngôi trường tiểu học và trung học chắc đã bị tước khỏi tay bà từ lâu. Tôi xin phép không mô tả bà hoàn toàn qua lăng kính tăm tối của tâm trạng chán nản của cá nhân tôi: bà từng lưu giảng tại Liên Xô và Mỹ. Đồng thời, đồ ăn bà nấu rất ngon. (Bất chấp thành phần bí mật của chúng.)

Nhưng không khí và đồ ăn trong ngôi nhà dưới bóng thánh đường ấy bắt đầu gây hậu quả… Saleem, dưới sự xáo trộn kép của mối tình khốn khổ và thức ăn của Alia, bắt đầu mặt đỏ như gấc mỗi khi hình ảnh em gái hiện lên trong tâm trí; trong khi Jamila, bị thôi thúc một cách vô thức bởi nỗi mong mỏi không khí trong lành và thức ăn không nêm những cảm xúc đen tối, ngày càng ít ở nhà, mà thay vào đó lưu diễn ngược xuôi khắp đất nước (nhưng không bao giờ đến Cánh Đông).

Vào những dịp ngày một hiếm hoi khi hai anh em thấy mình ở cùng một phòng, cả hai sẽ nhảy dựng lên, hoảng hốt, cách đất một tấc, rồi đáp xuống, nhìn chằm chặp vào chỗ vừa nhảy khỏi, như thể chỗ đấy đột nhiên nóng giãy như lò bánh mì. Những lần khác, cả hai tự cho phép mình có những hành xử mà ý nghĩa của chúng chắc đã rõ như ban ngày, nếu không phải tâm trí mỗi người trong nhà còn vướng bận những việc khác: chẳng hạn, Jamila bắt đầu đeo tấm mạng đi đường vàng-trắng cả ở nhà cho đến khi biết chắc anh mình đã ra ngoài, cho dù em thấy váng đầu vì nóng. Trong khi Saleem – người vẫn tiếp tục, với tác phong nô lệ, đi lấy bánh mì men nở từ nữ tu viện dòng Santa Ignacia – tránh đưa bánh tận tay em. Thỉnh thoảng gã nhờ bà bác độc địa làm trung gian.

Alia nhìn gã với vẻ hài hước rồi hỏi: “Sao thế, cậu bé – không mắc bệnh truyền nhiễm chứ hả?” Saleem mặt đỏ tưng bừng, sợ rằng bà đã đoán ra chuyện gã qua lại với gái ăn sương, và có thể thế thật, nhưng bà đang rình con cá to hơn.

Gã bắt đầu có thiên hướng chìm trong những cơn lặng lẽ dài, trầm tư, rồi tự mình phá vỡ nó khi đột nhiên bật ra một từ vô nghĩa: “Không!” hay “Nhưng!”, hay thậm chí những tiếng cảm thán bí hiểm hơn, như “Bang!” và “Whaam!”. Những lời vô nghĩa giữa những cơn im lặng mờ mịt: như thể Saleem đang thực hiện một cuộc đối thoại nội tâm căng thẳng tột độ đến mức từng mẩu vụn, hoặc là nỗi đau của nó, chốc chốc lại sủi lên bề mặt của môi gã. Sự bất ổn nội tâm này đích thực đã bị món cà ri bất an mà chúng tôi buộc phải ăn làm trầm trọng hơn.

Và sau cùng, khi Amina bị đẩy vào tình trạng nói chuyện với những chiếc tủ giặt vô hình còn Ahmed, trong cảnh khốn khổ sau cú đột quỵ, chẳng còn làm được gì nhiều ngoài nhểu dãi và cười ngây ngô, còn tôi thì lặng lẽ đăm chiêu trong tình trạng thu mình khép kín. Bác Alia chắc rất hả hê với kết quả của đòn báo thù dành cho nhà Sinai, trừ phi, bản thân bà cũng bị rút kiệt bởi khát vọng bà ấp ủ bấy lâu nay đã hoàn thành.

Trong trường hợp này, chính bà cũng cạn kiệt hy vọng vào tương lai, và trong tiếng bước chân bà xuất hiện những bội âm trống rỗng khi bà rình mò đi lại trong cái bệnh viện tâm thần là nhà bà, với cái cằm phủ kín thạch cao để nhổ râu. Trong khi cháu gái bà nhảy dựng lên khỏi những mảng sàn đột nhiên nóng giãy và cháu trai bà vô cớ rú lên, “Yaa!” và người một thời theo đuổi bà chảy dãi xuống cằm và Amina chào hỏi những hồn ma phục sinh từ quá khứ: “Lại là ngươi đấy hả; ừ, sao lại không? Xem ra chả có gì chịu biến đi cả.”

Tích, tắc… Vào tháng Một năm 1965, mẹ tôi Amina Sinai phát hiện ra mình có thai lần nữa, sau mười bảy năm. Khi đã chắc chắn, bà đem tin vui này kể cho bà chị Alia, qua đó cho bác tôi cơ hội hoàn thiện đòn báo thù của mình. Không ai biết Alia đã nói gì với mẹ tôi, thứ bà khuấy vào món ăn đến nay vẫn còn là suy đoán, nhưng tác động đối với Amina thì rất mãnh liệt.

Bà bị dằn vặt bởi ác mộng về một đứa trẻ quái thai có não là củ súp lơ, bà bị bóng ma của Ramram Seth hành hạ, và lời tiên tri cũ về đứa trẻ hai đầu lại làm bà hóa điên một lần nữa. Lúc này mẹ tôi bốn mươi hai tuổi, và nỗi sợ (cả tự nhiên lẫn do Alia khơi dậy) mang thai vào tuổi này đã bào mòn cái hào quang rực rỡ quanh mẹ tôi từ khi bà săn sóc cha tôi hồi sinh trong một tình yêu tuổi xế chiều. Dưới sự tác động từ món korma báo thù của bác tôi – với những dự cảm không lành và bạch đậu khấu làm gia vị - mẹ tôi đâm ra sợ hãi đứa con của bà.

Mỗi tháng qua đi, cái tuổi bốn mươi hai của bà bắt đầu gây hậu quả ghê gớm, sức nặng của bốn thập niên tăng lên từng ngày, đè bẹp mẹ tôi dưới tuổi tác của bà. Vào tháng thứ hai, tóc bà bạc trắng. Sang tháng thứ ba, mặt bà rúm lại như một quả xoài héo nẫu. Đến tháng thứ tư, bà đã thành một bà lão, da dày và nhăn, và một lần nữa bị mụn cóc hành hạ, và gặp một hiện tượng bất khả kháng là mọc râu khắp mặt. Bà dường như một lần nữa bị phủ một màn sương hổ thẹn, như thể đứa bé là tai tiếng với một phụ nữ hiển nhiên là đã cao tuổi như bà.

Khi đứa bé của những ngày tháng hoang mang ấy lớn dần trong bà, sự tương phản giữa sức trẻ của nó và tuổi già của bà ngày càng tăng. Chính vào thời điểm này, bà suy sụp xuống chiếc ghế mây cũ và được những bóng ma quá khứ viếng thăm. Sự tan rã của mẹ tôi choáng váng ở tính đột ngột của nó, Ahmed Sinai, chứng kiến trong bất lực, bỗng nhiên thấy mình cạn kiệt dũng khí, hoang mang, không người dẫn lối.

Tới tận bây giờ, tôi vẫn thấy khó viết về những ngày tháng khi mọi hy vọng về tương lai đều kết thúc, khi cha tôi thấy nhà máy khăn bông sụp đổ trong tay mình. Ảnh hưởng của quỷ thuật bếp núc của Alia (tác động lên cả dạ dày ông, khi ông ăn, lẫn mắt ông, khi ông nhìn vợ mình) với ông giờ đây đã rõ mồn một: ông sao nhãng việc quản lý nhà máy, và cáu kỉnh với công nhân.

Để tổng kết sự đổ vỡ của Khăn tắm hiệu Amina: Ahmed Sinai bắt đầu hành xử độc đoán với công nhân như đã một lần, tại Bombay, ông xử tệ với người giúp việc, và cố gắng khắc vào đầu công nhân, thợ dệt lành nghề lẫn thợ đóng gói, những quy tắc vĩnh cửu của quan hệ chủ-tớ. Hậu quả là đội ngũ lao động của ông đàn lũ bỏ đi, với những giải thích kiểu: “Tôi không phải thằng cọ nhà xí của ông, sahib, tôi là thợ dệt chính quy Bậc Một,” và nói chung là từ chối thể hiện lòng biết ơn đúng mức với ông vì đã rủ lòng thuê họ.

Bị bóp nghẹt trong cơn thịnh nộ làm quẫn trí của những hộp cơm trưa do bác tôi chuẩn bị, ông đuổi họ đi hết, và thuê một bọn ăn chực làm biếng chỉ rình tẩu tán bông cuộn và linh kiện máy móc, nhưng sẵn sàng khom lưng quỳ gối theo ý chủ; và tỉ lệ khăn lỗi tăng vọt đáng báo động, nhiều hợp đồng không hoàn thành, số khách hàng quay lại giảm đáng báo động. Ahmed Sinai bắt đầu đưa về nhà từng núi – Himalaya! – khăn phế phẩm, bởi vì kho của nhà máy đã đầy tràn những sản phẩm không đạt chuẩn của sự quản lý yếu kém của ông.

Ông uống rượu trở lại, và tới hè năm ấy ngôi nhà ở Guru Mandir lại ngập trong những lời lẽ tục tĩu xưa cũ của cuộc chiến giữa ông và các tửu tinh, và chúng tôi phải lách người đi qua từng ngọn Everest và Nanga Parbat của khăn bông kém phẩm chất xếp dọc cả hành lang lẫn đại sảnh.

Chúng tôi đã tự nộp mình cho nỗi oán giận âm ỉ của bà bác to béo, trừ ngoại lệ duy nhất là Jamila, người ít bị tác động hơn cả vì thường xuyến vắng mặt dài ngày, sự sụp đổ của tất cả chúng tôi đều được bà hầm như ninh kỹ. Đó là một thời kỳ rất đau đớn và hỗn loạn, khi tình yêu của cha mẹ tôi tan rã dưới sức nặng tổng hợp từ đứa con của họ và nỗi uất ức già cỗi của bác tôi. Rồi dần dà hỗn loạn và đổ vỡ ngấm qua cửa sổ tòa nhà và chiếm lĩnh từng trái tim và khối óc của dân tộc, thế nên chiến tranh, khi nó nổ ra, được bọc trong chính cái màn sương mê loạn của phi hiện thực mà cuộc sống của chúng tôi đã bắt đầu lọt vào.

Cha tôi đang đến gần cú đột quỵ với một tốc độ ổn định, nhưng trước khi quả bom phát nổ trong đầu ông, một ngòi nổ khác đã được đốt: vào tháng Tư năm 1965 chúng tôi nghe tin về những sự kiện kỳ quái ở Rann xứ Kutch.

Trong khi chúng tôi giãy giụa như ruồi mắc vào lưới nhện báo thù của bác tôi, cối xay lịch sử tiếp tục xoay vần. Uy tín của Tổng thống Ayub đã suy giảm: những điều ong tiếng ve về gian lận trong cuộc bầu cử năm 1964 rộ lên, không sao dập được. Rồi còn vấn đề của con trai Tổng thống: Gauhar Ayub, người được tập đoàn Gandhara Industries[3] bí hiểm của hắn biến thành siêu siêu giàu sau có một đêm. Ôi những chương hồi bất tận về các thế-gia-công-tử lưu manh!

Gauhar, với mọi trò bắt nạt và chửi bới của hắn, sau này, tại Ấn Độ, Sanjay Gandhi với Công ty Ô tô Maruti và Đoàn thanh niên Quốc đại của hắn; và mới đây nhất, là Kami Lal Desai… những đứa con vĩ nhân hủy đi tiếng tăm của cha mẹ. Nhưng tôi, cũng có một đứa con trai, Aadam Sinai, bay đến đối diện với tiền lệ, sẽ đảo ngược xu thế này. Con có thể hơn cha, mà cũng có thể kém… tuy nhiên, vào tháng Tư năm 1965, không khí đang xôn xao về sự lầm lỗi của những đứa con.

Và con ai đã trèo tường vào Dinh Tổng thống vào ngày 1 tháng Tư – người cha vô danh nào đẻ ra tên thối tha đã chạy đến gần Tổng thống và nã súng vào bụng ngài? Một số người cha có hồng ân được vô danh trước lịch sử; dù sao chăng nữa, kẻ ám sát đã thất bại, do súng của gã đã bị hóc một cách kỳ diệu. Con trai ai đó bị cảnh sát giải đi và nhổ từng chiếc răng, châm lửa đốt từng móng tay; thuốc lá cháy dở không nghi ngờ gì đã được gí vào đỉnh dương v*t gã, vì thế chắc gã sát thủ hụt, vô danh ấy cũng chẳng được an ủi bao nhiêu nếu biết rằng gã chẳng qua đã bị cuốn theo một ngọn thủy triều lịch sử trong đó những đứa con trai (sang cũng như hèn) thường xuyên bị đánh giá là hành xử đặc biệt xấu xa. (Không, tôi không định loại trừ bản thân.)

[4] Tập đoàn công nghiệp của Pakistan, do tướng Khan Khattak, bố vợ của Gauhar Ayub thành lập năm 1963.

Cuộc ly dị của tin tức và hiện thực: báo chí trích dẫn các nhà kinh tế nước ngoài – PAKISTAN LÀ HÌNH MẪU CHO CÁC NƯỚC MỚI NỔI – trong khi nông dân (không được lên báo) nguyền rủa cái gọi là “cách mạng xanh”, tố rằng hầu hết các giếng khoan mới đào không dùng được, nhiễm độc, và đằng nào cũng sai vị trí; trong khi các bài xã luận ca tụng sự chính trực của người lãnh đạo đất nước, thì tin đồn, dày đặc như ruồi, đề cập tới các tài khoản ở ngân hàng Thụy Sĩ và xe ô tô mới của con trai Tổng thống. Tờ Bình Minh của Karachi nói đến một bình minh khác – QUAN HỆ TỐT ĐẸP ẤN-PAK CHẲNG CÒN BAO XA? – nhưng ở Rann xứ Kutch, lại một đứa con trai kém cỏi nữa sắp phát hiện một câu chuyện khác.

Ở thành thị: ảo ảnh và dối trá; ở phía Bắc, trên vùng núi cao: quân Trung Quốc đang làm đường và lên kế hoạch nổ bom hạt nhân; nhưng đã đến lúc chuyển từ cái tổng thể sang cái cụ thể; hay, chính xác hơn, là sang con trai ngài Đại tướng, em họ tôi, chàng Zafar Zulfikar đái dầm. Người đã trở thành, từ tháng Tư đến tháng Bảy, hình mẫu cho tất cả mọi đứa con trai gây thất vọng của xứ sở này; lịch sử, vận động thông qua gã, cũng đang giơ ngón tay chỉ vào Gauhar, vào Sanjay-của-tương-lai lẫn Kanti-Lal-sắp-tới; và, lẽ tự nhiên, vào tôi.

Nào – cậu em Zafar. Người có nhiều điểm tương đồng với tôi ở thời điểm ấy… trái tim tôi chất chứa một tình yêu cấm kỵ; quần gã, mặc cho mọi nỗ lực của gã, vẫn liên tục chứa đầy một thứ khác hữu hình hơn, nhưng cũng cấm kỵ không kém. Tôi tưởng đến những cặp tình nhân huyền thoại, cả hạnh phúc và oan trái – Shah Jehan và Mumtaz Mahal, và cả Montague-và-Capulet; gã mơ tới vị hôn thê người Kif, mà chuyện không chịu dậy thì kể cả sau sinh nhật thứ mười sáu chắc hẳn đã làm cô trở nên giống như, trong mắt gã, ảo tưởng về một tương lai không thể đạt đến… tháng Tư năm 1965, Zafar được điều đi tập trận tại khu vực do Pakistan kiểm soát ở Rann xứ Kutch.

Sự tàn nhẫn của những kẻ tự chủ tiểu tiện với người yếu bàng quang: Zafar, mặc dù mang hàm Trung úy, trở thành trò cười của cả căn cứ quân sự Abbottabad. Chuyện kể rằng gã bị bắt đeo một thứ quần lót cao su như quả bóng quanh cơ quan sinh dục, để bộ quân phục quang vinh của Quân đội Pakistan không bị ô uế; lũ lính trơn, khi gã đi qua, làm bộ phồng má ra thổi, như thể đang bơm căng quả bóng lên. (Tất cả những việc này về sau bị công khai, trong bản tường trình gã viết, giữa đầm đìa nước mắt, sau khi bị bắt vì tội giết người.)

Có khả năng việc Zafar được điều tới Rann xứ Kutch do một sĩ quan cấp trên cao mưu bày ra, chỉ nhằm giải thoát cho gã khỏi tuyến lửa của những trò đùa ở Abbottabad… Việc không tự chủ được tiểu tiện đã đẩy Zafar Zulfikar đến một tội ác ghê tởm không kém gì tôi. Tôi yêu em gái; còn gã… nhưng hãy để tôi kể câu chuyện cho đúng trình tự.

Từ sau Chia cắt, vùng Rann đã là “lãnh thổ tranh chấp”; mặc dù, trên thực tế, chẳng bên nào có lòng dạ tranh chấp. Trên dãy đồi trải dọc vĩ tuyến 23, đường biên giới không chính thức, Chính phủ Pakistan đã thiết lập một chuỗi trạm biên phòng, mỗi trạm có vỏn vẹn sáu lính đồn trú và một đèn báo hiệu. Một số trạm, vào ngày 9 tháng Tư năm 1965, bị Ấn Độ chiếm đóng. Một toán quân Pakistan (trong đó có ông em Zafar của tôi), đang tập trận tại đây, đã bước vào một cuộc giao tranh tám mươi hai ngày để bảo vệ biên giới.

Cuộc chiến ở Rann kéo dài tới tận 1 tháng Bảy. Sự thật chỉ có bấy nhiêu; mọi thứ còn lại ẩn náu dưới bầu không khí hai lần mờ mịt của phi hiện thực và ngụy tạo, vốn tác động tới tất cả mọi vụ việc vào thời kỳ ấy, đặc biệt là mọi sự kiện ở Rann đầy rẫy ảo tượng này… vì thế câu chuyện tôi sắp kể đây (mà về cơ bản chính là những gì Zafar em họ tôi đã kể) có nhiều khả năng là sự thật không kém bất kỳ cái gì; tức là, bất kỳ cái gì trừ những cái chúng ta chính thức được nghe.

Khi toán lính trẻ Pakistan tiến vào địa hình đầm lầy của Rann, trán họ bỗng toát mồ hôi lạnh và nhớp nháp, và họ bị chất xanh thẳm như đáy biển của ánh sáng ở đây làm khiếp đảm. Họ nhớ lại những sự tích càng làm họ khiếp hãi hơn – truyền kỳ về những chuyện kinh dị xảy ra trên vùng đất lưỡng thê này, về những quái vật biển có đôi mắt sáng rực, về những nhân ngư nằm vùi phần đầu của cá dưới nước, hít thở, còn phần hạ thể hoàn mỹ và trần truồng của người thì nằm trên bờ, cám dỗ những kẻ nhẹ dạ vào một cuộc hoan lạc chết người. Vì ai cũng biết không kẻ nào có thể sống sót khi yêu người cá… bởi thế nên khi đến được trạm biên phòng và tham chiến, họ đã thành một đám những cậu trai mười bảy ô hợp, sợ sệt, và chắc chắn đã bị tiêu diệt.

Nếu như không phải quân Ấn còn nhiễm thứ chướng khí màu xanh của Rann lâu hơn họ, bởi thế trong thế giới phù thủy ấy một cuộc chiến điên rồ đã nổ ra trong đó hai bên đều cho rằng mình nhìn thấy hiện thân của ma quỷ chiến đấu bên cạnh kẻ thù. Nhưng cuối cùng, quân Ấn chịu thua, nhiều người trong số họ sụp đổ trong nước mắt và òa khóc. Ơn Chúa, kết thúc rồi! Họ kể về những thứ bầy nhầy to tướng trườn quanh các trạm gác vào ban đêm, những hồn ma chết đuối dật dờ giữa không trung với từng búi rong biển và vỏ sỏ trong lỗ rốn.

Những gì toán lính Ấn đầu hàng nói, mà em họ tôi nghe thấy: “Tuy nhiên, các trạm gác không có người, chúng tôi thấy trống thì vào thôi.” Bí ẩn về các trạm biên phòng bị bỏ hoang, ban đầu, không gây thắc mắc cho toán lính trẻ Pakistan, những người được trên chỉ thị trấn giữ chúng đến khi lính gác mới được điều đến; ông em họ Trung úy của tôi thấy bàng quang và ruột gã liên tục bài tiết với tần suất khủng bố trong bảy đêm trấn giữ một trong các trạm gác với chỉ năm jawan làm đồng đội.

Trong những đêm tràn ngập tiếng rú của bầy phù thủy và tiếng sục sạo trườn trượt không tên của bóng tối, sáu gã trai rơi vào một trạng thái hèn hạ đến nỗi không còn ai cười em họ tôi nữa, tất cả còn đang bận đái ra quần mình. Một gã jawan khiếp sợ thì thầm trong không khí ma quái của đêm-trước-đêm-cuối: “Này, nếu phải đồn trú ở đây để được lĩnh lương, chắc tao cũng chạy mẹ nó luôn!”

Trong tình trạng suy sụp bèo nhèo như bún nát, toán lính ngồi run rẩy ở Rann; và rồi vào đêm cuối cùng nỗi sợ khủng khiếp nhất của họ đã thành sự thật: họ nhìn thấy một đạo quân ma từ bóng tối tiến về phía mình. Họ ở trạm gác gần biển nhất, và dưới ánh trăng màu lục họ trông thấy buồm của những con tàu ma, những chiếc dhow quỷ. Và đạo quân ma lạnh lùng tiến lại, mặc tiếng gào rú của bọn lính, những bóng ma khiêng rương hòm mọc rêu và những chiếc cáng kỳ quái phủ vải chất đầy những thứ không rõ là gì; và khi đội quân ma bước vào cửa đồn, ông em họ tôi bủn rủn ngã xuống chân chúng mà lắp bắp trong cơn khiếp đảm.

Bóng ma đầu tiên bước vào trạm gác bị mất vài chiếc răng và đeo một lưỡi dao cong ở thắt lưng; khi thấy toán lính trong chòi, mắt nó rực lên một cơn thịnh nộ đỏ ngầu.

“Chúa tha tội!”, hồn ma thủ lĩnh nói, “Bọn ngủ-với-mẹ chúng mày ở đây làm gì? Chưa được đấm mõm đủ hay sao?”

Không phải ma, là buôn lậu. Sáu gã lính trẻ nhận ra mình rơi vào một tình thế lố bịch của nỗi khiếp hãi hèn hạ, và mặc dù cố gỡ gạc lại thể diện, sự ô nhục của họ đã trọn vẹn một cách ê chề… và giờ là mấu chốt câu chuyện.

Bọn buôn lậu này hoạt động cho ai? Tên ai buột ra khỏi miệng tên thủ lĩnh, và làm mắt em họ tôi trợn lên kinh hãi? Gia tài của ai, ban đầu được xây trên sự cùng khổ của các gia đình Hindu di tản năm 1947, nay tiếp tục sinh sôi nhờ những chuyến hàng lậu dịp xuân-hè qua Rann không ai canh gác rồi từ đây vào các thành phố Pakistan? Viên Đại tướng mặt Punch nào, giọng mỏng như dao cạo, chỉ huy đội quân ma này?...

Song tôi nên tập trung vào các sự kiện.

Vào tháng Bảy năm 1965, Zafar em họ tôi về phép tại nhà cha gã ở Rawalpindi. Một buổi sáng, gã chầm chậm đi đến phòng cha mình, mang trên vai không chỉ ký ức về cả ngàn lần bị nhục mạ và ăn đòn thời thơ ấu; không chỉ nỗi nhục của việc đái dầm suốt đời; mà cả sự thật rằng cha gã chính là người chịu trách nhiệm về chuyện-xảy-ra-ở-Rann, khi Zafar Zulfikar trở thành một mớ bèo nhèo lắp bắp dưới sàn nhà. Em họ tôi thấy cha gã trong bồn tắm cạnh giường, và cắt cổ ông ta bằng một lưỡi dao dài, cong của dân buôn lậu.

Ẩn sau những bài báo – ĐỢT XM PHẠM ĐÊ HÈN CỦA QUN ẤN BỊ CÁC CHÀNG TRAI PAKIS OAI HÙNG ĐẨY LÙI – sự thật về Đại tướng Zulfikar đã trở thành một việc mù mờ, không rõ ràng; bọn lính biên phòng ăn hối lộ trở thành, trên báo chí, NHỮNG NGƯỜI LÍNH VÔ TỘI BỊ QUN ẤN THẢM SÁT; còn ai sẽ loan truyền câu chuyện về hành vi buôn lậu quy mô lớn của chú tôi? Có vị Tướng nào, có chính trị gia nào không sở hữu những chiếc đài bán dẫn từ hành vi bất hợp pháp của chú tôi, điều hòa nhiệt độ và đồng hồ ngoại nhập từ tội lỗi của ông?

Đại tướng Zulfikar chết, em họ Zafar vào tù và được miễn kết hôn với một quận chúa đất Kif, người ngoan cố không chịu hành kinh chính là để được miễn kết hôn với gã; và những vụ việc ở Rann xứ Kutch đã trở thành, tạm gọi là, mồi lửa, của ngọn lửa lớn sẽ bốc lên vào tháng Tám, ngọn lửa của sự kết thúc, mà ở đó Saleem, cuối cùng và mặc cho gã phản kháng, đã đạt đến sự thuần khiết hằng lẩn tránh gã.

Về phần dì Emerald tôi: dì được phép di cư, dì đã chuẩn bị ra đi, dự định sang Suffolk ở Anh, nơi dì sẽ ở cùng thượng cấp cũ của chồng dì, Chuẩn tướng Dodson, người đã bắt đầu, khi về già, sống trong sự bầu bạn và chăm sóc của những bàn tay Ấn Độ cùng lứa với ông, xem những bộ phim cũ về Delhi Durbar và vua George V tới Cổng vòm Ấn Độ… dì mong ngóng ngày được đến với cơn trầm mê trống rỗng của niềm hoài cổ và mùa đông nước Anh khi chiến tranh bùng nổ và giải quyết mọi vấn đề của chúng tôi.

Vào ngày đầu tiên của thời kỳ “hòa bình giả tạo” kéo dài vỏn vẹn ba mươi bảy ngày, cơn đột quỵ giáng xuống Ahmed Sinai. Nó làm ông bị liệt hẳn nửa người trái, trả ông về thời sơ sinh cười ê a và dãi lòng thòng. Ông cũng lảm nhảm những lời vô nghĩa, và đặc biệt thích những chữ đùa bỡn hồi con nít chỉ chất bài tiết. Khúc khích “Xì cục!” hay “Su-su!”, cha tôi đã đi đến cuối sự nghiệp lên voi xuống chó của mình, và, một lần nữa, cũng là lần cuối, lạc đường và thất bại trong cuộc chiến với các tửu tinh. Ông ngồi đó, đờ dại và cười sằng sặc, giữa núi khăn tắm lỗi của đời ông. Giữa núi khăn tắm lỗi, mẹ tôi, bẹp gí dưới sức nặng của cái thai khủng, ảm đạm gục đầu khi bà đón nhận cuộc viếng thăm của cây đàn pianola của Lila Sabarmati, hoặc hồn ma Hanif em bà, hoặc đôi bàn tay nhảy múa, như thiêu-thân-quanh-ngọn-lửa, lượn lờ, lượn lờ quanh tay bà…

Trung tá Sabarmati đến thăm bà với cây dùi cui kỳ quái trong tay, và Nussie-vịt-bầu thì thào, “Kết thúc rồi, chị Amina, thế giới này kết thúc rồi!” vào đôi tai khô héo của mẹ tôi… và giờ, sau khi vật lộn vượt qua cái hiện thực bệnh hoạn của những năm ở Pakistan, sau khi nỗ lực lý giải đôi chút về những việc dường như là (qua màn sương trả hận của bác Alia) một chuỗi báo ứng vì chúng tôi đã rứt bỏ nguồn cội Bombay của mình, tôi đã đến được thời điểm phải kể cho quý vị về những kết thúc.

Tôi sẽ nói điều này một cách thật minh bạch: tôi khẳng định rất chắc chắn rằng mục tiêu bí mật của cuộc chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1965 không gì khác hơn là xóa sổ gia đình đang chìm trong bóng tối của tôi khỏi mặt đất này. Để hiểu được giai đoạn lịch sử mới đây của thời đại chúng ta, quý vị chỉ cần nghiên cứu kế hoạch ném bom của cuộc chiến này với con mắt phân tích và không định kiến.

Ngay cả kết thúc cũng có sự bắt đầu; mọi thứ phải được kể theo trình tự. (Nói cho cùng, tôi luôn có Padma làm nhiệm vụ đè bẹp mọi mưu toan thắng xe trước bò của tôi.) Đến tháng Tám năm 1965, lịch sử gia đình tôi đã đi đến một tình trạng mà điều-mà-kế-hoạch-ném-bom-đạt-được đã đem lại một sự giải thoát ân huệ. Không: hãy để tôi dùng cái từ quan trọng ấy: nếu chúng tôi muốn được thanh tẩy, thì có lẽ một sự kiện tầm cỡ như tôi sắp kể đây là cần thiết.

Alia Aziz, thỏa mãn với đòn báo thù tàn độc, dì Emerald, góa bụa và đợi kiếp lưu đày, cuộc phóng đãng vô nghĩa của mợ Pia và đời ẩn dật trong-buồng-kính của bà tôi Naseem Aziz. Em họ tôi Zafar, cùng nàng quận chúa vĩnh viễn không dậy thì của gã và viễn cảnh đái dầm ra nệm của xà lim. Sự thu mình về thời con nít của cha tôi và sự lão hóa chóng mặt và ám ảnh của bà bầu Amina Sinai… tất cả những tình cảnh thê thảm này sẽ được tiêu giải nhờ việc Chính phủ theo đuổi giấc mơ về thăm Kashmir của tôi.

Trong thời gian ấy, việc em tôi sắt đá cự tuyệt đáp lại tình yêu của tôi đã đẩy tôi chìm sâu vào một tâm thức phó mặc số mệnh; tư tưởng bất cần tương lai mới này đã xui khiến tôi nói với Bác Puffs rằng tôi sẵn sàng cưới bất kỳ cô Puffia nào bác chọn cho tôi. (Khi làm vậy, tôi đã kết án tất cả; bất kỳ ai định thiết lập quan hệ với nhà tôi đều chịu chung số phận với chúng tôi.)

Tôi sẽ cố thôi làm ra vẻ bí hiểm. Quan trọng là tập trung vào những sự kiện cụ thể. Nhưng sự kiện nào? Một tuần trước sinh nhật thứ mười tám của tôi, vào ngày 8 tháng Tám, quân Pakistan mặc giả dân thường đã vượt qua giới tuyến ngừng bắn tại Kashmir và xâm nhập vào địa phận Ấn Độ, hay là không? Tại Delhi, Thủ tướng Shastri thông báo về “đợt xâm nhập quy mô lớn… nhằm lật đổ chính quyền”; song đây là Zulfikar Ali Bhutto, Ngoại trường Pakistan, phản pháo: “Chúng tôi tuyệt đối phủ nhận mọi liên hệ với cuộc nổi dậy chống bạo quyền của thổ dân Kashmir.”

Nếu việc này có thật, thì động cơ là gì? Một lần nữa, một loạt giả thiết được nêu ra: mối hằn thù dai dẳng bị vụ Rann xứ Kutch khơi dậy; tham vọng giải quyết, một-lần-cho-mãi-mãi, mâu thuẫn lâu năm về việc ai-có-quyền-sở-hữu-Thung-lũng-Hoàn-mỹ… Hay là cái động cơ không xuất hiện trên mặt báo: áp lực từ những khó khăn chính trị nội bộ của Pakistan – chính phủ Ayub đang lung lay, một cuộc chiến tranh ở thời điểm này là liều thuốc hoàn hảo. Là lý do này hay đấy hay kia? Để đơn giản hóa vấn đề, tôi đưa ra hai lý do của riêng tôi: chiến tranh nổ ra bởi vì tôi đã mơ Kashmir vào trong ảo tưởng của giới cầm quyền; hơn nữa, tôi vẫn chưa thuần khiết và chiến tranh là để tách tôi khỏi tội lỗi của mình.

Jihad, Padma! Thánh chiến.

Nhưng ai tấn công? Ai phòng thủ?

Ngày sinh nhật thứ mười tám của tôi, hiện thực lại có thêm một biến động khủng khiếp nữa. Từ thành lũy của Pháo đài Đỏ tại Delhi, một Thủ tướng Ấn Độ (không phải ông ngày xưa viết thư cho tôi) gửi cho tôi lời chúc sinh nhật này: “Chúng ta hứa rằng, vũ lực sẽ được đáp trả bằng vũ lực, và mọi hành động thù địch sẽ không bao giờ được phép thành công!”

Trong khi đó, xe jeep gắn loa phóng thanh chào đón tôi tại Guru Mandir, trấn an tôi rằng: “Bọn khiêu khích Ấn Độ sẽ bị đánh bại hoàn toàn! Chúng ta là dòng dõi chiến binh! Một người Pathan, một người Hồi Punjab bằng mười tên babu-có-vũ-trang!”[5]

[5] Patthan, hay còn gọi là Pashtun, một tộc người nổi tiếng Pashto ở Pakistan. Babu tức là người Ấn Độ.

Jamila Ca sĩ được triệu lên phương Bắc, để hát cho những người lính đáng-giá-bằng-mười của chúng ta. Ở nhà tôi, người hầu sơn đen các cửa sổ. Về đêm, cha tôi, trong cơn ngô ngẫn của thời thơ ấu thứ hai, mở cửa sổ và bật đèn lên. Gạch đá bay vèo vèo qua các ô cửa: quà sinh nhật mười tám tuổi của tôi. Thế nhưng tình hình ngày một phức tạp hơn.

Vào ngày 30 tháng Tám, quân Ấn có vượt giới tuyến ngừng bắn gần Uri để “đánh đuổi bè lũ Pakistan xâm lược” – hay là bắt đầu một đợt tấn công? Khi, vào ngày 1 tháng Chín, những chiến sĩ mười-lần-dũng-mãnh-hơn của chúng ta vượt giới tuyến ở Chhamb, họ là kẻ khiêu khích hay là không phải?

Có điều chắc chắn là: Jamila Ca sĩ đã hát cho quân Pakistan đi vào cõi chết; và các muezzin từ trên tháp thánh đường – phải, kể cả đường Clayton – cam đoan với chúng tôi rằng bất cứ ai tử chiến sa trường sẽ được vào thẳng Vườn Long não. Triết lý mujahid của Syed Ahmed Barilwi ngự trị bầu không khí; chúng tôi được mời gọi hy sinh “như chưa bao giờ hy sinh”.

Và trên sóng phát thanh, xiết bao hủy diệt, xiết bao hỗn loạn! Trong năm ngày đầu chiến tranh, Đài tiếng nói Pakistan đưa tin tiêu diệt nhiều máy bay hơn toàn bộ số Ấn Độ từng sở hữu; trong tám ngày, Đài phát thanh Toàn Ấn Độ thảm sát Quân đội Pakistan đến tận, và vượt đáng kể, người cuối cùng. Rối trí tột độ vì sự điên rồ kép của chiến tranh và cuộc sống riêng, tôi bắt đầu có những tư tưởng tuyệt vọng…

Những hy sinh vĩ đại: ví dụ, ở trận Lahore?

Vào ngày 6 tháng Chín, quân Ấn vượt biên giới ở Wagah, bởi vậy mở rộng ghê gớm phạm vi của cuộc chiến, giờ đây không còn giới hạn tại Kashmir nữa, và những hy sinh vĩ đại có xảy ra, hay không? Có thật là thành phố hầu như không được phòng thủ, vì cả Bộ binh và Không quân Pakistan tập trung cả ở Kashmir?

Tiếng nói Pakistan nói: Ôi một ngày đáng nhớ! Ôi bài học nhớ đời về cái giá chết người của sự khinh địch! Quân Ấn, tin chắc sẽ chiếm được thành phố, dừng lại ăn sáng. Đài phát thanh Toàn Ấn (A.I.R.) loan tin Lahore thất thủ; đồng thời, một máy bay tư nhân phát hiện những kẻ xâm lược đang ăn sáng.

Trong khi B.B.C. đưa lại tin của A.I.R., dân quân Lahore được điều động. Lắng nghe Tiếng nói Pakistan! – người lớn, trẻ con, ông già, bà cả đều chiến đấu với quân Ấn Độ; họ bảo vệ từng cây cầu, bằng mọi vũ khí trong tay! Người tàn tật nhét lựu đạn đầy túi, giật chốt, lao mình cản bước tiến xe tăng Ấn; các cụ bà móm mém cầm đinh ba đâm lòi ruột quân Ấn! Người lớn, trẻ con, họ ngã xuống đến người cuối cùng: nhưng họ đã cứu được thành phố, kìm chân quân Ấn đến khi có Không quân chi viện! Các liệt sĩ, Padma! Các anh hùng, trên đường tới vườn Hương! Nơi đàn ông được nhận bốn houri, chưa hề bị người hay yêu tinh chạm tới; còn đàn bà, bốn mỹ nam không kém phần cường tráng. Hồng ân nào của Chúa ngươi sẽ chối từ? Cuộc thánh chiến này thật kỳ dị: chỉ bằng một hy sinh tột bậc, con người có thể chuộc lại mọi tội lỗi của mình! Chẳng có gì ngạc nhiên khi Lahore đứng vững; quân Ấn có gì để trông đợi? Chỉ có cửa đầu thai – thành gián, có thể lắm, hoặc bọ cạp, hoặc lang băm – thực khó mà so sánh được.

Nhưng là thế hay không phải thế? Có thật chuyện xảy ra như vậy không? Hay Đài phát thanh Toàn Ấn – một trận đấu xe tăng lớn, Pakistan thiệt hại nặng nề, 450 xe bị tiêu diệt – mới nói sự thật?

Không có gì là thật, không có gì là chắc chắn. Bác Puffs đến chơi ngôi nhà trên đường Clayton, và miệng bác không còn chiếc răng nào. (Trong chiến tranh của Ấn Độ với Trung Quốc, khi lòng trung thành của chúng tôi còn khác bây giờ, mẹ tôi đã hiến vòng vàng và khuyên tai đá quý cho phong trào “Kim khí làm Vũ khí”, nhưng cái đó có là gì nếu so với sự hy sinh cả một miệng vàng?)

“Đất nước này,” bác lúng búng nói, qua hàm lợi không răng, “không thể, mẹ kiếp, thiếu tiền vì sự phù phiếm của một cá nhân!”

Nhưng bác có làm thế hay không? Có thực hàm răng đã được hy sinh nhân danh cuộc thánh chiến, hay đang nằm trong tủ nhà bác?

“Ta e rằng,” bác Puffs móm mém, “cháu sẽ phải chờ để được nhận món hồi môn ta hứa.”

Tinh thần dân tộc hay sự bủn xỉn? Hàm lợi trống trơn của bác có phải là bằng chứng tuyệt đối của lòng yêu nước, hay một thủ đoạn trơn tuột để tránh phải gắn đầy vàng vào một cái miệng Puffia?

Và có lính dù hay là không? “…được thả xuống tất cả các thành phố lớn,” Đài tiếng nói Pakistan thông báo.

“Mọi công dân khỏe mạnh sẵn sàng vũ khí, bắn ngay khi thấy mục tiêu sau giờ giới nghiêm chiều.”

Nhưng ở Ấn Độ, “bất chấp trò khiêu khích bằng không kích của Pakistan,” đài này khẳng định. “Chúng ta đã không đáp trả!”

Biết tin ai? Có thật các máy bay oanh tạc của Pakistan đã thực hiện “đợt không kích táo tợn” đúng lúc một phần ba Không lực Ấn Độ đang bất lực đậu trên đường băng? Có hay là không? Và những điệu dạ vũ trên không trung, Mirage và Mystère của Pakistan đấu với những chiếc MiG có cái tên kém lãng mạn của Ấn Độ[6]: những ảo ảnh và bí ẩn đạo Hồi có giao chiến với những kẻ xâm lược Hindu, hay tất cả chỉ là một thứ ảo tượng kinh hồn? Bom có rơi? Đạn có nổ? Thậm chí có thiệt hại nào về nhân mạng trên thực tế?

[1] Mirage (ảo ảnh) và Mystère (bí ẩn) là hai loại máy bay chiến đấu của Pháp sản xuất.

Còn Saleeem? Gã làm gì trong lúc chiến tranh?

Đây: trong khi chờ gọi nhập ngũ, tôi đi tìm những quả bom thân thiện, tiêu trừ tất cả, đem lại giấc ngủ và mang đến Thiên Đường.

Tư tưởng phó mặc số mệnh mới xâm chiếm tôi gần đây đã phát triển lên một hình thái đáng sợ hơn. Chìm trong sự tan rã của gia đình, của cả hai đất nước mà tôi thuộc về, của mọi thứ mà một tâm trí tỉnh táo có thể gọi là thật. Lạc lối trong nỗi đau của tình yêu ô uế, không được đáp lại. Tôi tìm kiếm sự lãng quên của – tôi đang làm nó nghe có vẻ quá cao xa, không thể sử dụng bất kỳ từ ngữ khoa trương nào. Nào, thì thẳng thắn: tôi lang thang trên đường đêm thành phố, kiếm tìm cái chết.

Ai đã chết trong cuộc thánh chiến này? Ai, trong lúc tôi khoác kurta và pajama trắng, phóng Lambretta trên phố xá giới nghiêm, tìm được điều tôi đang tìm kiếm? Ai, bị chiến tranh biến thành liệt sĩ, thẳng tiến tới vườn Hương? Hãy nghiên cứu sơ đồ ném bom; hãy tìm hiểu bí mật của những phát súng trường.

Đêm 22 tháng Chín, từng đợt không kích đánh xuống mọi thành phố Pakistan. (Mặc dù Đài phát thanh Toàn Ấn…) Máy bay, thật hoặc hư cấu, rải những trái bom thực hoặc huyền thoại. Theo đó, có một thực tế, hoặc sự ngụy tạo của một trí tưởng tượng bệnh hoạn, là chỉ có ba quả bom đánh trúng Rawalpindi và phát nổ. Quả thứ nhất giáng xuống ngôi bungalow nơi bà tôi Naseem Aziz và mợ Pia đang núp dưới gầm bàn. Quả thứ hai xé nát một chái của nhà tù thành phố, và giải thoát cho em họ tôi Zafar khỏi kiếp sống tù đày. Quả thứ ba phá hủy một dinh thự lớn tối tăm, xung quanh là tường bao có lính canh. Lính canh vẫn đứng gác, nhưng không ngăn được Emerald Zilfikar bị tống tiễn tới một nơi xa hơn Suffolk.

Đêm đó, dì lại có khách là Nawab xứ Kif và cô con gái lì lợm không chịu lớn, người cũng được giải thoát khỏi sự tất yếu phải trở thành một phụ nữ trưởng thành. Ở Karachi, ba quả bom cũng là đủ. Máy bay Ấn Độ, e ngại việc phải bay thấp, thả bom từ rất cao, phần lớn đều rơi xuống biển một cách vô hại. Một quả bom, tuy nhiên, đã tiêu diệt Thiếu tá (đã giải ngũ) Alauddin Latif và bảy Puffia của ông, nhờ vậy giải phóng tôi khỏi lời hứa hôn vĩnh viễn, và còn có hai quả bom cuối cùng. Trong khi đó, ngoài mặt trận, Mutasim Anh tuấn chui ra khỏi lều để đi tiểu tiện; một âm thanh như muỗi vo ve (hay không vo ve) lao về phía cậu, và cậu chết với cái bàng quang đầy nước, dưới tác động của một viên đạn bắn tỉa.

Và tôi vẫn phải kể cho quý vị về hai-quả-bom-cuối-cùng.

Ai sống sót? Jamila Ca sĩ, người mà bom không thể tìm ra. Tại Ấn Độ, gia đình cậu Mustapha tôi, những người mà bom chẳng buồn động đến;, nhưng cô em họ xa Zohra bị lãng quên của cha tôi đã chuyển cùng chồng đến Amritsar, và một quả bom đã tìm thấy họ.

Và hai-quả-bom-nữa đang đòi được kể.

Trong khi tôi, không hề biết mối liên hệ sâu xa giữa cuộc chiến và bản thân mình, vẫn khờ khạo đi tìm bom; cứ tới giờ giới nghiêm tôi lại đi, nhưng chẳng viên đạn dân phòng nào tìm thấy tôi… và từng tấm lửa bốc lên trên một ngôi bungalow tại Rawalpindi, những tấm lửa khoét lỗ, chính giữa có một lỗ tròn tối màu bí hiểm, lớn dần thành hình hài nghi ngút khói của một bà già to béo mặt đầy nốt ruồi… thế là lần lượt từng người một, cuộc chiến xóa sổ gia đình bị rút kiệt, tuyệt vọng của tôi khỏi trái đất này.

Nhưng giờ đồng hồ đã đếm ngược về không.

Cuối cùng, tôi lái chiếc Lambretta trở về nhà, và đến bùng binh Guru Mandir với tiếng phi cơ gầm rú trên đầu. Những ảo ảnh và bí ẩn, trong lúc cha tôi trong cơn ngô ngốc vì đột quỵ đang bật đèn và mở cửa sổ khắp nhà. Mặc dù một sĩ quan Dân phòng vừa ghé qua để đảm bảo lệnh tắt đèn được thực thi triệt để. Khi Amina đang bảo bóng ma của cái tủ giặt trắng cũ: “Cút đi – ta nhìn thấy mày thế đủ rồi,” thì tôi phóng vụt qua những chiếc jeep Dân phòng mà từ đó những nắm đấm giận dữ giơ lên chào đón tôi. Và trước khi gạch đá kịp dập tắt ánh đèn trong nhà bác Alia, tiếng tru ấy vang lên, và đáng lẽ tôi phải biết rằng muốn tìm chết thì chẳng cần đi đâu xa. Nhưng tôi hãy còn đứng ngoài phố dưới cái bóng nửa đêm của thánh đường khi nó đến, vùn vụt lao về phía những cửa sổ sáng đèn của sự si ngốc của cha tôi.

Cái chết tru lên như chó hoang, hóa thân thành một cơn mưa gạch đá vôi vữa và những tấm lửa và một cơn sóng chấn lực dữ dội đến mức nó hất văng tôi khỏi chiếc Lambretta. Trong khi bên trong ngôi nhà của sự cay nghiệt tột cùng của bác tôi cha tôi mẹ tôi dì tôi và đứa em trai hoặc gái chưa ra đời người chỉ còn một tuần nữa sẽ bắt đầu cuộc sống. Tất cả họ bị đè bẹp hơn cả bánh đa, ngôi nhà sập xuống đầu họ như khuôn bánh quế, trong khi trên đường Korangi, quả bom cuối cùng, lẽ ra dành cho nhà máy lọc dầu, lại rơi xuống một ngôi nhà lệch tầng kiểu Mỹ mà dây rốn vẫn còn chưa kịp hoàn thành. Nhưng tại Guru Mandir, nhiều câu chuyện đang đến hồi kết thúc.

Chuyện của Amina và người chồng dưới lòng đất nhiều năm trước và đức cần mẫn của bà và lời tuyên bố công khai và đứa-con-trai-không-phải-là-con-bà và vận may của bà với ngựa và mụn cóc và những bàn tay nhảy múa tại quán cà phê Pioneer và thất bại cuối cùng trước chị gái bà. Chuyện của Ahmed người luôn lạc đường và môi dưới trề ra và cái bụng nhão xệ và trắng bệch ra trong một vụ đóng băng và rơi vào tình trạng trầm mê và làm chó ộc máu giữa đường và yêu vợ quá muộn và chết vì dễ tổn thương trước những-thứ-trên-trời-rơi-xuống. Giờ đây tất cả đã bẹt hơn cả bánh đa, và xung quanh họ ngôi nhà nổ tung đổ sụp, một khoảnh khắc hủy diệt dữ dội đến mức những gì đã bị chôn sâu trong những thùng tôn bị lãng quên cũng bắn tung lên trời trong khi những đồ vật con người ký ức khác bị vùi dưới đống đổ nát không còn hy vọng gì cứu vãn.

Từng ngón tay của vụ nổ vục xuống sâu sâu tận đáy một chiếc almirah và mở tung chiếc thùng tôn xanh. Bàn tay đang siết lại của vụ nổ lẳng các thứ trong thùng lên không, và giờ một vật đã náu mình không lộ diện suốt nhiều năm đang xoay tròn trong đêm tối như một mảnh trăng quay tít. Một vật hắt ánh sáng từ mặt trăng và giờ đang rơi rơi xuống khi tôi choáng váng đứng dậy sau vụ nổ. Một vật xoắn xoay quay cuồng nhào lộn lao xuống, loáng bạc như ánh trăng. Một cái ống nhổ bằng bạc khảm thanh kim thạch được chế tác tinh xảo, quá khứ lao thẳng về phía tôi như một bàn tay bị kền kền đánh rơi để trở thành thứ-thanh-tẩy-và-giải-phóng-tôi.

Vì lúc này khi ngước mắt lên tôi bỗng thấy một cảm giác nhói lên sau gáy rồi sau đó là chỉ một sát na ngắn ngủi nhưng vô hạn của sự thấu triệt tuyệt đối khi tôi ngã nhào ra trước và nằm sóng soài trước giàn thiêu của cha mẹ tôi. Một khoảnh khắc vi tế nhưng bất tận của minh triết, trước khi tôi bị tước sạch quá khứ, hiện tại, ký ức, thời gian, liêm sỉ và tình yêu, một vụ nổ trong chớp mắt nhưng cũng vĩnh hằng trong đó tôi cúi đầu đúng tôi thuận tòng đúng trước sự cần thiết của đòn đánh ấy.

Và rồi tôi trống rỗng và tự do, bởi vì mọi Saleem đang trào ra khỏi tôi. Từ em bé trong bức-hình-em-bé trang-nhất-cỡ-đại đến gã trai mười tám với tình yêu ô uế nhớp nhơ, cứ thế tuôn trào hổ thẹn và tội lỗi và muốn-làm-vừa-lòng-người-khác và cần-được-yêu và quyết-tâm-tìm-kiếm-một-vai-trò-lịch-sử và lớn-lên-quá-nhanh. Tôi được giải thoát khỏi Thò Lò và Mặt Nhọ và Hói và Cả Khịt và Mặt Bản Đồ và tủ giặt và Evie Burns và đoàn diễu hành ngôn ngữ. Được giải phóng khỏi Thằng nhóc Kolynos và bộ ngực của Pia mumani và Alpha-và-Omega. Được xá tội sát hại Homi Catrack và Hanif và Aadam Aziz và Thủ tướng Jawallharhal Nehru.

Tôi đã trút bỏ những ả gái điếm năm trăm tuổi và những lời thú nhận tình yêu vào nửa đêm tăm tối, tự do rồi, khỏi lo nghĩ rồi, ngã nhào xuống mặt đường, được phục hồi sự trong sạch và thuần khiết nhờ một mảnh trăng trên trời rơi xuống, sạch trơn như một hộp gỗ đựng bút mực, bị tẩy não (cũng như đã được tiên đoán) bởi cái ống nhổ bạc của mẹ tôi.

Sáng 23 tháng Chín, Liên Hiệp Quốc tuyên bố Ấn Độ và Pakistan đã chấm dứt những hành động thù địch. Ấn Độ chiếm đóng gần 1.300 km2 lãnh thổ Pakistan, còn Pakistan mới chinh phục được 880 km2 giấc mơ Kashmir của mình. Người ta nói sở dĩ hai bên ngừng bắn vì đã cạn kiệt đạn dược, gần như cùng lúc.

Vậy là những kêu gọi khẩn thiết của giới ngoại giao quốc tế, và việc vận động vì động cơ chính trị đối với giới lái súng, đã ngăn chặn sự diệt vong triệt để của gia đình tôi. Một vài người trong chúng tôi sống sót, bởi vì không ai bán cho những kẻ sát nhân tiềm năng bom đạn máy bay cần thiết để hoàn tất việc hủy diệt chúng tôi. Tuy nhiên, sáu năm sau, lại có một cuộc chiến khác.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.