Đương kim Thánh nhân là Trưng Viễn Hầu của Tức Mặc gia, hiện là minh quân thanh chính, quốc thái dân an, vạn chúng quy nguyên, thịnh thế không thể nào tốt đẹp hơn.
Kẻ sĩ ít viết tấu chương can gián, mà thường đến quán rượu uống rượu.
"Làm phiền phu nhân mở một hũ rượu Trần Trang."
Ta ngẩng đầu khỏi sổ sách vụn vặt, giữa vài danh sĩ quạt phe phẩy bước vào, thoáng chốc gặp lại cố nhân.
Sau ba chén rượu, cố nhân chống tay lên má nhìn ta, xoa xoa râu tóc như cố gắng nhớ ra điều gì đó. Người ấy đưa tay chỉ vào ta, rồi nói với người nhàn sĩ say rượu bên cạnh: "Vị phu nhân này, ta từng gặp qua."
Người nhàn sĩ rót đầy chén cho hắn, nói: "Lời này không đúng rồi, Tiết tử đến từ Lâm An, làm sao gặp được nương tử ở Giang Nam, có phải uống nhiều quá rồi mà nhớ về thời thiếu niên hào hoa..."
Cố nhân lắc lắc chén rượu, nằm nghiêng dưới cửa sổ, khẽ thở dài: "Mộng cũ thời thiếu niên hào hoa..."
Ta vô tình cúi đầu cười một cái, người ấy lập tức đặt chén rượu xuống, đứng dậy tiến về phía ta, hắn cúi đầu thi lễ: "Tại hạ là người Lâm An, tên gọi Tiết Thao."
Ta đã biết điều đó, hắn vẫn như trước, lông mày mang theo khí phách thanh cao.
Tiết Thao cúi đầu nói: "Tại hạ từng có duyên gặp mặt phu nhân một lần."
Ta đáp rằng: "Đúng vậy."
Hắn nói: "Năm xưa ở kinh thanh ta từng thấy phu nhân cùng tôn phu dạo chơi kinh đô cả ngày lẫn đêm, không biết tôn phu hiện giờ có khỏe không?"
Ta đặt quyển sách xuống, thế gian như nước chảy mây trôi, chỉ đáp: "Phu quân đã mất rồi."
Trước khi Tiết Thao rời đi, ta mang đến hai hũ rượu Trần Trang, xem như cảm tạ ân tình hắn nhớ đến ta suốt bao năm, dù gì trong giấc mộng hoang vắng này, ít ai còn nhớ đến ta và chàng.
Cỏ cây rụng lá, trời chưa sáng hẳn, ta đứng trước cửa, nhìn theo bóng dáng cố nhân rời xa, trong bức tranh thủy mặc mờ mịt, cố nhân bỗng nhiên quay đầu lại: "Phu nhân có thể cho ta biết danh tính của nàng không?"
Con cá trong ao nhảy lên bọt nước, ngọn nến trong nhà bị gió thổi tắt, con chim nhỏ đậu trên mái ngói, ánh sáng của núi sông khắc họa hình bóng thiếu niên của chàng, trong ngàn năm bụi phủ sau này, chỉ có một chữ Mặc Bạch thị, Kinh Ngọc.
——Ngoại truyện hai: Ghi chép của Chu Tốn
Nghe nói Thánh nhân đã hòa ly với Bạch phi, thư hòa ly được công bố khắp thiên hạ, người đời đều chửi rủa Thánh nhân bội tình bạc nghĩa. Ngay cả phu nhân của ta cũng ngày ngày rửa mặt bằng nước mắt, phụ nhân vốn đa sầu, Chu Lâm thị những ngày qua cứ bám riết lấy ta đòi hứa ngoại trừ phạm "thất xuất" (bảy điều khiến người vợ bị đuổi) không được ruồng bỏ thê tử. Ta nói: Phu nhân chẳng phải ngốc nghếch sao, Thánh nhân và Bạch phi là hòa ly, không phải ruồng bỏ.
Chu Lâm thị lau nước mắt: Sao lại hòa ly với Bạch thị nương nương, kẻ phụ tình nhất là Thánh nhân.
Ta ngẩng đầu thở dài một hơi: Thánh nhân là bất đắc dĩ mà thôi.
Ngài ấy, đúng là bất đắc dĩ mới làm vậy. Trận chiến ở cổng Tuyên Vũ, người đời chỉ biết đến sự dũng cảm của Chu gia, không ai thương xót Mặc Minh quân. Mặc gia và Chu gia vốn là quý tộc triều đình, năm xưa Phủ U Đại đế thống lĩnh Trung Nguyên, ngoại trừ tặc thần Trưởng Tôn gia, còn có Chu gia và Mặc gia. Mặc gia đời đời là ám ảnh, được phong hầu nhưng không thể chính danh.
Nếu năm đó Trưởng Tôn gia không quyết tâm tiêu diệt vị Minh Quân cuối cùng của Mặc thị, số phận của ngài sẽ giống như tổ tiên mà nộp mạng vào sinh tử thôi.
Chỉ là sau này, bởi số mệnh xoay vần, ngài trở thành Thiên tử của Văn Chu, Thánh nhân của thiên hạ, vậy nên ngài đã gỡ bỏ chiếc mặt nạ, ngồi lên ngôi cao nơi triều đình. Thực ra, Minh Quân thật sự từ trước đến nay chưa từng lộ diện, từ khoảnh khắc hắn gỡ bỏ chiếc mặt nạ đó, đã định sẵn một cuộc đời tựa lưu ly lặp đi lặp lại cả đời.
*Lưu ly: vốn là chất liệu thủy tinh trong sáng, nhưng cũng dễ vỡ, biểu trưng cho cuộc sống vừa đẹp đẽ vừa mỏng manh, dễ tổn thương. Lưu ly lặp lại cả đời là nhấn mạnh về tính chất vòng lặp của những biến cố hoặc nỗi đau, sự tổn thương mà nhân vật phải trải qua trong suốt cuộc đời, dù cho bề ngoài của cuộc sống có vẻ bình yên, trong trẻo.
Sau buổi triều sớm, ta đến Điện Huyền Chính, trong điện không có ai, đại thái giám nói: "Bệ hạ lại đi đến nơi cũ rồi."
Ta hiểu ý, từ khi nàng ra đi, không một ngày nào ngài không đến nơi cũ, lúc thì ngẩn ngơ, lúc thì trầm tư, chung quy vẫn là một dáng vẻ suy yếu.
Chưa đến nơi cũ, lá ngô đồng đã cuốn theo gió rơi vào lòng bàn tay ta, lá rụng rồi, cũng như đời hắn, bụi trần đã lắng xuống.
Ta bước vào Điện Ngô Đồng, cuối thu, lá rụng lên vai ngài, hốc mắt sâu thẳm, viền môi tái nhợt, bệnh thập tử nhất sinh nhưng ánh mắt lại trong sáng lạ thường.
Nói ra thì, ta đã quen biết hắn mấy chục năm, hiếm khi thấy ngài suy sụp như thế này. Ta dùng cành cây chọc vào vai hắn, hỏi: Đại thái giám nói gần đây ngay cả thuốc thang ngài cũng không chịu uống, sao mà sống thọ được?
Bệnh của ngài không phải là bệnh nặng, những năm qua trong cung đã chịu không ít chất độc, thêm vào đó, bao năm chinh chiến, trận chiến Yến Môn Quan bị ba mũi tên độc của Lang Quân bắn trúng, thế mà còn sống trở về, ngài cũng từng là Mặc Môn Minh Quân khiến kẻ địch nghe thấy đã khiếp sợ, vậy mà...
Ta nói: Vốn dĩ ngài không cần để nàng ra đi.
Giờ đây ngài nói chuyện cũng rất khó khăn, cố gắng lắc đầu, đôi môi tái nhợt phát ra vài từ: Ta đã là người dầu hết đèn tắt rồi.
Chế độ tuẫn táng của hoàng thất từ bao đời là cơn ác mộng của không biết bao nhiêu hậu phi, ta biết đây là lần cuối cùng ngài lấy thân phận Đế vương để bảo vệ nàng.
Chỉ là... ta hỏi: Tại sao không phong nàng làm Hoàng hậu? Có thể tránh được tuẫn táng, cũng đạt được chính quả.
Ngài nói: Chính quả là gì? Giữ nàng lại trong cung sâu không thấy ánh mặt trời này để mà hủy hoại sao? Nếu ta còn sống, thì ta có thể bảo vệ nàng, nếu ta không còn... há có thể để người khác ức hiếp nàng...
Nghe lời ngài nói, ta tự hối hận vì đã thường ngày khắt khe với phu nhân của mình, phu thê nên lắng nghe nhau, tôn trọng và kính trọng lẫn nhau mới là điều đáng quý, tình nghĩa Mặc Bạch như vậy, sao có thể so sánh với duyên phận ba đời của người hường được.
Khi bước ra khỏi cung, ta bỗng muốn hỏi ngài một điều, ta quay đầu nói: "Cả đời cô độc lẻ loi, Bệ hạ có hối hận không?"
Ánh hoàng hôn rọi xuống, kéo dài bóng dáng ngài dưới gốc cây đồng và chiếc xích đu trong chiều thu, ngài quay lưng về phía ta, ánh tà dương nhuộm vàng quanh thân, thật lâu sau, dưới ánh hoàng hôn truyền đến một câu đầy kiên định:
"Không, ta không hối hận."
Xa xa núi non xanh thẳm, trước mắt chỉ toàn sắc vàng úa, mùa thu đã tàn.