Khoảng thời gian "hoang đàng chi địa" của tôi được tính vào thời gian nghỉ phép và nghỉ bệnh, vì thế tôi vẫn được trả lương cho cả tháng lang thang ở Vegas. Nhưng khi tôi trở lại đơn vị thì cấp chỉ huy của tôi, một Thiếu tá quân đội chính quy, có vẻ tức giận. Tôi chẳng mấy lo lắng về chuyện đó. Nếu bạn là nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng và bạn không có tham vọng, cũng không để tâm lắm đến chuyện sĩ diện lặt vặt, thì cấp chỉ huy chẳng có mấy tí quyền lực đối với bạn.
Tôi đảm nhiệm chức phụ tá hành chánh văn thư cho các đơn vị quân dự bị. Vì các đơn vị chỉ gặp nhau mỗi tuần một lần để huấn luyện, tôi phải chịu trách nhiệm về mọi công tác hành chánh văn thư của cả ba đơn vị được giao. Tôi có tổng cộng sáu trăm con người để phải lưu tâm, tính sổ lương, quay ronéo các sổ quân bạ của họ, bao thứ giấy tờ liên quan khác. Tôi phải kiểm tra công tác hành chánh của những đơn vị do nhân viên dự bị thực hiện. Họ soạn thảo báo cáo buổi sáng cho những cuộc họp, cắt đặt lệnh thăng thưởng, sửa soạn đợt bổ nhiệm.
Nghe thì cũng rộn chuyện lắm song thực ra công việc cũng dễ ợt? Chỉ trừ khi các đơn vị đi dự trại huấn luyện hè trong hai tuần. Lúc đó thì tôi khá bận rộn.
Văn phòng làm việc của chímg tôi có không khi thân mật, hữu nghị. Có một nhân viên dân sự khác tên là Frank Alcore lớn tuổi hơn tôi và thuộc một đơn vị dự bị mà anh phục vụ với tư cách Trưởng phòng quản trị. Với kiểu lập luận rất có cơ sở thực tế, Frank nói với tôi về chuyện móc nối để kiếm chác. Tôi làm việc bên cạnh anh gần hai năm và không hề biết anh ta vẫn tham nhũng và ăn hối lộ đều đều?
Quân dự bị của nước Mỹ là một kho béo bở không bao giờ cạn. Chỉ việc đi dự họp hai giờ mỗi tuần, bạn vẫn được lãnh lương trọn ngày. Cộng với tiền ăn ở. Và trong hai giờ đó, bạn chỉ đến nghe những chỉ thị trong lúc có thể lơ mơ ngủ gà ngủ gật để dưỡng sức.
Phần lớn những người quản trị dân sự gia nhập lực lượng quân dự bị. Trừ tôi. Chiếc mũ pháp sư của tôi đã tiên đoán những biến cố lớn trong tương lai. Rằng có thể một cuộc chiến tranh khác sắp xảy ra và các đơn vị dự bị sẽ là những nhóm đầu tiên được gọi vào lực lượng chính quy.
Mọi người đều nghĩ tôi điên. Frank Alcore nài nỉ tôi gia nhập. Trong Thế chiến 2, suốt ba năm tôi vẫn chỉ là một anh lính trơn "đơ-zèm cùi bắp" nhưng Frank bảo tôi rằng anh có thể vận động cho tôi được đồng hoá Trung sĩ nhất, căn cứ trên thâm niên công vụ của tôi trong tư cách một Trưởng ban quản trị của quân đội. Đó là một quả bóng, vừa làm nhiệm vụ yêu nước vừa lãnh được hai suất lương. Nhưng tôi ghét ý tưởng phải nhận mệnh lệnh trở lại ngay cả chỉ có hai giờ mỗi tuần và hai tuần trong mùa hè. Là một nhân viên dân sự, tôi cũng phải theo bao hướng dẫn của cấp trên. Nhưng có một khác biệt lớn giữa mệnh lệnh và hướng dẫn.
Mỗi lần đọc các bài báo về Lực lượng dự bị được huấn luyện kỹ của xứ sở Huê-Kỳ, tôi đều lắc đầu. Trên một triệu người chẳng được cái tích sự gì. Tôi tự hỏi tại sao họ chưa dẹp quách toàn bộ đám đó đi. Nhưng rất nhiều thành phố nhỏ tuỳ thuộc vào số lương trả cho quân dự bị để vận hành nền kinh tế của chúng. Nhiều chính trị gia trong các thể chế pháp lý và quốc hội bang là những sĩ quan dự bị cao cấp và kiếm được những khoản lương bổng hậu hĩ từ đó.
Và có một điều xảy đến làm thay đổi cả cuộc đời tôi. Chỉ thay đổi có một thời gian ngắn nhưng thay đổi theo hướng tốt hơn về cả hai phương diện kinh tế và tâm lý. Tôi trở nên một kẻ bất chính. Do rơi vào guồng máy cơ cấu quân sự của nước Mỹ.
Một thời gian ngắn sau khi tôi quay về từ Vegas, những chàng trai trẻ ở Mỹ đều biết rằng nhập ngũ vào chương trình "nhiệm vụ tích cực" trong sáu tháng sẽ cho họ cái lợi được tự do trong mười tám tháng. Một chàng trẻ trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, chỉ cần đầu quân vào chương trình quân dự bị và thi hành sáu tháng nghĩa vụ quân chính quy ở các bang ngay tại Mỹ. Sau đó đi lính năm năm rưỡi trong quân dự bị. Có nghĩa là hàng tuần đi dự họp mất hai gìờ và làm nghĩa vụ tích cực trong hai tuần ở trại hè. Nếu chàng ta chùng chình và đợi đến khi có lệnh gọi nhập ngũ, chàng ta sẽ phải đi lính chiến đấu hai năm ròng, có thể là tận chiến trường Triều Tiên.
Tình hình ngày càng căng. Ngày càng nhiều chàng trai trẻ được gọi đến dưới cờ. Cuba và Việt Nam đã hiện ra nơi chân trời mịt mờ khói lửa. Vào thời ấy, tôi nhận thấy có điều gì ám muội đang diễn ra. Và chuyện ấy phải là rất đáng ngại mới khiến tôi nhận ra bởi vì tôi tuyệt đối chẳng có hứng thú gì với công việc hay khung cảnh làm việc.
Frank Alcore lớn tuổi hơn tôi, đã có vợ và hai con. Về ngạch trật dân sự chúng tôi ngang cấp nhau chúng tôi phục vụ riêng rẽ, anh phụ trách các đơn vị của anh, tôi lo các đơn vị của tôi. Chúng tôi có bậc lương ngang nhau khoảng một trăm đô-la mỗi tuần.
Nhưng anh thuộc về đơn vị quân dự bị, mang cấp bậc trung sĩ nhất và hàng năm còn được lãnh thêm cả ngàn đô. Vậy mà anh vẫn lái chiếc xe Buick mới đi làm và đậu xe nơi một garage gần bên, tốn ba đô-la mỗi ngày.
Anh ta chơi cá độ tất cả các môn bóng: bóng đá, bóng rổ, bóng chày và tôi biết như vậy tốn đến bao nhiêu. Tôi tự hỏi anh ta lấy tiền ở đâu ra mà chơi bạo thế. Tôi hỏi đùa anh ta và anh nháy mắt bảo tôi là kiếm tiền cũng đơn giản như là ta đang giỡn thôi, có khó gì đâu?
- Ồ, ở đâu dzậy? Chỉ ngộ, ngộ cho tiền cò!
Anh cười:
- Này, cậu hai, cậu chớ có lo, hết tiền cậu cứ xuống kho lấy xài Kho bạc Nhà nước ngay trước mũi cậu chớ đâu!
Tôi biết anh chỉ ba hoa để khoả lấp thế thôi. Thế rồi một ngày kia anh ta dẫn tôi đi khao một chầu "đáng kể" nơi một nhà hàng Ý sang trọng ở Đại lộ Số Chín và lật ngửa con bài tẩy lên.
Lúc uống cà phê, anh hỏi:
- Này Merlyn, mỗi tháng cậu đưa vào danh sách các đơn vị của cậu bao nhiêu tên? Chỉ tiêu từ Washington định cho cậu là bao nhiêu?
- Tháng rồi là ba mươi, - tôi đáp. - Biến động trong khoảng từ hai mươi lăm đến bốn mươi tuỳ theo số mất.
- Những điểm tuyển quân đó giúp ta hái ra tiền đấy! - Frank nói. - Bạn có thể kiếm được món khơ khớ hàng tháng.
Tôi không đáp ứng. Anh tiếp tục:
- Hãy để tôi sử dụng năm trong số ấy của bạn, - anh nói. Tôi sẽ cho bạn mỗi điểm một tờ cứng, hàng tháng.
Tôi không dễ bị đổ. Năm trăm đô-la mỗi tháng là một sự gia tăng thu nhập một trăm phần trăm cho tôi. Nhưng tôi vẫn "em chã" và bảo anh ta quên chuyện ấy đi. Lúc ấy tôi còn nhiều sĩ diện và tự ái lắm. Tôi chưa bao giờ làm điều gì bất lương trong đời mình. Trở thành một kẻ ăn hối lộ, đối với tôi, là chuyện bất xứng. Xét cho kỹ, tôi là một nghệ sĩ cơ mà? Một tiểu thuyết gia cỡ lớn đang chờ nổi tiếng đây! Làm chuyện bất lương là tầm thường hoá chính mình, là bôi bác cái hình tượng tự thân đẹp đẽ mà tôi đã tự tạo cho mình. Chuyện vợ con tôi có sống mấp mé bờ vực nghèo khổ cũng chưa quan trọng lắm. Tôi có phải làm thêm việc buổi tối để trang trải cơm áo gạo tiền cũng không sao. Tôi là một người hùng bẩm sinh? Mặc dầu ý tưởng về các chàng trai chịu trả tiền để được ghi tên vào danh sách tòng quân làm tôi thấy thích thích.
Frank không bỏ cuộc.
- Cậu không phải chịu nguy cơ nào cả đâu, anh ta nói. - Những danh sách đó có thể nguỵ tạo dễ dàng, không có sổ cái. Cậu không phải lấy tiền từ đám lính tò te đó đâu. Cũng chẳng cần phải kỳ kèo thương lượng gì hết. Tôi sẽ lo mọi chuyện, cậu chỉ có việc ghi danh chúng khi tôi OK. Sau đó là tiền bạc sột soạt từ tay tôi chuyển sang tay cậu. Rốp rẻng, ngon lành, sòng phẳng!
À nếu anh ta cho tôi một trăm hẳn anh ta phải bỏ túi được hai trăm. Và anh ta có khoảng mười lăm "khe" của riêng phần anh để nhét vào, và với cái giá hai trăm mỗi khe thì hàng tháng anh ta lượm sơ sơ ba ngàn đô? Có điều tôi chưa biết là anh ta không thể sử dụng cả mười lăm khe đó cho riêng mình. Các sĩ quan của đơn vị anh cũng phải lo cho một số người. Các chính trị gia, dân biểu, nghị sĩ gửi các cậu ấm vào làm lính kiểng, lính ma. Và thế là giật mất phần bánh khỏi miệng Frank khiến anh nổi giận một cách chính đáng? Nhưng đố dám kêu ca bởi đã ăn xôi chùa phải nghẹn họng! Anh chỉ còn bán được có năm "khe" hàng tháng. Nhưng dầu sao thì cái khoản ngoại bổng một ngàn đô-la mỗi tháng cũng thơm quá ấy chứ? Tuy nhiên, tớ đây vẫn đếch thèm? Lỡ làm anh hùng - À phải trong sạch tới cùng. Nga tử sự tiểu, thất tiết sự dại chết đói chuyện nhỏ, đánh mất trinh tiết, khí tiết mới là chuyện lớn? Hãy giữ vững khí tiết, hỡi nhà tiểu thuyết sẽ thành danh vang dội, tôi tự nhủ lòng.
Những lý do tự khoan miễn mang đủ mọi kiểu dáng mà người ta có thể tạo ra để cuối cùng là chịu móc ngoặc.
Tôi đã từng phác thảo một chân dung tự hoạ. Khá đẹp! Tôi trọng danh dự và sẽ không bao giờ nói dối hoặc đánh lừa bạn bè, người quen. Rằng tôi sẽ không bao giờ làm bất kỳ điều gì thấp hèn để trục lợi. Tôi nghĩ mình cũng giống như anh Artie. Nhưng Artie là người trung thực từ trong cốt tuỷ. Không có áp lực nào có thể khiến anh trở nên thoái hoá, biến chất. Anh thường kể tôi nghe câu chuyện về những áp lực trong công việc. Với tư cách là một kỹ sư hoá học xét nghiệm các loại tân dược cho Cục Quản lý lương thực và dược phẩm Liên bang, anh ở vào một vị thế có quyền lực. Anh làm ra khá tiền, nhưng khi thực hiện các cuộc xét nghiệm, anh cho nhiều loại dược phẩm mà các dược sĩ liên bang đã thông qua là chưa đạt yêu cầu chất lượng. Thế rồi nhiều công ty dược phẩm khổng lồ đã cho người tiếp cận anh và ngỏ ý với anh rằng họ có nhiều công việc dành cho anh, với lương bổng hậu hĩ chưa từng thấy. Nếu chịu "uyển chuyển" hơn một ư, anh sẽ mau thăng tiến hơn. Artie xua họ đi. Rồi cuối cùng một trong những loại thuốc mà anh đã phủ quyết lại được chấp thuận "trên đầu anh". Một năm sau, loại dược phẩm đó bị buộc phải tái kiểm và bị cấm lưu hành bởi vì những hiệu ứng độc hại đối với bệnh nhân - Có vài người đã chết sau khi dùng loại thuốc đó. Toàn bộ sự việc được đưa lên báo chí và Artie trở thành người hùng trong một thời gian. Anh còn được đề bạt lên cấp quản lý cao trong cơ quan. Nhưng được ngầm hiểu rằng không bao giờ anh có thể lên cao hơn nữa. Rằng anh sẽ chẳng bao giờ trở thành thủ trưởng cơ quan, vì anh thiếu hiểu biết về những yêu cầu chính trị của công việc. Anh chẳng thèm quan tâm và tôi lấy làm tự hào về ông anh đầy tiết tháo của mình.
Tôi muốn sống một cuộc đời đáng quý trọng, đó là cao vọng của tôi. Tôi tự hào là một người thực tế, vì thế không chờ đợi mình hoàn hảo hay chí thiện. Nhưng khi lỡ làm điều gì bậy, tôi liền thấy bất mãn và tự chế giễu chính mình, và thường tự hứa phải dứt khoát không tái phạm điều ấy nữa. Nhưng trong thâm tâm tôi thường thất vọng bởi vì có vô khối chuyện bậy mà người ta có thể phạm và vì thế tôi vẫn thường thấy ngạc nhiên.
Giờ đây tôi phải bán cho mình cái ý tưởng trở thành kẻ móc ngoặc. Muốn thành một người khả kính, biết trọng danh dự bởi vì khi nói sự thật tôi cảm thấy bình yên hơn là khi nói dối. Khi mình vô tội, sẽ cảm thấy thoải mái hơn là khi có tội. Tôi đã nghĩ ra rồi. Đó là một ước muốn có tính thực dụng chứ không hề lãng mạn. Nếu như thấy làm kề nói dối hay trộm cắp mà dễ chịu hơn, có lẽ tôi đã làm thế. Và do đó tôi đã khoan dung hơn với nhưng ai đã hành động như vậy. Đó là cái nghiệp của họ, chứ không hẳn là một chọn lựa đạo đức. Đức lí không có liên quan gì ở đây Nhưng tôi không thực sự tin hẳn vào điều đó.
Trong cốt tuỷ, tôi vẫn tin vào thiện ác như là những giá trị đạo đức. Và nếu như cần phải nói sự thật, tôi vẫn luôn muốn ganh đua với người khác. Do đó, muốn là một người tốt hơn đáng trọng hơn. Tôi cảm thấy thoả mãn khi mình không tham lam tiền bạc trong lúc bao nhiêu người khác sẵn dàng hạ mình để có. Khinh thường hư danh, trung thực với phu nữ, tự chọn làm một kẻ vô tội. Tôi hài lòng không hoài nghi về động cơ hành động nơi người khác, và trong hầu hết mọi việc tôi tin họ. Sự thật là tôi chưa bao giờ tin vào chính mình. Sống có danh dự là một điều, sống liều lĩnh lại là một điều khác.
Nói tóm lại là chẳng thà chấp nhận bị lừa hơn là lừa người khác, thất vọng hơn là gây thất vọng cho người, tôi sẵn lỏng chấp nhận xoay xở khi nào tôi chưa trở thành một kẻ gian hùng, cơ hội. Chẳng thà bị nguỵ tạo, bị lạm dụng chứ nhất quyết không làm một nghệ sĩ trá nguỵ.
Và hiểu rằng đây là một thứ áo giáp mà tôi giấu mình, rằng nó không thực sự đáng ngưỡng mộ. Thế giới không thể gây tổn thương cho tôi nếu không thể làm cho tôi thấy mình phạm tôi. Nếu tôi nghĩ tốt về mình thì người khác có nghĩ xấu về tôi, cũng đâu thành vấn đề? Tất nhiên không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Bộ áo giáp có những kẽ hở. Và qua năm tháng, tôi đã phạm một số sơ suất. Và tuy thế - tuy thế tôi cảm thấy ngay cả điều này, ra vẻ chính trực một cách tự mãn, éo le thay, lại là sự xảo trá ở cấp thấp nhất! Rằng tính đạo đức của tôi đặt nền móng trên một tảng đá lạnh lùng. Rằng đơn giản chỉ vì không có cái gì trong cuộc đời khiến tôi khao khát đến độ nó có khả nãng làm hư hỏng tôi. Điều duy nhất mà tôi muốn làm là sáng tạo một tuyệt tác nghệ thuật. Không phải vì danh tiếng, vì tiền bạc hay vì quyền lực, hay tôi nghĩ như thế. Hoàn toàn chỉ vì lợi ích cho nhân loại. A, tôi nhở có lần vào thuở thiếu niên, hoang mang với mặc cảm tội lỗi và ý nghĩ về sự bất xứng của bản thân mình, tuyệt vọng đến buồn nôn trước hiện sinh phi lý, tôi chạy trốn thực tại bằng cách đắm mình vào bộ tiểu thuyết đồ sộ "Anh em nhà Karamarov"của Dostoevsky. Quyển sách đó đã làm thay đổi đời tôi. Cho tôi sức mạnh tinh thần cho tôi thấy được vẻ đẹp dễ tổn thương nơi mọi con người dù, bên ngoài họ có thể tầm thường ti tiện đến đâu. Và luôn nhớ cái ngày cuối cùng tôi buông quyển sách ra, trả nó lại cho thư viện của trường rồi đi ra trong ánh nắng vàng chanh của một chiều thu nhẹ mơn man aa thịt. Lòng tôi lâng lâng một niềm vui thanh thoát như vừa nhận được một thiên khải.
Và thế là tôi chỉ mong ước viết được một quyển sách có khả năng làm cho người khác cảm nhận được điều mà ngày đó mình cảm nhận. Với tôi, đó là sự thi triển quyền năng tối hậu và thuần khiết nhất. Và thế là khi quyển tiểu thuyết được xuất bản, quyển sách mà tôi đã mất cả năm năm mới viết ra, mà tôi đã chịu bao đớn đau dằn vặt để xuất bản mà không có sự thoả hiệp hay nhượng bộ nào về nghệ thuật, thì bài điểm sách đầu tiên mà tôi đọc được lại gọi đó là một quyển sách bẩn thỉu, suy đồi một quyển sách lẽ ra không bao giờ nên viết và một khi được viết rồi thì cũng đừng bao giờ đem in ấn, phát hành.
Quyển sách đem lại cho tôi rất ít tiền bạc. Nhưng sau đó nó nhận được nhiều bài tán dương. Nhiều nhà phê bình nhất trí rằng tôi đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật thực sự và quả thực, trong một chừng mực nào đó, tôi đã đong đầy được tham vọng của mình. Vài người còn viết thư rằng tôi có thể viết lời đề tặng quyển sách của mình cho Dostoevsky tôi thấy rằng niềm an ủi từ những bức thư này không đền bù được cảm thức về sự bác bỏ mà thất bại thương mại của quyển sách đem lại cho tôi.
Tôi nảy sinh ý tưởng khác về một kiệt tác thực sự, một quyển tiểu thuyết "Tội ác và trừng phạt" của tôi. Nhưng nhà xuất bản không chịu ứng tiền trước cho tôi. Không có nơi nào chịu. Tôi đành gác bút. Nợ nần chồng chất, dồn lên thấy phát ngợp. Gia đình tôi bị bủa vây trong cùng khổ. Con cái tôi không có những thứ mà những đứa tre khác có. Vợ tôi phải chịu thua chị kém em, chẳng có được niềm vui đua đòi, mua sắm. Tôi phải đi đến Vegas. Và thế là tôi không thể viết. Bây giờ, chuyện đã quá rõ. Để trở thành một nghệ sĩ và người tốt như mong muốn, tôi cần phải kiếm chút đỉnh tiền hối lộ một thời gian để thoát khỏi cơn ngặt nghèo trước mắt và tháo gỡ bớt những vttớng mắc đang trói tay bậc anh tài. Than ôi? Quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt, anh hùng khi gấp cũng khoanh tay. Mong các bạn vô vàn thông cảm cho kẻ sĩ cuối cùng này của nước Mỹ, cái xứ sở rất ư thực dụng và sùng bái tiền bạc, vật chất này! Không biết xứ sở của các bạn có giống vậy chăng? Nếu trên mặt đất này có xứ xở nào mà người ta chỉ sống với những giá trị tinh thần thuần tuý, khinh thường của cải thế gian thì tôi mong ước biết bao, sau một giấc ngủ, thức dậy thấy mình trở thành công dân của cái xứ sở trong mơ đó!
Thế nhưng Frank Alcore cũng còn phải mất đến sáu tháng sau mới đốn ngã tôi được. Mà cũng còn phải nhờ đến vận may nữa cơ đấy! Tôi bị "dính chấu" bởi Frank vì anh ta là một tay chơi thiện nghệ. Khi anh ta mua món quà cho vợ, luôn luôn là có vật gì đó anh ta có thể cầm cố nơi tiệm cầm đồ nếu như anh ta hết tiền mặt. Và điều tôi thích là cách anh sử dụng tài khoản kiểm soát của mình.
Vào những ngày thứ bảy, Frank thường ra ngoài, dẫn gia đình đi mua sắm. Tất cả cấc thương gia láng giềng đều biết anh và họ đổi tiền mặt cho các tấm séc của anh.
Nơi cửa hàng thịt, anh sẽ mua những phần thịt bò hay thịt heo ngon nhất, tốn mất khoảng bốn mươi đô-la. Anh sẽ đưa cho người bán thịt tờ séc một trăm đô-la và lấy lại sáu mươi đô-la tiền thối. Chuyện tương tự cũng xảy ra ở cửa hàng rau quả và cả ở hàng rượu. Đến trưa ngày thứ bảy, anh ta sẽ có khoảng hai trăm đô-la tiền thối lại từ việc mua sắm và sẽ dùng số tiền đó để đánh cá các độ bóng đá, bóng rổ, bóng chày. Nếu ăn, thì sáng sớm thứ hai, anh đem tiền đến ngân hàng để cho vào tài khoản của mình.
Nếu thua, anh để cho các tấm séc bị trả lại. Rồi trong tuần anh sẽ xoay sở những khoản tiền lót tay từ các anh tân binh muốn đi vào chương trình sáu tháng để trả cho các tờ séc kia.
Frank thường rủ tôi đến dự những trận đấu bóng bàn đêm và anh bao hết mọi khoản kể cả bánh hot dogs.
Anh ta có bản chất hào phóng tự nhiên và khi tôi giành trả tiền, anh đẩy bàn tay tôi qua một bên và nói đại ý là: "Những người lương thiện làm sao có đủ tiền để ghiền thể thao". Tôi vẫn luôn thấy thoải mái vui vẻ với anh, và trong công việc. Trong giờ ăn trưa chúng tôi chơi bài giải trí và tôi thường thắng được anh năm, bảy đô, không phải vì tôi chơi hay hơn.
Mọi người đều tìm được lí do khoan miễn cho sự vấp ngã về đức hạnh của mình. Sự thật là bạn bắt đầu vấp ngã, khi bạn đã "dọn mình để rước lấy vấp ngã".
Một buổi sáng nọ tôi đến sở làm thì đại sảnh bên ngoài văn phòng của tôi đông nghịt những chàng trai đến tòng quân vào chương trình sáu tháng. Thực tế là cả kho vũ khí đều đầy ắp người. Tất cả các đơn vị đều bận rộn, suốt cả tám tầng nhà, trong việc ghi danh đầu quân.
Người khách đầu tiên của tôi là một ông già nhỏ thó mang theo một cậu thanh niên độ hai mươi mốt tuổi để ghi danh đầu quân. Anh ta đến ghi vào danh sách của tôi.
- Rất tiếc, chúng tôi sẽ chỉ gọi anh sớm nhất là sáu tháng sau.
- tôi nói.
Ông già có tôi mắt xanh với nhãn lực rất có thần toát ra uy quyền đầy tự tin.
- Tốt hơn anh nên hội ý với thượng cấp của anh, - ông ta nói.
Vào lúc đó tôi thấy ông chủ tôi, thiếu tá Quân chính quy, cuống quít ra dấu cho tôi qua ngăn cửa kính. Tôi đứng lên và đi vào văn phòng của ông. Tay thiếu tá này đã từng tham dự thế chiến 2 rồi chiến tranh Triều Tiên, với đủ thứ huân, huy chương đầy trên ngực. Thế nhưng giờ đây ông ta đang tháo mồ hôi hột và rất bồn chồn.
- Thưa thiếu tá, - tôi nói - Lão già kia bảo tôi nên nói chuyện với thiếu tá. Lão ấy muốn con lão được ghi tên trước mọi người vào danh sách. Tôi bảo lão ta rằng tôi không làm thế được.
Thiếu tá gắt om lên:
- Hãy cho lão ta cái gì lão muốn. Lão ấy là một đại biểu Quốc hội đấy.
- Thế còn danh sách đã lập rồi thì sao? - tôi hỏi.
- Dẹp mẹ cái danh sách của anh đi, - lão thiếu tá gào lên.
Tôi quay về bàn giấy của mình nơi vị đại biểu quốc hội và kẻ được ông bảo hộ đang ngồi. Tôi bắt đầu thực hiện các mẫu đăng ký nhập ngũ. Bây giờ tôi biết được tên chú nhóc. Hắn ta đáng giá cả hàng trăm triệu đô-la đấy, trong một ngày không xa. Gia đình hắn là một trong những huyền thoại về thành công vĩ đại trong lịch sử Hoa Kỳ. Và giờ đây hắn lọt vào văn phòng của tôi, đăng ký vào chương trình sáu tháng để tránh phải thi hành hai năm "quân dịch tích cực".
Vị đại biểu xử sự rất hoàn hảo. Ông ta không biểu thị uy quyền với tôi, không làm cho tôi nghĩ rằng, quyền lực của ông ta khiến tôi làm sai lệch luật lệ. Ông ta nói chuyện điềm đạm, hữu nghị, nhắm đúng tâm để buông tên. Người ta phải phục cách ông ta "xử sự" với tôi. Ông ta cố gắng làm cho tôi cảm thấy tôi đang làm ơn cho ông và nêu ra rằng nếu có điều gì ông có thể làm giúp, tôi cứ việc gọi đến văn phòng của ông. Chú nhóc vẫn cứ câm như thóc trừ khi phải khai khẩu để trả lời những câu hỏi khi tôi đánh máy vào mẫu đăng ký đầu quân của cậu ta.
Nhưng tôi hơi cảm thấy "quê độ" mà không hiểu tại sao. Tôi không phản đối về phương diện đạo đức, việc sử dụng quyền lực, ngay cả việc lạm dụng nó. Chỉ có điều họ đã lướt qua đầu tôi mà tôi chẳng thể làm gì được nên mới thấy buồn trong "cái" bụng! Còn cái thằng nhóc kia, tại sao hắn không thể thi hành nghĩa vụ quân sự trọn hai năm để góp phần bảo vệ cái xứ sở đã từng và vẫn còn ưu đãi cho gia đình hắn đến như thế?
Thế nên tôi bèn kín đáo thi thố một "chiêu" nhỏ mà họ không thể biết được. Tôi khuyên chú nhóc vào ngành M.O.S (Military Occupational Specialty), một chuyên ngành của quân đội mà hắn sẽ được huấn luyện.
Tôi khuyên cậu ta đăng ký vào một trong những chuyên ngành điện tử của đơn vị. Thật ra tôi tin chắc rằng thằng nhóc này sẽ là một trong những chàng lính dự bị đầu tiên được gọi vào hàng ngũ chiến đấu một khi sơn hà nguy biến. Đó là một cú bắn tầm xa nhưng đâu có ai nhận ra.
Viên thiếu tá bước ra kêu thằng nhóc vào, bảo hắn lặp lại lời thề tận trung báo quốc của người chiến sĩ. Rồi mọi người bắt tay nhau. Thằng nhóc cố giữ tự chủ cho đến khi hắn và lão đại biểu quốc hội bắt đầu bước ra khỏi văn phòng tôi. Lúc đó thằng nhóc nở nụ cười chúm chím với lão kia.
Đó là nụ cười của đứa bé khi thực hiện một trò rắn mắt hay ma mãnh và qua mặt được người lớn, một nụ cười khó ưa trên khuôn mặt của một kẻ hậu sinh khả ố.
Nhất là trong tình huống này. Tôi hiểu rằng nụ cười đó thực ra không làm hắn trở thành một kẻ xấu xa, nhưng nụ cười đó đã xá tội cho tôi về việc đã đưa hắn vào cái bẫy chuyên ngành quân sự.
Frank Alcore đã nhìn toàn bộ sự việc từ bàn giấy của anh ta, phía bên kia của căn phòng. Anh ta không để phí chút thời gian nào.
- Bao giờ cậu mới thôi làm một thằng thủ dâm tinh thần? - Frank hỏi. - Lão đại biểu ấy móc mất một trăm đô-la từ túi của bạn. Và chỉ có Trời biết lão hưởng được bao nhiêu trong vụ áp phe lính kiểng này. Tầm cỡ lão ít ra cũng phải được đấm mõm dăm ba ngàn đô. Thằng nhãi đó mà lọt vào tay tớ, ít ra là tớ cũng bóp nặn được năm Con ong mật. Để vụt mất một con bò sữa quá béo bở thật phí của giời?
Anh nổi giận một cách tích cực! Khiến tôi phì cười.
- A, cậu không chịu nhìn sự việc một cách nghiêm chỉnh đúng mức, - Frank nói. - Cậu có thể vồ được những món tiền khơ khớ, rất khoẻ mà cũng rất an toàn, để giải quyết bao nhiêu chuyện nhức đầu cho cậu để cho vợ con cậu mặt tươi lên một tí, nếu cậu chịu nghe lời tớ.
- Không, tôi dứt khoát không, - tôi nói.
- Thôi được, thôi được, - Frank nói. - Nhưng cậu làm ơn làm phước giúp cho mình nhé. Mình cần một khe trống. Cậu có thấy cái thằng nhóc tóc đỏ ở bàn mình không? Nó sẽ chi năm trăm. Nó đang chờ giấy gọi thi hành nghĩa vụ quân sự bất cứ ngày nào. Một khi đã có giấy báo, hắn không còn có thể đăng ký vào chương trình sáu tháng được nữa. Như vậy là trái quy định. Vì thế mình phải đăng ký cho cu cậu ngay hôm nay. Và mình không còn khe nào trong các đơn vị của mình nữa. Mình muốn cậu ghi tên hắn vào các đơn vị của cậu và mình sẽ cưa đôi khoản này với cậu. Mong cậu giúp cho một lần này thôi!
Anh nài nỉ với vẻ tuyệt vọng vì thế tôi động lòng và nói:
- Thôi được, gửi thằng nhóc đến cho tôi. Nhưng tiền thì anh cứ giữ hết. Tôi không muốn lấy.
Frank gật đầu:
- Cám ơn. Tôi sẽ giữ luôn phần của cậu. Khi nào cậu đổi ý cứ thẳng thắn cho tôi biết.
Đêm hôm đó, khi tôi về nhà, Vallie cho tôi ăn món súp và tôi chơi đùa với lũ trẻ trước khi chúng đi ngủ. Sau đó Vallie bảo nàng cần một trăm đô-la để mua quần áo, giày dép cho lũ nhóc vào dịp lễ Phục Sinh. Nàng chẳng nói gì về chuyện sắm sửa cho nàng, mặc dầu cũng giống như mọi tín đồ Công giáo việc sắm một bộ quần áo mới trong dịp lễ Phục Sinh đối với nàng cũng hầu như là một nghĩa vụ tôn giáo.
Sáng hôm sau, tôi vào văn phòng và nói với Frank:
- Nghe đây, tôi đã đổi ý. Tôi lấy nửa của tôi.
Frank vỗ vai tôi:
- Cậu không còn trẻ con nữa. Thế mới phải chứ, - anh nói.
Anh khoèo tôi vào phòng vệ sinh nam và rút ví ra, đếm năm tờ năm mươi đô-la trao tay tôi.
- Mình sẽ có khách hàng khác trước cuối tuần.
Tôi không trả lời anh.
Đó là lần duy nhất trong đời tôi mà tôi đã làm một chuyện thực sự không tử tế. Và tôi đã không cảm thấy có gì ghê gớm cho lắm. Và ngạc nhiên thay tôi lại thực sự cảm thấy hứng thú. Tôi vui như sáo sậu, và trên đường về nhà tôi mua quà cho Vallie và đám nhóc. Khi đến nhà và đưa cho Vallie một trăm đô-la để mua sắm quần áo mới cho lũ trẻ, tôi có thể thấy nàng có về nhẹ người vì sẽ không phải xin tiền bố mẹ. Đêm đó tôi ngủ ngon giấc như chưa từng có trong bao năm rồi.
Sau đó tôi độc lập tác chiến, không cần dựa vào Frank nữa. Toàn bộ nhân cách của tôi bắt đầu tay đổi.
Thật là một ám ảnh thường xuyên khi làm kẻ chịu móc ngoặc. Chuyện kiếm chác bất chính đó đã lấy đi những gì tốt đẹp nhất nơi tôi. Tôi bỏ cả việc viết văn; trong thực tế tôi đã mất hứng thú đối với quyển sách mới mà tôi đang sáng tác. Lần đầu tiên trong đời, tôi tập trung vào công việc chính quyền.
Tôi bắt đầu nghiên cứu những bộ sách dày cộm về các luật lệ và quy định trong quân đội, tìm kiếm tất cả những kẽ hở pháp lí qua đó những ai đang phục vụ dưới cờ có thể thoát khỏi quân đội. Một trong những điều đầu tiên tôi học được đó là những tiêu chuẩn giám định y khoa để phân loại sức khoẻ cho thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự được hạ thấp hay nâng cao một cách khá tuỳ tiện. Một chàng trai trong đợt khám tháng này có thể được coi là thiếu sức khoẻ để phục vụ quân đội nhưng sáu tháng sau lại được xếp hạng "chiến đấu vì sức khoẻ tốt".
Tất cả tuỳ thuộc vào chỉ tiêu tuyển quân do Washington đưa ra. Và có thể còn tuỳ thuộc cả vào sự phân bổ ngân sách. Có những điều khoản quy định rằng những ai đã từng qua trị liệu sốc vì rối loạn tinh thần thì không thể được tuyển mộ vào quân đội. Nhưng kẻ đồng tính ái cũng vậy. Hay là nếu anh ta đang làm công việc với chuyên môn kỹ thuật cao, nếu cho làm lính thì quá phí phạm nhân tài.
Rồi tôi nghiên cứu các khách hàng của tôi. Họ ở trong độ tuổi từ mười tám tới hai mươi lăm và những "món nóng sốt" thường ở độ tuổi hăm hai, hăm ba, vừa tốt nghiệp cao đẳng hay đại học và kinh hoàng với ý nghĩ phí phạm hai năm tuổi trẻ trong quân ngũ. Họ cuống cuồng đi đăng ký vào quân dự bị và chỉ phải thi hành sáu tháng nghĩa vụ tích cực.
Những kẻ này đều có tiền hoặc xuất thân từ những gia đình giàu có hoặc ít ra cũng khá giả. Họ đều được đào tạo để đi vào những ngành nghề chuyên môn. Một ngày nào đó, họ sẽ là giai cấp trung lưu lớp trên, nhưng kẻ giàu sang, những người lãnh đạo trong những lãnh vực khác nhau của đời sống Mỹ. Trong thời chiến tranh, họ sẽ tìm cách để vào trường Sinh viên sĩ quan. Bây giờ họ đang mong muốn được vào làm thợ nướng bánh hay sửa quần áo hay bảo trì cơ khí ô tô trong quân đội. Một người trong bọn họ ở tuổi hai mươi lăm đã có địa vị nơi Thị trường chứng khoán New York; một người khác là chuyên gia ngành bảo hiểm. Vào thời đó, thị trường chứng khoán Wall Street đang sôi động với những cổ phiếu mới vừa được phát hành đã tăng vọt lên mười điểm và đám này phất lên nhanh chóng. Tiền bạc luân lưu thông suốt. Họ trả tiền tôi và tôi trả cho anh Artie số tiền mấy ngàn đô-la mà tôi nợ anh. Anh ngạc nhiên và hơi tò mò. Tôi bảo anh là tôi gặp hên trong bài bạc. Tôi quá xấu hổ để nói sự thật cho anh biết và đó là một trong những lần hiếm hoi mà tôi nói dối anh.
Frank trở thành nhà tư vấn của tôi:
- Hãy trông chừng mấy thằng nhãi ranh này, - anh nói - Chúng là một bọn chạy chọt xoay sở. Phải tỏ ra cứng cựa để chúng nể nang cậu.
Tôi nhún vai. Tôi không hiểu những phân biệt đạo đức tế nhị của anh.
- Chúng đều la một lũ khóc nhè, - Frank nói. - Tại sao chúng không thể đi quân dịch trong hai năm để phục vụ tổ quốc thay vì chạy chọt để vào cái trò nhảm sáu tháng này? Cậu và tớ, bọn mình đều đã tham chiến, đã chiến đấu vì xứ sở và bọn mình chẳng có được gì vẫn nghèo rớt năm bảy hạt mồng tơi. Còn bọn đó, xứ sở này đã ưu đãi chúng rất nhiều. Gia đình chúng giàu sang, quyền thế. Chúng được những chỗ làm ngon lành, tương lai xán lạn. Thế mà, cái lũ khốn đó còn trốn tránh nghĩa vụ đối với Tổ quốc. Thế có phải là bất công hay không?
Tôi ngạc nhiên về cơn giận của anh, bởi vì thường thì anh rất dễ tính, cởi mở, không nói tiếng nặng với ai.
Và tôi biết lòng ái quốc của anh là thành thật, chứ không phải lên gân hay giả tạo.
Trong những tháng tiếp theo, tôi chẳng mấy khó khăn để tạo ra số khách hàng cho mình. Tôi lập hai danh sách: Một là danh sách phân công chờ chính thức; còn cái kia là danh sách riêng của tôi về những kẻ lo lót. Tôi cẩn thận không quá tham lam. Và tôi kiếm thêm ngàn đô-la mỗi tháng một cách trôi chảy êm xuôi trót lọt. Trong thực tế là các khách hàng của tôi phải tranh nhau, phải đấu thầu, và tôi nâng giá lên ba trăm đô-la mỗi cậu em.
Nhưng mặt khác tôi cũng "chiếu cố" cho một số em trong "diện chính sách": các em nghèo mà ngoan, các chàng văn, thi, nhạc sĩ, nói chung là giới văn nghệ sĩ. Đó là phần thuế nộp cho "giáo hội văn nghệ" mà tôi tự định ra cho mình, bởi vì từ lâu tôi đã ngưng viết lách, không còn cảm thấy sự thúc đẩy phải viết nữa, đồng thời lại bức rứt thấy mình có tội khi trốn chạy nghiệp dĩ. Trong thực tế, tôi đang đùn cao tội lỗi lên cũng nhanh như đang đùn cao tiền bạc. Và cố cứu chuộc tội lỗi của mình theo cách cổ điển của người Mỹ, đó là "hành thiện". Dầu tôi không biết, nhưng tôi đã tạo ra được nhiều bạn bè tốt trong các đơn vị mà về sau chính họ sẽ cứu mạng cho tôi.
Frank cằn nhằn tôi về việc thiếu bản năng kinh doanh. Anh cho rằng tôi quá hiền lành, rằng tôi cần phải cứng rắn hơn, nếu không mọi người sẽ lợi dụng tôi, sẽ lấn lướt tôi. Nhưng anh lầm. Tôi không quá hiền lành dễ thương như anh nghĩ, hay như bao người khác vẫn nghĩ.
Bởi vì tôi đang nhìn về phía trước. Chỉ cần huy động chút thông minh tối thiểu, tôi đủ biết rằng chuyện làm ăn này thế nào cũng có ngày "bể mánh". Có quá nhiều người dính líu vào. Hàng trăm công chức dân sự làm công việc giống tôi đang ăn hối lộ. Hàng ngàn lính dự bị đang đăng ký vào chương trình sáu tháng chỉ sau khi trả một khoản phí đầu quân. Đó là một điều vẫn còn chọc ngứa tôi, khi thấy thiên hạ hăng hái tranh nhau chi tiền để được vào làm lính!
Một ngày nọ, có ông kia khoảng độ ngũ tuần đến với con trai. Ông ta là một doanh gia giàu có và cậu con là một luật sư tập sự. Ông bố ôm theo một bó thư giới thiệu, gởi gắm, của các chính trị gia. Ông ta nói chuyện với ông thiếu tá, rồi ông ta trở lại vào cái đêm họp mặt các đơn vị và gặp vị đại tá quân trừ bị. Họ rất lịch sự với ông ta nhưng chỉ ông ta qua tôi với chỉ tiêu thông thường.
Thế là ông bố dẫn cậu con đến bàn giấy của tôi để ghi tên chú nhóc vào danh sách chờ chính thức. Tên ông ta là Hiller và tên cậu con là Jeremy.
Ông Hiller chuyên doanh về xe hơi, ông có một tổng đại lý xe Cadillac. Tôi bảo cậu con điền vào bảng phỏng vấn thông thường và chúng tôi tán gẫu với nhau.
Cậu con không nói gì, trông cậu có vẻ bối rối. Ông Hiller nói:
- Cháu nó phải đợi bao lâu trên danh sách này!
Tôi dựa ngửa vào lưng ghế và buông ra câu trả lời thường lệ:
- Sáu tháng!
- Cháu sẽ được gọi nhập ngũ trước thời hạn đó, - ông Hiller nói. - Tôi rất trân trọng nếu như anh có thể làm được gì để giúp cháu.
Tôi đáp lửng lơ:
- Tôi chỉ là một thư ký văn thư. Những người duy nhất có thể giúp ông là những sĩ quan mà ông đã nói chuyện với họ rồi đó. Hay là ông có thể thử bàn với ông đại biểu quốc hội xem.
Ông ta nhìn thật lâu, xoáy sâu vào tôi rồi lấy ra danh thiếp đưa cho tôi:
- Nếu có khi nào anh mua xe hơi, hãy đến gặp tôi. Tôi sẽ tính giá vốn cho anh.
Tôi nhìn tấm thiếp của ông và cười:
- Ngày nào tôi mua được xe Cadillac thì chắc là tôi không cần phải làm việc ở đây nữa đâu.
Ông Hiller trao đến tôi một nụ cười hữu hảo.
- Tôi cũng áng chừng là như thế, - ông nói. - Nhưng nếu anh có thể giúp tôi, thì thật quý hoá quá.
Ngày hôm sau tôi nhận được cú phôn của ông Hiller.
Ông ta có sự vồn vã dễ làm thân của một người chào hàng kiêm nghệ sĩ. Ông ta hỏi thăm sức khoẻ của tôi, hỏi tôi có vui không và nhận xét rằng hôm nay thật là đẹp trời Và rồi ông ta nói ông ta rất có ấn tượng với sự lịch thiệp của tôi, hiếm thấy nơi một viên chức chính quyền khi tiếp xúc với công chúng. Rất ấn tượng và đầy lòng biết ơn nên khi ông nghe nói có một chiếc Dodge, chạy mới một năm, đem chào bán ông đã mua nó và sẵn lòng để lại cho tôi với giá vốn. Tôi có vui lòng gặp ông dùng bữa trưa và bàn chuyện đó?
Tôi nói với ông Hiller rằng tôi không thể gặp ông để cùng đi ăn trưa nhưng tôi sẽ ghé phòng trưng bày xe của ông trên đường về nhà sau giờ làm việc. Ông ta ở Roslyn, Long Island, không hơn nửa giờ chạy xe từ khu chung cư của tôi ở Bronx. Và trời vẫn còn sáng khi tôi đến đó. Tôi đậu xe và đi loanh quanh nhìn các chiếc xe Cadillac và tôi bị tác động mạnh bởi thói ham muốn của giai cấp trung lưu. Nhưng chiếc Cadillac với kiểu dáng đẹp thuôn lài, bóng mượt và vững chãi; chiếc thì sơn màu vàng sẫm, chiếc khác màu trắng kem, màu xanh đậm hay màu đỏ như lửa. Tôi nhìn vào bên trong và thấy phần trang trí lộng lẫy với những chiếc ghế ngồi sang trọng. Tôi chưa bao giờ quan tâm nhiều đến xe cộ, nhưng vào lúc ấy, tôi thèm thuồng một chiếc Cadillac vô cùng.
Tôi đi về dãy nhà xây tường gạch và đi qua một chiểc Dodge màu xanh trứng chim két. Một chiếc xe rất xinh xắn mà có lẽ tôi đã thích ngay nếu như trước đó tôi không đi nghía các em Cadillac đẹp mê hồn kia. Tôi nhìn vào trong xe. Ghế nệm cũng tiện nghi, êm ái đấy nhưng không sang mấy. Quá xoàng!
Nói tóm lại là, tôi đang phản ứng theo phong cách của một anh mới phất, giàu xổi nhờ của hoạnh tài. Có điều gì đó thật buồn cười đã xảy ra trong tôi từ mấy tháng qua. Lúc lấy món hối lộ đầu tiên, tôi rất áy náy, sượng sùng. Tôi đã nghĩ tôi sẽ bớt tập trung về mình; tôi vẫn luôn quá tự hào là mình chẳng bao giờ gian dối. Vậy rồi tại sao tôi lại quá vui với vai trò kẻ ản hối lộ lẻ tẻ, kẻ xoay sở linh tinh?
Sự thật là tôi trở nên một người hạnh phúc bởi vì tôi đã trở nên một kẻ phản bội đối với xã hội. Tôi thích lấy tiền để phản bội lại niềm tin của mình như một viên chức chính quyền. Thích xoay xở với đám nhóc đến gặp tôi. Tự che giấu, giả vờ, lừa phỉnh với sự thích thú ranh ma. Nhiều đêm nằm thao thức, nghĩ ra những mưu thuật trá nguỵ mới, tôi cũng ngạc nhiên về sự thay đổi ấy nơi mình. Và hình dung ra là tôi đang báo thù phục hận cho việc mình đã bị khước từ việc trở thành một nghệ sĩ, rằng đang được bù trừ cho cái di sản vô giá trị của tôi như một đứa trẻ mồ côi. Cho sự kiện mình chẳng làm nên công nghiệp gì để lưu danh với đời. Phải chăng vì tài bất cập chí, lực bất tòng tâm, hay chỉ vì sinh bất phùng thời, đầu thai nhầm thế kỷ!
Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng đã tìm được cái gì đó mà mình có thể làm tốt; cuối cùng đã thành công như một người lo được cho vợ cho con. Và cũng khá kỳ lạ, tôi đã trở nên một người chồng, người cha tốt hơn. Tôi hướng dẫn cho các con làm bài tập ở nhà. Và bây giờ vì đã thôi viết lách, tôi có nhiều thời giờ dành cho Vallie hơn. Đi xem xi-nê, xem kịch, có thể thuê một người giữ trẻ và trả tiền gia nhập các câu lạc bộ. Mua quà tặng nàng. Tôi bảo Vallie rằng tôi kiếm được thêm nhờ cộng tác với vài tạp chí. Thực ra thì năm khi mười hoạ tôi mới đăng được một bài với tiền nhuận bút rất tượng trưng nhưng cứ nói phóng lên.
Tôi là một tên trộm cắp hạnh phúc, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, tôi vẫn biết rằng sẽ có một ngày phải tính sổ lại Thế là tôi từ bỏ mọi ý tưởng mua chiếc Cadillac và thu xếp việc mua chiếc Dodge màu trứng két.
Ông Hiller có một văn phòng rộng với những bức hình chụp vợ con trên bàn giấy. Không có cô thư kí nào và tôi hi vọng rằng đó chỉ vì ông ta đủ khôn ngoan, đã tìm cớ để cô ta đi chỗ khác để cô ta không thấy tôi. Tôi thích bàn việc với những kẻ khôn ngoan. Tôi rất ngại những kẻ ngu.
Ông Hiller bảo tôi ngồi xuống và rút một điếu xì gà và hỏi han sức khoẻ của tôi. Rồi ông đi vào vấn đề:
- Anh đã thấy chiếc Dodge màu xanh ấy chưa? Xe đẹp đấy chứ? Kiểu dáng hoàn hảo. Tôi có thể để anh mua nó. Hiện anh đang lái chiếc gì vậy?
- Một chiếc Ford đời 1950, - tôi nói.
- Tôi để anh sử dụng nó như một trao đổi bù thêm tiền, - ông Hiller nói. - Anh có thể lấy chiếc Dodge với năm trăm đô-la tiền mặt và chiếc Ford của anh.
Tôi giữ vẻ mặt thẳng thắn. Rút năm trăm đô-la từ ví ra, tôi nói:
- Tôi nhất trí với đề nghị của ông.
Ông Hiller nhìn, hơi có vẻ ngạc nhiên:
- Anh chắc là giúp được con tôi, anh hiểu chứ.
Ông thực sự hơi lo là tôi không nắm bắt được ý ông. Lại một lần nữa tôi ngạc nhiên, thích thú biết bao với những vụ giao dịch làm ăn nho nhỏ này. Tôi biết mình có thể bắt lão nhượng bộ. Rằng có thể lấy chiếc Dodge chì bằng cách đổi chiếc Ford cũ mèm của mình. Thực sự trong cuộc đổi các này tôi được lợi cả ngàn đô-la ngay dù có bù thêm cho lão năm trăm. Nhưng tôi thấy không nên mặc cả riết róng quá, kiểu vắt chày ra nước, khó lưu lại được chút tình cảm. Tôi vẫn còn chút máu anh hùng lục lâm, nghĩa khí giang hồ kiểu Robin Hood trong người.
Tôi vẫn nghĩ về mình như một kẻ chỉ lấy tiền từ người giàu vì đã làm được điều gì đáng với đồng tiền của họ.
Nhưng điều làm tôi thích thú nhất là nét lo lắng trên khuôn mặt ông ta, sợ tôi không nắm bắt được cái ý rằng đây là một vụ hối lộ chứ không phải chuyện mua bán bình thường. Vì thế tôi nói rất thản nhiên không cười, rất thực tiễn:
- Con trai ông sẽ được ghi vào danh sách chương trình sáu tháng, trong vòng tuần này.
Vẻ nhẹ nhõm và tôn trọng lộ rõ trên mặt ông Hiller.
Ông nói:
- Tối nay chúng tôi sẽ hoàn tất mọi giấy tờ, và tôi sẽ lo biển số lưu thông. Mọi chuyện cứ thế tiến hành.
Ông ta nghiêng người tới trước để bắt tay tôi.
- Tôi đã nghe nói về anh nhiều lắm, - ông nói. - Mọi người đánh giá anh cao.
Tôi hài lòng. Tất nhiên tôi biết ông ta có ý nói gì.
Rằng thì là tôi có được cái "danh thơm tiếng tốt" là một kẻ móc ngoặc lương thiện. Xét cho cùng, đó cũng là một cái gì sáng giá đấy chứ? Một thành tựu đáng tự hào!
Trong khi các loại giấy tờ được đám thư ký thảo ra, ông Hiller tán gẫu với tôi song có chủ ý. Ông cố khám phá xem coi tôi độc lập tác chiến hay nằm trong dây chuyền của đại tá và thiếu tá. Ông ta khôn lanh lắm. Hẳn là do bẩm sinh nhưng cũng có do công việc rèn luyện, tôi đoán thế. Trước tiên ông ta khen tôi thông minh nhạy bén nắm bắt nhanh chóng mọi chuyện. Rồi ông bắt đầu đặt những câu hỏi. Ông e ngại rằng nhị vị sĩ quan có thể nhớ mặt con ông.
- Họ có nhớ mặt cháu nó không? Họ có sẽ hỏi tại sao thằng bé lại nhảy vào danh sách quá nhanh gọn vậy không? - ông Hiller thắc mắc.
Ông điểm đúng huyệt, nhưng tôi hoá giải dễ dàng:
- Tôi có hỏi ông câu nào về chiếc xe Dodge đâu? - Tôi vặn lại.
Ông Hiller mỉm cười thân mật với tôi:
- Tất nhiên rồi, - ông nói. - Anh biết rõ công việc của anh. Nhưng đấy là con tôi. Tôi không muốn thấy nó bị dính vào chuyện lôi thôi do những gì tôi làm.
Tâm trí tôi bắt đầu phiêu du. Tôi đang nghĩ đến Vallie sẽ vui mừng biết bao khi nàng thấy chiếc Dodge màu xanh: nàng thích màu xanh và nàng ghét chiếc xe Ford cà tàng, cũ rích.
Tôi cố gắng buộc mình phải suy nghĩ về câu hỏi của ông Hiller. Tôi nhớ cậu con Jeremy của ông để tóc dài và mặc một bộ comple cắt rất khéo với chiếc áo gì-lê, sơ-mi, cà vạt đúng mốt.
- Ông bảo Jeremy chịu khó cắt tóc ngắn và mặc quần áo thể thao khi tôi gọi cậu ta vào văn phòng, - tôi nói. - Họ sẽ không nhớ cậu ấy.
Ông Hiller có vẻ nghi ngờ:
- Jeremy chắc không thích làm như vậy, - ông nói.
- Vậy thì cậu ta không phải làm thế, - tôi nói. - Tôi không tin vào chuyện bảo người khác làm những gì mà họ thấy không thích. Tôi sẽ lo chuyện đó. - Tôi nói cho xong chuyện vì hơi sốt ruột.
- Thế thì tốt quá, - ông Hiller nói. - Tôi phó thác chuyện đó vào tay anh.
Khi tôi lái chiếc xe mới về nhà, Vallie rất vui sướng và tôi chở nàng với lũ nhóc dạo một tua quanh phố phường.
Chiếc Dodge lướt êm như mơ và chúng tôi bật radio lên. Chiếc Ford cũ của tôi không có radio. Chúng tôi dừng xe, ghé vào quán ăn bánh pizza, uống nước giải khát, bây giờ đối với chúng tôi là chuyện quá thường nhưng là điều trước đây chúng tôi ít khi làm từ khi lập gia đình, vì chúng tôi phải dè xẻn từng xu. Rồi chúng tôi dừng nơi một cửa hàng bánh kẹo, dùng kem soda, mua một con búp bê cho con gái và đồ chơi chiến tranh cho hai cậu con trai. Và tôi mua cho Vallie một hộp chocolate Schraff. Tôi là ông hoàng Aga Khan và như thể tôi vừa tặng cho nàng một viên kim cương lớn bằng viên kim cương Ritz.
Tôi nhớ lại những ngày tôi phải đem cầm cố chiếc máy đánh chữ để cầm cự qua tuần. Nhưng đó là trước khi tôi bỏ đi Las Vegas. Từ lúc ấy thời vận tôi đã đổi thay.
Không còn phải làm cùng lúc hai việc nữa; hai mươi ngàn đô-la cất trong những kẹp bản thảo cũ, để dưới đáy tủ quần áo. Một cuộc làm ăn thịnh vượng có thể tạo nên cả một sản nghiệp cho tôi, trừ phi toàn bộ guồng máy bị tháo tung hoặc một thoả hiệp toàn cầu khiến các siêu cường không cần phải tốn nhiều tiền đến thế cho quân đội nữa.
Lần đầu tiên tôi hiểu được tính toán và công việc của những ông chủ công nghiệp chiến tranh và các ông tướng cảm thấy thế nào. Sự đe doạ của một thế giới ổn định có thể dìm tôi trở lại cảnh cùng khổ. Không phải là tôi mong muốn có một cuộc đại chiến mới nhưng không thể không mỉm cười khi nhận ra rằng tất cả những cái gọi là thái độ tự do của tôi đang hoà tan trong niềm hi vọng rằng Nga với Mỹ sẽ không quá hữu nghị với nhau, ít ra là trong lúc này.
Vallie hơi ngáy nhẹ, điều đó không làm phiền tôi. Nàng phải vất vả với đám nhóc, lo chăm sóc nhà cửa và chăm sóc cho cả tôi nữa. Nhưng thật lạ là tôi luôn thức khuya dầu tôi có mệt mỏi đến đâu. Nàng vẫn luôn ngủ trước tôi. Đôi khi tôi thức dậy viết mấy trang cho quyển tiểu thuyết của mình trong nhà bếp và tự nấu món gì đó để ăn và chỉ quay lại giường lúc ba hay bốn giờ sáng.
Nhưng bây giờ tôi không viết tiểu thuyết nữa, vì vậy tôi không có việc gì để làm. Tôi mơ hồ nghĩ rằng tôi nên bắt đầu viết trở lại. Xét cho cùng, tôi đã có thời giờ và tiền bạc. Nhưng sự thật là tôi thấy đời mình quá hứng khởi, quay cuồng với việc thương lượng và nhận hối lộ và lần đầu tiên có quyền tiêu tiền cho những chuyện điên rồ nho nhỏ.
Nhưng vấn đề lớn là tìm nơi đâu để cất giấu an toàn số tiền mặt của tôi, đề phòng trường hợp bị nghi ngờ, khám xét. Tôi không thể cất ở nhà. Tôi đã nghĩ đến ông anh Artie. Anh có thể gửi vào ngân hàng, trong tài khoản của anh và anh sẽ nhận lời nếu tôi yêu cầu anh làm chuyện đó. Nhưng tôi không thể. Vì anh trung thực một cách gắt gao. Anh sẽ hỏi tôi tiền đâu tôi có và tôi sẽ phải nói rõ cho anh biết. Anh chưa từng bao giờ làm điều gì bất lương để vụ lợi cho mình hay cho vợ con. Anh thực sự liêm chính, đúng mực. Anh sẽ làm cho tôi, nhưng anh sẽ không bao giờ cảm nhận về tôi như trước nữa. Và tôi không thể chịu đựng điều đó. Có những việc bạn không thể làm hoặc không nên làm. Và yêu cầu Artie giữ tiền cho tôi là một trong những việc đó. Đây sẽ không phải là hành động của một người anh em hay một người bạn.
Tất nhiên là, có những người anh em mà bạn sẽ không yêu cầu giữ tiền hộ vì họ sẽ giữ luôn cho bạn do vì quá nhiệt tình, sợ bạn sẽ bị hư hỏng bởi tiền bạc. Tôi nghĩ đến một người khác - Cully. Tôi sẽ hỏi anh ta về cách tốt nhất để cất giấu tiền bạc, khi anh đến đây lần tới. Cully sẽ biết bởi vì đó là ngón sở trường của anh ta. Và tôi phải giải quyết vấn đề. Tôi có linh cảm rằng tiền bạc sắp chảy vào càng lúc càng nhanh hơn.
Tuần sau, tôi đưa Jeremy Hiller vào anh sách quân dự bị mà không gặp trở ngại nào và ông Hiller rất biết ơn đến nỗi ông ân cần mời tôi đến chỗ đại lý của ông để thay bộ vỏ ruột mới cho chiếc Dodge của tôi. Tự nhiên tôi nghĩ đây là do lòng biết ơn và tôi vui vì ông ta là một doanh nhân. Trong lúc tay thợ cơ khí thay bộ săm lốp mới vào chiếc xe tôi, ông Hiller đưa ra một đề nghị mới với tôi.
Ông ta khởi động bằng cách dọn ra vài món khai vị dễ chịu. Với một nụ cười ngưỡng mộ, ông ta khen tôi khôn ngoan, trung thực và tuyệt đối đáng tin cậy. Làm ăn với tôi thật dễ chịu và nếu có khi nào tôi thôi làm cho nhà nước, ông sẽ dành cho tôi một việc làm tốt. Tôi nuốt ngon lành những "món nhắm" quá ư "bắt mồi" kia, bởi trong đời tôi ít được ai khen, quá ít! Ngoại trừ ông anh Artie của tôi và vài tay điểm sách chưa mấy nổi danh. Tôi còn không đoán được cả điều gì sắp xảy ra nữa là.
- Tôi có một người bạn thân đang cần anh giúp vô cùng, - ông Hiller nói. - Ông ấy có cậu con rất cần được đăng ký đầu quân vào chương trình sáu tháng của quân dự bị.
- Chắc là được thôi, - tôi nói. - Gửi cậu ta đến gặp tôi và bảo cậu ta nhắc tên ông.
- Song le, có một vấn đề lớn, - ông Hiller nói. - Cậu ta đã nhận giấy gọi nhập ngũ.
Tôi nhún vai:
- Nếu vậy thì cu cậu hết dịp may rồi. Nói với bố mẹ cậu ta hãy hôn tạm biệt con họ trong hai năm.
Ông Hiller cười:
- Anh có chắc rằng một chàng trai khôn khéo như anh lại không làm được điều gì cả sao? Anh mà cũng chịu bó tay à? Khối tiền đấy. Bố cậu ấy là một nhân vật, rất ư quan trọng.
- Không, tôi chịu. Những quy định của Quân đội rất rõ. Một khi chàng trai nhận được giấy gọi nhập ngũ thì anh ta không còn đăng ký vào chương trình sáu tháng của quân dự bị được nữa. Đám quan chức ở Washington đâu có ngốc nghếch đến thế. Nếu không mọi người ai cũng đợi có gìấy gọi nhập ngũ rồi mới đăng ký vào quân dự bị.
Ông Hiller nói:
- Ông này mong muốn được gặp anh. Ông ta muốn vận dụng mọi khả năng, anh biết tôi muốn nói gì chứ?
- Không còn điểm nào có thể chen vào được. Tôi chịu, không có cách gì giúp ông ấy được.
Lúc đó ông Hiller hơi nghiêng người về phía tôi và nói:
- Anh cứ đến gặp ông ta giùm tôi, - ông nói.
Và tôi hiểu. Tôi chỉ cần đến gặp ông kia thôi, ngay dầu tôi có từ chối, thì ông Hiller cũng là người hùng đối với ông ta. Được rồi, vì bốn bộ săm lốp mới, tôi có thể bỏ nửa giờ để nói chuyện với một ông nhà giàu, dù rằng chuyện sẽ chẳng đến đâu.
- OK, - tôi đáp.
Ông Hiller viết trên một mẩu giấy nhỏ và đưa cho tôi. Tôi nhìn vào. Tên người đó là Eli Hemsi và có số phôn. Eli Hemsi là tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghiệp may mặc ở Mỹ, hay gặp rắc rối với công đoàn, có dính líu đến giới tội phạm có tổ chức. Nhưng ông ta cũng là một trong số những nhân vật sáng chói của thành phố. Một người mua các chính trị gia, một trụ cột nâng đỡ những công cuộc từ thiện. Nếu như ông ta quả là cái nhân vật to đùng đó thì hà cớ gì mà sư tử lại phải nhờ đến chuột nhắt (là cái thằng tôi bé tí tẹo này). Tôi đặt câu hỏi đó với ông Hiller.
- Bởi vì ông ấy khôn lắm, - ông Hiller nói. - Ông ta là dân Do Thái Sephardic, những kẻ tinh khôn nhất trong đám Do Thái vốn vẫn được coi là tinh khôn khó ai bì. Ngoài cái gốc Do thái, giống này còn mang các dòng máu Ý, Tây Ban Nha và Arập và sự pha trộn này đã tạo ra họ là những sát thủ ghê hồn ngoài chuyện họ là những kẻ tinh khôn quá cỡ? Thế nên lão Eli Hemsi không muốn để con trai mình thành con tin cho một tay chính trị gia cáo già nào có thể kỳ kèo với ông ta những khoản ân huệ quá lớn. Vậy nên, lão nghĩ đến với anh sẽ được "rẻ, đẹp, bền" hơn. Vả chăng, tôi cũng có hót với lão rằng anh hết ý, rất đáng tin cậy. Chơi bài lật ngửa luôn, tôi có thể nói thẳng với anh rằng hiện nay anh là người duy nhất có thể giúp ông ta. Còn những tay tai to mặt lớn lại rất ngại bước vào lãnh vực quân đội, bởi đó là "miền đất dữ", rất nhạy cảm. Mấy tay chính trị gia ớn lắm, không muốn dây vào.
Tôi nghĩ đến tay đại biểu quốc hội đã đến văn phòng tôi Vậy là lão ấy có bùa "gươm đâm không thủng, đạn bắn đi lệch" hay sao? Hay có lẽ lão đã đến cuối sự nghiệp chính trị rồi nên đếch cần giữ kẽ nữa? Ông Hiller vẫn đang nghía tôi cẩn thận.
- Đừng hiểu lầm tôi, - ông nói. - Tôi cũng gốc Do Thái. Nhưng với dân Do thái Sephardic anh nên rất tiểu tâm nếu không họ sẽ lấn lướt anh. Những kẻ "khôn ăn người" mà! Vậy nên khi anh đến gặp lão ấy, nhớ động não, hết công suất nhé!
Ông tạm ngưng và hỏi tôi, vẻ lo lắng.
- Anh không phải dân Do Thái chứ?
- Tôi cũng không rõ, - tôi nói.
Lúc đó tôi nghĩ đến mình cảm nhận như thế nào về thân phận trẻ mồ côi. Chúng tôi đều bất bình thường. Không biết về cha mẹ mình, chúng tôi không bao giờ nghĩ ngợi chuyện mình gốc Do Thái hay Ireland hay là gốc quái quỷ gì.
***
Ngày hôm sau tôi gọi ông Eli Hemsi nơi văn phòng ông Giống như những vị đàn ông có vợ khi liên lạc chuyện làm ăn, những ông bố của các khách hàng của tôi chỉ cho tôi số điện thoại nơi làm việc. Nhưng họ cần có điện thoại riêng của tôi, phòng trường hợp họ phải tiếp xúc với tôi ngay. Tôi đã nhận rất nhiều cú điện thoại khiến Vallie ngạc nhiên. Tôi bảo nàng đó là những cuộc gọi liên quan đến chuyện cá độ và những bài viết cho tạp chí.
Ông Hemsi yêu cầu tôi đến văn phòng ông trong giờ ăn trưa và tôi đến. Đó là một trong các toà cao ốc của trung tâm may đo trên Đại lộ Số Bảy chỉ cách kho quân nhu mười phút chạy xe. Một cuộc dạo chơi dễ chịu trong không khí mùa xuân.
Trong toà nhà, người tiếp tân dẫn tôi đi qua những showrooms trưng bày những kiểu quần áo mới cho mùa tới. Rồi tôi được đưa qua một cánh cửa nhỏ đi vào dãy văn phòng ông Hemsi. Cô tiếp tân chuyển giao tôi cho cô thư ký của ông Hemsi, một phụ nữ trung niên nghiêm túc, phục sức rất lịch sự. Bà ta đưa tôi vào phòng trong.
Ông Hemsi trông khôi ngô tuấn vĩ như một kỵ sĩ Cô-dắc với bộ comple cắt may thật vừa khéo, áo sơ-mi trắng loại cực sang với cà vạt đỏ sẫm. Nét mặt ông rất sắc sảo nhưng tia nhìn lại nhuốm vẻ buồn man mác. Trông ông có dáng dấp quý tộc và vẻ bề thế của một bậc trưởng thượng khả kính. Ông đứng lên từ bên kia bàn giấy và nắm cả hai bàn tay tôi trong đôi tay ông để chào đón tôi. Ông nhìn sâu vào mắt tôi. Ông sát người vào tôi và nói rất nghiêm trang:
- Ông bạn tôi nói đúng, anh có một trái tim nhân hậu. Tôi biết anh sẽ giúp tôi.
- Thực sự tôi không thể giúp ông đâu. Tôi muốn lắm, nhưng tôi không có khả năng, - tôi nói.
Và tôi giải thích toàn bộ về quy định tuyển quân cho ông nghe như tôi đã nói với ông Hiller. Tôi có vẻ lạnh lùng hơn là tôi muốn nói. Tôi không thích những người nhìn sâu vào mắt tôi.
Ông ngồi đó, gục gặc đầu một cách trang nghiêm. Rồi làm như không hề nghe tôi nói một lời nào, ông ta cứ nói tiếp, giọng ông thực sự buồn bã.
- Bà vợ đáng thương của tôi hiện nay sức khoẻ rất kém. Bây giờ mà phải xa con chắc bà ấy chết mất. Bà ấy sống chỉ vì thằng con đó. Nếu nó phải đi xa cả hai năm dằng đẵng, chắc bà không sống nổi. Ông Merlyn, ông phải giúp tôi. Nếu ông làm việc này cho tôi, tôi sẽ làm cho ông được hạnh phúc suốt phần đời còn lại.
Không phải điều đó thuyết phục tôi. Không phải tôi tin vào một lời nào của ông. Nhưng câu chót của ông tác động đến tôi. Chỉ có vua chúa mới có thể nói với một người nào đó "Ta sẽ làm cho người được hạnh phúc suốt phần đời còn lại". Ông ta tin vào quyền lực của mình quá Nhưng tất nhiên lúc đó tôi nhận ra rằng ông ta đang nói về tiền bạc.
- Để tôi suy nghĩ xem, - tôi nói. - May ra có thể tôi tìm được diệu kế gì chăng.
Ông Hemsi gục gặt đầu một cách thật trầm trọng:
- Tôi biết anh sẽ cố. Tôi biết anh có một trí tuệ thông minh và tấm lòng nhân hậu, - Ông nói. - Anh đã có con chứ?
- Vâng, có, - tôi đáp.
Ông hỏi tôi có mấy đứa chúng bao lớn, trai hay gái. Ông hỏi thăm vợ tôi, hỏi nàng mấy tuổi. Ông xử sự kiểu thâm tình như một ông chú ông bác. Rồi ông hỏi địa chỉ và điện thoại nhà riêng của tôi để có thể liên lạc trực tiếp khi cần.
Khi tôi từ biệt, ông đích thân tiễn tôi đến thang máy. Tôi thử nghĩ mình đã làm xong việc. Tôi không có ý tưởng nào về việc gỡ cậu con ông ta khỏi cái lưỡi câu của bên động viên quân chính quy.
Và ông Hemsi nói đúng tôi thực sự có một tấm lòng nhân hậu. Tôi có trái tim khá trung thực để không tìm cách đánh lừa nỗi lo lắng của ông và bà vợ ông để rồi không làm được chuyện gì. Và tôi có một cái đầu khá thông minh để không vướng vào một con cá đã dính câu bên Quân đội. Cậu ta đã nhận được lệnh gọi nhập ngũ và sẽ đi vào Quân đội chính quy trong tháng tới. Mẹ cậu sẽ phải sống không có cậu.
Ngay ngày hôm sau Vallie gọi điện thoại cho tôi lúc tôi đang làm việc. Giọng nàng rất hồ hởi phấn khởi.
Nàng bảo tôi là nàng vừa nhận được một phần hàng đặc biệt với năm thùng quần áo mới toanh. Quần áo đủ loại cho đám nhóc cho mùa thu đông sắp tới, đẹp khỏi chê. Cũng có một thùng riêng cho nàng. Toàn thứ đắt tiền chúng tôi chưa từng bao giờ có thể mua nổi.
- Có một danh thiếp. - nàng bảo. - Từ ông Hemsi. Ai vậy? Merlyn, quà đẹp lắm. Tại sao ông ấy cho anh quà đó?
- Anh viết mấy tập giới thiệu doanh nghiệp của ông ấy, - tôi nói. - Tiền bạc không bao nhiêu nhưng ông có hứa gửi cho lũ trẻ nhà mình ít quà. Nhưng anh nghĩ không có gì nhiều.
Tôi nghe được vẻ hài lòng trong giọng nói của Vallie:
- Ông ấy thật khả ái. Toàn bộ các thùng quà chắc phải đáng giá hơn cả ngàn đô.
- Tuyệt quá. - tôi nói. - Tối nay anh sẽ nói với em rõ hơn.
Sau khi gác máy, tôi kể với Frank về những chuyện đã xảy ra về ông Hiller, nhà buôn xe Cadillac.
Frank lác mắt nhìn tôi:
- Cậu mắc câu rồi đó, - anh nói. - Ông ta chờ đợi cậu làm điều gì đó cho ông ta. Cậu làm thế nào để gỡ rối đây?
- Biết làm quái gì đây, - tôi nói - Tôi không thể nghĩ ra tại sao tôi lại đồng ý đi gặp lão ta.
- Tại vì những chiếc Cadillac mà cậu đã thấy nơi phòng trưng bày của Hiller, - Frank nói. - Cậu cũng giống như mấy thanh niên da màu kia. Bọn chúng sẵn sàng quay về những căn chòi xác xơ ở châu Phi nếu chúng có thể ngồi vào chiếc Cadillac chạy loanh quanh vài vòng.
Tôi nhận ra một chút trục trặc trong diễn từ của anh. Hầu như anh đã định nói "bọn da đen" nhưng đã kịp chuyển sang "đám da màu". Tôi tự hỏi phải chăng vì anh thấy xấu hổ khi nói ra những từ thô lỗ hay vì anh nghĩ tôi có thể cảm thấy bị xúc phạm. Nhưng anh nói đúng về chuyện những chiếc Cadillac khiến tôi mắc câu. Đó là lý do tại sao tôi đã đồng ý gặp Hemsi theo lời Hiller. Trên đường về, đầu óc tôi đã mơ màng nghĩ đến có lúc mình sẽ chễm chệ ngự trên một trong những chiếc xe bóng loáng, sang trọng đó.
Đêm đó, khi tôi về nhà, Vallie đã tổ chức một màn trình diễn thời trang với đám nhóc cho tôi thưởng làm.
Năm thùng quần áo khổng lồ để cho nàng và lũ trẻ tha hồ phô diễn mọi kiểu y trang lộng lẫy. Vallie hồ hởi, rạng rỡ như đã từ lâu tôi chưa từng thấy. Lũ trẻ hài lòng nhưng không quá quan tâm đến quần áo ở tuổi clrúng, ngay cả con gái tôi. Có lẽ tôi cần kiếm một nhà sản xuất đồ chơi có con trai sắp phải tòng quân, để đem lại niềm vui cho đám con của tôi hơn.
Nhưng rồi Vallie chỉ ra rằng nàng phải có những đôi giày mới cho tương thích với những bộ quần áo mới.
Tôi bảo nàng hãy nán lại một thời gian và tôi ghi sổ để nhớ kiếm một cậu con trai của ông chủ xưởng giày.
Bây giờ, điều lạ lùng là có lẽ tôi đã cảm thấy rằng ông Hemsi đang bảo trợ cho tôi nếu như quần áo ông cho chỉ thuộc loại thường. Có lẽ tôi sẽ cảm thấy sự tủi thân của người nghèo nhận đồ cũ của người giàu. Đàng này quà tặng của ông toàn là thứ hàng "xịn" với chất lượng thượng hảo hạng mà tôi sẽ không bao giờ dám mua sắm, dù tôi có vơ vét được tiền hối lộ đến bao nhiêu đi nữa. Số quà này đáng giá cỡ năm ngàn đô, chứ không phải một ngàn như vợ tôi tưởng đâu. Tôi liếc qua tấm danh thiếp đính kèm. Đó là một thiếp doanh nhân với tên họ Eli Hemsi và chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc cùng tên hiệu của hãng xưởng với địa chỉ và số phôn. Ngoài ra không có dòng chữ viết nào. Ông Hemsi thật khôn ngoan đúng mực. Không có một bằng chứng trực tiếp nào rằng chính ông ta gửi lô hàng đó cho tôi và tôi không có gì để phải phiền ông ta cả.
Khi đến văn phòng, tôi đã nghĩ rằng có lẽ tôi nên gửi trả lô quà lại cho ông Hemsi. Nhưng sau khi thấy Vallie vui sướng đến như thế nào với các thùng quà, tôi biết rằng ý định kia là bất khả thi? Tôi nằm thao thức đến ba giờ sáng, cố nghĩ ra những cách nào giúp cho con trai ông Hemsi thoát khỏi vòng lưới của luật động viên.
Ngày hôm sau, khi đi vào văn phòng, tôi quyết định: sẽ không thực hiện cái gì trên giấy tờ có thể lưu lại dấu vết để hồi tố tôi một hoặc hai năm sau. Chuyện này mà để vướng là rối lắm đấy. Bởi vì ăn tiền để đưa một thanh niên lên đầu danh sách cho chương trình sáu tháng là một chuyện, còn vớt anh ta ra khỏi lưới động viên sau khi anh ta đã nhận lệnh gọi nhập ngũ, lại là một chuyện khác.
Vì thế, việc đầu tiên tôi làm là gọi đến trung tâm nhập ngũ của Hemsi. Tôi gặp một thư ký ở đó, một anh chàng làm công việc đại khái giống như tôi. Tôi tự giới thiệu lí lịch nhân thân và kể cho anh ta nghe câu chuyện tôi mới nghĩ ra. Tôi nói với anh ta rằng Paul Hemsi đã đăng ký vào danh sách của tôi cho chương trình sáu tháng và rằng tôi đã ghi tên anh ta hai tuần trước rồi nhưng tôi đã gửi thư cho anh ta mà lại ghi nhầm địa chỉ. Rằng chuyện này hoàn toàn là lỗi của tôi và tôi cảm thấy bức rứt về điều đó và rằng có thể tôi gặp rắc rối trong công việc nếu gia đình cậu ta làm om sòm lên vụ này. Tôi hỏi anh ta xem bên động viên có thể hủy bỏ thông báo nhập ngũ để tôi có thể ghi danh anh ta không? Tôi sẽ gửi mẫu chính thức thông thường cho bên trung tâm nhập ngũ, chửng tỏ rằng Paul Hemsi đã đăng ký vào chương trình sáu tháng của quân dự bị, và họ có thể lấy anh ta ra khỏi sổ đăng ký nhập ngũ. Tôi đã vận dụng, theo tôi nghĩ một giọng nói của một người đàng hoàng tử tế cố gắng để điều chỉnh một sơ sót. Trong khi diễn màn kịch ứng tác này, tôi bóng gió gợi ý rằng nếu anh ta có thể giúp tôi chuyện này thì tôi sẽ giúp đưa một người bạn của anh ta vào chương trình sáu tháng.
Cái mánh lới tân kỳ này tôi vừa mới nghĩ ra trong đêm trước, lúc nằm thao thức không ngủ được. Tôi hình dung ra rằng những tay thư ký bên trung tâm động viên có lẽ được tiếp xúc bởi những thanh niên đang quýnh lên vì sắp bị gọi nhập ngũ và chắc là bọn họ nhận được nhiều lời đề nghị. Và tôi nghĩ rằng nếu một tay thư ký có thể đưa một khách hàng vào chương trình sáu tháng ắt là sẽ được đền ơn đến cả ngàn đô-la chứ không ít.
Nhưng anh chàng bên trung tâm động viên xử lý chuyện này có vẻ rất bình thường, vô tư, đến nỗi tôi không nghĩ là anh ta bắt được cái ý là tôi đang đề nghị một áp-phe với anh ta. Anh ta nói được thôi, anh ta sẽ rút giấy báo nhập ngũ, rằng chuyện đó không thành vấn đề lắm và bỗng nhiên tôi có cảm tưởng rằng có những kẻ tinh khôn hơn tôi đã từng tung hứng màn xiếc kỹ xảo này.
Dẫu sao, ngày hôm sau, tôi cũng nhận được bức thư báo từ bên trung tâm động viên và tôi gọi cho ông Hemsi, bảo ông gửi cậu con đến văn phòng tôi để đăng ký.
Mọi chuyện diễn ra xuôi chèo mát mái. Paul Hemsi là một chú nhóc dễ thương, ăn nói nhỏ nhẹ, rất rụt rè, cả thẹn, hay là cậu ta tỏ ra như thế với tôi. Tôi bảo cậu ta tuyên thệ, chuẩn bị giấy tờ cho đến khi có lệnh gọi. Tất cả được thực hiện suôn sẻ, êm thắm, không gặp trở ngại nào. Quả thật tôi đã gặp hên khi nuốt trôi được cái món "quá hớp" này.
Giờ đây tôi nhận ra rằng toàn bộ hành động này đang trở nên khá nóng và liên quan đến nhiều nhân vật thế lực. Nhưng đâu phải vô vớ mà tôi là pháp sư Merlyn?
Tôi đội chiếc mũ đầy sao lên và bắt đầu suy nghĩ kỹ về mọi chuyện. Một ngày nào đó toàn bộ những chuyện này sẽ bể mánh hết! Lúc đó thì chưa biết cái thân phận thằng tôi rồi sẽ như thế nào? Tôi đã thủ một vỏ bọc khá kỹ, trừ tiền bạc còn cất trong nhà. Tôi phải đem giấu tiền chỗ khác. Đó là việc cần kíp trước tiên. Và rồi tôi phải chứng tỏ những nguồn thu nhập khác để có thể công khai tiêu tiền.
Tôi có thể đem tiền gửi cho Cully ở Las Vegas.
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu Cully chơi trò láu cá hay giở quẻ với tôi? Hay la anh ta bất đắc kỳ tử? Còn để hợp pháp hoá tiền bạc, tôi đã từng có những chào mời viết những bài điểm sách và bài cho các tạp chí, nhưng tôi vẫn từ chối. Tôi là một người kể chuyện thuần tuý, một nhà văn hư cấu. Đối với tôi, và đối với nghệ thuật của tôi, thì viết bất kỳ cái gì khác cũng có vẻ như là tự hạ mình? Nhưng bây giờ thì khác. Tôi đã là một kẻ móc ngoặc thì còn có cái gì dưới mình nữa đâu?
Frank yêu cầu tôi đi ăn trưa với anh và tôi đồng ý. Trông anh ta phởn phơ hứng chí lắm. Đúng dáng điệu một con người đang ăn nên làm ra, vồ đâu trúng đấy!
Anh ta vừa qua một tuần thắng độ liên tiếp và tiền bạc vẫn vô đều đều. Chẳng chút bận tâm chi đến những gì tương lai có thể mang lại, anh ta cứ tin rằng mình vẫn sẽ tiếp tục thắng và rằng toàn bộ cái mưu đồ ăn hối lộ sẽ cứ vận hành trơn tru mãi mãi. Dù không nghĩ mình là một pháp sư nhưng anh ta vẫn tin vào một thế giới ma thuật, huyền ảo.