Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết

Chương 40



Một tuần sau Doran gọi tôi đến California để hội thảo thêm. Anh ta nói anh ta bán Eddie Lancer cho Tri-Culture. Vậy là tôi ra ngoài, đi đến các cuộc họp và cặp kè lại với Janelle. Bây giờ tôi hơi bận rộn. Tôi không còn yêu California nhiều lắm như trước đây nữa.

Một đêm nọ, Janelle nói với tôi:

- Anh vẫn thường bảo rằng anh Artie của anh tuyệt vời lắm. Tại sao anh nghĩ anh ấy tuyệt vời đến thế?

- À, - tôi đáp. - Anh nghĩ rằng anh ấy vừa như người bố lại vừa là anh của mình.

Tôi có thể thấy nàng bị mê hoặc bởi chuyện hai chúng tôi lớn lên trong cô nhi viện. Biết rằng điều ấy khêu gợi cảm thức bi kịch nơi nàng. Tôi có thể thấy nàng dệt ra đủ mọi kịch bản phim, mọi câu chuyện thần tiên trong đầu nàng, về cuộc sống của chúng tôi, hai thiếu niên mồ côi, đã từng như thế nào. Hấp dẫn đấy. Một trong những phóng khúc hay cho loại phim hoạt hình Wall Disey đây.

- Vậy em thực sự muốn nghe một câu chuyện khác về những đứa trẻ mồ côi? Em muốn nghe một chuyện có hậu hay một chuyện thực? Em muốn nghe lời nói dối hay sự thật?

Janelle làm bộ suy nghĩ:

- Hãy cứ kể sự thật. Nếu em không thích, anh có thể kể chuyện bịa.

Thế là tôi kể cho nàng nghe chuyện mọi người khách đến thăm cô nhi viện đều muốn nhận nuôi Artie nhưng chẳng ai muốn nhận tôi. Tôi bắt đầu câu chuyện như thế?

Và Janelle nói giọng châm biếm:

- Tội nghiệp anh ghê.

Nhưng khi nàng nói điều đó dù tươi cười, nhưng nàng để bàn tay dọc xuống thân tôi và dừng lại ở đó.

Vào một ngày chủ nhật, khi tôi lên bảy và Artie lên tám, chúng tôi được bảo phải mặc bộ đồ đồng phục của viện. Bộ jacket màu xanh nhạt, sơ mi trắng hồ cứng, thắt nơ xanh sậm, quần nỉ tráng, giày trắng.

Chúng tôi được chải tóc gọn ghẽ và mang đến phòng tiếp tân của cô trưởng điều hành cô nhi viện, nơi đó một cặp vợ chồng trẻ đang chờ xem xét chúng tôi.

Thủ tục là chúng tôi được giới thiệu và bắt tay, biểu lộ phong cách dễ thương nhất, ngồi vòng tròn nói chuyện và làm quen với nhau. Sau đó tất cả cùng tản bộ qua các mảnh sân của cô nhi viện, đi qua khu vườn rộng lớn, qua sân đá bóng và các dãy phòng học. Điều tôi nhớ rõ là người đàn bà ấty rất đẹp. Khiến một đứa bé bảy tuổi như tôi lúc ấy cũng si mê bà.

Hiển nhiên là chồng bà cũng yêu bà nhưng không quá mê cuồng với ý tưởng đó. Cũng hiển nhiên là trong ngày ấy bà ta mê ngay Artie, nhưng chẳng thèm để mắt đến tôi. Và thực sự tôi không thể trách bà.

Ngay hồi mới tám tuổi, Artie trông đã đẹp trai theo kiểu người lớn. Chỉ vì mọi nét trên khuôn mặt của anh đều được khắc hoạ rất toàn hảo và dù người ta nói chúng tôi giống nhau và nhìn là biết ngay chúng tôi là anh em, tôi biết rằng tôi chỉ là một bản sao nhoè nhoẹt của anh, như thể anh là mẫu đầu tiên được đổ khuôn nên mọi nét đều rõ ràng, sắc sảo. Còn tôi là mẫu đúc thứ nhì nên bị dính vào những nguyên liệu còn trên khuôn nên các đường nét thô hơn với đôi môi dày hơn, lỗ mũi bự hơn. Artie có nét thanh nhã của một thiếu nữ, trái lại tôi có khung xương dày và nặng hơn. Song nhờ đó mà tôi có thể lực khoẻ hơn những đứa đồng trang lứa rất nhiều. Dầu sao tôi cũng chẳng hề ganh tị với anh Artie. Cho đến ngày hôm đó.

Đêm hôm đó chúng tôi được cho biết rằng cặp vợ chồng nọ sẽ quay lại vào ngày chủ nhật tới để quyết định xem họ có thể nuôi cả hai hay là chỉ một trong hai đứa. Chúng tôi cũng được cho biết rằng họ rất giàu và tầm quan trọng của việc chúng tôi được nhận làm con nuôi, ít ra là một đứa.

Tôi nhớ cô bảo mẫu đã nói chuyện tâm tình với chúng tôi. Đó là một trong những chuyện tâm tình mà người lớn nói với trẻ côn, cảnh giới chúng chống lại những cảm xúc xấu xa như lòng ghen tị ganh ghét, sự hằn học ác ý và thúc giục chúng tôi phải có một tâm hồn độ lượng mà chỉ có các vị thánh mới chu toàn được chứ trẻ con mà mong gì. Nên chúng tôi, những đứa trẻ, chỉ nghe mà không nói gì, ngoài việc chỉ biết gật đầu và đáp "Thưa cô, vâng ạ". Miệng vâng dạ nhưng đầu óc chẳng hiểu gì những điều cao xa mà cô đang thuyết giảng. Nhưng ngay cả mới bảy tuổi đầu, tôi cũng đã đoán biết chuyện gì sắp xảy ra. Chủ nhật tới anh tôi sẽ đi xa, về sống với bà giàu có xinh đẹp kia và bỏ tôi lại một mình trong cô nhi viện.

Dù là một đứa bé nhưng Artie cũng không nông nổi phù phiếm. Nhưng tuần sau đó là tuần lễ duy nhất trong đời mà chúng tôi trở nên ghẻ lạnh với nhau.

Tôi ghét anh trong suốt tuần đó. Vào ngày thứ hai, sau những giờ học, chúng tôi chơi bóng đá, và tôi đếch thèm lấy Artie vào đội mình. Về thể thao, tôi có đầy đủ thẩm quyền và uy thế. Trong suốt mười sáu năm chúng tôi sống trong cô nhi viện, tôi luôn luôn là vận động viên xuất sắc nhất ở lứa tuổi của tôi và là một thủ lĩnh tự nhiên. Vì thế tôi luôn luôn là một trong những thủ quân có quyền tuyển quân vào đội mình như là lựa chọn ưu tiên một. Thứ hai hôm đó là ngày duy nhất trong mười sáu năm tôi không chọn anh. Khi vào cuộc chơi, dù anh lớn hơn tôi một tuổi, tôi cố ý va chạm thô bạo với anh mỗi lần anh có bóng. Mãi ba mươi năm sau tôi vẫn còn nhớ tia nhìn ngạc nhiên và cảm thấy bị tổn thương trên khuôn mặt anh ngày hôm đó. Vào các bữa ăn chiều, tôi không ngồi gần anh nơi bàn ăn. Ban đêm không nói chuyện với anh trong phòng ngủ. Vào một trong những ngày của tuần đó, tôi nhớ rõ rằng sau trận bóng, lúc anh đang đi ngay qua sân bóng, tôi đang cầm quả bóng trong lay và rất lạnh lùng tôi ném một đường bóng xoáy rất đẹp đập mạnh vào sau đầu anh khiến anh té nhào xuống sân cỏ: Tôi chỉ ném chơi thôi chứ thật ra không hề nghĩ là sẽ ném trúng đầu anh và làm anh té được. Với một đứa bé mới bảy tuổi, đó quả là một kỳ công. Ngay cả đến bây giờ tôi cũng còn thắc mắc không hiểu cái sức mạnh tinh quái nào đã khiến cho cánh tay của tôi đạt được độ chính xác đến như vậy. Tôi nhớ Artie đứng dậy tiếp tục lầm lũi đi khỏi sân bóng còn tôi la lớn lên "Artie ơi, em không định làm thế đâu". Nhưng anh vẫn quay mặt qua hướng khác và im lặng bỏ đi.

Anh chẳng hề trả đũa. Điều ấy làm tôi điên tiết. Dù tôi có khiêu khích hay làm nhục thế nào anh cũng chỉ nhìn tôi đầy nghi vấn. Không ai trong hai đứa chúng tôi hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng tôi biết một điều khiến anh thực sự phiền lòng. Artie vẫn là một người cẩn thận ưa để dành tiền. Chúng tôi thu nhặt được những đồng xu, đồng hào bằng cách làm những việc lặt vặt trong trại, và Artie có một cái lọ thủy tinh đựng đầy những đồng xu, đồng hào mà anh cất giấu trong ngăn đựng quần áo của anh. Vào buổi chiều thứ sáu, tôi ăn cắp cái lọ thủy tinh đó, bỏ cuộc chơi đá bóng hằng ngày chạy đến một khu có cây cối rậm rạp của sân bóng và chôn cái lọ đó. Tôi cũng không đếm số tiền bao nhiêu. Tôi có thể thấy các đồng tiền bằng đồng và bằng bạc đựng đầy gần đến ngấn cổ lọ. Artie không nhớ lại cái lọ cho đến sáng hôm sau và anh nhìn tôi theo kiểu không thể nào tin tôi lại đi làm chuyện như vậy, nhưng anh không nói gì. Anh chỉ tránh mặt tôi thôi.

Hôm sau là chủ nhật và chúng tôi được thông báo sẽ đến cô bảo mẫu để được mặc bộ đồ con nuôi.

Tôi dậy sớm vào buổi sáng đó, trước bữa điểm tâm và chạy đi trốn vào vùng cây cối rậm rạp phía sau cô nhi viện. Tôi biết điều gì sẽ xảy ra ngày hôm đó. Rằng Artie sẽ được mặc bộ comple tinh tươm rằng người phụ nữ đẹp mà tôi mê thích sẽ mang anh ấy đi xa và tôi sẽ không bao giờ gặp lại anh. Nhưng ít ra tôi cũng có được số tiền của anh.

Tôi cố len lỏi vào chỗ rậm rạp nhất của khu rừng nhỏ, nằm xuống đó rồi ngủ thiếp đi suốt ngày. Gần đến tối, mới thức giấc và quay về. Tôi bị đưa lên văn phòng cô quản đốc viện và cô quất hai chục thước kẻ lên hai cẳng chân của tôi. Hình phạt đó chẳng làm tôi quan tâm mấy.

Trở lại phòng ngủ, tôi ngạc nhiên thấy Artie ngồi nơi giường của anh để đợi tôi. Không thể tin anh còn ở đó. Thực tế tôi còn nhớ mình đã ứa nước mắt khi Artie véo má tôi và hỏi "Tiền của tao đâu?", và rồi anh cấu véo tôi, anh đá tôi và la hét đòi lại tiền của anh. Tôi cố tự vệ mà không gây tổn thương cho anh nhưng cuối cùng tôi phải nâng anh lên và ném anh ra xa. Chúng tôi ngồi đó nhìn nhau trừng trừng.

- Tôi không lấy tiền anh, - Tôi nói.

- Mày ăn cắp tiền tao, - Artie nói. - Tao biết mày ăn cắp.

- Không có. Tôi không lấy. - Tôi vẫn ngoan cường giữ vững lập trường!

Chúng tôi lại trừng mắt nhìn nhau. Chúng tôi không nói chuyện với nhau tốì đó. Nhưng sáng hôm sau, khi thức giấc, chúng tôi lại thân thiết với nhau.

Mọi chuyện lại như cũ. Artie chẳng bao giờ hỏi lại tôi về chuyện tiền nữa. Không hề một lần nào. Và tôi cũng không bao giờ bảo anh biết tôi chôn tiền ở đâu. Tôi không hề biết điều gì xảy ra vào ngày chủ nhật hôm đó cho đến nhiều năm sau Artie bảo tôi rằng khi anh khám phá ra là tôi đã chạy trốn, anh nhất định không chịu mặc bộ comple con nuôi nữa, anh đã la hét và nguyền rủa bà quản đốc khiến anh phải bị đòn.

Khi cặp vợ chồng muốn nhận anh làm con nuôi yêu cầu được gặp anh, anh đã rủa xả bà ta kịch liệt. Thật là một cảnh nặng nề, và anh lại bị thêm một trận đòn nữa của bà quản đốc.

Khi tôi dứt câu chuyện, Janelle ngồi dậy khỏi giường và tự đi rót thêm một ly rượu khác. Nàng quay lại giường, ngồi tựa tôi và nói:

- Em muốn gặp anh Artie lắm.

- Em sẽ không bao giờ, - tôi nói. - Các cô gái anh mang về gặp anh ấy đều mê tít anh ta. Nói thật ra là lý do duy nhất khiến anh ấy, đó là cô ta là người con gái duy nhất không mê anh ấy.

Janelle hỏi:

- Thế có bao giờ anh tìm cái lọ tiền kia?

- Không, - tôi nói - Anh không bao giờ muốn. Anh muốn nó ở đó, cho một đứa trẻ nào đó đến sau anh, một đứa bé nào đó sẽ đào lên và thấy mình tìm được một ma thuật nhiệm mầu. Anh không cần nhớ nữa.

Janelle uống ly rượu rồi nói một cách ganh tị, bởi nàng vốn ganh tị với mọi cảm xúc của tôi:

- Anh yêu anh ấy đúng không?

Và tôi thực sự không thể trả lời câu hỏi đó, tôi không thể nghĩ rằng cái từ "yêu" đó như một từ mà tôi đã dùng cho anh, tôi hay bất cứ người nào khác.

Vả chăng, Janelle dùng từ "yêu" hơi nhiều? Vì thế mà tôi không buồn trả lời. Yêu quá hoá nhàm!

Và một đêm khác, Janelle tranh luận với tôi về chuyện đàn bà có quyền "ngủ tự do" như đàn ông.

Tôi làm bộ đồng ý với nàng. Tôi đang cảm nhận mình ác ý một cách lạnh lùng từ lòng ghen tuông bị ức chế.

Tôi chỉ nói:

- Tất nhiên là họ có quyền. Chỉ có điều phiền là về phương diện sinh học, các chị em lại không đủ kiến thức và khả năng để xử lý chuyện đó cho an toàn.

Nghe thế Janelle liền nổi sùng:

- Toàn chuyện nhảm! - nàng gào lên. - Chúng tôi cũng đầy đủ khả năng dễ dàng như bọn đàn ông các người vậy. Chúng tôi thấy chuyện ấy đâu có gì mà ầm ĩ. Thực sự là chính cánh đàn ông các anh bày đặt vẽ vời lắm chuyện về tình dục, làm như nó quan trọng và nghiêm túc lắm lắm. Chẳng qua là tại các người cả ghen, cộng với cái bản năng chiếm hữu man rợ muốn biến chúng tôi thành đồ chơi ban đêm riêng của các người?

Mặt nàng đỏ bừng, miệng nàng có tí sủi bọt mép (mặc dầu vẫn cứ là cái miệng có duyên nhất trên đời theo nhận định hoàn toàn khách quan của tôi), một phần có lẽ vì rượu, nhưng phần lớn vì nàng đang hăng say bảo vệ cái luận án tiến sĩ "quyền phụ nữ" của mình. Đó chính là cái bẫy mà tôi hy vọng nàng sẽ rơi vào:

- Ồ không. Anh không định nói thế đâu. Nhưng em có biết chăng, rằng thì là, cái thằng đàn ông nó có hai mươi đến năm mươi phần trăm cơ hội để vớ được bệnh hoa liễu từ đàn bà, nhưng đàn bà lại có từ năm mươi đến tám mươi phần trăm cơ hội để thu hoạch những loại "hoa màu phụ" đó từ đàn ông?

Nàng có vẻ sửng sốt một lúc và tôi yêu cái tia nhìn ngạc nhiên trẻ thơ đó trên khuôn mặt nàng. Giống như phần lớn người ta, nàng chẳng biết một chút gì về bệnh hoa liễu và diễn tiến của bệnh trạng ra sao.

Riêng về phần tôi, ngay sau khi tôi bắt đầu lừa dối vợ nhà, tôi đã "ngâm kíu" chuyên sâu về đề tài này. Ác mộng kinh hoàng nhất của tôi là mắc bệnh hoa liễu, lậu hay giang mai chẳng hạn, rồi về lây cho Vallie; đó là một trong những lí do chính làm tôi buồn lòng khi Janelle kể tôi nghe những chuyện tình của nàng.

- Anh chỉ đem chuyện đó ra để hù doạ em phải không. Em biết anh khi anh nói nghe có vẻ tự tin và đầy tính chuyên nghiệp như vậy, anh chỉ giỏi bịa chuyện thôi

- Không đâu. Anh nói thật đấy mà. Đàn ông sẽ để thoát ra một biểu hiện rõ ràng trong vòng một đến mười ngày, nhưng đàn bà thường khi không biết cả là họ đang bị bệnh lậu hay giang mai. Từ năm mươi đến tám mươi phần trăm phụ nữ không có triệu chứng gì hàng tuần hoặc hàng tháng hoặc họ chỉ rỉ ra thứ nước màu xanh hay màu vàng đục. Và họ sẽ có mùi nấm từ các bộ phận sinh dục.

Janelle đổ vật ra trên giường, cười lớn và đưa đôi chân trần lên trên không:

- Bây giờ em biết là anh toàn nói nhảm.

- Không thật đấy. Không đùa đâu. Nhưng em thì tốt thôi. Anh có thể ngửi được mùi em, từ ở đấy.

Tôi hy vọng câu đùa sẽ che dấu sự ma mãnh của tôi.

- Em biết rằng cách duy nhất để em biết em có bệnh hay không là nhờ đối tác bảo cho em thấy.

Janelle ngồi thẳng người lên, nói nghiêm túc:

- Cám ơn nhiều. Có phải anh đang chuẩn bị tư thế nói với tôi là anh đang mắc bệnh nên, do đó, tôi cũng phải mắc bệnh?

- Không. - tôi nói. - Anh thẳng thắng nhưng nếu anh mắc bệnh, anh biết hoặc từ em hoặc từ vợ anh.

Janelle nhìn tôi kiểu châm chọc:

- Và vợ anh thì đứng trên mọi nghi ngờ, phải không?

- Đúng thế, - tôi nói.

- Tốt. Xin thông báo cho anh hay rằng, hàng tháng tôi vẫn đến bác sĩ phụ khoa và khám toàn bộ.

- Toàn chuyện nhảm, - tôi nói. - Cách duy nhất để có thể biết được là nuôi cấy vi khuẩn vào kháng sinh đồ. Mà đa số bác sĩ phụ khoa đâu làm chuyện đó. Họ chỉ lấy ít nước nhờn ở cổ tử cung để lên một tấm kính mỏng. Việc kiểm nghiệm đó rất sơ sài, qua loa, chẳng có tính tích cực và chẳng xác định được gì cả.

Tiếp đó tôi giải thích khá kỹ cho nàng về triệu chứng diễn tiến của các bệnh hoa liễu nơi đàn ông và nơi đàn bà. Tôi cũng cho biết là thuốc Penicillin có thể trị dứt các bệnh đó với điều kiện ta phát hiện bệnh đúng lúc và dùng đúng cách, liều lượng. Tuy nhiên, tôi nói thêm, và nhấn mạnh đó là, cánh đàn ông chỉ vài ngày sau khi mắc bệnh là họ biết được ngay trong khi cánh đàn bà lại lơ mơ vì các triệu chứng và biểu hiện bệnh lý nơi đàn bà không rõ rệt lắm và do vậy có nhiều chị em phụ nữ bị bệnh mà không biết nên cứ nuôi bệnh triền miên và đó là điều nguy hiểm khiến bệnh lây tràn lan vô tổ chức, không kiểm soát được. Nhất là phụ nữ mang thai và bị giang mai thì sẽ truyền bệnh cho bào thai trong bụng mình. Đó là một hành vi vô trách nhiệm mà chính lương tâm người đó sẽ không tha thứ.

Kết luận là, về phương diện sinh học, phụ nữ không được trang bị để hỗn giao tình dục. Vì thế, đàn bà không nên lang chạ lăng nhăng.

Janelle trông có vẻ hơi sửng sốt:

- Anh có chắc như thế không?

- Sao lại không chắc? - tôi nói. - Bệnh giang mai làm tổn hại tim và các huyết quản. Nó có thể tiềm phục trong cơ thể hàng mười năm, hai mươi năm và rồi nó sẽ gây nên loạn trí, bại liệt. Nó còn có thể tác hại đến tai, mặt, phổi, thận. Em chưa bị là em còn hên lắm đấy.

Janelle nói:

- Anh nói chuyện này chẳng qua là để giữ chân em không cặp với người khác. Anh đang hù doạ em giống như má em khi em mới mưởi lăm tuổi là nếu để bạn trai hôn, em sẽ bị mang bầu.

- Có thế đấy, - tôi nói. - Nhưng luận chứng của anh có cơ sở khoa học hẳn hoi. Anh không đưa ra lời phản đối mang tính đạo đức luân lý nào cả. Em có quyền ngủ với bất cứ ai em thích. Em đâu có thuộc về anh.

- Anh láu cá lắm, - Janelle nói. - Nhưng có thể người ta sẽ chế ra viên thuốc phòng ngừa, giống như thuốc ngừa thai vậy.

Tôi điều chỉnh âm sắc cho giọng mình nghe rất thành thật:

- Chắc rồi. Họ đã làm được điều ấy. Nếu ta uống một viên năm trăm milligram Penicillin một giờ trước khi quan hệ, nó sẽ đánh ngã được các bệnh hoa liễu. Nhưng hiệu quả không hẳn lúc nào cũng hoàn toàn bảo đảm. Người ta cũng có thể dùng Proganasy một loại thuốc ngừa thai nhưng cũng có tác dụng diệt khuẩn. Tuy nhiên có điều nguy hiểm là nếu dùng thường xuyên thì vi trùng sinh ra lờn thuốc và trở nên bất trị. Em thấy chưa, phụ nữ có thể bị ung thư tử cung hay bị giang mai từ việc giao hợp mà vẫn không biết mình đã bị nhiễm bệnh. Và đó là lý do tại sao đàn bà không thể tự do như đàn ông.

Janelle vỗ tay:

- Hoan hô, Giáo sư. Em có ý này, ông thầy coi được không. Em sẽ chỉ với đàn bà thôi

- Ý tưởng đó không tệ đâu, tôi đáp.

Tôi nói ra điều đó dễ dàng, thoải mái bởi vì tôi không ghen với người đồng tính của nàng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.