Những Vụ Án Trên Thế Giới

Chương 14: Vụ án cậu bé chết trong thùng carton



Nước Mỹ có rất nhiều vụ án bí ẩn chưa thể giải đáp và một trong số đó chính là danh tính cậu bé chết trong thùng carton.

Thùng carton chứa thi hài cậu bé

Vụ án bí ẩn được toàn thế giới biết đến vào ngày 25.2.1957, khi một người khách du lịch tình cờ phát hiện một thùng carton ở đường Susquehanna, thành phố Philadelphia. Thùng carton có in kí tự màu đỏ bên ngoài: “Đồ nội thất dễ vỡ. Đừng mở nó bằng dao”. Đây là thùng dùng để đựng cũi tre cho trẻ em.

Bên trong chiếc thùng không phải là búp bê như mọi người tưởng mà là một cậu bé không mặc quần áo đã chết. Cậu bé cao chừng 1m, nặng khoảng 13kg được quấn bằng chiếc khăn hiệu Navaho. Thể hình này là tương đối nhỏ so với một đứa trẻ bình thường.

Cậu bé trong thùng carton từ 3-6 tuổi, móng tay cắt tỉa gọn gàng nhưng tóc để bờm xờm. Trên người cậu bé có 7 vết sẹo dường như gây ra sau các cuộc phẫu thuật. Bác sĩ chẩn đoán cậu bé mắc bệnh kinh niên sau khi thấy đôi mắt mở trừng trừng.

Trong thực quản, người ta tìm thấy những thứ màu đen nhưng trước đó 3 giờ cậu bé không hề ăn gì. Vết thâm tím trên người được cho là bị đánh đập. Các chuyên gia pháp y cho rằng cậu bé chết vì bị đập mạnh vào đầu.

Quá trình điều tra bế tắc

Có rất nhiều đầu mối để theo đuổi vụ án này. Ban đầu, cảnh sát định tìm tung tích cậu bé nhưng không ai hoặc trại trẻ nào thông báo mất con. Bệnh viện lấy dấu vân chân, vân tay nhưng không tìm thấy người phù hợp. Hàng ngàn tờ rơi, poster được gửi đi, dán khắp siêu thị, cửa hàng rượu nhưng không có dấu vết nào được tìm thấy.

Trong cơn tuyệt vọng, cảnh sát trang điểm lại cậu bé đã chết và mặc cho cậu bộ quần áo mới. Sau đó, họ chụp ảnh lại, dán khắp phố để hy vọng bố mẹ cậu sẽ nhận ra. Tuy nhiên mọi thứ vẫn chỉ rơi vào ngõ cụt.

Địa chỉ của chiếc hộp tới J.C.Penney nhưng không chỉ dấu điều gì. Người mua trước đó đã trả tiền và rời đi, không để lại manh mối gì.

Một người đàn ông khác kể lại vào ngày trước khi xác chết được tìm thấy. Ông nhìn thấy một người phụ nữ và con trai đứng cạnh chiếc ô tô, tìm kiếm gì đó ở khoang sau. Nghĩ rằng họ có vấn đề, ông đi chậm lại và hỏi có cần giúp đỡ hay không. Người phụ nữ nói không và ra hiệu cho tài xế đi tiếp.

Cảnh sát, điều tra viên tìm kiếm các gia đình nghèo khó, những hộ có nhiều con và một số trại trẻ gần khu vực xảy ra vụ án. Nhiều thông tin được gửi về cho cảnh sát nhưng đều không khớp.

Một người mẹ với 9 đứa con ở bang Colorado bị nghi ngờ vì trước đây bà ta từng vứt xác con gái vào thùng rác sau khi con bà qua đời. Dù vậy, những thông tin và phỏng đoán này không mang lại kết quả.

Tháng 7.1957, cảnh sát chi trả tiền cho đám tang của cậu bé. Trên bia mộ cậu bé là dòng chữ: “Chúa lòng lành, hãy phù hộ cho cậu bé vô danh. 25.2.1957”.

Vụ việc chìm sâu vào quên lãng nhưng với điều tra viên Remington Bristow thì ông không thể nào quên được. Ông tự bỏ tiền túi và kêu gọi nhiều bác sĩ khác điều tra vụ việc. Ông hy vọng tìm ra danh tính cậu bé trong thùng carton bí ẩn.

Bristow tin rằng cậu bé chết trước đó trong một trại trẻ nhưng không có bằng chứng nào. Bristow mất năm 1993 và mang theo thắc mắc này xuống mồ.

Khám nghiệm lại tử thi

Việc tìm kiếm cậu bé chết trong thùng carton là trường hợp điều tra hình sự lâu nhất được thực hiện ở Philadelphia. 5 năm sau, các nhóm chuyên gia nghiên cứu tội phạm với tên gọi “Tổ chức Vidocq” đã thực hiện khám nghiệm lại tử thi. Xác cậu bé được đào lên và khám nghiệm DNA. Sau đó cậu bé được chôn trong một khu mộ khác.

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy không hề có dấu hiệu nào khác thường so với nửa thế kỷ trước. Kết quả DNA cũng không hé lộ điều gì, bất chấp nhiều nguồn tin được cung cấp cho cảnh sát. Vụ án này cũng từng xuất hiện trong chương trình “American’s Most Wanted” nhưng cũng rơi vào vô vọng.

Năm 2002, một bác sĩ ở Ohio liên lạc với cảnh sát Philadelphia nói rằng một trong những bệnh nhân của ông biết vì sao cậu bé chết, người phụ nữ giấu tên này đã tiết lộ với cảnh sát rằng mẹ cô chính là người đã “mua” cậu bé từ một gia đình khác hồi năm 1954.

Trong thời gian chung sống, đứa trẻ ngày nào cũng bị mẹ cô bạo hành và đánh đập không thương tiếc.

Vào một bữa tối, cậu bé nôn mửa trong nhà tắm sau khi ăn đậu nướng khiến người mẹ giận dữ. Bà dùng tay đập mạnh vào đầu khiến đứa bé ngã xuống, đập đầu vào sàn nhà rồi chết.

Cảnh sát quyết định tin lời bà M vì họ đã tìm thấy những hạt đậu nướng trong dạ dày và phát hiện các đầu ngón tay của cậu bé có dấu hiệu bị ngâm nước trong thời gian dài.

Những thông tin này trước đó hoàn toàn không được công bố.

Nhân viên điều tra còn phấn khích hơn khi bà M miêu tả cậu bé từng có mái tóc dài. Điều này hoàn toàn trùng khớp với suy đoán của cảnh sát rằng đứa trẻ đã bị kẻ sát nhân cắt tóc sau khi ra tay sát hại.

Thế nhưng, điều tra về thân thế của bà M, người ta còn phát hiện bà có tiền sử mắc bệnh tâm thần nặng.

Hỏi thăm người thân, bạn bè và hàng xóm của bà M, ai cũng nói rằng họ chưa từng nhìn thấy bất kỳ đứa nhỏ nào như mô tả xuất hiện trong nhà bà.

Câu chuyện tưởng như là manh mối quan trọng cuối cùng lại trở thành lời nói đùa vui của một người tâm thần.

Còn rất nhiều giả thiết khác được đưa ra song tất cả đều có chung kết cục. Bất kể bao nhiêu năm trôi qua, cảnh sát Mỹ vẫn không từ bỏ hy vọng.

Nhiều chương trình truyền hình của Mỹ thỉnh thoảng vẫn thường nhắc lại vụ án “cậu bé trong hộp” với mong muốn xác định được danh tính của đứa trẻ và những gì đã xảy ra với em.

Đây là một trong những vụ giết người bí ẩn chưa có lời giải đáp trong lịch sử hình sự nước Mỹ

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.