Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn cho rằng người bị bắt chịu tội năm xưa thực chất là một người vô tội. Kẻ giết người thật sự cũng như chân tướng của vụ sát hại thiếu nữ 16 tuổi năm xưa có lẽ sẽ mãi mãi là một điều bí ẩn.
Ngày 17/12/1974, một vụ giết người gây rúng động đã xảy ra tại khu dân cư cao cấp Happy Valley của quận Loan Tể, Hong Kong.
Thi thể trần truồng của một cô gái trẻ được người công nhân vệ sinh phát hiện được nhồi vào bên trong một chiếc thùng carton tivi và vứt bên vệ đường. Ngực nạn nhân bị cắt bỏ, vùng kín bị đốt nhưng không có dấu hiệu bị xâm hại tình dục.
Tên hung thủ, Âu Dương Bình Cường, một nhân viên làm việc tại tiệm kem gần đó đã nhanh chóng bị cảnh sát bắt giam và phải nhận bản án tử hình. Đây là vụ án đầu tiên cảnh sát chỉ dựa duy nhất vào kỹ thuật kiểm tra pháp chứng để kết án hung thủ.
Tuy vậy, không chỉ mình Âu Dương Bình Cường nhất mực nói rằng mình vô tội mà ngay cả nhiều người dân Hong Kong lúc bấy giờ cũng cảm thấy vụ án có nhiều vấn đề uẩn khúc nên đã kêu oan cho hắn. Cho đến nay, vụ án thiếu nữ trong thùng carton cũng như kết quả giám định pháp y năm xưa vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi.
1. Thi thể không quần áo bên trong thùng carton tivi gây chấn động Hong Kong
Ngày 16/12/1974, cô nữ sinh 16 tuổi, Ca Ngọc Anh, đã rời khỏi nhà vào khoảng 5 giờ 30 phút chiều. Ngọc Anh sau đó đã gọi điện cho bạn cùng lớp, Trần Bành Bành, hẹn gặp mặt tại trạm xe điện ở Happy Valley. Tuy nhiên khi Bành Bành đến nơi, đợi mãi nhiều tiếng liền vẫn không thấy cô bạn gái của mình xuất hiện.
Sáng hôm sau, người công nhân vệ sinh 44 tuổi họ Lâm nhìn thấy một chiếc thùng carton tivi cũ hiệu Hitachi trên lề đường Wong Nai Chung. Tò mò mở ra xem thử, cô Lâm hoảng hồn phát hiện bên trong thùng là thi thể của một cô gái trẻ. Sau khi được cảnh sát kiểm tra và xác nhận, thi thể này chính là nữ sinh Ca Ngọc Anh.
Theo kết quả pháp y, cơ thể Ca Ngọc Anh đã bị tên hung thủ bóp cổ đến chết sau đó cắt đi đầu ngực, phần vùng kín bị đốt cháy, nhưng nạn nhân không hề bị xâm hại tình dục, họ cũng không tìm được dấu hiệu của tinh dịch.
2. Tên hung thủ lộ diện
Theo lời kể từ bạn học của Ca Ngọc Anh, khi còn sống, nạn nhân rất thích ăn kem và thường xuyên đến một tiệm kem tên An Mỹ, gần khu vực thùng carton bị vứt bỏ. Một nhân viên cảnh sát cải trang đã đến thử tiệm kem để kiểm tra thì phát hiện ra bên trong cửa hàng có một số thùng carton cùng loại.
Đồng thời, trên tóc nạn nhân có dính mẩu dây điện và giấy vụn được xác định giống y hệt với loại được tìm thấy ở tiệm kem. Từ các bằng chứng cho thấy, tiệm kem An Mỹ có khả năng là hiện trường đầu tiên của vụ giết người.
Trong quá trình điều tra, cảnh sát biết được vào đêm xảy ra vụ án, chỉ có duy nhất một nhân viên bán thời gian tên Âu Dương Bình Cường, 26 tuổi, đang làm việc ở tiệm. Pháp y cũng cho biết, trong 269 sợi vải được tìm thấy trong móng tay của nạn nhân Ca Ngọc Anh thì có 7 sợi hoàn toàn trùng khớp với trang phục mà tên Âu Dương Bình Cường mặc.
Trong hoàn cảnh không có nhân chứng mục kích thì chứng cứ tìm được tại hiện trường cũng như trên cơ thể nạn nhân là thứ duy nhất cảnh sát có thể tin tưởng.
Cảnh sát đặt ra giả thuyết rằng, vào hôm bị giết, Ca Ngọc Anh đến tiệm kem quen thuộc và mượn điện thoại gọi cho bạn, không ngờ rằng sau đó đã bị tên Âu Dương Bình Cường dùng vũ lực bắt giữ rồi sát hại.
Ngày 27/3/1975, sau một quá trình thu thập chứng cứ, tên Âu Dương Bình Cường chính thức bị cảnh sát bắt giữ. Họ Âu Dương nhanh chóng được đưa ra tòa xét xử và nhận lấy bản án tử hình. Đây được xem là vụ án đầu tiên trong lịch sử Tư pháp của Hong Kong hung thủ bị kết tội khi không có nhân chứng, chỉ dựa trên kết quả của pháp y.
Đến năm 1977, sau khi chính sách được thay đổi bởi thống đốc Hong Kong, Murray MacLehose, Âu Dương Bình Cường được giảm án từ tử hình xuống tù chung thân.
3. Vụ giết người với nhiều uẩn khúc khiến dân chúng... kêu oan cho kẻ nghi phạm
Vào thời điểm Âu Dương Bình Cường bị xét xử, nhiều người dân Hong Kong đều cảm thấy vụ án giết người này có khá nhiều điểm bất hợp lý.
Chẳng hạn như thời điểm tử vong của nạn nhân bị thay đổi liên tục, cảnh sát không tìm thấy dấu tay của Âu Dương Bình Cường trên thùng carton, cũng như dấu tay của Ca Ngọc Anh ở hiện trường quán kem.
Thực chất không hề có bằng chứng cụ thể rằng sợi vải tìm được trên móng tay nạn nhân trùng khớp với trang phục của hung thủ mà đó hoàn toàn là thông tin mơ hồ do cảnh sát đưa ra…
Âu Dương Bình Cường và vợ mới cưới Trương Kim Phụng rất hạnh phúc. Nghi phạm và Ca Ngọc Anh cũng không hề quen biết nhau nên cảnh sát không thể tìm ra động cơ khiến cho tên Âu Dương phải ra tay giết người dã man đến vậy.
Có thể nói tất cả bằng chứng hiện trường dùng để kết tội Âu Dương Bình Cường đều không mang tính thuyết phục nhưng vẫn được sử dụng khi ra tòa.
Bên cạnh đó, thời điểm vụ án xảy ra, lực lượng cảnh sát Hong Kong liên tục dính bê bối không trong sạch, Ủy ban chống tham nhũng do Thống đốc Murray MacLehose thành lập chỉ mới đưa vào hoạt động nên vẫn còn nhiều khiếm khuyết.
Liệu việc dựa hoàn toàn vào bằng chứng pháp y để kết án Âu Dương Bình Cường có chính xác hay không? Đó là câu hỏi làm cho người dân Hong Kong hết sức thắc mắc. Lại có lời đồn đoán rằng tên sát nhân thật sự đã hối lộ cho cảnh sát một khoản tiền lớn để họ dồn mọi tội ác lên đầu người vô tội.
Lúc bấy giờ, nhiều tờ giấy kêu oan bí ẩn được dán khắp đường phố Tiêm Sa Chủy, họ đặt dấu chấm hỏi về vụ án, kêu gọi sự công bằng cho Âu Dương Bình Cường và phản đối phán quyết của tòa án.
Vợ của Âu Dương Bình Cường, Trương Kim Phụng, một mực tin tưởng vào sự vô tội của chồng. Bà đã thuê luật sư và nhiều lần giúp chồng kháng án nhưng mọi sự nỗ lực đều không thành công.
4. Dù bị tử hình hay tù chung thân, Âu Dương Bình Cường vẫn nhất mực nói mình vô tội
Luật sư bào chữa từng khuyên Âu Dương Bình Cường nhận lấy tội ngộ sát để hưởng khoan hồng của pháp luật, tuy nhiên có nói thế nào, Âu Dương cũng phủ nhận việc giết người và luôn khẳng định sự trong sạch của mình. Sự kiên quyết trong ánh mắt của Âu Dương Bình Cường cho đến nay vẫn khiến cho vị luật sư kia tin rằng ông ta thật sự vô tội.
Trong khoảng thời gian trong trại giam, Âu Dương Bình Cường luôn là một tù nhân gương mẫu. Ông đã dồn hết sức lực để trau dồi kiến thức và đã đạt được nhiều bằng cấp từ sau song sắt.
Các phạm nhân khác cho biết Âu Dương là một phạm nhân điềm đạm, tốt bụng, thích giúp đỡ người khác và được nhiều người yêu mến. Chính vì vậy, không ít các phạm nhân đều tin tưởng rằng Âu Dương Bình Cường thật sự là một người đàn ông vô tội.
Năm 1981, bà Trương Kim Phụng đệ đơn ly hôn với Âu Dương Bình Cường sau một khoảng thời gian dài cùng chồng đấu tranh tìm công bằng. Ngày 22/9/2002, do cải tạo tốt, Âu Dương Bình Cường cuối cùng đã được ân xá sau 28 năm ngồi tù.
Khi được phóng viên hỏi về vụ án Ca Ngọc Anh, Âu Dương Bình Cường bình tĩnh nói: "Vụ án đã kết thúc, sau này trong cuộc đời tôi không bao giờ muốn nhắc đến chuyện này nữa."
Âu Dương Bình Cường cũng cho biết, chuyện quá khứ không thể thay đổi được, việc ông bị kết án ngồi tù là có thật nhưng ông hy vọng xã hội có thể mở lòng vị tha để sau này ông có thể làm lại cuộc đời. Năm 2014, trong một chương trình phỏng vấn, Âu Dương Bình Cường vẫn khẳng định với phóng viên một câu: "Tôi vô tội!"
Sau này được biết Âu Dương Bình Cường đã tái hôn với một người phụ nữ Trung Quốc tên Ông Tịnh Tinh. Dựa vào câu chuyện của chồng mình cũng như nhiều vụ án kinh điển khác của Hong Kong, bà Âu Dương đã cho ra mắt tập tiểu thuyết Những Người Nguy Hiểm, rất được độc giả yêu thích. Vụ án chấn động của thiếu nữ trong thùng carton ở Happy Valley từng được nhiều nhà làm phim khai thác.
Sau này do chính phủ Hong Kong đã ra quyết định không điều tra các hoạt động sai trái của cảnh sát từ trước ngày 1/1/1977, vì vậy vụ án mạng của Ca Ngọc Anh cũng như những góc khuất trong vụ xử Âu Dương Bình Cường có lẽ mãi mãi không ai có thể tìm ra sự thật.