Vào một buổi tối mưa lạnh ngày 1/3/1932 tại nước Mỹ, khi đó là khoảng 20h, Betty Gow – nữ y tá của gia đình Lindbergh bế cậu bé 20 tháng tuổi Charles lên phòng ngủ. Cô nhẹ nhàng đặt cậu bé vào trong nôi. Một lúc sau khi Charles ngủ say, nữ y tá yên tâm rời khỏi phòng.
Khoảng 21h30, Charles Lindbergh đang ngồi trong phòng đọc sách thì nghe thấy tiếng động lạ. Tuy nhiên, anh nghĩ rằng có đồ vật gì đó bị rơi trong nhà bếp nên đã không đi kiểm tra.
Hơn 22h, nữ y tá Betty Gow trở lại căn phòng để kiểm tra thì phát hiện cậu bé không còn nằm trong nôi và đã biến mất. Vội chạy đi hỏi Anne Lindbergh – mẹ của Charles thì được biết cô chỉ vừa mới bước ra khỏi phòng tắm.
Và rồi, ngài đại tá Lindbergh bất ngờ nghe thấy tiếng hét thất thanh của vợ. Charles Lindbergh ngay lập tức chạy lên phòng con trai và nhanh chóng hiểu ra mọi chuyện. Tìm kiếm khắp căn phòng, anh thấy một chiếc phong bì màu trắng trên bệ cửa sổ nhưng khi đó trong đầu vị đại tá chỉ nghĩ đến mục tiêu duy nhất là tìm con trai và chỉ kịp bỏ chiếc phong bì vào ngăn kéo rồi lấy súng và đi khắp nhà để tìm kẻ xâm nhập.
Gia đình Lindbergh sống trong một ngôi biệt thự ở Englewood, New Jersey, ngày cuối tuần, họ thường tới thị trấn Hopewell để nghỉ ngơi. Như mọi lần, họ sẽ rời Hopewell vào buổi sáng thứ 2. Nhưng hôm đó, cậu con trai nhỏ của họ bị cảm lạnh, cả hai quyết định ở lại đây thêm vài ngày thì sự việc xảy ra.
Cảnh sát vào cuộc
22h25, người quản gia vội vàng gọi điện cho cảnh sát thị trấn Hopewell và cả cảnh sát bang New Jersey. 20 phút sau, lực lượng cảnh sát do đại tá Norman Schwarzkopf dẫn đầu đã có mặt tại khu nhà để chỉ huy việc tìm kiếm. Khi họ tới nơi, Đại tá Lindbergh vẫn đang tay cầm khẩu súng trường lục soát khắp ngôi nhà.
Nhưng ngoài cảnh sát, các phương tiện truyền thông cũng kéo tới ngày một đông. Vì nó liên quan đến một người nổi tiếng nên lại càng thu hút nhiều sự chú ý của giới báo chí và truyền thông. Trước đó, do bị quan tâm quá mức nên để tránh bị làm phiền, Lindbergh đã xây một khu nhà trên một triền đồi xa xôi ở New Jersey, thuộc thị trấn nhỏ Hopewell.
Đại tá Norman Schwarzkopf vốn là một sĩ quan quân đội trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Với tài năng của mình, Ở tuổi 26, Norman đã được bổ nhiệm là người đứng đầu của cảnh sát bang New Jersey khi đó. Lindbergh hoàn toàn đặt niềm tin vào người đồng nghiệp Norman Schwarzkopf trong việc tìm kiếm con trai mình.
Cảnh sát điều tra khu vực bên ngoài ngôi nhà. Họ tìm thấy ba mảnh thang được thiết kế thô sơ nhưng khá thông minh bị vứt trong một bụi cây gần một con đường đất nhỏ dẫn tới khu nhà, bên cạnh có vết lốp xe. Vì thời điểm này, thời tiết mưa và ẩm ướt nên cảnh sát có thể dễ dàng nhận ra có chiếc xe nào đó đã dừng lại bên bụi cây một lúc.
Nhiều dấu chân cũng được phát hiện trên nền đất ẩm ướt bên dưới cửa sổ. Cảnh sát nhận định có thể hung thủ đã dùng thang để tiếp cận với phòng ngủ của cậu bé.
Sau đó, rất đông lực lượng cảnh sát tìm kiếm xung quanh. Nhưng do hung thủ đã chuẩn bị khá kỹ càng nên không hề để lại dấu vết. Cảnh sát chỉ tìm thấy dấu vân tay của vợ chồng Lindbergh, đứa bé 20 tháng tuổi và nữ y tá Betty Gow, gây khó khăn cho cơ quan điều tra.
Lúc này, Lindbergh chợt nhớ đến chiếc phong bì màu trắng mà anh tìm thấy bên cửa sổ phòng con trai. Lập tức Lindbergh mở ngăn kéo và xé phong bì. Bên trong, một bức thư với những dòng chữ nguệch ngoạc hiện ra. Càng đọc, Lindbergh càng nhận ra cậu con trai của mình thực sự đang gặp nguy hiểm.
Vụ bắt cóc manh động
Trước khi chiếc phong bì được mở, cảnh sát đã cẩn thận lấy dấu vân tay để lại trên đó. Cẩn thận cắt chiếc phong bì, bên trong dần hiện ra tờ giấy nhỏ được viết mực xanh. Bức thư đòi tiền chuộc bằng tiếng Anh, có nhiều lỗi chính tả, thậm chí sai cả về cấu trúc ngữ pháp với nội dung như sau:
"Thưa ngài đại tá! Hãy chuẩn bị 50.000 USD, 25.000 USD loại tiền 20 USD, 15.000 USD loại tiền 10 USD và 10.000 USD loại tiền 5 USD. Sau 2 đến 4 ngày, chúng tôi sẽ thông báo cho ông địa điểm giấu thằng bé. Chúng tôi cảnh báo trước rằng, bất cứ thông báo nào với cảnh sát cũng sẽ khiến con trai ông gặp nguy hiểm."
Ở góc phía dưới, góc bên phải bức thư có vẽ hai hình tròn được lồng vào nhau. Giữa hai vòng tròn được tô màu đỏ, có ba lỗ bấm trên bức thư. Cảnh sát không hề tìm thấy bất kỳ dấu vân tay trên phong thư đòi tiền chuộc. Họ tin rằng tên bắt cóc đã đeo găng tay và bọc đế giày, nhằm tránh để lại manh mối. Ngoài ra, theo nhận định của cảnh sát, bức thư này được viết bởi một người gốc Đức.
Lúc này, vợ chồng vị đại tá thực sự hoảng loạn. Tuy muốn cảnh sát bí mật điều tra để tránh "rút dây động rừng" nhưng mọi việc lại không như Lindbergh mong đợi bởi sự nổi tiếng của mình. Ngay trong đêm đó, các đài phát thanh và cả các tờ báo địa phương đã dồn dập đưa tin về vụ bắt cóc. Các tờ báo thậm chí còn đặt cả trung tâm tạm thời ngay tại một khách sạn nhỏ ở Hopewell để theo dõi diễn biến cuộc điều tra. Dư luận khắp nơi đều bàn tán về vụ bắt cóc manh động này.
Những giả thuyết đầu tiên
Vì mức độ nghiêm trọng của sự việc và vụ án có liên quan tới người anh hùng dân tộc nước Mỹ nên Tổng thống Herbert Hoover lúc đó còn đích thân đến thăm hỏi tình hình. Cục Điều tra Liên bang (tiền thân của lực lượng FBI) được ủy quyền để điều tra vụ án.
Có nhiều giả thuyết được đưa ra. Thứ nhất, những kẻ bắt cóc là những kẻ chuyên nghiệp. Thứ hai, những kẻ bắt cóc khá quen với ngôi nhà, vị trí căn phòng nơi cậu bé ngủ. Đại tá Schwarzkopf lại cho rằng những kẻ bắt cóc này không chuyên và có thể là băng nhóm tội phạm địa phương. Số tiền chúng yêu cầu khá khiêm tốn so với gia đình Lindbergh.
Song song với việc điều tra, các quan chức ở New Jersey đã công bố treo thưởng trị giá 25.000 USD, gia đình Lindbergh cũng treo giải thưởng trị giá 50.000 USD, nếu tìm thấy manh mối của vụ án.
Ngày 4/3, bức thư đòi tiền chuộc lần thứ hai được gửi đến. Lindbergh bị cảnh cáo về sự tham gia của cảnh sát trong vụ này, và thông báo rằng vì cảnh sát đã nhúng tay vào vụ này nên số tiền chuộc đã được nâng lên mức 70.000 USD. Trên bức thư này vẫn có biểu tượng những vòng tròn được lồng vào nhau. Những ngày sau đó, những lá thư vô danh cứ lần lượt được gửi đến nhà Lindbergh.
Trong khi Lindbergh và những đồng nghiệp của mình đang gấp rút điều tra thì đại tá Lindbergh có những hành động riêng của mình bởi quá sốt ruột về sự biến mất của cậu con trai.
Lúc này, ông John F. Condon - một giáo viên 72 tuổi đã nghỉ hưu ở New York cũng là một trong những người rất quan tâm đến vụ án của cậu bé Lindbergh. Ông đã viết một lá thư cho một tờ báo địa phương rằng ông muốn tình nguyện làm trung gian giữa bọn bắt cóc với gia đình vị đại tá.
Đáng ngạc nhiên là chỉ 3 ngày sau đó, ông Condon nhận được một lá thư từ những người tự xưng là kẻ bắt cóc, yêu cầu ông giữ vị trí trung gian giữa họ và gia đình Lindbergh.
Cuộc gặp tại nghĩa trang
Ngay khi được yêu cầu làm trung gian, John F. Condon đã đăng một tin quảng cáo thông báo cho nhưng kẻ bắt cóc biết số tiền đã được chuẩn bị và ông cũng đã sẵn sàng..
Ngày 12/3/1932, Condon nhận được một lá thư chỉ dẫn được viết tay do một người lái taxi gửi đến. Condon đã sắp xếp một cuộc gặp với một trong những kẻ bắt cóc tại nghĩa trang Woodlawn, Bronx.
Tại cuộc gặp, vì trời quá tối nên ông không thể nhìn rõ mặt nghi phạm mà chỉ biết rằng tên bắt cóc nói giọng Đức. Condon cho biết hắn tự xưng là "John" và tuyên bố mình là thành viên của một băng đảng người Scandinavia. Hắn nói rằng đứa trẻ đang ở trên một chiếc thuyền và sẽ trả lại nó khi lấy được tiền chuộc.
Tuy nhiên Condon tỏ ý nghi ngờ và yêu cầu được nhìn thấy cậu bé trước khi giao tiền. Tên bắt cóc hứa sẽ gửi cho Condon bức ảnh chụp cậu bé đang ngủ.
Vài ngày sau, đúng như lời hứa, Condon đã nhận được bức ảnh chụp cậu bé Charles đang ngủ và bộ đồ ngủ của cậu được gửi qua đường bưu điện. Vợ chồng vị đại tá khẳng định đó là đồ của con trai mình. Ngay sau đó, Condon liền đăng tin lên báo: "Hiện tại tiền đã sẵn sàng. Sẽ không có cảnh sát đi theo. Tôi sẽ đến một mình như lần trước".