Nỗi Đau Của Đom Đóm

Chương 11



Quan Kiện nhìn lên bảng đồ giao thông thành phố Giang Kinh treo trên tường trong phòng làm việc, ngẩn ra một lúc. Cái chết của Hoàng Thi Di và Chử Văn Quang vẫn luôn thường trực trong tâm trí anh. Anh là một người thích vận dụng trí óc, tin vào sức mạnh của tư duy, nhất là để giải câu đố về cái chết của người yêu và bạn thân, anh nguyện sử dụng đến sợi neuron cuối cùng. Lúc này, anh nhìn lên ký hiệu của Đại học Y Giang Kinh và "láng giềng" là Bệnh viện trực thuộc số 1 trên bản đồ, trầm tư suy nghĩ. Hoàng Thi Di bị hại ở toà nhà giải phẫu Đại học Y Giang Kinh, Chử Văn Quang bị giết ở toà nhà chính của bệnh viện trực thuộc số 1, dường như có một mạch suy nghĩ đang đung đưa, đang chờ anh nắm lấy. Toà nhà giải phẫu Đại học Y Giang Kinh, khu vực kinh dị ma quỷ lộng hành có tiếng, còn toà nhà chính bệnh viện trực thuộc số 1 thì sao? Hình như đã từng nghe nói đến sự kỳ lạ của nó. Từ đâu vậy kìa?

Nói không chừng Âu Dương San có thể biết, cô ấy vẫn thường nói dòng họ Âu Dương của cô ấy có "quỷ duyên" di truyền, đối với những chuyện yêu ma quỷ quái, cô ấy không có thứ gì là không biết.

Nhắc đến Âu Dương San, Quan Kiện hơi giật mình, lập tức mở máy tính trong phòng làm việc của giáo sư Nhậm lên, kết nối vào trang chủ của Đại học Y Giang Kinh. Anh đánh vào ô tìm kiếm từ khoá "Âu Dương San", dẫn đầu các đề mục chính là bài viết Âu Dương San viết trên tờ "Hoa oải hương" – "Bảng xếp hạng Giang Kinh thập đại quỷ địa".

Cái gọi là "Giang Kinh thập đại quỷ địa", hạng 3 là bệnh viện trực thuộc số 1, hạng nhì là toà nhà giải phẫu của Đại học Y Giang Kinh. Chử Văn Quang chết ở nơi hạng 3 của "Giang Kinh thập đại quỷ địa", còn Hoàng Thi Di chết ở nơi hạng nhì!

Hạng nhất lại là nơi ở sát bên anh – Sở nghiên cứu Tổng hợp y dược Trung – Tây!

Tại sao?

Trước mắt Quan Kiện lập tức loé lên hình ảnh cái "đàn tế" bằng sắt đặt gần bức tường phía sau Sở nghiên cứu mà ai đó đã đốt giấy.

Hành lang tối tăm trong thí nghiệm thôi miên và hình ảnh của thi thể trên chiếc bàn giải phẫu, trong quá khứ mười mấy năm làm thí nghiệm chưa từng xuất hiện bao giờ, chỉ có gần đây trong phòng thí nghiệm mới của giáo sư Nhậm, hiện ra hết lần này đến lần khác. Phòng thí nghiệm này, chẳng lẽ lại có gì đó kỳ quái?

Âu Dương San sao lại trùng hợp cách đây 2 tháng viết ra bài văn xem ra có vẻ như hết sức nhảm nhí này?

Anh lại lấy "Giang Kinh thập đại quỷ địa" ra cẩn thận coi lại từng chữ một, càng xem càng thấy lạnh sống lưng, nhất là nhớ tới Sở nghiên cứu có vẻ như bình thường này, lại là nơi mà dân gian tương truyền là có nhiều ma nhất, không kềm được một cơn ớn lạnh.

Một cánh tay, nhẹ nhàng đặt lên vai Quan Kiện.

Quan Kiện "A" lên một tiếng, nhảy dựng lên trên ghế.

Đứng sau lưng anh là giáo sư Nhậm, gương mặt không có chút cảm xúc, dưới ánh đèn huỳnh quang, sắc mặt hơi xanh.

"Cậu đang xem gì vậy?"

"Không... không có gì, một bài văn nhảm nhí. Thật ngại quá."

"Không sao", giáo sư Nhậm vẫn điềm đạm, "cậu có thể thích ứng được như vậy, đã là không dễ dàng gì, xem một chút văn chương trên mạng thì có sao đâu. Nhưng có thể cậu phải tạm thời ngừng lại một lát, 5 phút sau sẽ chính thức gặp mặt Yamashita Takeji."

"Ở đâu?"

"Cậu không cần phải cảm thấy kỳ lạ... ở nhà triển lãm Mỹ thuật."

Nhà triển lãm Mỹ thuật thành phố Giang Kinh toạ lạc ở đường Đông Dương Nam, phía trước hướng về hướng Tây, sau hướng về hướng Đông, tòa nhà nơi đặt phòng triển lãm chính có kiến trúc theo kiểu Anh được xây từ đầu thế kỷ trước, cao khoảng 30m, trên cùng là tháp đồng hồ cao khoảng 10m. Tường ngoài sơn xen kẽ 2 màu nâu hồng và xám trắng, hành lang ngoài có vòm mái bằng đá, trụ hành lang kiểu Baroque, đỉnh tháp chuông và mái cong kiểu Gothic, như đang nhắc lại nơi này từng là khu Tô giới. Tòa nhà triển lãm Mỹ thuật cổ xưa này, mấy năm gần đây, sử dụng triệt để khoảng diện tích 2 tầng (khoảng 8000 mét vuông) để chứa đựng từ những bức danh hoạ đời Tống, Nguyên, tượng điêu khắc của Rodin cho đến những triển lãm của các hoạ sĩ chuyên nghiệp của các Viện Mỹ thuật.

Điều luôn làm Quan Kiện hiếu kỳ là, đoạn phía nam của toà nhà chính lại nối liền với đoạn phía đông của Sở nghiên cứu tổng hợp y dược Trung – Tây Thành phố Giang Kinh. Hai khu nhà vuông góc với nhau, vừa vặn tạo thành hình chữ L. Nếu nói toà nhà triển lãm Mỹ thuật vẫn còn mang phong cách nước ngoài và vô tình thể hiện ra "hơi hướm nghệ thuật", thì toà nhà của Sở nghiên cứu lại tầm thường đến mức không thể tầm thường hơn, năm tầng văn phòng mái bằng tường thẳng, chỉ một màu tường xám trắng, ám chỉ một cách yếu ớt rằng toà nhà này và Nhà triển lãm Mỹ thuật kế bên có thể là được xây cùng thời.

Rất khó tưởng tượng ra, trong thánh đường nghệ thuật cao nhã như vậy, lại từng xảy ra vụ án đẫm máu thế kia. Cha của Hoàng Thi Di – Hoàng Quán Hùng, và cha của Yamashita Takeji – Yamashita Masashigen, đều nằm trong vũng máu.

Không biết tại sao, Quan Kiện dường như có thể nhìn thấy được thi thể đẫm máu của Hoàng Quán Hùng đang nằm sấp dưới đất.

Yamashita Takeji và một người đàn ông nữa đang đợi trước cửa nhà triển lãm, hai người gần như cùng lúc đưa tay về phía Quan Kiện.

"Vị này là trợ lý trực tiếp của tôi, và cũng là kỹ thuật viên, Kikuno Yuuji, ông Kikuno sẽ trực tiếp phụ trách sắp xếp các hoạt động lần này của chúng ta, đặc biệt là sự an toàn của cậu." Yamashita Takeji giới thiệu.

Lúc này Quan Kiện mới kéo suy nghĩ của mình trở về thực tại, bắt tay với một cánh tay nhỏ nhắn mềm mại hơi có vẻ nữ tính, cánh tay đó lại dùng sức nắm chặt, chứng tỏ thực chất đây là một người đàn ông mạnh mẽ có võ. Ngoại hình của Kikuno Yuuji cũng nhỏ nhắn như cánh tay của ông ta vậy. Ông ta khoảng 35, 36 tuổi, trắng trẻo đẹp trai, môi mỏng mím chặt, trong đôi mắt luôn lộ ra cái nhìn chăm chú.

Ánh mắt tập trung vào mặt của Quan Kiện.

"Chào anh." Quan Kiện giữ phép lịch sự.

Kikuno Yuuji cũng lịch sự mỉm cười, chào một tiếng, rồi ngó Yamashita Takeji. Yamashita Takeji quay qua Quan Kiện nói: "Tôi quên nói rõ, ông Kikuno chỉ biết rất ít tiếng Hoa – lần này thành viên trong đoàn chúng tôi đến giao lưu, ngoài tôi ra, trình độ tiếng Hoa của những người khác đều không đủ để trực tiếp trao đổi với cậu, tôi sẽ cố gắng phiên dịch dùm, nhưng vẫn có những công việc lộn xộn hằng ngày, không thể lúc nào cũng kè kè bên cạnh cậu, do vậy, bên phía Hiệp hội nghệ thuật Nhật Bản đặc biệt phân công cho cậu một vị phiên dịch kiêm trợ lý... nhưng thật xin lỗi, vì người phiên dịch này vừa mới đến, còn đang thu xếp, có lẽ ngày mai mới có thể chính thức bắt đầu."

"Nhưng tôi vẫn không biết tôi có thể làm được gì? Tại sao lại phải tới đây?" Quan Kiện cảm thấy mình vẫn đang ở trong màn sương mù dày đặc.

"Hay là để chuyên gia giải thích cho cậu một chút vậy."

Chuyên gia chính là Chiba Fumika, bà đã đợi sẵn trong phòng triển lãm số 4 của Nhà triển lãm. Theo lời của Yamashita Takeji, bà là một nhà sinh lý học có nhiều thành tích, là cán sự của Hiệp hội sinh lý học Nhật bản khu vực Tokyo. 23 tuổi bà đã đạt được học vị tiến sĩ sinh lý học của Đại học Cornell (Mỹ), ngay sau đó trở thành giáo sư trẻ nhất Nhật Bản. Điều hiếm thấy nhất là, bà tuyệt đối không phải là một nữ trí thức chỉ biết đến nghiên cứu khoa học, đa tài đa nghệ, mà còn làm việc cẩn thận thấu đáo, rất có đầu óc phân tích; trong công tác, nhiệm vụ của Hiệp hội sinh lý Nhật Bản, đã bộc lộ năng lực quản lý.

"Chúng tôi đặc biệt đến Giang Kinh tìm cậu, chủ yếu là do đề nghị cũa tiến sĩ Chiba."

Thần thái và ngoại hình của Chiba Fumika hoàn toàn phù hợp với lời giới thiệu của Yamashita Takeji: Bà xem chừng chưa đến 40 tuổi, trên gương mặt có nét dịu dàng, cặp kính không vành gọng bạc được đặt trên cái mũi xinh xắn, không hề giảm đi vẻ thùy mị chút nào; xương gò má của bà hơi cao, nhưng được tài trang điểm khéo léo che lấp; mái tóc đen thẳng ánh lên vẻ khỏe mạnh, thân hình vẫn còn giữ được dáng vẻ tươi trẻ như thời con gái.

Thông qua sự phiên dịch của Yamashita Takeji, Chiba Fumika bày tỏ với Quan Kiện sự thương tiếc và đồng cảm về cái chết của Hoàng Thi Di, đồng thời không ngớt cảm ơn Quan Kiện đã giúp đỡ nhóm thí nghiệm, cũng như hy vọng anh có thể nhanh chóng tra ra được chân tướng cái chết của bạn gái.

Quan Kiện bị sự chân thành của bà làm xúc động, nghe bà rót mật vào tai.

Thì ra Quan Kiện từ nhỏ đã trải qua những chuyện như vậy, kết quả của vô số những lần thí nghiệm, tuy các nhà khoa học đã cố gắng bảo mật, nhưng trong quá trình trao đổi học thuật và báo cáo thành quả, vẫn có sự phổ biến nhất định. Sự phổ biến này bắt đầu từ "tôi chỉ nói cho một mình anh biết, anh hứa đừng nói ra nhé" trong cuộc sống vẫn rất thường gặp, sau đó bí mật này lan truyền nhanh chóng, cho đến khi truyền đến tai nhà khoa học lão thành Inamoto Hirujuu.

Inamoto Hirujuu, tuổi đã ngoài 80, là một thiên tài của giới khoa học Nhật Bản, có học vị tiến sĩ vật lý và tiến sĩ y khoa, ông đã đọc qua phần lớn những kết quả thí nghiệm với Quan Kiện, đồng thời kết hợp một số án lệ tương tự trong và ngoài nước, đưa ra một kế hoạch táo bạo, hy vọng mượn khả năng thiên phú của Quan Kiện, trợ giúp Yamashita Takeji và Hiệp hội nghệ thuật Nhật Bản tìm lại được các tác phẩm nghệ thuật gốm sứ, đồng thời trừng phạt kẻ trộm sát nhân.

Inamoto Hirujuu là một nhà khoa học "không theo bài bản", ông luôn tin rằng, con người là thể kết hợp giữa vật chất và trường năng lượng. Con người sau khi chết đi, tuy rằng hô hấp, nhịp tim và tất cả sự trao đổi chất đều dừng lại, các loại vật chất cấu thành cơ thể cũng tan rã ra, nhưng trường năng lượng vốn có của cơ thể con người hoàn toàn không bị gió thổi đi, mà sẽ được giữ lại: hoặc là rời khỏi thi thể, ở lại nơi chết; hoặc là vẫn ở trong thể xác, đi vào lò thiêu; hoặc là bị chôn xuống dưới đất; loại năng lượng lưu lại trên dương thế, có lẽ là cái gọi là linh hồn, điều này có thể giải thích lý do tại sao nhà cũ của người chết, hoặc trong nghĩa địa là nơi dễ được miêu tả là có ma nhất.

Chiba Fumika chính là học trò cuối cùng của Inamoto Hirujuu. Bà ứng dụng lý luận này đưa ra giả thiết, trong vụ án giết người cướp tác phẩm nghệ thuật gốm sứ này, trường năng lượng của 3 người chết rất có thể vẫn còn lưu lại ở nơi xảy ra sự việc – Nhà triển lãm Mỹ thuật. Bởi vì loại năng lượng này không thể trao đổi được với người thường, cho nên người chết tuy có thể nắm được một chút thông tin của hung thủ, nhưng không có cách nào truyền đạt lại được.

"Mà cậu, Quan Kiện, từ khi còn nhỏ đã thể hiện rõ khả năng thiên phú, theo số liệu kết quả của các lần thí nghiệm cho thấy, dường như chính là có thể cảm nhận được thứ mà người thường không thể cảm nhận. Nói đơn giản một chút, trong thần kinh não bộ của cậu, tồn tại một thứ thụ thể (*) khác với người thường, các nhà khoa học suy đoán, loại thụ thể này có thể tiếp nhận các thông tin và kích thích mà người bình thường không thể tiếp nhận được, ví dụ như tín hiệu nguy hiểm đến tính mạng. Bởi vì con người khi cận kề cái chết, trường năng lượng sẽ sản sinh ra biến đổi và chấn động cực đại, lý luận của thầy Inamoto là, sự thay đổi năng lượng trước khi chết này, sẽ có hình thức phát tán giống như là sóng điện vô tuyến vậy, và bị thụ thể đặc biệt trong thần kinh não bộ của cậu cảm nhận được, cho nên câu có thể nhìn thấy được 'bọn họ', một loại tín hiệu mơ hồ chứng tỏ cái chết." Thay vì nói Yamashita Takeji đang phiên dịch, thà rằng nói ông tiếp nối chủ đề đã giới thiệu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.