Suốt đêm hôm ấy, Phôn không thể ngủ. Một phần, vì anh biết, anh và người con gái anh yêu sắp phải xa nhau rất lâu, và, không biết cô ấy sẽ thế nào trong khoảng thời gian ấy. Một phần, vì anh sợ những gì mình vừa phải nghe. Không thức dậy nữa ư? Không muốn ư? Tiểu Vũ hâm, em đang nghĩ gì vậy, hả em? Cuộc sống, có bao giờ bằng phẳng, hả em? Cuộc sống, có đoạn đường nào là trơn tru đâu? Mình đâu thể vì thế mà đẩy bản thân vào tiêu cực, hả em? Em phải thức dậy - em có nghe thấy anh không? Em phải thức dậy! Em phải sống tốt! Em phải đợi anh trở về để còn tiếp tục yêu em bằng tình yêu mà không bất kỳ ai, không bất kỳ thứ gì có thể làm thay đổi.
Ngoài kia, tiếng đàn của Diệp Anh vẫn day dứt lắm. Phôn nhiều lần cựa mình muốn trở dậy, ra hỏi xem em gái mình đang thế nào. Nhưng, cứ mỗi lần như thế, anh lại thấy tiếc nuối phút giây được nằm sát cạnh Tiểu Vũ - khoảng thời gian đẹp mà đến mơ cũng không dám tin mình sẽ có này - nên lại thôi. Có lẽ, ngày mai anh và Diệp Anh sẽ còn nhiều thứ khác để nói với nhau. Thôi thì, cứ để Diệp Anh trôi theo những nốt nhạc bổng trầm của cô vậy.
Diệp Anh đàn suốt đêm không nghỉ. Cô tự nhủ, nếu những đầu ngón tay này phải bật máu ra, để gửi những lời yêu thương da diết đến Tiểu Vũ, cô cũng sẽ làm. Bởi, nếu không, cô biết, có lúc mình sẽ hối hận. Cô không cần phải tự hỏi, cô không cần phải đoán, rằng, ở phòng bên kia, anh trai cô - người anh mà cô vẫn thi thoảng đùa khi còn có thể đùa, rằng, từ trên trời rơi xuống, cho cô cái quyền được yếu đuối để tựa vào - và Tiểu Vũ đang thế nào. Cô biết, có là gì thì đấy cũng là thật sự yêu thương. Và, nếu đã là xuất phát từ yêu thương chân thành, thì, bất kỳ gì cũng sẽ đẹp, cũng sẽ đáng trân trọng.
Maryland mưa nhiều vào những ngày cuối cùng Tiểu Vũ ở lại. Cô hay nhìn ra cửa sổ và hỏi Diệp Anh rằng, chẳng lẽ, đến trời cũng buồn sao? Câu đùa dễ thương ấy giờ bỗng trở thành nhát dao cứa mạnh vào lòng người nghe. Diệp Anh muốn nói cho Tiểu Vũ biết, rằng, mưa gió ấy có đáng gì những cơn bão đang giật dữ dội trong lòng cô, trong lòng anh trai cô?! Nghe thì khó tin thật, nhưng khi lặng im và nghe bão táp cuộn điên cuồng trong lòng, con người có lúc thấy thiên nhiên yếu đuối và đáng thương đến lạ với những tuyệt vọng gió mưa tưởng có thể đe dọa loài người.
- Tiểu Vũ này! - Diệp Anh gọi, kiểu gọi khá lạ khiến Tiểu Vũ phải quay lại nhìn. - Nếu... à... nếu có một ai đó, cũng yêu chị, yêu nhiều như Phôn yêu, thì sao nhỉ?
- Em nghĩ... - Tiểu Vũ đã quay hẳn xe lăn của mình lại, nhìn Diệp Anh chăm chắm. - Phôn yêu chị nhiều sao?
Diệp Anh khựng lại một lát. Rõ ràng, câu trả lời của Tiểu Vũ không phải điều Diệp Anh mong, nhưng, Diệp Anh bất ngờ không phải vì nó khác với mong đợi của mình, mà là bất ngờ, làm sao Tiểu Vũ có thể hỏi câu hỏi mà biết thừa câu trả lời này nhỉ?
- Đương nhiên rồi! - Diệp Anh nhún vai. - Ai cũng biết điều đấy mà! Chẳng lẽ chị nghi ngờ sao?
- Không! Không! - Tiểu Vũ luống cuống, không dưng, cô thấy sợ hai chữ nghi ngờ quá. - Chỉ là... chị muốn nghe điều ấy từ một ai khác nói, không phải từ Phôn.
- Ồ! - Diệp Anh cười mà buồn mênh mang. - Em cứ tưởng, điều người ta nói giữa hai con người yêu nhau mới là quan trọng nhất chứ?
Dĩ nhiên những gì Phôn nói quan trọng chứ, thậm chí là quan trọng nhất; nhưng đứng trước những chông chênh này, còn thêm một ai khác nữa khẳng định với Tiểu Vũ rằng, Phôn yêu cô - yêu rất nhiều - sẽ như một liều thuốc củng cố tinh thần để cô dám ra đi, dám chờ đợi và dám hy vọng. Tiểu Vũ bâng quơ cười, rồi lại quay ra nhìn mưa như đang xối nát tâm hồn mình. Thật ra, cô chỉ là đang chờ và đang lo lắng cho một người chắc rồi sẽ nhiễm lạnh, sẽ ướt đang vội vã rời chỗ làm về đây, dành chút thời gian ít ỏi còn lại cho cô. Cô mong Phôn biết chừng nào.
Hoa. Bánh kem. Thức ăn ngon. Hai thứ đầu là do Phôn mang về. Thứ sau cùng - dĩ nhiên là sẽ nhiều món - do Diệp Anh nấu từ đề xuất của Tiểu Vũ. Họ không giả vờ. Họ cũng không cố gắng. Họ vui với nhau thật sự. Ăn - uống - nói cười theo đúng cách cả ba đều biết, họ không còn bao nhiêu thời gian ở cạnh nhau, nên, họ sẽ để khoảng thời gian ngắn ngủi này thành ra ý nghĩa, thành ra vui vẻ nhất có thể. Tại sao cứ phải sắm vai khổ đau, khi thời gian vui vẻ vốn đã quá ngắn?
Đêm nào Phôn cũng nằm cạnh Tiểu Vũ, ôm siết cô vào lòng, thì thầm vào tai cô những lời ngọt ngào, dễ thương nhưng rất thật lòng, để không bao giờ cô nghĩ đến chuyện ngủ và mong không phải thức dậy nữa, để cô tin rằng, khi học xong, anh sẽ về và cưới cô. Kết hôn - với cả Phôn và Tiểu Vũ lúc này và có lẽ sẽ cả sau này nữa - đơn giản chỉ là hợp thức hóa việc họ đang làm, được nằm cạnh nhau, ôm chặt nhau, nói những lời yêu thương với nhau... mà không sợ bất kỳ điều tiếng nào từ xã hội vẫn còn vương nhiều tư tưởng phong kiến. Phôn không sợ thị phi nhưng anh sợ cho người con gái mình yêu; Tiểu Vũ không sợ điều tiếng nhưng tha thiết mong những thứ hoàn hảo, tròn trịa cho tình yêu này. Thế nên, cô đón nhận mọi thứ rất nhẹ nhàng, theo đúng cách Phôn mong muốn. Cô không cho mình quyền được nghĩ đến những điều tiêu cực nữa, dẫu, thi thoảng chúng vẫn lởn vởn trong đầu.
Đêm trước khi đi, Tiểu Vũ hỏi anh, nếu theo đúng kiểu chơi chữ của dân xứ này - vùng đất Maryland được nói theo kiểu mảnh đất cưới - cô cho anh tất cả, thuộc về anh như một người vợ tự nguyện hiến dâng, anh nghĩ sao? Phôn nhẹ nhàng siết vòng tay mình, nhưng đủ mạnh để Tiểu Vũ cảm nhận được cơn ham muốn trong anh, rồi rót vào tai cô hơi thở gấp rút và bảo, hãy đợi, anh sẽ về đón em.
Cô về trước. Cô phải đi, theo sự sắp đặt có sẵn mà chống cự chỉ làm cô mất sức, rồi kết quả vẫn như thế thôi. Và, cô sẽ đợi. Đợi ngày thuộc về Phôn, đợi ngày nói cho anh nghe những sự thật mà cô buộc phải đem chúng bay theo cô về. Đừng trách em vì đã không nói thật, vì đã che giấu những điều anh xứng đáng được biết; tất cả chỉ vì, em đã quá yêu anh!
***
Mẹ và bác Đạm đón Tiểu Vũ ở sân bay với một sự hào hứng giống hệt nhau. Phải nhắc lại là họ hào hứng chứ hoàn toàn không phải vui mừng. Tiểu Vũ biết - biết chắc chắn - rằng, những dự cảm, những lo lắng của mình là sự thật. Cô chào hỏi cho phải phép rồi lặng lẽ ngồi nhìn ra cửa kính ô tô. Sài Gòn cũng mưa, y hệt như Maryland của cô và Phôn. Cô thấy buồn quá!...
Bữa cơm tối ba người với những dòng cảm xúc vĩnh viễn không thể giao nhau ở ngôi nhà mà Tiểu Vũ từng lớn lên khiến cô bị rơi hẳn vào cái hố cô đơn không đáy. Cô thấy những nụ cười cứ gửi đến chỗ cô ngồi từ hai cái miệng kia mới nhạt nhẽo làm sao. Cô không dám nghĩ thêm nữa! Tiểu Vũ không cho mình cái quyền ghét mẹ. Cho dù, có những cảm giác rất lớn cứ bủa vây, thôi thúc cô đi đến cái kết rằng, mình nên ghét mẹ. Khái niệm hiếu thảo của người Việt Nam đôi khi khá buồn cười, nghĩ mà không nói chưa chắc là bất hiếu, nhưng đã buột miệng nói ra thì ắt phạm ngay vào cái tội bất dung này. Chẳng lẽ, tình cảm được đinh ninh bằng lời nói hay sao? Thế những thứ đang sống trong lòng thành ra vô nghĩa cả?
- Lẽ ra... - Mẹ có vẻ hơi chần chừ khi nói. - Lẽ ra mẹ và bác Đạm sẽ đợi một hai hôm nữa, khi con khỏe hẳn...
- Con khỏe, mẹ ạ! - Tiểu Vũ nói, gồng mình lên đón không khí cô vừa cố nuốt vào, cô biết, mình sắp phải giải quyết vài vấn đề, dẫu đến giờ, vấn đề ấy là những gì, cô chưa dám chắc. - Mẹ cứ nói thôi!
- À... ừ! - Mẹ cười gượng. - Vì... mọi thứ khá muộn so với dự tính của mẹ và bác Đạm.
- Hai người sẽ kết hôn, nhỉ? - Tiểu Vũ ơ hờ, vô thức lặp lại câu hỏi mà có vẻ cô đã từng hỏi bằng chính thái độ này.
- Dĩ nhiên! - Bác Đạm chen vào, như sợ một chút nào đó do dự từ mẹ. - Mẹ và bác đã nghĩ về vấn đề này từ rất lâu.
- Vâng! - Cô càng ơ hờ hơn khi trả lời người đàn ông sắp sửa trở thành cha dượng của mình. - Cháu cũng đoán thế!
- Ồ, con gái! - Mẹ chồm qua, nắm cánh tay Tiểu Vũ bắt đầu hao mòn dẫu chỉ một ngày xa Phôn. - Con không nên xưng cháu với bác Đạm. À... mẹ mong con sẽ gọi bác là ba!
Tiểu Vũ lặng im nhìn mẹ. Cái nhìn ướt và xám màu chống cự. Con không muốn! Mẹ có hiểu không? Con không muốn! Cha con, dẫu người có đi xa và cố rời khỏi trí nhớ của con, nhưng, cha là người duy nhất mà con muốn gọi là cha, không ai khác cả. Hình như, mẹ nghe được suy nghĩ của Tiểu Vũ, nên rụt tay lại, e dè nhìn sang bác Đạm đã bắt đầu cục cựa khó chịu vì mọi sự không theo ý ông.
- Nhưng... - Mẹ lại lừng khừng. - Còn một vấn đề khác, chúng ta cần bàn trước cả chuyện cưới của mẹ và... bác.
- Vâng! - Vẫn cái kiểu ơ hờ từ khi gặp lại. - Con nghe đây ạ!
- Số là... ba con từng... từng để lại di chúc...
- Con tưởng, mẹ nói ba bị tai nạn? - Tiểu Vũ bắt đầu để ý đến câu chuyện.
- Phải, con gái ạ! - Mẹ có vẻ vẫn xúc động khi nhớ đến chuyện này.
- Nếu ba bị tai nạn, tức là ba không chuẩn bị trước cho cái chết của ba - Tiểu Vũ nghẹn đắng khi nói đến từ chết - thì làm sao ba lại để lại di chúc trước, khi ba còn quá trẻ, nhỉ?
Cả mẹ và bác Đạm đều lặng đi sau câu Tiểu Vũ hỏi. Thật ra, đấy cũng là câu mà cả hai người đã tự hỏi và đã hỏi với nhau suốt vài tháng qua. Thật ra, chuyện này, mẹ đã biết từ sau khi cha mất, nhưng hồi ấy, có lẽ nỗi đau trong mẹ lớn đến độ, chẳng có bất kỳ điều gì đáng để mẹ phải quan tâm, phải để ý. Nhưng đến khi cần dùng đến những gì cha để lại, mẹ sốt ruột nhận ra, mọi thứ thật ra đã thuộc về Tiểu Vũ rồi - từ đúng sinh nhật thứ hai mươi mốt của cô. Oái ăm nhỉ, ngày cô nhận được một gia sản kếch xù, một con số khổng lồ đến mức nhiều người cật lực làm việc, dành dụm cũng không dám mơ tới, cũng là ngày cô mất đi quá nhiều thứ, đáng sợ nhất là mất đi cả niềm tin vào cuộc sống của mình.
- Mẹ... mẹ cũng không biết! - Mẹ cười buồn. - Có lẽ, ba muốn con biết, ba đã yêu con đến nhường nào.
Tiểu Vũ nhìn mẹ, nhìn bác Đạm bằng cặp mắt trĩu nặng. Không phải vì muốn ngủ. Không phải vì mệt. Cặp mắt cô trĩu xuống vì sự nặng trịch phát ra từ lòng cô. Cô biết, mẹ sắp sửa nói gì.
- Mẹ muốn con biết, mẹ cũng yêu con, hơn bất kỳ điều gì trên đời này!
- Con biết ạ!
Lại lặng im.
Mẹ vài lần đá mắt qua, theo kiểu bảo bác Đạm rời đi một lát để mẹ dễ vào câu chuyện cứ bị ngắc ngứ vì sự e dè của mẹ nãy giờ. Nhưng rõ ràng, bác Đạm không muốn đi. Rõ ràng, ông sợ mẹ sẽ đổi ý hoặc nói gì đấy, thiếu mất một từ ông cần mẹ nói. Ông cương quyết ở lại.
Tiểu Vũ, theo thói quen hai mươi mốt năm qua, nhổm dậy, rồi nhận ra mình không còn khả năng ấy nữa. Tiểu Vũ cười thầm. Con ngốc! Mày đã là đứa bại liệt rồi! Sự thể gì để mày quên được cái điều oái ăm mà buộc mày phải ghi nhớ mãi đấy?
Mẹ nhìn thấy.
Bác Đạm cũng nhìn thấy.
- Con rất mệt, mẹ à! - Tiểu Vũ thở dài. - Con cần nằm nghỉ.
- Nhưng mà... - Bác Đạm lên tiếng, rồi dừng hẳn lại khi mẹ trừng mắt sang.
- Dĩ nhiên, con yêu! - Mẹ nói. - Mẹ đưa con về phòng nhé! Mẹ đã chuyển phòng con xuống dưới này cho tiện...
Mẹ vô ý ghê gớm! Lẽ ra, mẹ không nên nhắc lại cái điều Tiểu Vũ vừa tự nhắc mình chưa đầy một phút trước đấy. Cô nghe lòng mình như xoắn lại. Tiểu Vũ mím môi.
- Con tự làm được. Con còn tay mà!
***
Giấc mơ lúc 11 giờ đêm.
Tiểu Vũ rong chơi ở một khoảnh đất vàng nhầy nhụa và nhớp nháp. Cô ngẩng cao đầu nhìn lên bầu trời quang đãng nhiều mây xanh, tự hỏi, không có mưa, thì thứ gì làm đất trở nên sũng ướt thế này nhỉ? Cô không nhìn lên cao nữa mà cố đưa mắt nhìn quanh mình, tìm một bóng cây để nghĩ đến chuyện trốn khỏi cái nắng bắt đầu rát bỏng làn da trắng muốt, mỏng manh của cô. Không một tán cây nào cả! Không! Và, rất không! Chẳng hiểu sao, giữa cái nắng chang chang này, Tiểu Vũ thấy mình lạnh đến khó tả. Cái lạnh thấu xương thấu thịt cứ bám riết lấy cô, ám ảnh cô và bắt đầu làm cô thấy khó thở khi chịu đựng cái nắng nóng bên ngoài và cơn lạnh dữ tợn thật sự cuộn trong mình.
Tiểu Vũ vùng chân chạy, vô định, chỉ duy nhất giữ cho mình niềm tin, cuối tầm mắt kia, nhất định phải có tán cây nào đó. Không hiểu sao, cô cũng tin rằng, tìm thấy một tán cây để tránh nắng đồng nghĩa với chuyện cô có thể thoát ra khỏi cơn lạnh vẫn đang hành hạ bên trong cơ thể.
Nhưng, khi Tiểu Vũ vừa nhấc chân lên, thì tiếng roèn roẹt sởn gai ốc cựa thức giấc dưới chân cô, ngay lập tức. Cô hoảng hốt nhìn xuống. Vũng đất dưới chân bắt đầu trở mình. Nó cuộn xuống dưới như một vòng tròn xoáy mạnh, kéo cả thân hình Tiểu Vũ sụp xuống. Càng cố vùng vẫy, hố sâu xoáy càng mạnh. Tiểu Vũ sợ. Tiểu Vũ rất sợ! Nhưng, cô không tài nào la hét để kêu cứu được, dẫu cô nhận ra ngay, có kêu cũng không ai nghe thấy, vì chẳng có ai bên cạnh mình. Nhưng, chí ít, kiểu gào thét có thể giúp con người ta thoát nỗi sợ hãi ra bên ngoài. Cô không thể.
Sự vùng vẫy gượng sống trong câm lặng. Chao ôi! Quang cảnh mới hãi hùng làm sao. Tiểu Vũ nghe thấy cơ thể mình bị bấu víu bởi mớ đất nhão nhoét ấy, ẩm và ấm. Cô vùng thêm cái nữa, cố lần cuối cùng cái suy nghĩ thoát ra. Không được rồi.
Khi mớ đất vàng vàng, nâu nâu bám đến hông cô, nó hốt nhiên dừng lại, dừng hẳn lại. Tiểu Vũ thôi không vùng vẫy nữa. Cô học theo đất, dừng lại và lắng nghe. Cô biết, mình đã bị chôn đến nửa người...
*
Giấc mơ lúc 3 giờ sáng - một khoảng cách thời gian khá lâu tưởng như đủ để Tiểu Vũ định thần lại sau khi thoát ra khỏi giấc mơ bị chôn sống kia.
Mẹ, môi son đỏ chót - hợp với màu móng tay - nhìn Tiểu Vũ chằm chằm.
- Rồi chúng ta sẽ thành người một nhà! Rồi chúng ta sẽ sống cùng nhau trong hạnh phúc. Và, điều chúng ta cần làm lúc này là giúp đỡ, là sẻ chia!
Câu nói này rất quen. Tiểu Vũ chắc chắn mình đã nghe thấy ở đâu trước đấy, không phải đây là lần đầu tiên, và, cô quan ngại rằng, càng không phải là lần cuối cùng.
Bất thình lình, mặt bác Đạm to và hung dữ chồm thẳng đến, choán hết tất cả tầm nhìn của Tiểu Vũ. Cái giọng rền rền đầy lạnh lùng của bác cất lên làm Tiểu Vũ thấy sợ hãi vô cùng.
- Nếu con không tin, ta có thể ghi giấy nợ, và ta sẽ trả cho con tiền lãi cao hơn tiền ngân hàng.
Đôi bàn tay sơn móng đỏ hất bác Đạm sang một bên. Đến gương mặt của mẹ đầy vết thời gian được che lấp bởi lớp son phấn lòe loẹt chiếm hết cả tầm nhìn của bác Đạm.
- Không! Nếu đã là gia đình, chúng ta sẽ không tính lời lãi ở đây. Đấy là mượn và con nên học cách thông cảm để chia sẻ tốt hơn với những người luôn sẵn lòng sẻ chia với con.
Tiểu Vũ nheo mắt, cố để hình dung thử, đằng sau cái gương mặt kia là gì? Có lẽ là bức tường - thứ ngăn cách cô với một cặp mắt đang lo âu dõi theo cô. Cô không muốn! Không phải vì cô ích kỷ! Không phải vì cô không hiểu đủ hai từ chia sẻ. Mà vì, cô biết, đằng sau thứ mẹ vẫn cứ tin là sẻ chia ấy, là một sự toan tính thiệt hơn rất rõ ràng.
Tiểu Vũ đợi. Tiểu Vũ mong. Mong sao người có ánh mắt nồng ấm và đầy mạnh mẽ kia sẽ bước nhanh ra. Có lẽ, họ không đủ sức để bảo vệ Tiểu Vũ trước một vấn đề họ không có quyền can dự, nhưng ít ra, họ có thể làm gián đoạn câu chuyện đang bị đẩy đến cao trào, buộc Tiểu Vũ phải gật đầu đồng ý. Không gì xảy ra cả. Người ấy không xuất hiện để giúp Tiểu Vũ.
- Nếu con từ chối... - cặp môi đỏ chót ngắt mất dòng suy nghĩ của Tiểu Vũ - mẹ... mẹ sẽ chết cho con vừa lòng.
- Đừng ép con! - Tiểu Vũ nói, cố vớt vát chút thời gian suy nghĩ cho mình.
- Không! Khi con biết chuyện mà con không đồng ý, thì đấy mới là ép người khác.
Tiểu Vũ đập bàn đứng dậy.
Tiểu Vũ lao ra đường.
Tiểu Vũ chạy như điên như dại.
Tiểu Vũ bị va đập mạnh rồi văng lên không trung một đoạn.
Cô không cảm thấy sự đáp xuống của cơ thể.
Tiểu Vũ thấy mình mọc ra đôi cánh trắng.
Bất thình lình, cánh gãy, cô chới với giữa không trung...
***
Có muốn cũng không thể trốn tránh mãi được - "mãi" thật ra chỉ là từ đêm đến sáng thôi, chứ chẳng nhiều nhặn gì - nên Tiểu Vũ quyết định sẽ phải đối diện một lần với những chuyện vốn đang dang dở từ trước đấy vì phản ứng của cô. Cô phải nói với mẹ về tài sản của mình. Đây hoàn toàn không hề có chỗ cho hai từ tranh giành. Tất cả chỉ là gìn giữ. Cho dù mọi chuyện có từng xảy ra thế nào, cho dù trí nhớ của Tiểu Vũ có thật sự hao mòn hay không, thì, với bản năng của một con người đã đi qua gần một phần tư thế kỷ, cô biết, đó là gia đình cô chứ không phải chỉ là tiền. Và, đã là gia đình thì nhất thiết cô phải giữ. Cô tin vào cảm giác của mình.
Thật thoải mái khi bác Đạm không có nhà. Chắc ông có việc phải đi, chứ ít khi nào ông chịu để mẹ và Tiểu Vũ ở riêng khi chưa giải quyết xong vấn đề ông muốn giải quyết. Nghĩa là, chính ông mới là người cần sự thống nhất cho thứ mà ông cấy vào đầu mẹ là hy sinh, là chia sẻ.
Tiểu Vũ ngồi vào bàn khi mẹ vẫn đang loay hoay chuẩn bị bữa sáng. Cô nhìn kỹ rồi đưa tay mân mê chiếc đĩa bạc rất đẹp trước mặt mình.
- À! - Mẹ đi lại, đem thức ăn cho cô. - Sau khi thăm con về, mẹ đã nghĩ là nên thay đổi một chút thói quen sống của mình. Tây cũng tốt, phải không?
Tiểu Vũ không nói gì. Những hoa văn trên đĩa sắc sảo đến độ cô thật sự tập trung vào chúng, như thể, chúng là điều gì đấy hay ho nhất trên đời. Mẹ nhìn Tiểu Vũ, khẽ cau mày.
- Con có nhớ, trước đây, chúng ta ăn bằng gì không?
- Bằng miệng ạ! - Tiểu Vũ buột trả lời, không hề suy nghĩ, nên chẳng biết câu trả lời của mình ngớ ngẩn đến mức nào.
Mẹ phì ra cười. Phải nói, cái cách mẹ hồn nhiên, vô tư, không giữ ý tứ rất đỗi ngọt ngào, dễ thương. Kể cả là đàn bà đi gần hết cuộc đời, tìm thấy bình yên quen thuộc, tự nhiên họ sẽ đủ can đảm để dám sống với phần trẻ thơ luôn tồn tại trong mình. Rồi, không kiềm được, mẹ cười lớn hơn, khanh khách, rũ ra.
- Công chúa! - Mẹ cố ngưng cười. - Ai chả ăn bằng miệng, hả con? Ý mẹ là vật dụng ấy.
Tiểu Vũ sững sờ sau hai từ công chúa mà cô cố nhớ mình đã được nghe ai đấy gọi. Nên, những gì mẹ nói ở đoạn sau hoàn toàn không đi vào tai cô được nữa.
Sự lơ đãng của Tiểu Vũ khiến cảm giác vui vẻ của mẹ tan biến ngay. Mẹ nhìn Tiểu Vũ thêm lát nữa, lại bếp, đem phần thức ăn của mẹ đã được trút vào một chiếc đĩa bạc khác, giống hệt chiếc trước mặt Tiểu Vũ giờ đã đầy thức ăn, đi lại, ngồi xuống và nhẹ nhàng hỏi.
- Con biết là mẹ sẽ phải xin con vài thứ chứ?
- Xin á? - Tiểu Vũ nhướng mày. - Tại sao mẹ lại phải xin con ạ?
- Vì, tất cả những gì mẹ sắp nói, đều thuộc về riêng con.
- Chúng ta vừa ăn vừa nói nhé! - Mẹ nói, điệu đà đưa chiếc nĩa bạc vào đĩa thức ăn rồi hứng chiếc thìa bạc xuống dưới, nhẹ nhàng đưa đến gần đôi môi đã tô đỏ chót từ đầu ngày.
Có lẽ, chỉ bữa cơm tối qua là món Việt, nên, chuyện trở lại với món Âu, món Mỹ là thứ dễ chịu với Tiểu Vũ. Không phải cô sính ngoại. Không phải cô muốn trở thành xa lạ với những thứ vốn ăn trong máu mình. Những ngày ở Maryland, ăn món Việt, ăn món Á, đối với Tiểu Vũ, đó là món quà kỳ diệu mà Phôn đem về, và, cô thích cái cảm giác được nhận quà. Nên, chuyện ép mình vào sự thèm muốn, để đạt được, để chạm đến sự thỏa mãn, thật sự rất thích thú. Tiểu Vũ không hề mong, khi trở về, cô sẽ ăn cho thỏa thích món Việt - hoàn toàn không! Cô muốn, hãy cứ giữ nó như là một món quà.
- Việc làm ăn của bác Đạm đang rất khó khăn! - Mẹ bắt đầu mà không hề nhìn lên, có lẽ, mẹ sợ Tiểu Vũ từ chối bằng một cái nhìn. - Bác Đạm đang cần sự hỗ trợ của mẹ và con.
- Con nghĩ, bác ấy đã có trọn vẹn sự hỗ trợ từ mẹ? - Tiểu Vũ cố nhìn và đợi cái nhìn của mẹ, nhưng không có.
- Con yêu! - Mẹ nói, theo cách rất Tây. - Cuộc sống này, tiền có thể không phải là tất cả, nhưng, nếu chỉ trông mong vào tinh thần, thì chúng ta cũng không thể sống theo cách hữu cơ được!
Chà chà... mẹ lại còn nói đến cả hai từ hữu cơ kia đấy. Nghe, rất nghiêm túc và thậm chí là cả nghiêm trọng. Không thể sống theo cách hữu cơ ư? Thế thì chúng ta hãy chọn cách sống vô cơ vậy! Hà! Nghe thật là hay ho và có gì đấy cực linh thiêng, thế mà, con người lại muốn cố chối, để tìm về thứ vốn vẫn rất con người.
- Con có thể xem qua những giấy tờ liên quan đến thứ mà mẹ gọi là của con, được không? - Tiểu Vũ đề nghị, thẳng thừng. - Và, nếu mẹ mong con sẽ giúp cho chồng sắp cưới của mẹ, thì hãy cho con xem luôn cả những thứ gọi là tình hình kinh doanh của bác ấy ạ!
Mẹ dong mắt nhìn lên, sững sờ. Mẹ sững sờ vì gì nhỉ? Mẹ nghĩ, Tiểu Vũ mất trí là sẽ quên luôn cách tính toán chăng? Hay, mẹ nghĩ, Tiểu Vũ thậm chí chẳng biết gì đến chuyện gọi là làm ăn? Mẹ lầm!
***
Bác Đạm tỏ rõ sự không hài lòng khi mẹ tự ý đưa cho Tiểu Vũ xem tất cả những giấy tờ mà Tiểu Vũ yêu cầu trong lúc bác vắng nhà - thứ nhất, bác đi rất nhanh và trở về rất nhanh, thứ hai, bác đã tự xem đây là nhà bác - khiến Tiểu Vũ càng muốn ngồi tại nơi mà bác Đạm sẽ thấy rõ ràng việc Tiểu Vũ ngồi tỉ mẩn xem mọi thứ. Không biết tại sao, cứ càng ở gần bác Đạm, cái cảm giác bất an và cần phải đề phòng trong Tiểu Vũ càng lớn mạnh. Tiểu Vũ không bao giờ nghĩ, mình nên cố tình trêu tức những người mà nội lực xấu trong họ phát ra mạnh đến mức ai ở cạnh cũng biết này, chỉ là, cô muốn chắc chắn cảm giác của mình là đúng. Mất đôi chân - mất đi một phần cơ thể - đâu có nghĩa mất đi sự thôi thúc bảo vệ người thân của mình? Mà cứ ở cạnh người đàn ông này là Tiểu Vũ cam đoan, mẹ đang cần được bảo vệ.
- Quang Tiến gọi con này, con gái! - Mẹ nói, chìa cái điện thoại ra.
- Lẽ ra mẹ không nên nghe điện thoại của con! - Tiểu Vũ nói, rất bình thản, nhưng ý tứ trách cứ lại rất cao.
- Mẹ chỉ muốn cảm ơn cậu ấy vì đã chăm sóc con...
- Mẹ này! - Tiểu Vũ giơ một ngón tay, ý bảo mẹ đợi, cô nói nhanh vào điện thoại. - Em sẽ gọi lại cho anh ngay. Đợi em một phút nhé!
Mẹ vẫn đứng im đấy, từ khi Tiểu Vũ giơ ngón tay lên, thậm chí mẹ gần như nín thở. Có lẽ, mẹ nghĩ, Tiểu Vũ đã có quyết định, và Tiểu Vũ chọn nói với bà trước khi nói với Phôn. Tiểu Vũ cúp máy, nhìn thẳng mẹ, cười.
- Mẹ có thật sự biết mối quan hệ giữa con và Phôn không?
Mẹ khựng lại, lúng túng rõ ràng. Bác Đạm đang ngồi xem giấy tờ gì đó gần đấy cũng ngước mắt lên, để trễ cặp kính lão của bác xuống mũi, trông dị hợm vô cùng.
- Mẹ... mẹ không...
- Anh ấy là người yêu của con, mẹ ạ! - Tiểu Vũ nói, ngực ưỡn ra, vẻ rất tự hào.
- À! Ồ! Mẹ cũng đã đoán thế khi thấy nó quá lo cho con... - Mẹ lại ngập ngừng thêm. - Nhưng vì... vì khi con bảo con có một người đàn ông, mẹ đã tưởng họ lớn tuổi. Như bác Samuel chẳng hạn.
Sam! Bác Sam! Chà, Tiểu Vũ tệ thật! Cô đã vội vàng quên đi vị bác sĩ già đáng kính, người bạn vong niên đã ở cạnh cô suốt khoảng thời gian có thể nói là khó khăn nhất đời cô. Sau cuộc nói chuyện này, sau cuộc điện thoại với Phôn - Tiểu Vũ dặn mình thế - sau hai thứ quan trọng nọ, nhất định cô phải gọi bác Sam.
- Con chỉ muốn mẹ biết về mối quan hệ của bọn con, thế thôi! - Tiểu Vũ cười và đưa tay bấm điện thoại.
Mẹ đi như lướt đến cạnh Tiểu Vũ, giơ bàn tay với những móng sơn đỏ muôn thuở - sao mẹ không đổi màu sơn móng cho đỡ nhàm chán nhỉ, dẫu có là màu đỏ tươi của máu, nhìn hoài cũng phải thấy chán chứ - chặn những phím số cuối cùng.
- Con định sẽ nói hết với người yêu à?
- Dĩ nhiên! - Tiểu Vũ nhún vai. - Bọn con đã hứa sẽ không bao giờ giấu giếm gì nhau!
- Mẹ nghĩ con không nên...
- Ồ! Mẹ đang bảo con nên thất hứa đấy ạ?
Mẹ lặng thinh.
Tiểu Vũ lặng thinh.
Bác Đạm dòm dòm một lát rồi đứng dậy, tiến lại.
- Nó chưa phải thành viên gia đình này! - Bác nói, đầy đe dọa.
- Giống như bác ạ? - Tiểu Vũ ngẩng cao đầu, cô biết, cuộc chiến sắp bắt đầu.
- Mày...
- Ơ kìa, anh! - Mẹ níu tay bác Đạm.
- Xin lỗi bác, từ ấy không có trong từ điển gia đình cháu ạ!
Tiểu Vũ trừng mắt, thể hiện rõ uy quyền của mình. Phải! Cô đã lớn rồi! Cô đã hai mươi mốt tuổi! Toàn bộ tài sản này là của cô! Gia đình này là của cô! Và, cho dù cô có thấp hơn bất kỳ ai tính theo độ dài của một đôi chân lành lặn, cô vẫn phải là mình - có chính kiến và dám nói sự thật. Rồi, Tiểu Vũ cúi xuống, tiếp tục bấm máy.
Bác Đạm chồm tới, như một con thú dữ vồ mồi, chụp mạnh lấy chiếc điện thoại trên tay Tiểu Vũ, lia vào góc phòng. Chiếc điện thoại đáp đất, vỡ tan tành sau khi tạo ra một tiếng rầm hòa vào tiếng ré của mẹ.
- Nghe đây, cô gái! - Bác Đạm nói, xa lạ và cũng đầy uy quyền. - Cô là trẻ con trong cái nhà này. Nhà này hay nhà nào, trẻ con cũng nên nghe lời người lớn.
Tiểu Vũ nhìn về góc phòng, nhìn chiếc điện thoại kỷ niệm của mình đã vỡ, lòng dấy lên một nỗi hận thù mà chưa bao giờ trong cuộc đời cô thật sự chạm đến. Những tin nhắn dễ thương của Phôn trong đấy. Những tin nhắn hình chó con, mèo con của bác Sam trong đấy. Những ca từ được chọn lọc của Diệp Anh ở trong đấy. Chúng vỡ tan tành rồi! Đó không phải chỉ đơn giản là một đồ vật chứa kỷ niệm; đó là báu vật lưu giữ tất cả những yêu thương của cô!
Tiểu Vũ dộng mạnh hai tay xuống bàn, chồm người lên, gào.
- Bác không có quyền!
Rồi, ngay lập tức, Tiểu Vũ hạ người xuống. Không phải vì cơn giận đã đi qua, mà là vì hai bàn tay nhỏ bé của cô không đủ sức để nhấc cái thân hình vô dụng phía dưới của mình rời khỏi ghế xe lăn quá lâu. Mẹ đau đớn nhìn cảnh Tiểu Vũ đáp xuống trở lại xe lăn nhưng tuyệt không dám động đậy. Bác Đạm lại khẩy cười ngay khi ấy. Từng từ một, bác Đạm nhả ra, độc ác và tàn nhẫn vô cùng.
- Nó! Cái thằng khố rách áo ôm ấy, nếu không vì tài sản của cái nhà này, cô nghĩ, nó sẽ chịu ở cạnh một đứa tật nguyền như cô?