Nơi Nào Xuân Sinh

Chương 2



Gần trưa trời lại đổ mưa, Hà Xuân Sinh đặt dao khắc xuống, đứng dậy, nhìn mưa rơi ngoài cửa sổ một chút rồi đi tới cạnh cửa, cầm lấy chiếc ô đặt sau cửa, vén mành, đi ra ngoài.

Mưa không lớn nhưng lất phất mãi không ngừng. Hắn bung dù, ra khỏi phòng làm việc, vòng qua tiền viện, từ hành lang đi tới cửa viện phía đông. Dưới mái hiên, mấy lu chàm lẳng lặng đứng đó. Mưa từ phía Đông Bắc tạt tới, bên này lại là hướng Nam, một chút mưa phùn cũng không dính tới. Hắn nhìn lu chàm đang say ngủ, không nhấc nắp lên, chỉ là cụp ô lại, nước theo giấy dầu nhỏ xuống, để lại một vết trông như nước bẩn trên nền đất khô ráo.

Bên ngoài là một con đường hẹp, hai bên đường là mảnh đất mùa xuân dùng để gieo cỏ lam, bây giờ đang bỏ không —— năm ngoái cỏ đã được cắt hai lần, làm thành màu chàm, ngâm mình bên trong lu. Chờ qua Tết Âm Lịch, trời ấm lên, lại gieo tiếp đợt cỏ lam năm nay.

Có tiếng pháo nổ từ sườn núi truyền đến, Hà Xuân Sinh nhìn thấy thím Tư ở cửa nhà lớn bận bịu một lúc lâu, rồi đốt pháo, rồi vội vã chắp tay lạy, rồi dọn dẹp bàn cúng dưới mưa, vội vội vàng vàng đem vào bên trong. Định là gần trưa mới giết gà vịt, chuẩn bị một ít đồ cúng, trước khi ăn cơm khấn vái trời đất tổ tiên —— vậy mà trời lại đổ mưa.

Dù sao cũng là đầu năm đầu tháng.

Mặc dù đang là Tết, trong thôn vẫn như cũ không hề náo nhiệt, đa số mọi người đều sống trong thôn, ở bên kia suối có khoảng chừng mười hộ dân; nhà Hà Xuân Sinh ở ngoài thôn, chỉ còn lại có bốn gia đình ở nhà đón Tết, còn lại con cháu đã sớm vào thành phố sinh con đẻ cái, đến tháng Giêng mới lục tục trở về chúc Tết, bây giờ tháng Chạp nên vẫn quạnh quẽ như cũ. Nhà Hà Xuân Sinh chỉ còn lại một mình hắn, hôm trước đã đuổi tiểu đồ đệ về nhà, phòng làm việc gần như không có ai —— một ngày ba bữa đều là thức ăn hấp bằng nồi cơm điện, không dính chút khói lửa nào.

Câu đối Tết là đại đồ đệ trước khi nghỉ đã dán sẵn, Hà Xuân Sinh ít giao du với bên ngoài, lâu lắm chưa vào thành phố, thậm chí còn không đi chợ trong thôn, đại đồ đệ mỗi cuối năm đều đem pháo và câu đối đến, đêm 27 dán trong cửa, ngoài cửa mỗi chỗ một tờ, sau đó dặn sang năm mùng một nhất định phải đốt pháo: "Sư phụ, mùng một không giống ngày thường, cậu không cúng bái thần thánh nhưng tốt xấu cũng phải hiếu kính một tràng pháo, cầu một năm buôn bán náo nhiệt." Lải nhải một lúc lâu mới chịu về nhà.

Ăn Tết đối với hắn mà nói, những chuyện cần làm cũng đơn giản cực kỳ, đêm giao thừa đón ở nhà chú Tư, mấy ngày đầu năm đi một vòng bên ngoài thôn tạm biệt năm cũ, chỉ vậy thôi. Trong phòng làm việc có ít quà Tết do đối tác kiêm đại đồ đệ để lại, có thể lấy ra cho có lệ, mà ngoại trừ con em trong họ tộc và gia đình đồ đệ họ Diệp, cơ bản không có ai đến vùng núi hoang vu nghèo nàn này để chúc Tết.

Lúc quay lại phòng làm việc, mưa đã lớn hơn, ống quần dính chút nước mưa, thấy không thoải mái, hắn đành phải vào phòng ngủ thay quần, lại thấy điện thoại di động đặt ở tủ đầu giường không một tiếng động nhưng vẫn kiên trì lóe sáng.

Điện thoại di động của Hà Xuân Sinh trường kỳ tắt âm lại không mang theo bên người, số điện thoại lúc làm ăn là số máy bàn phòng làm việc, vì thế điện thoại di động tìm hắn thông thường chỉ vang một tiếng, bên kia là vị bạn cũ nọ —— mắc bệnh của người hiện đại, cảm thấy gọi máy bàn là không gặp được người.

Người gọi tới là người bạn cũ làm ở tòa soạn báo, Trần Thần. Vị bạn cũ kiêm bạn học thời cấp hai thường xuyên đến đây lấy tài liệu, kỳ thực là uống trà, chạy qua mười dặm tám thôn đến đây, ngồi xuống đã là giữa trưa.

Hà Xuân Sinh nhận điện thoại, bên kia truyền đến giọng nói giận dỗi: "Điện thoại di động của ông thật khó gọi."

"Ông có thể gọi máy bàn."

"Tôi không lưu."

"Vậy bây giờ ông lưu đi, 229..."

"Được rồi, lưu số máy bàn làm gì, nhận điện thoại rồi còn bắt người ta chạy tới chạy lui, có bệnh à? Tôi không làm chuyện thất đức như vậy đâu!"

"...."

"Nói chuyện nghiêm túc đây, hai hôm nay tôi ở Tấn Giang, về nhà cha mẹ vợ ăn tết, không đến nhà ông được nên gọi điện cho ông, mùng ba tháng giêng 6 giờ tối, bạn học cấp hai họp lớp mừng kỷ niệm 20 năm, cùng đi được không?"

Không nghe Hà Xuân Sinh đáp lại, Trần Thần cho rằng tín hiệu không tốt, lớn giọng gọi: "Alo, alo, alo, ông nghe thấy không?"

Hà Xuân Sinh cầm điện thoại để cách xa tai mình, mở hands-free, chờ hắn gọi đủ rồi, sắp cúp máy, mới nói: "Nghe rồi, đừng rống nữa."

"Vậy ông nhất định phải đi đó."

"Để tôi suy nghĩ một chút."

"Làm ơn đi, anh hai à, từ lúc tôi với ông quen biết nhau, bạn học cấp hai họp lớp tổng cộng bốn lần, có lần nào ông suy nghĩ xong mà đi không? Hai mươi năm, ông ngẫm lại xem, đó là ngôi trường gần nhất trong cuộc đời ông rồi, ông còn có hội bạn học nào để tham gia nữa đâu? Thế này vậy, ông thầm mến ai mà không thành nên mất mặt chứ gì, để thằng em này thám thính thử giúp ông xem người ta có đi không."

"Được rồi, tôi đi là được chứ gì."

"Vậy có phải tốt hơn không, cũng đâu phải ông sống vất vả gì, còn không đi nữa người ta sẽ nói đại nghệ thuật gia này thật cao giá. Lần nào họp lớp cũng có người hỏi thăm ông, tôi toàn phải nói, cậu ta ra nước ngoài tìm cảm hứng, cậu ta ra nước ngoài du lịch, cậu ta ra nước ngoài làm việc này việc nọ. Năm nay ông bảo tôi bịa thế nào đây..."

"Được rồi, tôi biết rồi, mùng ba 6 giờ tối, ở đâu?"

"Nói rồi ông sẽ đến sao? Mùng ba 5 giờ 15 phút, tôi đến nhà đón ông."

"Để tôi lái xe đi, ở đâu?"

"Quảng trường Minh Hoa, quán cà phê **. Bật hướng dẫn đi, cả mấy trăm năm rồi ông không lái xe mà."

Sau khi đặt điện thoại di động xuống, Hà Xuân Sinh tìm trong tủ quần áo được một cái quần, mua hồi mười năm trước, ống quần bị mài bạc, hắn nhìn một chút, thấy không vừa ý lắm, lại tìm tiếp trong tủ. Thế nhưng đa số đều là những trang phục như vậy, lại còn ít đến đáng thương. Phần lớn những cái quần đều có hoa văn màu lam đậm nhạt không đồng đều, chỉ là cái nhiều cái ít mà thôi. Hắn vắt óc nghĩ nghĩ, chiều giao thừa, tiệm quần áo nào cũng đóng cửa hết rồi.

Ngồi lại phía trước bản khắc hoa chưa hoàn thành, hắn nghĩ, hao tâm tổn trí không phải là vấn đề này, nhỉ?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.