Nữ Hộ

Chương 37: Tú tài



MẠCH TRUYỆN NHANH HƠN RỒI NHỈ?

Ngọc Tỷ vội thưa với cụ Lâm, bảo Trình Phúc gọi thợ ngõa, thợ mộc đến sửa toàn bộ tòa nhà mà Hồng Khiêm đã mua, chỉ chờ năm sau chuyển đến. Trình Phúc vì tâm trạng vui tinh thần tốt, làm việc cũng nhanh nhẹn hơn vài phần. Vợ ông là mụ Ngô hầu bên người cụ Lâm, vợ chồng hai người đã hầu hạ nhà họ Trình mấy mươi năm, tình cảm đương nhiên không sơ sài chút nào.

Trình Phúc cũng không vì Ngọc Tỷ còn nhỏ mà xem nhẹ, đi kiểm tra nhà cũ với đám thợ ngõa một lượt rồi về thưa: “Nhà của họ Dương quá cũ, một thời gian lại không có ai ở, đã tan hoang rồi. Gia đình họ đông người, phòng ngách được ngăn ra lộn xộn, chi bằng ủi cả xây lại ạ, tất cả thiết kế theo ý chúng ta.”

Ngọc Tỷ đáp: “Phải hỏi ý kiến của cha nữa.”

Hồng Khiêm không muốn con gái nhọc lòng, cho rằng lo nghĩ quá nhiều sẽ phí tâm huyết, nhiều bệnh chết yểu, bèn bảo Trình Phúc: “Xây lại thì xây lại vậy! Cái gì tiện cứ làm, đừng khiến tiểu thư nhọc lòng.”

Trình Phúc cười đáp: “Xin quan nhân cứ an tâm ạ, bọn họ đã thạo việc rồi, những tòa nhà cũ thế này, xây lại còn đỡ phí sức hơn sửa tới chữa lui.”

Hồng Khiêm không muốn Ngọc Tỷ suy nghĩ quá nhiều, Ngọc Tỷ lại thích làm những việc như thế, lần này bé hỏi Trình Phúc: “Dỡ ngói cũ gỗ cũ gia dụng hỏng, sau đó có phải có thể bán chúng đi với giá rẻ không?” Trình Phúc trợn tròn mắt: “Sao tiểu thư lại biết những chuyện này?”

Ngọc Tỷ đắc ý, song không giải thích rõ, chỉ nói: “Ta biết tất ấy.” Lúc chưa đến bảy tuổi thì cả thầy Tô cũng thích dắt bé dạo quanh phố phường, sau này lớn rồi, thầy Tô giữ khoảng cách, nhưng Hồng Khiêm vẫn thích dẫn bé đi. Lúc rỗi việc, Ngọc Tỷ có thời gian rảnh liền thay quần áo con trai, tháo khuyên tai, búi tóc, đội mũ quả dưa, cùng Trình Khiêm bát phố. Dưới phố, ngoài kiểu “Công tử gặp nạn đậu Trạng nguyên, trộm hẹn ước sau vườn hoa” ra thì còn đủ hạng người, thể hiện rõ mọi lề lối sinh hoạt.

Ngọc Tỷ quá nửa thời gian ở nhà, mỗi lần ra ngoài, nghe được gì đều cảm thấy mới mẻ, đều ghi nhớ cả.

Vì nắm rõ mọi chuyện nên Hồng Khiêm ra tay sắp xếp, chàng có thể đi lại với đủ hạng người, cũng quen vài người bạn, từng lo kinh doanh của nhà họ Trình, bèn tìm người môi giới thành thật để mua gạch gỗ các loại, Ngọc Tỷ hằng ngày lắng nghe, thành ra cũng biết trong thành Giang Châu cửa hàng nào có gỗ tốt, lò nhà nào có gạch ngon. Bảo Hồng Khiêm: “Cha sang tay số ngói gỗ cũ này cho bọn họ với giá rẻ đi ạ.”

Hồng Khiêm theo ý bé.

Sau đó là hoàn thành bản vẽ, nhà cửa thời này, bố cục thường na ná nhau, đường chính nhà giữa, đất dài thì xây thêm vài hàng, nếu rộng hơn nữa thì trái phải hai bên thừa đất, hoặc làm sân hoặc xây phòng cho tôi tớ, nhà bếp vân vân. Chỉ có chuyện khoanh đất vườn trồng trọt, là hơi khác với mọi người. Nhà họ Hồng xây để ở, cũng như đại đa số gia đình, đường chính, ba dãy nhà, sân sau, trái phải hai tiểu viện, bốn phía căn cứ theo hướng, lần lượt là nhà bếp, tàu ngựa (không có ngựa thì nuôi la), phòng tôi tớ, nhà xí. Nhưng không có vườn hoa.

Rồi đo đạc móng nhà, gọi người đến dỡ bỏ xây mới. Nhà bằng gạch đá, dỡ bỏ cũng chẳng tốn sức lắm. Hồng Khiêm lại quen một đầu sỏ ăn mày ở thành Giang Châu, gọi là đội trưởng Hầu Tứ, ban vài lượng bạc, hắn bèn gọi vài tên ăn mày ở khu tế bần tới, hợp lực ba ngày năm buổi đã dỡ xong nhà, bắt đầu xây mới.

Tên Hầu Tứ ấy là dân anh chị ở khu này, quản lý đám ăn mày. Dù là ở một nơi trù phú, cũng vẫn sẽ có những hạng người như vậy, vì thiên tai nhân họa, lười biếng hoặc do gia đình mà thành ăn mày, nơi nào cũng có. Quan phủ cũng không thể cạn tàu ráo máng, bèn ra luật, cho phép đám ăn mày có một đội trưởng, xây trại tế bần cho chúng ở, nếu có chuyện gì không thể ra mặt thì nhờ chúng làm. Nhốt chung một đám lại, để phòng gây chuyện.

Hồng Khiêm có chút ít qua lại với tên Hầu Tứ này, tiền thuê ăn mày cũng rẻ, chỉ mười mấy lượng bạc là xong, Hầu Tứ còn nói: “Mỗi tháng quan nhân thưởng nửa mạch tiền thì tôi sẽ sai người gác đêm cho, để tránh bọn trộm vặt nghe tin quý phủ xây nhà, đến trộm gạch gỗ. Ta quen cả Vương Nhị gõ canh, Chu Tứ dọn phân của ngõ này, sẽ đánh tiếng hộ.”

Hồng Khiêm đáp: “Cũng được.”

Hầu Tứ lại ra vẻ thèm thuồng: “Số tiền này không cần đại quan nhân bỏ ra, ngài dạy ta vài ba mánh thôi cũng được.” Bạn cho rằng Hồng Khiêm quen Hầu Tứ bằng cách nào, vì là thủ lĩnh bọn ăn mày, gia đình Hầu Tứ cũng khá giả, ở nhà to có nô tỳ, có cả hai ả tỳ xinh đẹp, không phải cùng một kiểu người trôi giạt rồi đi ở rể như Hồng Khiêm. Nhưng Hầu Tứ lại thích đánh bạc, lúc Hồng Khiêm đến Giang Châu, trên người không còn đồng nào, Hầu Tứ nhủ thầm cái tên Hồng Khiêm đây sau này hẳn sẽ làm chân chạy việc trong khu tế bần của hắn, giờ gặp được chi bằng giúp đỡ một hai phần, cũng tiện thu mua lòng người.

Chẳng ngờ tên Hồng Khiêm này gì cũng biết, một hôm Hầu Tứ tay thối, chàng giúp hắn thắng một trận đổi đời, dân đánh bạc rất mê tín, từ đấy Hầu Tứ nhìn Hồng Khiêm bằng con mắt khác, còn muốn nâng đỡ chàng. Không ngờ Hồng Khiêm chỉ không muốn nợ ơn hắn, ngoảnh đi đã đến làm việc cho cụ Trình, rồi đi ở rể. Sau đó hai người còn qua lại vài bận, Hồng Khiêm thỉnh thoảng ngứa tay, bèn dạy hắn vài ngón, bản thân thì không đi đánh bạc nữa.

Hồng Khiêm lại dạy hắn vài mánh, bảo: “Cược nhỏ chơi vui thôi, cược to quá dễ mất trí, đừng để bị nghiện.” Hầu Tứ đáp: “Thấy ngài ác với nhà họ Dư như kia, tôi nào dám cược to nữa, không gạt đại quan nhân chứ, nếu ta là con nghiện thì đã không gầy dựng được gia nghiệp hôm nay. Tiệc đầy tháng vào tháng sau của thiếu gia nhà mình, nếu đại quan nhân không chê tên ăn mày tôi đây dơ bẩn, tôi xin đến chung chén rượu mừng, được chăng?”

Hồng Khiêm đáp: “Được.”

Ngọc Tỷ lại tính tiền công, xây nhà khác với dỡ nhà, phải tìm người quen tay hay việc, giá thuê cao, còn những người làm việc thô như chuyển gạch này nọ là lao động phổ thông, giá thuê thấp, thợ cả thì giá cao hơn nữa. Tính cả tiền gạch gỗ, nhìn chung thì bé đã tiết kiệm được một khoản từ việc bán sang tay gạch gỗ cũ. Giở lịch chọn ngày, đốt pháo, động thổ.

•••••

Chưa đầy một tháng đã đến ngày đầy tháng của Kim Ca, một đứa bé nhỏ xíu thì biết gì? Ngoài bốn món ăn uống kéo vẩy, thì chỉ biết ngủ và buồn ngủ, đến tiệc đầy tháng cũng không bồng bé ra, Ngọc Tỷ nghe mợ Lý bảo: “Con trẻ còn bé phải tránh gió.” bèn ghi nhớ. Chòm xóm láng giềng đều đến thăm nhóc, chỉ có phụ nữ mới được vào phòng Tú Anh nhìn mặt nhóc. Vì chưa mãn tang ba năm cụ Trình, gian ngoài chỉ bày tiệc chứ không mời gánh hát. Chưa xả tang, tiệc đầy tháng đáng ra không nên làm lớn như thế, nhưng vì Kim Ca quả thật là đứa bé cụ Trình mong mỏi lúc sinh thời, mới phá lệ.

Tú Anh vừa hết kỳ ở cữ, đun nước tắm, thay áo mới. Hà thị gặp thì cười bảo: “Lòng rộng rãi người béo tốt, nom càng giống nhà giàu rồi đấy.”

Ngọc Tỷ thì được Nguyệt Tỷ nhà họ Lâm, Tam Tỷ nhà lý chính kéo tới tán chuyện: “Hồi nhỏ còn hay chơi cùng, lớn rồi lại ít gặp mặt, chả biết dì bận cái gì.”

Ngọc Tỷ đáp: “Nhà dì dạo này rộn chuyện, có em trai lại phải xây nhà, không có thời gian rỗi.”

Nga Tỷ cười hỏi: “Không rỗi thì cũng là người lớn trong nhà bận, em thì làm được gì?”

Ngọc Tỷ cũng không bác lại, chỉ nói: “Người lớn bận, mình sao còn dám quấy quả?” Rồi nói sang chuyện Nga Tỷ sắp đi lấy chồng.

Nga Tỷ đỏ mặt: “Nhà chàng đã lo một chỗ ở thái học viện trong kinh, chàng sắp phải vào kinh thi rồi, dù sao cũng không thể để lỡ chuyện chính, phải dời hai năm.” Vừa dứt lời, chợt nhớ ra chuyện cưới gả là của riêng mình, nói với một đám các cô nhóc làm gì? Sẵng giọng: “Một bầy nít quỷ, dám đem ta ra đùa cơ đấy!” Ra vẻ muốn đánh, mọi người cười vui tản đi. Vì nhà họ Trình tặng quà hậu cho Nga Tỷ, Nga Tỷ đương nhiên thân thiết hơn với Ngọc Tỷ, thấy Nguyệt Tỷ đang nói chuyện cùng Tam Tỷ, bèn lén hỏi Ngọc Tỷ: “Em giờ vẫn họ Trình?”

Ngọc Tỷ cười đáp: “Vâng, cha bảo tháng giêng năm sau đổi lại, để Kim Ca mang họ Trình, tuy khế ước đã đáo hạn nhưng dù gì cũng đã nhận ơn của thái công, không thể để bên này tuyệt hậu. Em ở đây cũng không ổn.”

Nga Tỷ ghé sát tai bé nói: “Đừng bảo ta lắm lời, ba người một nhà các em dời đi, tuy cùng một con đường nhưng đã là hai cánh cửa, bên này toàn người già trẻ nhỏ, cuộc sống sẽ vất vả đây. Em cân nhắc thử xem.”

Ngọc Tỷ nói: “Tỷ tỷ tốt bụng, em biết mà.”

Ngoài kia chợt vọng lại một tràng khen hay, là Hồng Khiêm vừa nói với Lâm tú tài, để Kim Ca mang họ Trình: “Thằng bé còn nhỏ, tạm để con chăm sóc trước.” Những người nghe chuyện đều bảo Hồng Khiêm giữ lời lại trọng tình nghĩa, là một hảo hán.

Trên bàn tiệc Kỷ chủ bộ cũng là nhân vật được mọi người xum xoe bợ đỡ, lúc quá chén đã hớ tý thông tin cho chúng bạn: “Phủ quân* hiện tại đúng là may mắn, cả nước điều động, vừa khéo có thể vào kinh nhậm chức, bàn giao xong việc, muộn nhất là xuân năm sau sẽ rời đi. Chỉ không biết phủ quân mới là ai.” Đấng mày râu kề tai nhau xầm xì, Lâm tú tài bèn hỏi: “Huyện nào vậy ạ?”

[*Thái thú, người đứng đầu một quận, huyện.]

Kỷ chủ bộ đáp: “Cái này thì không rõ.”

Bên cánh phụ nữ nghe tiếng trầm trồ, Tú Anh thấy Kim Ca đang ngủ lại nhíu mày, vội vàng bế lên dỗ, rồi sai Tiểu Hỉ ra xem ngoài kia thế nào. Tiểu Hỉ ra ngoài gọi Bổng Nghiên đến hỏi thăm một lượt, về thưa lần lượt từng việc lại cho Tú Anh nghe, đàn bà khắp ngõ đều bảo Tú Anh may mắn, có cả con trai con gái, lại thêm một người chồng tốt đủ tình lẫn ý, Lâm thị nịnh: “Đây mới đúng là tu thành chính quả.”

Lời này đã nhắc Tố Tỷ: “Con rể thường xuyên lên chùa Từ Độ trên núi quyên vô số tiền, chúng ta cũng đã đạt được nguyện vọng lớn, nay có một thằng cu, phải dâng lễ tạ.”

Cụ Lâm không khỏi đau đầu, nhà họ Trình chẳng còn tín sư thờ sãi, tất cả là do trước đây Tố Tỷ từng để đám ni cô lừa mấy chục lượng bạc, cụ Lâm giận dữ, không cho bà tiếp xúc với bọn rừng rú kia nữa, chỉ cho ở nhà tụng kinh. Nhưng chùa Từ Độ lại là đất thiên, Trình gia quyên tiền dâng hương nơi ấy đã từ từ đổi đời, cụ Lâm cũng khá tín phục. Bèn đồng ý với Tố Tỷ: “Trời trở lạnh, Kim Ca phải có người chăm sóc luôn, Tú Anh vừa qua cữ, con lại chưa xả tang. Để cháu rể dắt Ngọc Tỷ đi một chuyến vậy, còn con muốn đi thì chờ xuân năm sau ấm trời, cả nhà mình cùng đi.”

Tối đấy nói với Ngọc Tỷ: “Nhân lúc chưa đổ băng, cháu cùng cha đi một chuyến, cháu cũng bái Phật thành tâm một tý, xin chỗ tốt nương thân. Cũng xin xăm cho cha cháu, phù hộ nó xuân năm sau đậu tú tài, lúc được quẻ rồi bỏ thêm hai mươi lượng tiền nhang đèn.”

Thầy của Ngọc Tỷ là Tô tiên sinh, với Phật giáo Đạo giáo, người đọc sách luôn quan niệm tất cả là do mình có tín hay không thôi, luôn có thái độ chê bôi chớt nhả, bé cũng bị lây, bèn cười đáp: “Bà cố lại biến Phật tổ thành tham quan rồi, Phật tổ tâm sáng như gương, thấy hợp thì sẽ cầu được ước thấy, còn không thì có xin cũng vậy. Chi bằng bỏ công học tập, chăm chỉ làm việc.”

Cụ Lâm phỉ phui vài tiếng liền, lại vỗ Ngọc Tỷ một cái, khấn: “Lời con trẻ đừng tin là thực!”

Thầy Tô biết chuyện, cũng nói: “Ta đọc “Dịch” nhiều năm, khá tâm đắc, nghe nói cao tăng đắc đạo cũng có năng lực tiên tri, tiện bề thỉnh giáo đôi phần.” Bèn đi cùng cha con Hồng Khiêm. Hồng Khiêm cưỡi ngựa, Ngọc Tỷ cũng muốn cưỡi, bèn bảo: “Cha cho phép rồi mà.”

Hồng Khiêm tự hỏi, Mình cho phép hồi nào? Chẳng nhẽ lại quên? Vì không chắc nên nói: “Chuyện nghiêm túc, con ngồi trước cha, nhưng cũng phải thuê thêm chiếc xe, nhỡ cưỡi ngựa không nổi thì vào xe mà ngồi.” Rồi nhìn sang thầy Tô.

Thầy Tô bảo: “Lúc lão phu rong ruổi trên lưng ngựa, trò còn chưa biết đi là gì đâu.”

Hồng Khiêm xoay đi, thuê hai thớt ngựa. Ngọc Tỷ dắt mợ Lý, Tiểu Trà, Đóa Nhi theo.

Thầy Tô hể hả suốt chặng đường, lúc thấy kênh đào còn giảng vài thứ cho Ngọc Tỷ, như vì sao lại đào con kênh này, tiêu tốn ra sao, kênh chảy qua bao nhiêu châu, có tác dụng gì… Núi bên kia tên gì, có sự tích gì…

Họ đến chùa Từ Độ, thầy Tô đi gặp phương trượng luận đạo liền ngay, Ngọc Tỷ và Hồng Khiêm vào dâng hương. Ngọc Tỷ nghiêm túc dập đầu xin xăm, là quẻ trung cát. Hồng Khiêm thì không tin những thứ này mấy, nhưng vì được hời thằng cu, cũng khá xúc động, cảm tạ thật lòng. Cha con hai người biếu tiền nhang đèn xong, thầy Tô vẫn chưa trở về. Ngày đông trời mau tối, Hồng Khiêm nhờ tiểu sa di đi giục.

Tiểu sa di đưa Minh Trí quay lại, Minh Trí đầy vẻ không biết phải làm sao, thưa: “Tô tiên sinh muốn ở lại một đêm ạ.” Khỏi nói, hẳn là luận đạo đến mê mẩn rồi.

Hồng Khiêm thầm nhủ, ngay trong nội thành mà thầy còn đi lạc được, nếu để thầy một mình từ chùa về thành, chẳng biết sau này phải đi đâu mò thầy đây. Nhưng nếu không về, lại e gia đình lo lắng. Với cả ở chùa kham khổ, Ngọc Tỷ còn nhỏ, sợ rằng sẽ cóng đến bệnh mất. Bèn dắt tay Ngọc Tỷ, nói với tiểu sa di: “Phiền tiểu sư phụ dẫn đường cho ta, ta đi gặp thầy.”

Tiểu sa di rất dễ chịu, đưa chàng đi ngay: “Người xuất gia không dám nói dối, vị tiên sinh này thực sự lợi hại. Nếu quan nhân có thể đưa thầy đi, tiểu tăng đúng là phải cảm tạ trời đất.”

Đến phòng phương trượng, ngoài cửa đã nghe giọng Tô tiên sinh hỏi liền thanh: “Làm thế nào để cảm ứng? Phải giải thích ra sao? Động lòng, là động thế nào?” Trước đây Ngọc Tỷ từng hỏi dồn mình như này, bây giờ mình lại đi hỏi dồn người khác, thầy Tô thầm thấy sướng trong lòng.

Phương trượng cười khổ liên tục: “Tiểu tăng tu vi còn nông, chưa động lòng bao giờ.”

Hồng Khiêm bụng bảo dạ, gặp phải Tô Trường Trinh, xem ra phương trượng nhọ đời rồi. Thấy thương phương trượng ra trò, bèn đưa mắt nhìn tiểu sa di, tiểu sa di vội vàng lên tiếng: “Sư phụ, vị thí chủ đi cùng tiên sinh bên trong muốn gặp thầy.”

Phương trượng vội đáp: “Mau mời vào.”

Vào đến nơi, căn phòng này ấy vậy mà không châm lò sưởi, lạnh lẽo vô cùng, hai người bên trong lại ngồi thẳng như cán bút, trên trán phương trượng còn đổ mồ hôi, xem ra đã bị thầy Tô dồn ép thật lực. Vị phương trượng này để đầu trọc, nhưng hàng mày bạc trắng, trông cũng đầy mùi cao tăng đắc đạo, ấy vậy mà mặt mũi bấy giờ lại đang ra chiều đau khổ lắm.

Thầy Tô thì đang hưng phấn, thấy học trò mình bước vào, cũng hơi mất hứng: “Các trò tới đây làm gì? Ta luận rõ với phương trượng rồi về ngay ấy mà.”

Hồng Khiêm nhủ thầm, Chuyện thầy đắc đạo thành Phật còn có khả năng xảy ra hơn cả chuyện thầy tìm được cửa về nhà nữa. Ngọc Tỷ thì bảo: “Con nhớ thầy mà. Bài tập ngày mai chẳng biết phải nộp cho ai luôn.”

Thầy Tô liếc phương trượng với vẻ vô cùng tiếc nuối, nhưng cũng chỉ đành đứng dậy: “Khi nào rỗi rãi, sẽ lại đến thỉnh giáo phương trượng.”

Phương trượng nhìn Ngọc Tỷ, một đứa bé chỉ mới tám chín tuổi, bèn hiền từ bảo bé: “Tiểu thí chủ siêng năng chăm học, chắc chắn sẽ thành chính quả. Người có lòng sẽ được báo đáp.”

Hồng Khiêm cố nhịn mà ngoảnh mặt đi, thầm mắng Tô Trường Trinh đúng là giỏi tạo nghiệp, ép một cao tăng đại đức phải thốt ra mấy lời sặc mùi ăn mày xin cơm này.

•••••

Từ chùa về chẳng được mấy lâu, đã đến ngày giỗ ba năm của cụ Trình, Tố Tỷ xả tang, cụ Lâm tự mình bế Kim Ca đến trước linh vị cụ Trình khóc lóc thở than một trận. Cụ vừa khóc, Kim Ca đã khóc theo, Tố Tỷ thì khỏi bàn, Ngọc Tỷ cũng không nén nổi, cả nhà khóc to một chập.

Cụ Lâm vừa khóc vừa nói: “Cháu rể là một người giữ lời, giờ đã thành hai họ, thằng bé và Tú Anh không còn ở đây nữa, nhưng lòng vẫn luôn nhớ đến ông. Nó cũng có tiền có nhà, giờ còn muốn mua thêm đất, không để Tú Anh thiệt thòi đâu. Năm sau sẽ đi thi, ông trên trời có mắt, thể nào cũng phải phù hộ nó lần này,” Lại gọi Ngọc Tỷ đến dập đầu, “Năm sau cháu cũng không còn ở đây nữa, bái biệt cụ cố đi nào.”

Nhà họ Hồng bên kia cũng đã đắp xong móng, bắt đầu chồng đá xây gạch. Tú Anh tính sơ, vì xây mới nên mắc hơn sửa lại, tiền trong tay Hồng Khiêm không còn dư là bao, không thể mua cả ruộng và cửa hàng, chi bằng mua trăm mẫu đất. Lại dạy Ngọc Tỷ vài cách trị gia, cuối năm thu tô tính tiền các thứ. Lúc rảnh thì vừa chăm Kim Ca vừa cười.

Lại nói, thầy Tô không được thỏa thuê hôm luận đạo, lúc về nhà chẳng vui vẻ là mấy, rồi thêm đầu năm sau Hồng Khiêm phải lên đường đi thi, bèn dồn già nửa tâm trí cho Hồng Khiêm, giám sát việc học nghiêm hơn hẳn, Hồng Khiêm chịu biết bao lời đâm chọt của thầy, cả ngoài sáng lẫn trong tối. Hồng Khiêm cũng nghiến răng nín nhịn, bụng bảo dạ thầy chỉ là một ông già khoái dông dài, cứ mặt dày ra vẻ không hiểu, trái lại khiến thầy Tô tức đến trợn tròn mắt mãi.

Ngọc Tỷ theo dõi mà thấy lo, chuyển sang khuyên Hồng Khiêm: “Thầy là vì không thể ở qua đêm với phương trượng mới buồn bực, cha đừng để bụng.”

Hồng Khiêm bế con gái lên ước chừng: “Lại nặng hơn rồi, sắp không bế nổi nữa, nhân lúc còn bế được thì bế nhiều hơn một chút,” Sau đó mới đáp, “Già trẻ lớn bé, thầy của con tới tuổi, hay giận dỗi, đợi em trai con lên bốn, năm tuổi rồi lại thử nhìn xem, ông ấy và thằng bé có thể chơi chung với nhau rồi.”

Ngọc Tỷ rướn cổ nuốt nước bọt, đưa tay chạm vào ấn đường Hồng Khiêm, không nói được gì.

Cứ thế vài tháng trôi qua, năm mới lại đến, nhà họ Trình đốt mấy chục dây pháo vài ngày liền, cho tới khi Kim Ca hoảng sợ bật khóc mới ngơi tay, sắc thuốc an lòng cho bé. Thầy Tô liếc Ngọc Tỷ, nói: “Năm sau trò cũng học vài ngón chữa bệnh bốc thuốc đi, bệnh vặt đỡ phải mời thầy lang.”

Tháng giêng đầu năm, lý chính lại đến kiểm tra nhân khẩu. Hồng Khiêm biếu ôngquà tứ sắc*, đổi họ Hồng cho Ngọc Tỷ, để Kim Ca mang họ Trình, cụ Lâm an lòng, lại thắp hương cho cụ Trình một bận. Ngọc Tỷ bảo: “Hồng Ngọc Hồng Ngọc, nghe chẳng oai tý nào.” Thầy Tô chợt nói: “Trở về họ cũ nghe oai hơn.” Hồng Khiêm liếc thầy một cái, đáp: “Ngọc Tỷ là tên mụ, chờ con lớn mới đặt đại danh.”

[*Thường gồm bốn món, đại diện cho bốn mùa trong một năm, ngụ ý cả năm viên mãn.]

Ngọc Tỷ lè lưỡi, không càm ràm nữa.

Tháng hai Hồng Khiêm lên đường đi thi. Trường thi ở ngay trong thành Giang Châu, tri huyện phụ khoách* là lệ từ triều trước, với Hồng Khiêm mà nói thì lại là chuyện tốt, dù thi tú tài hay cử nhân, không bắt ra khỏi thành là được. Đến lúc lên kinh thi tiến sĩ, chỉ cần mua thuyền xuôi dòng mà đi thôi.

[*Tri phủ và huyện lệnh cùng cai trị, cùng ở một nơi.]

Cụ Lâm đã có kinh nghiệm người nhà đi thi, chuẩn bị thu xếp tương đối thạo tay, Ngọc Tỷ bèn làm chân chạy việc cho cụ. Bút nghiên quần áo đồ ăn chỗ ở chỉ xếp sau, trước tiên phải có hai tú tài cùng viết thư bảo đảm cho Hồng Khiêm mới ổn. Cháu cụ Lâm là tú tài, Kỷ chủ bộ hàng xóm còn là cử nhân, thư bảo đảm sẽ do hai người này viết. Thi cử thời này, phải có xuất thân trong sạch, trong sạch là gì, chính là không nằm trong diện tiện tịch. Nếu từng làm tôi tớ nhưng đã chuộc thân, thì không sao. Nhà buôn cũng có thể đỗ đạt, có điều nếu muốn tiến thân, ngoài việc có tài, còn phải chịu được bới móc.

[Chú thích của tác giả: Chế độ khoa cử thời xưa được hoàn thiện dần, Tùy Văn Đế đề ra khoa cử, đến thời Võ Hoàng mới có luật Hồ Danh ngừa gian dối, thời Tống mới phổ biến việc sao chép lại bài rồi chấm thi, tận thời Minh mới trở thành chế độ khoa cử mà mọi người quen thuộc. Điều kiện để thí sinh được tham gia cuộc thi, mỗi thời mỗi khác. Con em nhà buôn có dạo được tham gia thi. Quan viên cũng có thể thi, ấy là trong trường hợp học vấn không cao, bỏ tiền mua chức. Tuy bộ truyện này viết về thời không có thật, nhưng không sử dụng chế độ khoa cử hoàn thiện của nhà Minh, sẽ có một vài chỗ khác người ~]

Mọi thứ đều phải qua kiểm tra, nếu là kiếp đào hát, thoát tiện tịch chưa quá ba đời, đều không được đi thi. Mẹ mang tiện tịch thì không sao, cha mang tiện tịch mới bị liên lụy.

Tuy Hồng Khiêm từng ở rể, nhưng cũng đã tự lập môn hộ, lại có gia nghiệp, lúc mới ngụ lại Giang Châu cũng đã khai rõ ba đời tổ tông. Vì kiếm miếng ăn mà lưu lạc đến đây, kiểm tra nới tay hơn một chút, đã mười năm có lẻ, sổ vàng trong kinh cũng đã đổi một lần, Hồng Khiêm cứ thể trở thành người Giang Châu, tất cả sổ sách đều ghi ba đời nhà chàng là dân lành. Có được thư đảm bảo, có thể tham gia cuộc thi ngay rồi.

Hồng Khiêm biết thi tú tài chẳng gì là khó, đề thi tú tài mà thầy Tô ra, đến cả Ngọc Tỷ cũng có thể tạm đối phó được, huống chi là chàng? Chẳng lấy làm luống cuống, khăn gói lên đường. Cả nhà vì chàng mà lo liền mấy ngày, ấy vậy mà khi trở về chỉ hốc hác hơn đôi chút chứ không tổn hại gì, còn than phiền với Tú Anh: “Tới cả mặt cũng chẳng được rửa sạch sẽ.” Đoạn đưa cái cằm lún phún râu cạ bừa vào khuôn mặt non mềm của Kim Ca, tới mức thằng bé khóc toáng lên, bị Tú Anh đuổi đi tắm rửa thay đồ.

Từ lúc Hồng Khiêm rời trường thi, phụ nữ toàn gia bèn họp mặt trong Phật đường của Tố Tỷ, cùng tụng kinh dâng hương, khiến cả nhà ngập khói. Hồng Khiêm mới sáng sớm đã dụ con gái đến xem nhà mới, non nửa năm, nhà đã xây xong, đang mở cửa để thoáng bớt hơi ẩm. Hồng Khiêm chỉ một khu vườn mé đông cho Ngọc Tỷ: “Sau này con sẽ ở đấy, vài ngày sau gọi người chuyển hoa cỏ đến, con thích hoa gì?”

Ngọc Tỷ đáp: “Con muốn trồng trúc, phải cây to cơ.”

Hồng Khiêm đáp: “Theo ý con cả.”

Lúc về Tú Anh cũng không rầy cả hai, chỉ bế Kim Ca lẩm bẩm: “Nhóc nói cha nhóc đỗ không?”

Cứ thế nửa tháng, bảng vừa được yết —– Hồng Khiêm đã đậu tú tài thật!

Gần đây cụ Trình no đủ nhang đèn, cụ Lâm lại thắp thêm hương cho ông, nói cháu ngoại đã có chỗ để dựa dẫm cả đời, Ngọc Tỷ Kim Ca có người cha như vậy, sau này cũng có thể thẳng lưng mà sống, lại vui mừng cầm tiền riêng đến lầu Thái Phong đặt cỗ. Song, Hồng tú tài lại bị Tô tiên sinh liếc mắt khinh thường vài bận, thì ra thầy Tô cho rằng cậu Hồng thi cử không cố gắng, chỉ xếp hạng trung bình, quá mất mặt già của ông rồi.

Bèn bảo: “May mà ta là thầy của Ngọc Tỷ.”
Tác giả có lời muốn nói: Toàn bộ nam chính, nam phụ, pháo hôi sẽ lên sàn vào chương sau ~ Vui hem? Khen tui một câu đi? Còn chuyện Ngọc Tỷ sẽ về đâu, bé cuối cùng cũng sẽ về với dòng chính, nhà họ Trình đã có ba đời nữ hộ, nếu vẫn tiếp tục như thế, tui sẽ bị đập mất. Viết về nữ hộ, sẽ viết toàn bộ quá trình, từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc, kết thúc là gì, là có con trai. Nhà họ Trình bây giờ vẫn là nữ hộ, vì Kim Ca chưa phải là chủ hộ. Hồng gia bên đây cũng không an tâm về nhà họ Trình, vẫn sẽ quan tâm đỡ đần, bên họ Hồng vẫn chưa có con trai mà, vẫn còn kéo dài.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.