Nụ Hôn Của Casanova

Chương 11



Sampson và tôi thay phiên nhau cầm lái trên đoạn đường dài bốn tiếng từ Washington xuống Bắc Carolina. Khi tôi lái xe thì Đô vật lăn ra ngủ. Cậu ta mặc áo phông đen in độc hai chữ “AN NINH”. Thật là tiết kiệm từ ngữ.

Khi Sampson cầm lái chiếc Porsche cổ của tôi thì tôi đeo một chiếc tai nghe Koss cũ kỹ. Tôi nghe Big Joe Williams, nghĩ về Scootchie và càng thấy trống trải.

Tôi chẳng ngủ nổi, tối qua chỉ ngủ không quá một tiếng. Tôi cảm thấy mình như một ông bố suy sụp vì đau buồn khi đứa con gái duy nhất mất tích. Có gì đó không ổn trong vụ việc này.

Chúng tôi đến phía Nam vào buổi trưa. Tôi sinh ra ở Winston-Salem, cách đó hàng trăm cây số. Tôi chưa một lần trở lại từ hồi mười tuổi, năm mẹ tôi qua đời, và tôi cùng các anh em đã chuyển đến sống ở Washington.

Trước đó, tôi đã từng đến Durham dự lễ tốt nghiệp của Naomi. Cô bé tốt nghiệp hạng ưu trường Duke, và nhận được sự tung hô hào hứng nhất, nhiệt tình nhất trong buổi lễ tốt nghiệp từ trước đến nay. Gia đình Cross có mặt đông đủ. Đó là một trong những ngày hạnh phúc nhất, đáng tự hào nhất của tất cả chúng tôi.

Anh trai Aaron nhà tôi chỉ có một đứa con gái duy nhất là Naomi, anh ấy qua đời năm ba ba tuổi vì bệnh xơ gan. Từ sau cái chết của cha, Naomi trưởng thành rất nhanh chóng. Mẹ cô bé phải làm sáu mươi giờ một tuần trong hàng năm liền để nuôi sống gia đình, vì vậy Naomi đã phải tự lo việc nhà từ khi lên mười. Cô bé là nội tướng nhỏ tuổi nhất.

Naomi là một đứa trẻ già dặn, mới lên bốn đã đọc những cuộc phiêu lưu của Alice trong Through the Looking-Glass[1]. Một người bạn của gia đình đã dạy cô bé chơi đàn violin, và cô bé đã chơi rất khá. Cô bé yêu âm nhạc, và thường chơi mỗi khi rảnh. Cô bé tốt nghiệp với vị trí đứng đầu lớp ở trường trung học John Carrol, D.C. Dù bận rộn với việc học, cô bé vẫn dành thời gian để viết những áng văn tuyệt vời về cuộc sống mình trải qua ở khu ổ chuột. Cô bé làm tôi nhớ đến Alice Walker[2] hồi trẻ.

[1] Phần tiếp theo của tiểu thuyết Alice ở xứ sở thần tiên của Lewis Carroll.

[2] Nhà văn, nhà thơ người Mỹ gốc Phi, nổi tiếng với tiểu thuyết giành giải Pulitzer, The Colour Purple.

Tài năng.

Rất đặc biệt.

Mất tích hơn bốn ngày.

Chẳng có thảm đỏ nào chờ chúng tôi tại trụ sở cảnh sát mới toanh ở Durham, ngay cả khi Sampson và tôi giơ phù hiệu và thẻ căn cước Washington ra. Viên hạ sĩ ở phòng tiếp khách không mấy ấn tượng với chúng tôi.

Anh ta có vẻ gì đó gióng Willard Scott, người phụ trách dự báo thời tiết trên ti vi. Mái tóc húi cua, tóc mai dày và dài, nước da hồng như giăm bông tươi. Khi anh ta biết chúng tôi là ai, mọi việc còn có phần tệ hơn. Không thảm đỏ, không lòng hiếu khách của người miền Nam, không có sự thân thiện của người miền Nam.

Tôi và Sampson kiếm chỗ ngồi nghỉ chân trong phòng công tác của Sở cảnh sát Durham. Ở đây toàn là kính sáng choang và gỗ bóng lộn. Chúng tôi chỉ nhận được những cái nhìn hằn học, ánh mắt trân trân trống rỗng thường dành cho những kẻ buôn thuốc phiện bị tóm quanh trường tiểu học.

“Cứ như là chúng ta vừa mới đặt chân lên sao Hỏa vậy?” Sampson nói khi chúng tôi phải ngồi chầu chực mà ngắm các cảnh sát Durham, những người thưa kiện đến rồi đi. “Không thích thái độ của đám người Sao Hỏa này tí nào. Không thích cả đôi mắt ti hí như hạt đậu của người Sao Hỏa. Nói chung tớ không nghĩ rằng mình thích mảnh đất miền Nam mới này.”

“Hãy nghĩ xem, ở đâu chúng ta cũng có thể gặp tình cảnh này,” tôi nói với cậu bạn. “Chẳng phải chúng ta đã từng bị đón tiếp tương tự, cũng phải chịu những ánh nhìn trừng trừng lạnh nhạt như vậy tại trụ sở cảnh sát Nairobi đó sao?”

“Có lẽ vậy.” Sampson gật đầu sau cặp kính đen. “Nhưng ít nhất họ là người Sao Hỏa da màu. Ít nhất họ biết John Cotrane[3] là ai”.

[3] Nghệ sĩ kèn saxophone kiêm nhà soạn nhạc nổi tiếng người Mỹ gốc Phi.

Sau một tiếng mười lăm phút kể từ khi chúng tôi bước vào, hai thám tử Durham là Nick Ruskin và Davey Sikes cuối cùng cũng đến gặp chúng tôi.

Ruskin làm tôi liên tưởng chút ít đến Michael Douglas trong những vai người hùng cảnh sát ngầm. Anh ta mặc bộ đồ tông xuyệt tông, áo khoác vải tuýt màu xanh lá cây và nâu vàng, quần jean mài, áo phông, có túi màu vàng. Anh ta cao ngang ngửa tôi, tức là khoảng hơn mét tám, trông hơi khoa trương. Mái tóc màu nâu khá dài được vuốt keo bóng mượt và tỉa tót cẩn thận.

Davey Sikes có thân hình vạm vỡ. Cái đầu cứng như khối đá rắn chắc, vuông góc chằn chặn với vai. Đôi mắt màu yến mạch trông như buồn ngủ, hầu như không biểu lộ cảm xúc gì. Sikes thuộc dạng cộng sự chứ nhất quyết không làm lãnh đạo được. Ít nhất là thế nếu ấn tượng đầu tiên đúng.

Hai vị thám tử bắt tay chúng tôi và cư xử như thể tha thứ cho mọi chuyện, như thể họ tha thứ cho chúng tôi vì đã làm phiền họ. Tôi có cảm giác Ruskin đã quen với việc đón tiếp ở sở cảnh sát Durham này. Anh ta giống như một ngôi sao địa phương. Nhân vật chính của câu chuyện. Nam minh tinh tại Khu tam giác Durham.

“Xin lỗi đã để hai người chờ lâu, thám tử Cross, thám tử Sampson. Chúng tôi vừa bận chút bởi có một tên khốn kiếp ở khu vực này,” Nick Ruskin nói. Anh ta nói giọng miền Nam khá nhẹ. Rất tự tin vào bản thân.

Anh ta không đề cập đến tên của Naomi. Thám tử Sikes im lặng. không nói một lời.

“Hai người có muốn đi cùng với Davey và tôi không? Trên đường đi tôi sẽ giải thích tình hình. Có một vụ giết người. Đó là lý do khiến chúng tôi bận rộn. Cảnh sát đã phát hiện ra thi thể một phụ nữ tại Efland. Đây thực sự là một vụ khủng khiếp.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.