Lúc bế Marcus Daniels trên tay, hầu như toàn bộ cơn giận dữ của tôi đều dồn vào những bước chân chạy đến bệnh viện St. Anthony. Bây giờ khi luồng adrenaline đã hạ xuống, tôi lại cảm thấy mệt mỏi kỳ lạ.
Khu vực chờ của phòng cấp cứu ồn ào nhốn nháo kinh khủng. Tiếng trẻ con khóc, tiếng rền rĩ của các ông bố bà mẹ, loa phóng thanh không ngừng gọi bác sĩ. Một người đàn ông bị chảy máu liên tục rên rỉ, “Ôi mẹ kiếp, ôi mẹ kiếp.”
Tôi vẫn thấy đôi mắt buồn và đẹp của Marcus Daniels. Tôi vẫn nghe được giọng nói nhẹ nhàng của cậu bé.
Tối hôm đó, khoảng hơn sáu rưỡi một chút, người đồng sự của tôi trong các vụ án đột ngột xuất hiện tại bệnh viện. Tôi cảm nhận có chuyện gì đó không ổn nhưng trong lúc này tạm thời lờ nó đi.
John Sampson và tôi thân nhau kể từ khi lên mười, cái thuở còn chạy trên chính những con phố này ở Đông Nam D.C. Bằng cách nào đó, chúng tôi đã sống sót qua thời thơ ấu mà không phải cắt cổ họng. Tôi theo học ngành tâm lý bất thường và có được bằng tiến sĩ ở trường Johns Hopkins. Sampson vào quân đội. Và rồi một cách hết sức bí ẩn và lạ lùng, cuối cùng chúng tôi lại làm việc cùng nhau trong lực lượng cảnh sát D.C.
Tôi ngồi trên chiếc băng ca không trải khăn đặt phía ngoài phòng Chấn thương. Bên cạnh tôi là “bàn thuốc di động” mà họ vừa dùng cho Marcus. Những dây garô cao su treo ở tay cầm màu đen như đám cờ đuôi nheo.
“Cậu bé sao rồi?” Sampson hỏi. Cậu ta cũng biết Marcus. Không hiểu sao cậu ta luôn biết mọi thứ. Nước mưa vẫn rỏ xuống từ chiếc áo ponsô đen, nhưng xem ra cậu ta chẳng để tâm đến.
Tôi buồn bã lắc đầu. Tôi vẫn cảm thấy mình thật vô dụng. “Vẫn chưa biết. Họ không nói gì với tớ. Bác sĩ muốn biết liệu tớ có phải là người nhà đứa trẻ hay không. Họ đã đưa nó đến phòng Chấn thương. Nó đã tự làm mình bị thương rất nặng. Mà sao lúc rối ren này cậu lại đến đây?”
Sampson hất vai cởi áo ponsô ra, đoạn ngồi phịch xuống cạnh tôi trên chiếc băng ca căng hết cỡ. Bên trong áo ponsô, cậu ta bận trang phục thám tử đường phố điển hình: bộ đồ thể theo màu đỏ hiệu Nike, hợp với đôi giày đế mềm mũi cao, vòng tay bằng vàng mỏng, nhẫn có khắc hình. Dáng vẻ đường phố ấy không bị sứt mẻ gì.
“Cái răng vàng của cậu đâu rồi?” tôi gượng cười. “Phải có cái răng vàng ấy thì mới đồng bộ. Ít nhất phải có một ngôi sao vàng trên răng chứ. Tóc bện chân rết thì sao?”
Sampson khịt mũi cười. “Nhận được tin, tôi đến dây luôn,” cậu ta giải thích ngay về sự xuất hiện của mình ở bệnh viện St. Anthony. “Cậu có sao không đấy? Trông cậu như con voi đực to lớn, thiếu não còn sót lại vậy.”
“Một đứa trẻ muốn tự sát. Nó đáng yêu, giống như Damon vậy. Chỉ mới mười một tuổi.”
“Có cần tôi đột nhập ổ ma tuý của họ không? Bắn cha mẹ của đứa bé nhé?” Sampson hỏi, ánh mắt sắt đá.
“Chúng ta sẽ làm chuyện đó sau,” tôi đáp lại.
Có lẽ tôi cũng muốn làm thế. Tin tốt là bố mẹ của Marcus Daniels sống cùng nhau, tin xấu là họ để thằng bé cùng bốn người chị em của nó sống tại ổ ma tuý mà họ làm chủ gần khu ổ chuột Langley. Lũ trẻ nhà đó tuổi từ năm đến mười hai đều tham gia vào công việc này. Chúng là những kẻ “cấp hàng”.
“Cậu đang làm gì ở đây thế?” tôi hỏi lại cậu ta lần thứ hai. “Không phải tự nhiên mà cậu lại có mặt tại phố A này. Có chuyện gì vậy?”
Cậu ta rút một điếu thuốc Camels trong bao ra. Chỉ bằng một tay. Rất điêu luyện. Cậu ta châm lửa. Bác sĩ và y tá có mặt ở khắp mọi nơi.
Tôi giằng điếu thuốc từ tay cậu ta, rồi di di đế giày Converse đen lên, gần chỗ hõm ngón chân cái.
“Cảm thấy khá hơn chưa?” Sampson nhìn tôi. Rồi cậu ta nhe răng ra cười, khoe hàm răng trắng khá to của mình. Trò đùa đã kết thúc. Sampson đã làm phép với tôi, quả là kỳ diệu, cả việc làm trò với điếu thuốc vừa rồi cũng vậy. Tôi bỗng thấy khá hơn. Trò đùa đã phát huy tác dụng. Tôi thật sự cảm thấy như mình vừa được nửa tá người thân và hai đứa con ôm ấp vỗ về. Sampson là người bạn thân thiết nhất của tôi vì một lý do. Cậu ấy cô thể chọc tức tôi nhiều hơn bất cứ ai.
“Thiên sứ từ bi đã đến rồi,” cậu ta nói, chỉ xuống phía hành lang dài đang hỗn loạn.
Annie Waters đi về phía chúng tôi, tay thọc sâu vào túi áo bác sĩ. Gương mặt chị căng thẳng như thường lệ.
“Alex à, tôi rất lấy làm tiếc. Cậu bé không thể qua khỏi. Tôi nghĩ khi đến đây nó đã hấp hối rồi. Có lẽ chỉ sống nhờ vào hy vọng mà anh mang trong mình.”
Những hình ảnh sống động cùng cảm giác bồn chồn khi bế Marcus chạy dọc phố Năm mươi và L ùa về trong tôi. Tôi tưởng tượng cái lúc người ta trùm khăn lên xác Marcus. Đó là tấm khăn nhỏ dành cho trẻ con.
“Đứa trẻ là bệnh nhân của tôi. Mùa xuân năm nay, thằng bé đã chọn tôi để điều trị cho nó.” Tôi kể cho hai người lý do khiến tôi phát điên đến thế, và bỗng nhiên cảm thấy suy sụp.
“Tôi có thể làm gì giúp anh được không, Alex?” Annie Waters nói. Khuôn mặt đầy vẻ quan tâm lo lắng.
Tôi lắc đầu. Tôi cần phải nói, phải trút ra hết ngay bây giờ.
“Marcus thấy tôi thi thoảng hay chuyện trò, giúp đỡ người ta ở thành phố A này. Nó bắt đầu ghé qua đây bằng xe moóc vào các buổi chiều. Khi tôi đã khiến nó tin tưởng, nó kể với tôi về cuộc sống của nó tại ổ ma tuý. Tất cả những người nó biết trong cuộc đời đều nghiện. Hôm nay, một kẻ như vậy đến nhà tôi... Rita Washington. Không phải mẹ nó, không phải cha nó. Đứa trẻ cố rạch cổ họng mình, rạch cổ tay mình. Chỉ mới mười một tuổi.”
Mắt tôi ướt nhoà. Một đứa trẻ bé bỏng đã chết, có ai đó phải khóc. Bác sĩ tâm lý của một đứa trẻ mười một tuổi chết vì tự tử cần phải thương tiếc. Dù sao tôi cũng nghĩ vậy.
Cuối cùng, Sampson đứng dậy, nhẹ nhàng đặt cánh tay dài lên vai tôi. Cậu ta cao hai mét mốt. “Về nhà thôi, Alex,” cậu bạn nói. “Đi nào, bạn của tôi. Đến lúc phải về rồi.”
Tôi bước vào nhìn Marcus lần cuối.
Tôi cầm lấy bàn tay bé nhỏ không còn sự sống và nghĩ về nhưng câu chuyện giữa chúng tôi, về nỗi buồn khôn tả luôn ẩn chứa trong đôi mắt nâu của Marcus. Tôi nhớ có một câu ngạn ngữ khá hay và sâu sắc của dân châu Phi, “Nuôi một đứa trẻ khôn lớn cần đến cả một ngôi làng.”
Cuối cùng, Sampson đến kéo tôi ra khỏi đứa trẻ, đưa tôi về nhà.