Mấy ngày sau đó, Trần Tín phải dưỡng thương suốt trên núi, chuyện luyện bình đành giao cả cho Mặt Thẹo. Nội vụ trên núi thì đã có Tần Nguyên lo liệu, Lý Băng Nhạn thì ở bên giúp vài việc lặt vặt.
Tới ngày mùa, các mẫu ruộng dưới chân núi lại bắt đầu trồng lúa mạch. Văn Đan Khê bảo Triệu Lục Cân dẫn người mua mấy trăm con trâu cày về, còn đặc biệt sai người vào thành tìm thợ rèn giỏi nhất để đặt hơn mười bộ cày sắt, vậy thì lúc cày bừa có thể giảm bớt sức lực.
Thông qua sách vở Văn Đan Khê biết rằng khoa học kỹ thuật ở triều đại này cũng có khá nhiều thành tựu, tương đương với thời Minh trung hậu kỳ trong lịch sử. Nhưng vì sự lơ là của gia cấp thống trị cũng như thảm họa chiến tranh hoành hành mấy năm liên tục, cho nên rất nhiều sách vở đã bị tiêu hủy hư hại, kỹ thuật ở Đại Lương thất truyền, nhân tài không được trọng dụng. Tài nguyên của xã hội bị hủy hoại nghiêm trọng, thụt lùi đáng kể so với triều đại thái bình. Văn Đan Khê thở dài tìm cách cứu vớt tình hình bằng tất cả sức lực của mình.
Nghĩ rồi cô dặn các binh lính chịu trách nhiệm mua sắm, nếu gặp phải thư tịch hoặc bản chép tay nào thì hãy mua lại hết. Binh lính trên núi cũng biết phu nhân của họ không thích vàng bạc mà chỉ ham sách vở, thành ra cách nói chuyện với cô cũng kính trọng hơn hẳn. Ở cổ đại số người biết chữ rất thấp, thế nên mọi người càng kính trọng những người có ăn học. Trần Tín thấy địa vị của Văn Đan Khê bay vút lên thẳng cánh cò bay, ngoài vui sướng ra cũng có hơi mất mát, hắn sợ mọi người nói mình không xứng với Văn Đan Khê, do đó nhân lúc dưỡng thương càng cố gắng đọc sách học chữ.
Tháng Chín tới, vài nhóm lưu dân từ phía Đông Nam và địa phận Trung Nguyên lại lũ lượt kéo về đây. Dịch Châu hoang vắng, vả lại quanh năm còn bị Thát Tử xách nhiễu, nên khá nhiều bách tính chuyển đi, dẫn tới đất hoang đầy rẫy, quan phủ cũng không quản nghiêm chuyện thuế má. Sinh ra hàng loạt vùng đất không ai quản lý, đồng thời tạo điều kiện cho bọn thổ phỉ tận dụng.
Lần trước quân Phá Lỗ chiến đấu với Thát Tử đã tổn thất binh lực trầm trọng, dĩ nhiên lần này phải chớp thời cơ chiêu binh mãi mã. Chuyện chiêu binh này Văn Đan Khê không nhúng tay vào thì không ổn, cô bèn cho dán một thông báo tuyển dụng dở dở ương ương thế này:
Trần tướng quân núi Nhạn Minh Dịch Châu thông báo tuyển người với các yêu cầu dưới đây: Hễ là người có nhân phẩm đoan chính, thạo một nghề trong tay, bất kể nam nữ, bất chấp già trẻ, đều được hoan nghênh, đãi ngộ hậu hĩnh, tiền công thương lượng.
Chú thích: Đặc biệt thiếu các chức vụ: Biết làm nông, thợ rèn, thợ mộc và vân vân, cần gấp.
Viết xong cô cho người dán thông báo tuyển dụng này ở những nơi dễ thấy trong thành Dịch Châu.
Mấy ngày đầu chẳng có hiệu quả gì rõ rệt, bởi ai thấy chuyện mới lạ mà không quan sát nghe ngóng trước. Qua vài ngày mới có người ôm thái độ thử coi sao tới dự tuyển. Phần lớn thời gian là do Triệu Lục Cân phụ trách phỏng vấn, Văn Đan Khê bận bịu thỉnh thoảng cũng đích thân vào xem, Văn Đan Khê còn dặn riêng Triệu Lục Cân phải tuyển nhiều nữ nhân vào. Vì trên núi đầy người độc thân, đến giờ cô mới nhớ ra lời hứa trước đây là làm mai cho mọi người. Lý Băng Nhạn thì trêu cô rằng, đại cô nương làm bà mai —- trước nay có một.
Kể từ cái đêm Lý Băng Nhạn trút hết nỗi lòng với Văn Đan Khê thì cả hai không ai nhắc lại chuyện này nữa. Văn Đan Khê nghĩ đối với những chuyện thế này, cách tốt nhất chính là cố quên đi. Những người bên cạnh đương sự tuyệt đối không nên tỏ vẻ thông cảm thương hại. Cho nên mỗi ngày Văn Đan Khê đều tỏ vẻ chẳng có chuyện gì xảy ra, cũng không trưng ra vẻ mặt dè dặt thận trọng sợ Lý Băng Nhạn sẽ tổn thương. Về sau, cô lại tìm cách để Lý Băng Nhạn làm việc tất bật, hòng chuyển hướng chú ý của tỷ ấy đi. Tạm thời cô chưa nghĩ ra được cách nào khác nên bèn lợi dụng lý do phải chăm sóc Trần Tín mà giao hơn phân nữa công việc qua tay Lý Băng Nhạn, tỷ ấy vì giúp cô nên cũng dốc hết sức lực. Dần dà, Văn Đan Khê cũng phát hiện ra tỷ ấy đúng là một quản gia cừ khôi, sắp xếp xử lý mọi chuyện sau núi Nhạn Minh rất chi là ngăn nắp gọn gàng.
Văn Đan Khê cũng bớt ra được kha khá thời gian ở bên cạnh Trần Tín, và tất nhiên Trần Tín rất vui vẻ đón nhận sự thay đổi này. Ngày nào ngày nấy cũng lượn trước mặt cô mà cười ngốc.
“Đan Khê, nàng coi cảnh trên núi thật đẹp, hay là chúng ta đi du ngoạn một chuyến đi.”
Văn Đan Khê suy nghĩ một giây rồi gật đầu cái rụp vô cùng dễ tính, chỉ tiếc một nỗi, cô lại dắt theo hai đứa trẻ với Lý Băng Nhạn.
Trần Tín vừa thấy tình hình có biến đã xụ mặt ra. Hắn sờ trán tư lự một hồi, cuối cùng quyết định tóm theo Tần nguyên, Mặt Thẹo và Hạ hắc tử. Tần Nguyên và Hạ hắc tử đều là người có mắt, dĩ nhiên biết rõ mình gánh trọng trách thiêng liêng thế nào.
Thế là cả đoàn người nói cười rôm rả đi về hướng núi. Văn Đan Khê đề nghị nhóm lửa bên hồ. Mặt Thẹo với hai đứa nhỏ giơ hai chân hoan nghênh nhiệt liệt.
Văn Đan Khê cho người mang theo giá sắt, than củi, đá đánh lửa và muối tương các loại, về phần nguyên liệu thì không mang theo bao nhiêu, vì nói nào ngay trong núi có đầy ra, hồ thì có cá tôm, núi rừng thì có động vật hoang dã.
Sau khi tới bên hồ, mọi người chọn một chỗ rộng rãi thoáng mát rồi bày hết dụng cụ nướng ra. Chưa chờ ai phân công, Mặt Thẹo và Hạ hắc tử đã kéo nhau tới bên hồ câu cá, hoặc là vào rừng săn thú. Đáng lý Trần Tín định đi săn nhưng hắn không nỡ xa Văn Đan Khê, nên cuối cùng quyết định ở lại câu cá với Tần Nguyên.
Tần Nguyên gắn xong mồi câu, rồi vung nhẹ cần câu vào lòng hồ, sau đó thảnh thơi nhàn nhã nhìn mặt hồ, yên lặng chờ cá cắn câu. So với vẻ thản nhiên tự tại của y thì Trần Tín lại hoàn toàn trái ngược, hắn quẳng đại dây câu vào lòng nước rồi bắt đầu nhìn dáo dác chung quanh, mắt dịch chuyển theo bóng dáng của Văn Đan Khê.
Tần Nguyên ngồi bên nói bóng gió: “Đại ca à, người câu cá nhất định phải yên lặng trầm tĩnh, nhẫn nại chờ đợi, bằng không chẳng phải huynh câu cá, mà là cá câu huynh đấy.”
Lúc đầu Trần Tín không nghe được ngụ ý của y, thờ ơ xua xua tay nói: “Cái gì mà cá câu ta, cuối cùng nó cũng bị ta ăn sạch thôi.”
Nói đoạn hắn mới sực nhận ra Tần Nguyên ám chỉ gì, lườm Tần Nguyên một cái mất kiên nhẫn: “Mấy người đọc sách như đệ nói chuyện chẳng thẳng thắn tý nào, có gì thì đệ cứ nói trắng ra, mất công ta phải đoán tới đoán lui.”
Tần Nguyên cười nhạt, ánh mắt lướt qua Văn Đan Khê bên kia, lúc này cô đang vừa nói cười vừa lui cui lo cái giá nướng, hoàn toàn không để ý gì tới bên này.
Tần Nguyên im lặng một thoáng rồi nghiêm mặt nói tiếp: “Đại ca còn nhớ lời Trịnh Tử Bằng nói về nữ nhân ngày đó chứ?”
Trần Tín vừa nghe tới đây, cơn tức nhất thời bùng lên: “Nhị đệ, đừng nói là đệ cũng đồng tình với lời nhảm nhí của tên Trịnh Tử Bằng kia nhé? Thê tử nhà hắn là loại gì, thê… người của ta là ai chứ, khác nhau một trời một vực, có thể nào so sánh?”
Tần Nguyên không nóng nảy: “Dĩ nhiên tiểu đệ biết tẩu tử khác xa Chu Lương Cẩn, nhưng cổ nhân có câu: Ôn nhu hương là mồ chôn anh hùng. Đệ chỉ muốn khuyên đại ca không nên mãi chìm đắm trong nhi nữ tình trường, để tránh hủy hoại khí khái anh hùng.”
Sắc mặt Trần Tín sầm xuống, nhìn chằm chằm Trần Nguyên hồi lâu, gằn giọng hỏi: “Cả bốn người đệ đều nghĩ vậy?”
Tần Nguyên gật đầu: “Không chỉ mình đệ.”
Trần Tín đột nhiên đứng bật dậy, rảo dọc theo bờ hồ vài bước rồi lại nặng nề ngồi xuống, nhìn đăm đăm mặt hồ nói chậm rãi: “Ta thì không rõ, yêu thương một nữ nhân sao lại mất đi khí khái anh hùng? Nếu làm anh hùng mà đánh mất thất tình lục dục, thì chẳng thà làm điểu anh hùng hay cẩu hùng(*) còn sướng hơn.”
(*) Kẻ nhát gan, vô dụng.
Tần Nguyên nhìn Trần Tín dở khóc dở cười, lắc đầu không biết nên nói gì.
Trần Tín đột ngột đổi trọng tâm: “Nhị đệ, đệ không thể vì bị nữ nhân tổn thương mà luôn đề phòng nữ nhân như vậy. Nữ nhân cũng giống như nam nhân, cũng có xấu có tốt, đệ không thể nào quơ đũa cả nắm tất cả nữ nhân trong thiên hạ được.”
Hắn vừa nói dứt lời, sắc mặt Tần Nguyên cũng vụt thay đổi, y nhìn mặt hồ tới đờ người, lặng thinh lâu thật lâu. Trần Tín biết mình lỡ lời, vội nói: “Thật tình, cái miệng của ta, Nhị đệ, đệ đừng chấp nhặt ta.”
Tần Nguyên vẫn bất động như chẳng nghe thấy gì. Trong phút chốc Trần Tín cũng hơi luống cuống chẳng biết làm sao.
Vào đúng lúc này, Mặt Thẹo và Hạ hắc tử đi săn về. Cả hai vừa về tới đã cất giọng oang oang: “Hai đứa mau tới đây coi này, thúc thúc bắt được đồ ngon cho hai đứa đây.”
“Thúc thúc, là đồ ngon gì vậy?” Hai đứa trẻ co cái chân ngắn chạy lăng xăng về phía hai người. Truyết Trinh ngó sơ qua đã nhanh nhảu báo cáo với Văn Đan Khê: “Cô cô ơi, chúng ta có gà ăn.”
Mặt Thẹo cũng phổng mũi sai bảo mấy tiểu binh sau lưng: “Mấy người các ngươi đem mấy con gà rừng với dê núi này đi xử lý đi.”
Văn Đan Khê dặn dò thật tỉ mỉ cho họ biết nên xử lý thế nào, dùng cây trúc để xiên thịt ra sao.
Sau đó Mặt Thẹo chạy tới chỗ Trần Tín và Tần Nguyên, vừa ngó qua đã thấy cái thùng rỗng tuếch chẳng có lấy con cá nào, hắn không kiềm lòng được lên tiếng đả kích hai người: “Lão đại lão nhị, hai huynh sao vậy, cả buổi trời mà chẳng câu kéo được gì.”
Tần Nguyên nghe thấy thì bỗng tỉnh táo lại, cười gượng gạo: “Đừng nóng, sắp có rồi.”
Nói rồi y nhấc cần câu lên, phịch một tiếng thả vào trong thùng một con cá béo nặng hơn ba cân. Hạ hắc tử nhanh chóng sai tạp dịch xử lý. Sau đó cả bốn người cùng ngồi câu cá trên đảng đá, vừa câu vừa nói chuyện trời chuyện đất, nhờ đó Tần Nguyên cũng lấy lại tinh thần rất nhanh, hòa vào ba người nói chuyện vui vẻ.
Chẳng bao lâu sau bên Văn Đan Khê đã tỏa ra mùi thơm điếc mũi, Mặt Thẹo không chịu nổi sức quyến rũ của đồ ăn nên chạy ào tới đầu tiên. Hắn ngồi một bên nhìn hau háu đầy mong chờ, sau đó cầm khư khư trong tay một xiên thịt cháy đen, tí tởn chạy về khoe mẽ: “Hề hề, xiên đầu tiên đấy nhé, tẩu tử nói công của đệ là to nhất nên cho đệ.”
Trần Tín hừ một tiếng, ánh mắt mất kiểm soát lia về phía giá nướng. Lúc này Văn Đan Khê đang ngồi dưới đất hì hục dùng quạt để thổi gió. Trần Tín bỗng thấy lòng thắt lại, hắn lập tức bỏ hết mọi người lại rồi sải bước đi về phía cô.
Văn Đan Khê nghe thấy tiếng bước chân của hắn thì ngẩng đầu cười nói: “Đừng sốt ruột, có ngay đây mà, xiên của lão Ngũ bị khét.”
Trần Tín nói thầm một câu: “Ta không sốt ruột, nàng nghĩ ta tham ăn giống đệ ấy à.” Nói đoạn cướp phăng lấy cây quạt, quạt phần phật, nói với cô: “Nàng mệt rồi, để ta làm cho.”
“Ta không mệt đâu, ngài mau về đi.”
Trần Tín cương quyết không đi, hắn đã quyết tâm rồi, sau này có ra sao hắn cũng mặc kệ mấy lời nhăng cuội của người ngoài.
Trần Tín ngồi bên quạt hì hục, Văn Đan Khê thì nhanh nhẹn lật xiên thịt trên vỉ nướng, sau đó thoăn thoắt quệt dầu và rắc muối lên xiên thịt, ướp thêm tí gia vị. Thế là xiên thịt đầu tiên đã ra vỉ rất nhanh, cô bèn chia cho hai đứa trẻ và Lý Băng Nhạn mỗi người một xiên, sau đó lại bảo hai đứa trẻ mang vài xiên qua cho bọn Tần Nguyên.
Rõ ràng hai đứa trẻ cực mê nhiệm vụ giao đồ ăn này, cứ chạy lăng quăng ở giữa liên miên, Lý Băng Nhạn thì theo sau hai đứa để canh chừng. Những hỏa kế chung quanh cũng lanh trí dịch ra xa xa, ai nấy đều độc một kiểu mắt nhìn mũi mũi nhìn tim.
Trần Tín liếc quanh một cái, lòng lại bắt đầu nhộn nhạo, hắn lấy một xiêng thịt kề tới bên môi Văn Đan Khê, thấp giọng nói: “Tay nàng không rảnh, để ta đút nàng ăn.”
Văn Đan Khê liếc hắn một cái, cố bĩu môi ra hiệu ở đây có rất nhiều người đang nhìn. Trần Tín lập tức dùng thân thể để ngăn tầm mắt của hỏa kế bên mé Đông, nói: “Vậy là hết thấy.”
Văn Đan Khê chịu thua đành cắn lẹ một miếng, Trần Tín cười ngốc nhanh chóng cắn nửa miếng thịt cô ăn dư vào miệng. Ăn xong hắn còn muốn làm tiếp, lần này Văn Đan Khê lại không nghe theo hắn, vì để tránh chuyện cô và hắn ở chung gây ra trò cười, cô bèn đứng dậy gọi mọi người tới ăn.
Mặt Thẹo và Hạ hắc tử nghe gọi đã ào tới ngay, mọi người lập tức tụ lại ngồi quây quần bên vỉ nướng, vừa ăn vừa đấu láo. Ở trước mặt mọi người Trần Tín không tiện làm quá trớn nữa. Hắn ão não nhìn Văn Đan Khê, lòng thầm trách cô nhẫn tâm.
“Ăn ngon ghê, tẩu tử, chừng nào chúng ta tới đây tiếp thế?”
Từ sau bữa đó Mặt Thẹo đã gọi thẳng cô là tẩu tử, Văn Đan Khê nhắc nhở mấy lần cũng chẳng được, cuối cùng đành phải chấp nhận luôn.
Trần Tín liếc Mặt Thẹo cáu kỉnh, hừ lạnh một tiếng: “Lần này còn chưa ăn xong đã lo tới lần sau.”
Hắn đã thầm hạ quyết tâm, lần sau hắn nhất định phải đi riêng với cô, không cho tên nào theo hết.
Trong lòng Hạ hắc tử biết rõ nguyên nhân Trần Tín nổi cáu, còn gì ngoài ngại bọn họ chướng mắt đâu. Thế là vội vàng cười nói: “Tướng quân, lát nữa ăn xong, chúng ta đi săn được không?”
Lý Băng Nhạn cũng thức thời tiếp lời: “Hai đứa nhỏ cũng mệt rồi, để ta dẫn chúng về nghỉ.”
Trần Tín mừng húm trong lòng nhưng ngoài miệng lại nói cứng: “Các người đã có việc thì cứ đi làm nhanh đi.”
Mọi người ăn nhanh với tốc độ tia chớp, sau đó tự giác giải tán. Trần Tín ghé mắt nhìn Văn Đan Khê dò xét, nói: “Đi, ta dẫn nàng đi săn.”