Nửa Đời Thanh Tình

Chương 191-2: Điện Dưỡng Tâm thần bí2



Khóe môi Ung Chính hơi cong lên, nhìn vô cùng đẹp, ngón tay cái đeo nhẫn mân mê dưới mắt nàng:

- Nàng chưa từng giục ta đi ngủ, trước đây thế nào, bây giờ vẫn vậy. Ta lại xót nàng, luôn muốn bắt nàng đi ngủ sớm, yêu cầu này có quá đáng lắm không?

Vân Yên mím môi, bàn chân xinh xẻo đeo tất lụa cuộn tròn trên chân ngài, nàng ghé vào tai ngài nói nhỏ một câu, Ung Chính nghe xong, bèn hôn một cái thật kêu lên gương mặt nàng.

Vân Yên đứng dậy khỏi lòng ngài, quỳ xuống sắp xếp lại chiếc bàn nhỏ bên cạnh, Ung Chính cũng đứng dậy ôm nàng từ phía sau, giúp nàng đóng nghiên mực. Vân Yên xỏ giầy rồi trèo xuống sập rồng, cẩn thận đặt xấp tấu chương đã phê chuẩn xong lên chiếc bàn lớn, ôm đống tấu chương còn lại trong lòng, Ung Chính cũng xuống sập, bê chiếc bàn nhỏ bên theo nàng. Hai người mở cánh cửa nhỏ, đi qua hành lang hẹp vào tiền sảnh, bước thẳng vào trong phòng ngủ phía sau.

Vân Yên gọi Trần Phúc bưng nước vào trước, hai người rửa mặt súc miệng xong mới trèo lên chiếc giường lớn chạm rồng, Vân Yên thắp sáng mấy ngọn đèn đầu giường, cởi áo ngoài, buông tóc ra mới nằm xuống gối, ôm chiếc chăn mềm mại màu vàng trước người.

Ung Chính cũng mặc áo ngủ màu vàng, đặt chiếc bàn nhỏ lên chăn đệm. Ưu điểm của giường lớn là rất rộng, nên hai người không hề cảm thấy chật chội.

Ung Chính đặt công văn và bút mực lên bàn, nghiêng đầu nhìn Vân Yên đang nằm bên cạnh.

Vân Yên hơi nhổm người dậy, khoác đoan tráo đã chuẩn bị sẵn lên vai ngài, rồi giúp ngài sắp xếp thứ tự công văn khẩn. Ung Chính ôm bờ eo nhỏ nhắn của nàng bằng tay phải, hôn lên môi nàng, bấy giờ nàng mới nằm xuống cuộn người trong chăn, mỉm cười nhìn ngài.

Ung Chính dém chăn cho nàng, dịu dàng nói:

- Đừng quậy nữa, ngủ đi.

Vân Yên ngoan ngoãn gật đầu và nhắm mắt lại, cảm nhận ngón tay ngài mơn man trên gò má mình mấy cái rồi mới hạ tay xuống. Một lúc sau, nàng mở mắt ra, nhìn bóng hình đang tập trung của người bên cạnh, thỉnh thoảng lại cau chặt mày, thỉnh thoảng nét mặt còn đanh lại, trong lòng nàng yên bình hơn bao giờ hết, nàng biết trời sẽ không sập xuống, tất cả sẽ ổn cả thôi.

Mơ mơ màng màng ngủ được một lát, khi mở mắt ra lần nữa, bỗng nhận ra ngài đang nghiêng đầu nhìn mình, như một thói quen, nhưng không cẩn thận bị nàng bắt được.

Vân Yên nheo mắt nhìn ngài mà cười, đôi tay mảnh khảnh rời khỏi ổ chăn lười biếng đặt lên gối, đêm đã rất sâu rồi.

Ung Chính nhìn nàng cảnh cáo, dùng mu bàn tay cọ lên gò má mềm mại của nàng, định kéo cánh tay nàng nhét lại vào trong chăn. Vân Yên thuận thế nắm lấy tay ngài, rồi ngồi dậy ôm eo ngài từ phía sau, nhìn công văn trên chiếc bàn nhỏ, mái tóc đen tuyền rối bù buông xõa sau lưng áo vừa đáng yêu vừa thoải mái.

- Công văn cuối cùng sao?

Vân Yên thấy trên tay ngài chỉ còn lại một tờ, chữ viết chi chít, chỉ đọc được mấy từ “Phủ Viễn Tướng quân Niên Canh Nghiêu.” Ung Chính gật đầu, vòng cánh tay trái qua eo nàng, ôm cơ thể ấm áp thơm tho ấy vào lòng mình, sợ nàng bị lạnh.

- Là chuyện bình định Thanh Hải, trận quyết chiến cuối cùng sắp diễn ra rồi.

Giọng nói của ngài cất lên lúc nửa đêm hơi khàn khàn, mang theo đôi phần mệt mỏi, vang vọng khắp căn phòng yên tĩnh, vô cùng dễ nghe.

- Quyết định rồi ư?

Vân Yên tựa người vào lồng ngực ngài, dịu dàng hỏi.

- Ừ!

Vân Yên nhìn tờ tấu chương cuối cùng đã được phê xong, bèn cùng ngài thu dọn công văn, Ung Chính thả lỏng gân cốt, tựa người ra phía sau, tiếng hừ trong miệng cũng vô cùng lười biếng.

Vân Yên mỉm cười nhìn ngài, vừa hay nhìn thấy một câu trong tập công văn, chỉ đọc lướt qua mà làm nàng cười ngặt nghẽo, vừa cười vừa trườn người qua ngài, đặt chiếc bàn nhỏ xuống dưới giường.

Ung Chính đưa tay ôm chặt nàng lại, vây nàng trong lòng mình, nói thầm vào tai:

- Hửm?

Vân Yên mỉm cười, hắng giọng, nghiêm túc đáp:

- Trẫm là đàn ông như thế đấy! Tính cách như thế đấy! Hoàng đế như thế đấy!

Ung Chính nghe xong bèn lườm một cái, cắn nhẹ tai nàng, hàm hồ nói:

- Trẫm là đàn ông thế nào... Nàng biết không?

Vân Yên cười không ngừng, ôm cổ ngài, rỉ tai nói nhỏ:

- Đọc cái này... khi thiếp ngủ, còn không biết chàng và mấy vị đại thần thân ái của chàng nói mấy lời buồn nôn nữa hay sao.

Ung Chính bế nàng ngồi lên eo mình, tỳ lên trán nàng:

- Sao ngửi có mùi giấm đâu đây nhỉ.

Vân Yên khẽ kêu ai da, cười rồi trượt khỏi eo ngài như chú mèo con mềm mại, kéo chăn chui vào ổ nhiệt ấm áp, nghiêng người nhắm mắt lại, quả thật nàng hơi buồn ngủ rồi. Mơ màng nghe thấy tiếng sột soạt khe khẽ của áo ngài phía sau, ngài thổi tắt nến, kéo màn lại.

Tấm chăn sau lưng lại được kéo ra, thân hình cao lớn nóng hổi dán chặt vào người nàng, bàn tay dày rộng ấm sực từ eo luồn vào, không biết cố ý hay vô ý mà quẩn quanh trên làn da ở eo, làm nàng cảm thấy hơi ngứa.

Trong chăn, Vân Yên túm được bàn tay ngài đang đặt trên bụng dưới của mình, rầm rì nói:

- Mệt lắm rồi, tranh thủ ngủ một lúc mà còn lên triều.

Ung Chính vùi đầu vào mái tóc trên hõm vai Vân Yên, ngửi mùi hương vấn vương trên người nàng, ôm chặt người nàng lại, kẹp bàn chân nàng vào chân mình:

- Ừ.

Vân Yên cảm thấy trên cổ nhột nhột, ừ hử một tiếng rồi xoay nửa người lại ôm ngài, ngài đưa tay giữ lấy bờ vai nàng, đặt một nụ hôn thật sâu lên đôi môi đỏ hồng.

Vân Yên cũng ôm cổ ngài, ngón tay níu lấy chiếc áo trong mỏng manh, yên tĩnh đáp lại nụ hôn của ngài.

Nụ hôn kéo dài rất lâu, cuối cùng môi hai người vẫn kề sát nhau, thì thầm dỗ ngủ. Nàng vùi đầu vào cổ Ung Chính, ôm eo rúc vào trong lòng ngài, bàn tay nhỏ nhắn cởi bím tóc ngài theo thói quen, hai người quấn quýt lấy nhau cùng đi vào giấc ngủ.

Gần đến cuối năm, đại lễ sắc phong mà hậu phi hằng mong rốt cuộc cũng đến. Trừ phong chủ vị tần phi, những thị thiếp cũ trong phủ trước đây như Võ thị, Quách thị, Trương thị, Lý thị... cũng được phong làm quý nhân thường tại, không sót một người. Đương nhiên, số lượng phi tần cũng không nhiều hơn.

Theo quy tắc hậu cung, tất cả phi tần đều phải hành lễ chúc mừng Hoàng hậu Na Lạp thị, phi tần từ quý phi trở xuống phải hành lễ với quý phi, nhưng Ung Chính hạ chỉ miễn nghi thức hành lễ chúc mừng quý thị Niên thị cung Dực Khôn, trong vô hình, địa vị một đế một hậu trở nên rõ ràng hơn.

Trong con mắt của những kẻ bàng quan, Vân Yên như một người không danh không phận trong hoàng gia, ít nhất, với Trắc phúc tấn Lý thị đi theo ngài từ thuở còn thiếu nữ, hưởng vinh sủng hơn nửa đời người khi còn son trẻ, hiện giờ là Tề phi bằng mặt mà không bằng lòng, nàng ta cũng cảm thấy dễ chịu hơn. Có lẽ, còn có cả Tống thị.

Trận tuyết ngày giao thừa năm Ung Chính đầu tiên bỗng lớn lạ thường, cả Tử Cấm Thành như khoác trên người tấm áo lông màu trắng dày sụ, đẹp đẽ và thư thái.

Một mình Ung Chính đứng trong noãn các phía đông điện Dưỡng Tâm nhìn ra bên ngoài, lặng yên ngắm nhìn Tử Cấm Thành kiêu ngạo hùng vĩ trong ngày đông lạnh lẽo, thế giới cô quạnh đều là tuyết.

Vân Yên đi tới nhẹ nhàng khoác cho ngài chiếc áo chồn tía, ngài ôm nàng vào trong lòng, hai người cùng ngắm giang sơn ngoài cửa sổ.

Núi sông vô tận, còn người, trọn đời có tình.

Cuối cùng trong cung cũng có không khí vui mừng, Ung Chính nhận nuôi ba cô con gái, là con gái của phế thái tử Dận Nhưng, Hoàng thập tứ đệ Di Thân Vương Doãn Tường và Hoàng Thập Lục đệ Trang Thân Vương Doãn Lộc, trong hậu cung rốt cuộc có tiếng cười đùa của tiểu cách cách, Hoàng hậu Na Lạp thị cũng vui mừng khôn xiết, nhưng con cái trong cung Dực Khôn của Quý phi Niên thị vẫn chết yểu, tình hình sức khỏe nàng ta cũng không khả quan, may mắn có Lục Thập A Ca Phúc Huệ an ủi đôi phần. Dưới gối các vị chủ tử các cung đều có con cái, cuộc sống trôi qua bình yên.

Hai huynh đệ Hoằng Lịch và Hoằng Trú thỉnh thoảng được Ung Chính triệu đến thư phòng phỏ phía bắc cách noãn các phía đông điện Dưỡng Tâm hỏi han kiểm tra chuyện học hành. Có lẽ do bẩm sinh, cũng có lẽ do đi theo Khang Hi, nên Hoằng Lịch trưởng thành hơn nhiều so với Hoằng Trú, Ung Chính càng thêm dốc lòng dạy dỗ cậu, số lần gọi cậu đến một mình cũng không hề ít, đôi khi còn nghiêm khắc hơn so với bình thường. Người mà các a ca ngưỡng mộ nhất là bát a ca tiểu Lục Thập, chỉ cần nhìn thấy tiểu Lục Thập bốn tuổi béo mũm mĩm, gương mặt lạnh lùng nghiêm nghị của Ung Chính đều tan chảy hết.

Thỉnh thoảng Vân Yên bưng trà, hoa quả vào đưa cho cha con họ, Hoằng Lịch vẫn ngoan ngoãn như hồi bé khi nhìn thấy Vân Yên, không hề ỷ mình là hoàng a ca mà kiêu ngạo.

Thời gian thấm thoắt như thoi đưa, đầu năm Ung Chính thứ hai, trận chiến Thanh Hải đến giai đoạn cuối cùng, nhưng quốc khố trống rỗng, không thể cung cấp thêm tiền, mối nguy cận kề sớm tối. Phủ Viễn đại tướng quân Niên Canh Nghiêu dâng sớ nói Ung Chính yên tâm, không những y tự nghĩ cách giải quyết vấn đề lương bổng, mà còn bình tĩnh quyết đoán hạ lệnh cho các tướng tá “Chia đường thâm nhập, lật đổ sào huyệt” của địch ngay trong trận chiến quyết định cuối cùng. Binh mã mỗi ngả đội gió đạp tuyết, ngày đêm không nghỉ xông lên phía trước, đại quân mạnh mẽ càn quét quân địch, tung hoành nghìn dặm, với thế thắng như chẻ tre, đội quân tây chinh toàn thắng rực rỡ.

Khi tin tức thắng lợi truyền đến kinh thành, qua Tử Cấm Thành, vào điện Dưỡng Tâm, tất cả mọi người mong chờ tin thắng lợi này đều sôi trào! Xôn xao về người đàn ông truyền kỳ tên Niên Canh Nghiêu!

Từ đó, uy danh “Niên đại tướng quân” của Niên Canh Nghiêu cũng vang dội khắp biên thùy phía tây. Em gái là sủng phi, anh trai là trọng thần, cái tên Niên Canh Nghiêu lúc này tỏa sáng rực rỡ, chấn động triều đình.

Đại thần lập công trong trận chiến bình định Thanh Hải, Ung Chính vui mừng ra mặt. Vân Yên cùng ngài đến điện Dưỡng Tâm chúc mừng thắng lợi, nàng cũng vô tình đọc được nội dung tấu chương gửi qua lại giữa Niên Canh Nghiêu và ngài, trong ngài có một phần tính cách trẻ con như vậy, yêu ghét ân oán rõ ràng, nàng luôn hiểu, đã ngột ngạt quá lâu, nàng không thể không để ngài giải tỏa, tuy rằng đúng là lời lẽ rất sến súa.

Ung Chính viết vào tấu chương của Niên Canh Nghiêu rằng: “Không chỉ lòng trẫm vui mừng khôn nguôi, mà con cháu đời đời của trẫm và thần dân đất nước này đều cùng chung niềm vui. Nếu có kẻ quên ơn, thì ấy không phải con cháu của trẫm; nếu có kẻ hai lòng, thì ấy không phải triều thần con dân của trẫm. Nếu trẫm không phải là hoàng đế mẫu mực, thì không thể đền đáp xứng đáng cho khanh; nếu khanh không phải là đại thần xuất sắc, thì không thể đáp lại sự tri ân ta dành cho khanh. Ta nguyện cùng khanh làm tấm gương để người muôn đời noi theo.”

Ung Chính không chỉ nói, mà còn ban thưởng đặc biệt rất nhiều. Lúc trước, vì có công lớn trong bình định Tây Tạng và bình định loạn Quách La Khắc, Niên Canh Nghiêu đã được thụ phong là tam đẳng công và nhị đẳng công (7), đồng thời cả nhà được nhập vào kỳ Tương Hoàng. Lần này nhờ bình định chiến sự Thanh Hải mà được thăng lên làm nhất đẳng công. Ngoài ra, còn ban thưởng tử tước do con trai Niên Bân kế thừa, phụ thân Niên Hà Linh được phong là nhất đẳng công, thêm hàm thái phó. Tin vui đến với trên dưới Niên gia nhiều tới tấp không ai sánh bằng, chỉ thiếu không trực tiếp thăng Quý phi Niên thị lên Hoàng quý phi.

Thật ra Ung Chính vẫn coi như vừa lòng Quý phi Niên thị, Vân Yên cũng hiểu, Niên thị trong phủ cũ mười năm, một lòng tận tụy hầu hạ ngài, hiền thục kính trọng, sinh con dưỡng cái, thêm nữa nhị ca Niên Canh Nghiêu dốc sức phục vụ trước và sau khi ngài đăng cơ, bình định ngoại bang ổn định đất nước, người có lòng dạ như vậy sao ngài lại không thích cho được?

Nếu như không có sự tồn tại của nàng, khi còn trẻ Ung Chính sẽ thích Lý thị, trung niên sẽ thích Niên thị, về già không biết sẽ thích vị mỹ nữa nào. Lý lẽ này rất đơn giản, không hề phức tạp, thỉnh thoảng nghĩ tới mà lòng nàng đau xót, thậm chí còn chơi xấu ngài, trêu chọc ngài, nhưng sau đó lại cảm thấy mình thật trẻ con.

Tất cả mọi chuyện đều không cần phải nói ra thành lời, nói rồi cũng không có ý nghĩa gì, tình cảm của ngài với nàng, nàng hiểu rõ là được. Đời người như vậy, biết đủ là vui. Những chuyện trên triều nàng cũng chưa từng hỏi nhiều, chỉ quan tâm nhiều hơn đến bữa ăn giấc ngủ của ngài, cơ thể ngài dần khỏe hơn, tinh thần cũng tốt hơn.

Khi rảnh rỗi Ung Chính sẽ dẫn Vân Yên đếên các nơi trong điện Dưỡng Tâm để đề hoành phi, chính sảnh tiền điện treo bốn chữ “Trung Chính Nhân Hòa”, noãn các phía tây nơi xử lý chính sự và hội họp bí mật thì tự tay đề “Cần Chính Thân Hiền”, ngay cả cánh cửa nhỏ của hai lối đi tiền sảnh cũng ghi “Điềm Triệt” và “An Đôn”. Hỏi Vân Yên có đẹp không, nàng đều cười đáp đẹp.

Lúc này, Ung Chính mới cởi bỏ gánh nặng tiền tuyến phía tây trên vai xuống, quốc khố cũng dần dần được giải quyết, ngài bắt đầu mở rộng cải cách bài trừ hủ bại “Hao tiễn quy công” mà tuần phủ Sơn Tây Nặc Mân đưa ra, khởi công xây dựng thủy lợi các nơi, tập trung phát triển nông nghiệp, dốc lòng dốc sức trong việc chính sự bộn bề.

Mỗi đêm ngài đều phê chuẩn tấu chương bên Vân Yên, điện Dưỡng Tâm được xây dựng đông ấm hạ mát giúp người ở dễ chịu. Vân Yên tỉnh giấc, nằm bên cạnh khẽ khàng quạt cho ngài, mỗi lần phê xong một tấu chương, ngài đều có thói quen nhìn nàng, hai người nhìn nhau chăm chú rồi mỉm cười. Thỉnh thoảng, Vân Yên lại ngủ thiếp đi lúc nào không hay, nhưng vẫn cầm cây quạt trong tay, đặt nó trước người, nhìn vô cùng đáng yêu. Ngài thấy vậy bèn lấy cây quạt xuống, nhẹ tay nhẹ chân đắp lại chăn cho nàng, sau đó tiếp tục quay lại với đống tấu chương.

Chính sự dần dần đi vào quỹ đạo, sức khỏe của ngài cũng ngày càng tốt hơn, tinh thần rất hăng hái, nàng không biết tại sao người đàn ông hơn bốn mươi tuổi lại có thể dẻo dai như vậy. Vậy mà khi thấy một sợi tóc bạc trên đầu ngài, nàng lại đau lòng khi chàng về tuổi già, ảo giác ấy từ đâu ra?

Mùa thu năm Ung Chính thứ hai, Niên Canh Nghiêu, “Phủ Viễn Đại Tướng Quân”, “Nhất đẳng công” uy danh bốn bể, về đến kinh.

- HẾT CHƯƠNG 191 -

(7) Có 9 bậc quý tộc được ban thưởng tuỳ theo lòng dũng cảm, thành tích hoặc sự xuất chúng. Trừ hai bậc cuối cùng, tất cả các bậc còn lại đều được chia thành nhiều cấp khác nhau.

• Dân công thường được gọi tắt là Công. Tước "Công" được ban cho dân thường, còn tước "Quốc công" chỉ dành cho thành viên hoàng tộc.

• Hầu 

• Bá 

• Tử 

• Nam 

• Khinh xa đô uý 

Các tước trên chia thành 4 đẳng: Nhất đẳng kiêm "Vân kị úy"; Nhất đẳng; Nhị đẳng và Tam đẳng.

• Kị đô uý 

• Vân kị uý 

• Ân kị uý thường không ban thưởng bởi công lao mà được ban cho con trai thừa kế của Vân kị úy khi Vân kị úy qua đời. (Theo vi-wikipedia)

(8) “Hao tiễn quy công”, hay còn gọi là “hỏa hao quy công”, là một trong những biện pháp quan trọng của triều Ung Chính thời Thanh nhằm nâng cao sự liêm khiết. Khi quan địa phương trưng thu tiền thuế sẽ lấy lý do là hao hụt khi vận chuyển để thu thêm tiền của dân, vì vậy số tiền hao hụt rất lớn, nên gọi là “hỏa hao”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.