Phán Quan

Chương 88



Bên A Tề  thế mà lại hơi do dự rồi nghiêm túc bảo: “Cậu ta thì thôi. Một kẻ đã bị gạch tên khỏi danh phả, còn cắt đứt quan hệ với nhà chúng ta thì gọi tới làm gì?”

Mặc dù hắn không nhắc tới tên Tạ Vấn nhưng hình dung như vậy đủ để Trương Chính Sơ bên cạnh hiểu hắn đang nhắc tới ai. Đã nhiều năm trôi qua, ông gần như vẫn nhớ như in chuyện Trương Uyển cắt đứt quan hệ với gia đình bèn lập tức lạnh nhạt nói: “Cho dù là chuyện của nhà họ Trương hay chuyện về phán quan thì đều không liên quan đến nó, gọi nó tới làm gì!”

Sau đó là tiếng gậy ba-toong gõ ‘cạch’ xuống đất.

Trương Lam: “….”

Cô lặng lẽ bịt loa điện thoại, lo sợ chính chủ Tạ Vấn nghe thấy mấy lời vừa rồi.

Bất kể là chuyện nhà họ Trương hay chuyện về phán quan đều không liên quan tới nó….

Má ơi.

Nếu nhắc tới phán quan thì người ta là tổ sư gia đấy.

Còn nếu bàn về họ Trương thì nhà ta chiếm công đầu trong việc phong ấn người ta kìa.

Có cái nào không liên quan đến ngài ấy đâu….

Trương Lam càng nghĩ càng thấy ông nội nhà mình đang châm ngòi nổ. Mặc dù sau khi cô và Trương Nhã Lâm trưởng thành đều rất sợ Trương Chính Sơ và không gần gũi với ông lắm nhưng cô cũng không thể trơ mắt nhìn ông cụ chọc phải mối phiền phức lớn.

Cô nghĩ về khoảng thời gian trước khi tới Thiên Tân, Chu Húc từng nhìn phòng ốc ở nhà chính họ Trương lẩm bẩm rằng “Cái nhà này sao trông như sắp sập thế.”

Lúc ấy cô và Trương Nhã Lâm chỉ nghĩ thằng nhóc xui xẻo miệng quạ đen này nói bậy bạ, không phải chuyện gì to tát. Hiện giờ biết được Chu Húc là ai chỉ khiến cô cảm thấy hãi hùng khiếp vía mà thôi.

Cô liếm bờ môi khô khốc sau đó buông tay che loa điện thoại, mập mờ nói: “Ừm tôi biết rồi, để xem đã.”

A Tề khó hiểu: “Xem đã là sao? Vừa mới nói rồi đó thôi, nhất định phải….”

Trương Lam dứt khoát tắt điện thoại.

***

Khu nhà tổ của họ Trương lúc này đèn đuốc sáng trưng từ đầu đến cuối.

A Tề cầm điện thoại ngây ngốc một lát mới quay đầu nói với Trương Chính Sơ: “A Lam bảo cô ấy biết rồi.”

“Ừm…” Trương Chính Sơ siết chặt gậy chống, ngón tay mở ra khép vào giống như đang gõ nhịp chầm chậm trên đầu gậy. Đây là động tác thường xuyên xuất hiện khi ông suy nghĩ, A Tề vừa nhìn là biết cho nên cụp mắt ngoan ngoãn đứng bên cạnh, không lên tiếng quấy rầy nữa.

Các thế hệ luôn ảnh hưởng tới nhau, lớp người trẻ thường sẽ học theo một vài thói quen động tác của thế hệ trước, nhất là về mặt tạo dựng hình tượng uy nghiêm.

Động tác gõ nhịp lúc trầm tư suy nghĩ này tựa như một loại dấu hiệu chứng tỏ địa vị chủ gia tộc, khi trẻ Trương Chính Sơ không có thói quen ấy, sau này lên làm gia chủ mới chậm rãi học theo các bậc cha chú.

Chỉ cần trông thấy động tác này thì tất cả thế hệ sau bao gồm A Tề phục vụ bao đời người đều sẽ tự giác đứng ngay ngắn, im lặng không lên tiếng.

Từng có một lời đồn lưu truyền âm thầm rằng A Tề đã tồn tại quá lâu, thậm chí có thể coi là bề trên đối với các đời gia chủ của nhà họ Trương sau này.

Vì để áp chế con rối khiến nó có cảm giác “chưa bao giờ đổi chủ” mà mỗi một đời gia chủ đều cố ý học theo vài động tác nhỏ của lão tổ tông nhà họ Trương, sau đó truyền từ đời này sang đời khác.

Về sau lời đồn này đã lọt vào tai A Tề.

Hắn nghe xong thì “À” một tiếng, nói chuyện làm việc không có bất kỳ thay đổi nào, lời đồn đãi đó mới coi như chấm dứt.

Khi Trương Chính Sơ trầm ngâm suy nghĩ, mấy người trẻ tuổi khác trong phòng cúi đầu đứng thành một hàng không dám thở mạnh.

Chẳng phải ai khác mà chính là bọn Đại Đông.

Do là người đầu tiên trông thấy sự thay đổi trên danh phả nên đây là lần đầu bọn họ được mời tới viện tử mà Trương Chính Sơ sống, cũng là lần đầu được diện kiến vị gia chủ này.

Ấn tượng ban đầu chính là….ông ta thật sự già quá rồi.

Trương Lam và Trương Nhã Lâm đã ba mươi tuổi đầu, Trương Chính Sơ là ông nội của họ nên tuổi tác cũng gần chín mươi. Nếu ở gia đình bình thường thì chính là sống thọ, già yếu một chút là chuyện vô cùng dể hiểu.

Nhưng ông ấy là phán quan.

Phán quan thanh lọc chướng khí hóa giải oán sát, không giải được thì gánh trên lưng, giải được thì nhận về tu vi và phúc lành. Cho nên nhóm người này thường xuất hiện người trên trăm tuổi, tám mươi chín mươi thì lại càng khỏe mạnh minh mẫn.

Già yếu như Trương Chính Sơ thực sự hiếm thấy.

Đối với bọn Đại Đông thì dáng vẻ này của Trương Chính Sơ đúng là chứng thực cho một vài lời đồn.

Đồn rằng năm đó nhà họ Trương lập công lớn trong sự kiện phong ấn Trần Bất Đáo, mặc dù không biến mất khỏi thế gian như mấy vị đệ tử ruột kia nhưng cũng chịu không ít khổ. Có thể nói là kẻ thảm nhất trong số những người còn sống.

Mặc dù động cơ của việc phong ấn là tốt nhưng vẫn không thể thoát khỏi tội danh “khi sư diệt tổ”.

Ai cũng nói cụ tổ nhà họ Trương vì đại nghĩa mà gánh vác hết mọi chuyện cho nên mỗi đời gia chủ nhà họ Trương sau này đều như đang nhận sự nguyền rủa của tổ sư gia, tuổi thọ thường không dài, lão hóa rất nhanh.

Vì để cân bằng điều ấy mà nhà họ Trương thu nhận đệ tử khắp nơi, sinh con đẻ cái. Ấn định chỉ cần lớp trẻ đủ 35 tuổi thì sẽ tiếp nhận vị trí gia chủ, đời trước chưa từng quyến luyến quyền lực, không trì hoãn thêm một ngày nào, từ đời này sang đời khác mới có quy mô phồn vinh thịnh vượng như ngày hôm nay.

Mà những nhà khác vẫn luôn cảm động hành động vì đại nghĩa của cụ tổ nhà họ Trương nên bằng lòng để bọn họ đứng đầu. Cứ nhường mãi rồi cũng có chỗ thua kém.

Đây là cách lý giải phổ biến nhất vì sao nhà họ Trương lại nắm giữ quyền lực sau sự kiện phong ấn.

Bọn Đại Đông đã từng được nghe từ tấm bé.

Rốt cục sự thật như thế nào thì khó nói nhưng hôm nay nhìn thấy Trương Chính Sơ, bọn họ ít nhiều cũng xác định được chuyện “nhanh già” là có thật. Thậm chí họ còn nghi ngờ ông cụ không gắng gượng được tới khi Trương Nhã Lâm 35 tuổi, không chừng sẽ phải nhường ngôi sớm ấy chứ.

Da thịt trên mặt Trương Chính Sơ nhăn nhúm, vì khóe miệng chùng xuống mà khi yên lặng càng lộ rõ vẻ uy nghiêm.

Ngón tay ông gõ nhịp một hồi rồi nói: “Cho nên mấy cậu đều nghe thấy A Lam bảo ‘sống lại rồi’ phải không?”

Bọn Đại Đông do dự gật nhẹ đầu sau đó bổ sung thêm: “Chúng cháu thấy sự biến đổi trên danh phả bèn gọi cho chị Lam, chị ấy nghe chúng cháu kể xong thì nói câu này.”

Trương Chính Sơ chỉ lắng nghe chứ không hề gật đầu.

Ông ta hiếm khi thể hiện suy nghĩ của bản thân trên nét mặt, thế nên ngay cả những động tác đơn giản như gật đầu hay lắc đầu cũng không thèm làm trước mặt đám tiểu bối xa lạ này.

Ông ta lại hỏi: “Mấy cậu gọi bao nhiêu cuộc cho nó.”

“Chắc vài lần ạ, mấy lần trước không gọi được, lần cuối cùng thì bắt máy.” Đại Đông nói.

“Gọi liên tục à?” Trương Chính Sơ lại hỏi.

“Vâng.”

Trương Chính Sơ vẫn nắm gậy chống gõ nhịp, một lúc lâu sau mới hất cằm về phía bọn Đại Đông.

Không cần ông phải mở miệng, A Tề lập tức đi tới nói với bọn Đại Đông: “Ông cụ hỏi xong rồi. Khu nhà trước có bác gái đang nấu cháo bột, mọi người có thể sang bên đó nghỉ ngơi một lát, đêm nay ở lại nhà chính đi, những nhà khác đều đang trên đường tới đây rồi.”

Bọn Đại Đông nghe vậy bèn vội vã chạy trối chết.

Cửa vừa khép lại, Trương Chính Sơ bèn nói với A Tề: “Gọi liên tiếp mấy cuộc điện thoại cũng không được, khi ấy chắc A Lam đang ở trong một cái lồng nào đó. Lần cuối cùng bắt máy là vì đã thoát khỏi lồng.”

A Tề gật nhẹ đầu.

“Cho nên khoảnh khắc nó thoát khỏi lồng cũng là lúc lão tổ Bốc Ninh sống lại.” Trương Chính Sơ nói.

A Tề dù sao cũng là một con rối, còn là một con rối cực kỳ rập khuôn, đầu óc chậm chạp. Hắn sửng sốt một chút rồi gật đầu nói: “Đúng vậy.”

Trương Chính Sơ nắm chặt gậy chống, đầu gậy còn lại nghiến nhẹ vài vòng trên mặt đất.

Nghiến vài lần, ông mới trầm giọng mở miệng: “Trên đời có chuyện trùng hợp như vậy ư?”

A Tề: “Chắc là có.”

Trương Chính Sơ lại nói: “Tôi không tin.”

A Tề hơi ngập ngừng: “Vậy ý của ngài là….”

Trương Chính Sơ: “Chuyện Bốc Ninh sống lại có lẽ liên quan đến chiếc lồng mà nó đã vào. Trước khi nghe điện thoại nó đã biết rồi, thậm chí còn nhìn thấy tận mắt.”

Ông ta nghĩ ngợi rồi chống gậy bước chậm rãi tới bên tường. Nơi đó cũng treo một tấm danh phả.

Hầu như nhà nào cũng đều có một bản danh phả phán quan, nó xuất hiện ở đây cũng chẳng phải chuyện hiếm lạ gì. Nhưng bức của ông ta có hơi khác so với người khác.

Bức tranh cũ kỹ hơn một chút, phần rìa bị hư hại khá nhiều, nó giống như phiên bản đầu tiên được truyền từ đời này sang đời khác hơn một nghìn năm.

Trương Chính Sơ nhìn cái tên Bốc Ninh trên bức danh phả: “Con nhóc A Lam kia biết rõ, thậm chí trông thấy Bốc Ninh sống lại, nhưng vừa nãy nghe máy lại không nói gì, còn úp úp mở mở là vì sao?”

A Tề nghiêm túc suy nghĩ một hồi sau đó thành thật nói: “Không biết, tôi hơi đần độn.”

“Cậu không đần, không hề đần.” Trương Chính Sơ phất tay mà không hề quay đầu, “Tôi nghĩ có lẽ con bé đã gặp phải tình huống khó giải quyết không biết nên ứng phó ra sao, chắc là liên quan tới việc Bốc Ninh sống lại. Con bé luôn rất kiêu ngạo, cho dù thật sự gặp rắc rối thì cũng sẽ không mở miệng. Không moi được bất cứ điều gì từ miệng nó đâu.”

A Tề chỉ có thể đáp lại rằng: “Đúng vậy.”

Trương Chính Sơ hỏi: “Cậu bảo còn ai vào lồng cùng A Lam nữa?”

A Tề đếm ngón tay: “Trước khi rời nhà Nhã Lâm đã đến báo cáo với ngài, chắc cậu ấy cũng có mặt. Bọn họ đi tìm hai đệ tử nhà họ Thẩm để thử thực lực của họ cho nên hai đệ tử nhà họ Thẩm cũng có thể có mặt….à, còn cả tiểu Húc nữa.”

“Bản tính Nhã Lâm kiêu ngạo giống y hệt chị nó. A Lam còn thẳng thắn hơn nó một chút, một đứa cứng miệng không khai, hai đứa thì cũng vậy.” Trương Chính Sơ nhỏ giọng bảo: “Còn hai đệ tử nhà họ Thẩm…”

Ông trầm ngâm không nói gì thêm.

Mãi lâu sau mới mở miệng: “Muộn một chút thì cậu gọi cho Chu Húc, nếu đêm nay chúng nó không về thì cũng phải tìm chỗ nghỉ chân một đêm. Đợi khi Chu Húc không ở cùng phòng với A Lam và Nhã Lâm thì gọi điện thoại cho nó, đầu óc nó đơn giản, nói chuyện cũng không biết giấu diếm, cứ hỏi nó để thăm dò tình hình trước đã.”

A Tề gật nhẹ đầu: “Vâng.”

***

Trương Lam không hề biết Trương Chính Sơ đang suy nghĩ gì, sau khi trưởng thành cô càng chẳng thể hiểu rõ được ý nghĩ của ông nội mình.

Dù sao cô cũng quyết định ở tạm đây một đêm để kéo dài thời gian. Ngày mai bất kể thế nào cũng phải nghĩ cách chạy trốn cùng Trương Nhã Lâm.

Trước mắt cô sẽ không xen vào chuyện các nhà bàn bạc cái gì và bàn bạc ra sao. Đằng nào cô cũng sẽ không đưa bất kỳ vị tổ tông nào về nhà, kể cả Chu Húc.

Trừ khi cô bị điên.

Cho nên khi Tạ Vấn và Văn Thời nhìn sang, cô cất điện thoại hờ hững nói: “Nhà chính vẫn luôn tồn tại một quy tắc, tôi và Nhã Lâm không thể cùng lúc rời đi quá lâu, thế nên họ đang thúc giục chúng tôi ngày mai phải về Ninh Châu.”

Khi nhắc tới câu “ngày mai phải về”, cô không nhịn được quan sát phản ứng của Tạ Vấn thêm vài lần.

Tạ Vấn không giống như Trương Chính Sơ, anh ta sẽ không tỏ ra uy nghiêm. Mỗi khi nghe chuyện gì cũng đều gật đầu biểu thị đã biết.

Nhưng cũng chỉ thế mà thôi.

Bởi vì anh thường đổi chủ đề ngay một giây sau giống như chẳng có chuyện gì có thể khiến anh bận tâm, nghe thì cứ nghe thôi.

Đúng như dự đoán, Tạ Vấn gật đầu xong thì vỗ vai Văn Thời, hai người sóng vai đi theo Lục Hiếu về thôn: “Quay về trước đã.”

***

Trong nhà hiếm khi đông vui rộn ràng, hai vợ chồng Lục Hiếu bận bịu chuẩn bị một bàn ăn thịnh soạn.

Tiếc là lão Mao vẫn chết ngất, chẳng biết khát vọng muốn sống giảm sút do bị kích thích hay thế nào mà sau khi được khiêng lên ghế sô pha thì không thấy bước xuống nữa, đương nhiên chẳng bò được lên bàn ăn.

Hai chị em nhà họ Trương bị một đám cụ tổ vây quanh, trong lòng lại giấu tâm sự nên thấy nhạt mồm nhạt miệng.

Bọn họ không muốn ăn nhưng lại không dám không ăn nên chỉ có thể ráng nuốt, cả bữa cơm nhạt thếch, chỉ mong đêm nay trôi qua thật nhanh.

Chu Húc thì lại ăn uống ngon lành.

Sau khi thoát khỏi lồng, thể chất của Chu Húc rất dễ mắc bệnh, mặc dù lúc này lại có dấu hiệu bị cảm, giọng mũi nghèn nghẹn, nhưng vẫn không ngăn nổi sự hào hứng mà nén xuống cơn đau bệnh của bản thân.

Tuy nhiên nó cũng ăn không xong….

Bởi vì lắm chuyện.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.