Thời gian vốn đã trôi rất nhanh, mà thời gian trôi qua trong yên bình và mơ hồ thì lại càng nhanh hơn.
Thoáng cái đã qua thêm mấy năm.
Trần Dương đến đảo này thoáng cái đã gần năm năm, hiện giờ ngoại trừ còn chưa làm nghi lễ thì cái tên A Lạc đã trở thành một phần không thể thiếu của bộ lạc.
Trần Dương cho đến hai năm trước thì sức khoẻ dần hồi phục ổn định, tuy không thể đánh cá ngoài khơi nhưng đã có thể cùng với các cô gái trong làng đi hái rau, hái nấm.
Mà đối với hết thảy chuyện này, Trần Dương chỉ làm theo bản năng, nhờ đám cô nương trong làng lôi kéo rồi dạy cho mà thôi.
Mà trong thời gian này, Khắc Nhu cũng từng thử qua dạy chữ cho Trần Dương, thế nhưng hắn cùng lắm chỉ vẽ được nguệch ngoạc vài nét không ra hồn thì không biết thứ gì khác. Bởi vậy cho nên nàng cuối cùng cũng buông tha cho chuyện này.
Ngày hôm nay là một ngày trọng đại của bộ lạc.
Mội một người đều đã tắm rửa sạch sẽ, mặc lên người những trang phục mà họ cho là quý giá nhất, đẹp đẽ nhất. Những người đàn ông thì dùng một loại bột đá được mài nhuyễn kết hợp với nước suối thiêng tạo thành một chất lỏng hơi sệt sệt, sau đó vẽ lên mặt những hoa văn kỳ lạ.
Những hoa văn này, theo tâm linh của bộ lạc có ý nghĩa là mang lại sức mạnh và sự thông thái đến cho họ.
Còn những người phụ nữ cũng đeo lên cổ những vỏ sò, vỏ ốc được nối lại bằng một loại dây được bện từ vỏ cây. Những thứ này bình thường họ đều không dám mang ra. Chỉ chờ có những dịp trọng đại như thế này mới là cơ hội để thể hiện mình.
Bởi vậy cho nên, cả bộ lạc lúc này ngập tràn trong không khí lễ hội.
Mà ngày hôm nay, chính là nghi lễ trưởng thành được tổ chức dành cho những lớp trẻ mới lớn trong bộ lạc.
Những trẻ em khi chưa qua nghi lễ này, thì chưa được coi là thành viên chính thức của bộ lạc được thần linh công nhận, mà phải trải qua nghi lễ thần thánh này mới được xem là người của bộ lạc.
Trong cái không khí nô nức ấy, ở một căn phòng đá đơn sơ tối giản, có một người con gái đang cầm một chén bột màu tô vẽ lên mặt một thanh niên những hoa văn nổi bật.
Người con gái này chính là Khắc Nhu đang vẽ những hoa văn cầu sức mạnh và sự thông thái đến với Trần Dương.
Lúc này, Trần Dương ngồi trên cái giường đá, ánh mắt thẫn thờ nhìn vô định, còn Khắc Nhu thì bàn tay cực kỳ cẩn thận chấm từng nét vẽ lên mặt Trần Dương. Ánh mắt của nàng vô cùng chuyên tâm, chăm chú.
Đối với người của bộ lạc này, những nét vẽ này cũng là những thứ cần phải học tập cẩn thận. Theo họ, đây là những ký hiệu của thần linh ban cho họ, cho nên cần phải trân trọng và nhớ kỹ.
Mà thông thường, nếu những người chưa lập gia đình đều phải tự mình vẽ cho mình những ký hiệu thần thánh này. Chỉ trừ khi là cưới nhau rồi thì người vợ mới được phép vẽ lên cho chồng mình.
Mà bởi vì thân phận đặc biệt của Trần Dương, không thể tự vẽ cho mình, cho nên Khắc Nhu mới xung phong đảm nhận việc này.
Lúc nói ra chuyện này, Áo Khắc La cũng lắc đầu từ chối, nhưng sau đó Khắc Nhu cẩn thận phân tích rồi thêm nũng nịu cầu xin, cuối cùng cũng được sự đồng ý của lão.
Nhìn từng nét vẽ của mình trên gương mặt của A Lạc, Khắc Nhu vô cùng hài lòng, mỉm cười khen:
- A Lạc, ngươi hạnh phúc lắm đó nha. Chưa có ai từng được tự tay ta vẽ đâu đấy nhé. Ừm.. Hi vọng ngươi được ta vẽ như thế này, hôm nay sẽ có người nhìn trúng, sau này chăm sóc cho ngươi. Còn ta, sau ngày hôm nay, có lẽ không còn vẽ được cho ngươi nữa...
Nói tới đây, trong lòng ngực Khắc Nhu bỗng dâng lên một cỗ khó chịu, khoé mắt có chút cay cay. Loại cảm giác này, cách đây mấy năm đã bắt đầu xuất hiện, thỉnh thoảng lại làm cho nàng không thể khống chế nổi, nhất là khi nghĩ đến cảnh Bối Ca bắt được Kim Bạch Ngư vui mừng trở về.
Chính Khắc Nhu cũng không hiểu, cảm giác đó là thứ gì.
Đáng lẽ, một cô gái được người đàn ông mạnh mẽ tài giỏi mang Kim Bạch Ngư trở về thì sẽ vui mừng và hưng phấn mới đúng, nhưng chính Khắc Nhu cũng không hiểu tại sao nàng lại cảm thấy khó chịu như vậy.
- A Lạc đi thôi, ngươi đi đi, ta phải qua bên kia cùng đi với những người khác.
Khắc Nhu kéo tay Trần Dương ra ngoài, sau đó liền có một người chờ sẵn bước đến nắm tay Trần Dương dẫn đi.
Bởi vì hang thiêng nằm ở giữa hòn đảo, cách nơi bộ lạc ở lại một đoạn đường xa.
Đoạn đường này men theo dòng suối thiêng mà đi lên chừng mấy dặm nữa mới đến lối vào hang thiêng.
Bởi vì hôm nay là ngày trọng đại, cho nên cả bộ lạc già trẻ lớn bé tập hợp thành một đoàn cùng nhau đi đến hang Thiêng để làm lễ.
Ngoài ăn mặc đẹp, tất cả còn chuẩn bị các lễ vật cúng tế khác, tượng trưng cho thực phẩm và vật dụng hàng ngày mà họ cho là trân quý nhất để dâng lên thần linh.
Bên trong hang thiêng có đặt các ngọn đuốc sáng chói.
Những ngọn đuốc này là do bộ lạc cố tình đặt tại nơi đây để chiếu sáng, đối với họ, lửa chính là thứ quý giá và thiêng liêng. Dùng lửa để soi sáng cho hang thiêng thì không gì hợp lý bằng.
Đoàn người của bộ lạc đi hơn một canh giờ rốt cục cũng đến trước hang thiêng.
Để cử hành nghi lễ, chỉ có Áo Khắc La cùng với những thiếu niên sắp được làm lễ và Trần Dương là được đi vào.
Những người còn lại thì ở bên ngoài, tại trên một bãi cỏ bắt đầu cắm trại, nhảy múa một vũ điệu thiêng liêng để kêu gọi sự phù hộ của thần linh.
Áo Khắc La dẫn theo mười hai thiếu niên cùng với Trần Dương đi vào bên trong hang động.
Đoạn đường trong hang không dài, đám người dưới dự dẫn dắt của Áo Khắc La thì chỉ trong chốc lát đã đến nơi.
Nơi này có bày một khối đá được gọt đẽo theo hình khối, bên trên để một quyển sách màu đen, hai bên là hai bó đuốc rực sáng bừng bừng.
Bên cạnh là một dòng suối nhỏ chảy từ vách đá thông ra bên ngoài.
Đây chính là những gì thiêng liêng nhất của bộ lạc này.
Đối với một bộ lạc hoang dã tách biệt với thế giới bên ngoài như bọn họ mà nói thì đây đã là những gì trang trọng nhất rồi.
Sau khi dẫn tất cả đến nơi này, tất cả bọn họ đều lấy tay đặt lên ngực rồi thành kính quỳ xuống, Trần Dương cũng được Áo Khắc La kéo quỳ xuống nhưng không có đặt tay như những người kia, ánh mắt ngơ ngác nhìn ngọn đuốc đang rực cháy đến thất thần.
Áo Khắc La lúc bấy giờ mới đi đến trước quyển sách đen nọ, quỳ xuống rồi lầm rầm khấn vái gì đó, liên tục một canh giờ mới xong.
Tiếp theo, lão bắt đầu một loại nghi thức cổ quái, cầm một loại hạt không biết tên vung lên đầu những người đang quỳ làm lễ, rồi đi đến bên dòng nước suối, lầm rầm khấn vái gì đó rồi vốc một bụm nước đến tung lên người những thiếu niên đang hết sức thành kính quỳ nơi đó.
Nghi thức này lại kéo dài thêm một đoạn thời gian nữa rồi Áo Khắc La mới nhìn lần lượt qua từng người, chậm rãi nói:
- Cầu thần linh chứng giám, đây là những tộc nhân mới của bộ lạc. Xin thần linh ban cho chúng con sức mạnh và sự thông thái...
Áo Khắc La nói xong, liền nói với đám người:
- Hiện tại, các ngươi đi theo ta đến đây. Mỗi người nhìn qua một lần, nếu có cảm thấy bất cứ thứ gì thì lập tức nói với ta, rõ chưa?
- Dạ rõ!
Đám thiếu niên đồng thanh kêu lên.
Áo Khắc La vuốt chòm râu, gật đầu hài lòng, dẫn đầu cầm lấy một cây đuốc đám thiếu niên đi sang bên cạnh.
Sau khi đi tới, Áo Khắc La giơ đuốc lên soi sáng một mặt vách đá.
Lúc này, đám thiếu niên mới nhìn thấy trên vách đá có khắc vô số những dấu vết xiêu vẹo kỳ quái. Những dấu vết này tựa như được người đem vách đá bào mòn cho trơn nhẵn rồi dùng vật nhọn khắc lên vậy.
Ánh mắt tất cả thiếu niên đều nhìn chằm chằm lên vách đá này, mong có thể phát hiện ra chút gì đó.
Mà Trần Dương lúc này, nhờ ánh sáng của cây đuốc thu hút cũng ngơ ngẩn nhìn lên vách đá.
Xuất hiện trong mắt hắn là những dấu vết xiêu vẹo lộn xộn, bao gồm những dấu chấm, dấu gạch và cả những dấu móc ngoéo đan xen vô cùng rối loạn, không theo hàng ngũ mà cũng không theo bất cứ thứ tự nào.
Áo Khắc La chú ý tới từng biểu hiện của mỗi người trong đám thiếu niên này, mỗi người đều hiện ra vẻ chăm chú, nhưng hiển nhiên là không có gì ngạc nhiên hay chứng tỏ là phát hiện điều gì cả.
Áo Khắc La trong lòng hơi mất mát, nhưng cũng không có quá rầu rĩ mà lại im lặng quan sát và chờ đợi. Lúc này, ánh mắt lão trong lúc vô tình liền nhìn tới A Lạc, nhưng khi thấy hắn cũng chỉ giương cặp mắt ngơ ngẩn vô hồn nhìn lên vách đá thì liền lắc đầu, trong lòng khổ sở.
Trong lòng Áo Khắc La không khỏi nhớ lại một chuyện cũ nhiều năm về trước, khi lão cũng bằng tuổi những thiếu niên này, chính lão cũng đứng nơi đây quan sát vách đá, nhưng khi ấy lão không hề có bất cứ khái niệm hay là phát hiện bất cứ điều gì.
Những ký hiệu trên vách đá này vô cùng rối rắm, bản thân Áo Khắc La khi ấy cũng tập trung hết tinh thần và sức lực để quan sát nhưng cuối cùng cũng không hiểu gì mà đi ra.
Mãi cho đến khi lão trở thành người đứng đầu bộ lạc thì mới được biết nguyên do chuyện này.
Thì ra, theo các đời tổ huấn truyền lại, mỗi một người của bộ lạc khi làm lễ trưởng thành thì đều phải đến nhìn vách đá này. Nếu như một ngày nào đó có người phát hiện gì đó trên vách đá, thì cũng là ngày mà thần linh xuất hiện, giúp cho bộ tộc thoát khỏi qua một nạn kiếp lớn xuất hiện trong tương lai.
Thế nhưng, trải qua bao nhiêu đời, chưa từng có ai có lĩnh ngộ gì, đến đời này của Áo Khắc La cũng vậy cho nên lão âm thầm lo lắng. Thần linh chưa có dấu hiệu xuất hiện, nạn kiếp không biết lúc nào ập tới, bảo lão làm sao không lo lắng cho được.
Thế nhưng, có một điều an ủi khác giúp cho Áo Khắc La không quá đau buồn, đó là mỗi người thiếu niên khi nhìn lên vách đá này, tập trung tinh thần thật lớn trong một đoạn thời gian thì sau này thân thể sẽ chuyển biến kỳ diệu, sức lực mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Nhờ vậy, bộ lạc này cho dù bao nhiêu năm vẫn có thể duy trì được cuộc sống yên ổn nơi đảo hoang này.