*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Chúng tôi bắt đầu dùng túi bọc màu trắng bao lấy thi thể, đúng lúc đang vội vã ba chân bốn cẳng thì một trinh sát chạy đến báo cáo: “Một người hàng xóm của bà Tôn phát hiện bị mất chiếc xe ba gác để ngoài nhà. Sáng nay ông ta vừa dậy đã nghe nói nhà bên này gặp chuyện không may, liền chạy tới hóng chuyện. Lúc nãy về nhà, đột nhiên nhớ ra chiếc xe ba gác tối hôm qua đỗ ở ngoài cửa, không khóa lại, giờ đã không cánh mà bay.”
“Chẳng lẽ Kim Bình trộm xe rồi mang con bỏ chạy ư?” Anh Vĩnh hỏi.
“Đương nhiên cũng có thể là không liên quan đến vụ án này.” Điều tra viên nói.
Không tìm được manh mối quan trọng nào khác, tôi và anh Vĩnh lên xe đi đến nhà xác.
Nhà xác huyện Đinh Sơn đang chuẩn bị di dời, nên Cục công an huyện chưa nâng cấp phòng giải phẫu theo quy chuẩn pháp y học, họ định chờ sau khi nhà xác mới hoàn thiện thì tiến hành nâng cấp phòng giải phẫu thi thể. Tôi đi vào nhà xác của huyện, nhìn trái phải một hồi, nói: “Nhà xác này có một sân nhỏ, một gian hỏa táng, một phòng phúng viếng, diện tích rất nhỏ hẹp. Thế bình thường các anh giải phẫu ở đâu?”
“Tiến hành ở lối đi nối giữa gian hỏa táng và phòng phúng viếng.” Bác sỹ Kiều ngượng ngùng nói, “Nhưng sau khi nhà xác mới xây xong sẽ sớm có phòng giải phẫu mới thôi.”
Tôi đi đến lối thông giữa gian hỏa táng và phòng phúng viếng, phát hiện ánh sáng ở đây rất kém, cũng không có cửa sổ, hiệu quả thông khí rất thấp, nói: “Điều kiện thế này thì các anh làm việc kiểu gì? Nếu gặp phải xác chết trương phình chẳng lẽ còn không bị hun chết?”
Bác sỹ Kiều đáp: “Chỗ chúng tôi nước ít, vụ án ít, thi thể cũng không nhiều, xác chết trương phình lại càng hiếm gặp.”
Anh Vĩnh nghe tôi nói vậy, dùng khuỷu tay chọc tôi, nói: “Những chuyện như vậy không nói trước được đâu.”
“Hiếm thấy cũng có thể thấy mà.” Tôi quên mất mình là thằng gở mồm, nói tiếp, “Nếu gặp xác chết trương phình thì các anh phải làm thế nào?”
Bác sỹ Kiều nói: “Bình thường không phải án mạng thì không sợ người ta kéo đến xem, cứ làm ở sân trước. Nếu phải giữ bí mật thì đành phải chịu bị hun trong này thôi, làm bác sỹ pháp y ở địa phương cũng khó lắm!”
Tôi vừa thở dài vừa chậm rãi kéo khóa túi bọc thi thể. Do không có bàn giải phẫu, đặt thi thể lên giường có bánh xe thì cố định không tốt, nên chúng tôi chỉ có thể ngồi xổm trên đất mà tiến hành giải phẫu. Đối với người béo mà nói, đây là chuyện vô cùng khổ cực, rất nhiều bác sỹ pháp y địa phương vì phải ngồi xổm trong thời gian dài mà trĩ cũng phải lòi ra.
Bà cụ Tôn mặc một chiếc áo lót ngắn tay, quần lót tứ giác, thân thể vặn vẹo nằm đó, xem ra trước khi chết đã từng giãy dụa.
“Thi thể cứng ngắc, vết hoen tử thi ở phía dưới thi thể chưa bị dồn ép xuống, toàn thân không thấy vết thương hở.” Tôi vừa nói vừa mạnh tay phá tình trạng cương cứng trên thi thể: “Hai gò má xanh tím, kiểm tra kết mạc có thể thấy nốt xuất huyết, móng tay móng chân xanh tím.”
“Là ngạt thở cơ tính.” Anh Vĩnh nói, tay dùng bông sát trùng cẩn thận lau vùng cổ của nạn nhân, “Hãy nhìn những tổn thương ở vùng cổ, rất có tính đặc thù.”
Nghe anh Vĩnh nói như vậy, tôi quay đầu đến gần để nhìn kỹ tổn thương ở vùng họng của nạn nhân. Tổn thương chủ yếu là những vết trầy xước da, kèm theo một số vết thương hình trăng khuyết. Tôi lại lấy cồn sát trùng tỉ mỉ lau phần da quanh miệng mũi nạn nhân, cùng có thể thấy mấy vết hình trăng khuyết: “Niêm mạc môi miệng có tổn thương xuất huyết, xem ra là hung thủ bóp cổ nạn nhân đồng thời bịt miệng mũi.”
“Đúng vậy.” Anh Vĩnh nói, “Chắc chắn là sợ nạn nhân kêu lên.”
“Nhưng tôi có nghi vấn.” Tôi tiếp, “Những vết bong tróc da trên cổ hình thành như thế nào?”
“Hình thành do da cổ ma sát với vật tương đối thô ráp.” Bác sỹ Kiều thuận miệng đáp.
“Tôi hiểu ý của bác sỹ Tần.” Anh Vĩnh nói, “Ý anh là da bàn tay và da cổ không thể hình thành hiện tượng bong da, chỉ có đeo găng tay mới làm được, bởi vì găng tay thô ráp, ma sát với cổ sẽ khiến da vùng cổ bong tróc.”
Tôi gật đầu, lại dùng kẹp cầm máu chỉ vào những tổn thương hình trăng khuyết, nói: “Tổn thương hình trăng khuyết này, tôi cho rằng đó là dấu móng tay, các anh không phản đối chứ?”
“Không.” Bác sỹ Kiều lắc đầu.
“Nhưng,” anh Vĩnh nói tiếp, “Đeo găng tay thì làm sao để lại dấu móng tay trên da nạn nhân?”
Thấy anh Vĩnh hiểu được suy nghĩ của mình, tôi bèn nói tiếp: “Nếu hung thủ là Kim Bình thì vì sao cô ta lại đeo găng ta? Có da bong tróc, có vết móng tay, có khi nào là nhắc nhở chúng ta rằng hung thủ chỉ đeo một chiếc găng tay?”
“Hay là Kim Bình hẹn ai đó đến giết người, hung thủ đeo găng tay còn Kim Bình thì không đeo, cả hai người hợp lực giết chết bà cụ?” Anh Vĩnh nói.
“Nếu là có chuẩn bị mà đến, hung thủ mang găng tay để giết người bằng cách bóp cổ bịt miệng, nhưng bà lão gầy gò như vậy còn cần đến hai người cùng giết sao? Hai người cùng bóp cổ bịt miệng cũng không quá thuận tiện, hiện trường lại nhỏ hẹp như vậy, hai người cùng đứng bên giường cũng khó khăn.” Tôi nói.
“Vậy anh có ý kiến gì không?” Anh Vĩnh hỏi.
“Tôi cảm thấy nếu Kim Bình giết người trong lúc mất khống chế thì chẳng có khả năng đi tìm găng tay. Tôi vẫn cảm thấy hung thủ là một kẻ khác. Nếu hung thủ được Kim Bình hẹn tới giết người thì nhất định phải đeo đủ một đôi găng tay.” Tôi nói, “Hay là có khả năng hung thủ muốn đến hiện trường để ăn trộm, rồi thuận tay nhặt găng tay ở gần đó đeo lên? Thế nhưng tôi cũng không thể giải thích vì sao hung thủ có thể thuận lợi tiến vào hiện trường, vì sao Kim Bình lại mất tích. Cho nên trong đầu tôi bây giờ cũng loạn cả lên.”
“Vậy tiếp theo phải làm sao?” Một nhân viên thu thập vật chứng nói.
“Công tác truy tìm Kim Bình không thể dừng lại.” Tôi đáp, “Mặt khác, e rằng phải mở rộng phạm vi tìm kiếm xung quanh, xem liệu có khả năng tìm thấy một vài chứng cứ liên quan hay không.”
Công tác giải phẫu thi thể vẫn được tiếp tục.
Thông qua khám nghiệm bên ngoài thi thể, chúng tôi cơ bản đã xác định nguyên nhân tử vong của bà Tôn, công tác giải phẫu tiếp theo chủ yếu để giải quyết vấn đề chính, đó là xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến cái chết, hơn nữa kiểm tra những thứ nằm trong dạ dày có thể suy đoán thời gian tử vong.
Lúc chúng tôi lấy xương móng ra, phát hiện xương móng bị gãy, lớp nông và lớp sâu của cơ thịt vùng cổ đều có triệu chứng xuất huyết rõ ràng, xem ra có thể chốt kết quả giám định nguyên nhân tử vong là bóp cổ, bịt miệng mũi dẫn đến ngạt thở cơ tính.
Lúc chúng tôi mở dạ dày của bà Tôn ra, thấy trong dạ dày có rất nhiều thứ, đều rất khô, trong đó có một ít hạt ngô và lá dưa muối, chúng đều chưa bị tiêu hóa thành dạng sệt. Tôi theo môn vị dạ dày cắt đến tá tràng và ruột non, phát hiện thức ăn trong dạ dày đã bắt đầu chuyển dần sang ruột non.
“Buổi tối trước khi chết nạn nhân đã ăn ngô và dưa muối.” Tôi nói, “Nhìn tình trạng tiêu hóa thì hẳn là chết trong khoảng 3 tiếng đồng hồ sau lần ăn cuối cùng.”
Nhân viên thu thập vật chứng phụ trách chụp chiếu hình ảnh nói: “Điều tra được hôm đó Kim Bình và con trai 7 rưỡi tối mới về nhà, trước đó bà Tôn đợi họ về ăn cơm. Tính như thế thì bà Tôn chết vào khoảng 10 giờ đêm.”
“Đúng vậy, người ở nông thôn ngủ sớm, thời điểm đó hẳn là bà Tôn đã ngủ. Kết hợp với tấm chăn bị xốc lên ở buồng phía Đông, có thể nói lúc vụ án phát sinh thì cả nhà ba người đều đã ngủ. Suy cho cùng, khó mà xác định hung thủ chờ họ ngủ rồi mới gây án, hay Kim Bình đi ngủ sau đó dậy giết người.”
Sau khi kết thúc công tác giải phẫu thi thể, tôi và anh Vĩnh đến nhà vệ sinh bẩn thỉu của nhà xác rửa tay. Anh Vĩnh hỏi: “Tiếp theo chúng ta phải làm gì?”
“Dù sao cũng chẳng thể quay về. Sư phụ đã bảo không phá được án thì không được về.” Tôi chán nản nói, “Hơn nữa vụ án này có quá nhiều điểm đáng ngờ, nếu không phát hiện được gì thêm thì thực sự tôi cũng chẳng về được, có về cũng ngủ không ngon.”
“Đúng lúc quá.” Bác sỹ Kiều vừa thu dọn thi thể xong, đi từ phòng giữ xác đến chỗ chúng tôi nói: “Bên tôi có mấy vụ giám định thương tật nhiều nghi vấn và khó xử lý, đến chiều anh giúp chúng tôi xem thử nhé.”
Giám định thương tật rất dễ dẫn đến những vụ kêu oan, bởi vì bất kể bác sỹ pháp y đưa ra kết luận giám định như thế nào, cuối cùng vẫn sẽ có một bên cảm thấy mình bị thiệt, đôi khi còn cả hai bên cho rằng mình thua thiệt với người ta. Vậy nên khi tiến hành giám định thương tật, các bác sỹ đều làm việc vô cùng cẩn trọng, nếu như gặp phải những vụ khó giám định thì sẽ tìm mọi cách để mời cơ quan pháp y cấp cao hơn tiến hành hội chẩn, thống nhất ý kiến, đảm bảo kết luận giám định này là chuẩn xác, không sai sót thì mới dám ghi vào biên bản giám định.
Nguyên một buổi chiều chỉ nghiên cứu giám định thương tật khiến tôi choáng váng đầu óc. Buổi tối lúc trở lại nhà khách, tôi ngả đầu xuống là ngủ ngay, nửa đêm còn gặp ác mộng, phải giật mình thức giấc đến mấy lần, thậm chí còn cảm thấy dưới gầm giường có một cái xác trương phình.
Vì giấc ngủ chập chờn nên sáng hôm sau tôi ngủ tới tận 9 rưỡi, lúc đó mới bị tiếng chuông điện thoại đánh thức.
“Bác sỹ Tần, có phát hiện mới.” Là giọng của bác sỹ Kiều, “Vô cùng có giá trị.”
“Đừng vội, từ từ nói. Thế nào? Bắt được người rồi à?” Tôi đánh thức anh Vĩnh vẫn đang ngủ say trên chiếc giường khác. Tối qua anh xem ảnh chụp thi thể và hiện trường tới hơn 3 giờ sáng mới ngủ.
“Không phải. Theo lời các anh, hôm qua chúng tôi tổ chức đội kỹ thuật viên đi tìm kiếm xung quanh hiện trường, phạm vi tìm kiếm không ngừng mở rộng, quả nhiên sáng nay phát hiện được một chiếc găng tay dính máu tại bờ sông cách hiện trường 3 km.”
“Găng tay dính máu?” Tôi hỏi, “Có liên quan đến vụ án không?”
“Chắc chắn có liên quan.” Bác sỹ Kiều đáp, “Căn cứ vào lời khai của hàng xóm cũng như của người con trai nạn nhân mới về hôm qua, đây là găng tay mấy năm trước bà Tôn tự đan. Sau này bị mất một chiếc, chiếc còn lại cũng không biết ném ở chỗ nào trong nhà.”
Vì tôi có mở loa điện thoại nên anh Vĩnh cũng có thể nghe rõ tiếng bác sỹ Kiều giải thích tình huống, anh Vĩnh nói: “Kim Bình thực sự đeo một chiếc găng tay để gây án ư?”
“Ngoài ra, khi chúng tôi đi xuống từ bờ sông chỗ phát hiện găng tay dính máu thì thấy chiếc xe ba gác bị mất của hàng xóm nhà bà Tôn bị ném xuống nước.” Bác sỹ Kiều nói tiếp.
“Tiến triển rất lớn!” Tôi vỗ bàn, “Chờ đấy. Chúng tôi đến ngay đây!”