[Pháp Y Tần Minh Hệ Liệt] Người Giải Mã Tử Thi

Chương 7-1: Vụ án thứ bảy – Cậu bé mắt to - Phần 1



“Bác sĩ Tần!”

Tôi quay đầu lại. Một khuôn mặt quen thuộc xuất hiện trước mắt tôi.

Ngay lúc này, sắc mặt tôi đang tái nhợt, đôi mắt vằn lên tia máu. Không ngờ một kẻ luôn tự xưng to gan lớn mật như tôi lại bị dọa sợ đến nỗi ấy. Dù chuyện đó đã qua từ cách đây 20 phút, nhưng đến giờ nhịp tim của tôi vẫn trên 120, hai chân vẫn bủn rủn không thôi. Chẳng lẽ bác sĩ pháp y đều phải đối mặt với những sự việc tưởng như không thể diễn ra như thế sao?

“Cậu không sao chứ?” Người phụ nữ trước mắt như thấy được sự bất thường của tôi, liền quan tâm hỏi han.

“Không… Không sao… Xin lỗi, chúng ta đã từng gặp nhau phải không?” Trông chị ấy rất quen mắt, nhưng tôi vẫn chưa kịp lấy lại tinh thần khỏi nỗi kinh hoảng, nên không thể nhớ nổi mình đã gặp chị ở đâu.

“Cậu không nhớ ra tôi sao?” Ánh mắt người phụ nữ ngập tràn u buồn, “Tôi là mẹ của bé Thanh Hoa đây!”

“A! Bé Thanh Hoa!” Cuối cùng tôi cũng nhớ ra, đó là một cậu bé mắt to vô cùng đáng yêu. “Sao rồi chị? Bé con vẫn khỏe chứ?”. Tôi đưa mắt nhìn tấm biển “Bệnh viện nhân dân tỉnh”, hiểu ngay rằng những lời này hoàn toàn vô nghĩa.

Đúng như tôi nghĩ, lời nói vừa dứt, chị ấy đã rơm rớm nước mắt: “Phẫu thuật chưa được hai năm thì bệnh tình tái phát, không còn cách nào khác, chúng tôi đành đưa con đến bệnh viện tốt nhất tỉnh để chữa trị, nhưng bác sĩ nói chỉ là hi vọng xa vời thôi.”

Người phụ nữ này khoảng hơn 30 tuổi, khuôn mặt vẫn xinh đẹp, trông không giống người đã có con sáu tuổi. Nhưng từ trang phục giản dị của chị cũng có thể thấy chị ấy hiện nay không dư dả gì.

Hình ảnh bé Thanh Hoa khắc sâu trong kí ức thời thực tập tốt nghiệp đại học của tôi.

Kỳ thực tập của chúng tôi kéo dài nửa năm, phần lớn thời gian đều lăn lộn ở các phòng bệnh. Phòng bệnh đầu tiên tôi phụ trách thuộc khoa ngoại thần kinh, lúc ấy tôi là bác sĩ chăm sóc cho bé Thanh Hoa. Khi đó bé mới có 4 tuổi, hai mắt to tròn khiến cho ai thấy cũng yêu quý. Các bác sĩ, y tá cũng như bạn cùng phòng đều rất thích bé, bởi vì bé có thể khiến mọi người vui vẻ, làm cho cả phòng cười lên cười xuống.

Nhưng ông trời không dành sự ưu ái cho đứa bé hoạt bát, thích cười này. Sau một tuần bé Thanh Hoa nhập viện, kết quả chẩn đoán cho thấy: Ung thư não.

Nhìn ba mẹ mỗi ngày đều giàn giụa nước mắt, bé Thanh Hoa cũng dần hiểu được bệnh tình của mình, bé hỏi mẹ: “Có phải con sắp chết không? Không sao đâu, kiếp sau con lại là con của mẹ, nhé?” Một đứa bé 4 tuổi, nhỏ như vậy nhưng đã khiến mọi người ở đó cảm động.

Lần đầu tiên tôi đứng mổ, chính là tham gia cuộc phẫu thuật não của bé Thanh Hoa. Cuộc phẫu thuật này không chỉ loại bỏ mầm bệnh trong não bé, mà còn tiến hành cắm ống giảm sức ép vào não bé, tức là đặt trong não một ống nhỏ, luồn dưới da, nối tiếp đến khoang bụng, sau đó thông qua một cái van nhỏ, dẫn dịch ứ đọng trong não dẫn thẳng xuống bụng. Phẫu thuật kiểu này nghe thật tàn nhẫn, nhưng có kết quả hơn cả mong đợi, bé Thanh Hoa sau khi phẫu thuật liền khôi phục rất tốt, có thể chạy nhảy chơi đùa, nhưng nói năng hơi khó khăn. Tôi vốn nghĩ thằng bé được cứu rồi. Thật không ngờ, Tử thần lại một lần nữa tìm đến.

Dù tôi biết bệnh này tái phát vốn lành ít dữ nhiều, nhưng vẫn quan tâm hỏi: “Bác sĩ nói thế nào?”

“Dự định phẫu thuật lần nữa, có điều… rất khó hồi phục… Hơn nữa chúng tôi cũng không lo nổi chi phí.” Mẹ của Thanh Hoa nói mà nước mắt chỉ chực trào ra.

“Tần Minh, lại đây.” trưởng khoa Hồ gọi lớn.

“Chị ở khoa ngoại thần kinh phải không? Em lo xong vụ án này sẽ đến thăm bé Thanh Hoa. Mạnh mẽ lên nhé, đừng sốt ruột.” Tôi an ủi mẹ Thanh Hoa một câu, rồi vội chạy đến phòng cấp cứu của khoa ngoại thần kinh.

Bấy giờ tôi đã trải qua hai năm học văn bằng hai tại Học viện cảnh sát Trung Quốc, quay về quê nhà, thực tập lại Cục công an thành phố Long Phiên. So với những người cùng thực tập thì tôi có kinh nghiệm phong phú hơn rất nhiều. Mấy tháng gần đây, thầy giáo của tôi là thầy Hồ, trưởng ban pháp y của Cục.

Hai năm học tại Học viện cảnh sát, đối với kẻ có thể chất không được tốt như tôi thì đúng là những ngày Địa ngục. Học viện cảnh sát chú trọng rèn luyện thể chất cũng như nâng cao kiến thức pháp luật, vừa vặn bù đắp những khuyết điểm của tôi khi làm công an của cơ quan pháp y. Tuy rằng ở phòng tập tôi thường phải chịu cảnh đánh đấm máu me bầm dập, nhưng tôi hiểu được rằng, chỉ có vượt qua những giây phút huấn luyện gian khổ như thế, tôi mới có thể trở thành một người cảnh sát nhân dân chân chính.

Vậy nên lúc này hẳn là khoảng thời gian tâm tình thư thái nhất của tôi.

Tôi đã thuận lợi vượt qua cuộc thi công chức, quá trình kiểm tra trên tỉnh cũng gần kết thúc. Nói cách khác, chỉ cần hết kỳ thực tập, bảo vệ xong luận văn tốt nghiệp là tôi sẽ trở thành một chiến sĩ công an của tỉnh. Không có gánh nặng đầu ra nên tâm lý tôi rất thoải mái, công việc cũng theo đó mà thuận buồm xuôi gió.

Thế nhưng hôm nay, bỗng nhiên biết được bệnh tình của bé Thanh Hoa đột nhiên chuyển biến xấu, tôi không thể vui vẻ được nữa.

“Cậu chờ ở đây, tôi muốn đưa ông ấy đi cấp cứu, chụp CT xong hẳn là sẽ hiểu được tình trạng này.” Trưởng khoa Hồ chỉ giường bệnh nhân, nói.

Vì bị ảnh hưởng bởi bệnh tình của bé Thanh Hoa, nên tâm trạng của tôi lúc này từ hoảng sợ trở thành nặng trĩu. Nhìn trưởng khoa Hồ cùng hai cảnh sát đẩy bệnh nhân vào phòng cấp cứu, tôi xoay người đi sang dãy phòng bệnh của khoa ngoại thần kinh.

Bé Thanh Hoa nằm trong phòng bệnh sáu giường, là loại phòng bệnh cấp thấp nhất trong bệnh viện tỉnh. Trong phòng bệnh đầy mùi cồn sát trùng và bông băng, xộc lên gay mũi.

“Chú Tần!” Tôi vừa bước vào phòng liền nghe thấy tiếng nói trong trẻo của bé Thanh Hoa, “Chú Tần, chú… sao chú… sao chú lại đến đây?”

Có thể thấy tình trạng mất khả năng nói của bé Thanh Hoa ngày càng nghiêm trọng. Tôi mỉm cười đến gần bé con, nắm lấy bàn tay nho nhỏ, không thể nói nên lời. Dây thần kinh thị giác của bé Thanh Hoa đã bị chèn lên, dẫn đến một bên mắt bị lác, tóc cũng bị rụng sạch. Nhưng tôi nhìn trong ánh mắt bé vẫn nở rộ những lạc quan, những vui cười, khiến cho nước mắt tôi không kìm được mà trào ra.

“Con có khỏe không?” Tôi cố gắng điều chỉnh hô hấp, nghẹn ngào nói mấy chữ này.

“Không… không sao đâu, con không sợ chết… chú… chú.” Giọng bé Thanh Hoa vẫn quen thuộc như vậy, nhưng mỗi chữ rót vào tai đều thấy thật khó khăn biết mấy.

“Đừng nói lung tung, con sẽ không chết.” Dẫu rằng bé chỉ là một trong những bệnh nhân mà tôi đã từng chăm sóc, nhưng bất cứ ai nhìn thấy một đứa bé nhỏ như vậy mà kiên cường chống chịu sự tra tấn của bệnh tật, đều sẽ không cầm được nước mắt.

“Ngoan, chịu khó dưỡng bệnh, chú sẽ quay lại thăm con nhé.” Tôi thực sự không thể khống chế được nỗi nghẹn ngào, đành tạm biệt bé Thanh Hoa, xoay người rời khỏi phòng bệnh.

Ngoài cửa, mẹ của Thanh Hoa – Phó Ngọc đang úp mặt vào vai chồng mình là Ngô Kính Phong khóc nức nở. Ngô Kính Phong chỉ biết bất lực nhìn lên trần nhà.

“Tình trạng hiện nay như thế nào?” Tôi phá vỡ không khí vô cùng bi ai này, hỏi.

“Bác sĩ nói, lần này mầm bệnh tái phát ngay bên cạnh động mạnh, nếu phẫu thuật sẽ vô cùng mạo hiểm. Giờ vẫn đang giữ nguyên quá trình trị liệu.”

“Có khó khăn gì không?” Tôi hỏi.

“Chi phí rất cao. Thứ gì đáng tiền đều đã bán hết rồi, nhà cũng chẳng còn, sắp không kham nổi nữa. Mà phản ứng sau hóa trị của thằng bé rất nghiêm trọng, nôn đến chết đi sống lại, chúng tôi… Chúng tôi thật không đành lòng.” Phó Ngọc nói xong lại khóc òa. Dù sao tôi cũng từng là bác sĩ chăm sóc cho con họ, vậy nên họ rất tin tưởng mà kể hết với tôi.

Khi đó không có Weibo, không tìm được cách nào để kêu gọi quyên góp cho bé Thanh Hoa, tôi chỉ có thể lấy hết 200 tệ của mình, nhét vội vào tay Ngô Kính Phong, sau đó gạt nước mắt rời khỏi phòng bệnh.

Trong lòng vô cùng đau đớn.

Trước cảnh ngộ của đứa bé đáng yêu này… tôi đành bất lực.

Khi đến phòng chẩn đoán của khoa ngoại thần kinh, tôi thấy trưởng khoa Hồ đang cầm kết quả chụp CT, đưa lên máy chiếu. Ông cùng chủ nhiệm Ngụy của khoa não trao đổi gì đó. Tôi đi tới, nhìn vào phim chụp. Trưởng khoa Hồ không biết tôi đi gặp người quen, còn tưởng tôi trốn đi hút thuốc, cười hỏi: “Thế nào, chưa bị dọa cho ngu người đấy chứ? Xem phim chụp đi, thấy có vấn đề gì không?”

Vấn đề này chỉ như trò trẻ con, không thể làm khó được tôi. Tôi thuận miệng đáp: “Là tổn thương va đập đối xứng.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.